Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Như Lai không giác ngộ Giác-Ngộ

 (Buddha never enlightened enlightened)

Lê Huy Trứ

(The Buddha being tempted by the demon Mara. Hulton Archive/Getty Images)

Đức Phật đang bị Ma Vương quấy phá


 

Contents

Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma). 3

Đức Phật giác ngộ được suy diễn như thế nào?. 9

Đức Phật tham thiền nhập định & giác ngộ như thế nào?. 13

Giác ngộ sướng như thế nào?. 16

Đức Phật giải thích, thế nào là Bồ Tát (Bodhisatva)?. 19

Thế nào là La Hán (Arahat)?. 20

Sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, và A La Hán. 22

Đạo bình đẳng. 30

Ai tu nấy chứng. 34

Yếu chỉ của Phật Giáo. 39

Ưng vô sở trụ. 43

Bản thể Chơn Tâm.. 50

Ðức Phật A Di Ðà. 53

Như không. 56

Như Lai không nói một chữ.. 58

Vạn pháp giai không. 63

Như Lai không giác ngộ giác ngộ!. 70

                                                                                                       


 

Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma)

Cây bồ-đề là loại cây thông thường mọc nhan nhản ở Ấn Độ, và những quốc gia ở vùng nhiệt đới.  Nhưng cây bồ đề mà Đấng Thế Tôn 'Buddho Bhagava,' [Buddho (Bụt, Phật),  Bhagava (Thế Tôn)] đã chọn để tạm tá túc trong lúc tham thiền nhập định cho tới khi Ngài giác ngộ thành Phật là cây bồ đề rất đặc biệt được Phật Tử sùng bái gọi là Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma).

Thăng trầm theo dòng lịch sử, cây Bồ Đề đặc biệt này đã được thế nhân tin như là một báu vật linh thiêng, được tôn kính như là một biểu tượng liên quan đến sự giác ngộ của Đức Phật.

Cây bồ-đề (Bodhi tree) được gọi là "asvatthi," hoặc là cây Đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ-đề là "ficus religiosa" nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ," hoặc thường được gọi là ‘cây bồ-đề.’Ven. Pategama Gnanagama, Bhikkhuni Sanghamitta, p. 45; Dharmadoot, Maha Bodhi Society of India, Sarnath-2000.

Chính dưới cây này, Đức Như Lai đã tham thiền nhập định trong nhiều ngày.  Đức Thế Tôn đã chiến thắng vượt qua tất cả những thử thách nội tâm, và cuối cùng Ngài đã bổng nhiên đại giác ngộ đạt được nhất thiết chủng trí.

(According to Buddhist texts, the Buddha meditated without moving from his seat for seven days under this tree.)

 

Theo kinh sách viết, Đức Phật tham thiền nhập định không rời chổ ngồi của Ngài trong 7 ngày dưới cội cây này.

 

Cây bồ-đề bên tòa Kim cang (Vajrasana) ở trên chính là cây Tatpala, cùng giống với cây đa (pippali) là một nhánh của cây chính.  Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế cây mẹ gốc cao vài trăm feet (?) nhưng trong quá khứ lịch sử đã bị phá huỷ, đốt, chặt, đốn nhiều lần bởi ngoại đạo.

Không những chỉ cây bồ đề gặp nạn mà khoảng chừng 700 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật Giáo đã gần như hoàn toàn bị hủy diệt ở vùng đất phát sinh ra nó, những thánh tích như Bồ-đề Đạo Tràng (Buddha-Gaya), Sarnath (Benares), núi Linh Thứu (Rajagriha) v.v… đều bị phá hủy, đốt, đập phá tan nát bởi ngoại đạo.

Những đệ tử Phật đã phải bỏ trốn lưu vong qua Tây Tạng mang theo rất nhiều kinh điển của Phật Giáo.

Bây giờ, Dalai Lama và những sư Tây Tạng “tái bỉ ngạn,” tây du, chạy sang di trú ở Ấn Độ để tỵ nạn đàn áp tôn giáo và chiếm đóng Tây Tạng của Trung Cộng nhưng đa số văn hóa quý giá của Phật Giáo vẫn còn ở lại Tây Tạng.

“Theo biên niên sử của Tích Lan, Dipavamsa (thuộc thế kỷ IV), Mahavamsa (thuộc thế kỷ V) và Samanta-Pasadika (thế kỷ V) được viết bằng hai ngôn ngữ Pali và Tích Lan (Sri Lanka) cho biết rằng trong lúc vua Devanamapyatissa trị vì vào thế kỷ III trước Tây lịch, thì con trai của Đại đế A-dục (Ashoka) là Tỳ kheo Mahinda đã đi truyền đạo tại Tích Lan và đã cảm hóa được vua chúa cũng như những người dân ở hòn đảo bình yên này. Và Ngài đã thành lập Tăng già Phật giáo đầu tiên tại đây.

 

Trong thời gian Ngài Mahinda ở Tích Lan, Ngài đã khuyên vua Devanamapyatissa kiến nghị vua A-dục biếu một nhánh cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng để trồng ở thủ đô Anuradhapura, Tích Lan.” Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, Diệu Hương

 

Theo sử sách, hơn 2.000 năm trước, theo lệnh của quốc vương ở xứ được gọi là Ấn Độ ngày nay, đó là Ashoka Đại Đế, một nhánh từ thân cây rất quan trọng nầy đã được chiết ra từ một cành phía nam của cây bồ-đề ngay dưới tán cây đặc biệt được cho là nơi Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã ngồi tham thiền và đắc đạo.

Vua Ashoka ban tặng dấu ấn vương quyền lên cành cây đó, cho trồng nó trong một bình làm bằng vàng ròng, rồi ban chiếu chỉ sai con gái mình đích thân đưa cành cây tôn kính đó băng núi và xuôi Sông Hằng xuống Vịnh Bengal.

Con gái của vua Ashoka là Tỳ Kheo Ni Sanghamitta đã qua thăm Tích Lan với mục đích thành lập ni đoàn Phật Giáo cho giới nữ tu và đã lên tàu ra khơi rước nhánh bồ-đề này qua Tích Lan cung tiến cho nhà vua Devanampiyatissa của nước này.

Vua Ashoka yêu mến cái cây tới mức ngài đã nhỏ lệ khi nhìn cảnh nó được đưa đi.

Bức tranh diễn tả Tỳ kheo ni Sanghamitta mang một cây Bồ đề được chiếc từ cây Bồ đề từ đất Phật

Nhánh cây bồ đề này được trồng tại thành phố cổ Anuradhapura suốt trong thời vua Devanampiyatissa trị vì và vẫn còn xanh tốt cho đến ngày nay.

Sau này, người dân Tích Lan đã gọi cây bồ-đề tại Tích Lan này là "Sri- Maha-Bodhi," nghĩa là cây bồ-đề thiêng liêng.

Nói về dữ kiện của cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng và tại Tích Lan, báo The Maha Bodhi, Buddha Gaya, tháng 7, 1903 nói rằng:

"Cây bồ-đề mà Đức Phật Bhagawan ngồi thiền trước kia bây giờ không còn nữa. Cây đã bị hủy diệt năm 1874 (Pl. 2418). Một nhánh của cây bồ-đề này đã được Tỳ-kheo-ni Sanghamitta, con gái vua A-dục mang đến trồng tại thủ đô Anuradhapura, Tích Lan. Khi cây gốc bị hủy diệt năm 1874, một [trong những] nhánh cây con mới mọc lên và đó là cây bồ-đề sum suê tại Bồ-đề Đạo Tràng hiện nay. Cây mọc rất tươi tốt và rậm đầy lá xanh."

Theo các nhà khảo cổ học cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ Rig Vê đa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây bồ-đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó.” Gnamarama P.Ven., Aspects of Early Buddhist Sociologist Thought, p. 163.

Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, Diệu Hương tham khảo:

Khái niệm thờ cây đạt đến đỉnh cao trong việc thờ cây bồ-đề. Sự quan trọng của nó không chỉ nằm ở bản chất hùng vĩ của cây mà còn là sự kết hợp của sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật, đó là giác ngộ. Vì vậy, cây bồ-đề từ một cây thông thường đã được coi như biểu tượng của chính sự hiện diện của Đức Phật và sự chứng ngộ Phật quả. Có một sự kiện về cây bồ-đề đã xảy ra ngay khi Đức Phật đạt giác ngộ. Đức Phật đã trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ-đề với ánh mắt biết ơn cây đã che chở cho Ngài những đêm mưa gió bão bùng, những ngày nắng đốt như lửa trong suốt thời gian qua cho đến khi Ngài đạt giác ngộ. Tất cả những sự kết hợp này đã tạo nên những đặc tính của cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng – cây giác ngộ.”

 

Bình luận về việc thờ phượng cây bồ-đề hiện nay, nhà đại học giả Phật giáo Rhys Davids đã thận trọng nhắc chúng ta rằng việc thờ phượng đối với những vật thể bên ngoài như cây cối là việc không thật sự ích lợi [cho trí tuệ, và việc tu hành giác ngộ, Trứ], nhưng vì cây bồ-đề này có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời Đức Phật và sự giác ngộ tối thượng của Ngài.   Ngày nay, những hình thức nghi lễ [tôn giáo] xung quanh cội gốc bồ-đề ngày một phát triển [của tín ngưỡng][lòng tin] không chút suy giảm [của tín đồ nên được sáng suốt hiểu là biểu lộ lòng tôn kính thay vì mê tín cầu xin cho mục đích ích kỷ như đa số cả tin mà thờ phượng cúng bái] dù đã trải qua nhiều thế kỷ.”

Câu chuyện trên này được tôi bổ sung chi tiết qua bài viết trên của Diệu Hương và từLịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề”, Mike Shanahan, BBC Earth, trích từ sử thi The Mahavamsa của Sri Lanka, nói tới cây bồ đề lịch sử, Buddha tree mà các khoa học gia gọi là Ficus religiosa.

Cây bồ-đề gốc tại Bồ-đề Đạo Tràng đã bị hủy nhiều lần bởi nhiều thời đại sau đó. Vì vậy, cây bồ-đề được chiết trồng đã trải qua 5 đời tại thành phố Anuradhapura ở Tích Lan được lịch sử biết được và công nhận là từ cây cổ nhất trên thế giới.

Đúng như tên gọi và nhân duyên của nó, cây Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma) này là một chuổi nhân quả từ quá khứ cả hàng ngàn năm, trước cả thời Thái Tử Tất Đạt Đa và vua Ashoka, được mọc lên đúng chổ, đúng nơi để chờ phục vụ, che chở đấng chí tôn cho đến ngày Ngài đắc đạo. 

 

Đức Phật giác ngộ được suy diễn như thế nào?

Trong 49 ngày lịch sử quyết tâm chứng đạo vô thượng đó (có sách viết một vài ngày) của Đức Phật, đã để lại vô lượng công đức và đại sự nhân duyên cho chúng sinh, nhưng những gì biến đổi trong tâm của Đức Thế Tôn như được diễn tả trong kinh sách hình như chỉ là truyền thuyết chứ không phải được thuật lại từ kim khẩu của Như Lai?

Sau 6 năm khổ nhọc tầm đạo, Đức Thế Tôn “tự mình thắp đuốt” đi tìm chân lý.  Cuối cùng Ngài chọn nơi đây, dưới cội bồ đề này, và quyết chí nguyện rằng: Từ nay, nếu không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thà để cho thịt nát xương tan, chứ quyết không đứng dậy khỏi nơi này! (Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm).

 

Trong Duy Lực Thiền, Đức Phật A Di Đà Là Ai? Truyền Bình viết, “Phật (Buddhàya) không phải là một vị thần linh, mà chỉ là một người giác ngộ, tự mình thân chứng bản tâm bất nhị là bản thể của vũ trụ vạn vật. Kinh điển Phật giáo nói rằng khi Đức Phật Thích Ca ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề, thì các thần thông, là những thuộc tính vốn có của tâm giác ngộ, hiện ra đầy đủ, nên:  Về mặt không gian Ngài nhìn thấy suốt cả Tam thiên đại thiên thế giới, còn gọi là Tam giới tức là Ba cõi thế giới, bao gồm Dục giới [ sa.(tiếng sanskrit) kāmaloka,  thế giới mà chúng ta đang sống]; Sắc giới [色界, sa. rūpaloka thế giới cõi trời nơi chúng sinh có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian]  và Vô Sắc giới [無色界, sa. arūpaloka, thế giới nơi chúng sinh không còn thân thể vật chất mà chỉ còn tinh thần, ý thức]. Về mặt thời gian, Ngài nhìn thấy suốt cả quá khứ vị lai không có bắt đầu, không có kết thúc. Về mặt số lượng, Ngài nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới, vật thể, chúng sinh, không phân biệt lớn nhỏ, từ vũ trụ bao la đến thế giới vi mô của những vật thể cực kỳ nhỏ bé mà ngày xưa không có danh từ diễn tả, nên tạm gọi là vi trần (hạt bụi nhỏ). Thật ra Ngài nhìn thấy cả thế giới hạ nguyên tử (Sub Atomic) thấy cả những vật thể như hạt quark, electron, neutrino. Cái thấy đó vô cùng siêu việt, Ngài nhận ra cả những khoảnh khắc thời gian cực ngắn gọi là sát-na nhiều lần nhỏ hơn một giây đồng hồ (second). Đó gọi là chánh biến tri, biết cùng khắp không gian thời gian. Vì sao cái biết lại tuyệt đối như vậy ? Bởi vì Thích Ca chính là Tâm bất nhị, chính là Tam giới. Bộ Kinh Thành Duy Thức Luận (成唯識論 ) của ngài Huyền Trang dịch, đã tổng kết : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” Tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách quan, cũng chỉ là biến hiện của Tâm mà thôi. Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi chúng sinh đều có  sẵn, và không hề thua kém chút nào so với Phật Thích Ca, bởi vì đều chung một Tâm bất nhị, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật chất nhỏ bé tầm thường, chúng không “ngộ” được mà thôi, và vì không giác ngộ nên chúng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ. Đức Phật thấu hiểu tính chất trống rỗng của nguyên tử vật chất, một điều mà phải đến cuối thế kỷ 20, nghĩa là 25 thế kỷ sau thời Đức Phật, những nhà bác học hàng đầu của nhân loại mới hiểu, khi họ khám phá ra hạt quark với đặc tính lạ lùng.

Trở lại với thế giới đời thường, Đức Phật thấy rằng tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa lâu đài, vạn vật, con người đều chỉ là nhân duyên (sự kết hợp có điều kiện) của cái không (trống rỗng không là gì cả, cái hư không vô sở hữu (không phải là sự thật tuyệt đối). Chỉ có cái bản tâm bất nhị, bất biến, bất sinh bất diệt, vô ngã (không phân biệt ta và người), vô lượng (không có số lượng), tuyệt đối (vô phân biệt, không có các cặp phạm trù mâu thuẫn) mới đích thực là mình, tất cả chúng sinh đều có chung một tâm đó. Vì thế Ngài nói rằng : tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành (chứ không phải sẽ thành) bởi vì cái bản tâm đó đã sẵn có (trước khi vũ trụ được thành lập) chỉ cần buông bỏ cái tâm nhỏ hẹp, mê muội, chấp trước (không phải là mình thật) để hòa nhập vào cái tâm vô lượng quang, vô lượng thọ (tức A Di Đà), cái đó còn gọi là Niết Bàn 涅槃, sa. nirvāṇa tức là bất sinh bất diệt hay là không còn sinh diệt (diệt tận 滅盡).”

Kinh Trung A- Hàm, La-ma thứ 56, “Cuối cùng, vào đêm mùng 8 tháng Chạp (tức đêm mùng 8 tháng Pao sa, tháng 2 theo lịch Ấn), lúc canh hai, Ngài chứng được quả Túc mệnh minh, thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới.  Nửa đêm canh ba, Ngài chứng được quả Thiên nhãn minh, thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. Đến canh tư, Ngài chứng được quả Lậu tận minh, thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi sao Mai vừa mọc, Ngài hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, tất cả pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã.”

Theo thiễn ý, đêm chứng Tam minh của Đức Thế Tôn mà kinh Đại Thừa miêu tả không phải là “tam nguyên” mà là “bất tam.” 

Mỗi Minh cũng không tự tính.  Không Tam Minh, không từng là một.  Không có một cũng không có ba.

Vì khi mà Đức Thế Tôn “thấy được rõ tất cả bản thể của [vô lượng] vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó” thì hai cái minh kia trở thành vô nghĩa vì cả hai cũng là bản lai của vũ trụ. 

Mà cái bản lai diện mục đó là vô sanh vô diệt, vô thủy vô chung, không có nguyên nhân hậu quả cho nên cái bản lai đó không bị chi phối bởi luật vật lý nhân quả (cause & effect) lẫn duyên khởi (dependent origination)? 

Cho nên “nguyên nhân cấu tạo của nó” cũng vô nghĩa luôn, sá gì cái “đạo lý vô ngã?”

 

Có thể vì vậy mà khi được hỏi, Ngài im lặng, không trã lời?

Kinh Pháp Hoa đã cố gắng giải thích: “Pháp hy hữu khó hiểu đệ nhất [như vậy] mà Phật thành tựu chỉ Phật cùng Phật mới có thể thấu suất thật tướng [như vậy] của các pháp [như thị, Trứ].” 

Theo tôi thì Ngài tri kiến cái đạo lý Như Thị (As Is!) bất khả tư nghị!

Đức Phật tham thiền nhập định & giác ngộ như thế nào?

Hơn nữa, không có kinh điển nào ghi chép lại đầy đủ chi tiếc cái điều đơn giản và thực tiển nhất đó là Đức Thế Tôn tham thiền nhập định như thế nào trong 24 giờ/49 ngày không ăn, không uống, không ngũ như đa số nghe đồn như vậy? 

Ngài đã thở như thế nào, bằng bụng?  Sau vài tiếng đồng hồ cơ thể có mỏi mệt và hai chân có tê liệt không?  Có ngủ gục không?  Và thắc mắc cuối cùng là Ngài đã có gõ mõ, tụng kinh, niệm nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật không?

 

Cho đến khi nhờ nhân duyên mới tìm được một dòng chữ này trong bài pháp luận của cố giáo sư, cư sĩ Phạm Công Thiện, (Ngộ Nhập, Phần Thứ Hai, Tiến Tới, Chương Ba Bước Chân Thứ Ba Lên Ðường Thực Hiện Việc Trở Về Sự Im Lặng: Sự Chuyễn Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Lên Đường Viễn Ly, Phạm Công Thiện.)

Tàn canh đêm, đức Phật thức dậy ngồi im lặng và dương mắt lên nhìn chăm chăm vào cả vũ trụ thế gian.”  (Buddhaghosa, Sumangala Vilàsinì. 1-45)

Tôi cũng không có nhân duyên để đọc được kinh sánh nào thuật lại rằng có một cao đồ nào đó của Đức Phật đã hỏi Ngài tham thiền như thế nào để thế nhân sau này có thể dể đốn ngộ hay gặt hái được một chút thành công thay vì phải tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, nghe thuyết giảng, ngồi thiền, và tu hành cả đời mà vẫn bị nghiệp báo không mấy ai thật sự giải thoát, giác ngộ, thành chánh quả?

Thái tử Tất Đạt Đa với tâm bồ tát, xuất gia, tầm sư học đạo chẳng qua là muốn giải tỏa những tư duy của nội tâm, và cũng để tìm ra lối giải quyết thích đáng cho những vấn nạn sinh tử, đau khổ trên đời của nhân sinh? 

Trong vòng 6 năm đầu, Đức Thế Tôn tuy là học trò nhưng Ngài tu chứng cao hơn những thầy giáo, đạo sĩ dạy mình.  Hơn nữa, những đạo sĩ này cũng tự biết là họ không đủ trình độ tâm linh để làm thầy Đức Thế Tôn.

Nhưng những tâm linh mà Đức Thế Tôn đã đạt được qua những duyên gặp gỡ đó, Ngài không nhận thấy đó là chân lý rốt ráo, tối thượng nên tự mình thắp đuốc mà đi.  Cùng với những căn cơ đã đạt được trong 6 năm đó cộng thêm tự lực quyết tâm tham thiền nhập định trong nhiều ngày bỗng nhiên Ngài đã đạt được “vô thượng chánh đẳng chánh giác” như đã được thuật lại trong kinh sách.

Theo Kinh Trung A- Hàm, thuật ở trên thì hình như đốn ngộ là một chuổi tiệm ngộ theo phương trình thứ tự của thời gian chứ không phải đốn ngộ của nội tâm? 

Thay vì, cái đốn Ngộ đó được những thiền sư và nhiều sách hiện đại khác mô tả như là bỗng nhiên bùng lên trong tức khắc ngoài tầm kiểm soát của ta (ngã)?

Như đa số chúng ta quan niệm, những giây phút tiệm ngộ chỉ làm cho ta tạm thời giác ngộ chứ chưa hẳn là đốn ngộ đưa đến hoàn toàn giải thoát.  Ngay cả đốn ngộ cũng chưa hẳn thành Phật.

Tôi tạm thời tóm tắc.  Đức Thế Tôn đã xếp bàn ngồi theo kiểu kiết già, thiền quán nhiều ngày dưới gốc cây Bồ Đề, chiến đấu với những nghi vấn sinh tử, những khổ nạn đau khổ của chúng sinh, những cám dổ của tham, sân, si, và những thử thách của thể chất.  Lần lần, Ngài đã thấy rõ và làm chủ được những ám ảnh, lúc ẩn lúc hiện đó trong tâm thức.  Bổng nhiên, Ngài đạt tới giai đoạn bùng nổ như big bang của đốn ngộ, và ngay trong lúc thập tử nhất sinh đó Ngài phải đối phó với giặc thiên ma do “Ma Vương Mara” chỉ huy bằng cách giữ cho lòng sắc son, tâm thanh tịnh, tinh thần sáng suốt, và rồi Ngài dùng tuệ nhãn thông suốt kỳ tâm, soi sáng u minh, xuyên thấu ảo tưởng để thấy nguyên hình của Ma Vương (ma tâm) và yêu nữ (dục tâm) vì vậy mà Ngài đã chiến thắng, khuất phục Ma Vương (tâm phang duyên) thay vì bị Mara dẩn dụ vào đường ma đạo, phá hoại công phu tu hành, đưa đến tẩu hỏa nhập ma.

“Phật Giáo đả vượt qua ải tâm linh tới bến chân như hơn 2,500 năm về trước. Khi Tâm Thức của hành giả thoát nhiên giác ngộ, tức khắc giải thoát, thấy tự tánh đi xuyên qua điểm nhất thễ, nhập cùng sự tĩnh lặng vô cùng của “lỗ hổng thời gian,” và sự ngưng đọng của vật chất trong hố đen đó, rồi đột nhiên bùng nỗ, đạt được vô thượng giác ngộ, thành Phật. Đây là trạng thái đạt được Niết Bàn trong Phật giáo với sự tĩnh lặng, ngưng đọng vĩnh cửu của thời gian. Đó chính là Chân Như Tĩnh Tịnh, Niết Bàn Tịnh Độ. Hay nói một cách khác, vượt bờ an tâm (duy ngã), qua biễn khỗ (hố đen mê muội,) đến bến kiến tánh (vô ngã.)”

(Vô Tự Chân Kinh, Tái Khám Phá [Resdiscovery], tác giả Lê Huy Trứ)

Như kinh nói, chư Phật, Đức Thế Tôn chỉ vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, đại sự đó chính là Tri Kiến Phật. 

Đức Thế Tôn kia từ trong tam-muội mà hiển hiện, dùng bao nhiêu phương tiện để khuyên bảo chúng sinh nên buông dứt, chớ hướng ra ngoài tìm cầu nơi tha lực mà nên tự lực để tu hành thì cũng sẽ phát tâm bất nhị, khai Phật tri kiến. Lục Tổ cũng khuyên tất cả chúng ta nên quán tự tại để khai tri kiến Phật ở trong tự tâm của mình.

Giác ngộ sướng như thế nào?

Hình như, Ngộ không có đích để đến.  Vô không gian-không thời gian mà chỉ bổng nhiên, bất ngờ: Một pháp thông vạn pháp điều thông?

Cái gì Ngộ?  Cái Vô Ngã ngộ hay cái Ngộ ngộ vô ngã?  Hay là cái Tâm ngộ? 

Từ mê tới ngộ rất khó lường nhưng từ ngộ trở lại mê thì chỉ trong sátna.

Vậy thì giác ngộ sướng như thế nào?

Rồi có một ngày, thiền sư tuyên cáo rằng một sư trẻ đã đạt được giác ngộ. 

Các sư trẻ khác đến gặp sư đó, “Chúng tôi nghe rằng sư đệ đã giác ngộ.  Có phải như vậy không?”

Sư trẻ, “Đúng như y như rứa!”

Vậy thì giác ngộ nó sướng như thế nào?” Họ hỏi.

Sư trẻ trã lời, “Chưa khi mô, khổ răng mà khổ như rứa!”

Các sư trẻ ngạc nhiên, “Tại sao giác ngộ lại khổ quá như vậy?”

Sư trẻ trã lời, “Đệ chỉ mới giác ngộ như bị điện giật tê tê nhưng chưa được giải thoát vì chưa bị điện chân hỏa tam muội giật sướng muốn chết đi được.”

(Tác giả Lê Huy Trứ, phóng tác từ chuyện thiền Nhật Bản, 2016)

Tôi chưa có được diễm phúc để gặp bật giác ngộ nên không biết giác ngộ sướng như thế nào?

Nhưng có người đã từng hỏi tôi, kẻ phàm phu tục tử này, đã có bao giờ “kinh qua” như bị điện giật không?

Tôi đã trã lời:  Ta bị “kinh qua” điện giật tưng tưng sướng muốn chết cũng chả ăn nhằm gì tới người.  Người bị “kinh lại” điện giật đau chết cũng chẳng nhằm nhò gì đến ta.

Ai bị giật nấy “kinh chết”.  Sướng khổ tự “kinh nghiệm” dưới truyền đài như cái sự đời quá ngắn ngủi trong vài kiếp, chưa kịp thấy sướng, tu hành chưa xong thì đã vội vàng bỏ đó mà đi phó hội vườn đào. 

Thực tế, sanh tử luôn cận kề, phạm hạnh chưa kịp tu thành, những gì không nên làm đã lỡ làm nhưng lại phải bỏ dở vì nữa đường đứt gánh.  Cái nghiệp thân này còn nặng nợ, cho nên, sau đời này mới có đời sống khác nữa để trã nợ tiếp.

Hơn nữa, “nếu lở dại” cầu giác ngộ được giác ngộ, phạm hạnh đã làm xong rồi thì chúng ta sẽ còn gì nữa để mà làm, ở đây làm gì nữa sau khi đã đạt giác ngộ?

Có lẽ cũng vì vậy mà từ hơn 2600 năm nay rất ít người muốn vội đáo bỉ ngạn tái thành Phật chứ không phải khó giác ngộ, thành Phật?

Nghe nói như vậy nhưng đừng vội tin như vậy mà phải thấy trước như vậy đã rồi mới tưởng như vậy và kiến như vậy vì nó y hệt như vậy.

Ôn ơi! Răng “như thị” nó ngụy tặc dữ sợ như rứa?

Ra ngoài tê mà hỏi cái chủi ngoài cươi tề.

Đức Phật giải thích, thế nào là Bồ Tát (Bodhisatva)?

"Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối."

Bồ Tát Là Giác Hữu Tình, Minh Đức viết, “Bồ-đề tát-đỏa gọi tắt là Bồ tát có nghĩa là hữu tình giác. Chúng sanh có 2 loài là hữu tình và vô tình. Có tỉnh thức thì gọi là Giác, còn ý-thức chập chờn đổi thay thì gọi là chúng sanh hữu tình, còn mê theo tinh cảm của chúng sanh thì là phàm phu, tĩnh giác thì gọi là hữu tình giác tức là bồ tát.”

