Đức Phật dạy trong kinh Pháp Hoa rằng chân tánh, chân tâm hay thật tướng là đạo lý cao sâu, cho nên chúng sanh còn kẹt trong sanh tử luân hồi, còn bị thân ngũ ấm chi phối, không thể nhận ra được chân tánh của chính mình. Vì thế, Đức Phật không thể nói pháp sâu mầu ấy, Ngài mới rời Bồ đề đạo tràng đến Lộc Uyển khai pháp phương tiện là Tứ Thánh đế, vì pháp này con người chấp nhận được và thực tập được. Từ đó, Tứ Thánh đế chính là giáo lý căn bản của đạo Phật. Tăng Ni cần suy nghĩ giáo lý Tứ Thánh đế và thể nghiệm trong cuộc sống tu hành, xây dựng được nền tảng đạo đức của người tu.
Chúng ta học giáo pháp này, rồi tự kiểm tra xem điều nào đạt được, chưa được phải cố gắng điều chỉnh để đạt mục tiêu giải thoát ngay trên cuộc đời. Đối với những ai đã chứng Niết bàn, được giải thoát, tự tại với các pháp, tất nhiên pháp này không còn cần thiết nữa. Ý này được kinh Duy Ma diễn tả rằng nếu chúng ta ăn được cơm Hương Tích và đắc quả A la hán thì cơm này cũng được tiêu hóa rồi, nghĩa là khi chúng ta đắc đạo, được giải thoát, thì không cần sử dụng Tứ Thánh đế nữa. Nhưng chúng ta còn phiền não nghiệp chướng bao vây, chắc chắn Tứ Thánh đế vẫn còn cần thiết và tác dụng hữu ích trong cuộc sống, giúp chúng ta được tự tại với các pháp. Khởi đầu của lộ trình Tứ Thánh đế là Tứ Niệm xứ, Tứ Chánh cần, Tứ Như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ đề phần và Bát Chánh đạo. Trải qua thời gian dài, cứ mỗi mùa An cư, trong một ngày chúng ta quán một pháp trong ba mươi bảy Phẩm trợ đạo cho thuần thục để đạt được kết quả hiện thực trên bước đường tu. Riêng đối với tôi, pháp Tứ Như ý túc quan trọng. Thử nghĩ xem đối với cuộc đời, chúng ta được như ý hay chưa. Chưa như ý thì tự biết còn bị vướng mắc, chúng ta nỗ lực tháo gỡ lần cho đến tự tại, giải thoát trước mọi sự việc.
Đỉnh cao của Tứ Thánh đế là Bát Chánh đạo. Lấy Bát Chánh đạo làm thước đo việc tu hành của chúng ta đã thể hiện được ở mức độ cao hay thấp. Đầu tiên là chánh kiến, tức thấy biết của chúng ta ở hai khía cạnh, xã hội và thiên nhiên có còn sai lầm hay không. Nếu đánh giá đúng cả hai mặt xã hội và thiên nhiên, chúng ta cũng chỉ mới được một điểm thôi.
Nhìn về xã hội ngày nay, chúng ta thấy có các lãnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, v.v… Riêng về vấn đề giáo dục, chúng ta phải thấy rõ phương cách ưu việt dành cho người xuất gia, cho người tại gia, cho tất cả các tầng lớp xã hội. Nói cách khác, chúng ta có năng lực cảm hóa mọi người, chuyển đổi được những người hữu duyên trở thành người tốt, nhờ có chánh kiến, tức thấy rõ không sai lầm. Thấy rõ cái gì? Nhìn một người chúng ta thấy rõ đời này và đời trước của họ, cũng như thấy được mối quan hệ của họ với chúng ta tốt xấu như thế nào, biết họ tu pháp nào thích hợp, được giải thoát. Đó là sự thấy biết rõ ràng về con người, thì người nào đến, chúng ta độ được, vì đã biết được nghiệp chướng trần lao, mới chỉ dạy họ khắc phục được nghiệp, trở thành người tốt. Nhưng chúng ta thấy còn sai lầm, nhìn về người, về xã hội chưa chính xác thì còn cần nương theo Bát Chánh đạo để giúp chúng ta có đôi mắt sáng. Và chúng ta biết rõ khả năng, trình độ, ham muốn của người rồi dạy pháp tương ưng với họ, giúp họ tăng phước, tăng huệ, trưởng thành trên đường đạo. Còn ta thấy sai, hướng dẫn người lệch hướng khiến họ đau khổ, bệnh hoạn, tổn phước. Kinh Pháp Hoa gọi đó là uống lầm thuốc độc. Thực tế cho thấy những sai lầm của một số Tăng Ni làm cho Phật giáo bị suy yếu. Chúng ta phải suy nghĩ lại để ứng dụng giáo pháp của Phật cho đúng. Pháp Phật ví như thuốc, dùng không đúng bệnh thì không chữa lành bệnh được, thậm chí còn biến thuốc hay thành chất độc. Thí dụ dễ hiểu như pháp tu Thiền rất hay, nhưng người hướng dẫn sai khiến cho người thực hành không có được định huệ, mà lại sanh ra nghiệp và bệnh. Pháp hay mà ứng dụng sai trở thành có hại. Điều này được ngài Nhật Liên dạy rằng giáo lý phải áp dụng đúng người, đúng chỗ, đúng lúc mới có giá trị.
