Đạo Phật là con đường của sự sống, là một phương thức và nghệ thuật sống. Giá trị của đạo Phật là ở ngay trong cuộc sống chứ không phải nằm ở trong triết học hoặc tôn giáo. Nếu trong hiện tại chúng ta không đủ trình độ, kinh nghiệm, trí tuệ để vượt qua những khổ đau và sống một đời sống bình an thì chúng ta không có cơ hội đạt được bình an trong tương lai. Nói một cách khác nếu sống bình an thì chết sẽ bình an.
Chúng ta phải làm thế nào để đưa phương thức và nghệ thuật sống đó áp dụng hằng ngày vào đời sống của chúng ta để hóa giải những chạy đua, truy cầu, mâu thuẫn, ganh tị trong thế giới này. Chỉ có như vậy chúng ta mới tìm được bình an và hiểu được rằng an trú trong hiện tại là hạnh phúc. Khi chúng ta làm cho người khác được hạnh phúc mà không hề đòi hỏi một cái gì cho mình cả hoặc thấy hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của mình thì chúng ta đang đi vào con đường của vô ngã, vị tha. Chúng ta đến với đạo Phật để thấy chứ không phải để tin và sau khi thấy chúng ta đi từng bước vào con đường của đức Phật dạy. Muốn có Phật chất thì chúng ta phải làm sao ứng dụng những gì Phật dạy trong xã hội, trong gia đình và bất cứ chỗ nào không phải chỉ ở trong chùa thôi.
Những yếu tố chính để hiểu và đưa Đạo Phật vào cuộc sống:
CHÁNH KIẾN
Chánh kiến là một phần trong Bát Chánh Đạo. Khi phát tâm tu hành mà thiếu đi sự thấy biết chân chánh thì những công phu thu thập trong thời gian tu hành sẽ không đưa đến kết quả mỹ mãn. Chánh kiến là vai trò then chốt cho người Phật tử nhận thức và dấn thân trên con đường tu tập bởi vì khi chánh kiến bị sai lầm thì sẽ có ảnh hưởng lớn đến phần chánh tư duy (suy nghĩ chân chánh) và sự hiểu biết căn bản. Những bước tu tập sau đó cũng đều đi vào con đường tà. Trong thế giới này, tất cả các pháp là do duyên hợp giả tạm mà nếu chúng ta thiếu chánh kiến, chánh tư duy thì tất cả những hiểu biết đều sai lầm. Nghe bằng tư duy có nghĩa là phải có suy nghĩ chính chắn, sau khi nghe xong một điều gì thì cần phải thanh lọc, kiểm điểm những phần nào tốt thì dùng để hành trì và những phần nào xấu thì gạn bỏ đi. Ngay khi chúng ta dùng con mắt phàm phu để nhìn sự việc trước mắt cũng chưa chắc tin được là sự thật hiển bày hết trong cái thấy đó. Thấy bằng con mắt phàm phu không thể thấu đáo được sự việc cho nên chánh kiến trong đạo Phật là không ai có quyền phê phán người khác.
- Vai trò đầu tiên của chánh kiến là làm cho người Phật tử có niềm tự tin đi vào đạo tràng, tự tin đi vào pháp Phật mà không để tâm bị hạ liệt, yếu đuối. Nếu như tâm bị yếu đuối thì tâm phân biệt sẽ khởi và từ phân biệt mà tất cả các pháp hữu lậu sẽ nổi lên làm cho chúng ta khổ đau.
- Không phải chúng ta lễ bái, thờ Phật, cúng Phật là chúng ta được sống lâu mà là do hành nghiệp của chúng ta. Trong sự tu tập như tụng kinh, trì chú, làm phước mà chúng ta vì sở vọng, mong cầu thành đạt của riêng tư, của bản ngã thì tất cả các việc làm của chúng ta đều là một sự trao đổi. Do thiếu chánh kiến mà con đường tu tập bị sai lệch và tất cả việc làm của chúng ta trở nên tà.
- Dù cho thông suốt hết Kinh điển mà chúng ta không hóa giải được nó thì cũng chẳng lợi ích gì. Trong Kinh Tăng Chi, Phật nói: “Nếu một người nào đó học thuộc các Kinh, thuyết pháp một cách lưu loát nhưng đồng thời hiểu rõ mục đích tối thượng của pháp thì đó mới là vị Tỳ Kheo sống đúng với pháp, đúng với chánh kiến. Còn nếu Tỳ Kheo hoặc các Phật tử nào học làu, thông tụng các Kinh đại, tiểu, 12 tạng Kinh nhưng không sống đúng với pháp và không hưởng được vị ngọt của pháp thì người đó cũng giống như cái muỗng múc canh mà không bao giờ nếm được vị lành ngọt ngon.”
Phật đã nói rằng: “Nếu những Tỳ Kheo hoặc những Phật tử nào tưởng rằng mình học thuộc tất cả các Kinh điển, làu thông tất cả các pháp môn, nói thao thao bất tuyệt nhưng nếu không có một đời sống phạm hạnh, không có một sự hành chân chánh để cuối cùng đạt được sự thành tựu an lạc của nội tâm thì tất cả các điều học của chúng ta chỉ bằng thừa thôi.”
- Chánh kiến là người Phật tử thấy được sự chân chánh trong con đường hành đạo và tu học của chính mình chứ không phải là chúng ta phải gần gủi một người nào khác để họ truyền đạt chánh kiến cho chúng ta. Tâm trạng của người Phật tử bao giờ cũng cảm thấy mình yếu đuối, luôn mong chờ sự che chở, giúp đỡ của người khác. Chúng ta nên hiểu rõ rằng chúng ta về chùa là để tu học cho chính mình, tự thanh lọc thân tâm và đến chùa với một chánh kiến chứ không phải vì Phật. Bởi vì Phật có sẵn trong ta cho nên khi đến chùa để lễ lạy hình tượng Phật bên ngoài, nếu như không thấy được Phật trong ta thì lễ lạy chỉ là vô nghĩa. Chúng ta phải biết và hiểu thế nào để sống trong chánh kiến của mình. Chánh kiến không có nghĩa là gần gủi người nào thánh thiện là mình cũng được chánh kiến như họ nếu chính mình không sống đúng, không làm đúng và từ bỏ nhiễm ô (tham, sân, si).
- Sống trong thế giới đầy vật chất chúng ta thường nghĩ rằng người nào giàu có, danh vọng là người đó sung sướng. Nhưng không phải như thế vì có những người sung túc về mặt vật chất mà vẫn khổ đau về mặt tâm lý, về gia cảnh của họ.
- Chúng ta luôn tự lừa dối mình và cố lấp lên những con đường khác của tà kiến làm cho cái thấy của chúng ta không còn chân chánh nữa. Khi suy nghĩ về chánh kiến, chúng ta nên tự hỏi bổn phận của người Phật tử chúng ta là thế nào? bao lâu nay về chùa sự tu học của chúng ta ra sao? chúng ta đã thật sự quy y đức Phật một cách chân chánh chưa?
- Nếu chúng ta làm lễ thật lớn mà không vì mục đích tối thượng, không cúng dường đúng cho người có giới đức đạo hạnh, không vì xây dựng ngôi Tam Bảo để làm trường dạy pháp thì tất cả các sự cúng dường của ta đều rơi vào con đường của tà kiến và đưa đến khổ đau.
- Người Phật tử tại gia cũng có thể làm những việc lành ngay tại trong nhà của mình. Nếu bố thí cho người không làm điều chân chánh, tốt đẹp thì chúng ta đã bố thí theo tà pháp.
Bất cứ loài hữu tình nào sống trong chánh kiến từ sáng đến chiều thì người đó sống trong tuệ và sống trong một ngày tốt lành. Nay làm điều thiện thì đời này vui, đời sau vui, người thiện được cả hai đời vui.
AN TRÚ TRONG HIỆN TẠI VÀ ĐỂ SỐNG BÌNH AN
Vô thường của tâm linh là một sự thay đổi liên tục, không khi nào ngưng. Những hiện trạng khổ đau, những tham dục là ngọn lửa luôn luôn cháy trong lòng con người qua nhiều thế hệ của quá khứ và hiện tại. Là Phật tử chúng ta cần tìm hiểu danh từ “an trú trong hiện tại” để biết và thông cảm những nguyên nhân nào đưa đến nghiệp báo.
Khi hiểu rõ rằng đa phần những khổ đau của con người là do chạy đuổi theo những khát vọng, ham muốn, nhu cầu đòi hỏi của vật chất và tâm linh thì chúng ta sẽ an trú trong hiện tại.
Yếu tố chính để người Phật tử nổ lực tu học là cái hạnh phúc tương đối mà chúng ta đang có bởi vì chủ trương của đạo Phật là đối diện với hiện tại. Cho nên trong Kinh Phật nói là: “Giáo lý của ta là đến để mà thấy chứ không phải đến để mà tin” có nghĩa là chúng ta đến với đạo Phật bằng tri kiến, trí tuệ để thấy rằng con đường hành sử và nhân cách như thế nào để trở thành con người toàn thiện và có hạnh phúc. Trong đạo Phật chúng ta phải hiểu rằng không một đấng nào đó ban hạnh phúc hoặc phước lành cho chúng ta mà tất cả hạnh phúc, khả năng thành tựu đều nhờ vào trí tuệ của chính mình.