Trong Sự Khác Biệt Giữa A La Hán Và Bồ Tát Là Gì?  TK Thích Phước Thái giảng, “Bồ tát có 2 nghĩa: một là hữu tình giác, hai là giác hữu tình. Thế nào là hữu tình giác? Bồ tát cũng là một con người như chúng ta, nhưng là một con người giác ngộ và sau khi giác ngộ, các Ngài đem sự giác ngộ đó giáo hóa cho mọi người cũng đều được giác ngộ như các Ngài, thì gọi các Ngài là Bồ tát. Như vậy, ai cũng có thể làm Bồ tát được cả. Nếu chúng ta chịu khó tu học và có tấm lòng vị tha nhân ái làm lợi ích cho mọi người, cũng đều gọi là Bồ tát. Tóm lại, Bồ tát chỉ là một con người, nhưng là người giác ngộ, làm lợi mình và lợi người, đó là Bồ tát.

 

Khác trên hình thức: Bồ tát không nhứt thiết phải là người có hình thức xuất gia mà người tại gia vẫn làm Bồ tát. Như vậy, Bồ tát có hai hạng: xuất gia và tại gia. Ngược lại, A la hán, thì phải là người xuất gia, vì các Ngài thọ đại giới Tỳ kheo, hay Sa môn vậy.”

Thế nào là La Hán (Arahat)?

 
La Hán (Arahat) có 3 nghĩa: Sát Tặc (diệt sạch giặc phiền não trong tâm), Vô Sanh (đồng nghĩa với Niết Bàn, tâm đầy an tịnh không còn sanh tử luân hồi) và Ứng Cúng (thật xứng đáng cho trời người cúng dường.)


"- Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt Sắc... đoạn diệt Thọ...đoạn diệt Tưởng... đoạn diệt các Hành... đoạn diệt Thức, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác.

- Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải thoát nhờ trí tuệ, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt Sắc... đoạn diệt Thọ... đoạn diệt Tưởng... đoạn diệt các Hành... đoạn diệt Thức, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.


Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sai biệt, thế nào là sự đặc thù, thế nào là sự sai khác giữa bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, và bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ?

- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu được Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì!

- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

- Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường (trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo.

- Còn nay, này các Tỷ-kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu (đạo).

Này các Tỷ-kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ."
 

Khác biệt với quan điểm và mục đích tối thượng của Đại Thừa là tu để thành Phật. Tiểu Thừa không chấp nhận điều trên này, như trên internet, webpage, Forum của Thế Giới Vô Hình, trong mục đề tài: Sự Khác Biệt Giữa Phật, Duyên Giác, A La Hán, Nhất Đẳng viết,  “Phật và A La Hán sự tu chứng đạo thì không khác nhau, nhưng đức Phật khác với những bậc A La Hán là vì đức Phật là người Thầy, là người đầu tiên khởi lên, đem lại và tuyên thuyết bốn chân lý của loài người, còn Alahan (bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ) là người tu theo 4 chân lý đó (Tứ Diệu Đế).”

Tiểu Thừa cũng không chấp nhận “Bồ Tát đã chứng và xuống trần để đi độ người khác theo bổn nguyện của mình, hành trì 6 Ba-la-mật-đa sau đó sẽ thành Phật... Và tất nhiên Bồ tát phải to hơn Alahan.” Nhất Đẳng viết trên internet.

Sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, và A La Hán

Trích và tuyển tập trong những pháp luận, kinh Phật và Kinh Ưu Bà Tắc Giới Phẩm Ba Loại Bồ Đề Đức Phật giảng về sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, A La Hán chứ không phân biệt cao thấp, hơn thua, to nhỏ như sau:

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói, Bồ Tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ đề có ba loại: Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, và Phật Bồ đề. Nếu thành tựu Bồ đề gọi là Phật, tại sao Thanh Văn, Duyên Giác không được gọi là Phật? Nếu người giác ngộ pháp tính được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng giác ngộ pháp tính, tại sao không được gọi là Phật? Nếu người chứng được Nhất Thiết Trí được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng chứng được Nhất Thiết Trí, tại sao không được gọi là Phật?”

Ngài dạy,Thiện nam tử! Bồ Đề có ba loại: một là từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ; hai là từ sự suy tư mà chứng ngộ, ba là từ sự tu hành mà chứng ngộ.

Thanh Văn từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ, nên không gọi là Phật.

Duyên Giác từ sự suy tư mà chứng ngộ ít phần, nên gọi là Duyên Giác.

 

Chư Phật là Bậc Không Thầy, cũng không nhờ nghe Pháp, hoặc suy tư, mà chỉ do sự tu hành mà giác ngộ tất cả, thế nên gọi là Phật.


Kinh Pháp Hoa ghi: “Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu suốt thật tướng của các pháp, tánh như vậy, tướng như vậy, nhân vậy, duyên vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy.


Thiện nam tử! Vì thấu rõ pháp tính
(tự tánh), nên gọi là Phật. Pháp tính có hai loại: một là Tổng Tướng, hai là Biệt Tướng. Hàng Thanh văn chỉ biết tổng tướng, nên không gọi là Phật. Duyên Giác, tuy đồng với Thanh Văn biết Tổng Tướng, nhưng chẳng phải do sự nghe Pháp, nên gọi là Duyên Giác.

 

A-tỳ-đàm Tâm luận có ghi: “Bậc liễu tri được tự tướng và cộng tướng cả các pháp là Phật.

 

Phật có đủ hai trí là tổng tướng trí, trí biết tướng chung của các pháp; biệt tướng trí là trí biết riêng các pháp.


Đức Như Lai Thế Tôn, thấu rõ tất cả Tổng Tướng, Biệt Tướng. Không do sự nghe Pháp, suy tư, không nương vào thầy, chỉ nương vào sự tu hành mà được giác ngộ.

 

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp. Thanh Văn, Duyên Giác tuy biết rõ bốn Thánh Đế, nhưng trí tuệ chưa viên mãn, do nghĩa nầy nên không gọi là Phật.

 
Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Như ba con thú: thỏ, ngựa và hương tượng
(hà mã), lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chạm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh Văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông, khi hàng Duyên Giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua sông, khi Đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế Đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác tuy đoạn Phiền Não, nhưng chưa đoạn Tập Khí. Còn Đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả Phiền Não và Tập Khí, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự nghi có hai loại: một là Phiền Não Nghi, hai là Vô Ký Nghi. Hàng Nhị thừa tuy đoạn được Phiền Não Nghi, nhưng chưa đoạn được Vô Ký Nghi.

 
“- Vô-ký-không là cảnh giới thanh thanh tịnh tịnh, chẳng có suy nghĩ, chẳng có nghi tình, là cảnh giới của kiến văn giác tri, cảnh giới của tùy duyên biết, cảnh giới mặc chiếu (đang là, rõ ràng thường biết, ở đây & bây giờ, chánh niệm tỉnh giác), cảnh giới của Ngoại-đạo và Nhị-thừa (vô tâm, hầm sâu đen tối, căn bản vô minh). Nó giống như một empty storage trong computer, nó giống như một trang giấy trắng chưa có chữ, như mặt hồ tĩnh lặng …

 

 - [Phiền Não] Nghi-tình là cảnh giới thắc mắc, bức xúcNó giống như một hố đen trong vũ trụ gom hết tất cả (thân tâm & thế giới) thành một khối để có cơ hội thì bùng vỡ; như cơn ‘đại sóng thần’ gom hết nước trong đại dương (Tạng-thức) vỗ vào bờ làm thay đổi mọi thứ (ngộ)…”  Phân biệt nghi tình và vô ký, Liễu Phàm


Liễu Phàm viết: “Nghi-tình thuộc phạm vi của 'Nhất niệm vô minh', Vô-ký-không thuộc phạm vi 'Vô thủy vô minh'...

 

Nghi-tình như ngọn lữa lớn thiêu đốt nghiệp thức sanh tử (sắc thọ tưởng hành thức) và tập-khí phiền não (tham sân si) còn Vô-ký-không chỉ là nơi dung chứa những chủng tử nầy...

 

Mục đích của tham thiền là dùng nghi-tình phá tan vô-ký-không (không chấp), thành trì cuối cùng của vô minh vậy.”

 

Như Lai đoạn hết cả hai sự nghi, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Thanh văn chán sự nghe nhiều, Duyên giác nhàm sự nghĩ sâu, chỉ có Đức Phật, đối với hai việc nầy, tâm không nhàm chán, bởi thế nên gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác, trí tuệ tuy thanh tịnh, nhưng thân tâm không thanh tịnh. Như Lai không phải thế, trí tuệ và thân tâm đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự thanh tịnh có hai loại: một là trí tuệ thanh tịnh, hai là đức hạnh thanh tịnh. Thanh Văn, Duyên Giác tuy có trí tuệ thanh tịnh, nhưng đức hạnh không thanh tịnh. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ, đức hạnh đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Công hạnh của Thanh Văn, Duyên Giác có giới hạn, còn công hạnh của Đức Như Lai Thế Tôn thì không có giới hạn, thế nên gọi là Phật.


Trong Những đức hạnh lý tưởng của Đức Phật, Hòa Thượng K Sri Dhammananda viết,Đức Phật là hiện thân của tất các đức hạnh lý tưởng. Ở nơi Ngài ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu (huệ) - những đức tính không ai vượt qua được và không sánh được trong lịch sử loài người.

 

Những câu kệ sau đây bằng tiếng Pali, nêu lên những đức hạnh thực chất bên trong của Đức Phật mà người Phật Tử trì tụng khi họ vinh danh Đức Phật:

 

    "Itipi So Bhagava Araham Samma-Sambuddho

    Vijja-Carana-Sampanno Sugato Lokavidu

    Anuffaro Purisa Damma-Sarathi Sattha Deva-

    Manussanam Buddho Bhagavathi"

 

Sự trung thực của câu kệ này không thể nghi ngờ vì nó bắt nguồn từ nhiều bản kinh quan trọng trong Tam Tạng Kinh Điển theo qui chuẩn Phật Giáo đã xác nhận cũng như từ nơi bốn mươi phương pháp thiền định tư duy về những Đức Hạnh của Đức Phật.

 

Chuyển ngữ ngắn gọn từ tiếng Pali như sau:

 

Araham - Ứng Cúng (bậc đáng được nhận sự cúng dường của Người và Chư Tiên vì dứt hết phiền não), Samma Sambuddhdho - Chánh Biến Tri (bậc biết hết tất cả pháp); Vijjacarana Sampanno - Minh Hạnh Túc (bậc có đủ trí tuệ và đức hạnh);Sugato - Thiện Thệ (đã làm xong các hạnh lành, trên đường đi đến Niết Bàn);Lokavidu - Thế Gian Giải (bậc hiểu rõ kiến thức thế gian); Anuttaro Purisadamma-Sarathi - Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu (bậc cao hơn hết trong hạng chúng sinh thống trị lấy mình như bậc trượng phu cầm cương ngựa đi vào đường lành);Sattha-Deva-Manussanam - Thiên Nhân Sư (bậc đạo sư của hàng người và hàng Chư Thiên, dạy việc nên làm và việc chẳng nên làm); Buddho - Phật (bậc giác ngộ hoàn toàn); Bhagavathi - Thế tôn (bậc cao hơn hết trong cõi thế, được tất cả cõi thế, tất cả chúng sanh tôn trọng)


Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn, trong một niệm trừ diệt hai chướng: một là Trí Chướng, hai là Giải Thoát Chướng, thế nên gọi là Phật. Đức Như Lai đầy đủ trí nhân và trí quả, thế nên gọi là Phật
.”

 

Theo cái nhìn của Luận Khởi Tín thì những che chướng ấy là. 

“[Trí] Bất giác có nghĩa là do chẳng như thật biết Chân Như nên tâm bất giác khởi mà có vọng niệm. Nhưng vọng niệm không có tự thể riêng biệt nên chẳng lìa Bản Giác…”

Trí bất giác chướng mà sanh ra ba tướng (vi tế), ba tướng này tương ưng và không lìa bất giác:

“- Tướng vô minh sanh nghiệp (vô minh nghiệp tướng):  Tánh Giác thì không động. Nhưng do bất giác nên tâm động, gọi đó là nghiệp. Có động thì có khổ. Từ nhân động sanh ra quả khổ, quả chẳng lìa nhân.

 

- Tướng có cái thấy về phần chủ thể (năng kiến tướng): Do động nên sanh ra cái thấy về phần chủ thể. Nếu không động thì không có cái thấy của chủ thể.

 

- Tướng cảnh giới: Vì nương vào có chủ thể thấy nên cảnh giới hiện ra một cách hư vọng. Nếu lìa cái thấy từ một chủ thể thì không có cảnh giới.”

Cho nên giải thoát có nghĩa là không còn bám víu khỏi những lớp che chướng, vô minh ấy. Nếu không có những lớp che chướng ấy ràng buộc thì cũng không có cái gì để gọi là giải thoát, giác ngộ. 

Không vô minh thì không có giác ngộ, không có giải thoát.

Đạo Phật tưởng cao siêu, thật khó khăn để tu tập nhưng thật ra cũng thật đơn giản dễ dàng để tu hành: chớ tự ràng buộc mình, chớ tự che chướng mình, chớ tự lừa dối mình thì đoạn được tất cả nghiệp chướng, đạt được giác ngộ, giải thoát.

Cho nên, đừng nên nghe kinh luận phức tạp khó hiểu như trên mà vội nãn chí tu hành.  Vì y kinh giải nghĩa mà tín ngưỡng như vậy thì tam thế Phật oan.  Ngược lại, lìa kinh nhất tự mà thể hiện được ý Phật tức không đồng ma thuyết.

Tôi có đọc nhiều lần đoạn kinh này nhưng lần này đọc lại nó hoa mắt, hóa ra như vầy:

 

Ta là Phật đã thành và chúng sinh cũng là Phật đã thành.  Chỉ khác nhau ở chổ vô minh và giác ngộ. 

 

Tuy nhiên, phật là phật không có phân biệt nhị nguyên, khác biệt.

 

Phật không biết vô minh nên không cần giác ngộ.  Phật chúng sinh không biết đang vô minh nên phải cần tới giác ngộ.

Hòa Thượng Thích Trí Quảng giảng, “Trong loài người chúng ta có đủ các loài của sáu đường sanh tử, kể cả bốn Thánh cũng có đủ. Bốn Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.” Báo Giác Ngộ: số 839, 13/04/2016, 10:28:00

Tập tĩnh được trong khi động, và luôn luôn cảnh giác để luyện cho mình có sức chịu đựng để kiến tánh giữa trận đời là lối tu hành với tinh thần bi trí dũng của bật trí tuệ. 

Dĩ nhiên là không phải dể dàng nhưng phải cần đến dày công phu tu hành, trì giới và chuyên cần.

Đạo bình đẳng

Đức Thế Tôn không lập ra Phật Giáo mà Ngài chỉ tổ chức tăng đoàn để tu hành.  Tuy Ngài có đặt ra vài luật lệ cho tổ chức nhưng Ngài chưa bao giờ chủ ý sáng lập ra một tôn giáo mới, tự xưng là giáo chủ, mặc cẩm bào ngồi ngất ngưỡng trên ngai vàng để cho đám đệ tử, và tín đồ đóng góp tài vật, vái lạy, tụng kinh, niệm chú, tôn sùng, ca tụng, dâng lể vật để hối lộ, cầu xin phép lành.  Vì nếu muốn duy ngã độc tôn như vậy thì Ngài đã không cần bỏ làm vua tương lai để làm Phật. 

Chúng ta thờ kính cúng lạy Phật là lạy chính chúng ta.  Mà khi mình tự mình lạy mình thì ai là kẻ kiêu ngạo, ai là kẻ thấp kém đây? 

Cái ngã nào lạy, cái ngã nào được lạy?

 

Làm sao mình lạy được mình?  Tự mình bưng mình lên bàn thờ rồi bò xuống khúm núm quỳ lạy ... bóng mình?

Chủ trương bình đẳng từ hơn 2600 năm về trước trong cái xã hội phân chia giai cấp của Ấn Độ thời đó và ngay cả hiện tại cũng không thay đổi mấy đã cho thấy trí tuệ của Đức Thế Tôn không những đã vượt thời gian về tâm linh, triết học, khoa học mà cả xã hội học.

Tinh thần bi trí dũng, phú quý không màng, uy vũ bất năng khuất, thử thách vô quái ngại của Ngài cũng đã đi trước và vượt quá nhân loại ngày nay.

Bình đẳng giác là một trong nhiều điểm đặc thù của tôn giáo Phật Đà. 

Ta là Phật; Phật là ta!

Lục Tổ chỉ rõ thêm, "Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ đề."

Đó là cảnh giới mà Bát Nhã Tâm Kinh diễn tả, “Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.”  Tức là “bởi lòng không có điều ngăn ngại nên không có sợ hãi, xa lìa các sự xáo trộn và mơ màng, rốt cuộc đến Niết bàn.”

Trên thực tế, luôn luôn có rất nhiều điều bất như ý làm cho chúng ta phải lo, phải ngại, phải sợ, muốn né tránh, muốn được yên thân mà cũng không được.  Nhất là trong thời đại văn minh hiện đại, cái tâm quái vật của chúng ta nó cố quái ngại, có khủng bố, gần như điên đảo, ác mộng tưởng và nhất là còn “tâm viên, ý mã” hơn ngày xưa rất nhiều.

Gần như hầu hết đa số chúng ta điều biết rõ cái nguyên lý cầu bất khả đắc nhưng không chịu chấp nhận thực tại.  Đó là lúc còn ấu thơ thì mong mau lớn để muốn làm điều mình muốn làm, không phải bị bắt buộc làm điều mình không muốn làm nhưng khi lớn lên lập gia đình lại không làm được điều mình muốn làm mà lại phải làm cái điều mình không muốn nhưng phải làm.  Rồi khi trở thành già khú đế muốn làm cũng không làm nỗi mà không làm nỗi cũng phải bị làm.  Đúng là số khổ!

Thật ra có cái quái gì trên đời cần làm đâu?  Hình như chúng ta sinh ra đời đâu vì phải làm những chuyện tầm thường “rất người” đó?  Mà có cố làm những điều vô lý đó thì suốt cả cuộc đời cũng không bao giờ làm cho xong được.

Nhân sinh sống trong mộng du, “kiến mộng” rồi mơ mộng vì “không kiến ... thực” nhưng khi bừng tỉnh, tĩnh tâm mới biết là mình “kiến không.”

Tất cả mọi chuyện trên đời đều từ nhân duyên mà cùng hợp rồi đồng tan, từ nghiệp quả mà vay nợ trả oan.  Cho nên, nếu không biết “nhậm vận thịnh suy vô bố úy” thì phải thuận thời mà sống, rồi thì cố sự đời cũng sẽ phải qua đi, hơi sức đâu mà lo buồn, thất chí cho khổ thân.

Theo ý Tâm kinh viết, “Nếu” tâm không còn dính mắc, ngăn ngại thì chẳng có cái quái gì để lo ngại quá đáng, không có cái quỷ gì mà phải sợ hãi. 

Nhưng làm cách nào để tránh xa điên đảo mộng tưởng trong lòng, nhận thấy được rằng cái lo sợ đó chỉ là “thần hồn nhát thần tính” để mong đạt tới cảnh giới Niết Bàn, an tịnh?

Nói thì dể, ai nói cũng được nhưng những điều giải thích dài dòng văn tự ở trên chỉ xoay quanh một chữ “Nếu,” oái ăm quái dị ở trên mà thôi.

Nếu tất cả do tâm tạo thì tại sao chúng ta không thể dụng tâm để tạo được vạn sự như ý để phục vụ chúng ta và tạo ích lợi cho chúng sinh?

Có thể chúng ta chưa đạt được tới thần thông biến hóa đó hay dường như tâm không là ta, ta không là tâm? 

Hay chính vì chúng ta chưa xa lìa được những tập quán vô minh, tham sân si, sở trụ vào sắc, chấp ích lợi để phục vụ cho cái Ngã độc tôn?

Trong đoạn kinh Bát Nhã nói về cái “Tự Tính của Tâm Vô Tâm bừng sáng lên một cách trong suốt,” tiếp liền theo sau đó, Sariputra liền đặt câu hỏi: “Vậy cái Tâm ấy chính là Vô Tâm, thế thì cái Tâm Vô Tâm ấy có thực không ?” Subhuti mới hỏi lại: “Cái Tâm ấy có thực hay không, hoặc là ta có thể nào hiểu cái Tâm Vô Tâm ấy theo điệu “có thực” và “không có thực”? Sariputra liền trả lời dứt khoát: “Không, không thể nào hiểu theo điệu như vậy.” (phẩm 1 dòng 5).

Những đối đáp trên cho thấy, cái Vô Tâm không của Trí Tuệ Bát Nhã vượt ra ngoài bản lai “hữu thể, hữu sắc” và “vô thể, vô sắc tướng”, vượt qua nhị nguyên quan của cái thực có thật và cái thực không có.

Tâm bất thị Ngã.  Ngã bất thị Tâm!  Ngã tất thị Ngã. Tâm tất thị Tâm! Vô Ngã. Vô Tâm!

Không gian vang tiếng mõ

Thăng trầm tiếng chuông ngân

Văng vẵng kinh Bát nhã

Nhậm vận không hoàn Không

(Lê Huy Trứ)

Ai tu nấy chứng

Riêng tôi hiểu từ kinh sách, sau 6 năm khổ công tầm đạo và sau nhiều ngày tham thiền dưới cội Bồ Đề, tâm Đức Thế Tôn bổng nhiên rỗng lặng, trí tuệ khai thông, phục được mọi ma chướng trong ngoài, và như thế bổng nhiên Ngài đột nhiên viên ngộ.  Và cũng như tôi đọc và hiểu theo kinh sách đã miêu tả, sau khi quán ánh sao mai vừa ló dạng, Đức Thế Tôn bùng nhiên đại giác ngộ.  Ngài đã, ngay trong tức khắc đó, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Kinh Phổ Diệu có nói: “Bỗng chốc trong Một niệm, bằng Trí Bát Nhã, Phật chứng Vô Thượng Bồ Đề.”

Ngài Pháp Hiền người Trung Hoa đã viếng Bồ-đề Đạo Tràng vào năm 400 và trong ký sự hành hương của mình, Ngài đã mô tả về Bồ-đề Đạo Tràng như sau:

"Sa-môn Cồ-đàm đi tới phía trước, đến dưới gốc cây pei-to, trải cỏ cát tường, mặt hướng về phía đông. Ngài bắt đầu an tĩnh tâm và suốt bảy ngày Ngài an hưởng trạng thái an lạc giải thoát đó.

 

Cũng tại nơi này, người ta đã xây một cái tháp đánh dấu nơi Ngài đã đi kinh hành trong bảy ngày từ phía đông qua tây trong khi các chư thiên đã xuất hiện với bảy báu cúng dường tán thán Đức Phật. Cũng có một cái tháp đánh dấu nơi con rùa mù Mucchalinda đã bao quanh Phật và lấy đầu làm phướng che đầu Ngài khỏi cơn bảo táp. Cũng có tháp nơi Đức Phật ngồi trên hòn đá vuông dưới bóng cây Nyagrodha, mặt hướng về phía đông đang nhận sự lễ bái cúng dường của một vị Bà-la-môn; cũng có một cái tháp đánh dấu bốn vị Thiên vương cung kính cúng dường Ngài bình bát quý. Cũng có tháp đánh dấu 500 vị thương buôn dâng cúng Ngài bánh bắp và mật … " Records of the Western World, trans. Samuel Beal, vol. 1, p. 11.

Sau đó, Ngài xã thiền và tuyên bố đại ý như sau:

Nảy sinh nhận thức, cuộc đời đã hết, phạm hạnh đã thành, đạt được trí tuệ, biết được chân thật, kiến giác được pháp, giác ngộ được đạo, cứu cánh đã đạt, không luân hồi nữa.

Vậy thì Đức Thế Tôn đã hy sinh từ bỏ cha mẹ, quyền uy, phú quý, vợ đẹp, con thơ và sau sáu năm khổ cực, màng trời chiếu đất, sống như kẻ vô gia cư, khất thực, gia tài chỉ có độc một tăng bào, một bình bát, ... mong tìm đạo vô thượng để cứu khổ chúng sinh nhưng rồi thì cuối cùng giác ngộ rằng chả có cái gì để giảng để độ vì tất chỉ là ảo tưởng? 

Chúng sinh từ đâu tới, vũ trụ từ đâu mà có?  Thượng đế, thiên đàng, địa ngục, luân hồi, sinh tử là gì, có đúng như Bà La Môn và những tôn giáo khác thường giảng dạy không?

 

Nên nói đúng hay sai?  Ý Phật dạy không nên nói không sai/đúng.

Vì nếu đúng như vậy hay nếu như vậy là sai thì cũng chả giúp ích gì cho nổi khổ đau của nhân sinh và cũng chẳng nhằm nhò, liên quan gì đến giải thoát, và giác ngộ.  Vì Phật Giáo không quan tâm đến những điều vô nghĩa, không cần thiết và kém thực tế này.

Như Lai không trã lời những vấn đề trên cho những kẻ thượng mạn, cao ngạo không biết mình độn căn.  Đây là những kẻ tự tôn nhưng mộng du đang ôm cây đợi thỏ, khắc kiếm mạn thuyền, thân đang mang tên độc, nhà cháy vẫn còn ham chơi.

 

Kẻ trí thức không thể dùng phương tiện bác học để giải thích cho kẻ thất học hiểu và để giúp họ giải quyết những vấn đề ích kỷ, tham lam, thiển cận của họ được.  Bác sĩ không giải thích y khoa chuyên môn dài dòng cho con bệnh nguy kịch sắp chết, nhưng vẫn theo thói thường, có bệnh nhân tự lừa dối là mình không bệnh và lừa dối luôn cả bác sĩ về bệnh tình của mình.

Đức Phật không phủ nhận hay công nhận cái không.

Tuy nhiên, Lục Tổ Huệ Năng là một đại luận gia vĩ đại, một luật sư biện luận từ kim cổ không ai sánh bằng.  Cho ngài không biết chữ, không học là vạn sự vô minh của phàm phu.

Hãy đọc kỷ những phương pháp tranh luận với logic cao siêu mà Lục Tổ dạy trong kinh Pháp Đàn, phẩm 10, Phó Chúc về những vấn đề trên. 

Lối tranh luận này đang được giảng dạy ở những đại học danh tiếng trên thế giới nhưng tiếc rằng họ không biết người sáng tạo ra nó là Huệ Năng, chưa học qua một lớp mẫu giáo.

Một hôm Tổ gọi đệ tử là Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như v.v... bảo rằng:

Các ông nếu ngộ, y đây mà nói, y đây mà dùng, y đây mà hành, y đây mà tạo tác, tức không mất bản tông.  Nếu có người hỏi nghĩa ông, hỏi có thì đem không đáp, hỏi không thì đem có đáp, hỏi phàm thì đem thánh đáp, hỏi thánh lấy phàm đáp, hai bên làm nhân cho nhau sanh ra nghĩa trung đạo, như một hỏi

một đáp, bao nhiêu câu hỏi khác đều y đây mà khởi tác dụng, tức không mất chân lý.”

Mục đích cao thượng của Lục Tổ không phải là tranh luận hơn thua hay để thỏa mãn những thắc mắc không giải thoát của họ nhưng tùy vào căn duyên mà đưa họ vào cửa Không để đạt được đốn ngộ.

Không phải Như Lai không thể trã lời những nghi vấn trên mà Ngài đã giảng những điều này cho những cao đồ đã có đầy đủ căn duyên, trí tuệ và nhất là tùy người, tùy duyên, tùy lúc mà chỉ cho họ viên ngọc Mani có sẳn ở trong túi họ.

Như đã nói, tất cả những tâm tư này cũng từ tính ích kỷ, tâm lo, lòng sợ, si muội, sân mạn, tham lam, bám víu vào vô thường của chúng sinh. 

 

Nếu biết, tất cả pháp trên thế gian này là tùy duyên, vì tùy duyên nên có động tác, có hình tướng, cái này có, thì cái kia có, ... vì đa số nhân sinh không biết như vậy nên không hiểu như vậy, và không thấy được như vậy và bởi vì như vậy mới có những câu hỏi tùy duyên với duyên khởi từ tâm phan duyên, không lối thoát, chướng đạo như vậy.

Đây là những căn nguyên của bệnh vô minh đưa đến triệu chứng khổ đau mà Đức Dược Vương, Đức Bổn Sư đã giảng dạy và chẩn bịnh vô minh bằng phương thuốc trí tuệ, phòng bệnh với phương cách giác ngộ, và khuyên bệnh nhân muốn chữa dứt triệu chứng đau khổ thì phải viễn ly cơn nghiện ngập vô thường, kinh niên từ truyền kiếp, để tự giải thoát khỏi trầm luân trong sanh tử, nguồn gốc của khổ đau. 

