Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Bát Chánh Đạo chỉ là một phần trong giáo lý của Đức Phật. Chỉ cần những cố gắng nhỏ để áp dụng tám bước này vào đời sống cũng sẽ mang đến cho ta hạnh phúc.

Qua bài Chuyển Pháp Luân của Đức Phật giảng tại vườn nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe. Trong đó Bát Chánh Đạo là chủ đề đầu tiên mà Đức Phật mở bài. Từ sự quan sát cuộc đời của mình qua những kinh nghiêm sống trong hai giai đoạn : Hưởng thụ lợi lạc, đam mê ái dục, danh lợi, quyền lực, trong cung điện và sáu năm tu khổ hạnh mà không thấy kết quả gì.

Đức Phật nhận ra rằng : Mình là người tu hành đang đi tìm Đạo, đừng để mình lạc vào trong các quan điểm, thái quá hay bất cập, giả định của cuộc đời, sau cùng không có kết quả khả quan, để chứng đạt thành qủa duy nhứt muốn tìm. Từ đó, Ngài tự tu tập, giới, tâm, dựa vào kinh nghiệm bản thân và đã khám phá ra con đường Trung đạo (Majjhimà Patipadà).

Majjhimà tiếng pali có nghĩa là, giữa, ở giữa. Patipadà là thực hành, con đường. Việt dịch là con đường ở giữa, Hán Việt gọi là Trung Đạo.

Ý nghĩa chính của con đường Trung đạo là sự thức tỉnh của Đức Phật, qua sự so sánh trong hai kinh nghiệm từng trãi trong đời của Ngài và rút ra một kết luận, để khuyên người đang đi tìm Đạo : Đắm mình trong dục lạc dẫn đến nguy hại, là một điểm nên tránh. Tự hành hạ mình bằng các hình thức tu khổ hạnh nghiêm khắc, dẫn đến đau khổ, và nguy hại là một điểm không bao giờ nên làm.

Đức Phật lấy cuộc đời của mình làm tâm điểm để tu tập, qua sự bắt đầu từ trong cuộc sống để khai triển trong nhiều khía cạnh khác nhau để giúp cho con người đang đi tìm Đạo có cái nhìn toàn bộ, từ đó mới có nền tảng căn bản dễ dàng trong việc tu đạo hay tìm một cách sống thích hợp cho mình và cho những người chung quanh.

Đức Phật cho thấy cuộc sống có bao giờ hoàn hảo, bằng phẳng với bất cứ ai. Mỗi người có một nỗi niềm, tâm tư, khó khăn, trở ngại riêng và những nỗi đau không ai giống ai. Bởi vì, bản chất con người tồn tại trong xã hội đều có khát vọng tìm cầu vật chất. Cuộc sống mang đến cho con người tất cả những gì nó muốn, chứ không phải những gì mà con người muốn và cho dù có muốn hay không, con người vẫn phải đón nhận những gì mà nó đưa đến cho mình, bằng thái độ lựa chọn Gượng ép hay Cởi mở để đón nhận.

Khi những thử thách của cuộc sống làm cho con người đau khổ, thì họ sẽ tìm về những người thân, những người bạn làm nơi an ủi. Đây cũng là hình thức để làm vơi đi những phiền não trong khoảnh khắc nhất thời. Nhưng nó sẽ trở thành một cách nuôi dưỡng, bằng ý chí kiên định, bằng nghị lực kiên định, để giúp con người cảm thấy có thể tiếp tục bước về phía trước.

Đức Phật có tầm nhìn và sự hiểu biết rộng, cho nên con đường Trung Đạo mà Ngài tìm ra là phương pháp diệt Khổ, để đưa con người đến sự an vui thanh tịnh trong cuộc sống hiện thời.

Con đường Trung Đạo này còn được gọi là Bát Chánh Đạo và tiếng pali viết Ariyo atthamgiko maggo. Ariyo có nghĩa : cao quý, cao thượng trong cụm từ này. Atthamgiko là tám. Maggo, con đường. Bát Chánh Đạo gồm có tám yếu tố quan trọng để tu tập như sau :

Chính kiến, tiếng pali viết là Sammàditthi : hiểu biết đúng đắng.

Chính tư duy, tiếng pali viết là Sammàsankappo : Suy nghĩ chân chính.

Chính nghiệp, tiếng pali viết là Sammàkammanto : Hành động chân chính không làm viêc giả dối.

Chính ngữ, tiếng pali viết là Sammàvàcà : lời nói chân chính trung thực.

Chính mệnh, tiếng pali viết là Sama àjìvo : Sống chân chính, không tham lam, vụ lợi xa rời nhân nghĩa.

Chính tinh tiến, tiếng pali viết là Samàvàyamo : Cố gắng nổ lực chân chính.

Chính niệm, tiếng pali viết là Sammàsati : Suy niệm chân chính.

Chính định, tiếng pali viết là Sammàsamàdhi : kiên định tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lai chuyển làm thoái chí, phân tâm.

Chính kiến, chính tư duy thuộc về trí tuệ | Chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh thuộc về giới luật | Chính tinh tiến, chính niệm, chính định thuộc về định.

Qua phần tỉnh lược về ý nghĩa của tám yếu tố trên. Dưới đây là chi tiết của từng yếu tố.

Tám yếu tố của Bát Chánh Đạo không phải là một tiến trình sắp xếp theo thứ tự nhất định, như là yếu tố này phải đứng trước yếu tố kia. Những yếu tố này có thể được diễn tả một cách trung lập, giống như một con sông lớn được hình thành từ những con suối nhỏ hợp lại và mỗi con suối nhỏ đều có tên và nhiệm vụ hoạt động riêng của chính nó. Nhờ sự tụ hợp góp sức của những con suối này mà con sông lớn mới tồn tại.

Trên phương diện tu tập thiết thực, tám yếu tố này được chia ra làm ba nhóm :

Nhóm giới đức, tiếng pali viết là silakkhandha , được tạo thành bởi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

Nhóm tâm định, tiếng pali viết là samadhikkhandha, được tạo thành bởi chánh tin tấn, chánh niệm và chánh định.

Nhóm trí tuệ, tiếng pali viết là paññakkhandha, được tạo thành bởi chánh tri kiến và chánh tư duy.

Đường hướng chung của Bát Chánh Đạo qua ba nhóm Giới, Định, Huệ, là mục tiêu dẫn đến việc giải thoát ra khỏi sự khổ đau, bằng sự trừ tiệt vô minh. Do đó trí tuệ là một phương tiện tu tập, hầu giúp cho con người mở mang Tâm trí, để nhìn thấy và phán xét một cách minh bạch tất cả mọi hiện tượng và thấu hiểu một cách tường tận về bản tính chân thật của sự vật.

