Quý vị có biết rằng đôi khi sự tán thán làm hại người hơn cả sự phỉ báng! Người bị phỉ báng, tuy giận lắm, nhưng đối với người có chí khí, càng bị chê bai chừng nào họ càng nỗ lực, tinh tấn để đạt đến những thành tựu cao siêu. Biến những lời phỉ báng thành một thứ trợ duyên thượng thặng. Một khi được ca tụng, tán thán họ sẽ nghĩ: “Ồ! Nhiều người ca ngợi mình quá, có lẽ mình không tệ”, và họ sẽ mãn nguyện với những gì họ có được rồi không thèm trau giồi để tiến xa hơn nữa.
Cho nên tán thán rất dễ làm hại người. Vì vậy, đối với giới trẻ, với người mới học, chúng ta tuyệt đối không nên tán thán, không nên cúng dường quá nhiều. Bởi vì tiền tài nhiều, danh vọng lên cao, lập tức sẽ sa đọa ngay. Những Pháp sư trẻ, phát tâm bồ đề xuất gia, thường bị tín đồ ca ngợi, cúng dường làm cho Pháp sư trẻ đọa lạc. Như vậy sự đọa lạc của họ là do tín đồ gây nên. Sau này, những vị Pháp sư đó bị quả báo thì tất cả những người ca ngợi, cúng dường không thể thoát nạn bị đọa.
Vậy đối với những ai chúng ta nên mạnh mẽ cúng dường? Đó là những vị giảng sư, Pháp sư “Bát phong xuy bất động” (tám luồng gió của được, mất, khen, chê, vinh, nhục, khổ, vui không làm họ lay động). Những người này dù chúng ta có tán thán họ cũng không sanh lòng vui mừng, chúng ta phỉ báng họ cũng không sanh tâm phiền muộn. Vì tâm của họ luôn giữ sự bình lặng an nhiên. Những người như vậy mới thật sự xứng đáng cho chúng ta tán thán. Vì sao? Vì sự tán thán không làm hại họ, cho nên chúng ta phải tuyên dương khiến cho nhiều người biết đến và tin tưởng họ. Nhờ vậy họ có thể độ được nhiều chúng sanh.
Nhân đây nói đến “cúng dường”. Thọ nhận cúng dường không phải là chuyện đơn giản. Trong nhà Phật thường nói:
“Một hạt gạo của thí chủ lớn như núi Tu Di, đời này mà không liễu đạo, phải mang lông, đội sừng để trả”.
Cho nên người không tu làm sao dám nhận sự cúng dường và hưởng thụ sự cúng dường? Làm kiếp người, ai có thể biết được phước báu của mình được bao nhiêu? Ngay cả chư Phật, Bồ Tát cũng không hưởng thụ sự cúng dường. Nhưng nếu có người đến cúng dường với lòng chân thành, muốn gieo trồng ruộng phước, đương nhiên chúng ta không thể từ chối, tuy nhiên sau khi thọ nhận của cúng dường, chúng ta nhất định phải luân chuyển sự cúng dường đó.
Trong thời cận đại, Ngài Ấn Quang Đại sư là hình ảnh mẫu mực rất tốt cho chúng ta. Đệ tử quy y ngài nhiều đến nỗi không thể tính đếm được. Tất cả những tài vật do đệ tử cúng dường, Ngài đều đem ra ấn tống kinh sách để “cúng dường” lại cho mọi người, Ngài lập ra “Sở Hoằng hóa” ở Tô Châu Trung quốc để ấn tống và lưu hành kinh sách. Sau khi tôi tu học Phật pháp, tôi hoàn toàn noi gương của ngài, nghĩa là có bao nhiêu tiền cúng dường, tôi đều đem ra in kinh sách để phân phát khắp nơi cho mọi người. Tôi nghĩ:
“Nếu kiếp này không liễu đạo, tôi cũng không phải mang lông đội sừng để trả. Vì sao thế? Vì những người nhận kinh sách trả nợ dùm cho tôi”.
Đem tài vật của những người cúng dường triển chuyển bố thí cúng dường, như vậy, cái phước của những người cúng dường và người nhận sẽ trở nên rộng lớn vô lượng vô biên. Làm như thế mới gọi là như pháp. Nếu dùng tài vật của người cúng dường để hưởng thụ cá nhân thì tuyệt đối không thể như Pháp. Cho dù dùng tài vật cúng dường của thí chủ để xây chùa, xây đạo tràng cũng phải vì mục đích hoằng pháp lợi sanh. Được như vậy người bố thí cúng dường mới thật sự có công đức. Nếu như ở trong chùa mà không tu hành, cũng chẳng hoằng pháp, ngôi chùa đó sẽ trở thành nơi tranh chấp. Cho nên cất chùa xây đạo tràng phải đặc biệt cẩn thận!
Thầy Lý Bỉnh Nam thường nói rằng:
“Khi xây chùa, mọi người là Bồ Tát, sau khi cất xong rồi thành La Sát!”.
Vì sao? Bởi vì tranh dành quyền lợi – biến chất rồi! Sự phát tâm ban đầu đem quăng lên tận chín tầng mây cao!
Cúng dường Pháp sư phải hết sức thận trọng. Phật dạy chúng ta:
“Tứ sự cúng dường”.
Tứ sự là gì?
1 / Ẩm thực: Pháp sư là người sống ở thế gian, không thể không ăn cơm, cho nên chúng ta cúng dường ẩm thực cho Pháp sư để duy trì mạng sống của họ
2 / Y phục: Pháp sư cũng cần có áo quần để mặc. Nếu áo của Pháp sư cũ rách, ta nên cúng dường cho họ một bộ, khi thấy còn tốt thì không cần thiết cúng dường.
3 / Y dược: Khi Pháp sư có bịnh, chúng ta cúng dường thuốc uống để chữa bịnh cho họ.
4 / Ngọa cụ: Pháp sư cũng cần có chỗ nghỉ ngơi, chúng ta cúng dường giường, mền, v..v…
Thời nay có người đem nhà cửa hoặc những vật quý giá dâng cúng cho Pháp sư khiến cho Pháp sư sống thật sung sướng đến nỗi Tây phương Cực Lạc cũng không muốn đi nữa. Vì ở thế gian này cũng tốt quá rồi, đến Tây phương để làm gì? Cái tâm mong thành Phật đạo, liễu sanh thoát tử tan thành mây khói. Điều này đối với việc thành tựu cho pháp sư, đào tạo Pháp sư thật là một tai hại lớn không gì bằng!
Pháp sư xuất gia nghĩa là “cắt ái ly gia”, không có nhà, chúng ta lại tặng cho họ cái nhà, tức là kéo họ về nhà trở lại. Như vậy là hại chết họ rồi, họ có đủ quyền lực, tài sản, thế là không còn ý chí của người xuất gia, chẳng khác gì người phàm tục! Ai đã hại họ? Chính là tín đồ đã hại Pháp sư! Những tín đồ này không biết rằng hành động như vậy là phá hoại Phật Pháp, tổn hại Tam Bảo. Mà họ lại nghĩ rằng mình đã tạo rất nhiều công đức, làm được nhiều việc tốt! Than ôi! Khi mạng chung, đọa xuống địa ngục gặp Diêm Vương, chừng đó còn chối cãi gì được nữa!
Đứng về mặt tu phước trong nhà Phật, chúng ta cần phải có trí tuệ chân chính và điều này cần phải giải thích rõ ràng. Nhiều Pháp sư không dám nói rõ vì sợ khi nói rõ thì Phật tử, tín đồ không cúng dường nữa. Riêng đối với tôi, tôi chỉ muốn lên Thế giới Cực Lạc ở phương Tây, tôi không muốn ở đây lãnh tội, cho nên tôi hết sức chân thật nói với quý vị rằng:
“Tôi không sợ quý vị không cúng dường cho tôi, không cúng dường cũng tốt vì rằng tôi không phải lo lắng đủ điều”.
Chính vì vậy tôi lập “Hội Phật Đà giáo dục Cơ Kim” chuyên in tặng kinh sách. Tôi dặn dò ông Giảng cư sĩ, phụ trách cơ quan ấn tống kinh sách, luôn áp dụng một nguyên tắc như sau:
“Tiền cúng dường nhiều, in sách nhiều, tiền cúng dường ít in sách ít, không có thì không in, vậy là tốt nhất!”.
Bởi vì khi sự cúng dường nhiều lại phải bận tâm lo nghĩ nên chọn bộ sách nào in trước? In như thế nào? Ngược lại, nếu không có cúng dường thì không phải bận tâm, thanh nhàn biết bao! Cho nên mọi người cần phải hiểu.
Không cầu cúng dường, không cầu đạo tràng, điều gì cũng không cầu, tâm sẽ thanh tịnh, đó chính là đạo tâm. Chính mình tu tâm thanh tịnh, giúp người khác tu thanh tịnh tâm. Tuyệt đối xa lìa danh vọng lợi dưỡng, như vậy mới là Phật pháp chân chính. Muốn thành tựu cho các Pháp sư trẻ, muốn lo lắng cho họ, phải chấp nhận cho họ chịu cực khổ một chút. Đừng nên nói là thấy họ cực khổ ta không đành. Nếu như vậy là hại chết họ đó!
Lúc Phật Thích Ca còn tại thế, tất cả đệ tử của Ngài chỉ ăn một bữa, ngủ dưới gốc cây, cuộc sống khổ cực thiếu thốn như vậy. Nếu ta nhìn thấy, thật không nhẫn tâm, rồi đem họ về nhà. Như vậy làm sao họ có thể thành đạo được? Trong kinh Phật dạy chúng ta rằng: “Dĩ khổ vi sư” nghĩa là lấy cái khổ làm thầy của mình. Thông thường trong cuộc sống đau khổ, người ta mới có tâm đạo chân chính, mới có tâm niệm cương quyết, vượt ra khỏi thế gian này.
Cho nên khổ là tốt! Chúng ta không kham nổi khổ cực, nhưng khi thấy người khác chịu đựng khổ cực ta phải sanh lòng cung kính, đừng nên gây chướng ngại và lôi kéo họ trở lui. Chúng ta phải chân thành, dựa trên thực tế mà đào tạo Pháp sư, thành tựu Pháp sư. Làm được như thế chúng ta mới có thể mời được Pháp sư, mới có Pháp sư chân chính, tốt lành đến hoằng pháp lợi sanh.
Trích lời dạy của HT. Tịnh Không từ đĩa giảng “Phổ Hiền Hạnh Nguyện”