- Làm thế nào để an trú trong cuộc sống?
- An trú có nghĩa là dừng lại một cách an ổn ngay trong từng phút giây của hiện tại. Đức Phật nói rằng:
“Quá khứ không truy tầm,
Tương lai không ước vọng,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển,
Trú như vậy nhiệt tâm,
Xứng gọi nhứt dạ hiền,
Bậc an tịnh, trầm mặc.”
Khi chúng ta làm chủ được lời nói, nụ cười, hành động, v..v… thì thế giới sẽ biến dạng bằng cái nhìn của chúng ta, bởi vì cái nhìn an bình lúc này tức là cái an bình bên trong tâm chúng ta vậy.
- Hạnh phúc lúc nào cũng có khổ đau theo sát bên, cho nên chỉ có người nào không nhu cầu, không truy cầu hạnh phúc thì sẽ không rơi vào khổ đau. Tất nhiên, người đó phải có trí tuệ có nghĩa là phải biết tri túc, biết khi nào vừa đủ thì người đó có hạnh phúc. Tri túc là biết vừa đủ và dừng lại không truy cầu nữa. Đạo Phật có nhiều phương pháp để an trú chẳng hạn như thiểu dục tri túc (sống biết vừa đủ), tam thường bất túc (trong ba cái đừng bao giờ có đủ). Chúng ta phải như thế nào để tạo được sự bình an trong một cuộc sống đầy cám dỗ, bất như ý, phiền não và khổ đau.
- Tam thường bất túc có nghĩa là để có hạnh phúc, trong đời có 3 cái mà chúng ta phải sống làm sao để đừng có đủ:
- Không nên ăn quá no. Khi giảm đi bớt thì cái đang có vẫn còn giá trị.
- Không nên ngủ quá nhiều.
- Không nên mặc quá dư thừa (tức là quá nhiều quần, áo, giầy dép).
- Làm thế nào để được bình an trong một cuộc sống xô đẩy, bận rộn của mỗi ngày, mỗi tháng?
- Vật chất không phải là hạnh phúc mà là những kích thích ham muốn của thể xác lẫn tâm hồn, cho nên nó không phải là hạnh phúc thật sự vì nó có cái giá của nó. Hạnh phúc mà đức Phật nói đến là phát xuất từ tâm linh, cho nên người ta phải ổn định phần tâm linh của chính mình.
- Khi chúng ta truy tầm hạnh phúc xa vời thì những hạnh phúc đang ở ngay bên cạnh bị bỏ quên. Mỗi ngày chúng ta thức dậy, chúng ta thấy có đủ đồ ăn, có đủ tiền của để tiêu xài, còn sức khỏe và không bệnh hoạn, không bị tù đày hoặc sống trong chỗ chiến tranh, khủng bố, còn sống chung với gia đình trong thân yêu và hiểu biết thì chúng ta nên cảm nhận rằng chúng ta đang sống trong hạnh phúc hơn rất nhiều người trên thế giới. Cảm nhận được hạnh phúc đó rồi chúng ta nên mở rộng tầm tay để trang trải hạnh phúc đến với những người thiếu kém qua những đóng góp, xây dựng, an ủi. Hạnh phúc thật sự và an trú trong hiện tại là với những người nào mà cả ngày luôn luôn hoan hỷ, nở nụ cười để làm cho người khác cũng cảm thấy hạnh phúc lây.
- Làm thế nào để chia xẻ hạnh phúc?