Đây là sự hiểu biết toàn diện và là một tính năng thức tỉnh để đưa con người thoát ra khỏi : mê lầm, ích kỷ, những chủ nghĩa tôn thờ danh lợi cá nhân… những cặn bã vô minh, trong cuộc sống hằng ngày.

Đức Phật nói rằng : chỉ có chính mình mới giải thoát được cho mình ra khỏi những nỗi thống khổ. Con người phải làm chủ lấy vận mạng của mình. Vì mê lầm mà chính mình tự tạo ra một thần linh, với niềm hy vọng được sự cứu rồi hay phù hộ cho mình được thoát khỏi cảnh lầm than, đau khổ mà do chính mình đã tạo nên. Cuối cùng mình phải làm nô lệ cho thần vị thần linh ảo tưởng này mà vận mạng của do chính mình tạo ra vẫn không bao giờ thay đổi.

Trí tuệ, phạn ngữ là Prajñā प्रज्ञा, Pali là pañña. Trí tuệ còn gọi là Tuệ hay Trí huệ. Trí là quán thấy, Huệ là hiểu rõ. Trong Phật học Trí tuệ là một khái niệm rất quan trọng và có nhiều cách giải thích rất đa dạng tùy theo các tông phái.

Đặc tính của Trí tuệ là trong sáng, rạng ngời. Vai trò của Trí tuệ là nó có khả năng giúp, nhìn thấy hay quán nhận được bản thể đích thực và tối hậu của mọi hiện tượng và thực hiện được tất cả những gì nên làm và cần phải làm. Ngoài ra Trí tuệ cũng là một phương cách tu tập để giúp cho một vị Bồ tát trở thành một vị Phật.

Trí tuệ hoàn toàn khác biệt với trí thông minh thông thường (Pali là vijnana). Trí thông minh thông thường là sự tượng trưng cho quá trình vận hành bình thường của tri thức.

Trí tuệ không phải là một sự vận hành bình thường của tri thức mà là kết quả của một sự rèn luyện chuyên cần của tâm thức.

Trong Bát Chính Đạo, Trí tuệ gọi là Chính kiến, tức là nhìn thấy hiểu biết đúng đắng được dịch từ chữ Pali Sammàditthi. Sammā có nghĩa là đúng, hợp lý. Diṭṭhi là thấy, nhìn thấy, có động từ căn là √ dis. Micchāditthi là tà kiến phản nghĩa của Sammàditthi.

Như vậy Tà kiến là gì ? Tà kiến là cái nhìn sai lệch về sự thật rồi tạo thành những kiến thức sai lầm, những sự hiểu biết không căn cứ, khiến cho con người đi lạc vào tà đạo hay dẫn dắt con người, đến chỗ tranh chấp, đấu tranh hơn thua, thành kiến bảo thủ, phiền não khổ đau. Thí dụ như Mê tín là những tin tưởng mù quáng, suy đoán tưởng tượng, không căn cứ, khiến cho con người, mất hết lý trí, tiêu mòn nghị lực, không sức phán đoán, không trí thông minh và có thể làm hư hại, tan nát cả hạnh phúc gia đình mà không thể lường trước được, trong cuộc sống hằng ngày, của tất cả mọi người. Điều này đã pha trộn lâu đời và hiện đang lẫn lộn, trong các sinh hoạt Phật giáo.

Qua phần tỉnh lược những hình thức tà kiến trên, thì nguyên nhân tạo ra chúng là do từ sự : Thấy không có xác thật, bởi vì…  | Thấy không xác thật, bởi vì…  | Nhận thấy không xác thật, bởi vì…   | Nhận thấy không xác thật, bởi vì…   …   Cho nên hãy bình tâm, suy gẫm, nhiều lần trước khi quyết theo hay làm một việc gì. Điều này trong Phật học đã cho thấy ý nghĩa của Trí tuệ là sự rèn bằng thời gian để đạt đến sự hiểu biết hoàn toàn hầu đem lại thành qủa tốt cho những gì mình đang muốn thực hiện.

Theo thuật ngữ Pali Micchāditthi là phản nghĩa của Sammàditthi và Sammàditthi có nghĩa là nhìn thấy hiểu biết đúng đắng. Như vậy, ở đây, cái gì làm chủ để cho sự nhìn thấy hiểu biết đúng đắng này ? 

Đức Phật đã lấy cuộc đời của mình làm tâm điểm để tu tập và khai triển trong nhiều khía cạnh khác nhau để giúp cho con người đang đi tìm Đạo. Dựa vào kinh nghiệm bản thân qua sự nhìn thấy, hiểu biết một cách tận tường, để so sánh và kết luận cho ý nghĩa về con đường Trung Đạo mà Ngài đã tìm ra, dựa trên hai điểm có thật, trong cuộc sống của con người và xã hội. Đó là : Đắm mình trong dục lạc dẫn đến nguy hại, là một điểm nên tránh. Tự hành hạ mình bằng các hình thức tu khổ hạnh nghiêm khắc, dẫn đến đau khổ, và nguy hại là một điểm không bao giờ nên làm.

Từ ý nghĩa trong sáng này mà Ngài đã giúp cho, biết bao nhiêu người tu học biết rõ thế nào về giá trị quan trọng của trí tuệ, trong lúc họ còn là những người đang tìm học đạo hay những người chưa biết gì về đạo, sẽ tìm đến đạo một cách thực tế và dễ dàng hơn.

Thí dụ như Trí tuệ được xem như là Chánh kiến trong Bát Chánh Đạo và khi dùng Chánh kiến để nhìn Tứ Diệu đế, thì nó được hiểu như là Chánh đế, bởi vì, nhìn thấy Khổ là khổ, Tập là tập, Diệt là diệt, Đạo là đạo, bằng sự hiểu biết am tường về bản tính chân thật của từng yếu tố.

Tóm lại Chánh kiến là sự thấy biết mọi sự đúng như thật và chính Tứ diệu đế mới giải thích sự vật đúng như thật. Do đó mới có câu trong Bát Chánh Đạo có Tứ Diệu Đế và ngược lại.

Theo Phật học có hai loại hiểu biết :

Hiểu biết thông thường của con người là kiến thức tích lũy bằng trí nhớ, dựa trên một số dữ kiện tiếp thu không sâu sắc và  còn được gọi là Hiểu biết tùy thuộc, phạn ngữ viết là,  अनुबोध,anubodha, thuộc về nam tính, có nghĩa là, nhớ, tự nhớ, thấu hiểu, viết từ động từ अनुबुध् anubudh [anu-budh_1] ở dạng nguyên thủy nhóm một.

Sự hiểu biết sâu sắc thật sự gọi là thâm nhập, nằm lòng, pali viết là pativedha. Sự hiểu này là kết qủa của việc nghiên cứu học hỏi (pali, Pariyatti) và việc thực hành (pali, patipatti) một cách chuyên cần nghiêm túc, để thấy biết sự vật trong bản chất của nó mà không cần phải nhớ đến tên hay cách cấu tạo của nó.

Sự thâm nhập này chỉ có thể có, khi tâm đã sạch mọi ô nhiễm và đã hoàn toàn phát triển nhờ thiền định. Đây cũng là lý do tại sao Chánh kiến được sắp trong nhóm Huệ của Bát Chánh Đạo.

Chánh kiến là một lối sống mà người đang học Phật, nên thực hành và phát triển mỗi ngày, bằng sự cố gắng từ bỏ những sai lầm, để gặt hái những lợi ích cho việc thành công trong nhiều lãnh vực của cuộc sống.

Chánh kiến là một tự kỷ luật trong thân, do đó, từ lời nói và ý nghĩ, tự phát triển và tự thanh lọc. Chánh kiến không liên quan gì đến đức tin, cầu nguyện, thờ phụng hay nghi lễ.

Chánh kiến là một con đường dẫn đến tự do hoàn toàn, hạnh phúc và bình an nhờ sự hoàn thiện về đạo đức, tâm linh và trí thức qua sự tỉnh thức bên trong của mỗi người.

Chánh kiến cũng là Con Ðường thực sự để giúp người đang học Phật, dần dần, tự tìm ra Đức Phật bên trong của chính mình.

Trong khi Chánh kiến là sự thấy biết mọi sự đúng như thật ,thì Chánh tư duy là sự sử dụng sự thật qua dòng suy nghĩ đích thực về sự thật để chuẩn bị đi vào từng bước thực hành, giống như, nhờ thấy Khổ và có Khổ mà Đức Phật tìm đường diệt Khổ. 

Đây cũng là sự chứng nghiệm từ trong cuộc đời bằng, thấy, biết sử dụng sự thật cái khổ của con người qua dòng suy nghĩ đích thực mà Đức Phật đã lập ra đạo của Ngài, rồi từ đó Đạo Phật đi vào cuộc đời không ngoài việc giải thoát Khổ cho con người.

Chánh tư duy, pali viết là Samma samkappa. Samma có nghĩa là đúng, hợp lý. Samkappa đồng nghĩa với Vitakka : tầm, tìm, đặt lên.

Chánh tư duy là tư tưởng chân chính quan trọng để giúp con người dứt bỏ tâm tham ái, tâm sân hận và tâm si mê.

Chánh tư duy cũng là một hình thức của Chánh ngữ, bởi vì tư duy là loại ngôn ngữ thầm ở trong tâm, như con tằm tự giam mình trong kén, lúc nào cũng tự nói mình nghe. Nếu có Chánh tư duy thì tìm (Vitakka) và duy trì (Vichara) sẽ soi sáng cho ngôn ngữ và cho hành động và tăng thêm lợi ích  cho Chánh kiến.

Chánh Tư Duy gồm có ba yếu tố chính :

Nekkhamma : Xuất gia, Từ bỏ, loại trừ,

Avyapada : Tâm từ ái, thiện chí , hay hảo tâm, nghịch nghĩa với thù hận, ác ý, ganh ghét.

Avihimsa :  Không hung bạo, hay ôn hòa, hiền lương, bi mẫn, nghịch nghĩa với tính hung bạo, tàn ác.

Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải để mang lợi ích thiết thực vào đời sống xã hội.

Những đức tánh xấu và những tư tưởng thấp hèn là những phẩm chất luôn luôn ngầm chứa bên trong của con người. Ngày nào còn tham, sân, si, thì ngày đó, những chất độc này còn có thể trỗi dậy khó lường được.

Do đó sự từ bỏ cũng là một trong những phương cách giải độc cho lòng tham và triệu chứng thèm muốn của nó. 

Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh ở chỗ loại trừ dứt khoát, chứ không đè nén những trạng thái tâm bất thiện và thay thế bằng những trạng thái tâm thiện.

Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh ở chỗ mở lòng nhân ái và từ bi để có thể đạt được một hạnh phúc vô điều kiện trong sự từ bỏ.

Chánh tư duy cùng với Chánh kiến giúp người học Phật thường xét nghĩ đạo lý, suy tìm thể tánh nhiệm mầu của Từ, Bi, Hỷ, Xả, biết xét những hành vi lầm lỗi để sám hối,  biết suy xét vô minh và nguyên nhân đau khổ là nguồn gốc của tội ác và tìm phương pháp đúng đắn để tu hành, hầu giải thoát cho mình và cho những người chung quanh. 

Nếu mọi người đều hiểu được quy luật này, thì có lẽ không còn cái tham của người giàu và lòng ganh tị của người nghèo. Kết quả sẽ là một sự chia sẽ tình thương có lợi cho nhân loại qua sự bình đẳng.

Tóm lại Chánh tư duy và Chánh kiến là hai yếu tố quan trọng trong phần Huệ của Bát Chánh Đạo. Bởi vì, chúng có thể đặt thẳng đứng lên những gì đã bị đảo ngược và để lộ những gì đang bị ẩn khuất trong bóng tối.

Nhóm Giới, tiếng pali viết là silakkhandha được tạo thành bởi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Giới phạn ngữ gọi śīla, pali viết là Sīla có động từ gốc là √sil, có nghĩa : phục vụ, thực hành, quy luật, kỷ cương. Giới trong Phật học không phải là những điều luật hay những quy tắc... bắt buộc con người phải tuân theo một cách chặt chẽ như trong : nhà trường, cơ quan, ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, lớn, nhỏ khác nhau…

Giới ở đây là sự hướng dẫn của Ðức Phật khuyên dạy cho những người học Phật, sau khi ngài Diệt Độ, bằng những bổn phận phải làm (cãritta) và những điều nên tránh (vãritta) để khép mình vào nếp sống kỷ cương qua phát triển trí tuệ, để mang lợi ích cho mình và cho người.

Ðức Phật không ép buộc và không hứa hẹn với những người học Phật, sẽ ban thưởng người làm thiện và trừng phạt người gây tội lỗi. Điều nên cần hiểu rõ là : mỗi người phải chịu đau khổ vì những hành động sai lầm của chính mình và thọ hưởng những lợi ích do hành động chân chánh của mình.

Giới của Đức Phật là những nguyên tắc rèn luyện bản thân con người qua nhiều phương diện khác nhau như : Đạo đức và phong cách cư xử về đạo đức.

Phương diện đạo đức là sự tu tập thân, khẩu, ý, thanh tịnh để diệt trừ  tham, sân, si, ở nội tâm, đưa đến sự an lạc giải thoát cho chính mình. Bất cứ xã hội nào muốn phát triển và tồn tại lâu dài, thì phải cần có những con người hoàn hảo về ý thức đạo đức cá nhân để làm nền tảng căn bản.

Phong cách cư xử về đạo đức là sống trong sự thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, để cho con người biết qúy mến, thương yêu, thông cảm, đoàn kết và giúp đở nhau trong mọi tình huống của xã hội, nhằm mang lại lợi ích, an vui, hạnh phúc thật sự cho mình và cho người.