Bồ tát Duy Ma cũng quở trách hai vị đại đệ tử của Đức Phật là Mục Kiền Liên và Phú Lâu Na, vì các ông đã hướng dẫn người không đúng pháp, làm họ chán nản, không tu theo đạo Phật. Và Duy Ma cũng quở trách Xá Lợi Phất có trí tuệ mà hành Thiền sai lầm, không đạt được kết quả tốt. Không đúng pháp là thế nào? Duy Ma bảo Phú Lâu Na rằng tất cả những thanh niên theo học đạo với ông có ước vọng của tuổi trẻ rất lớn. Họ thích học hỏi, thích hiểu biết, thích làm giàu, mà Phú Lâu Na lại dùng pháp viễn ly dạy họ. Họ không cần và cũng không thích pháp xa lánh cuộc đời; trái lại họ thích dấn thân vào đời với lý tưởng phục vụ nhân quần xã hội. Như vậy, áp dụng pháp không đúng đối tượng, làm cho pháp trở thành phi pháp.
Ý này cần được suy nghĩ. Nhất là khi có người xin xuất gia, quý vị phải nhận thấy nghiệp của họ, thấy yêu cầu của họ, thấy phiền não của họ; tùy theo đó chúng ta có giải pháp đúng đắn. Ngày nay, người ta thường áp dụng phương pháp tâm lý giáo dục, phải thấy họ có đau khổ buồn phiền nào, có mong muốn gì, tùy đó mà tháo gỡ cho họ. Còn không quán sát kỹ, nghe họ xin xuất gia là chấp nhận và cạo tóc liền, nguy hiểm vô cùng. Nhiều người cứ nghĩ độ họ tu là tốt; nhưng họ có tu được hay không mới là điều quan trọng. Vào chùa vài ngày, họ gây ra bao nhiêu việc phiền toái, chúng ta không giải quyết được cho họ và làm rối loạn cả đại chúng. Điển hình như các em sinh viên xin xuất gia, tôi thấy rõ họ vì buồn phiền việc này, chán nản việc nọ, chắc chắn không tu được. Có em chỉ vì thiếu tiền học phí, hoặc không có tiền ăn cơm, nên chán đời, muốn bỏ đi tu! Tôi khuyên rằng còn một, hai năm học, nên cố gắng tốt nghiệp rồi đi tu và tôi cho tiền học phí, tiền cơm. Tốt nghiệp xong, tôi hỏi có còn muốn xuất gia hay không, em trả lời "Thầy để con làm gì đó”. Vài hôm sau, em này đưa bạn gái vô giới thiệu với tôi và nói rằng họ định lập gia đình. Tôi bảo như vậy cũng tốt, nhưng phải nhớ đã là Phật tử quy y rồi và có nhận học bổng thì dù ở đâu, làm việc gì cũng nhớ đã ăn cơm của Phật, nhờ đạo Phật mà trưởng thành. Nhớ như vậy thì làm gì cũng được.
Người đáng xuất gia làm Sa môn, chúng ta tạo điều kiện cho họ bước vào nếp sống Thiền môn. Người có vấn đề mà đi tu, gây khó khăn, rắc rối cho ta không ít, làm cho đại chúng khổ vô cùng. Chỉ một vài Thầy cô, nhưng làm phiền cả đại chúng. Điều này quý vị nghĩ thế nào? Nếu Tăng thân của chúng ta sống thanh tịnh, ví như hồ nước trong suốt, rất là an lạc. Thanh tịnh nghĩa là tất cả mọi người trong chùa đều hiểu nhau và hành động, suy nghĩ thống nhất được với nhau. Người xuất gia thì suy nghĩ và việc làm không được khác nhau. Còn Bồ tát thì đa hạnh; nhưng Thanh văn xuất gia chỉ một hạnh, vì suy nghĩ và hành động không giống nhau, dứt khoát không phải là Tăng. Bốn người có suy nghĩ và làm việc giống hệt nhau, tập hợp thành Tăng chúng. Hoặc Tăng chúng có bao nhiêu người cũng được, nhưng hình thức và sinh hoạt phải giống nhau. Một người không giống vào sống chung với đại chúng, ví như đem một vật dơ bẩn ném vào hồ nước trong, làm cho nước bị ô nhiễm không dùng được. Vì vậy, một người không tốt mà cho khoác áo Tăng làm hư đạo. Tổ Quy Sơn đã cảnh giác: "Vọng tình dị tập, chí đạo nan văn”. Tăng đoàn chúng ta phải thanh tịnh, không cần nhiều người, nhưng cần là biểu tượng của quần chúng, có cùng một mục tiêu dứt khoát là A la hán. Và khi muốn khoác áo Bồ tát, phải sạch nghiệp. Kinh điển Đại thừa dạy rằng người chứng quả vị A la hán rồi mới phát tâm Bồ đề, hành Bồ tát đạo, thay vì nhập Vô dư Niết bàn.
Người tu hình thức bên ngoài đều giống nhau, nhưng có người được quý mến, có người không ai bằng lòng, hoặc có người cảm hóa được quần chúng, hay cũng có những người không giáo hóa được ai. Sự khác biệt đó là do chuyển biến của tâm thức. Tôi nhận xét người, thường quán sát tâm thức của họ, vì đó mới là phần quan trọng. Người tâm thanh tịnh, phiền não đã vơi, chắc chắn sẽ khác với người đầy phiền não. Chính sự chuyển biến của tâm thức họ đã làm cho chúng ta thương, kính, hay e sợ họ. Người tu mà tâm phẳng lặng như mặt nước hồ thu, không nói gì cả, nhưng chúng ta có dịp tiếp cận, cảm nhận được sự an lành. Như vậy, chúng ta biết người này đã bước một chân vào cửa Thánh, nghĩa là đã đạt được quả Dự Lưu, phiền não thô đã được khống chế, chỉ còn phiền não vi tế bên trong.
Khi còn là học Tăng, tôi thấy Hòa thượng Thiện Hòa, Giám đốc Phật học đường Nam Việt mặc dù bán thế xuất gia, nhưng đức cảm hóa của ngài rất lớn. Rõ ràng ngài đã bước một chân vào cửa Thánh, nên Tăng Ni gần gũi ngài đều thấy rất an lành. Tôi đi tu từ thuở nhỏ, nên thích kết bạn với người đồng chơn nhập đạo. Đến khi cảm đức của Hòa thượng Thiện Hòa, tôi nhận ra bán thế hay ấu niên xuất gia không quan trọng. Người gần gũi được, cảm mến được, thì đó là bậc chân tu hướng đến giải thoát.
Đối với người đạt được quả Dự lưu, tối thiểu người đó không còn bị vướng mắc với ba việc là ăn, mặc, ở; cho nên phiền não khó phát sanh và nghiệp chướng bị khống chế. Trần lao nghiệp chướng đương nhiên có nhiều, nhưng điều tiên quyết, chúng ta phải đoạn được những sự bức ngặt của ăn, mặc, ở.
Tâm không tự tại, thân bệnh hoạn, không thể dự vào dòng Thánh. Tôi nhắc quý vị đừng để thân bệnh hoạn, vì thân bệnh sẽ tác động tâm lý chúng ta khủng hoảng thêm, trở thành đau khổ, làm sao vào cửa Thánh được. Điều căn bản nhất là việc tu hành của chúng ta theo Tứ Thánh đế nhằm rèn luyện được sức khỏe tốt. Ai từng trải qua cơn bệnh hoành hành đều nhận ra sự tác hại của bệnh rất lớn, lúc đó, tâm lý không thể ổn định. Tâm chúng ta dễ thanh tịnh trong thân xác khỏe mạnh. Không phải ăn uống đầy đủ là không bệnh. Nên nhớ cơ thể dư thừa quá cũng khổ. Cần điều hòa cơ thể quân bình để có sức khỏe tốt mà hành đạo.
Chúng ta thấy rõ khi khỏe mạnh, tâm lý an ổn, cảm thấy dễ chịu, ăn gì cũng được; thậm chí không ăn cũng không sao. Như vậy, còn có loại thực phẩm không ăn được là chúng ta còn một phần nghiệp, cần phải thỏa hiệp với nó. Riêng tôi, những thức ăn không thích hợp đưa vào thì dạ dày hành hạ cái thân, không ngồi Thiền, không tụng kinh, không lạy Phật được. Tôi thấy rõ cái thân hành cái tâm. Trên bước đường tu, phải cân nhắc để tìm giải thoát cho chính mình. Vì thế, phải khắc phục bệnh bằng cách thỏa hiệp với thân, không ăn những gì không thích hợp. Cứ ăn những gì không thích hợp là chọc giận cái thân, khiến nó phản ứng, sanh ra bệnh. Trí Giả cũng dạy pháp này, trước khi tu Thiền, phải tu pháp phương tiện trước, tức phải thỏa hiệp với nghiệp bên trong của mình.
Thỏa hiệp được thân xong, tâm chúng ta theo đó được tự tại. Và tiến cao hơn nữa, chúng ta thỏa hiệp với đại chúng. Sống chung với đại chúng, tất nhiên mỗi người có sức khỏe khác nhau, tâm niệm khác nhau. Chúng ta nên quan sát xem huynh đệ muốn gì, nghĩ gì. Đối với tôi, điều này cần nhất. Chúng ta quan sát tất cả bạn đồng tu, người nào dễ thỏa hiệp, chúng ta kết bạn trước. Nghĩa là từ đây, chúng ta bắt đầu chấp nhận nghiệp của bạn, thì họ sẽ chấp nhận lại nghiệp của ta, chớ không thể áp đặt được. Người Việt Nam có câu nói đơn giản nhưng rất hay: "Xay lúa thì khỏi bồng em”, tôi gọi đó là thỏa hiệp.
Chúng ta phải biết cách sống như thế nào mà người chấp nhận được, tức là thỏa hiệp với người đồng tu để có thể sống chung và thương kính nhau. Và xa hơn nữa, chúng ta thỏa hiệp với tín đồ, không phải ra lệnh cho họ. Chúng tại gia phục vụ, cúng dường chúng xuất gia, nhưng chúng ta phải thấy họ muốn cúng dường hay không và khả năng đến đâu. Chúng ta đề xuất những gì mà họ chấp nhận được. Một số Phật tử than phiền không dám đến chùa vì "bị kêu gọi” đóng góp. Phải thấy Phật tử ăn nên làm ra được thì chúng ta tổ chức việc này, lễ nọ, họ mới hưởng ứng. Còn đời sống của họ gặp khó khăn, chúng ta phải cảm thông. Phải thấy thực tế xã hội theo đó mà hành đạo, gọi là thỏa hiệp với xã hội. Đáp ứng được yêu cầu của Phật tử, họ sẽ hỗ trợ ta. "Bánh ít đi, bánh quy trở lại”, không thể sinh hoạt theo một chiều. Tôi luôn cân nhắc ý này, người hợp tác với ta gặp khó khăn, chúng ta phải chia sẻ; có như thế, họ mới gắn bó lâu dài với đạo.
Bước trên lộ trình tu tập Tứ Thánh đế, thỏa hiệp với thân để không bệnh hoạn, yếu đuối; thỏa hiệp với bạn đồng tu để có thiện tri thức giúp nhau cùng thăng hoa và thỏa hiệp với quần chúng để việc hành đạo được phát triển dễ dàng.
Mong rằng những hành giả An cư thể nghiệm pháp Phật, sau khi mãn hạ, được tất cả pháp lữ đồng tu quý mến, vào đời được tiếp đón tử tế và phát nguyện hoằng pháp ở nơi khó khăn cũng được quần chúng và chính quyền ủng hộ. Được như vậy, Phật pháp hưng thạnh.
(Bài giảng tại trường hạ chùa Liên Hoa, Bình Chánh)