- Đức Phật nói về vua trời Đế Thích trong quá khứ khi còn làm người thiện nam tử thì đã phát nguyện như sau:
- Trọn đời phụng dưỡng cha mẹ
- Lễ kính những bậc trưởng thượng, đạo đức
- Nói lời hòa nhã, thân ái
- Không nói xấu kẻ khác, không nói lời ác ngữ, đâm thọc
- Nếu làm người gia chủ, luôn thương yêu những kẻ khốn cùng, cô độc
- Nói những lời thật và luôn bảo vệ sự thật
- Dứt bỏ các tâm sân hận, nóng nảy
- Nghiệp là do chính chúng ta gieo, cho nên trước khi nghiệp thành hình chúng ta phải rõ quyết định nên gieo hoặc không nên gieo hạt giống bởi vì kết quả của hạt giống là do chính mình thừa hưởng. Phần quan trọng của đạo Phật là chúng ta phải ý thức được rằng chúng ta đang gieo những hạt giống gì. Nhân và quả là công lý của vũ trụ, như vậy mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm cho những hành động và ý tưởng của chính mình. Thấy hiện tại là ta biết quá khứ, vì vậy nền tảng của hôm nay là ngày mai. Nếu trong hiện tại chúng ta có hạnh phúc thì trong tương lai chúng ta mới tiếp tục có được hạnh phúc. Khi hiểu rõ luật nhân quả thì trước khi gieo hạt giống, mỗi người chúng ta là chủ của nó cho nên chúng ta phải cẩn thận khi gieo nhân của thân, khẩu, ý. Cho nên hạnh phúc của hiện tại nằm ngay trong chúng ta và hạnh phúc của thiên đường hay cảnh giới địa ngục cũng do chúng ta quyết định.
- Ta nên cho phép ta làm lỗi để ta không căng thẳng tâm trí vì đè nén, nghiêm túc thái quá. Ai cũng có thể phạm lỗi nhưng phải biết lỗi và cố sửa mà không cần phải che dấu lỗi lầm. Để sống bình an thì mình phải hiểu rằng con người làm lỗi là việc rất bình thường và có khi ta biết lỗi mà vẫn phạm như thường. Cái chính là ta có biết lỗi và cố gắng tận trừ nó hay không. Nếu như chung quanh ta mọi người đều chánh, đều thuận với mình thì sự tu hành và lòng bao dung của mình không thành tựu được. Còn khi mà mình sống với người lỗi lầm đó mà không thấy trở ngại và đồng thời dùng đó để làm bài học cho mình thì ta mới được thành tựu. Nếu như ta không chấp nhận lỗi thì ta sẽ mắc phải cái lỗi che dấu và không thật với chính mình. Nếu mình biết khổ đau và nhìn sự thật khổ đau thì mình giải quyết được khổ đau. Chúng ta phải có cơ hội tiếp xúc với cuộc sống và đồng thời thực tập với cuộc sống.
- Nếu như thân này mà mình nhận thức là lỗi lầm, bệnh hoạn, xấu xa mình mới có thể tu tập được. Với những lỗi lầm đã làm, ta có thể dùng nó để học hỏi, kinh nghiệm và sau này ta mới có thể trở nên hoàn hảo hơn. Nếu ta nhìn cuộc sống một cách bình thường và tự điều chỉnh con người mình trong con đường đó (có nghĩa là tùy thuận theo như vậy) thì mình có hạnh phúc.
- Đừng thần tượng hóa cuộc sống và cũng đừng sợ hãi cuộc sống tội lỗi. Nếu mình cứ ám ảnh bởi những tội lỗi của mình thì mình sẽ không làm những gì tốt. Tội từ tâm khởi mà khi tâm và tội diệt thì mới là chân sám hối. Tâm vì vô minh, mê mờ mới tạo ra lỗi thì lỗi đã không thật mà mình cứ bám giữ rồi khổ sở vì tội lỗi đã tạo. Bản chất hay tội tánh vốn không, do vì vô minh nên tạo tội. Khi biết lỗi lầm, biết ăn năn thì mình có thể đối diện với Phật một cách chân chánh.
Thế giới này là mọi sự nhân duyên chuyển hóa mà con người không thay đổi được. Cho nên để có một đời sống bình an là chúng ta phải chấp nhận thực tại của cuộc sống và hóa giải nó ở trong cái phạm vi của con người. Những biến chuyển trong đời cũng chỉ là bình thường, do đó chúng ta không bám chấp để rồi chịu khổ đau. Khi hóa giải được thì chúng ta sẽ thấy xuất hiện những cái thánh thiện. Thực tập cho đến khi ta và đời đều là một thì lúc đó là chân thật hạnh phúc. Nếu hôm nay ta không có hạnh phúc thì ngày mai cũng chẳng thể có được hạnh phúc. Cũng vậy, nếu sống hạnh phúc thì chết sẽ hạnh phúc. Do đó, nhận thức rõ ràng hôm nay ta làm gì, nói gì, suy nghĩ gì,… để chuẩn bị cho ngày mai và chỉ có chính mình mới quyết định được ngày mai.
ĐỜI SỐNG TỰ TẠI
Đời sống tự tại nghe thì dễ mà làm thì khó. Đạo Phật là từ bi, trí tuệ cho nên bất cứ người nào làm được thì sống một đời sống tự tại. Tu là để giải thoát chứ không bị ràng buộc. Có nghĩa là thân tâm mình không bám víu vào người khác và người khác không bám víu vào mình; cả đôi bên đều được tự tại. Tự tại đây không phải là muốn làm gì thì làm mà là thân, tâm, ý không dính mắc, không chấp trước làm cho mình và người đều khổ đau. Tự tại là khi dùng những khổ đau của cuộc đời để rèn luyện con người mình cho thành toàn thiện và khi hiểu được cuộc sống, ta ứng dụng và hóa giải nó.
- Người muốn được tự tại thì trước tiên phải học và sống trong sự thiếu thốn vì sự thiếu thốn sẽ rèn luyện mình thấy cái giá trị của tất cả xung quanh mình.
- Bằng lòng với những gì mình có và không đua đòi hoặc truy cầu để làm kẻ khác khổ đau. Đó là lối sống của thiểu dục tri túc.
- Ta suy tư để thẩm thấu vào tâm linh sự thiếu thốn. Ta không chờ đợi vì những gì đến thì sẽ đến, không cần phải hấp tấp chạy theo những hình bóng khác. Khi chúng ta sống quen với đầy đủ, tiện nghi thì khó mà chấp nhận sự thiếu thốn. Ta sẽ cảm thấy rất khó chịu và đau khổ khi bị thiếu thốn một chút xíu gì đó. Nhưng nếu ta chịu đựng thì ta sẽ hóa giải được sự khổ đau đó và tạo nên một cái sức đề kháng để chống lại những khổ đau. Chúng ta dùng thời gian để biết giá trị của sự thiếu thốn.
- Khi nhìn trực diện vào những khổ đau và đưa nó sâu vào tâm linh cho đến khi nó không còn tồn tại nữa thì tự nó sẽ ra đi. Đây là lối thiền của Nam Tạng.
- Điều hòa giữa người và ta
- Tìm hiểu tại sao người khác đối xử tệ với mình.
- Thông cảm tâm trạng của người khác bằng cách cho mình vào cái tình trạng hoặc hoàn cảnh của người đó.
- Liên đới với căn bản của quá trình nhân quả
- Muốn được tự tại thì phải kiểm soát quá trình nhân quả và đồng thời điều hòa giữa người và ta có nghĩa là làm cho người ta vui thì mình cũng vui.
- Nhận thức cuộc sống đương nhiên là như vậy
- Ta không khổ đau khi ta có sức chịu đựng (nhẫn). Nếu như tâm lượng ta bao dung thì khổ đau nào chúng ta cũng chịu đựng được.
- Nên luôn nhận thức rằng sự khổ đau là do hệ lụy của nhân và quả.
- Nhận định những gì có thể làm được là tốt rồi và bằng lòng với những gì người khác đem đến
- Ta không nên áp bức, đòi hỏi quá đáng mà người khác chẳng thể hoán chuyển hoặc đáp ứng được.
- Đời sống tự tại là phải kiểm soát ba nghiệp (thân, khẩu, ý) của mình và tế nhị được trong mọi hoàn cảnh để hổ trợ người khác được an lành. Muốn nói điều gì ta nên suy nghĩ trước khi nói để tránh đem đến khổ đau cho người khác. Dù cho nói lên sự thật thì cũng phải dùng phương tiện để hóa giải vấn đề khó khăn, phải biết khéo léo và tế nhị khi nói để người khác không bị khổ đau.
Thế gian là vô thường, quốc độ này là nguy khốn. Nhưng trong cái vô thường và nguy khốn này ta không cầu cái bình yên. Bình yên thật sự là bên trong chúng ta dù cho cuộc sống có nhiều phong ba, khó khăn, thăng trầm. Yếu tố của người học Phật là trong cảnh động mà vẫn có thể tự tại, chế ngự và an trú được. Khi ta có cái thâm hậu của nội tâm rồi thì dù bên ngoài có thay đổi bao nhiêu đi nữa ta cũng vẫn an nhiên tự tại. Đạo Phật là con đường của giác ngộ để chúng ta tỉnh thức và điều chỉnh cuộc sống chứ không phải để chạy bỏ và trốn tránh cuộc đời này.
Ý thức của đạo Phật về đời sống tự tại là không phải chỉ hưởng nhàn cho cá nhân mình mà phải làm so cho người xung quanh được an lạc, tự tại. Nếu như chúng ta không cố chấp và không thủ thì mọi người không vướng mắc với ta và ta không vướng mắc với người. Như vậy ngay trong cuộc đời này chúng ta vẫn có thể đạt được an nhiên tự tại, hiểu và sống với đạo Phật một cách xứng đáng và thành tựu nhất.