Giới là những điều kiện rèn luyện khác nhau có ích lợi cho cuộc đời đang đi tìm đạo, mà tăng, ni, người tu tại gia phải nương theo, để  Giác ngộ. Do đó Giới có nhiều loại khác nhau và tùy theo căn cơ cao thấp của con người mà đức Phật thiết lập.

Giới cũng có một ý nghĩa khác là cảnh giới, không gian, yếu tố. Phạn ngữ và pali gọi là dhātu.

Tam giới, phạn ngữ là triloka, gồm có Dục giới (phạn ngữ : kāmadhātu), Sắc giới (phạn ngữ :  rūpadhātu) và vô sắc giới (phạn ngữ : arūpadhātu).

Giới là lối sống luôn mang lại an lạc và hạnh phúc cho con người. Nó chứng minh rằng con người có khả năng đạt được giá trị đạo đức tối cao, qua ý chí và nổ lực tự thân của chính mình bằng cách : Tránh làm các điều ác, tu tập các việc lành, giữ tâm ý trong sạch.

Giới là một lối sống vững vàng mạnh mẽ và thuần lý, bởi vì nó là phương cách thực dụng hợp lý, để sửa đổi từ một con người có đức tánh xấu thành một con người có đức tánh tốt, từ đối tượng vô minh trở thành một đối tượng trí thức, từ một con người có tư tưởng tiêu cực bi quan trở thành con người có tư tưởng tích cực lạc quan năng động.

Giới không phải là sự tự hảm mình trong một khung khổ, mà là những bước chân tự nguyện khởi đầu, đi tìm những lời dạy của Ðức Phật, giải đáp cho những quan niệm sai lầm, từ dậm đường này đến các ngõ khác trong cuộc sống mỗi ngày.

Tu tập Giới là việc thực hành những lời dạy trong sáng lợi ích của Phật để nhìn vào con người và xã hội mà khai triển trí tuệ, từ bi bằng mục đích xây dựng an lành cho mình, cho người.

Cầu xin ân huệ, phước lộc hơn là việc tìm đạo giác ngộ giải thoát, không phải là mục đích của sự Tu tập Giới này.

Qua phần tỉnh lược về khái niệm của chữ Giới. Bây giờ là phần nói về giai đoạn hình thành của Nhóm Giới qua những yếu tố được biết của chính nó : Chánh ngữ, tiếng pali viết là Sammàvàcà , Chánh nghiệp, tiếng pali viết là Sammàkammanto, Chánh mạng, Sama àjìvo.

Nói đúng là xa lìa lời nói hư dối bằng một lời nói ra không làm cho tan vỡ, hạnh phúc gia đình, không làm cho mọi người nghi ngờ lẫn nhau, một lời nói để lợi cho mình và cho người, một lời nói ra người nghe hoan hỷ, một lời nói có ích lợi làm cho tâm người nghe được an tịnh, một lời nói thành thật ngay thẳng, bình đẳng, hòa nhã, rõ ràng, giản dị, khuyến tấn, một lời nói hợp thời và đúng lúc, hợp tình và hợp lý, mang đến cho người nghe cảm giác thương yêu, Từ, Bi, Hỷ, Xả. Những lời nói này chính là Chánh ngữ để giúp thêm, phần tăng triễn cho Chánh kiến, Chánh tư duy của người đang đi tìm đạo.

Chánh ngữ, tiếng phạn viết là Samyag vāc, pāli : Sammàvàca. Samma có nghĩa là đúng, hợp lý. Phạn ngữ  Vāc, वाच् viết từ động từ vac, dạng nữ tính, có nghĩa là, tiếng nói, lời nói, âm thanh, ngôn ngữ, bài diễn văn, lời nói thánh thiện.

Giai đoạn hình thành của Nhóm Giới qua những yếu tố được biết của chính nó : Chánh ngữ, tiếng pali viết là Sammàvàcà, Chánh nghiệp, tiếng pali viết là Sammàkammanto, Chánh mạng, Sama àjìvo.

Nói đúng là xa lìa lời nói hư dối bằng một lời nói ra không làm cho tan vỡ, hạnh phúc gia đình, không làm cho mọi người nghi ngờ lẫn nhau, một lời nói để lợi cho mình và cho người, một lời nói ra người nghe hoan hỷ, một lời nói có ích lợi làm cho tâm người nghe được an tịnh, một lời nói thành thật ngay thẳng, bình đẳng, hòa nhã, rõ ràng, giản dị, khuyến tấn, một lời nói hợp thời và đúng lúc, hợp tình và hợp lý, mang đến cho người nghe cảm giác thương yêu, Từ, Bi, Hỷ, Xả. Những lời nói này chính là Chánh ngữ để giúp thêm, phần tăng triễn cho Chánh kiến, Chánh tư duy của người đang đi tìm đạo.

Chánh ngữ, tiếng phạn viết là Samyag vāc, pāli: Sammàvàca. Samma có nghĩa là đúng, hợp lý. Phạn ngữ  Vāc, वाच् viết từ động từ vac, dạng nữ tính, có nghĩa là, tiếng nói, lời nói, âm thanh, ngôn ngữ, bài diễn văn, lời nói thánh thiện.

Trong kinh Đại Bát Niết bàn, trước khi Đức Phật nhập diệt, có đệ tử hỏi : Sau khi Ngài nhập Niết bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo với kinh Phật không làm sao phân biệt. Vậy biết tin theo lời nào để tu? Ngài trã lời rằng : Không luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật hợp chân lý thì cứ theo đó mà tu.

Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không tạo nghiệp bất thiện bằng lời nói, mà trái lại, dùng lời nói để tạo các nghiệp thiện lành. Lời nói là sự biểu hiện của tâm tư và ý nghĩ, nếu không cẩn trọng, thiếu suy nghĩ, thì lời nói dễ làm cho người khác đau khổ, mà đôi khi chính mình cũng cảm thấy ăn năng hối hận, vì nói lời bất cẩn của mình mà gây ra tai họa. 

Bản chất của lời nói tùy thuộc vào những nội dung khác nhau của tâm thức. Nếu tâm có nhiều giận hờn, bức xúc… thì lời nói sẽ mang sắc thái  nặng nề, hung dữ. Còn nếu tâm ta thanh tịnh thì lời nói sẽ dễ nghe, trong âm điệu hài hòa. Nói là một nghệ thuật và cũng là một cách tu qua sự quán sát chọn lời và lắng nghe.

Trên phương diện so sánh, Tư duy thì có tìm hiểu và suy xét, còn Ngôn ngữ thì có lời nói và sự phân tích, chứng minh, hay diễn tả mà còn gọi là luận. Như vậy Ngôn được hiểu như Tìm hiểu của Tư và Luận được hiểu như Duy. Từ điểm này cho thấy tám yếu tố của Bát Chánh Đạo, dù có sự phân chia chúng ra thành những nhóm khác nhau, nhưng chúng vẫn có sự liên quan mật thiết với nhau.

Kết qủa cho thấy rằng : Càng thực tập Chánh tư duy, thì càng tạo điều kiện để giúp cho những mầm móng của Chánh kiến khác được nẩy nở và tăng trưởng thêm. Chánh kiến là nguồn nuôi dưỡng của Chánh tư duy. Nhờ sự phát triển của Chánh kiến và Chánh tư duy mà Chánh ngữ được biểu hiện rõ ràng. Do đó khi lời nói gây ra đau khổ thì phải biết là cái nhìn thấy chưa rõ ràng và việc suy nghĩ chưa đúng.

Trong tương giao giữa mọi người, Chánh ngữ là phương pháp để thu phục nhân tâm hay cách xử thế qua cách nhìn đúng, nghĩ đúng bằng lời nói. Thí dụ như : Làm cách nào để khuyên bảo người khác, khi biết họ làm sai, nói sai, hay nghĩ sai?  Nói cách nào để khỏi làm mất lòng người nghe?  Chỉ có Chánh ngữ và Chánh ngữ.

Ngôn ngữ là chữ viết và tiếng nói để giúp cho con người, hiểu biết, trao đổi thông tin văn hóa, tạo điều luật ngăn ngừa những tội ác và xây dựng nền tảng văn minh cho nhau trong xã hội. Tất cả hạnh phúc trên đời đều bắt đầu từ lời nói của con người và đừng bao giờ mong người khác nói lời dễ nghe, trong khi chính mình chưa làm được như vậy.

Muốn thấy được đạo, tức là muốn cuộc sống được an lạc hạnh phúc, thì hãy tập làm Người biết cách nói đúng đắn, bằng những lời nói cao quý, hữu dụng, đầy đủ ý nghĩa thâm trầm, ghi lại ở trong phần giới của Đức Phật đã đề ra. Hiểu được như vậy, hành được như vậy, chính là Người tu theo Chánh ngữ.

Lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng không những đối với đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể định đoạt được cả sự an nguy của xã hội. Chính vì thế mà Đức Phật đã đưa Chánh Ngữ vào Bát Chánh Đạo.

Những hành động tạo ra đau khổ cho người lẫn thú vật, thí dụ như khi nóng giận, đánh đá, chửi bới, nguyền rủa đều thuộc về tà nghiệp. Còn làm một hành động chân chánh có ý nghĩa bảo vệ, xây dựng và chở che cho sự sống như : không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu cũng gọi là Chánh nghiệp.

Tà nghiệp và Chánh nghiệp thuộc về hành động của thân thể. Trong Bát Chánh Đạo, Chánh kiến, Chánh tư duy được xem như là ý nghiệp và Chánh ngữ thuộc về phần khẩu nghiệp. Do đó chữ Nghiệp được hiểu như : hành động tạo tác bị điều khiển bởi tâm ý.

Chữ Nghiệp do người Trung hoa dịch ra từ chữ Karma của phạn ngữ. Karma, कर्म , कर्मन, karman, có nghĩa là, hành vi, hành động, hoạt động, cách cư xử, tư cách, thuộc về ý, miệng, và thân. Karma có động từ gốc là √kri, từ chữ KRIYA có nghĩa : làm, hành động. Pali viết là kamma कम्म,

Khái niệm chữ Nghiệp trong đạo Phật dùng để chỉ quy luật chung về nguyên nhân và kết quả. Bởi vì mỗi nghiệp làm dưới một điều kiện nhất định, thì sẽ tạo thành một quả, phạn ngữ gọi là Phala, फल có động từ gốc √ फल् phal có nghĩa, được, vỡ, phân chia, phản ánh, phát ra, chịu hậu quả, thành công.

Một nghiệp thiện hay bất thiện được hành động theo ba cách : bằng thân, bằng tâm, và bằng lời, qua dòng tư tưởng. Do đó khi con người có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết rằng việc làm đó có xảy ra hay không.

Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, nhưng sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người.

Như vậy, mỗi hành động được thực hiện với chủ ý là một hành động có khả năng sáng tạo. Do ý chí thúc đẩy hành động, tạo thành một lực để làm chuyển động theo cái tiến trình bất tận của sự đổi thay trong cuộc đời.

Nghiệp của mỗi người là hành động riêng của từng cá nhân và kết quả của những nghiệp mà họ tạo ra, thì chính họ cũng là người thừa hưỡng phần qủa riêng này. Nghiệp của mỗi người là kinh nghiệm riêng của từng người, cho nên không ai có thể can thiệp vào để làm thay đổi những kết quả của nghiệp cá nhân được.

Một hành động sẽ không gây nghiệp, nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Chính vì không thông suốt định luật nhân quả nghiệp báo này mà con người tự gây cho mình và xã hội biết bao đau thương khổ luỵ, rồi lại đổ thừa cho trời đất hoặc gán tội cho tha nhân  hay những điều kiện khách quan bên ngoài. 

Trái lại khi người nào đã thấu rõ định luật nhân quả nghiệp báo này bằng sự tự quan sát, tự chiêm nghiệm trong đời sống một cách sâu sắc, thì không những có thể tự vượt qua khổ đau, tự hoàn thiện chính mình, mà còn đem lại nhiều lợi lạc cho xã hội. 

Trong Phật học, tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt vòng luân hồi. Muốn thoát khỏi vòng này, thì phải từ bỏ cả hai tốt và xấu. Tóm lại Chánh Nghiệp là hành động, việc làm chân chính, đúng với lẽ phải, phù hợp với chân lý, có lợi ích cho người lẫn vật.

Người tu tập theo đúng Chánh nghiệp là người luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình, để khỏi làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc, tánh mạng của người khác và bao giờ cũng biết tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình, luôn luôn hành động có lợi cho mọi người, mọi vật. Nếu cần, có thể hy sinh quyền lợi hay tánh mạng mình để giải thoát nỗi đau khổ cho người khác.

Muốn tu tập Chánh nghiệp được đạt đến kết qủa cao, thì phải tu tập Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, một cách nghiêm túc, ngoài ra nếu thích, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, làm công qủa, để giữ gìn thân, khẩu, ý, cũng là những việc làm đáng hoan nghinh.

Chánh Nghiệp còn mênh mông vô tận, rất thú vị, cho nên thường xuyên trau dồi học hỏi, theo một cách thức nào đó, vừa thích hợp với thời gian và mình không còn sợ sai hay nghi ngờ những gì Phật đã dạy để thực hành trong cuộc sống.

Từ đó, khi gieo hạt bắp, thì ta biết, sẽ được những trái bắp  như ý. Bởi vì, tất cả những thành đạt đều phát xuất từ sự siêng năng và chăm chỉ trong sự tu tập.

Qua hai phần, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, bây giờ đến phần cuối là Chánh Mạng. Ba phần quan trọng này đã hợp thành sự phân hạng của Giới, phạn ngữ gọi là Sila trong Bát Chánh Đạo. Cũng như đã biết, Giới là những quy tắc đạo đức có tác dụng để chỉ cho con người thấy và nhận định được những điều gì không nên làm (varitta) và những gì nên làm (caritta).

Nhờ Chánh Nghiệp trau dồi cho con người tạo thân và khẩu nghiệp luôn trong sạch, để thoát ra khỏi mọi hình thức khổ đau của cho mình và cho người. Sanh, lão, bịnh, chết, là một tiến trình tạo nghiệp và trả nghiệp. Nghiệp chính là sự bình đẳng của sự vay và trả trong cuộc đời. Nghiệp tốt hay xấu mà có giữ giới, thì không sợ lầm đường lạc lối. Bởi vì, sự giữ gìn được giới này có khả năng hóa giải cái xấu thành ra cái tốt.

Trên thực tế, cuộc sống là sự chiến đấu không ngừng để đạt được những nhu cầu khẩn thiết cho sự bảo tồn đời sống cá nhân và nuôi sống gia đình. Con người bị bắt buộc phải xem công việc làm ăn sinh sống là một vấn đề quan trọng, thúc giục, cấp bách, cho nên đôi khi con người không còn bận tâm nhiều về các giá trị nhân văn, mà càng quan tâm nhiều hơn đến tiền bạc và quyền lực. Nếu như xã hội loài người mất đi các giá trị của sự công bằng, tình thương và lòng trung thực, thì đời sống tương lai của con người sẽ ra sao ?

Theo cái nhìn của đức Phật thì tất cả suy nghĩ và hành động của con người đều khởi nguồn từ tâm. Nếu con người có tâm tốt và biết lo lắng tới việc phát triển xã hội loài người, bằng hành động thực tế, thì kết quả sẽ có ích cho nhân loại. Đây cũng là lối sống trong lành, sống trong môi trường trong lành, không sống trên những sự khổ đau của người khác cũng của như thú vật, sống chân chánh của con người, được nuôi dưỡng qua lời dạy của đức Phật, bằng,Từ, Bi, Hỷ, Xả.

Do đó, có đề cao hay không đề cao về nền tảng đạo đức, nhưng nền tảng căn bản này, vẫn tạo nên nhiều thế đứng khác biệt lớn lao trong nhiều lãnh vực của xã hội. Con người sống, không ai dám tự xưng mình là người toàn thiện. Muốn được toàn thiện, thì phải tu tập luyện qua nhiều qúa trình một cách nghiêm túc.

Nếu không được rèn đạo đức, thì con người sẽ trở thành ác nhân và cuộc đời sẽ là nạn nhân của nó. Cho nên, Chánh nghiệp là hành vi đúng đắn, tạo nghiệp thiện, từ bỏ sát sinh, từ bỏ tà hạnh trong các dục.Thực hành sự yêu thương cứu giúp, dẫn đến đời sống chân chánh. Từ đó, Chánh mạng trở thành phương thuốc hữu hiệu, trong mỗi con người, để trị liệu, mọi triệu chứng gây ra đau khổ, bằng cách không nuôi sống mình bằng các nghề tàn bạo, bất chánh pháp, bất tín, không hợp luân lý xã hội… 

Chánh Mạng là nuôi sống thân mạng bằng những nghề nghiệp lương thiện chân chánh tức là sống đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không sống trong tưởng giải, ảo giác, mơ hồ, trừu tượng… Ngoài ra Chánh Mạng còn có nghĩa là sống không chạy theo dục vọng và các ác pháp về ăn uống.

Chánh mạng, phạn ngữ viết là Samyag-ājīva và pāli là Sammà àjiva. Chữ Samma có nghĩa : đúng, hợp lý. Chữ,  आजीव,ājīva [ājīv] dạng nam tính, có nhiều nghĩa như : Sinh kế, công việc, nghề, cách sinh hoạt, cách sống.

Theo định nghĩa của phạn ngữ Chánh là Samma, đúng, hợp lý. Mạng là ājīva, आजीव,  sự sống, đời sống. Như vậy, Chánh mạng là sinh sống và cách nuôi dưỡng thân mình, một cách chân chánh, bằng bất cứ công việc hay nghề nghiệp đúng theo hợp lý…

Định học là phần liên kết cuối cùng để hoàn thành sự tham khảo của ba nhóm học trong Bát Thánh Đạo.

Định học tiếng Pali viết là Samādhi-sikkhā, có nghĩa là kiên định tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lai chuyển làm thoái chí, phân tâm.

Samādhi, समाधि, thuộc nam tính, có nhiều nghĩa như sau : đoàn kết, hoàn thành, tập trung của tâm trí, suy ngẫm, định, thực hiện, nhận dạng đối tượng, tinh thần hiệp thông. Tập trung, kiểm soát của tâm, sự hấp thụ tinh thần nhưng không phải là mục đích để giải thoát hoàn toàn của tâm.

Sikkhā, शिष्य, có gốc động từ là śiṣya, nghĩa là : đồ đệ, người học, nguyên tắc, sự học.

Đừng nên nhằm lẩn ý  nghĩa của chữ : Dhyana, Samadhi, Bhāvanā.

Dhyana, phạn ngữ, ध्यान, có gốc động từ √dhyā hay √dhyai, có nghĩa : sự tư duy, tập trung lắng đọng. Pali gọi là jhāna.

Samādhi, समाधि, thuộc nam tính, có nhiều nghĩa như sau : đoàn kết, hoàn thành, tập trung của tâm trí, suy ngẫm, định, thực hiện, nhận dạng đối tượng, tinh thần hiệp thông. Tập trung, kiểm soát của tâm, sự hấp thụ tinh thần nhưng không phải là mục đích để giải thoát hoàn toàn của tâm.

Bhāvanā, भवन, Phạn ngữ và Pali có nghĩa là : trở thành hay phát triển, biệt thự, nhà ở, cung điện, trụ sở chính. Trong Phật giáo, nó thường được sử dụng để nói về việc vun trồng Tâm, hay phát triển Tâm,Tập cho Tâm quen dần hay Tu tập Tâm.

Bhāvanā xuất phát từ chữ bhava, भव bhava [bhū_1], dạng nam tính, có nghĩa nhiều nghĩa như : sự tồn tại, tình trạng, nguồn gốc, khai sinh, thịnh vượng, xuất sắc, thế giới, cuộc sống ở đây, một trong 6 luật của nghệ thuật và mỹ thuật, phạn ngữ gọi là ṣaḍaṅgaśilpa bao gồm những nội dung như sau :

- Rūpabheda là nghệ thuật khái niệm về hình dạng.

- Pramana là nghệ thuật khái niệm về ý nghĩa của tỷ lệ.

- Bhava là nghệ thuật khái niệm về biểu hiện của cảm giác hay tình cảm.

- Lāvaṇyayojana là nghệ thuật khái niệm về đặc ân.

- Sadṛṣya là nghệ thuật khái niệm về ý nghĩa so sánh.

- Varṇikabhaṅga là nghệ thuật khái niệm về thế giới màu sắc.

Qua những ý nghĩa tổng quát cho thấy rằng, Thiền không phải là những phương pháp đồng dạng. Thiền là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả, mà phải do mỗi người tự nếm trải trong cảm giác : Ăn nóng, Uống lạnh tự mình biết. Đó là kinh nghiệm giác ngộ về thể sâu kín nhất của thật tại. Vì vậy, ngồi thiền không phải là một phương pháp đưa con người đi từ vô minh đến giác ngộ, mà nó giúp cho con người khám phá bản thể thật sự của mình đang sống trong từng khoảnh khắc hiện diện.

Thiền là một khái niệm quan trọng trong sự thực hành Phật pháp (Patipatti = Kiến thức Phật pháp trong thực hành và phản nghĩa là Pariyatti = Kiến thức Phật pháp trên lý thuyết). Từ Bhāvanā thường xuất hiện cùng với một từ khác tạo thành một cụm từ hợp chất có ý nghĩa như sau :

-Citta bhāvanā : phát triển của Tâm thức.

-Mettā bhāvanā : phát triển của Tâm từ.

-Kāya bhāvanā : phát triển của Cơ thể.

-Paññā bhāvanā : phát triển của Trí Tuệ.

-Samadhi-bhāvanā : phát triển của Tâm thanh tịnh.

-Vipassana-bhāvanā : phát triển của cái Nhìn thuần lý.

Tất cả các dạng tu tập Thiền là sự hướng dẫn cho con người, đạt được một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy của nó, khi mặt nước trong hồ, không bị xao động. Tâm trạng bình yên, lắng đọng này có thể đạt được qua nhiều cách luyện tập uốn nắn khác nhau.

Định học trong Bát chánh đạo gồm có : Chánh tinh tấn (Phạn ngữ. samyag-vyāyāma), Chánh niệm (Phạn ngữ. Samyagsmṛti), Chánh định (Phạn ngữ. samyaksamādhi).

Như đã biết chữ Chữ Samma trong tiếng Pali có nghĩa : đúng, hợp lý. Phạn ngữ Samyag, सम्यग्. iic (chữ viết tắt của chữ in initio compositi, có nghĩa là trong sự cấu tạo khởi đầu) của chữ, सम्यक्, samyak [dạng trung tính. samyac] thuộc về thán từ có nhiều nghĩa như sau : cùng nhau, chung, đồng thời, tốt, thích hợp, đúng cách, phù hợp, đúng, chính xác, thật.

व्यायाम,vyāyāma, [vyāyam] thuộc nam tính, có nhiều nghĩa như sau : tranh giành, cạnh tranh, chống lại, tập làm, nỗ lực, điều hành, bảo trì. –ifc (chữ viết tắt của chữ in fine compositi, có nghĩa là trong sự cấu tạo phần cuối) có nghĩa tập làm về cái ... , nỗ lực cho hay để .

Qua phần định nghĩa của hai chữ Samyag và vyāyāma, thì Chánh tinh tấn có nghĩa là sự siêng năng đúng với chánh pháp, và đã được Đức Phật xác định rất rõ ràng là tức là Tứ Chánh Cần. Bởi vì, Tứ Chánh Cần là một danh từ chỉ chung cho các cách thức tu tập của Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Tinh tấn là nỗ lực có chức năng, đánh thức và củng cố vững chắc cho sự tu tập hằng ngày của từng cá nhân, nhằm mục đích ngăn chặn hay tránh xa tội, mà tăng trưởng thiện pháp, để mang lại một cuộc sống thanh thản an vui và vô sự.

Tinh tấn mà không có trí tuệ thì không đạt được mục đích mong muốn. Nhưng Tinh tấn có trí tuệ, thì sẽ là các phương thức thích hợp để đạt được sự thành công trong các công việc muốn thực hiện.

Người có nỗ lực không mệt mỏi trong việc tu tập đúng đắn, thì đó chính là năng lực tinh tấn để tự mình thoát khỏi những cám dỗ nhất thời, trong xiềng xích ngục tù của cái ác.

Tinh tấn là nền tảng căn bản cho : Hành động vì lợi ích của người theo lời nguyện | Từ bỏ sự nản chí, bất mãn, lười nhát | Các việc xấu, tội lỗi, không khơi động |sự mở mang trí tuệ.

Tinh tấn là sự rèn luyện tâm linh cao thượng, qua những pháp thiện, bởi vì Thiện là những hành động mang lại hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người.

Làm việc gì trên đời, đều cũng cần có sự chú tâm và siêng năng ráo riết, thì mới đưa đến sự thành công. Đường tu Phật phải tập mới được. Thí dụ như khi con người nóng giận thường nói những lời khó nghe, hay làm những hành động không tốt, bởi vì, họ không kiểm soát được chính mình. 

Do đó cần phải tập kiểm soát chính mình, để tránh được những hậu qủa không lường được, vì thiếu suy nghĩ trong phút chốc có thể đưa mình xuống tận cùng của khổ đau, mà nói lời ăn năng không kịp. 

Mọi sự khởi đầu, tất cả đều khó khăn nhưng không xắn tay áo vào thực tập, mà muốn thành người hiền lành, người tốt trong gia đình và xã hội, thì ước mong có hạt bồ đề tâm chỉ là ảo tưởng.

Tinh tấn là biến mãnh đất đang chất đầy đau khổ,trở thành mãnh đất chứa đựng  lòng tha thứ, bao dung, ôm lấy muôn loài.

Cầu nguyện là chuyện tốt nhưng chưa đủ mà phải dấn thân. Tinh tấn là việc tự dấn thân để tạo thành một chuỗi giải thoát, có thể chuyển hóa được bản thân cho người cũng như cho mình.

Người nông dân trồng lúa, biết lựa chọn những hạt giống tốt, biết chăm sóc nó bằng tình thương, biết dùng những loại phân bón thích hợp cho nó, thì kết qủa vụ mùa thâu hoạch sẽ đem lại cho họ một niềm vui trọn vẹn như ý.

Đau khổ và an lạc, mọi thứ đều do việc lựa chọn của từng cá nhân. Muốn khổ, thì hãy thử làm thân tâm đau. Muốn an lạc, thì hãy thử dùng tin tấn trong việc tu tập của mình trong từng giây phút hiện thời.

Chánh niệm, phạn ngữ viết là Samyagsmṛti. Như đã biết chữ Samyag, सम्यग्. iic (chữ viết tắt của chữ in initio compositi, có nghĩa là trong sự cấu tạo khởi đầu) của chữ, सम्यक्, samyak [dạng trung tính. samyac] thuộc về thán từ có nhiều nghĩa như sau : cùng nhau, chung, đồng thời, tốt, thích hợp, đúng cách, phù hợp, đúng, chính xác, thật.

Chữ स्मृति, smṛti [smṛ-ti] thuộc dạng nữ tính, có nghĩa là, bộ nhớ, ký ức, truyền thống, sử thi, tất cả các văn bản thiêng liêng và truyền thống pháp lý.

Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo là suy niệm chân chính, hay là nhớ đúng nghĩ đúng, được xem như một ngọn đèn tỉnh thức để giúp cho tâm, thấy, biết, nhận định, được ý nghĩa tốt đẹp của sự sống, qua những lời Đức Phật đã dạy, mà không sống trong mê lầm, điên đảo, một cách rõ ràng.

Ý nghĩa tốt đẹp quan trọng trong cuộc sống, là biết sống đạo đức, bằng bốn đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả sẳn có trong lòng mỗi người.

Chánh niệm trong Bát chánh đạo chính là nội dung của KinhTứ niệm xứ và cũng là niệm căn niệm lực của ngũ căn, ngũ lực, niệm giác chi trong bảy giác chi.

Đừng nên nhằm lẫn Chánh niệm và Vô tâm. Chánh niệm, thuộc về giáo lý Phật Giáo Nguyên thủy và định nghĩa đã được trình bày như là : sự ghi nhớ những điều hay, lẽ phải, những điều lợi ích cho mình, cho người qua sự chăm chú vào việc làm, mà không để tâm lo ra.

Vô tâm là thuộc về Thiền tông. Vô tâm có nghĩa là không có tâm chấp trước vào các sự vật.

Chánh niệm cũng có nghĩa là ý tứ, bởi vì, Ý tứ chính là sự cẩn thận trong cử chỉ hành động và lời nói, mà  ông bà, cha mẹ, thường hay nhắc nhở con cái trong gia đình, xưa nay, qua những câu như : con lớn rồi phải ý tứ, hoặc  ở những nơi công cộng, thường có những tấm bảng nhỏ thường treo trước các phòng hội họp : Xin vui lòng đóng cửa nhẹ nhàng. Cám ơn sự chánh niệm của qúy vị.

Phương pháp tu tập chính niệm, là sự ý thức được rằng mình đang làm cái gì đó…  trong từng giây phút của đời sống mình. Thí dụ, khi đang ăn, thì biết là mình đang ăn, khi đang uống, biết là mình đang uống… Đây là cách có thể giúp con người chủ động đời sống của mình, không bắt đầu bằng sự phân biệt những ý niệm thiện ác, mà bằng sự quán sát sự sống của bản thân mình.

Muốn thắp lên ngọn đèn chính niệm, thì phải cần nhiên liệu như : hơi thở, ánh mắt tha thứ và thương yêu, từ bỏ những tham giận tầm thường, lạy Phật, tụng kinh, đọc kinh… Tóm lại, nhiên liệu nào có khả năng để soi sáng cho cái hiểu biết rõ ràng về thân thể và sự sống thanh tịnh đều là những nhiên liệu có giá trị.

Trong cuộc sống, mọi sinh hoạt đều biểu hiện ở hành động và lời nói. Do đó, phải biết làm thế nào, để sống ngày hôm nay cho sự an lạc được trọn vẹn, bằng hành động và lời nói, đừng để ngọn đèn tỉnh thức đang cháy bị mờ tối đi hoặc đã tắt ngấm.

Một tâm định có thể tạo ra ánh sáng rất sáng và rất mạnh, gọi là Ánh Sáng Trí Tuệ.  

Chánh định, phạn ngữ viết là Samyaksamādhi. Như đã biết chữ Samyag, सम्यग्. iic (chữ viết tắt của chữ in initio compositi, có nghĩa là trong sự cấu tạo khởi đầu) của chữ, सम्यक्, samyak [dạng trung tính. samyac] thuộc về thán từ có nhiều nghĩa như sau : cùng nhau, chung, đồng thời, tốt, thích hợp, đúng cách, phù hợp, đúng, chính xác, thật.

Samādhi, समाधि, thuộc nam tính, có nhiều nghĩa như sau : đoàn kết, hoàn thành, tập trung của tâm trí, suy ngẫm, định, thực hiện, nhận dạng đối tượng, tinh thần hiệp thông. Tập trung, kiểm soát của tâm, sự hấp thụ tinh thần nhưng không phải là mục đích để giải thoát hoàn toàn của tâm.

Chính định là nghĩa là tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì, để thấy cho rõ ràng. Nói cách khác là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình cho người.

Chánh định là một phương pháp tu tâm trọng yếu, khiến cho giới được trong sạch, cho tuệ được thanh cao.

Đức Phật nói : "Samādhī bhikkhave samāhito pajānāti sanjānāti passati

Các thầy hãy tham thiền, vì ngươi có tâm thiền định sẽ thấy rõ, nhớ chắc, hiểu mọi việc đúng theo chân lý ".

Người theo đúng Chánh Định, thường tập trung tư tưởng để quán sát những vấn đề chính sau đây :

Quán thân bất tịnh tức là quán tưởng thân không thanh tịnh, để trừ tham dục, si ái.

Quán Từ Bi là quán tưởng tất cả chúng sanh đều là một chân tâm, bình đẳng không khác, để đoạn trừ thù hận và mở rộng lòng thương yêu để cứu độ chúng sanh.

Quán nhân duyên là quán tưởng tất cả pháp hữu hình như muôn vật, vô hình như tâm niệm đều là giả hợp, duyên nhau mà có, chứ không có một cách chân thật, không thường tồn, để đoạn trừ ngu si, pháp chấp.

Quán hơi thở nghĩa là quán tưởng bằng cách chuyên chú đếm hơi thở ra vào, đối trị sự tán loạn của tâm thức.

Trong cuộc sống, mọi sinh hoạt đều biểu hiện ở hành động và lời nói. Do đó, Đức Phật dùng Bát Chánh Đạo làm bản thể và lấy Chánh mạng làm tự thể của giới pháp, lấy Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm Chánh định làm nghiệp dụng tương trợ để hướng đến đời sống giải thoát và giác ngộ.

Đồng thời sự tu tập Bát Chánh Đạo có khả năng khơi nguồn các Thánh quả Phật, trong đời sống hiện thực của người học Phật. Các thánh qủa Phật là những năng lực đã có sẳn bên trong mỗi người, chỉ cần rèn luyện và trau dồi một cách nghiêm túc, thì nó sẽ trở thành phương tiện có khả năng bảo vệ, che chở cho mình và những người chung quanh. 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm