Trong Kinh Bát nhã có kể như sau : Đức Phật cùng với các đồ đệ sau khi khất thực về, ăn xong, Ngài tự lau rửa bình bát, sau đó tự tay xếp áo cà sa làm ghể ngồi để thuyết giảng.
Kinh Bi hoa kể chuyện Phật thệ nguyện khi đắc Đạo sẽ mặc chiếc áo cà sa có đủ năm đức, kinh này gọi là áo Cà sa ngũ đức và các đức ấy như sau :
1. Người thế tục nếu biết kính trọng cà sa sẽ tiếp nhận được Tam Thừa (tức Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa).
2. Thiên long nhân quỷ nếu biết kính cà sa cũng đắc Tam thừa.
3. Quỷ thần và chúng sinh chỉ cần bốn tấc của chiếc áo cà sa cũng được no đủ.
4. Chúng sinh hằng tâm niệm cà sa sẽ nẩy sinh lòng Từ bi.
5. Giữa nơi trận mạc, nếu có được một mảnh nhỏ áo cà sa và biết cung kính mảnh áo ấy cũng thắng trận.
Trong Tâm địa quán kinh cũng có nói mười điều lợi của chiếc áo cà sa như sau :
1. Che thân khỏi thẹn ngượng.
2. Tránh ruồi muỗi, nóng rét.
3. Biểu thị các tướng tốt của người xuất gia.
4. Kho chứa châu báu (tức Diệu Pháp của Phật).
5. Phát sinh nghị lực gìn giữ giới hạnh.
6. Màu nhạt bẩn không làm phát sinh lòng ham muốn.
7. Mang đến sự thanh tịnh.
8. Tiêu trừ tội lỗi.
9. Mảnh đất tốt làm nẩy sinh Bồ đề tâm.
10. Giống như áo giáp, mũi tên phiền não không đâm thủng được.
Kinh Pháp Cú 9
Nếu mà mặc áo cà sa
Lòng còn ô uế, tâm tà quẩn quanh
Chưa tự chế, thiếu chân tình
Xứng đâu mà khoác vào mình áo kia.
Kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật đã dạy rất rõ về pháp hạnh của người xuất gia. Phật dạy : Những bực xuất gia làm Sa môn, dứt bỏ ái dục, nhận biết nguồn tâm của mình, hiểu rõ lý mầu nhiệm của Phật pháp, trong không sở đắc, ngoài không sở cầu, tâm không ràng buộc nơi đạo, cũng chẳng còn kiết nghiệp, dứt sự suy nghĩ dứt sự tạo tác, chẳng phải do tu, cũng chẳng phải chứng được. Phật dạy tiếp: Cạo bỏ râu tóc làm bậc Sa môn, là người thọ lãnh đạo pháp, phải xa bỏ cuộc đời riêng tư của chính mình để phục vụ chúng sanh còn vướng mắc trong vòng phiền não, được Giác ngộ đến Giải thoát.
Từ lòng Từ bi của Phật và những lời giảng dạy thiết thực của Ngài cho những người xuất gia. Mỗi người cần phải chiêm nghiệm một cách tận tường, để tự nhắc nhở cho mình tinh tấn tu hành, thì mới có thể, xứng đáng mặc áo Ca sa. Mặc dầu chiếc áo này là một biểu tượng, nhưng những mảnh vải vụn trong cõi vô thường, được nhặt và khâu lại, khi khoác lên thân xác của người xuất gia là một cái gương, tinh khiết để soi cho ta và tất cả những chúng sinh đang hiện diện chung quanh ta và cũng là sự hiện hữu của những bậc Thánh hiền để giúp chúng ta tránh xa, những hành vi mê lầm và tội lỗi. Chiếc áo mầu nhiệm nhưng chỉ là những biểu tượng chứ không phải là Đạo Pháp. Phật dạy rằng : Đạo Pháp giống như một cái bè bằng tre dùng để qua sông. Qua được bờ bên kia ta hãy bỏ lại, đừng đội nó lên đầu mà đi.