Với lòng từ bi quảng đại muốn cứu độ chúng sinh mà Ngài đã bỏ ra 49 năm du thuyết sau khi giác ngộ chỉ vì muốn chữa căn bệnh vô minh của chúng sinh ở trên.

Yếu chỉ của Phật Giáo

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) đã nêu rõ yếu chỉ của Phật giáo:  Ngũ Uẩn, Lục căn, Lục trần, Lục thức, Sinh Lão Bệnh Tử, Khổ Tập Diệt Đạo, Niết Bàn, tái sinh, không tái sinh, ngộ hay mê, phạm trù nhị nguyên phân biệt đầy mâu thuẫn như sắc không, thiện ác, xấu tốt, hữu tình, vô tình, lượng vật tăng giảm trong vũ trụ, v.v… chỉ là ảo tưởng, tất cả đều không có thật do nhất niệm vô minh tưởng tượng mà ra. 

 

Cái triết lý siêu tuyệt của Phật Giáo Đại Thừa:  Tất cả sắc tướng lẫn vô sắc tướng từ Tâm tạo này được khoa học hiện đại công nhận và cũng được những triết gia lừng danh trên thế giới triết luận từ ngàn năm.

Cùng tâm tưởng đó Bát Nhã Tâm Kinh đã đi xa hơn, và đã diển tả rất rõ ràng: Không có Sinh Tử cũng không có hết Sinh Tử. Không có Khổ Tập Diệt Đạo cũng không có hết Khổ Tập Diệt Đạo.  

Đa số Phật Tử nhật tụng Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật này nhưng thật ra rất ít ai trì được ý kinh.  Miệng niệm không nhưng không thật sự biết được không.  Tụng mà trong tâm chẳng hiểu cách tu hạnh của pháp môn đốn giáo này vì chưa có tâm lượng bao trùm cả pháp giới, phân minh ứng dụng, để phát triển trí tuệ, kiến tánh, và để giải thoát sinh diệt.

Trong kinh Pháp Đàn, Phẩm 2, Bát Nhã, Lục Tổ đăng tòa bảo đại chúng:

Này Thiện tri thức, Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Đại Trí Tuệ Đến Bờ Kia, nó phải là hành nơi tâm, không phải tụng ở miệng. Miệng tụng mà tâm chẳng hành như huyễn như hóa, như sương, như điện. Miệng niệm mà tâm hành ắt tâm và miệng hợp nhau, bản tánh là Phật, lìa tánh

không riêng có Phật.”

Tất cả mọi sự phân biệt nhị nguyên chỉ có ý nghĩa tương đối, dựa trên sự chấp ngã, chấp pháp nên chưa hiểu thấu pháp giới bình đẳng, tự tánh vô ngã ở nơi có sắc lìa sắc, ở nơi không sắc lìa không sắc.  Vô sở trụ Tướng lẫn vô sở trụ Không.

Kinh Kim Cang cũng khuyên không nên cố chấp, “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.”     

Vô niệm, Vô trụ, Vô chấp!

Trong Kinh Kim Cang, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi, “Khi phát tâm cầu Vô thượng Chánh giác, làm sao an trụ tâm?”

Phật đáp: “Chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm kia; nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy.”

Bồ Tát Long Thọ luận, “Không trụ nên không sinh.  Cũng không thật có diệt.  Sinh tức trụ và diệt.  Làm sao có thật nghĩa?

Ngài cũng nói, “Tâm nào có thể thấy.  Trên phương diện danh ngôn.  Không tâm sở thì tâm không sinh.  Không tự tính, không chấp nhận câu sinh.  Chân thật tánh như trên.  Biết chúng sinh không thật.  Như không nhân củi lửa.  Vô trụ, vô thủ đắc Niết Bàn.”

Như Lai đã phải mất công đi du thuyết trong vòng 49 năm khắp nơi ở vùng phía bắc Ấn Độ, trên địa phận của hai bang Uttar Pradesh, Bihar và phần phía nam của nước Nepal ngày nay, trong một khu vực rộng khoảng 340.000 km2 cũng vì lòng từ bi để muốn chỉ giáo cho chúng sinh giác ngộ cái điều đơn giản “không có thật đó.”  Nhưng chúng nhân sinh vẫn còn quá vô minh, chấp ngã là thật có thay vì hư ảo nên không giải thoát và khó giác ngộ.

 

Chúng ta thường nghe nói: thấy, hiểu, biết, thông cũng chưa tự giải thoát được nhưng phải cố chí tu hành để mở mang trí tuệ rồi chứng giác ngộ? 

Nhưng tại sao hơn 2600 năm, tuy Phật Giáo bành trướng khả quan trên thế giới nhưng Phật Pháp vẫn bất khả dĩ cộng thông?

Câu trã lời thông thường đó là vì chúng sinh còn ngu muội, đầy vô minh, quá tham sân si nên khó giác ngộ?

“Tục diệm truyền đăng!” Tự mình thắp đuốc mà đi mà Đức Thế Tôn đã tự lực trước khi giác ngộ là pháp môn rốt ráo cuối cùng được Đức Thế Tôn chân truyền trăn trối để đời cho các đệ tử.

Vậy mà phải mất đến 49 năm du thuyết sau khi cận tử nghiệp Ngài mới vòng lại chỉ cho cái đám đệ tử có “mắt nhưng không tròng” cái chiêu thức căn bản đầu tiên đó? 

Đạo bất khả phân biệt.  Phân biệt bất khả đạo!  Bất khả thuyết pháp.  Bất khả tư nghì!

Bồ Tát Long Thọ nói, “Do vì Chư Phật tuyên thuyết.  Giáo lý bất tử thâm sâu.  Vượt qua có và không.  Nên biết pháp Phật bất cộng thông.”

Con người khó có thể chấp vào vô ngã tánh, vì nó trái với tâm tưởng như vậy, cũng không thể tách rời khỏi hữu ngã tánh, vì đó là tâm tưởng như vậy. 

Con người cũng không thể chấp cả hai, có không như vậy, lẫn bác bỏ cả hai, không có như vậy.  Nhưng mà nó như vậy.

Theo tôi, ngoài những tập tục, và lý do trên, nhân sinh bẩm tính lười biếng, ỷ lại, lo sợ không có đầy đủ những đức tính bi trí dũng cho nên khó học Phật Pháp. 

Ngay đến bây giờ có mấy ai dám cả gan, can đảm, tự mình thắp đuốc mà đi một mình trong biển cả mênh mông tối đen đầy sóng gió khổ đau đó, thay vì chờ xin quá hải, nhờ người độ mình vượt biên sang lại bờ bên kia?

Cho dù có nghe biết hiểu, đa số chúng nhân sinh vẫn không hoàn toàn tự tin vào tự lực mà vẫn quen thói bám víu vào tiện lợi ảo tưởng từ tha lực.  Mà nếu thật sự cầu tha lực mà khả đắc, cầu gì ứng nấy thì ngu dại gì tự mình thắp đuốc mà đi cho mất công?

Nên chính xác hơn là nên chêm thêm một chữ “muốn,” “Đa số chúng sinh là Phật chưa ... muốn thành?” 

Hay nên nói, nếu muốn là được thành hay dù nếu muốn cũng chưa dễ gì thành được?

  

Ưng vô sở trụ

Nhà vật lý học người Ấn tên là Raja Ramanna phát biểu, “Vật lý lượng tử (quantum physics) là học thuyết mới được phát minh ở thế giới hiện nay nhưng học thuyết này đã được Thánh Bồ Tát Long Thọ nói hơn ngàn năm trước,...”

Theo quan niệm cổ của Đông Phương thì nguyên tử (Paranamu) được hiểu như không có thực thể (Nissarira).  Khoa học hiện đại đã chiếu kiến được lượng tử khi hạt (sắc) khi sóng (không,) khi có khi không tùy tâm ý cũng như bồ tát chiếu kiến sắc không, ngũ uẫn giai không và thiên hình vạn trạng do tâm tạo.

Cũng như hiện nay, có giả thuyết khoa học chủ trương, thế giới chỉ là ‘ảnh đồ ký 3 chiều’ (holographic universe[s], vũ trụ ký ảo.)

Niels Bohr, nhà vật lý nguyên tử, giải Nobel vật lý 1922, viết, “Mọi vật chúng ta gọi là thật được làm bởi những thứ mà không thể được xem như là thật.”

“... Everything we call real is made of things that cannot be regarded as real.” – Niels Bohr, physicist who made foundational contributions to understanding atomic structure and quantum theory, for which he received the Nobel Prize in Physics in 1922

Tại một góc cạnh đổi chiều của thế kỷ 19, những nhà vật lý bắt đầu khám phá cái tương quan giữa năng lượng (vô tướng) và cấu tạo của vật chất (có, sắc, hữu hình).  Cũng vì như vậy, cái quan niệm vật chất, cái thuyết vũ trụ vật chất của Newton đã từng là trung tâm của kiến thức khoa học đã bị loại bỏ, và được công nhận rằng vật chất là không (sắc thị không như đã được ghi lại trong Bát Nhã Tâm Kinh) nhưng một cái ảo (hư không) thay thế nó (không thị sắc.)  Những khoa học gia đã bắt đầu chấp nhận rằng mọi vật trong vũ trụ được tạo ra bởi năng lượng (vô sắc tướng).

At the turn of the nineteenth century, physicists started to explore the relationship between energy and the structure of matter. In doing so, the belief that a physical, Newtonian material universe that was at the very heart of scientific knowing was dropped, and the realization that matter is nothing but an illusion replaced it. Scientists began to recognize that everything in the Universe is made out of energy.” Arjun Walia

Dĩ nhiên, Arjun Walia chưa với tới “sắc bất thị không.  Không bất thị sắc.  Sắc là sắc.  Không là không!” và vũ trụ từ không (emptiness.)

Lúc sinh thời, Einstein đã tiến hành nhiều thí nghiệm về rối lượng tử (quantum entanglement) nhưng ông không chấp nhận là khả thi. Einstein cực lực phản bác, cho rằng hiện tượng rối lượng tử là không đúng, khó giải thích đích đáng, quá mạo hiểm để chấp nhận mà ông gọi đó là Tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance.)   

Nhưng Einstein đã sai lầm vì vào năm 1982, tại Paris, Alain Aspect đã chứng minh được hiện tượng liên kết lượng tử là có thật.

Từ thí nghiệm đó, người ta rút ra được hai kết luận:

Thứ nhất, vật không có thật, non realism, hạt photon, hạt electron, tất cả các hạt cơ bản, tất cả cấu trúc nguyên tử, phân tử, tất cả vật chất, sinh vật đều không có thật.

Từ chỗ vật không có thật, những khoa học gia ở trên suy ra không gian, thời gian đều không có thật.

Vì trong khi quan sát hiện tượng rối lượng tử, hai hạt photon tác động linh cảm với nhau ở khoảng cách rất xa không giới hạn khoảng cách, chứng tỏ rằng khoảng cách không gian là không có thật, từ đó thời gian cũng không có thật.

Nếu khoảng cách không có thật thì du hành trong vũ trụ có thể khả thi.  Và nếu quá khứ, hiện tại, và tương lai cuộn lại một, không gian cuộn thời gian, thì du hành vượt không-thời gian có hy vọng thực hiện (possible) nếu chúng ta đừng cho không gian đụng thời gian.

Trong lý Bát-nhã, không cho sáu căn dính mắc (trụ) với sáu trần là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Những điều này không có gì mới lạ đối với Phật Giáo và những bật giác ngộ đã chứng đạt lục thông. 

Nhất tâm niệm, không đi, không đến.

Như Huệ Khả thưa, “Con thường biết rõ ràng, nói không thể đến.”

Tổ Ðạt Ma dạy, “Ðây là chỗ truyền của chư Phật, chớ nên hoài nghi”.

Thứ hai, vật không có vị trí nhất định để bám trụ, non locality, bất định xứ hay vô sở trụ, hạt electron khi ở dạng sóng thì không có vị trí nhất định, nó hiện diện khắp mọi nơi, nhưng khi ở dạng hạt thì có vị trí xác định tạm thời.

Khi những khoa học gia cố tâm quan sát thì nó hiện ra thành hạt, thành vật chất, observable matter, sắc tướng để ta có thể nhận thấy.  Nhưng khi không quan sát thì nó trở thành sóng, wave, phi vật chất, vô tướng.  Nó tự có tính linh (intelligence) biến hiện tùy tâm mà Einstein đã gọi nó là hiện tượng ma quái từ xa (spooky action from distance.) 

Đây là Có-Không (hữu tướng, vô tướng), lý vô thường và nhi sinh kỳ tâm mà Bát Nhã Tâm Kinh đã diển tả từ lâu.

Điều này không có gì là huyền bí nữa vì mỗi người chúng ta đều có thể thực nghiệm trên smartphones và mới đây qua Artificial Intelligence (robots, xe không người lái, ...) Các văn bản, hình ảnh hay video trên mạng ở khắp mọi nơi dưới dạng sóng, phi vật chất, vô tướng nhưng sẽ hiển thị trên màn hình khi chuyển sang dạng hạt, trở thành hữu hình, lúc đó thì chúng có vị trí nhất định để quan sát, nghe thấy. 

Đến năm 2012, khi Maria Chekhova của đại học Moscow làm được thực nghiệm cho một hạt photon xuất hiện đồng thời ở 100,000 vị trí khác nhau, thì những khoa học gia mới rút ra được kết luận thứ ba.

Thứ ba, vật không có số lượng (non quantity, số lượng chỉ là tưởng tượng của tâm chứ không có thật). Bởi vì một hạt photon có xuất hiện đồng thời ở 100,000 vị trí khác nhau hoặc nhiều đến vô lượng thì số lượng là vô cùng tận hay nói cách khác, số lượng không có thật, số lượng chỉ là ảo, là tưởng tượng của tâm chứ không có thực thể.

Tổng số lượng âm dương trong vũ trụ triệt tiêu bằng số không.  Khoa học cũng đã có khái niệm về chân không (emptiness.)  

Kinh điển Phật Giáo đã nói vô lượng vật trong vũ trụ không tăng không giảm, vô sinh vô diệt, và nhân duyên nghiệp quả tương đương với luật cause & effect, luật hấp dẫn, thermodynamic và luật cân bằng của khoa học vật lý.

Khoa học kỷ thuật hiện nay đã thành công trong việc dùng tiếng nói để sai khiến vật chất lẫn chúng sinh, dùng mắt để ra lệnh cho vũ khí chỉa thẳng mục tiêu, và thậm chí dùng ý nghĩ để ra lệnh cho drones bay thẳng, đáp, quẹo trái, nghiên về bên phải, ...

Ngay cả, Vũ trụ trong hạt dẻ (The universe in a nutshell, Stephen Hawking) hay vũ trụ trong hạt nguyên tử (The Universe in a Single Atom của Đức Đạt Lai Lạt Ma), xem toàn thế giới với thông tin internet chỉ trong sátna trên đầu ngón tay của chúng ta, có gì là mê tín, dị đoan, phép lạ, thần thông biến hóa đối với khoa học hiện đại?

Trong mỗi nguyên tử từ các giới của vũ trụ,

Có tồn tại một biển khổng lồ các hệ thống thế giới

 

(Kinh Đại-Phương-Quảng Hoa Nghiêm)

Vậy thì kinh thuật lại, mười phương chư phật cùng thuyết pháp cho vô lượng chúng sinh trong vô lượng cõi trong nhiều vũ trụ có khác gì như chúng ta xem cả thế giới trên internet, bởi AI, trong smartphones, trong computers, hay trong TVs?

Đức Phật dùng ý gởi tín hiệu thay vì dùng tiếng nói ra lệnh cho TV/smartphones on mà khoa kỷ thuật bây giờ đã thực hiện thành công có gì là hư cấu nữa đâu?

Yoga và thiền định (Vipassana) tập trung vào hơi thở làm quân bình insula trong não, và làm tăng gamma band.

Những khoa học gia đã đo được những hiện tượng của tia Gamma cao hơn những người bình thường từ những thiền sư.

“The onset of meditation in the monks coincided with an increase in high-frequency EEG electrical activity in the so-called gamma band [spanning 25 to 42 oscillations a second], which was synchronized across the frontal and parietal cortices.”

Đến bây giờ, khoa học kỷ thuật mới chứng minh được qua thực nghiệm và hình ảnh của những tia tử ngoại tuyến, radiation, vô sắc tướng.  Bộ não phát ra tín hiệu truyền tin với nhau (electrical signals and communication) không có gì là mới lạ đối với Phật Giáo và những thiền sư.

 

Tương tự, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng đã diển tả rõ ràng về tia sáng Gamma cực tím này rồi.

Bấy giờ, đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặn mày phóng ra luồng hào-quang [gamma] chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, ...” Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,

Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập,  Hán Dịch, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch

Tia Gamma

Bản thể Chơn Tâm

Chân tánh là vô tánh. Tử-sanh chẳng nói.

Vì "không hoa, mặc bướm để lòng chi"?

(Tác giả ?)

Trong sách Phật Giáo và Vũ Trụ Quan, Chương 8) Vũ Trụ vạn pháp trong lỗ chân lông, tác giả Lê Huy Trứ trích: Khi Đức Phật thành đạo đã nói, "Như Lai thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới cho nên ta mới được tự tại vô ngại.  Như Lai ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới.  Thân Như Lai bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy." (Phỏng theo Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI, VII trang 132-133)

Đoạn kinh trên với lối diễn tả đầy phép tắc thần thông huyền bí hơi khó hiểu và không dễ gì tưởng tượng nổi bởi những kẻ phàm phu.  Nhưng thật ra Đức Phật muốn nói về cái bản thể của Chơn Tâm có những đặc điểm mầu nhiệm như thế đó.   Con người vì vô minh mà đã từ bỏ bản thể mầu nhiệm ấy, để đi vào vòng luân hồi, sanh tử khổ đau.  Con người tu hành đạt được đạo quả thì sẽ trở về với Chơn Tâm thường trụ, bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới vì có thân "tự tại, vô ngại" không có gì ngăn cản, vướng mắc.  Tâm thức hòa vào viên dung với hư không. Vì không có thân xác nên không bị kiềm hãm gò bó trong thân xác hay nói theo Duy Thức là "cái túi- A Lại Da Thức" đã bị phá vỡ và tâm thức lan rộng khắp theo cùng Hư Không trong cảnh Đại Viên Cảnh Trí. Tâm thức là tạng minh quang tam muội cùng đốt trong vũ trụ với vô lượng minh quang khác, ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp lại làm nhất thể quang tạng.

Và tại sao lại là, "trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ," hay "trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân?"  Điều nầy trong kinh điển có câu "bất khả tư nghì" hay "không thể nghĩ bàn" nhưng ở vào thời đại hiện nay với những kỹ thuật chúng ta có thể dễ hiểu một phần nào, như được miêu tả: vũ trụ ở trong smartphones, computers, TV mà chúng ta có thể xem, nghe thấy bất cứ ở đâu, trong cái phòng gia đình tụ họp (family room) hàng ngày xem TV hay coi phim ảnh về Trái Đất, Thái Dương Hệ, dải Ngân Hà; rồi cảnh vũ trụ với nhiều hình dáng các Thiên Hà khác được smartphones, computers, TV hay ciné thu hình cho hình xa dần, xa nhiều và nhiều nữa... Như chúng ta, chúng sinh của Thái Dương Hệ, đang ngồi bên ngoài giống như chư Phật đang dùng Phật nhãn quan sát toàn cảnh trong các cõi khác vậy.  Và khi, trên màn ảnh chiếu các Thiên Hà ấy được thu tóm lại trong một bong bóng hình cầu và bóng cầu đó nhỏ dần, nhỏ dần thành một chấm điểm rồi biến mất trên màn ảnh, điều ấy giống như Đức Phật thu nhỏ đi toàn thể thế giới cùng mình đi vào "ngồi trong hạt bụi vi trần" với đầy đủ các cõi nước, và trong đó Đức Phật đang hành đạo, và chuyển đại pháp luân."

Tại sao như thế? Vì Đức Phật đã được "thân tự tại vô ngại" hòa cùng hư không vô tận, cho nên "không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Đó là sự mầu nhiệm hay sự thành đạt của người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy."

Trong tương lai rất gần nhờ Internet of Thing (IoT) phối hợp với AI (Artificial intelligence) chúng ta có thể nghe được âm thanh nội tại (internal voice, tiếng Tâm) và đọc được tư tưởng của người, như đạt được lục thần thông. 

Thậm chí, chúng ta có thể cảm, xúc, nếm, ngửi được lượng tử mà không cần đến lục căn vì khoa học sẽ giúp chúng ta biết sở trụ trong hạt và sóng, ở trong tâm điểm vô thường của hữu sắc và vô sắc để chiếu kiến vũ trụ, và dễ dàng giác ngộ mà không cần phải tu hành vất vả.

Khoa học vật lý đã chứng minh và cho chúng ta tiện nghi thấy tận mắt, nghe tận tai những sự kiện này rồi nhưng biết, và thấy qua kiến thức, và dụng cụ kỹ thuật khó làm cho chúng ta “thấu ngộ” bằng tự quán kiến bởi trí tuệ. 

Đa số khoa học gia, triết gia, trí thức vì chưa có duyên phận với Phật pháp cho nên đến bây giờ vẫn còn vô minh chưa hiểu nổi thâm ý của Đức Thế Tôn, và các Tổ đã chiếu kiến “vũ trụ giai không” qua con mắt trí tuệ (third eye), và đã dạy lại cả hơn 2,5 ngàn năm trước.   Những điều người xưa gọi là “thần thông biến hóa” này, mà bây giờ khoa học mới thực hiện được, đã được khẩu truyền, mật tụng, và sau khi có văn tự, được hồi ký, ghi lại thành kinh điển ngày nay cho những kẻ trí tuệ, và hữu duyên.

Ðức Phật A Di Ðà

Ðức Phật hỏi Xá Lợi Phất: "Vì sao Ðức Phật ấy có tên là A Di Ðà? (Xá Lợi Phất, ư nhữ ý vân hà, bỉ Phật hà cố hiệu A Di Dà?) Rồi Ðức Phật trả lời giải thích: “Này Xá Lợi Phất, Ðức Phật kia có được luồng ánh sáng rực rỡ vô cùng tận, chiếu thấu suốt cả mười phương trời đất, không có một nơi nào bị chướng ngại ngăn vướng, vì thế Ðức Phật ấy mới được gọi A DI ÐÀ.” (Xá Lợi Phất, bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng ngại, thị cố hiệu vi A DI ÐÀ)”.

Trong tiểu bản kinh chữ Phạn Sukhàvatì Vyùha, Ðức Phật đã giải thích ý nghĩa danh hiệu Phật A Di Ðà như sau:

 

“Ồ Sariputra, ông nghĩ thế nào, vì lý do gì bậc Như Lai (Tathàgata) ấy có tên là AMITÀBHA (A DI ÐÀ)? Amitàbha có tên như thế là vì Tua Ánh Sáng Rực Rỡ (ÀBHA) của Ngài chiếu sáng lộng lẫy không ngăn ngại, chiếu sáng vô biên, vô hạn, vô lượng(AMITA) trên khắp cả cõi Phật”. Chữ “amita” (vô lượng) kết hợp với chữ “àbha” (tua sáng lộng lẫy) thành ra: “AMITÀBHA” (A DI ÐÀ) mà Tàu dịch là “Vô Lượng Quang”.

Chẳng những thế, Ðức Phật lại nói tiếp: “Lại nữa, này Xá Lợi Phất, Ðức Phật A DI ÐÀ có sự sống trường thọ vô cùng tận, đến vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cả đến nhân dân ở cõi nước Ngài cũng thọ mệnh vô lượng vô biên như vậy, vì thế Ngài có tên là A Di Ðà. (Hựu Xá Lợi Phất, bỉ Phật thọ mệnh, cập kỳ nhân dân, vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cố danh A DI ÐÀ)”.

Sau cùng, Ðức Phật nói rõ thêm rằng Ðức Phật A DI ÐÀ thành Phật đến nay đã được mườí kiếp rồi (Xá Lợi Phất, A DI ÐÀ Phật, thành Phật dĩ lai ư kim thập kiếp).

Xá Lợi Phất và những cao đồ của Ngài thời đó cũng không biết tới những công án đó, thời đó chưa có công án.   Họ chỉ cung kính tuân theo, dù có thắc mắc cũng để bụng, không dám nghi ngại, đặt câu hỏi trực tiếp với Đức Phật.

Phạm Công Thiện giải thích rất siêu tuyệt: “Chúng ta không nên hiểu chữ “Amitàyus” (Vô Lượng Thọ) ở đây theo nghĩa “trường sinh bất tử” của tôn giáo hữu thần và trường phái Lão Trang, vì “Vô Lượng Thọ” ở đây là Sức Sống Vô Cùng Tận thoát ra ngoài cả sinh tử thông thường, ra ngoài cái “hữu” và “vô”, dứt khoát ra ngoài thể diệu “hữu thể”, và “hư vô”, như Sariputra đã nói trong đoạn kinh Bát Nhã trích dẫn ở trên: “Không, nhất định không thể nào hiểu theo điệu ấy được”. Haí danh hiệu của Phật A Di Ðà ở đây, “Vô Lượng Quang” (AMITÀBHA) và “Vô Lượng Thọ” (AMITÀYUS) chính là Luồng Ánh Sáng lộng lẫy trong suốt vô hạn, và Sức Sống mênh mang phong phú vô hạn cửa “TÂM VÔ TÂM” trong Bát Nhã, vượt ra ngoài không gian (Vô Lượng Quang) và vượt ra ngoài thời gian (Vô Lượng Thọ). Chỉ khi nào vượt ra ngoàt tất cả không gian vô hạn và hữu hạn của tất cả vũ trụ thì mới được “vãng sanh A Di Ðà Phật Cực Lạc Quốc Ðộ”, lúc đó đồng thời mà phi thời, tất cả thời gian vô hạn và hữu hạn bị phá vỡ lên thành một sát na niệm Phật. Một là Tất Cả và Tất Cả là Một. “Một trong Tất Cả; Tất Cả trong Một; một tác động cho tất cả tất cả tác động cho một” như Ðức Phật A Di Ðà đã hiển lộ khai mở cho Tổ Sư Nhật Ryònin, vị sáng lập Tông phái Yùzùnembutsu (tông phái tổng hợp Thiên thai tông và Tịnh độ tông) (Ryònin, 1071-1132).”

Tôi xin tóm tắc đơn giản, phàm phu tục tử vì vô minh nên thần thánh hóa quang minh vô lượng, luồng ánh sáng lộng lẫy trong suốt vô hạn, và sức sống mênh mang phong phú vô hạn của “TÂM VÔ TÂM,” vô sinh vô diệt, vô thủy vô chung, phi không-thời gian trong Bát NhãRồi đưa đến lạc quan, nhân cách hóa, hữu thể hóa, sắc tướng hóa Phật A Di Đà với mê tín dị đoan chẳng qua cũng từ vô minh, mê muội, đáng thương, tội nghiệp mà ra.

Như Sariputra đã nói trong đoạn kinh Bát Nhã: “Không, nhất định không thể nào hiểu theo điệu ấy được.”

Đó là chính là ngụ ý của câu: Y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan.  Lìa kinh nhất tự tức đồng ma thuyết!

Rất hiếm khi Đức Phật phải gợi lên câu hỏi rồi tự mình trã lời lấy vì Ngài biết có những vấn đề cần thiết phải nêu ra và giải thích cho thế gian và hậu thế.

Cho nên Ngài đã thật sự ngấm ngầm, và gián tiếp dạy trước cái kiến thức của “đống lá trên rừng” dù Ngài biết đám đệ tử của mình hoặc chưa đủ trình độ để học hay vì cả nể nên chưa dám hỏi?

Pháp thượng thừa nếu không truyền được lúc đó cho kẻ hữu duyên thì cũng phải gián tiếp lưu truyền cho hậu thế.  Hậu tái sinh [sẽ] tùy duyên mà ngộ được vô thượng bồ đề.

Như không

Trong Kinh Kim Cang, Phẩm 22 Vô Pháp Khả Đắc, Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, Phật đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara samyak sambodhi, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) có phải là Vô Sở Đắc (không có cái được, không được gì cả) ... Không?”

 

Đức Thế Tôn trã lời, “Đúng vậy, đúng vậy!  Này Tu Bồ Đề, Như Lai chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cho đến một pháp nhỏ bé nào cũng không có được, mới gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

 

Thực ra, Đức Thế Tôn diệu ý “Như Vầy”: Như Lai “Không chứng Không Có” lẫn “Không chứng Có Không”!  Như Lai không chứng cả hai.  Như Lai Không chứng một cái gì cả.

 

Huệ Năng luôn nhắc nhở môn đệ của mình ở cái chấp không điểm dưới đây thoạt nghe qua tưởng như là mâu thuẩn với những pháp luận ở trên nhưng thật ra là Ngài đã lìa kinh đồng Phật thuyết:

Chớ nên nghe ta nói KHÔNG mà liền chấp KHÔNG.’ Trước nhất chớ chấp KHÔNG,’ nếu để tâm KHÔNG tĩnh tọa là lọt vàoVÔ KÝ KHÔNG!’”

 

Là lọt vào “thọ ký vào vô không,” hay không sở trụ vào không?  Tôi không biết nguyên ngữ của chữ “LỌT” bằng tiếng Hán này là gì?  Nhưng hình như chữ “Lọt” này nghe không “Lọt tai” chút nào?  Vì phải có định xứ (locality) để sở trụ mới lọt vào, rớt ra (lọt ra) được?  Không lẻ, nếu để tâm KHÔNG tĩnh tọa là lọt vàoVÔ KÝ KHÔNG!’” cũng bị lọt vào mâu thuẩn vô ký bất nhị nguyên?

Tôi không tìm thấy chữ “lọt” này trong kinh Pháp Đàn do hòa thượng Thích Thanh Từ giảng mà là “chấp vô ký không.”

Cũng trong kinh Pháp Đàn, Sư Huyền Sách nói với sư Trí Hoàng:

Ông nói, chính khi nhập định chẳng thấy có cái có tâm và không tâm.  Chẳng thấy có tâm và không tâm tức là thường định, sao

lại có xuất nhập, nếu có xuất nhập tức là không phải Đại định.

Huyền Sách nói tiếp, “Lục Tổ, Thầy tôi nói: Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần chẳng phải có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền không trụ, lìa trụ thiền tịch, tánh thiền không sanh, lìa sanh thiền tưởng, tâm như hư không cũng không có cái lượng của hư không.”

Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh vì không có đối đãi.

Pháp bất khả tư nghị.  Tư nghị bất khả pháp!

Như Lai không nói một chữ

Như đã nói, Pháp Phật cao siêu diệu vợi, không dễ dàng cộng thông!  Tuy nhiên, cao thâm hay đơn giản tùy vào nhân duyên và căn trí của mỗi cá nhân.

Chẳng hạn, sau 49 (có sách nói 45) năm hoành pháp, Đức Thế Tôn tuyên bố rất đơn giản: Như Lai không nói một chữ...Không.   Vì hình như ý Ngài, khi đã nói Không rồi thì nó Không còn là Không nữa.  Tuy nhiên, trong vòng 49 năm du thuyết pháp nếu Như Lai Không nói Không thì Không có “Như Không” để mà thuyết pháp... “Không pháp không”?

Thật ra lúc vừa mới đại giác ngộ, Ngài có ý này rồi nhưng vì thể theo lời yêu cầu khẩn thiết của một đấng Phạm Thiên mà nảy sinh từ bi, tội nghiệp cho chúng sinh còn mê muội, đầy vô minh nên phải chờ đến sau 49 năm du thuyết pháp Ngài mới nhắc nhở lại cái ý ban đầu đó là trong 49 năm nay, “Như Lai không nói một chữ.”

Tôi mượn ý kinh để đồng pháp thuyết:

Phẩm Quán Tứ Đế ghi: “Thế Tôn biết pháp [không] này, tướng sâu xa vi diệu, hàng độn căn chẳng biết, vì thế chẳng muốn thuyết [không].

Như Lai không thuyết giảng những triết lý trừu tượng dưới đây cho những kẻ căn trí còn đần độn:

Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.” Tiểu Kinh Malunkya, Trung bộ kinh, Phẩm 63

Những kẻ thượng mạn nầy đặt ra những câu hỏi ngoài mặt trông ngạo mạn nhưng trong tâm đang khả úy, ngay chính tự họ cũng không giải thích được, để cố tâm gài bẩy, cố tình chất vấn Như Lai.   Họ đã tự chứng minh là họ có vấn đề tâm thần, lòng dạ họ đang phân vân, tâm hồn đầy lo âu, sợ hải vì vậy nếu ta không biết dùng đúng phương thuốc để chữa bệnh cho họ thì không những chả giúp ích gì cho họ được giải thoát khỏi vô minh mà còn lại làm cho họ đắm sâu thêm trong biển khổ đau, rất tai hại cho tâm trí đáng thương của họ.

Trong Quảng Luật, trước phần Phạm thiên thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp, và cả Kinh A Hàm cũng có ghi: “Pháp sâu xa mà ta nói hôm nay khó hiểu và khó thấu rõ, khó nhận biết… dẫu ta có nói diệu pháp thì người cũng chẳng tin nhận, chẳng thể hành trì… Ta nay nên im lặng, hà tất phải thuyết pháp.”

Vì dù cho hiểu được pháp vi diệu của Như Lai là gì nhưng một người tu tập Phật Giáo không chỉ đơn thuần nhìn vào sắc tướng cao cả của Như Lai mà chấp Như Lai, bởi vì thấy diện mục hoàn hảo của Như Lai chưa hẳn là kiến được bản lai Như Lai qua cái tâm phàm tục của mình.

Đức Phật cũng có dặn rõ ràng, "Nếu người chấp, thấy sắc thân của ta cho là thấy được Phật, nghe tiếng nói Pháp của ta cho là nghe được tiếng Phật, thì người đó đã đi lạc về đường tà, không bao giờ thấy được Phật."  Đó là ý nghĩa của, “Thấy Phật giết Phật!

Điều này, có nghĩa thấy cái sắc thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp bên ngoài của Phật chưa phải là thấy được phật [phải diệt nó đi.]  Mà phải thấy "Phật tâm thanh tịnh" hay "pháp thân Phật;" thấy các pháp (tướng) đều là hư vọng (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng) tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp.)  Đó mới thật là thấy Phật (Tri Kiến Phật!)  "Nhứt thế chư Pháp vô phi Phật pháp!" Nghĩa là tất cả các pháp thế gian cũng đều là Phật pháp." Nếu mê thì pháp thế gian, còn ngộ là Phật pháp. 

Kiến Như Lai là cách nhìn vào bên trong chính mình, quán tự tại, tìm hiểu mình, nhân duyên nghiệp quả nào thúc đẩy mình lọt vào thế giới, cái bản năng nào đã thúc đẩy mình như thế nào đưa  đến cho mình những lo âu, khổ đau? Tri kiến Như Lai là cách duy nhất giúp mình phát triển trí tuệ, quét tan vô minh, đạt giác ngộ để hóa giải các nguyên nhân nghiệp quả ấy hầu giải thoát mình ra khỏi luân hồi tử sinh. Đó mới đích thị là tri kiến Phật.

Ngay cả đến bây giờ, tôi đoan quyết là có rất nhiều người vẫn còn ngộ nhận và không thông đạt được cái câu tuyên bố cao thâm khó hiểu trên này của Đức Thế Tôn.

Ngài Thái Hư Pháp Sư giảng:  Sắc thân của Phật là hư vọng, mà tất cả các hình tướng, như thế giới chúng sanh v.v... cũng đều hư vọng, như hoa trong gương, như trăng duới nước, không có chơn thật.  Nếu người rõ thấu được các tướng đều hư vọng như vậy, tức là đã thấy được "pháp thân của Như Lai," tức là rõ thấu được "tướng chân thật của các pháp," cũng tức là "Trí Huệ Vô Thượng," và cũng tức là "Kim Cang Bát Nhã Diệu Tâm."  Tuy nhiên, "Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã," như thế mới thật là "nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã."  Phật dạy: Nếu Như Lai có thành Phật, tất nhiên phải có chúng sanh chưa thành Phật, thế thì bốn tướng: ngã, nhơn v.v....đua nhau sanh khởi. Nếu còn ngã, nhơn v.v...thì không phải là Phật.  Nếu Như Lai có nói pháp, tất nhiên phải có chúng sanh nghe pháp. Nếu còn có kẻ nói người nghe, tức nhiên còn nhơn, ngã, bỉ, thứ. Nếu còn ngã, nhơn thì không phải là thuyết Phật Pháp.  Cho nên, sau 49 năm giãng dạy Phật Pháp, trong Kinh Langka, Đức Thế Tôn trã lời, “Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết.”  Đây là thông điệp chính của kinh Lanka mà ngôn ngữ văn tự của 12 bộ khế kinh chỉ giúp chochúng sinh: Khai (mở ra,) Thị (chỉ cho thấy.) Nếu muốn thật sự Ngộ Nhập vào Chánh Pháp thì phải rời ngôn ngữ, văn tự mà khởi đầu Tu Chứng.  Đây là bộ kinh mà Tổ Đạt Ma đã trao truyền cho Huệ Khả làm tâm ấn, “ta có Lăng già Kinh bốn quyển cũng dùng giao phó Ông.” Thiền Sư  Suzuki viết trong Thiền Luận, với câu nói bất hủ gán cho Tổ Đạt Ma, “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Kiến tánh thành Phật.” Đã diễn giãi và khai thị ý kinh Lăng già củng như các kinh điển khác. Giác Ngộ rất khó tư nghị. Nói ra là đả sai rồi. Cho nên, nói An Tâm Kiến Tánh thành Phật chớ kỳ thật không thành cái gì hết. 

Tại sao tiền nhân thời đó nghe qua một lời giảng là bất chợt giác ngộ mà bây giờ chúng ta nghe lui nghe lại những chuyện thiền đời xưa, khen hay, nhưng như đàn gãy tai trâu không bùng ngộ?

Chẳng qua, càng văn minh, chúng sinh không những rất bất  đồng về thể chất mà ngay cả căn trí cũng quá bất đồng.  Căn trí  bất đồng tỷ lệ thuận với thể chất bất đồng nhưng trí tuệ bất đồng tỷ lệ nghịch với bất đồng văn minh.

Thực tế mà nói thì ai trong nhân sinh không mắc phải tâm bệnh đáng thương này?

Để làm cho vấn đề phức tạp thêm, tôi xin đơn lược như vầy: Vì Đức Thế Tôn tri kiến chúng sinh là ảo, không có thật.  Cho nên, làm gì có người nghe pháp để mà giảng pháp?  Không kẻ nghe pháp...không; không người giảng đạo...vô pháp?

Chúng sinh không có thật, đau khổ không có thật, và ngay cả pháp cũng là huyễn.  Không có cái gì chứng đắc.  Không có sở trụ để trở lại (luân hồi) trong cái cõi “như không” này nữa.

Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng là quan điểm của Đại Thừa, đã nói:

“Tất cả chúng sanh từ xưa nay vốn thường trụ trong Bồ-đề Niết bàn, chẳng phải do tu mới có, chẳng phải do làm mới được, rốt ráo không có cái gì chứng đắc, cũng không có tướng gì để thấy.

Nhưng vì những lời khẩn thiết tâm cầu của Phạm Thiên nên tâm tạo từ không ra có. Có người yêu cầu, có kẻ giảng pháp và sẽ có người nghe pháp.   

Âu đây cũng là cái kỳ duyên của 49 năm du thuyết Phật Pháp của Đức Phật và cũng là đại sự nhân duyên cho nhân loại trong cõi Ta Bà.

Vạn pháp giai không

Tóm lại, theo ngu ý thì nó như vầy:  Ngài ngộ ra chúng sinh không có thật.   Chúng sinh, và đặc biệt nhất là chúng nhân sinh chỉ là đám bụi “vi trùng chúng sinh ảo” như Lân Hư Trần vô thường trong nhiều triệu phần của sátna ở trong vũ trụ ảo còn nói chi đến chuyện cứu độ, đau khổ, giải thoát, niết bàn cho “chúng ký sinh trùng,” gian ác nhất từ cổ chí kim, vô tích sự nhất trên thế giới này? 

Hơn nữa, vì tất cả từ tâm tạo; “không có một vật” thì làm gì có “vật người cứu độ” và “vật kẻ được cứu độ” để mà thuyết pháp và nghe pháp... huyễn?

Vì như đã đề cập ở trên, Giác Ngộ cũng chỉ là ảo tưởng, là vọng tâm, hư cấu, không có thật.  Trong cõi tương đối, có vô minh mới có giác ngộ, còn trong bản thể tuyệt đối của niết bàn (nhất như) thì không có giác ngộ (bất nhị), cũng không có vô minh (nhị nguyên).  Mà ngay chính cả ngóng mộng Niết Bàn cũng điên đảo vọng tưởng.

Như Lục Tổ, Huệ Năng mở đầu trong kinh Bảo Đàn:

Huệ Năng bèn ở dưới cây bồ-đề khai pháp môn Đông Sơn. Huệ Năng được pháp ở Đông Sơn, chịu tất cả những điều cay đắng, mạng giống như sợi chỉ mành. Ngày nay được cùng với Sử quân, quan liêu, Tăng Ni, đạo tục đồng ở trong hội này đâu không phải là duyên của nhiều kiếp, cũng là ở trong đời quá khứ cúng dường chư Phật, đồng gieo trồng căn lành mới nghe cái nhân được pháp môn đốn giáo này.  Giáo ấy là các vị Thánh

trước đã truyền, không phải tự trí Huệ Năng được, mong những người nghe các vị Thánh trước dạy, mỗi người khiến cho tâm được thanh tịnh, nghe rồi mỗi người tự trừ nghi, như những vị Thánh đời trước không khác.

Lục Tổ cũng dạy về bố thí pháp: Pháp môn đốn giáo phải truyền trao, chớ không được giấu kín chánh pháp. Nếu không phải là hàng đồng kiến đồng hành, ở trong pháp môn khác thì không được truyền trao, cứu kính vô ích, sợ người ngu không hiểu, chê bai pháp môn này rồi trăm kiếp ngàn đời đoạn chủng tánh Phật.

Những bài triết luận này được nghiên cứu, và viết ra qua một lăng kính, suy luận và hành văn cận đại với mục đích giúp cho giới trẽ hiện đại có một chút kiến thức luận của triết lý đạo Phật chứ không thể giúp nhân sinh phát triễn trí tuệ, giác ngộ giải thoát mà không tự thân mình trì chí tu hành đạo vô thượng của Đức Phật.

Lục Tổ bảo: “Diệu lý của Chư Phật chẳng có quan hệ đến văn tự [bác học].”

Hơn nữa, bài pháp luận sẽ “như không” nếu “như không” có người đọc?  Nhưng đọc mà thấy “Như Không” hay “Không Như Vậy” thì tùy thuộc vào căn trí, nhân duyên của mổi cá nhân.  

Trừ những bật cao tăng, cao ni và những đấng thiện tri thức đã tu hành có trí tuệ cao thì ngay cả kẻ đọc lẫn người viết cũng không lọt ra khỏi cái càn khôn quyện, “vòng Như Không, Không Như vòng” này.

Khác với “Tăng tụng kinh,” Pháp Đạt trong Bảo Đàn Kinh, tôi chỉ nghiên cứu triết lý, học lóm Phật Pháp, không bái sư, không nghi kinh, tâm chẳng cầu đạt, pháp luận chả mong tinh thâm, không muốn viết nhưng bị lọt vào duyên viết nên phải nghiên cứu kinh?

Tôi chỉ mong học được cái công phu bí kíp cuối cùng của Lục Tổ, một ngày nào đó chợt bảo gia đình rằng, “Ôn vọt nghe!” Rồi ngộ chẫu, tiêu diêu không bờ không bến đẹp như không.

Chết/Sống trong vô úy không phải là bất úy nhưng mà sống/chết an nhiên tự tại thanh thản với khả úy.  Kiến khả úy tử/sinh giai không!

Sống/chết không lo sợ không phải là chạy trốn lo lắng hay diệt tận sợ hãi vì trên thực tế sợ hãi, và lo lắng như là siêu vi khuẩn cúm (flu virus,) càng ngày càng mạnh không thuốc nào giết/ngừa được mà chỉ có thể làm cho nó yếu đi/trong tầm kiểm soát để không ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể/không tổn thương đến sức khỏe nếu bị kéo dài mà không được chữa trị.

Thí dụ điển hình trên cho thấy, chúng ta sợ hãi cái sợ hãi không phải vì chúng ta hãi sợ sợ hãi mà vì chúng ta lo sợ cái vô minh.  Cái mà chúng ta không biết để lường cho nên lo lắng không an. Chúng ta thấp thỏm vì biết nó đã đến, vô đơn chí, không ước hẹn trước để kịp chuẩn bị, đã ở lại tàn phá gây biết bao khổ đau, rồi bỗng cuốn đi không hẹn ngày trở lại.  Nó đến như thiên tai ngoài khả năng kiểm soát của con người. Chúng ta biết chắc chắn nó sẽ trở lại không báo trước, đi ở tùy ý.  Nó là nguyên nhân của đau, bệnh, lão, tử?  Nó làm cho tâm ta lo lắng bất an.

Sống/chết trong bất úy là chết/sống an nhiên tự tại thanh thản với khả úy/thử thách.  Như cuốn theo chiều gió hay trôi nỗi theo dòng đời.  Nếu không đủ trí dũng để lèo lái, có lo lắng thì cũng cố gắng mở to mắt ra, bình tĩnh mà run để thưởng thức cái sợ hãi khoái lạc đó.

Phạm Công Thiện viết: Chúng ta chỉ có thể hiểu thế nào là “Tự Lực” và thế nào là “Tha Lực” khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của Ý Lực” (Cetanà) và vai trò của “Ý Lực” đối với Tâm (Citta).  Tâm hay Thức chỉ tác động vận hành khi nào có sự tác động vận hành của “Cetanà” (Ý Lực, Tâm Lực). Chính Ý Lực quyết định tất cả nghiệp thức, và chính Ðức Phật cũng từng nhấn mạnh rằng Cetanà chính là NGHIỆP: “Hỡi các tỳ kheo, Ý Lực là cái ta gọi là NGHIỆP.”, “Cetanaham bhikkhave kammam vadami” (Anguttara Nikàya, VI, 63) 

Nguyệt Xứng (Chandrakìrti), khi luận về Trung Luận của Long Thọ, đã nói rằng cái tướng đặc thù của Cetanà là việc tác động vận hành của sự kiến trúc ý niệm tâm thức. (cittàbhisamskàramanas-karmalaksanà cetanà ca iti) (Prasannapadà, tr. 311).

Hình như ta không làm chủ được tâm thức mà ngược lại, tâm ý quyết định tất cả?  Tâm cho ta mượn đở trí tuệ, chỉ cho ta kiến thức, dạy cho ta kinh nghiệm để thực hiện cái mà tâm muốn (ý tâm). 

Cái não và nhục thân của cá nhân ngã này và ngay cả tất cả của chúng sinh chẳng qua chỉ là công cụ sáng tạo của Tâm?

Sinh-Sống-Tử của tất cả chúng sinh không có ảnh hưởng hay nghĩa lý gì cả đối với tâm.

“Tất cả do tâm tạo,” hình như có diệu ý như vậy?

Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát,

Không đúng không sai tự tại tâm.

Trần Nhân Tông

Như đã nhắc đi nhắc lại, Tôi, cái ngã này, không biết một chữ, không hiểu một chữ, không viết một chữ, và nhất là không bao giờ tình nguyện hay muốn viết một chữ trong những bài pháp luận từ trước đến bây giờ.

Nhưng mà ngộ thật!  Nói đi nói lại, diễn cao giảng thấp, lìa kinh đa tự bất đồng ma thuyết rồi thì là cũng phải vòng trở lại y kinh giảng nghĩa tam thế Phật không oan mà y chang ý kinh như vậy. 

Cho nên, cái kiến thức có được và trí tuệ nếu có này không thể nào vượt qua khỏi Tâm Pháp cao thâm.  Như Tôn Ngộ Không không thể cân đẩu vân thoát khỏi lòng bàn tay của Phật.

Tóm lại, Đạo Pháp ấy là các vị thiện tri thức, tổ, bồ tát, phật trước đã truyền, không phải tự trí tuệ và kiến thức của người viết tự nhiên có rồi viết ra được.

 

Tôi xin mượn bài thơ hát nói, Chữ Tình của Nguyễn Công Trứ để tạo ra bài thơ Tâm Lòng,

Tâm Lòng

 

Tác giả: Lê Huy Trứ

(Phóng tác từ bài thơ hát nói,

Chữ Tình của Nguyễn Công Trứ)

 

*

Tâm lòng bản lai chi chi?

Dẩu chi chi cũng chi chi tâm lòng.

Bản tâm che khuất mặt lòng,

Vô minh chẳng biết bởi lòng nhị tâm.

Nói:

Vọng tâm lòng khổ,

Tâm lọt lòng rồi khó thoát ra.

Khéo quấy lòng một cái tâm ma,

Trói lòng kẻ thiền tâm biết mấy!

Đánh thức tâm lòng nơi mộ dậy,

Lại chạnh lòng lúc ngủ tâm đi.

Tiếu ngạo đau lòng khổ tâm

Tâm chẳng động, lòng không còn phân biệt.

Vô tâm lòng khai trí tuệ ngộ không,

Lòng bất tham, tâm không sân si.

Tâm lòng diện mục chi chi?

 

Theo kinh điển Phật Giáo Đại Thừa, chúng sanh đã sẳn có "Trí Huệ Bát Nhã" hay "Trí Huệ Phật," thì thế nào chúng ta cũng sẽ trở thành Phật.  Hiểu được tâm là cái chi chi, chúng ta sẻ đạt được giác ngộ, tri kiến Phật, thành Phật.

Lý Tiểu Long (Bruce Lee) đã nói:

Nếu tôi nói tôi giỏi.  Họ cho tôi là kiêu ngạo.  Nhưng nếu tôi nói tôi dở thì họ biết tôi nói xạo.

 

If I tell you I'm good, probably you will say I'm boasting. But if I tell you I'm not good, you'll know I'm lying.” ― Bruce Lee

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Nguyễn Du

“Chữ tâm kia,” vô thỉ vô chung; không sanh không diệt; không có thời gian để đến hay đi; không có không gian để sở, để trụ.  Cho nên, Tâm Phật không có đã (quá khứ,) đang (hiện tại,) và sẽ (tương lai).

Tóm lại, đạo Phật có độc một chữ TÂM.  Nắm vững được chìa khóa quan trọng này rồi, người tu học Phật có thể mở được cữa không cữa, vô môn quan.

 

Nương theo giáo pháp Phật Đà

                         Chữ Tâm Phật dạy giúp ta độ đời.

Đến bờ giác ngộ thảnh thơi

Thoát ly phiền não cuộc đời an vui.

 

Như Lai không giác ngộ giác ngộ!

Tôi chế biến một tí từ câu đối đáp nỗi danh nhưng không biết nguồn gốc từ kinh điển nào?

 Có người hỏi Đức Phật Ngài đạt được gì từ giác ngộ?

Đức Thế Tôn trã lời, “Không!”

Tuy nhiên,” Ngài giải thích tiếp, “Để Như Lai cho biết Như Lai đã mất những gì: Tham lam, Sân hận, Si muội, bồn chồn, đau khổ, bất an, sợ hãi già và chết. 

Tiếng Việt chỉ có một chữ “Không” thay vì phong phú như những ngôn ngữ khác trong việc dịch chữ “emptiness, hư không” nhưng trong trường hợp này chữ Không, độc nhất vô nhị này thật viên diệu qua tiếng Việt ở đây.

Chúng ta không thể mất cái mình không có cũng như có cái mình đang có.

Tôi muốn làm sáng tỏ lại ý kinh thâm diệu,

“Như Lai không giác ngộ giác ngộ!”

 

Danh từ “Như Lai” của câu ở trên, tôi cố tình, chủ tâm, dụng ý, diễn nghĩa là vô ngã, không có cái tôi tự tôn, “không đi, không đến,”  khác với nghĩa phổ thông, thường thức “người đến đi như vậy!”  Như Lai, vô ngã không phải là người.  Cái ngã cũng không phải là người nhưng bị con người vô minh nhân cách hóa.

“Không” ở câu trên vừa có nghĩa là trợ động từ không (not,) vừa có nghĩa “không giác ngộ Không.”  Nhưng nghĩa chính là Không không gian lẫn không thời gian, để đến đi, vô thủy vô chung. 

Giác ngộ là động từ giác ngộ nhưng giác ngộ không động chỉ như như không không.  Hai chữ giác ngộ cuối cùng là tỉnh từ, còn có ngụ ý là tính từ (tánh từ,) tự tánh của tỉnh thức, tĩnn tâm, lẫn tịnh lòng.

Nếu vẫn còn thắc mắc,

Như Lai có giác ngộ Không?

Tôi im lặng!

Ohm!

I want to rewrite this famous proverbial quote, Buddha was asked, "What have you gained from enlightenment?"

He replied, "Nothing!”    

“However!” Buddha eleborated, " let me tell you what I lost: Greed, Anger, Ignorance, Anxiety, Depression, Insecurity, Fear of Old age and Death."

To me, “Nothing!” was already covered what Buddha elaborated.  Nothing means Emptiness, Nothingness!

You can gain something but couldn’t gain or lost nothing.  Nothing to lose, nothing to gain.  You must have gained something first in order to lose something.  You can’t lose something you never have had in the first place.

In fact,

Gain/lose, or have/haven’t, or nothing/something is dualism.

You can neither gain nothingness nor lose emptiness but enligtened it.

That is the philosophy of non-dualism in Buddhism.

The devoted truth is,

Buddha never enlightened enlightened!

 

(adverb, never [at no time in the past or future; on no occasion; not ever,] verb, enlightened is past tense, enlightened is adjective)

Để kết thúc, tôi mạo muội tóm lược “từ 49 ngày tới 49 năm lịch sử của Như Lai” qua bài thơ phóng tác dưới đây nhưng nhường lại phần dịch thuật cho các bật thiện tri thức:

I am who I am not

I am sentient; I am mindful.

I am a thousand lives on the worlds.

I am a cause and effect; I am interdependent,

I am conscious; I am awakened,

I am wisdom; I am awareness,

I am unattached; I am suffering free.

I am the way; I am Dharma.

When the Morning Star arises in the morning's hush.

I am the swift uplifting rush, I am enlightened,

I am the truth; I am the Buddha.

I am the universes; I am who I am,

But I think not; therefore, I am not.

(Le Huy Tru)

Như Lai không giác ngộ Giác-Ngộ

 

(Buddha never enlightened enlightened)

Lê Huy Trứ

(The Buddha being tempted by the demon Mara. Hulton Archive/Getty Images)

Đức Phật đang bị Ma Vương quấy phá


 

Contents

Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma). 3

Đức Phật giác ngộ được suy diễn như thế nào?. 9

Đức Phật tham thiền nhập định & giác ngộ như thế nào?. 13

Giác ngộ sướng như thế nào?. 16

Đức Phật giải thích, thế nào là Bồ Tát (Bodhisatva)?. 19

Thế nào là La Hán (Arahat)?. 20

Sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, và A La Hán. 22

Đạo bình đẳng. 30

Ai tu nấy chứng. 34

Yếu chỉ của Phật Giáo. 39

Ưng vô sở trụ. 43

Bản thể Chơn Tâm.. 50

Ðức Phật A Di Ðà. 53

Như không. 56

Như Lai không nói một chữ.. 58

Vạn pháp giai không. 63

Như Lai không giác ngộ giác ngộ!. 70

                                                                                                       


 

Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma)

Cây bồ-đề là loại cây thông thường mọc nhan nhản ở Ấn Độ, và những quốc gia ở vùng nhiệt đới.  Nhưng cây bồ đề mà Đấng Thế Tôn 'Buddho Bhagava,' [Buddho (Bụt, Phật),  Bhagava (Thế Tôn)] đã chọn để tạm tá túc trong lúc tham thiền nhập định cho tới khi Ngài giác ngộ thành Phật là cây bồ đề rất đặc biệt được Phật Tử sùng bái gọi là Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma).

Thăng trầm theo dòng lịch sử, cây Bồ Đề đặc biệt này đã được thế nhân tin như là một báu vật linh thiêng, được tôn kính như là một biểu tượng liên quan đến sự giác ngộ của Đức Phật.

Cây bồ-đề (Bodhi tree) được gọi là "asvatthi," hoặc là cây Đa (Pipal, pippali). Theo định nghĩa thực vật học, cây bồ-đề là "ficus religiosa" nghĩa là biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, nên gọi là "cây giác ngộ," hoặc thường được gọi là ‘cây bồ-đề.’Ven. Pategama Gnanagama, Bhikkhuni Sanghamitta, p. 45; Dharmadoot, Maha Bodhi Society of India, Sarnath-2000.

Chính dưới cây này, Đức Như Lai đã tham thiền nhập định trong nhiều ngày.  Đức Thế Tôn đã chiến thắng vượt qua tất cả những thử thách nội tâm, và cuối cùng Ngài đã bổng nhiên đại giác ngộ đạt được nhất thiết chủng trí.

(According to Buddhist texts, the Buddha meditated without moving from his seat for seven days under this tree.)

 

Theo kinh sách viết, Đức Phật tham thiền nhập định không rời chổ ngồi của Ngài trong 7 ngày dưới cội cây này.

 

Cây bồ-đề bên tòa Kim cang (Vajrasana) ở trên chính là cây Tatpala, cùng giống với cây đa (pippali) là một nhánh của cây chính.  Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế cây mẹ gốc cao vài trăm feet (?) nhưng trong quá khứ lịch sử đã bị phá huỷ, đốt, chặt, đốn nhiều lần bởi ngoại đạo.

Không những chỉ cây bồ đề gặp nạn mà khoảng chừng 700 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật Giáo đã gần như hoàn toàn bị hủy diệt ở vùng đất phát sinh ra nó, những thánh tích như Bồ-đề Đạo Tràng (Buddha-Gaya), Sarnath (Benares), núi Linh Thứu (Rajagriha) v.v… đều bị phá hủy, đốt, đập phá tan nát bởi ngoại đạo.

Những đệ tử Phật đã phải bỏ trốn lưu vong qua Tây Tạng mang theo rất nhiều kinh điển của Phật Giáo.

Bây giờ, Dalai Lama và những sư Tây Tạng “tái bỉ ngạn,” tây du, chạy sang di trú ở Ấn Độ để tỵ nạn đàn áp tôn giáo và chiếm đóng Tây Tạng của Trung Cộng nhưng đa số văn hóa quý giá của Phật Giáo vẫn còn ở lại Tây Tạng.

“Theo biên niên sử của Tích Lan, Dipavamsa (thuộc thế kỷ IV), Mahavamsa (thuộc thế kỷ V) và Samanta-Pasadika (thế kỷ V) được viết bằng hai ngôn ngữ Pali và Tích Lan (Sri Lanka) cho biết rằng trong lúc vua Devanamapyatissa trị vì vào thế kỷ III trước Tây lịch, thì con trai của Đại đế A-dục (Ashoka) là Tỳ kheo Mahinda đã đi truyền đạo tại Tích Lan và đã cảm hóa được vua chúa cũng như những người dân ở hòn đảo bình yên này. Và Ngài đã thành lập Tăng già Phật giáo đầu tiên tại đây.

 

Trong thời gian Ngài Mahinda ở Tích Lan, Ngài đã khuyên vua Devanamapyatissa kiến nghị vua A-dục biếu một nhánh cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng để trồng ở thủ đô Anuradhapura, Tích Lan.” Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, Diệu Hương

 

Theo sử sách, hơn 2.000 năm trước, theo lệnh của quốc vương ở xứ được gọi là Ấn Độ ngày nay, đó là Ashoka Đại Đế, một nhánh từ thân cây rất quan trọng nầy đã được chiết ra từ một cành phía nam của cây bồ-đề ngay dưới tán cây đặc biệt được cho là nơi Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã ngồi tham thiền và đắc đạo.

Vua Ashoka ban tặng dấu ấn vương quyền lên cành cây đó, cho trồng nó trong một bình làm bằng vàng ròng, rồi ban chiếu chỉ sai con gái mình đích thân đưa cành cây tôn kính đó băng núi và xuôi Sông Hằng xuống Vịnh Bengal.

Con gái của vua Ashoka là Tỳ Kheo Ni Sanghamitta đã qua thăm Tích Lan với mục đích thành lập ni đoàn Phật Giáo cho giới nữ tu và đã lên tàu ra khơi rước nhánh bồ-đề này qua Tích Lan cung tiến cho nhà vua Devanampiyatissa của nước này.

Vua Ashoka yêu mến cái cây tới mức ngài đã nhỏ lệ khi nhìn cảnh nó được đưa đi.

Bức tranh diễn tả Tỳ kheo ni Sanghamitta mang một cây Bồ đề được chiếc từ cây Bồ đề từ đất Phật

Nhánh cây bồ đề này được trồng tại thành phố cổ Anuradhapura suốt trong thời vua Devanampiyatissa trị vì và vẫn còn xanh tốt cho đến ngày nay.

Sau này, người dân Tích Lan đã gọi cây bồ-đề tại Tích Lan này là "Sri- Maha-Bodhi," nghĩa là cây bồ-đề thiêng liêng.

Nói về dữ kiện của cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng và tại Tích Lan, báo The Maha Bodhi, Buddha Gaya, tháng 7, 1903 nói rằng:

"Cây bồ-đề mà Đức Phật Bhagawan ngồi thiền trước kia bây giờ không còn nữa. Cây đã bị hủy diệt năm 1874 (Pl. 2418). Một nhánh của cây bồ-đề này đã được Tỳ-kheo-ni Sanghamitta, con gái vua A-dục mang đến trồng tại thủ đô Anuradhapura, Tích Lan. Khi cây gốc bị hủy diệt năm 1874, một [trong những] nhánh cây con mới mọc lên và đó là cây bồ-đề sum suê tại Bồ-đề Đạo Tràng hiện nay. Cây mọc rất tươi tốt và rậm đầy lá xanh."

Theo các nhà khảo cổ học cây này được coi là thiêng liêng ngay từ buổi bình minh lịch sử của nền văn minh Indus. Trong bộ Rig Vê đa, bộ kinh tôn giáo cổ nhất của dân tộc Aryans ở Ấn Độ đã cho biết rằng cây bồ-đề này được kính trọng như vật thiêng liêng ngay từ thời đó.” Gnamarama P.Ven., Aspects of Early Buddhist Sociologist Thought, p. 163.

Lịch sử cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng, Diệu Hương tham khảo:

Khái niệm thờ cây đạt đến đỉnh cao trong việc thờ cây bồ-đề. Sự quan trọng của nó không chỉ nằm ở bản chất hùng vĩ của cây mà còn là sự kết hợp của sự chứng đạt vĩ đại nhất của Đức Phật, đó là giác ngộ. Vì vậy, cây bồ-đề từ một cây thông thường đã được coi như biểu tượng của chính sự hiện diện của Đức Phật và sự chứng ngộ Phật quả. Có một sự kiện về cây bồ-đề đã xảy ra ngay khi Đức Phật đạt giác ngộ. Đức Phật đã trải qua trọn một tuần lễ bảy ngày nhìn vào cây bồ-đề với ánh mắt biết ơn cây đã che chở cho Ngài những đêm mưa gió bão bùng, những ngày nắng đốt như lửa trong suốt thời gian qua cho đến khi Ngài đạt giác ngộ. Tất cả những sự kết hợp này đã tạo nên những đặc tính của cây bồ-đề tại Bồ-đề Đạo Tràng – cây giác ngộ.”

 

Bình luận về việc thờ phượng cây bồ-đề hiện nay, nhà đại học giả Phật giáo Rhys Davids đã thận trọng nhắc chúng ta rằng việc thờ phượng đối với những vật thể bên ngoài như cây cối là việc không thật sự ích lợi [cho trí tuệ, và việc tu hành giác ngộ, Trứ], nhưng vì cây bồ-đề này có ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời Đức Phật và sự giác ngộ tối thượng của Ngài.   Ngày nay, những hình thức nghi lễ [tôn giáo] xung quanh cội gốc bồ-đề ngày một phát triển [của tín ngưỡng][lòng tin] không chút suy giảm [của tín đồ nên được sáng suốt hiểu là biểu lộ lòng tôn kính thay vì mê tín cầu xin cho mục đích ích kỷ như đa số cả tin mà thờ phượng cúng bái] dù đã trải qua nhiều thế kỷ.”

Câu chuyện trên này được tôi bổ sung chi tiết qua bài viết trên của Diệu Hương và từLịch sử nhân loại dưới tán cây bồ đề”, Mike Shanahan, BBC Earth, trích từ sử thi The Mahavamsa của Sri Lanka, nói tới cây bồ đề lịch sử, Buddha tree mà các khoa học gia gọi là Ficus religiosa.

Cây bồ-đề gốc tại Bồ-đề Đạo Tràng đã bị hủy nhiều lần bởi nhiều thời đại sau đó. Vì vậy, cây bồ-đề được chiết trồng đã trải qua 5 đời tại thành phố Anuradhapura ở Tích Lan được lịch sử biết được và công nhận là từ cây cổ nhất trên thế giới.

Đúng như tên gọi và nhân duyên của nó, cây Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyak sambodhi, Bodhi druma) này là một chuổi nhân quả từ quá khứ cả hàng ngàn năm, trước cả thời Thái Tử Tất Đạt Đa và vua Ashoka, được mọc lên đúng chổ, đúng nơi để chờ phục vụ, che chở đấng chí tôn cho đến ngày Ngài đắc đạo. 

 

Đức Phật giác ngộ được suy diễn như thế nào?

Trong 49 ngày lịch sử quyết tâm chứng đạo vô thượng đó (có sách viết một vài ngày) của Đức Phật, đã để lại vô lượng công đức và đại sự nhân duyên cho chúng sinh, nhưng những gì biến đổi trong tâm của Đức Thế Tôn như được diễn tả trong kinh sách hình như chỉ là truyền thuyết chứ không phải được thuật lại từ kim khẩu của Như Lai?

Sau 6 năm khổ nhọc tầm đạo, Đức Thế Tôn “tự mình thắp đuốt” đi tìm chân lý.  Cuối cùng Ngài chọn nơi đây, dưới cội bồ đề này, và quyết chí nguyện rằng: Từ nay, nếu không chứng được đạo Vô thượng Bồ đề, thì thà để cho thịt nát xương tan, chứ quyết không đứng dậy khỏi nơi này! (Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm).

 

Trong Duy Lực Thiền, Đức Phật A Di Đà Là Ai? Truyền Bình viết, “Phật (Buddhàya) không phải là một vị thần linh, mà chỉ là một người giác ngộ, tự mình thân chứng bản tâm bất nhị là bản thể của vũ trụ vạn vật. Kinh điển Phật giáo nói rằng khi Đức Phật Thích Ca ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề, thì các thần thông, là những thuộc tính vốn có của tâm giác ngộ, hiện ra đầy đủ, nên:  Về mặt không gian Ngài nhìn thấy suốt cả Tam thiên đại thiên thế giới, còn gọi là Tam giới tức là Ba cõi thế giới, bao gồm Dục giới [ sa.(tiếng sanskrit) kāmaloka,  thế giới mà chúng ta đang sống]; Sắc giới [色界, sa. rūpaloka thế giới cõi trời nơi chúng sinh có thọ mạng lâu dài hơn cõi thế gian]  và Vô Sắc giới [無色界, sa. arūpaloka, thế giới nơi chúng sinh không còn thân thể vật chất mà chỉ còn tinh thần, ý thức]. Về mặt thời gian, Ngài nhìn thấy suốt cả quá khứ vị lai không có bắt đầu, không có kết thúc. Về mặt số lượng, Ngài nhìn thấy vô lượng vô biên thế giới, vật thể, chúng sinh, không phân biệt lớn nhỏ, từ vũ trụ bao la đến thế giới vi mô của những vật thể cực kỳ nhỏ bé mà ngày xưa không có danh từ diễn tả, nên tạm gọi là vi trần (hạt bụi nhỏ). Thật ra Ngài nhìn thấy cả thế giới hạ nguyên tử (Sub Atomic) thấy cả những vật thể như hạt quark, electron, neutrino. Cái thấy đó vô cùng siêu việt, Ngài nhận ra cả những khoảnh khắc thời gian cực ngắn gọi là sát-na nhiều lần nhỏ hơn một giây đồng hồ (second). Đó gọi là chánh biến tri, biết cùng khắp không gian thời gian. Vì sao cái biết lại tuyệt đối như vậy ? Bởi vì Thích Ca chính là Tâm bất nhị, chính là Tam giới. Bộ Kinh Thành Duy Thức Luận (成唯識論 ) của ngài Huyền Trang dịch, đã tổng kết : “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” Tức là cái vũ trụ tưởng đâu là ở bên ngoài, độc lập khách quan, cũng chỉ là biến hiện của Tâm mà thôi. Cái tâm linh giác ngộ đó, mọi chúng sinh đều có  sẵn, và không hề thua kém chút nào so với Phật Thích Ca, bởi vì đều chung một Tâm bất nhị, nhưng vì mê muội chạy theo thế giới vật chất nhỏ bé tầm thường, chúng không “ngộ” được mà thôi, và vì không giác ngộ nên chúng trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi đầy đau khổ. Đức Phật thấu hiểu tính chất trống rỗng của nguyên tử vật chất, một điều mà phải đến cuối thế kỷ 20, nghĩa là 25 thế kỷ sau thời Đức Phật, những nhà bác học hàng đầu của nhân loại mới hiểu, khi họ khám phá ra hạt quark với đặc tính lạ lùng.

Trở lại với thế giới đời thường, Đức Phật thấy rằng tất cả sơn hà đại địa, nhà cửa lâu đài, vạn vật, con người đều chỉ là nhân duyên (sự kết hợp có điều kiện) của cái không (trống rỗng không là gì cả, cái hư không vô sở hữu (không phải là sự thật tuyệt đối). Chỉ có cái bản tâm bất nhị, bất biến, bất sinh bất diệt, vô ngã (không phân biệt ta và người), vô lượng (không có số lượng), tuyệt đối (vô phân biệt, không có các cặp phạm trù mâu thuẫn) mới đích thực là mình, tất cả chúng sinh đều có chung một tâm đó. Vì thế Ngài nói rằng : tất cả chúng sinh đều là Phật đã thành (chứ không phải sẽ thành) bởi vì cái bản tâm đó đã sẵn có (trước khi vũ trụ được thành lập) chỉ cần buông bỏ cái tâm nhỏ hẹp, mê muội, chấp trước (không phải là mình thật) để hòa nhập vào cái tâm vô lượng quang, vô lượng thọ (tức A Di Đà), cái đó còn gọi là Niết Bàn 涅槃, sa. nirvāṇa tức là bất sinh bất diệt hay là không còn sinh diệt (diệt tận 滅盡).”

Kinh Trung A- Hàm, La-ma thứ 56, “Cuối cùng, vào đêm mùng 8 tháng Chạp (tức đêm mùng 8 tháng Pao sa, tháng 2 theo lịch Ấn), lúc canh hai, Ngài chứng được quả Túc mệnh minh, thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới.  Nửa đêm canh ba, Ngài chứng được quả Thiên nhãn minh, thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó. Đến canh tư, Ngài chứng được quả Lậu tận minh, thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi sao Mai vừa mọc, Ngài hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, tất cả pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã.”

Theo thiễn ý, đêm chứng Tam minh của Đức Thế Tôn mà kinh Đại Thừa miêu tả không phải là “tam nguyên” mà là “bất tam.” 

Mỗi Minh cũng không tự tính.  Không Tam Minh, không từng là một.  Không có một cũng không có ba.

Vì khi mà Đức Thế Tôn “thấy được rõ tất cả bản thể của [vô lượng] vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó” thì hai cái minh kia trở thành vô nghĩa vì cả hai cũng là bản lai của vũ trụ. 

Mà cái bản lai diện mục đó là vô sanh vô diệt, vô thủy vô chung, không có nguyên nhân hậu quả cho nên cái bản lai đó không bị chi phối bởi luật vật lý nhân quả (cause & effect) lẫn duyên khởi (dependent origination)? 

Cho nên “nguyên nhân cấu tạo của nó” cũng vô nghĩa luôn, sá gì cái “đạo lý vô ngã?”

 

Có thể vì vậy mà khi được hỏi, Ngài im lặng, không trã lời?

Kinh Pháp Hoa đã cố gắng giải thích: “Pháp hy hữu khó hiểu đệ nhất [như vậy] mà Phật thành tựu chỉ Phật cùng Phật mới có thể thấu suất thật tướng [như vậy] của các pháp [như thị, Trứ].” 

Theo tôi thì Ngài tri kiến cái đạo lý Như Thị (As Is!) bất khả tư nghị!

Đức Phật tham thiền nhập định & giác ngộ như thế nào?

Hơn nữa, không có kinh điển nào ghi chép lại đầy đủ chi tiếc cái điều đơn giản và thực tiển nhất đó là Đức Thế Tôn tham thiền nhập định như thế nào trong 24 giờ/49 ngày không ăn, không uống, không ngũ như đa số nghe đồn như vậy? 

Ngài đã thở như thế nào, bằng bụng?  Sau vài tiếng đồng hồ cơ thể có mỏi mệt và hai chân có tê liệt không?  Có ngủ gục không?  Và thắc mắc cuối cùng là Ngài đã có gõ mõ, tụng kinh, niệm nam mô bổn sư thích ca mâu ni phật không?

 

Cho đến khi nhờ nhân duyên mới tìm được một dòng chữ này trong bài pháp luận của cố giáo sư, cư sĩ Phạm Công Thiện, (Ngộ Nhập, Phần Thứ Hai, Tiến Tới, Chương Ba Bước Chân Thứ Ba Lên Ðường Thực Hiện Việc Trở Về Sự Im Lặng: Sự Chuyễn Ðộng Toàn Diện Của Tâm Thức Lên Đường Viễn Ly, Phạm Công Thiện.)

Tàn canh đêm, đức Phật thức dậy ngồi im lặng và dương mắt lên nhìn chăm chăm vào cả vũ trụ thế gian.”  (Buddhaghosa, Sumangala Vilàsinì. 1-45)

Tôi cũng không có nhân duyên để đọc được kinh sánh nào thuật lại rằng có một cao đồ nào đó của Đức Phật đã hỏi Ngài tham thiền như thế nào để thế nhân sau này có thể dể đốn ngộ hay gặt hái được một chút thành công thay vì phải tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, nghe thuyết giảng, ngồi thiền, và tu hành cả đời mà vẫn bị nghiệp báo không mấy ai thật sự giải thoát, giác ngộ, thành chánh quả?

Thái tử Tất Đạt Đa với tâm bồ tát, xuất gia, tầm sư học đạo chẳng qua là muốn giải tỏa những tư duy của nội tâm, và cũng để tìm ra lối giải quyết thích đáng cho những vấn nạn sinh tử, đau khổ trên đời của nhân sinh? 

Trong vòng 6 năm đầu, Đức Thế Tôn tuy là học trò nhưng Ngài tu chứng cao hơn những thầy giáo, đạo sĩ dạy mình.  Hơn nữa, những đạo sĩ này cũng tự biết là họ không đủ trình độ tâm linh để làm thầy Đức Thế Tôn.

Nhưng những tâm linh mà Đức Thế Tôn đã đạt được qua những duyên gặp gỡ đó, Ngài không nhận thấy đó là chân lý rốt ráo, tối thượng nên tự mình thắp đuốc mà đi.  Cùng với những căn cơ đã đạt được trong 6 năm đó cộng thêm tự lực quyết tâm tham thiền nhập định trong nhiều ngày bỗng nhiên Ngài đã đạt được “vô thượng chánh đẳng chánh giác” như đã được thuật lại trong kinh sách.

Theo Kinh Trung A- Hàm, thuật ở trên thì hình như đốn ngộ là một chuổi tiệm ngộ theo phương trình thứ tự của thời gian chứ không phải đốn ngộ của nội tâm? 

Thay vì, cái đốn Ngộ đó được những thiền sư và nhiều sách hiện đại khác mô tả như là bỗng nhiên bùng lên trong tức khắc ngoài tầm kiểm soát của ta (ngã)?

Như đa số chúng ta quan niệm, những giây phút tiệm ngộ chỉ làm cho ta tạm thời giác ngộ chứ chưa hẳn là đốn ngộ đưa đến hoàn toàn giải thoát.  Ngay cả đốn ngộ cũng chưa hẳn thành Phật.

Tôi tạm thời tóm tắc.  Đức Thế Tôn đã xếp bàn ngồi theo kiểu kiết già, thiền quán nhiều ngày dưới gốc cây Bồ Đề, chiến đấu với những nghi vấn sinh tử, những khổ nạn đau khổ của chúng sinh, những cám dổ của tham, sân, si, và những thử thách của thể chất.  Lần lần, Ngài đã thấy rõ và làm chủ được những ám ảnh, lúc ẩn lúc hiện đó trong tâm thức.  Bổng nhiên, Ngài đạt tới giai đoạn bùng nổ như big bang của đốn ngộ, và ngay trong lúc thập tử nhất sinh đó Ngài phải đối phó với giặc thiên ma do “Ma Vương Mara” chỉ huy bằng cách giữ cho lòng sắc son, tâm thanh tịnh, tinh thần sáng suốt, và rồi Ngài dùng tuệ nhãn thông suốt kỳ tâm, soi sáng u minh, xuyên thấu ảo tưởng để thấy nguyên hình của Ma Vương (ma tâm) và yêu nữ (dục tâm) vì vậy mà Ngài đã chiến thắng, khuất phục Ma Vương (tâm phang duyên) thay vì bị Mara dẩn dụ vào đường ma đạo, phá hoại công phu tu hành, đưa đến tẩu hỏa nhập ma.

“Phật Giáo đả vượt qua ải tâm linh tới bến chân như hơn 2,500 năm về trước. Khi Tâm Thức của hành giả thoát nhiên giác ngộ, tức khắc giải thoát, thấy tự tánh đi xuyên qua điểm nhất thễ, nhập cùng sự tĩnh lặng vô cùng của “lỗ hổng thời gian,” và sự ngưng đọng của vật chất trong hố đen đó, rồi đột nhiên bùng nỗ, đạt được vô thượng giác ngộ, thành Phật. Đây là trạng thái đạt được Niết Bàn trong Phật giáo với sự tĩnh lặng, ngưng đọng vĩnh cửu của thời gian. Đó chính là Chân Như Tĩnh Tịnh, Niết Bàn Tịnh Độ. Hay nói một cách khác, vượt bờ an tâm (duy ngã), qua biễn khỗ (hố đen mê muội,) đến bến kiến tánh (vô ngã.)”

(Vô Tự Chân Kinh, Tái Khám Phá [Resdiscovery], tác giả Lê Huy Trứ)

Như kinh nói, chư Phật, Đức Thế Tôn chỉ vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời, đại sự đó chính là Tri Kiến Phật. 

Đức Thế Tôn kia từ trong tam-muội mà hiển hiện, dùng bao nhiêu phương tiện để khuyên bảo chúng sinh nên buông dứt, chớ hướng ra ngoài tìm cầu nơi tha lực mà nên tự lực để tu hành thì cũng sẽ phát tâm bất nhị, khai Phật tri kiến. Lục Tổ cũng khuyên tất cả chúng ta nên quán tự tại để khai tri kiến Phật ở trong tự tâm của mình.

Giác ngộ sướng như thế nào?

Hình như, Ngộ không có đích để đến.  Vô không gian-không thời gian mà chỉ bổng nhiên, bất ngờ: Một pháp thông vạn pháp điều thông?

Cái gì Ngộ?  Cái Vô Ngã ngộ hay cái Ngộ ngộ vô ngã?  Hay là cái Tâm ngộ? 

Từ mê tới ngộ rất khó lường nhưng từ ngộ trở lại mê thì chỉ trong sátna.

Vậy thì giác ngộ sướng như thế nào?

Rồi có một ngày, thiền sư tuyên cáo rằng một sư trẻ đã đạt được giác ngộ. 

Các sư trẻ khác đến gặp sư đó, “Chúng tôi nghe rằng sư đệ đã giác ngộ.  Có phải như vậy không?”

Sư trẻ, “Đúng như y như rứa!”

Vậy thì giác ngộ nó sướng như thế nào?” Họ hỏi.

Sư trẻ trã lời, “Chưa khi mô, khổ răng mà khổ như rứa!”

Các sư trẻ ngạc nhiên, “Tại sao giác ngộ lại khổ quá như vậy?”

Sư trẻ trã lời, “Đệ chỉ mới giác ngộ như bị điện giật tê tê nhưng chưa được giải thoát vì chưa bị điện chân hỏa tam muội giật sướng muốn chết đi được.”

(Tác giả Lê Huy Trứ, phóng tác từ chuyện thiền Nhật Bản, 2016)

Tôi chưa có được diễm phúc để gặp bật giác ngộ nên không biết giác ngộ sướng như thế nào?

Nhưng có người đã từng hỏi tôi, kẻ phàm phu tục tử này, đã có bao giờ “kinh qua” như bị điện giật không?

Tôi đã trã lời:  Ta bị “kinh qua” điện giật tưng tưng sướng muốn chết cũng chả ăn nhằm gì tới người.  Người bị “kinh lại” điện giật đau chết cũng chẳng nhằm nhò gì đến ta.

Ai bị giật nấy “kinh chết”.  Sướng khổ tự “kinh nghiệm” dưới truyền đài như cái sự đời quá ngắn ngủi trong vài kiếp, chưa kịp thấy sướng, tu hành chưa xong thì đã vội vàng bỏ đó mà đi phó hội vườn đào. 

Thực tế, sanh tử luôn cận kề, phạm hạnh chưa kịp tu thành, những gì không nên làm đã lỡ làm nhưng lại phải bỏ dở vì nữa đường đứt gánh.  Cái nghiệp thân này còn nặng nợ, cho nên, sau đời này mới có đời sống khác nữa để trã nợ tiếp.

Hơn nữa, “nếu lở dại” cầu giác ngộ được giác ngộ, phạm hạnh đã làm xong rồi thì chúng ta sẽ còn gì nữa để mà làm, ở đây làm gì nữa sau khi đã đạt giác ngộ?

Có lẽ cũng vì vậy mà từ hơn 2600 năm nay rất ít người muốn vội đáo bỉ ngạn tái thành Phật chứ không phải khó giác ngộ, thành Phật?

Nghe nói như vậy nhưng đừng vội tin như vậy mà phải thấy trước như vậy đã rồi mới tưởng như vậy và kiến như vậy vì nó y hệt như vậy.

Ôn ơi! Răng “như thị” nó ngụy tặc dữ sợ như rứa?

Ra ngoài tê mà hỏi cái chủi ngoài cươi tề.

Đức Phật giải thích, thế nào là Bồ Tát (Bodhisatva)?

"Này Mahànàma, thuở xưa, khi Ta còn là Bồ-tát, chưa chứng được Bồ-đề, chưa thành Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, dầu Ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng Ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn. Và như vậy Ta biết rằng, Ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào Ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, và Ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sanh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy Ta khỏi bị các dục chi phối."

Bồ Tát Là Giác Hữu Tình, Minh Đức viết, “Bồ-đề tát-đỏa gọi tắt là Bồ tát có nghĩa là hữu tình giác. Chúng sanh có 2 loài là hữu tình và vô tình. Có tỉnh thức thì gọi là Giác, còn ý-thức chập chờn đổi thay thì gọi là chúng sanh hữu tình, còn mê theo tinh cảm của chúng sanh thì là phàm phu, tĩnh giác thì gọi là hữu tình giác tức là bồ tát.”

Trong Sự Khác Biệt Giữa A La Hán Và Bồ Tát Là Gì?  TK Thích Phước Thái giảng, “Bồ tát có 2 nghĩa: một là hữu tình giác, hai là giác hữu tình. Thế nào là hữu tình giác? Bồ tát cũng là một con người như chúng ta, nhưng là một con người giác ngộ và sau khi giác ngộ, các Ngài đem sự giác ngộ đó giáo hóa cho mọi người cũng đều được giác ngộ như các Ngài, thì gọi các Ngài là Bồ tát. Như vậy, ai cũng có thể làm Bồ tát được cả. Nếu chúng ta chịu khó tu học và có tấm lòng vị tha nhân ái làm lợi ích cho mọi người, cũng đều gọi là Bồ tát. Tóm lại, Bồ tát chỉ là một con người, nhưng là người giác ngộ, làm lợi mình và lợi người, đó là Bồ tát.

 

Khác trên hình thức: Bồ tát không nhứt thiết phải là người có hình thức xuất gia mà người tại gia vẫn làm Bồ tát. Như vậy, Bồ tát có hai hạng: xuất gia và tại gia. Ngược lại, A la hán, thì phải là người xuất gia, vì các Ngài thọ đại giới Tỳ kheo, hay Sa môn vậy.”

Thế nào là La Hán (Arahat)?

 
La Hán (Arahat) có 3 nghĩa: Sát Tặc (diệt sạch giặc phiền não trong tâm), Vô Sanh (đồng nghĩa với Niết Bàn, tâm đầy an tịnh không còn sanh tử luân hồi) và Ứng Cúng (thật xứng đáng cho trời người cúng dường.)


"- Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt Sắc... đoạn diệt Thọ...đoạn diệt Tưởng... đoạn diệt các Hành... đoạn diệt Thức, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, Chánh Ðẳng Giác.

- Còn vị Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, được giải thoát nhờ trí tuệ, do yếm ly, ly tham, đoạn diệt Sắc... đoạn diệt Thọ... đoạn diệt Tưởng... đoạn diệt các Hành... đoạn diệt Thức, được gọi là bậc Giải Thoát, không có chấp thủ, giải thoát nhờ trí tuệ.


Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là sự sai biệt, thế nào là sự đặc thù, thế nào là sự sai khác giữa bậc Như Lai, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, và bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ?

- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ y chỉ. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu được Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì!

- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.

- Như Lai, này các Tỷ-kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường (trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo.

- Còn nay, này các Tỷ-kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu (đạo).

Này các Tỷ-kheo, đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác và bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ."
 

Khác biệt với quan điểm và mục đích tối thượng của Đại Thừa là tu để thành Phật. Tiểu Thừa không chấp nhận điều trên này, như trên internet, webpage, Forum của Thế Giới Vô Hình, trong mục đề tài: Sự Khác Biệt Giữa Phật, Duyên Giác, A La Hán, Nhất Đẳng viết,  “Phật và A La Hán sự tu chứng đạo thì không khác nhau, nhưng đức Phật khác với những bậc A La Hán là vì đức Phật là người Thầy, là người đầu tiên khởi lên, đem lại và tuyên thuyết bốn chân lý của loài người, còn Alahan (bậc Tỷ-kheo được giải thoát nhờ trí tuệ) là người tu theo 4 chân lý đó (Tứ Diệu Đế).”

Tiểu Thừa cũng không chấp nhận “Bồ Tát đã chứng và xuống trần để đi độ người khác theo bổn nguyện của mình, hành trì 6 Ba-la-mật-đa sau đó sẽ thành Phật... Và tất nhiên Bồ tát phải to hơn Alahan.” Nhất Đẳng viết trên internet.

Sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, và A La Hán

Trích và tuyển tập trong những pháp luận, kinh Phật và Kinh Ưu Bà Tắc Giới Phẩm Ba Loại Bồ Đề Đức Phật giảng về sự sai biệt của Phật, Duyên Giác, A La Hán chứ không phân biệt cao thấp, hơn thua, to nhỏ như sau:

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Như Đức Thế Tôn đã nói, Bồ Tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ đề có ba loại: Thanh Văn Bồ Đề, Duyên Giác Bồ Đề, và Phật Bồ đề. Nếu thành tựu Bồ đề gọi là Phật, tại sao Thanh Văn, Duyên Giác không được gọi là Phật? Nếu người giác ngộ pháp tính được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng giác ngộ pháp tính, tại sao không được gọi là Phật? Nếu người chứng được Nhất Thiết Trí được gọi là Phật, Thanh Văn, Duyên Giác cũng chứng được Nhất Thiết Trí, tại sao không được gọi là Phật?”

Ngài dạy,Thiện nam tử! Bồ Đề có ba loại: một là từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ; hai là từ sự suy tư mà chứng ngộ, ba là từ sự tu hành mà chứng ngộ.

Thanh Văn từ sự nghe Pháp mà chứng ngộ, nên không gọi là Phật.

Duyên Giác từ sự suy tư mà chứng ngộ ít phần, nên gọi là Duyên Giác.

 

Chư Phật là Bậc Không Thầy, cũng không nhờ nghe Pháp, hoặc suy tư, mà chỉ do sự tu hành mà giác ngộ tất cả, thế nên gọi là Phật.


Kinh Pháp Hoa ghi: “Chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu suốt thật tướng của các pháp, tánh như vậy, tướng như vậy, nhân vậy, duyên vậy, quả như vậy, báo như vậy, đầu cuối rốt ráo như vậy.


Thiện nam tử! Vì thấu rõ pháp tính
(tự tánh), nên gọi là Phật. Pháp tính có hai loại: một là Tổng Tướng, hai là Biệt Tướng. Hàng Thanh văn chỉ biết tổng tướng, nên không gọi là Phật. Duyên Giác, tuy đồng với Thanh Văn biết Tổng Tướng, nhưng chẳng phải do sự nghe Pháp, nên gọi là Duyên Giác.

 

A-tỳ-đàm Tâm luận có ghi: “Bậc liễu tri được tự tướng và cộng tướng cả các pháp là Phật.

 

Phật có đủ hai trí là tổng tướng trí, trí biết tướng chung của các pháp; biệt tướng trí là trí biết riêng các pháp.


Đức Như Lai Thế Tôn, thấu rõ tất cả Tổng Tướng, Biệt Tướng. Không do sự nghe Pháp, suy tư, không nương vào thầy, chỉ nương vào sự tu hành mà được giác ngộ.

 

Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp. Thanh Văn, Duyên Giác tuy biết rõ bốn Thánh Đế, nhưng trí tuệ chưa viên mãn, do nghĩa nầy nên không gọi là Phật.

 
Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ viên mãn, biết tất cả các pháp, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Như ba con thú: thỏ, ngựa và hương tượng
(hà mã), lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chạm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh Văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông, khi hàng Duyên Giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua sông, khi Đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế Đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác tuy đoạn Phiền Não, nhưng chưa đoạn Tập Khí. Còn Đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả Phiền Não và Tập Khí, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự nghi có hai loại: một là Phiền Não Nghi, hai là Vô Ký Nghi. Hàng Nhị thừa tuy đoạn được Phiền Não Nghi, nhưng chưa đoạn được Vô Ký Nghi.

 
“- Vô-ký-không là cảnh giới thanh thanh tịnh tịnh, chẳng có suy nghĩ, chẳng có nghi tình, là cảnh giới của kiến văn giác tri, cảnh giới của tùy duyên biết, cảnh giới mặc chiếu (đang là, rõ ràng thường biết, ở đây & bây giờ, chánh niệm tỉnh giác), cảnh giới của Ngoại-đạo và Nhị-thừa (vô tâm, hầm sâu đen tối, căn bản vô minh). Nó giống như một empty storage trong computer, nó giống như một trang giấy trắng chưa có chữ, như mặt hồ tĩnh lặng …

 

 - [Phiền Não] Nghi-tình là cảnh giới thắc mắc, bức xúcNó giống như một hố đen trong vũ trụ gom hết tất cả (thân tâm & thế giới) thành một khối để có cơ hội thì bùng vỡ; như cơn ‘đại sóng thần’ gom hết nước trong đại dương (Tạng-thức) vỗ vào bờ làm thay đổi mọi thứ (ngộ)…”  Phân biệt nghi tình và vô ký, Liễu Phàm


Liễu Phàm viết: “Nghi-tình thuộc phạm vi của 'Nhất niệm vô minh', Vô-ký-không thuộc phạm vi 'Vô thủy vô minh'...

 

Nghi-tình như ngọn lữa lớn thiêu đốt nghiệp thức sanh tử (sắc thọ tưởng hành thức) và tập-khí phiền não (tham sân si) còn Vô-ký-không chỉ là nơi dung chứa những chủng tử nầy...

 

Mục đích của tham thiền là dùng nghi-tình phá tan vô-ký-không (không chấp), thành trì cuối cùng của vô minh vậy.”

 

Như Lai đoạn hết cả hai sự nghi, nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Thanh văn chán sự nghe nhiều, Duyên giác nhàm sự nghĩ sâu, chỉ có Đức Phật, đối với hai việc nầy, tâm không nhàm chán, bởi thế nên gọi là Phật. Thanh Văn, Duyên Giác, trí tuệ tuy thanh tịnh, nhưng thân tâm không thanh tịnh. Như Lai không phải thế, trí tuệ và thân tâm đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Sự thanh tịnh có hai loại: một là trí tuệ thanh tịnh, hai là đức hạnh thanh tịnh. Thanh Văn, Duyên Giác tuy có trí tuệ thanh tịnh, nhưng đức hạnh không thanh tịnh. Đức Như Lai Thế Tôn trí tuệ, đức hạnh đều thanh tịnh, thế nên gọi là Phật.

Thiện nam tử! Công hạnh của Thanh Văn, Duyên Giác có giới hạn, còn công hạnh của Đức Như Lai Thế Tôn thì không có giới hạn, thế nên gọi là Phật.


Trong Những đức hạnh lý tưởng của Đức Phật, Hòa Thượng K Sri Dhammananda viết,Đức Phật là hiện thân của tất các đức hạnh lý tưởng. Ở nơi Ngài ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu (huệ) - những đức tính không ai vượt qua được và không sánh được trong lịch sử loài người.

 

Những câu kệ sau đây bằng tiếng Pali, nêu lên những đức hạnh thực chất bên trong của Đức Phật mà người Phật Tử trì tụng khi họ vinh danh Đức Phật:

 

    "Itipi So Bhagava Araham Samma-Sambuddho

    Vijja-Carana-Sampanno Sugato Lokavidu

    Anuffaro Purisa Damma-Sarathi Sattha Deva-

    Manussanam Buddho Bhagavathi"

 

Sự trung thực của câu kệ này không thể nghi ngờ vì nó bắt nguồn từ nhiều bản kinh quan trọng trong Tam Tạng Kinh Điển theo qui chuẩn Phật Giáo đã xác nhận cũng như từ nơi bốn mươi phương pháp thiền định tư duy về những Đức Hạnh của Đức Phật.

 

Chuyển ngữ ngắn gọn từ tiếng Pali như sau:

 

Araham - Ứng Cúng (bậc đáng được nhận sự cúng dường của Người và Chư Tiên vì dứt hết phiền não), Samma Sambuddhdho - Chánh Biến Tri (bậc biết hết tất cả pháp); Vijjacarana Sampanno - Minh Hạnh Túc (bậc có đủ trí tuệ và đức hạnh);Sugato - Thiện Thệ (đã làm xong các hạnh lành, trên đường đi đến Niết Bàn);Lokavidu - Thế Gian Giải (bậc hiểu rõ kiến thức thế gian); Anuttaro Purisadamma-Sarathi - Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu (bậc cao hơn hết trong hạng chúng sinh thống trị lấy mình như bậc trượng phu cầm cương ngựa đi vào đường lành);Sattha-Deva-Manussanam - Thiên Nhân Sư (bậc đạo sư của hàng người và hàng Chư Thiên, dạy việc nên làm và việc chẳng nên làm); Buddho - Phật (bậc giác ngộ hoàn toàn); Bhagavathi - Thế tôn (bậc cao hơn hết trong cõi thế, được tất cả cõi thế, tất cả chúng sanh tôn trọng)


Thiện nam tử! Đức Như Lai Thế Tôn, trong một niệm trừ diệt hai chướng: một là Trí Chướng, hai là Giải Thoát Chướng, thế nên gọi là Phật. Đức Như Lai đầy đủ trí nhân và trí quả, thế nên gọi là Phật
.”

 

Theo cái nhìn của Luận Khởi Tín thì những che chướng ấy là. 

“[Trí] Bất giác có nghĩa là do chẳng như thật biết Chân Như nên tâm bất giác khởi mà có vọng niệm. Nhưng vọng niệm không có tự thể riêng biệt nên chẳng lìa Bản Giác…”

Trí bất giác chướng mà sanh ra ba tướng (vi tế), ba tướng này tương ưng và không lìa bất giác:

“- Tướng vô minh sanh nghiệp (vô minh nghiệp tướng):  Tánh Giác thì không động. Nhưng do bất giác nên tâm động, gọi đó là nghiệp. Có động thì có khổ. Từ nhân động sanh ra quả khổ, quả chẳng lìa nhân.

 

- Tướng có cái thấy về phần chủ thể (năng kiến tướng): Do động nên sanh ra cái thấy về phần chủ thể. Nếu không động thì không có cái thấy của chủ thể.

 

- Tướng cảnh giới: Vì nương vào có chủ thể thấy nên cảnh giới hiện ra một cách hư vọng. Nếu lìa cái thấy từ một chủ thể thì không có cảnh giới.”

Cho nên giải thoát có nghĩa là không còn bám víu khỏi những lớp che chướng, vô minh ấy. Nếu không có những lớp che chướng ấy ràng buộc thì cũng không có cái gì để gọi là giải thoát, giác ngộ. 

Không vô minh thì không có giác ngộ, không có giải thoát.

Đạo Phật tưởng cao siêu, thật khó khăn để tu tập nhưng thật ra cũng thật đơn giản dễ dàng để tu hành: chớ tự ràng buộc mình, chớ tự che chướng mình, chớ tự lừa dối mình thì đoạn được tất cả nghiệp chướng, đạt được giác ngộ, giải thoát.

Cho nên, đừng nên nghe kinh luận phức tạp khó hiểu như trên mà vội nãn chí tu hành.  Vì y kinh giải nghĩa mà tín ngưỡng như vậy thì tam thế Phật oan.  Ngược lại, lìa kinh nhất tự mà thể hiện được ý Phật tức không đồng ma thuyết.

Tôi có đọc nhiều lần đoạn kinh này nhưng lần này đọc lại nó hoa mắt, hóa ra như vầy:

 

Ta là Phật đã thành và chúng sinh cũng là Phật đã thành.  Chỉ khác nhau ở chổ vô minh và giác ngộ. 

 

Tuy nhiên, phật là phật không có phân biệt nhị nguyên, khác biệt.

 

Phật không biết vô minh nên không cần giác ngộ.  Phật chúng sinh không biết đang vô minh nên phải cần tới giác ngộ.

Hòa Thượng Thích Trí Quảng giảng, “Trong loài người chúng ta có đủ các loài của sáu đường sanh tử, kể cả bốn Thánh cũng có đủ. Bốn Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát và Phật.” Báo Giác Ngộ: số 839, 13/04/2016, 10:28:00

Tập tĩnh được trong khi động, và luôn luôn cảnh giác để luyện cho mình có sức chịu đựng để kiến tánh giữa trận đời là lối tu hành với tinh thần bi trí dũng của bật trí tuệ. 

Dĩ nhiên là không phải dể dàng nhưng phải cần đến dày công phu tu hành, trì giới và chuyên cần.

Đạo bình đẳng

Đức Thế Tôn không lập ra Phật Giáo mà Ngài chỉ tổ chức tăng đoàn để tu hành.  Tuy Ngài có đặt ra vài luật lệ cho tổ chức nhưng Ngài chưa bao giờ chủ ý sáng lập ra một tôn giáo mới, tự xưng là giáo chủ, mặc cẩm bào ngồi ngất ngưỡng trên ngai vàng để cho đám đệ tử, và tín đồ đóng góp tài vật, vái lạy, tụng kinh, niệm chú, tôn sùng, ca tụng, dâng lể vật để hối lộ, cầu xin phép lành.  Vì nếu muốn duy ngã độc tôn như vậy thì Ngài đã không cần bỏ làm vua tương lai để làm Phật. 

Chúng ta thờ kính cúng lạy Phật là lạy chính chúng ta.  Mà khi mình tự mình lạy mình thì ai là kẻ kiêu ngạo, ai là kẻ thấp kém đây? 

Cái ngã nào lạy, cái ngã nào được lạy?

 

Làm sao mình lạy được mình?  Tự mình bưng mình lên bàn thờ rồi bò xuống khúm núm quỳ lạy ... bóng mình?

Chủ trương bình đẳng từ hơn 2600 năm về trước trong cái xã hội phân chia giai cấp của Ấn Độ thời đó và ngay cả hiện tại cũng không thay đổi mấy đã cho thấy trí tuệ của Đức Thế Tôn không những đã vượt thời gian về tâm linh, triết học, khoa học mà cả xã hội học.

Tinh thần bi trí dũng, phú quý không màng, uy vũ bất năng khuất, thử thách vô quái ngại của Ngài cũng đã đi trước và vượt quá nhân loại ngày nay.

Bình đẳng giác là một trong nhiều điểm đặc thù của tôn giáo Phật Đà. 

Ta là Phật; Phật là ta!

Lục Tổ chỉ rõ thêm, "Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ đề."

Đó là cảnh giới mà Bát Nhã Tâm Kinh diễn tả, “Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.”  Tức là “bởi lòng không có điều ngăn ngại nên không có sợ hãi, xa lìa các sự xáo trộn và mơ màng, rốt cuộc đến Niết bàn.”

Trên thực tế, luôn luôn có rất nhiều điều bất như ý làm cho chúng ta phải lo, phải ngại, phải sợ, muốn né tránh, muốn được yên thân mà cũng không được.  Nhất là trong thời đại văn minh hiện đại, cái tâm quái vật của chúng ta nó cố quái ngại, có khủng bố, gần như điên đảo, ác mộng tưởng và nhất là còn “tâm viên, ý mã” hơn ngày xưa rất nhiều.

Gần như hầu hết đa số chúng ta điều biết rõ cái nguyên lý cầu bất khả đắc nhưng không chịu chấp nhận thực tại.  Đó là lúc còn ấu thơ thì mong mau lớn để muốn làm điều mình muốn làm, không phải bị bắt buộc làm điều mình không muốn làm nhưng khi lớn lên lập gia đình lại không làm được điều mình muốn làm mà lại phải làm cái điều mình không muốn nhưng phải làm.  Rồi khi trở thành già khú đế muốn làm cũng không làm nỗi mà không làm nỗi cũng phải bị làm.  Đúng là số khổ!

Thật ra có cái quái gì trên đời cần làm đâu?  Hình như chúng ta sinh ra đời đâu vì phải làm những chuyện tầm thường “rất người” đó?  Mà có cố làm những điều vô lý đó thì suốt cả cuộc đời cũng không bao giờ làm cho xong được.

Nhân sinh sống trong mộng du, “kiến mộng” rồi mơ mộng vì “không kiến ... thực” nhưng khi bừng tỉnh, tĩnh tâm mới biết là mình “kiến không.”

Tất cả mọi chuyện trên đời đều từ nhân duyên mà cùng hợp rồi đồng tan, từ nghiệp quả mà vay nợ trả oan.  Cho nên, nếu không biết “nhậm vận thịnh suy vô bố úy” thì phải thuận thời mà sống, rồi thì cố sự đời cũng sẽ phải qua đi, hơi sức đâu mà lo buồn, thất chí cho khổ thân.

Theo ý Tâm kinh viết, “Nếu” tâm không còn dính mắc, ngăn ngại thì chẳng có cái quái gì để lo ngại quá đáng, không có cái quỷ gì mà phải sợ hãi. 

Nhưng làm cách nào để tránh xa điên đảo mộng tưởng trong lòng, nhận thấy được rằng cái lo sợ đó chỉ là “thần hồn nhát thần tính” để mong đạt tới cảnh giới Niết Bàn, an tịnh?

Nói thì dể, ai nói cũng được nhưng những điều giải thích dài dòng văn tự ở trên chỉ xoay quanh một chữ “Nếu,” oái ăm quái dị ở trên mà thôi.

Nếu tất cả do tâm tạo thì tại sao chúng ta không thể dụng tâm để tạo được vạn sự như ý để phục vụ chúng ta và tạo ích lợi cho chúng sinh?

Có thể chúng ta chưa đạt được tới thần thông biến hóa đó hay dường như tâm không là ta, ta không là tâm? 

Hay chính vì chúng ta chưa xa lìa được những tập quán vô minh, tham sân si, sở trụ vào sắc, chấp ích lợi để phục vụ cho cái Ngã độc tôn?

Trong đoạn kinh Bát Nhã nói về cái “Tự Tính của Tâm Vô Tâm bừng sáng lên một cách trong suốt,” tiếp liền theo sau đó, Sariputra liền đặt câu hỏi: “Vậy cái Tâm ấy chính là Vô Tâm, thế thì cái Tâm Vô Tâm ấy có thực không ?” Subhuti mới hỏi lại: “Cái Tâm ấy có thực hay không, hoặc là ta có thể nào hiểu cái Tâm Vô Tâm ấy theo điệu “có thực” và “không có thực”? Sariputra liền trả lời dứt khoát: “Không, không thể nào hiểu theo điệu như vậy.” (phẩm 1 dòng 5).

Những đối đáp trên cho thấy, cái Vô Tâm không của Trí Tuệ Bát Nhã vượt ra ngoài bản lai “hữu thể, hữu sắc” và “vô thể, vô sắc tướng”, vượt qua nhị nguyên quan của cái thực có thật và cái thực không có.

Tâm bất thị Ngã.  Ngã bất thị Tâm!  Ngã tất thị Ngã. Tâm tất thị Tâm! Vô Ngã. Vô Tâm!

Không gian vang tiếng mõ

Thăng trầm tiếng chuông ngân

Văng vẵng kinh Bát nhã

Nhậm vận không hoàn Không

(Lê Huy Trứ)

Ai tu nấy chứng

Riêng tôi hiểu từ kinh sách, sau 6 năm khổ công tầm đạo và sau nhiều ngày tham thiền dưới cội Bồ Đề, tâm Đức Thế Tôn bổng nhiên rỗng lặng, trí tuệ khai thông, phục được mọi ma chướng trong ngoài, và như thế bổng nhiên Ngài đột nhiên viên ngộ.  Và cũng như tôi đọc và hiểu theo kinh sách đã miêu tả, sau khi quán ánh sao mai vừa ló dạng, Đức Thế Tôn bùng nhiên đại giác ngộ.  Ngài đã, ngay trong tức khắc đó, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Kinh Phổ Diệu có nói: “Bỗng chốc trong Một niệm, bằng Trí Bát Nhã, Phật chứng Vô Thượng Bồ Đề.”

Ngài Pháp Hiền người Trung Hoa đã viếng Bồ-đề Đạo Tràng vào năm 400 và trong ký sự hành hương của mình, Ngài đã mô tả về Bồ-đề Đạo Tràng như sau:

"Sa-môn Cồ-đàm đi tới phía trước, đến dưới gốc cây pei-to, trải cỏ cát tường, mặt hướng về phía đông. Ngài bắt đầu an tĩnh tâm và suốt bảy ngày Ngài an hưởng trạng thái an lạc giải thoát đó.

 

Cũng tại nơi này, người ta đã xây một cái tháp đánh dấu nơi Ngài đã đi kinh hành trong bảy ngày từ phía đông qua tây trong khi các chư thiên đã xuất hiện với bảy báu cúng dường tán thán Đức Phật. Cũng có một cái tháp đánh dấu nơi con rùa mù Mucchalinda đã bao quanh Phật và lấy đầu làm phướng che đầu Ngài khỏi cơn bảo táp. Cũng có tháp nơi Đức Phật ngồi trên hòn đá vuông dưới bóng cây Nyagrodha, mặt hướng về phía đông đang nhận sự lễ bái cúng dường của một vị Bà-la-môn; cũng có một cái tháp đánh dấu bốn vị Thiên vương cung kính cúng dường Ngài bình bát quý. Cũng có tháp đánh dấu 500 vị thương buôn dâng cúng Ngài bánh bắp và mật … " Records of the Western World, trans. Samuel Beal, vol. 1, p. 11.

Sau đó, Ngài xã thiền và tuyên bố đại ý như sau:

Nảy sinh nhận thức, cuộc đời đã hết, phạm hạnh đã thành, đạt được trí tuệ, biết được chân thật, kiến giác được pháp, giác ngộ được đạo, cứu cánh đã đạt, không luân hồi nữa.

Vậy thì Đức Thế Tôn đã hy sinh từ bỏ cha mẹ, quyền uy, phú quý, vợ đẹp, con thơ và sau sáu năm khổ cực, màng trời chiếu đất, sống như kẻ vô gia cư, khất thực, gia tài chỉ có độc một tăng bào, một bình bát, ... mong tìm đạo vô thượng để cứu khổ chúng sinh nhưng rồi thì cuối cùng giác ngộ rằng chả có cái gì để giảng để độ vì tất chỉ là ảo tưởng? 

Chúng sinh từ đâu tới, vũ trụ từ đâu mà có?  Thượng đế, thiên đàng, địa ngục, luân hồi, sinh tử là gì, có đúng như Bà La Môn và những tôn giáo khác thường giảng dạy không?

 

Nên nói đúng hay sai?  Ý Phật dạy không nên nói không sai/đúng.

Vì nếu đúng như vậy hay nếu như vậy là sai thì cũng chả giúp ích gì cho nổi khổ đau của nhân sinh và cũng chẳng nhằm nhò, liên quan gì đến giải thoát, và giác ngộ.  Vì Phật Giáo không quan tâm đến những điều vô nghĩa, không cần thiết và kém thực tế này.

Như Lai không trã lời những vấn đề trên cho những kẻ thượng mạn, cao ngạo không biết mình độn căn.  Đây là những kẻ tự tôn nhưng mộng du đang ôm cây đợi thỏ, khắc kiếm mạn thuyền, thân đang mang tên độc, nhà cháy vẫn còn ham chơi.

 

Kẻ trí thức không thể dùng phương tiện bác học để giải thích cho kẻ thất học hiểu và để giúp họ giải quyết những vấn đề ích kỷ, tham lam, thiển cận của họ được.  Bác sĩ không giải thích y khoa chuyên môn dài dòng cho con bệnh nguy kịch sắp chết, nhưng vẫn theo thói thường, có bệnh nhân tự lừa dối là mình không bệnh và lừa dối luôn cả bác sĩ về bệnh tình của mình.

Đức Phật không phủ nhận hay công nhận cái không.

Tuy nhiên, Lục Tổ Huệ Năng là một đại luận gia vĩ đại, một luật sư biện luận từ kim cổ không ai sánh bằng.  Cho ngài không biết chữ, không học là vạn sự vô minh của phàm phu.

Hãy đọc kỷ những phương pháp tranh luận với logic cao siêu mà Lục Tổ dạy trong kinh Pháp Đàn, phẩm 10, Phó Chúc về những vấn đề trên. 

Lối tranh luận này đang được giảng dạy ở những đại học danh tiếng trên thế giới nhưng tiếc rằng họ không biết người sáng tạo ra nó là Huệ Năng, chưa học qua một lớp mẫu giáo.

Một hôm Tổ gọi đệ tử là Pháp Hải, Chí Thành, Pháp Đạt, Thần Hội, Trí Thường, Trí Thông, Chí Triệt, Chí Đạo, Pháp Trân, Pháp Như v.v... bảo rằng:

Các ông nếu ngộ, y đây mà nói, y đây mà dùng, y đây mà hành, y đây mà tạo tác, tức không mất bản tông.  Nếu có người hỏi nghĩa ông, hỏi có thì đem không đáp, hỏi không thì đem có đáp, hỏi phàm thì đem thánh đáp, hỏi thánh lấy phàm đáp, hai bên làm nhân cho nhau sanh ra nghĩa trung đạo, như một hỏi

một đáp, bao nhiêu câu hỏi khác đều y đây mà khởi tác dụng, tức không mất chân lý.”

Mục đích cao thượng của Lục Tổ không phải là tranh luận hơn thua hay để thỏa mãn những thắc mắc không giải thoát của họ nhưng tùy vào căn duyên mà đưa họ vào cửa Không để đạt được đốn ngộ.

Không phải Như Lai không thể trã lời những nghi vấn trên mà Ngài đã giảng những điều này cho những cao đồ đã có đầy đủ căn duyên, trí tuệ và nhất là tùy người, tùy duyên, tùy lúc mà chỉ cho họ viên ngọc Mani có sẳn ở trong túi họ.

Như đã nói, tất cả những tâm tư này cũng từ tính ích kỷ, tâm lo, lòng sợ, si muội, sân mạn, tham lam, bám víu vào vô thường của chúng sinh. 

 

Nếu biết, tất cả pháp trên thế gian này là tùy duyên, vì tùy duyên nên có động tác, có hình tướng, cái này có, thì cái kia có, ... vì đa số nhân sinh không biết như vậy nên không hiểu như vậy, và không thấy được như vậy và bởi vì như vậy mới có những câu hỏi tùy duyên với duyên khởi từ tâm phan duyên, không lối thoát, chướng đạo như vậy.

Đây là những căn nguyên của bệnh vô minh đưa đến triệu chứng khổ đau mà Đức Dược Vương, Đức Bổn Sư đã giảng dạy và chẩn bịnh vô minh bằng phương thuốc trí tuệ, phòng bệnh với phương cách giác ngộ, và khuyên bệnh nhân muốn chữa dứt triệu chứng đau khổ thì phải viễn ly cơn nghiện ngập vô thường, kinh niên từ truyền kiếp, để tự giải thoát khỏi trầm luân trong sanh tử, nguồn gốc của khổ đau. 

Với lòng từ bi quảng đại muốn cứu độ chúng sinh mà Ngài đã bỏ ra 49 năm du thuyết sau khi giác ngộ chỉ vì muốn chữa căn bệnh vô minh của chúng sinh ở trên.

Yếu chỉ của Phật Giáo

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) đã nêu rõ yếu chỉ của Phật giáo:  Ngũ Uẩn, Lục căn, Lục trần, Lục thức, Sinh Lão Bệnh Tử, Khổ Tập Diệt Đạo, Niết Bàn, tái sinh, không tái sinh, ngộ hay mê, phạm trù nhị nguyên phân biệt đầy mâu thuẫn như sắc không, thiện ác, xấu tốt, hữu tình, vô tình, lượng vật tăng giảm trong vũ trụ, v.v… chỉ là ảo tưởng, tất cả đều không có thật do nhất niệm vô minh tưởng tượng mà ra. 

 

Cái triết lý siêu tuyệt của Phật Giáo Đại Thừa:  Tất cả sắc tướng lẫn vô sắc tướng từ Tâm tạo này được khoa học hiện đại công nhận và cũng được những triết gia lừng danh trên thế giới triết luận từ ngàn năm.

Cùng tâm tưởng đó Bát Nhã Tâm Kinh đã đi xa hơn, và đã diển tả rất rõ ràng: Không có Sinh Tử cũng không có hết Sinh Tử. Không có Khổ Tập Diệt Đạo cũng không có hết Khổ Tập Diệt Đạo.  

Đa số Phật Tử nhật tụng Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật này nhưng thật ra rất ít ai trì được ý kinh.  Miệng niệm không nhưng không thật sự biết được không.  Tụng mà trong tâm chẳng hiểu cách tu hạnh của pháp môn đốn giáo này vì chưa có tâm lượng bao trùm cả pháp giới, phân minh ứng dụng, để phát triển trí tuệ, kiến tánh, và để giải thoát sinh diệt.

Trong kinh Pháp Đàn, Phẩm 2, Bát Nhã, Lục Tổ đăng tòa bảo đại chúng:

Này Thiện tri thức, Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Đại Trí Tuệ Đến Bờ Kia, nó phải là hành nơi tâm, không phải tụng ở miệng. Miệng tụng mà tâm chẳng hành như huyễn như hóa, như sương, như điện. Miệng niệm mà tâm hành ắt tâm và miệng hợp nhau, bản tánh là Phật, lìa tánh

không riêng có Phật.”

Tất cả mọi sự phân biệt nhị nguyên chỉ có ý nghĩa tương đối, dựa trên sự chấp ngã, chấp pháp nên chưa hiểu thấu pháp giới bình đẳng, tự tánh vô ngã ở nơi có sắc lìa sắc, ở nơi không sắc lìa không sắc.  Vô sở trụ Tướng lẫn vô sở trụ Không.

Kinh Kim Cang cũng khuyên không nên cố chấp, “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.”     

Vô niệm, Vô trụ, Vô chấp!

Trong Kinh Kim Cang, Tôn giả Tu-bồ-đề hỏi, “Khi phát tâm cầu Vô thượng Chánh giác, làm sao an trụ tâm?”

Phật đáp: “Chẳng nên trụ sắc, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm kia; nên không chỗ trụ mà sanh tâm ấy.”

Bồ Tát Long Thọ luận, “Không trụ nên không sinh.  Cũng không thật có diệt.  Sinh tức trụ và diệt.  Làm sao có thật nghĩa?

Ngài cũng nói, “Tâm nào có thể thấy.  Trên phương diện danh ngôn.  Không tâm sở thì tâm không sinh.  Không tự tính, không chấp nhận câu sinh.  Chân thật tánh như trên.  Biết chúng sinh không thật.  Như không nhân củi lửa.  Vô trụ, vô thủ đắc Niết Bàn.”

Như Lai đã phải mất công đi du thuyết trong vòng 49 năm khắp nơi ở vùng phía bắc Ấn Độ, trên địa phận của hai bang Uttar Pradesh, Bihar và phần phía nam của nước Nepal ngày nay, trong một khu vực rộng khoảng 340.000 km2 cũng vì lòng từ bi để muốn chỉ giáo cho chúng sinh giác ngộ cái điều đơn giản “không có thật đó.”  Nhưng chúng nhân sinh vẫn còn quá vô minh, chấp ngã là thật có thay vì hư ảo nên không giải thoát và khó giác ngộ.

 

Chúng ta thường nghe nói: thấy, hiểu, biết, thông cũng chưa tự giải thoát được nhưng phải cố chí tu hành để mở mang trí tuệ rồi chứng giác ngộ? 

Nhưng tại sao hơn 2600 năm, tuy Phật Giáo bành trướng khả quan trên thế giới nhưng Phật Pháp vẫn bất khả dĩ cộng thông?

Câu trã lời thông thường đó là vì chúng sinh còn ngu muội, đầy vô minh, quá tham sân si nên khó giác ngộ?

“Tục diệm truyền đăng!” Tự mình thắp đuốc mà đi mà Đức Thế Tôn đã tự lực trước khi giác ngộ là pháp môn rốt ráo cuối cùng được Đức Thế Tôn chân truyền trăn trối để đời cho các đệ tử.

Vậy mà phải mất đến 49 năm du thuyết sau khi cận tử nghiệp Ngài mới vòng lại chỉ cho cái đám đệ tử có “mắt nhưng không tròng” cái chiêu thức căn bản đầu tiên đó? 

Đạo bất khả phân biệt.  Phân biệt bất khả đạo!  Bất khả thuyết pháp.  Bất khả tư nghì!

Bồ Tát Long Thọ nói, “Do vì Chư Phật tuyên thuyết.  Giáo lý bất tử thâm sâu.  Vượt qua có và không.  Nên biết pháp Phật bất cộng thông.”

Con người khó có thể chấp vào vô ngã tánh, vì nó trái với tâm tưởng như vậy, cũng không thể tách rời khỏi hữu ngã tánh, vì đó là tâm tưởng như vậy. 

Con người cũng không thể chấp cả hai, có không như vậy, lẫn bác bỏ cả hai, không có như vậy.  Nhưng mà nó như vậy.

Theo tôi, ngoài những tập tục, và lý do trên, nhân sinh bẩm tính lười biếng, ỷ lại, lo sợ không có đầy đủ những đức tính bi trí dũng cho nên khó học Phật Pháp. 

Ngay đến bây giờ có mấy ai dám cả gan, can đảm, tự mình thắp đuốc mà đi một mình trong biển cả mênh mông tối đen đầy sóng gió khổ đau đó, thay vì chờ xin quá hải, nhờ người độ mình vượt biên sang lại bờ bên kia?

Cho dù có nghe biết hiểu, đa số chúng nhân sinh vẫn không hoàn toàn tự tin vào tự lực mà vẫn quen thói bám víu vào tiện lợi ảo tưởng từ tha lực.  Mà nếu thật sự cầu tha lực mà khả đắc, cầu gì ứng nấy thì ngu dại gì tự mình thắp đuốc mà đi cho mất công?

Nên chính xác hơn là nên chêm thêm một chữ “muốn,” “Đa số chúng sinh là Phật chưa ... muốn thành?” 

Hay nên nói, nếu muốn là được thành hay dù nếu muốn cũng chưa dễ gì thành được?

  

Ưng vô sở trụ

Nhà vật lý học người Ấn tên là Raja Ramanna phát biểu, “Vật lý lượng tử (quantum physics) là học thuyết mới được phát minh ở thế giới hiện nay nhưng học thuyết này đã được Thánh Bồ Tát Long Thọ nói hơn ngàn năm trước,...”

Theo quan niệm cổ của Đông Phương thì nguyên tử (Paranamu) được hiểu như không có thực thể (Nissarira).  Khoa học hiện đại đã chiếu kiến được lượng tử khi hạt (sắc) khi sóng (không,) khi có khi không tùy tâm ý cũng như bồ tát chiếu kiến sắc không, ngũ uẫn giai không và thiên hình vạn trạng do tâm tạo.

Cũng như hiện nay, có giả thuyết khoa học chủ trương, thế giới chỉ là ‘ảnh đồ ký 3 chiều’ (holographic universe[s], vũ trụ ký ảo.)

Niels Bohr, nhà vật lý nguyên tử, giải Nobel vật lý 1922, viết, “Mọi vật chúng ta gọi là thật được làm bởi những thứ mà không thể được xem như là thật.”

“... Everything we call real is made of things that cannot be regarded as real.” – Niels Bohr, physicist who made foundational contributions to understanding atomic structure and quantum theory, for which he received the Nobel Prize in Physics in 1922

Tại một góc cạnh đổi chiều của thế kỷ 19, những nhà vật lý bắt đầu khám phá cái tương quan giữa năng lượng (vô tướng) và cấu tạo của vật chất (có, sắc, hữu hình).  Cũng vì như vậy, cái quan niệm vật chất, cái thuyết vũ trụ vật chất của Newton đã từng là trung tâm của kiến thức khoa học đã bị loại bỏ, và được công nhận rằng vật chất là không (sắc thị không như đã được ghi lại trong Bát Nhã Tâm Kinh) nhưng một cái ảo (hư không) thay thế nó (không thị sắc.)  Những khoa học gia đã bắt đầu chấp nhận rằng mọi vật trong vũ trụ được tạo ra bởi năng lượng (vô sắc tướng).

At the turn of the nineteenth century, physicists started to explore the relationship between energy and the structure of matter. In doing so, the belief that a physical, Newtonian material universe that was at the very heart of scientific knowing was dropped, and the realization that matter is nothing but an illusion replaced it. Scientists began to recognize that everything in the Universe is made out of energy.” Arjun Walia

Dĩ nhiên, Arjun Walia chưa với tới “sắc bất thị không.  Không bất thị sắc.  Sắc là sắc.  Không là không!” và vũ trụ từ không (emptiness.)

Lúc sinh thời, Einstein đã tiến hành nhiều thí nghiệm về rối lượng tử (quantum entanglement) nhưng ông không chấp nhận là khả thi. Einstein cực lực phản bác, cho rằng hiện tượng rối lượng tử là không đúng, khó giải thích đích đáng, quá mạo hiểm để chấp nhận mà ông gọi đó là Tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance.)   

Nhưng Einstein đã sai lầm vì vào năm 1982, tại Paris, Alain Aspect đã chứng minh được hiện tượng liên kết lượng tử là có thật.

Từ thí nghiệm đó, người ta rút ra được hai kết luận:

Thứ nhất, vật không có thật, non realism, hạt photon, hạt electron, tất cả các hạt cơ bản, tất cả cấu trúc nguyên tử, phân tử, tất cả vật chất, sinh vật đều không có thật.

Từ chỗ vật không có thật, những khoa học gia ở trên suy ra không gian, thời gian đều không có thật.

Vì trong khi quan sát hiện tượng rối lượng tử, hai hạt photon tác động linh cảm với nhau ở khoảng cách rất xa không giới hạn khoảng cách, chứng tỏ rằng khoảng cách không gian là không có thật, từ đó thời gian cũng không có thật.

Nếu khoảng cách không có thật thì du hành trong vũ trụ có thể khả thi.  Và nếu quá khứ, hiện tại, và tương lai cuộn lại một, không gian cuộn thời gian, thì du hành vượt không-thời gian có hy vọng thực hiện (possible) nếu chúng ta đừng cho không gian đụng thời gian.

Trong lý Bát-nhã, không cho sáu căn dính mắc (trụ) với sáu trần là phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Những điều này không có gì mới lạ đối với Phật Giáo và những bật giác ngộ đã chứng đạt lục thông. 

Nhất tâm niệm, không đi, không đến.

Như Huệ Khả thưa, “Con thường biết rõ ràng, nói không thể đến.”

Tổ Ðạt Ma dạy, “Ðây là chỗ truyền của chư Phật, chớ nên hoài nghi”.

Thứ hai, vật không có vị trí nhất định để bám trụ, non locality, bất định xứ hay vô sở trụ, hạt electron khi ở dạng sóng thì không có vị trí nhất định, nó hiện diện khắp mọi nơi, nhưng khi ở dạng hạt thì có vị trí xác định tạm thời.

Khi những khoa học gia cố tâm quan sát thì nó hiện ra thành hạt, thành vật chất, observable matter, sắc tướng để ta có thể nhận thấy.  Nhưng khi không quan sát thì nó trở thành sóng, wave, phi vật chất, vô tướng.  Nó tự có tính linh (intelligence) biến hiện tùy tâm mà Einstein đã gọi nó là hiện tượng ma quái từ xa (spooky action from distance.) 

Đây là Có-Không (hữu tướng, vô tướng), lý vô thường và nhi sinh kỳ tâm mà Bát Nhã Tâm Kinh đã diển tả từ lâu.

Điều này không có gì là huyền bí nữa vì mỗi người chúng ta đều có thể thực nghiệm trên smartphones và mới đây qua Artificial Intelligence (robots, xe không người lái, ...) Các văn bản, hình ảnh hay video trên mạng ở khắp mọi nơi dưới dạng sóng, phi vật chất, vô tướng nhưng sẽ hiển thị trên màn hình khi chuyển sang dạng hạt, trở thành hữu hình, lúc đó thì chúng có vị trí nhất định để quan sát, nghe thấy. 

Đến năm 2012, khi Maria Chekhova của đại học Moscow làm được thực nghiệm cho một hạt photon xuất hiện đồng thời ở 100,000 vị trí khác nhau, thì những khoa học gia mới rút ra được kết luận thứ ba.

Thứ ba, vật không có số lượng (non quantity, số lượng chỉ là tưởng tượng của tâm chứ không có thật). Bởi vì một hạt photon có xuất hiện đồng thời ở 100,000 vị trí khác nhau hoặc nhiều đến vô lượng thì số lượng là vô cùng tận hay nói cách khác, số lượng không có thật, số lượng chỉ là ảo, là tưởng tượng của tâm chứ không có thực thể.

Tổng số lượng âm dương trong vũ trụ triệt tiêu bằng số không.  Khoa học cũng đã có khái niệm về chân không (emptiness.)  

Kinh điển Phật Giáo đã nói vô lượng vật trong vũ trụ không tăng không giảm, vô sinh vô diệt, và nhân duyên nghiệp quả tương đương với luật cause & effect, luật hấp dẫn, thermodynamic và luật cân bằng của khoa học vật lý.

Khoa học kỷ thuật hiện nay đã thành công trong việc dùng tiếng nói để sai khiến vật chất lẫn chúng sinh, dùng mắt để ra lệnh cho vũ khí chỉa thẳng mục tiêu, và thậm chí dùng ý nghĩ để ra lệnh cho drones bay thẳng, đáp, quẹo trái, nghiên về bên phải, ...

Ngay cả, Vũ trụ trong hạt dẻ (The universe in a nutshell, Stephen Hawking) hay vũ trụ trong hạt nguyên tử (The Universe in a Single Atom của Đức Đạt Lai Lạt Ma), xem toàn thế giới với thông tin internet chỉ trong sátna trên đầu ngón tay của chúng ta, có gì là mê tín, dị đoan, phép lạ, thần thông biến hóa đối với khoa học hiện đại?

Trong mỗi nguyên tử từ các giới của vũ trụ,

Có tồn tại một biển khổng lồ các hệ thống thế giới

 

(Kinh Đại-Phương-Quảng Hoa Nghiêm)

Vậy thì kinh thuật lại, mười phương chư phật cùng thuyết pháp cho vô lượng chúng sinh trong vô lượng cõi trong nhiều vũ trụ có khác gì như chúng ta xem cả thế giới trên internet, bởi AI, trong smartphones, trong computers, hay trong TVs?

Đức Phật dùng ý gởi tín hiệu thay vì dùng tiếng nói ra lệnh cho TV/smartphones on mà khoa kỷ thuật bây giờ đã thực hiện thành công có gì là hư cấu nữa đâu?

Yoga và thiền định (Vipassana) tập trung vào hơi thở làm quân bình insula trong não, và làm tăng gamma band.

Những khoa học gia đã đo được những hiện tượng của tia Gamma cao hơn những người bình thường từ những thiền sư.

“The onset of meditation in the monks coincided with an increase in high-frequency EEG electrical activity in the so-called gamma band [spanning 25 to 42 oscillations a second], which was synchronized across the frontal and parietal cortices.”

Đến bây giờ, khoa học kỷ thuật mới chứng minh được qua thực nghiệm và hình ảnh của những tia tử ngoại tuyến, radiation, vô sắc tướng.  Bộ não phát ra tín hiệu truyền tin với nhau (electrical signals and communication) không có gì là mới lạ đối với Phật Giáo và những thiền sư.

 

Tương tự, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng đã diển tả rõ ràng về tia sáng Gamma cực tím này rồi.

Bấy giờ, đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặn mày phóng ra luồng hào-quang [gamma] chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, ...” Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,

Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập,  Hán Dịch, Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch

Tia Gamma

Bản thể Chơn Tâm

Chân tánh là vô tánh. Tử-sanh chẳng nói.

Vì "không hoa, mặc bướm để lòng chi"?

(Tác giả ?)

Trong sách Phật Giáo và Vũ Trụ Quan, Chương 8) Vũ Trụ vạn pháp trong lỗ chân lông, tác giả Lê Huy Trứ trích: Khi Đức Phật thành đạo đã nói, "Như Lai thì trái với vọng trần, hiệp với Chơn Tâm thường trụ bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới cho nên ta mới được tự tại vô ngại.  Như Lai ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp làm một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ; không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới.  Thân Như Lai bao trùm mười phương hư không vô tận. Trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi, mà chuyển đại pháp luân. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy." (Phỏng theo Kinh Lăng Nghiêm, Phật Học Phổ Thông khóa VI, VII trang 132-133)

Đoạn kinh trên với lối diễn tả đầy phép tắc thần thông huyền bí hơi khó hiểu và không dễ gì tưởng tượng nổi bởi những kẻ phàm phu.  Nhưng thật ra Đức Phật muốn nói về cái bản thể của Chơn Tâm có những đặc điểm mầu nhiệm như thế đó.   Con người vì vô minh mà đã từ bỏ bản thể mầu nhiệm ấy, để đi vào vòng luân hồi, sanh tử khổ đau.  Con người tu hành đạt được đạo quả thì sẽ trở về với Chơn Tâm thường trụ, bất sanh bất diệt, biến khắp cả pháp giới vì có thân "tự tại, vô ngại" không có gì ngăn cản, vướng mắc.  Tâm thức hòa vào viên dung với hư không. Vì không có thân xác nên không bị kiềm hãm gò bó trong thân xác hay nói theo Duy Thức là "cái túi- A Lại Da Thức" đã bị phá vỡ và tâm thức lan rộng khắp theo cùng Hư Không trong cảnh Đại Viên Cảnh Trí. Tâm thức là tạng minh quang tam muội cùng đốt trong vũ trụ với vô lượng minh quang khác, ở trong một hiện ra vô lượng, vô lượng hiệp lại làm nhất thể quang tạng.

Và tại sao lại là, "trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ," hay "trên đầu một mảy lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong hạt bụi mà chuyển đại pháp luân?"  Điều nầy trong kinh điển có câu "bất khả tư nghì" hay "không thể nghĩ bàn" nhưng ở vào thời đại hiện nay với những kỹ thuật chúng ta có thể dễ hiểu một phần nào, như được miêu tả: vũ trụ ở trong smartphones, computers, TV mà chúng ta có thể xem, nghe thấy bất cứ ở đâu, trong cái phòng gia đình tụ họp (family room) hàng ngày xem TV hay coi phim ảnh về Trái Đất, Thái Dương Hệ, dải Ngân Hà; rồi cảnh vũ trụ với nhiều hình dáng các Thiên Hà khác được smartphones, computers, TV hay ciné thu hình cho hình xa dần, xa nhiều và nhiều nữa... Như chúng ta, chúng sinh của Thái Dương Hệ, đang ngồi bên ngoài giống như chư Phật đang dùng Phật nhãn quan sát toàn cảnh trong các cõi khác vậy.  Và khi, trên màn ảnh chiếu các Thiên Hà ấy được thu tóm lại trong một bong bóng hình cầu và bóng cầu đó nhỏ dần, nhỏ dần thành một chấm điểm rồi biến mất trên màn ảnh, điều ấy giống như Đức Phật thu nhỏ đi toàn thể thế giới cùng mình đi vào "ngồi trong hạt bụi vi trần" với đầy đủ các cõi nước, và trong đó Đức Phật đang hành đạo, và chuyển đại pháp luân."

Tại sao như thế? Vì Đức Phật đã được "thân tự tại vô ngại" hòa cùng hư không vô tận, cho nên "không rời nơi đạo tràng mà hiện khắp cả mười phương thế giới. Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận. Đó là sự mầu nhiệm hay sự thành đạt của người tu hành đạt được đạo Vô Thượng Bồ Đề. Vì ta diệt hết vọng trần nên mới được như vậy."

Trong tương lai rất gần nhờ Internet of Thing (IoT) phối hợp với AI (Artificial intelligence) chúng ta có thể nghe được âm thanh nội tại (internal voice, tiếng Tâm) và đọc được tư tưởng của người, như đạt được lục thần thông. 

Thậm chí, chúng ta có thể cảm, xúc, nếm, ngửi được lượng tử mà không cần đến lục căn vì khoa học sẽ giúp chúng ta biết sở trụ trong hạt và sóng, ở trong tâm điểm vô thường của hữu sắc và vô sắc để chiếu kiến vũ trụ, và dễ dàng giác ngộ mà không cần phải tu hành vất vả.

Khoa học vật lý đã chứng minh và cho chúng ta tiện nghi thấy tận mắt, nghe tận tai những sự kiện này rồi nhưng biết, và thấy qua kiến thức, và dụng cụ kỹ thuật khó làm cho chúng ta “thấu ngộ” bằng tự quán kiến bởi trí tuệ. 

Đa số khoa học gia, triết gia, trí thức vì chưa có duyên phận với Phật pháp cho nên đến bây giờ vẫn còn vô minh chưa hiểu nổi thâm ý của Đức Thế Tôn, và các Tổ đã chiếu kiến “vũ trụ giai không” qua con mắt trí tuệ (third eye), và đã dạy lại cả hơn 2,5 ngàn năm trước.   Những điều người xưa gọi là “thần thông biến hóa” này, mà bây giờ khoa học mới thực hiện được, đã được khẩu truyền, mật tụng, và sau khi có văn tự, được hồi ký, ghi lại thành kinh điển ngày nay cho những kẻ trí tuệ, và hữu duyên.

Ðức Phật A Di Ðà

Ðức Phật hỏi Xá Lợi Phất: "Vì sao Ðức Phật ấy có tên là A Di Ðà? (Xá Lợi Phất, ư nhữ ý vân hà, bỉ Phật hà cố hiệu A Di Dà?) Rồi Ðức Phật trả lời giải thích: “Này Xá Lợi Phất, Ðức Phật kia có được luồng ánh sáng rực rỡ vô cùng tận, chiếu thấu suốt cả mười phương trời đất, không có một nơi nào bị chướng ngại ngăn vướng, vì thế Ðức Phật ấy mới được gọi A DI ÐÀ.” (Xá Lợi Phất, bỉ Phật quang minh vô lượng, chiếu thập phương quốc, vô sở chướng ngại, thị cố hiệu vi A DI ÐÀ)”.

Trong tiểu bản kinh chữ Phạn Sukhàvatì Vyùha, Ðức Phật đã giải thích ý nghĩa danh hiệu Phật A Di Ðà như sau:

 

“Ồ Sariputra, ông nghĩ thế nào, vì lý do gì bậc Như Lai (Tathàgata) ấy có tên là AMITÀBHA (A DI ÐÀ)? Amitàbha có tên như thế là vì Tua Ánh Sáng Rực Rỡ (ÀBHA) của Ngài chiếu sáng lộng lẫy không ngăn ngại, chiếu sáng vô biên, vô hạn, vô lượng(AMITA) trên khắp cả cõi Phật”. Chữ “amita” (vô lượng) kết hợp với chữ “àbha” (tua sáng lộng lẫy) thành ra: “AMITÀBHA” (A DI ÐÀ) mà Tàu dịch là “Vô Lượng Quang”.

Chẳng những thế, Ðức Phật lại nói tiếp: “Lại nữa, này Xá Lợi Phất, Ðức Phật A DI ÐÀ có sự sống trường thọ vô cùng tận, đến vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cả đến nhân dân ở cõi nước Ngài cũng thọ mệnh vô lượng vô biên như vậy, vì thế Ngài có tên là A Di Ðà. (Hựu Xá Lợi Phất, bỉ Phật thọ mệnh, cập kỳ nhân dân, vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, cố danh A DI ÐÀ)”.

Sau cùng, Ðức Phật nói rõ thêm rằng Ðức Phật A DI ÐÀ thành Phật đến nay đã được mườí kiếp rồi (Xá Lợi Phất, A DI ÐÀ Phật, thành Phật dĩ lai ư kim thập kiếp).

Xá Lợi Phất và những cao đồ của Ngài thời đó cũng không biết tới những công án đó, thời đó chưa có công án.   Họ chỉ cung kính tuân theo, dù có thắc mắc cũng để bụng, không dám nghi ngại, đặt câu hỏi trực tiếp với Đức Phật.

Phạm Công Thiện giải thích rất siêu tuyệt: “Chúng ta không nên hiểu chữ “Amitàyus” (Vô Lượng Thọ) ở đây theo nghĩa “trường sinh bất tử” của tôn giáo hữu thần và trường phái Lão Trang, vì “Vô Lượng Thọ” ở đây là Sức Sống Vô Cùng Tận thoát ra ngoài cả sinh tử thông thường, ra ngoài cái “hữu” và “vô”, dứt khoát ra ngoài thể diệu “hữu thể”, và “hư vô”, như Sariputra đã nói trong đoạn kinh Bát Nhã trích dẫn ở trên: “Không, nhất định không thể nào hiểu theo điệu ấy được”. Haí danh hiệu của Phật A Di Ðà ở đây, “Vô Lượng Quang” (AMITÀBHA) và “Vô Lượng Thọ” (AMITÀYUS) chính là Luồng Ánh Sáng lộng lẫy trong suốt vô hạn, và Sức Sống mênh mang phong phú vô hạn cửa “TÂM VÔ TÂM” trong Bát Nhã, vượt ra ngoài không gian (Vô Lượng Quang) và vượt ra ngoài thời gian (Vô Lượng Thọ). Chỉ khi nào vượt ra ngoàt tất cả không gian vô hạn và hữu hạn của tất cả vũ trụ thì mới được “vãng sanh A Di Ðà Phật Cực Lạc Quốc Ðộ”, lúc đó đồng thời mà phi thời, tất cả thời gian vô hạn và hữu hạn bị phá vỡ lên thành một sát na niệm Phật. Một là Tất Cả và Tất Cả là Một. “Một trong Tất Cả; Tất Cả trong Một; một tác động cho tất cả tất cả tác động cho một” như Ðức Phật A Di Ðà đã hiển lộ khai mở cho Tổ Sư Nhật Ryònin, vị sáng lập Tông phái Yùzùnembutsu (tông phái tổng hợp Thiên thai tông và Tịnh độ tông) (Ryònin, 1071-1132).”

Tôi xin tóm tắc đơn giản, phàm phu tục tử vì vô minh nên thần thánh hóa quang minh vô lượng, luồng ánh sáng lộng lẫy trong suốt vô hạn, và sức sống mênh mang phong phú vô hạn của “TÂM VÔ TÂM,” vô sinh vô diệt, vô thủy vô chung, phi không-thời gian trong Bát NhãRồi đưa đến lạc quan, nhân cách hóa, hữu thể hóa, sắc tướng hóa Phật A Di Đà với mê tín dị đoan chẳng qua cũng từ vô minh, mê muội, đáng thương, tội nghiệp mà ra.

Như Sariputra đã nói trong đoạn kinh Bát Nhã: “Không, nhất định không thể nào hiểu theo điệu ấy được.”

Đó là chính là ngụ ý của câu: Y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan.  Lìa kinh nhất tự tức đồng ma thuyết!

Rất hiếm khi Đức Phật phải gợi lên câu hỏi rồi tự mình trã lời lấy vì Ngài biết có những vấn đề cần thiết phải nêu ra và giải thích cho thế gian và hậu thế.

Cho nên Ngài đã thật sự ngấm ngầm, và gián tiếp dạy trước cái kiến thức của “đống lá trên rừng” dù Ngài biết đám đệ tử của mình hoặc chưa đủ trình độ để học hay vì cả nể nên chưa dám hỏi?

Pháp thượng thừa nếu không truyền được lúc đó cho kẻ hữu duyên thì cũng phải gián tiếp lưu truyền cho hậu thế.  Hậu tái sinh [sẽ] tùy duyên mà ngộ được vô thượng bồ đề.

Như không

Trong Kinh Kim Cang, Phẩm 22 Vô Pháp Khả Đắc, Tu Bồ Đề hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, Phật đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara samyak sambodhi, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) có phải là Vô Sở Đắc (không có cái được, không được gì cả) ... Không?”

 

Đức Thế Tôn trã lời, “Đúng vậy, đúng vậy!  Này Tu Bồ Đề, Như Lai chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cho đến một pháp nhỏ bé nào cũng không có được, mới gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

 

Thực ra, Đức Thế Tôn diệu ý “Như Vầy”: Như Lai “Không chứng Không Có” lẫn “Không chứng Có Không”!  Như Lai không chứng cả hai.  Như Lai Không chứng một cái gì cả.

 

Huệ Năng luôn nhắc nhở môn đệ của mình ở cái chấp không điểm dưới đây thoạt nghe qua tưởng như là mâu thuẩn với những pháp luận ở trên nhưng thật ra là Ngài đã lìa kinh đồng Phật thuyết:

Chớ nên nghe ta nói KHÔNG mà liền chấp KHÔNG.’ Trước nhất chớ chấp KHÔNG,’ nếu để tâm KHÔNG tĩnh tọa là lọt vàoVÔ KÝ KHÔNG!’”

 

Là lọt vào “thọ ký vào vô không,” hay không sở trụ vào không?  Tôi không biết nguyên ngữ của chữ “LỌT” bằng tiếng Hán này là gì?  Nhưng hình như chữ “Lọt” này nghe không “Lọt tai” chút nào?  Vì phải có định xứ (locality) để sở trụ mới lọt vào, rớt ra (lọt ra) được?  Không lẻ, nếu để tâm KHÔNG tĩnh tọa là lọt vàoVÔ KÝ KHÔNG!’” cũng bị lọt vào mâu thuẩn vô ký bất nhị nguyên?

Tôi không tìm thấy chữ “lọt” này trong kinh Pháp Đàn do hòa thượng Thích Thanh Từ giảng mà là “chấp vô ký không.”

Cũng trong kinh Pháp Đàn, Sư Huyền Sách nói với sư Trí Hoàng:

Ông nói, chính khi nhập định chẳng thấy có cái có tâm và không tâm.  Chẳng thấy có tâm và không tâm tức là thường định, sao

lại có xuất nhập, nếu có xuất nhập tức là không phải Đại định.

Huyền Sách nói tiếp, “Lục Tổ, Thầy tôi nói: Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần chẳng phải có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền không trụ, lìa trụ thiền tịch, tánh thiền không sanh, lìa sanh thiền tưởng, tâm như hư không cũng không có cái lượng của hư không.”

Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh vì không có đối đãi.

Pháp bất khả tư nghị.  Tư nghị bất khả pháp!

Như Lai không nói một chữ

Như đã nói, Pháp Phật cao siêu diệu vợi, không dễ dàng cộng thông!  Tuy nhiên, cao thâm hay đơn giản tùy vào nhân duyên và căn trí của mỗi cá nhân.

Chẳng hạn, sau 49 (có sách nói 45) năm hoành pháp, Đức Thế Tôn tuyên bố rất đơn giản: Như Lai không nói một chữ...Không.   Vì hình như ý Ngài, khi đã nói Không rồi thì nó Không còn là Không nữa.  Tuy nhiên, trong vòng 49 năm du thuyết pháp nếu Như Lai Không nói Không thì Không có “Như Không” để mà thuyết pháp... “Không pháp không”?

Thật ra lúc vừa mới đại giác ngộ, Ngài có ý này rồi nhưng vì thể theo lời yêu cầu khẩn thiết của một đấng Phạm Thiên mà nảy sinh từ bi, tội nghiệp cho chúng sinh còn mê muội, đầy vô minh nên phải chờ đến sau 49 năm du thuyết pháp Ngài mới nhắc nhở lại cái ý ban đầu đó là trong 49 năm nay, “Như Lai không nói một chữ.”

Tôi mượn ý kinh để đồng pháp thuyết:

Phẩm Quán Tứ Đế ghi: “Thế Tôn biết pháp [không] này, tướng sâu xa vi diệu, hàng độn căn chẳng biết, vì thế chẳng muốn thuyết [không].

Như Lai không thuyết giảng những triết lý trừu tượng dưới đây cho những kẻ căn trí còn đần độn:

Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết.” Tiểu Kinh Malunkya, Trung bộ kinh, Phẩm 63

Những kẻ thượng mạn nầy đặt ra những câu hỏi ngoài mặt trông ngạo mạn nhưng trong tâm đang khả úy, ngay chính tự họ cũng không giải thích được, để cố tâm gài bẩy, cố tình chất vấn Như Lai.   Họ đã tự chứng minh là họ có vấn đề tâm thần, lòng dạ họ đang phân vân, tâm hồn đầy lo âu, sợ hải vì vậy nếu ta không biết dùng đúng phương thuốc để chữa bệnh cho họ thì không những chả giúp ích gì cho họ được giải thoát khỏi vô minh mà còn lại làm cho họ đắm sâu thêm trong biển khổ đau, rất tai hại cho tâm trí đáng thương của họ.

Trong Quảng Luật, trước phần Phạm thiên thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp, và cả Kinh A Hàm cũng có ghi: “Pháp sâu xa mà ta nói hôm nay khó hiểu và khó thấu rõ, khó nhận biết… dẫu ta có nói diệu pháp thì người cũng chẳng tin nhận, chẳng thể hành trì… Ta nay nên im lặng, hà tất phải thuyết pháp.”

Vì dù cho hiểu được pháp vi diệu của Như Lai là gì nhưng một người tu tập Phật Giáo không chỉ đơn thuần nhìn vào sắc tướng cao cả của Như Lai mà chấp Như Lai, bởi vì thấy diện mục hoàn hảo của Như Lai chưa hẳn là kiến được bản lai Như Lai qua cái tâm phàm tục của mình.

Đức Phật cũng có dặn rõ ràng, "Nếu người chấp, thấy sắc thân của ta cho là thấy được Phật, nghe tiếng nói Pháp của ta cho là nghe được tiếng Phật, thì người đó đã đi lạc về đường tà, không bao giờ thấy được Phật."  Đó là ý nghĩa của, “Thấy Phật giết Phật!

Điều này, có nghĩa thấy cái sắc thân có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp bên ngoài của Phật chưa phải là thấy được phật [phải diệt nó đi.]  Mà phải thấy "Phật tâm thanh tịnh" hay "pháp thân Phật;" thấy các pháp (tướng) đều là hư vọng (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng) tức là thấy được Như Lai (thật tướng các pháp.)  Đó mới thật là thấy Phật (Tri Kiến Phật!)  "Nhứt thế chư Pháp vô phi Phật pháp!" Nghĩa là tất cả các pháp thế gian cũng đều là Phật pháp." Nếu mê thì pháp thế gian, còn ngộ là Phật pháp. 

Kiến Như Lai là cách nhìn vào bên trong chính mình, quán tự tại, tìm hiểu mình, nhân duyên nghiệp quả nào thúc đẩy mình lọt vào thế giới, cái bản năng nào đã thúc đẩy mình như thế nào đưa  đến cho mình những lo âu, khổ đau? Tri kiến Như Lai là cách duy nhất giúp mình phát triển trí tuệ, quét tan vô minh, đạt giác ngộ để hóa giải các nguyên nhân nghiệp quả ấy hầu giải thoát mình ra khỏi luân hồi tử sinh. Đó mới đích thị là tri kiến Phật.

Ngay cả đến bây giờ, tôi đoan quyết là có rất nhiều người vẫn còn ngộ nhận và không thông đạt được cái câu tuyên bố cao thâm khó hiểu trên này của Đức Thế Tôn.

Ngài Thái Hư Pháp Sư giảng:  Sắc thân của Phật là hư vọng, mà tất cả các hình tướng, như thế giới chúng sanh v.v... cũng đều hư vọng, như hoa trong gương, như trăng duới nước, không có chơn thật.  Nếu người rõ thấu được các tướng đều hư vọng như vậy, tức là đã thấy được "pháp thân của Như Lai," tức là rõ thấu được "tướng chân thật của các pháp," cũng tức là "Trí Huệ Vô Thượng," và cũng tức là "Kim Cang Bát Nhã Diệu Tâm."  Tuy nhiên, "Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã," như thế mới thật là "nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã."  Phật dạy: Nếu Như Lai có thành Phật, tất nhiên phải có chúng sanh chưa thành Phật, thế thì bốn tướng: ngã, nhơn v.v....đua nhau sanh khởi. Nếu còn ngã, nhơn v.v...thì không phải là Phật.  Nếu Như Lai có nói pháp, tất nhiên phải có chúng sanh nghe pháp. Nếu còn có kẻ nói người nghe, tức nhiên còn nhơn, ngã, bỉ, thứ. Nếu còn ngã, nhơn thì không phải là thuyết Phật Pháp.  Cho nên, sau 49 năm giãng dạy Phật Pháp, trong Kinh Langka, Đức Thế Tôn trã lời, “Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết.”  Đây là thông điệp chính của kinh Lanka mà ngôn ngữ văn tự của 12 bộ khế kinh chỉ giúp chochúng sinh: Khai (mở ra,) Thị (chỉ cho thấy.) Nếu muốn thật sự Ngộ Nhập vào Chánh Pháp thì phải rời ngôn ngữ, văn tự mà khởi đầu Tu Chứng.  Đây là bộ kinh mà Tổ Đạt Ma đã trao truyền cho Huệ Khả làm tâm ấn, “ta có Lăng già Kinh bốn quyển cũng dùng giao phó Ông.” Thiền Sư  Suzuki viết trong Thiền Luận, với câu nói bất hủ gán cho Tổ Đạt Ma, “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Kiến tánh thành Phật.” Đã diễn giãi và khai thị ý kinh Lăng già củng như các kinh điển khác. Giác Ngộ rất khó tư nghị. Nói ra là đả sai rồi. Cho nên, nói An Tâm Kiến Tánh thành Phật chớ kỳ thật không thành cái gì hết. 

Tại sao tiền nhân thời đó nghe qua một lời giảng là bất chợt giác ngộ mà bây giờ chúng ta nghe lui nghe lại những chuyện thiền đời xưa, khen hay, nhưng như đàn gãy tai trâu không bùng ngộ?

Chẳng qua, càng văn minh, chúng sinh không những rất bất  đồng về thể chất mà ngay cả căn trí cũng quá bất đồng.  Căn trí  bất đồng tỷ lệ thuận với thể chất bất đồng nhưng trí tuệ bất đồng tỷ lệ nghịch với bất đồng văn minh.

Thực tế mà nói thì ai trong nhân sinh không mắc phải tâm bệnh đáng thương này?

Để làm cho vấn đề phức tạp thêm, tôi xin đơn lược như vầy: Vì Đức Thế Tôn tri kiến chúng sinh là ảo, không có thật.  Cho nên, làm gì có người nghe pháp để mà giảng pháp?  Không kẻ nghe pháp...không; không người giảng đạo...vô pháp?

Chúng sinh không có thật, đau khổ không có thật, và ngay cả pháp cũng là huyễn.  Không có cái gì chứng đắc.  Không có sở trụ để trở lại (luân hồi) trong cái cõi “như không” này nữa.

Luận Đại Thừa Khởi Tín cũng là quan điểm của Đại Thừa, đã nói:

“Tất cả chúng sanh từ xưa nay vốn thường trụ trong Bồ-đề Niết bàn, chẳng phải do tu mới có, chẳng phải do làm mới được, rốt ráo không có cái gì chứng đắc, cũng không có tướng gì để thấy.

Nhưng vì những lời khẩn thiết tâm cầu của Phạm Thiên nên tâm tạo từ không ra có. Có người yêu cầu, có kẻ giảng pháp và sẽ có người nghe pháp.   

Âu đây cũng là cái kỳ duyên của 49 năm du thuyết Phật Pháp của Đức Phật và cũng là đại sự nhân duyên cho nhân loại trong cõi Ta Bà.

Vạn pháp giai không

Tóm lại, theo ngu ý thì nó như vầy:  Ngài ngộ ra chúng sinh không có thật.   Chúng sinh, và đặc biệt nhất là chúng nhân sinh chỉ là đám bụi “vi trùng chúng sinh ảo” như Lân Hư Trần vô thường trong nhiều triệu phần của sátna ở trong vũ trụ ảo còn nói chi đến chuyện cứu độ, đau khổ, giải thoát, niết bàn cho “chúng ký sinh trùng,” gian ác nhất từ cổ chí kim, vô tích sự nhất trên thế giới này? 

Hơn nữa, vì tất cả từ tâm tạo; “không có một vật” thì làm gì có “vật người cứu độ” và “vật kẻ được cứu độ” để mà thuyết pháp và nghe pháp... huyễn?

Vì như đã đề cập ở trên, Giác Ngộ cũng chỉ là ảo tưởng, là vọng tâm, hư cấu, không có thật.  Trong cõi tương đối, có vô minh mới có giác ngộ, còn trong bản thể tuyệt đối của niết bàn (nhất như) thì không có giác ngộ (bất nhị), cũng không có vô minh (nhị nguyên).  Mà ngay chính cả ngóng mộng Niết Bàn cũng điên đảo vọng tưởng.

Như Lục Tổ, Huệ Năng mở đầu trong kinh Bảo Đàn:

Huệ Năng bèn ở dưới cây bồ-đề khai pháp môn Đông Sơn. Huệ Năng được pháp ở Đông Sơn, chịu tất cả những điều cay đắng, mạng giống như sợi chỉ mành. Ngày nay được cùng với Sử quân, quan liêu, Tăng Ni, đạo tục đồng ở trong hội này đâu không phải là duyên của nhiều kiếp, cũng là ở trong đời quá khứ cúng dường chư Phật, đồng gieo trồng căn lành mới nghe cái nhân được pháp môn đốn giáo này.  Giáo ấy là các vị Thánh

trước đã truyền, không phải tự trí Huệ Năng được, mong những người nghe các vị Thánh trước dạy, mỗi người khiến cho tâm được thanh tịnh, nghe rồi mỗi người tự trừ nghi, như những vị Thánh đời trước không khác.

Lục Tổ cũng dạy về bố thí pháp: Pháp môn đốn giáo phải truyền trao, chớ không được giấu kín chánh pháp. Nếu không phải là hàng đồng kiến đồng hành, ở trong pháp môn khác thì không được truyền trao, cứu kính vô ích, sợ người ngu không hiểu, chê bai pháp môn này rồi trăm kiếp ngàn đời đoạn chủng tánh Phật.

Những bài triết luận này được nghiên cứu, và viết ra qua một lăng kính, suy luận và hành văn cận đại với mục đích giúp cho giới trẽ hiện đại có một chút kiến thức luận của triết lý đạo Phật chứ không thể giúp nhân sinh phát triễn trí tuệ, giác ngộ giải thoát mà không tự thân mình trì chí tu hành đạo vô thượng của Đức Phật.

Lục Tổ bảo: “Diệu lý của Chư Phật chẳng có quan hệ đến văn tự [bác học].”

Hơn nữa, bài pháp luận sẽ “như không” nếu “như không” có người đọc?  Nhưng đọc mà thấy “Như Không” hay “Không Như Vậy” thì tùy thuộc vào căn trí, nhân duyên của mổi cá nhân.  

Trừ những bật cao tăng, cao ni và những đấng thiện tri thức đã tu hành có trí tuệ cao thì ngay cả kẻ đọc lẫn người viết cũng không lọt ra khỏi cái càn khôn quyện, “vòng Như Không, Không Như vòng” này.

Khác với “Tăng tụng kinh,” Pháp Đạt trong Bảo Đàn Kinh, tôi chỉ nghiên cứu triết lý, học lóm Phật Pháp, không bái sư, không nghi kinh, tâm chẳng cầu đạt, pháp luận chả mong tinh thâm, không muốn viết nhưng bị lọt vào duyên viết nên phải nghiên cứu kinh?

Tôi chỉ mong học được cái công phu bí kíp cuối cùng của Lục Tổ, một ngày nào đó chợt bảo gia đình rằng, “Ôn vọt nghe!” Rồi ngộ chẫu, tiêu diêu không bờ không bến đẹp như không.

Chết/Sống trong vô úy không phải là bất úy nhưng mà sống/chết an nhiên tự tại thanh thản với khả úy.  Kiến khả úy tử/sinh giai không!

Sống/chết không lo sợ không phải là chạy trốn lo lắng hay diệt tận sợ hãi vì trên thực tế sợ hãi, và lo lắng như là siêu vi khuẩn cúm (flu virus,) càng ngày càng mạnh không thuốc nào giết/ngừa được mà chỉ có thể làm cho nó yếu đi/trong tầm kiểm soát để không ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể/không tổn thương đến sức khỏe nếu bị kéo dài mà không được chữa trị.

Thí dụ điển hình trên cho thấy, chúng ta sợ hãi cái sợ hãi không phải vì chúng ta hãi sợ sợ hãi mà vì chúng ta lo sợ cái vô minh.  Cái mà chúng ta không biết để lường cho nên lo lắng không an. Chúng ta thấp thỏm vì biết nó đã đến, vô đơn chí, không ước hẹn trước để kịp chuẩn bị, đã ở lại tàn phá gây biết bao khổ đau, rồi bỗng cuốn đi không hẹn ngày trở lại.  Nó đến như thiên tai ngoài khả năng kiểm soát của con người. Chúng ta biết chắc chắn nó sẽ trở lại không báo trước, đi ở tùy ý.  Nó là nguyên nhân của đau, bệnh, lão, tử?  Nó làm cho tâm ta lo lắng bất an.

Sống/chết trong bất úy là chết/sống an nhiên tự tại thanh thản với khả úy/thử thách.  Như cuốn theo chiều gió hay trôi nỗi theo dòng đời.  Nếu không đủ trí dũng để lèo lái, có lo lắng thì cũng cố gắng mở to mắt ra, bình tĩnh mà run để thưởng thức cái sợ hãi khoái lạc đó.

Phạm Công Thiện viết: Chúng ta chỉ có thể hiểu thế nào là “Tự Lực” và thế nào là “Tha Lực” khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của Ý Lực” (Cetanà) và vai trò của “Ý Lực” đối với Tâm (Citta).  Tâm hay Thức chỉ tác động vận hành khi nào có sự tác động vận hành của “Cetanà” (Ý Lực, Tâm Lực). Chính Ý Lực quyết định tất cả nghiệp thức, và chính Ðức Phật cũng từng nhấn mạnh rằng Cetanà chính là NGHIỆP: “Hỡi các tỳ kheo, Ý Lực là cái ta gọi là NGHIỆP.”, “Cetanaham bhikkhave kammam vadami” (Anguttara Nikàya, VI, 63) 

Nguyệt Xứng (Chandrakìrti), khi luận về Trung Luận của Long Thọ, đã nói rằng cái tướng đặc thù của Cetanà là việc tác động vận hành của sự kiến trúc ý niệm tâm thức. (cittàbhisamskàramanas-karmalaksanà cetanà ca iti) (Prasannapadà, tr. 311).

Hình như ta không làm chủ được tâm thức mà ngược lại, tâm ý quyết định tất cả?  Tâm cho ta mượn đở trí tuệ, chỉ cho ta kiến thức, dạy cho ta kinh nghiệm để thực hiện cái mà tâm muốn (ý tâm). 

Cái não và nhục thân của cá nhân ngã này và ngay cả tất cả của chúng sinh chẳng qua chỉ là công cụ sáng tạo của Tâm?

Sinh-Sống-Tử của tất cả chúng sinh không có ảnh hưởng hay nghĩa lý gì cả đối với tâm.

“Tất cả do tâm tạo,” hình như có diệu ý như vậy?

Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát,

Không đúng không sai tự tại tâm.

Trần Nhân Tông

Như đã nhắc đi nhắc lại, Tôi, cái ngã này, không biết một chữ, không hiểu một chữ, không viết một chữ, và nhất là không bao giờ tình nguyện hay muốn viết một chữ trong những bài pháp luận từ trước đến bây giờ.

Nhưng mà ngộ thật!  Nói đi nói lại, diễn cao giảng thấp, lìa kinh đa tự bất đồng ma thuyết rồi thì là cũng phải vòng trở lại y kinh giảng nghĩa tam thế Phật không oan mà y chang ý kinh như vậy. 

Cho nên, cái kiến thức có được và trí tuệ nếu có này không thể nào vượt qua khỏi Tâm Pháp cao thâm.  Như Tôn Ngộ Không không thể cân đẩu vân thoát khỏi lòng bàn tay của Phật.

Tóm lại, Đạo Pháp ấy là các vị thiện tri thức, tổ, bồ tát, phật trước đã truyền, không phải tự trí tuệ và kiến thức của người viết tự nhiên có rồi viết ra được.

 

Tôi xin mượn bài thơ hát nói, Chữ Tình của Nguyễn Công Trứ để tạo ra bài thơ Tâm Lòng,

Tâm Lòng

 

Tác giả: Lê Huy Trứ

(Phóng tác từ bài thơ hát nói,

Chữ Tình của Nguyễn Công Trứ)

 

*

Tâm lòng bản lai chi chi?

Dẩu chi chi cũng chi chi tâm lòng.

Bản tâm che khuất mặt lòng,

Vô minh chẳng biết bởi lòng nhị tâm.

Nói:

Vọng tâm lòng khổ,

Tâm lọt lòng rồi khó thoát ra.

Khéo quấy lòng một cái tâm ma,

Trói lòng kẻ thiền tâm biết mấy!

Đánh thức tâm lòng nơi mộ dậy,

Lại chạnh lòng lúc ngủ tâm đi.

Tiếu ngạo đau lòng khổ tâm

Tâm chẳng động, lòng không còn phân biệt.

Vô tâm lòng khai trí tuệ ngộ không,

Lòng bất tham, tâm không sân si.

Tâm lòng diện mục chi chi?

 

Theo kinh điển Phật Giáo Đại Thừa, chúng sanh đã sẳn có "Trí Huệ Bát Nhã" hay "Trí Huệ Phật," thì thế nào chúng ta cũng sẽ trở thành Phật.  Hiểu được tâm là cái chi chi, chúng ta sẻ đạt được giác ngộ, tri kiến Phật, thành Phật.

Lý Tiểu Long (Bruce Lee) đã nói:

Nếu tôi nói tôi giỏi.  Họ cho tôi là kiêu ngạo.  Nhưng nếu tôi nói tôi dở thì họ biết tôi nói xạo.

 

If I tell you I'm good, probably you will say I'm boasting. But if I tell you I'm not good, you'll know I'm lying.” ― Bruce Lee

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Nguyễn Du

“Chữ tâm kia,” vô thỉ vô chung; không sanh không diệt; không có thời gian để đến hay đi; không có không gian để sở, để trụ.  Cho nên, Tâm Phật không có đã (quá khứ,) đang (hiện tại,) và sẽ (tương lai).

Tóm lại, đạo Phật có độc một chữ TÂM.  Nắm vững được chìa khóa quan trọng này rồi, người tu học Phật có thể mở được cữa không cữa, vô môn quan.

 

Nương theo giáo pháp Phật Đà

                         Chữ Tâm Phật dạy giúp ta độ đời.

Đến bờ giác ngộ thảnh thơi

Thoát ly phiền não cuộc đời an vui.

 

Như Lai không giác ngộ giác ngộ!

Tôi chế biến một tí từ câu đối đáp nỗi danh nhưng không biết nguồn gốc từ kinh điển nào?

 Có người hỏi Đức Phật Ngài đạt được gì từ giác ngộ?

Đức Thế Tôn trã lời, “Không!”

Tuy nhiên,” Ngài giải thích tiếp, “Để Như Lai cho biết Như Lai đã mất những gì: Tham lam, Sân hận, Si muội, bồn chồn, đau khổ, bất an, sợ hãi già và chết. 

Tiếng Việt chỉ có một chữ “Không” thay vì phong phú như những ngôn ngữ khác trong việc dịch chữ “emptiness, hư không” nhưng trong trường hợp này chữ Không, độc nhất vô nhị này thật viên diệu qua tiếng Việt ở đây.

Chúng ta không thể mất cái mình không có cũng như có cái mình đang có.

Tôi muốn làm sáng tỏ lại ý kinh thâm diệu,

“Như Lai không giác ngộ giác ngộ!”

 

Danh từ “Như Lai” của câu ở trên, tôi cố tình, chủ tâm, dụng ý, diễn nghĩa là vô ngã, không có cái tôi tự tôn, “không đi, không đến,”  khác với nghĩa phổ thông, thường thức “người đến đi như vậy!”  Như Lai, vô ngã không phải là người.  Cái ngã cũng không phải là người nhưng bị con người vô minh nhân cách hóa.

“Không” ở câu trên vừa có nghĩa là trợ động từ không (not,) vừa có nghĩa “không giác ngộ Không.”  Nhưng nghĩa chính là Không không gian lẫn không thời gian, để đến đi, vô thủy vô chung. 

Giác ngộ là động từ giác ngộ nhưng giác ngộ không động chỉ như như không không.  Hai chữ giác ngộ cuối cùng là tỉnh từ, còn có ngụ ý là tính từ (tánh từ,) tự tánh của tỉnh thức, tĩnn tâm, lẫn tịnh lòng.

Nếu vẫn còn thắc mắc,

Như Lai có giác ngộ Không?

Tôi im lặng!

Ohm!

I want to rewrite this famous proverbial quote, Buddha was asked, "What have you gained from enlightenment?"

He replied, "Nothing!”    

“However!” Buddha eleborated, " let me tell you what I lost: Greed, Anger, Ignorance, Anxiety, Depression, Insecurity, Fear of Old age and Death."

To me, “Nothing!” was already covered what Buddha elaborated.  Nothing means Emptiness, Nothingness!

You can gain something but couldn’t gain or lost nothing.  Nothing to lose, nothing to gain.  You must have gained something first in order to lose something.  You can’t lose something you never have had in the first place.

In fact,

Gain/lose, or have/haven’t, or nothing/something is dualism.

You can neither gain nothingness nor lose emptiness but enligtened it.

That is the philosophy of non-dualism in Buddhism.

The devoted truth is,

Buddha never enlightened enlightened!

 

(adverb, never [at no time in the past or future; on no occasion; not ever,] verb, enlightened is past tense, enlightened is adjective)

Để kết thúc, tôi mạo muội tóm lược “từ 49 ngày tới 49 năm lịch sử của Như Lai” qua bài thơ phóng tác dưới đây nhưng nhường lại phần dịch thuật cho các bật thiện tri thức:

I am who I am not

I am sentient; I am mindful.

I am a thousand lives on the worlds.

I am a cause and effect; I am interdependent,

I am conscious; I am awakened,

I am wisdom; I am awareness,

I am unattached; I am suffering free.

I am the way; I am Dharma.

When the Morning Star arises in the morning's hush.

I am the swift uplifting rush, I am enlightened,

I am the truth; I am the Buddha.

I am the universes; I am who I am,

But I think not; therefore, I am not.

(Le Huy Tru)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm