Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

     Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, loài người tiếp tục đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Có lẽ nghiêm trọng nhất và khiến cho những cuộc khủng hoảng khác khó được giải quyết hơn chính là sự khủng hoảng niềm tin.

   Quả thậtchưa bao giờ loài người lại cảm thấy mất niềm tin như bây giờ, khi chính những biểu tượngcủa lòng tin cũng bị lật đổ. Nhiều nhà lãnh đạo cả thế tục lẫn tâm linh từng được kính ngưỡng cũng đã có lúc bị vấy bẩn.

Image result for liên tôn giáo

   Lòng căm thù cùng với sự khao khát danh vọng, tiền tài, và quyền lực đã khiến con người không ngần ngại tìm mọi cách đưa ra ánh sáng những điều không cần thiết phải nói đến, chưa kể còn sáng chế đủ kiểu vu khống, xuyên tạc.

    Chủ nghĩa tiêu thụ và nền công nghệ giải trí toàn cầu cũng góp phần vào việc lật nhào các biểu tượngcủa lòng tin khi tìm mọi cách phá vỡ tất cả những gì mang tính cao cả, thiêng liêng: tất cả chỉ để mua vui, chỉ để thỏa mãn trong chốc lát.

   Thái độ nông nổi bất cẩn đó của một số không ít người đã khiến cho cuộc sống trên mặt đất này ngày càng ngột ngạt, vì góp phần dẫn đến những cuộc chém giết nhân danh các lối sống khác nhau.

   Thật vậy, khi không có niềm tincon người dễ buông xuôi và bị kích động bởi tâm lý hận thù để tích cực lao vào những hoạt động bạo lực mà chính họ không kiểm soát được. Tuy nhiên, không phải mọi người đều như vậy cả. Điều may mắn là trong lịch sử phát triển của loài người, có những nhân vật vẫn giữ được sự kính ngưỡng của nhân loại, được loài người tôn vinh là những bậc thánh, đã vạch ra con đường sống tích cực làm thăng hoa cuộc sống cho con người, là các vị giáo chủ của những tôn giáolớn.

   Với tình thương và trí tuệ, với lòng khoan dung, tính nhẫn nại, sự hiểu biết, và thái độ tôn trọng lẫn nhau, những người đang tiếp nối con đường của các bậc thánh đó vẫn có thể cùng nhau góp phần đem đèn sáng vào nơi tối tăm, dựng lại những gì đã bị đổ vỡ, thông qua các hoạt động được gọi là đối thoại liên tôn.

   Bài viết này xin điểm qua một số thành tựu của hoạt động đối thoại liên tôn và tìm hiểu xem Phật giáosẽ có thể đóng góp được gì cho việc nỗ lực khôi phục niềm tin cho loài người trong bối cảnh hiện nay. Việc nêu lên những thách thức của Phật giáo trong thời đại mới cũng chỉ được đưa ra với mong muốn Phật giáo có thể có được những đóng góp tích cực nhất trong việc cùng xây dựng một xã hội loài ngườian lạc.

  1. Vềhoạt độngđối thoại liên tôn

   Đối thoại liên tôn là thuật ngữ để nói đến những hoạt động tương tác mang tính tích cựcxây dựng và hợp tác giữa những người thuộc về những truyền thống tôn giáo khác nhau, ở mức độ cá nhân cũng như ở tầm vóc của các định chế có tổ chức. Việc đối thoại này nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người có niềm tin khác nhau để có thể chấp nhận nhau, chứ không phải để cố gắng xây dựng một niềm tin mới thống nhất cho mọi người. Để thúc đẩy việc đối thoại liên tôn, người ta thường dẫn lời của tiến sĩ Hans Küng, giáo sư về Thần học Hợp Nhất và là chủ tịch một Quỹ phát triển về Đạo đức Toàn cầu, rằng: “Sẽ không có hòa bình giữa các quốc gia nếu không có hòa bình giữa các tôn giáo. Sẽ không có hòa bình giữa các tôn giáo nếu không có sự đối thoại giữa các tôn giáo”. Ngày nay, việc đối thoại giữa các tôn giáo là một chủ đề quan trọng trong việc nghiên cứu về tôn giáo và xây dựng hòa bình.

   Người ta ghi nhận rằng việc đối thoại giữa các tôn giáo cũng cổ xưa như sự xuất hiện của chính các tôn giáo, vì sự khác biệt niềm tin đã và vẫn đang là một trong những nguyên nhân gây nên tranh chấpgiữa loài người với nhau. Khi một cuộc chiến tranh vừa kết thúc, người ta vẫn tìm cách kéo dài thời giankhông có chiến tranh bằng những cuộc đối thoại để hiểu biết nhau hơn. Mặc dù việc đối thoại này thường nhằm phục vụ cho những mục tiêu chiến lược của các bên, nhưng cũng nhờ thế mà đôi khi con người thông cảm nhau hơn. Trong những cuộc đối thoại như vậy, việc tìm hiểu về niềm tin của các bên luôn là một chủ đề được chú ý.

   Từ khi có sự tiếp xúc – hay va chạm – giữa các nền văn minh khác nhau ở mức độ toàn cầu, loài người đã chứng kiến tình trạng cạnh tranh cọ xát gây nhiều đau thương nhất xảy ra giữa ba tôn giáo lớn là Do Thái giáoThiên Chúa giáo và Hồi giáo. Cả ba đều chia sẻ một số giá trị, nguyên tắc và nguồn gốc giống nhau nhưng mỗi tôn giáo cũng có những lý giải khác nhau. Cả ba tôn giáo đều công nhận một số điều được nêu trong Cựu ước, một bộ cổ thư tập đại thành những tư tưởng tôn giáo của người Do Tháicổ, nhưng mỗi tôn giáo đều thêm thắt và cắt xén để tạo thành Thánh kinh hay Minh thư cho tôn giáo của mình.

   Do Thái giáo là tôn giáo của người Do Thái, một trong số rất nhiều tộc người từng cư ngụ ở Palestine, một vùng đất nằm giữa vùng đồng bằng ven biển phía nam Địa Trung Hải và nội địa Syria, được coi là một trong những nơi có nền văn minh tối cổ của nhân loạiDo Thái giáo tự nhận có một lịch sử liên tụckéo dài ba ngàn năm, được coi là tôn giáo độc thần cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay.

   Do Thái giáo được xây dựng trên một giao ước của Chúa với tổ phụ của người Do Thái là Abraham, rằng nếu người Do Thái tôn thờ Chúa thì Chúa công nhận Do Thái là dân được Chúa chọn và sẽ làm cho đất nước Do Thái được tồn tại mãi mãi. Người Do Thái tin rằng Chúa đã khải thị cho họ luật Thánh và những điều răn thông qua một vị tiên tri là Moses khi ông này lên núi Sinai. Người Do Thái đã từng thành lập những vương quốc địa phương hùng mạnh, đã xây dựng nên thành phố Jerusalem, một trong những thành phố cổ nhất và được coi là thánh địa quan trọng bậc nhất của Do Thái giáo.

   Do sự chia rẽ, vương quốc Do Thái bị nhiều tộc người khác như Ai Cập, Ba Tư, Hi Lạp và La Mã xâm chiếm và cai trị. Do có niềm tin vào thượng đế của mình, người Do Thái luôn tìm cách lấy lại quyền tự chủ và đã bị các tộc người cai trị đày đi khắp mọi nơi. Ở đâu người Do Thái cũng vẫn giữ niềm tin ấy và luôn hi vọng vào sự xuất hiện của một đấng cứu thế đã được nói đến trong các sách thánh của họ, cụ thể là trong Cựu ước. Vì Do Thái giáo là tôn giáo độc thần trong khi hầu hết các dân tộc khác ở khu vực này bấy giờ có tín ngưỡng đa thần, nên người Do Thái rất tự hào về niềm tin của mình và gọi những người khác là ngoại đạo. Tuy vậy, họ không có tham vọng cải đạo người khác.

   Thiên Chúa giáo xuất hiện trước hết tại Jerusalem vào lúc thành phố này bị người La Mã cai trị. Bấy giờ, người Do Thái chiếm đa số ở thánh địa này và ở đó đã xảy ra sự cọ xát giữa những lối sống khác biệt. Họ vẫn trông nom những đền thờ của mình và đến đó để hành lễ nhưng có thể đã có những biểu hiện suy đồi trong sự thực hành niềm tin tôn giáo. Jesus xuất hiện trong bối cảnh đó, ngài rao giảng một tinh thần cách tân, thực hành một số phép lạ như chữa lành người bệnh, phát thực phẩm cho cả ngàn người với chỉ vài miếng bánh và con cá, tuyên bố ngài có thể bị giết nhưng sẽ sống lại vì được ơn phước của cha ngài chính là đức Chúa Trời…, và đã thu hút được nhiều đồ đệHoạt động của ngài khiến những nhà lãnh đạo Do Thái giáo ở Jerusalem lúc đó cảm thấy khó chịu. Có thể họ đã dàn xếp để chính quyền La Mã tiêu diệt ngài. Cuối cùng, sau khi ngài đánh đuổi bọn đổi bạc ở đền thánh Jerusalem thì chính quyền La Mã quan tâm và cho bắt ngài, đem ra xử tử bằng cách đóng đinh trên cây thập tự.

   Chẳng bao lâu sau đó, một niềm tin mạnh mẽ về sự sống lại bằng xương bằng thịt của Jesus được loan truyền khắp thành Jerusalem, bắt đầu từ lời xác chứng của những người thân cận với Jesus. Từ đó, một tín ngưỡng mới bắt đầu hình thành. Đối với tín đồ của tôn giáo mới này thì Jesus là đấng cứu chuộc đã chịu chết để chuộc tội cho loài người trước thượng đế, và chính Jesus cũng là một trong ba ngôi thượng đế gồm có đức Chúa cha là Jehovah, đức Chúa con là Jesus, và một ngôi nữa là đức Chúa thánh thần. Có người cho rằng đức Chúa thánh thần chính là thiên sứ Gabriel.

   Ngoài Cựu ước, người Thiên Chúa giáo còn tập hợp một số lời xác chứng về cuộc đời của Jesus thành một tập Tin mừng và gọi đó là Tân ước, nên kinh thánh của người Thiên Chúa giáo gồm cócả Cựu ước lẫn Tân ước.

   Theo các nhà nghiên cứu thì chính một đồ đệ của Jesus là Paul of Tarsus đã phối hợp cuộc đời của Jesus với triết lý Hi Lạp để giải thích Kinh thánh của người Hebrew theo quan điểm có sự đối lập giữa lý tưởng với vật chất của Plato. Trong khi người Do Thái cho rằng Chúa Trời là của họ và chỉ của riêng họ mà thôi. Cách giải thích của Paul cho thấy thông qua sự hi sinh của Jesus là đấng Christ, con người có một con đường khác để đến với Chúa, cho dù họ không phải là Do Thái. Nhu cầu về một đấng cứu chuộc đối với con người lúc đó đã khiến quan điểm của Paul thu hút được nhiều người ngoại đạo, vì thế niềm tin vào Jesus là đấng Christ lan rộng.

   Ban đầu, những người rao truyền niềm tin về Jesus bị bức hại trong suốt hai thế kỷ rưỡi; phải đợi tới thời hoàng đế Constantine I, Thiên Chúa giáo mới được công nhận. Theo truyền thuyết, trong một trận đánh ở cầu Milvian, Constantine đã chứng kiến phép lạ. Trước trận đánh, ông nhìn lên bầu trời thấy dấu thập giá, liền ra lệnh cho quân sĩ trang trí những tấm khiên của họ bằng dấu thập giá, bấy giờ đã là biểu tượng của Thiên Chúa giáo, sau đó ông chiến thắng và tuyên bố ngôi vị hoàng đế. Ông từ chối các nghi lễ La Mã và ra chỉ dụ Milan vào năm 313 cho phép người Thiên Chúa giáo được tự do hành đạo trong đế quốc của ông. Tuy nhiên, phải đợi đến khi có chỉ dụ Thessalonica vào năm 380 thì Thiên Chúa giáomới được coi là công giáo trên toàn đế quốc La Mã. Thế là, Thiên Chúa giáo từ chỗ bị bức hại đã giành được địa vị buộc những người khác phải cải đạo.

   Islam hay Hồi giáo cũng là một tôn giáo độc thần mà giáo lý được thể hiện trong kinh Qu' ran, kinh thánh của Islam, được coi là những gì Thiên Chúa đã truyền cho thiên sứ Gabriel mặc khải cho Muhammad ghi lại. Tín đồ Islam được gọi là Muslim. Người Muslim tự nhận mình cũng thuộc dòng dõicủa Abraham để công nhận thượng đế của Do Thái giáo cũng là thượng đế của họ, nhưng họ gọi ngài là Allah. Người Muslim cũng công nhận nhiều nội dung trong Cựu ước nhưng không công nhận Tân ước. Khác với người Do Thái giáo bài bác Jesus, người Muslim cho rằng Jesus cũng chỉ là một vị tiên tri chứ không có địa vị của Chúa, họ cũng bác bỏ thuyết thượng đế ba ngôi. Người Muslim tin rằng Islam đã có từ lâu mà Allah chính là vị thượng đế tối cao đã cho nhiều vị tiên tri xuống trần để rao giảng những luật tắc của Chúa nhưng loài người không tuân phục, do đó Allah lại cho Muhammad xuống để nhắc lại thiên đạo. Theo người Muslim, tiên tri Muhammad là vị tiên tri cuối cùng; sau ông, kẻ nào tự xưng là tiên triđều là tà giáo. Để thể hiện đức tin Islam, người Muslim phải thực hành năm bổn phận tôn giáo: hàng ngày phải tuyên xưng đức tin hai lần; mỗi ngày phải cầu nguyện năm lần; phải biết bố thí; phải ăn chaytrong tháng Ramadan; phải hành hương về Mecca một lần trong đời.

   Ngay sau khi Muhammad tuyên xưng mình là thiên sứ, đạo Islam đã bắt đầu tiến trình bành trướng. Trong vòng vài thế kỷ, đạo quân Muslim đã chinh phục được nhiều vùng đất rộng lớn ở châu Á và châu Phi. Cuối thế kỷ thứ 6, họ đã vào Jerusalem khi đế quốc Đông La Mã ở Byzantine bại trận trước quân đội của triều đại Umayyad. Người Muslim đã xây dựng được những triều đại hùng mạnh và những đế quốc rộng lớn; tại những nơi đó, văn hóa và khoa học đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ. Vào đầu thế kỷ thứ 11, người Muslim tìm cách tiến vào Châu Âu.

   Tuy có những quan điểm khác nhau và cách thực hành các nghi thức thờ phượng khác nhau, cả ba tôn giáo vừa nêu trên đều cùng thờ chung một vị thượng đế, cùng nhìn nhận loài người là sản phẩm tạo tác của vị thượng đế ấy theo chính hình ảnh của ngài, loài người có nghĩa vụ sống đúng luật thánh mà thượng đế đã mặc khải thông qua các thiên sứ hay tiên tri để chờ đợi ân sủng của ngài.

   Sự bành trướng của Islam đã khiến người Thiên Chúa giáo ở châu Âu quan tâm. Từ thế kỷ thứ 11, người Thiên Chúa giáo đã tổ chức nhiều cuộc thánh chiến khi có tin tức về việc người Muslim ở Jerusalem cho phá hủy Bức tường than khóc, một trong những thánh tích của Thiên Chúa giáo. Những cuộc tranh chấp giữa Islam và Thiên Chúa giáo đã diễn ra ở nhiều trường hợp khác vì cả hai bên đều sốt sắng rao truyền niềm tin của tôn giáo mình và cho rằng phía đối phương là tà giáo. Người Thiên Chúa giáo cũng từng cho rằng người Do Thái giáo có trách nhiệm trong những thời kỳ họ bị bức hại dưới thời đế quốc La Mã, cũng như người Do Thái giáo phải có trách nhiệm về cái chết của chúa Jesus. Lòng hận thù ấy khiến người Thiên Chúa giáo đã đối xử với người Do Thái giáo bằng bạo lực. Trong Thế chiến thứ hai, Đức Quốc Xã đã tiến hành việc tiêu diệt hàng loạt người Do Thái cũng xuất phát từ sự thù hận mơ hồ này.

   Chiến tranh thế giới thứ hai với những hậu quả khủng khiếp của nó khiến loài người đã phải xét đến vấn đề tạo sự hòa hợp trong cuộc sống nhân loạiĐành rằng chiến tranh xảy ra là do có những mâu thuẫn khác nữa về chính trị và kinh tế, những căng thẳng do nạn nhân mãn, những yếu tố tâm lý… nhưng sự tàn sát nhân loại do chiến tranh lại có một nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu hiểu biết lẫn nhau về lối sống, về niềm tin. Người ta nhận ra chính ba tôn giáo lớn cùng thờ chung một vị thượng đế đã hăng say tham gia vào việc tàn sát lẫn nhau. Do đó, các vị lãnh đạo tinh thần của ba tôn giáo lớn này đã tìm đến phương cách đối thoại để giảm bớt sự hiểu lầm và tăng cường sự thông cảm. Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, những cuộc đối thoại liên tôn đã bước đầu được tiến hành giữa Thiên Chúa giáoDo Thái giáo và đạo Islam.

    Hành động tích cực đầu tiên được thể hiện bởi Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã với việc thông qua tuyên bố Thời đại của chúng ta (Nostra Aetate) được Giáo hoàng Paul 6 ban hành năm 1965 khi kết thúcCông đồng Vatican II. Với tuyên bố này, những nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo nhìn nhận rằng mọi tôn giáo đều có chung mục đích cuối cùng là trở về với Chúa tuy mỗi tôn giáo có một cách thể hiện khác nhau; rằng Phật giáo, Ấn giáo và các tôn giáo khác cũng đều có những đề nghị để giải đáp những vấn đề siêu hình vẫn đeo bám tư tưởng con người; rằng Thiên Chúa giáo quý trọng những người bạn Muslim vì Thiên Chúa giáo và Islam vẫn có những điểm chung; rằng người Thiên Chúa giáo và người Muslim nên quên đi những hận thù và khác biệt quá khứ để cộng tác với nhau nhằm tăng cường sự hiểu biết và lợi ích chung; rằng tuy có những người lãnh đạo Do Thái giáo từng đòi hỏi Jesus phải chết nhưng ngày nay điều đó không được phép nhắc đến trước cửa nhà bất kỳ giáo dân Do Thái giáo nào và không nên xem người Do Thái giáo là thành phần bị Chúa chối bỏ; rằng mọi người đều được tạo ra theo hình ảnh của Chúa nên mọi sự phân biệt đối xử, ghét bỏ hay quấy rối vì màu da, dân tộc, tôn giáođiều kiện sống… là điều không phù hợp với giáo lý của nhà chung.

   Mặc dù lời lẽ của bản tuyên bố trên vẫn thể hiện thái độ có vẻ bề trên của giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, nhưng nhìn chung, các vị lãnh đạo các tôn giáo khác vẫn xem Nostra Aetate như một biểu hiện nhân nhượng của Tòa thánh Vatican và đã tiếp nhận sự nhân nhượng ấy với lòng trân trọng. Từ đó đến nay, nhiều nỗ lực thúc đẩy đối thoại liên tôn đã được thực hiệnTuy nhiên, cũng đã có những “tai nạn” xảy ra khi các vị lãnh đạo tôn giáo có những toan tính lắt léo khi đưa ra những lời kêu gọi về đối thoại liên tôn. Vào tháng 9.2006, trong một bài diễn giảng có chủ đề Niềm tin, lý lẽ, và đại học; ký ức và suy nghĩ (Faith, Reason, and university; memories and reflections) trình bày tại Đại học Regenbursg, Đức Quốc, nơi giáo hoàng Benedict XVI đã từng là giáo sư thần học, vị chủ chăn của thế giới Thiên Chúa giáo đã có những câu nói khiến người Muslim toàn thế giới không hài lòng khi ngài nhắc lại một cách không khéo léo lời nhận xét của vị hoàng đế Byzantine thế kỷ thứ 14 về người Muslim. Mặc dù vậy, tháng 10.2007, người Muslim quy tụ 138 giáo sĩhọc giả và các nhà trí thức hàng đầu của thế giới Islam đưa ra thông điệp Một lời chung giữa chúng tôi và quý ngài (A common word between us and you) nêu lên rằng lời chung giữa người Muslim và người Thiên Chúa giáo – và cả người Do Thái giáo nữa – chính là lời yêu thươngyêu thương Chúa Trời và yêu thương người bên cạnh, với mong muốn: “Chúng ta hãy tôn trọng lẫn nhau, thẳng thắncông bằng, và tử tế với nhau, cùng sống trong một nền hòa bình thành thậthòa hợp và có thiện chí đối với nhau”.

   Gần đây nhất, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, quốc vương xứ Jordan đã đưa đề nghị chọn tuần lễđầu tháng hai hàng năm làm Tuần hòa hợp liên tôn toàn thế giới (The world interfaith harmony week), đề nghị này đã được toàn thể đại biểu có mặt tại đại hội đồng thông qua và sau đó các tuần lễ Hòa hợp đã được tổ chức ở nhiều nơi. Điểm đáng chú ý là người đưa đề nghị đã nhắc lại lời chung giữa ba tôn giáo, đó là yêu thương Chúa và người hàng xóm nhưng cũng là yêu thương điều thiện và người hàng xóm. Việc thêm vào mệnh đề yêu thương điều thiện và người hàng xóm cho thấy quốc vương xứ Jordan quan tâm đến những tôn giáo không công nhận một vị thượng đế toàn năng, như Phật giáo chẳng hạn.

  1. Phật giáocó thể đóng góp gì cho đối thoại liên tôn

   Phật giáo không có khái niệm về một vị thượng đế toàn năng sáng tạo thế giới, tạo ra con người theo hình ảnh của ngài, có quyền năng, ban phúc cho những người tôn thờ ngài, và giáng họa đến những kẻ không tin ngài. Phật giáo quan niệm rằng mọi hiện tượng đều do nhân duyên sinh, như trong kinhPhật tựthuyếtđức Thế Tôn dạy: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh”. Và “Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu; do cái này diệt, cái kia diệt”. Phật giáo nhìn thấy mọi hiện tượng đều vô thường, luôn luôn biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác, không lúc nào tồn tại như nó đang là; nhưtrongkinhTương ưng, chương“Tương ưng uẩn”, Phật dạy: “Này các tỷ kheo, các hành là vô thường, trong quá khứ, trong vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các tỷ kheo, bậc đa vănthánh đệ tử đối với các hành quá khứ không tiếc nuối, đối với các hành vị lai không hoan hỉ, đối với các hành hiện tại hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt”. Khi mọi hiện tượng có mặt do nương vào nhau và luôn luôn biến đổi, người ta không thể thấy điều gì là ta, là của ta. Tuy không có gì là ta, là của ta, nhưng loài người vẫn muốn bám chấp vào những gì trong tầm tay, cho nên cuộc sống này chỉ là khổ. Trong chương “Tương ưng nhân duyênthuộckinhTương ưng, đức Phật dạy: “Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Đây là thế giới tập khởi”. Thế giới tập khởi bằng già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não…Tuy nhiên, một khi thấy rõ được bản chất của cuộc đời chỉ do duyên sinh, người có trí thực hiện sự tu tập theo đúng những chỉ dẫn của đức Phật thì sẽ đạt tới trạng thái mà chính đức Phật đã đạt, đó là: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. (kinhSợ hãi khiếp đảm, Trung bộ).

   Nhìn cuộc đời bằng con mắt của bậc giác ngộđức Phật dạy đệ tử của ngài phải biết yểm ly, ly thamđoạn diệtMục đích tối hậu của hành giả thực hành lời dạy của ngài là để đạt tới trạng thái giải thoátkhỏi mọi nỗi khổ sanh tửĐức Phật đưa ra những pháp môn diệt khổ rất thiết thực dựa trên sự biết đủ và ít ham muốn (tri túc thiểu dục), dựa vào từ bi và trí huệ, thông qua việc thực hành các thánh đạo, những phép quán niệm, những kỹ thuật thiền định. Sau khi chứng ngộ chân lý của cuộc đờiđức Phậtcũng chỉ vì lòng thương tưởng chúng sinh bị trôi lăn trong sinh tử mà trao truyền những điều ngài đã tự thân chứng nghiệm. Ngài biết rõ không một quyền năng nào có thể làm cho con người thoát khỏi nỗi khổ nếu con người tiếp tục gieo những nhân xấu, vì gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Cuộc đời con người được vận hành bởi nghiệp, nghĩa là phải hoàn toàn lãnh hậu quả của những hành vi tạo tác do chính con người gây ra, không hề có sự can thiệp của bất kỳ một thần linh nào, ngoại trừ quyết tâm bỏ ác nghiệphành thiện nghiệp của chính từng con người một.

   Mặc dù mục tiêu tối hậu của người tin Phật là đạt tới an lạcgiải thoát khỏi mọi nỗi khổ của thế gian, điều đó không có nghĩa người Phật tử không quan tâm đến cuộc sống. Thực tếđức Phật sau khi chứng ngộ đã hoàn toàn đạt đến an lạc giải thoát nhưng ngài vẫn tiếp tục lăn lộn trong nhân gian trao truyền giáo pháp của mình suốt bốn lăm năm không ngừng nghỉ. Đây chính là bằng chứng cho thấy người ta có thể đạt tới giải thoát ngay trong hiện tại. Chính đức Phật cũng công nhận nhiều đệ tử của ngài đã đạt tới thánh quả a la hán để rồi tiếp tục cùng ngài thuyết giảng chánh pháp cho loài người. Chính vì thế, giáo pháp của đức Phật không phải chỉ dành cho những người tu hành mà còn là con đường sống chung của toàn thể loài người. Thật vậy, giải thoát có nhiều cấp bậc. Với người tu hành, cấp bậc giải thoát của họ cao nhất, có thể đạt tới niết bàn. Nhưng với người thế tụcgiữ gìn điều gì thì an lạc được điều đó. Đấy chính là ý nghĩa của tam vô lậu học của nhà Phật, giới, định, và huệ. Khi con người giữ giới thì tâm họ được bình lặng, nghĩa là có định. Với tâm bình lặng, họ có khả năng nhận biết bản chất cuộc đời đúng với thực chất của nó, đó chính là huệ. Và nhờ có giới, định, huệ, họ đạt được tình trạng giải thoát ngay ở đây và bây giờ. Như trong phẩm Bhandagama, chương “Bốn pháp”, kinh Tăng chi bộđức Phật nói rõ: “Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập bốn pháp, như vậy phải chạy dài, luân chuyểntrong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Thế nào là bốn? Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh giới, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh định, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh huệ, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, do không giác ngộ, không thể nhập thánh giải thoát, như vậy phải chạy dài, luân chuyển trong một thời gian dài, đối với ta và đối với các ngươi. Này các tỳ kheo, khi nào thánh giới được giác ngộ, được thể nhập; khi nào thánh định được giác ngộ, được thể nhập, khi nào thánh huệ được giác ngộ, được thể nhập, khi nào thánh giải thoát được giác ngộ, được thể nhậphữu áiđược chặt đứt, dây cột của hữu được đoạn tận, khi ấy không còn tái sinh”.

   Với tri kiến của bậc giải thoátđức Phật không hề mong cầu một vinh quang nào cho mình hay cho bất kỳ một quyền năng nào khác trên mặt đất này. Người theo đạo Phật hiểu rõ lời Phật dạy cũng không quảng bá Phật pháp để mang lại vinh quang cho đức Phật hay cho chính mình, chỉ mong muốn giới thiệu một lối sống hòa hợp để mang lại an lạc cho đời. Một tôn giáo như thế rõ ràng không quan tâm đến việc cải đạo bất kỳ ai, chỉ cố gắng giúp đỡ con người nhận chân được bản chất cuộc sống để có được lối sống hòa hợp. Một tôn giáo như thế có khả năng đem lại hòa bình cho loài ngườiThực tế cho thấy quá trình truyền bá chánh pháp của Phật giáo chưa hề gây đổ máu vì mục đích muốn có thêm tín đồ. Ngay cả khi chịu sự bức hại, người tin Phật cũng nhẫn nhục chịu đựng mà không hề oán thán.

Đến với hoạt động đối thoại liên tôn, về thực chất là hoạt động hòa giải giữa những nhóm người theo các niềm tin tôn giáo khác nhau đã từng có hận thù với nhau trong quá khứPhật giáo không có những nhu cầu như của các tôn giáo khác, cần được thông cảmtha thứ cho những lỗi lầm của quá khứ, cần có cam kết không tiếp tục dấn thân vào những sai lầm trong tương lai. Đến với đối thoại liên tôn, người Phật tử chỉ mong muốn giới thiệu với mọi người một lối sống an lạc. Tuy không tôn thờ thượng đế, người Phật tử không thấy việc người khác tôn thờ thượng đế là có ảnh hưởng đến mình. Người Phật tửcũng khẳng định rằng việc người khác tôn thờ thượng đế của họ cũng không làm trở ngại cho việc những người ấy thực hành giới, định, huệ nếu họ cảm thấy đó là điều cần thiết cho việc xây dựng một xã hội hòa hợp. Mặc dù có thể không đồng ý với một số biện pháp hành đạo khác biệt, Phật giáo hoàn toàn không phủ nhận bất kỳ những hình thức hành đạo nào của bất kỳ tôn giáo nào miễn các nghi thứcấy không đem lại điều hại cho cộng đồng và cho chính họ.

   Nói tóm lại, đến với đối thoại liên tôn, người Phật tử sẵn sàng chia sẻ những kỹ thuật lục hòa, tứ nhiếp… là những biện pháp mang lại một cuộc sống cộng đồng an lạc, những điều mà các cộng đồngTăng già Phật giáo trên toàn thế giới vẫn gìn giữ suốt hai ngàn sáu trăm năm qua, những pháp môn mà việc áp dụng chúng chỉ mang đến những điều lợi chứ không hề gây hại, không đòi hỏi sự hi sinh, không yêu cầu hiến tế, không bắt buộc phải từ bỏ niềm tin có sẵn. 

III. Những thách thức của Phật giáo trong thời đại mới

   Thật ra, sự tồn tại của Phật giáo cũng có những vấn đề tự thân cần giải quyết, những điều được coi là những thách thức đối với Phật giáo trong thời đại mới. Lịch sử ghi nhận trong suốt 26 thế kỷ tồn tạiPhật giáo phát triển sâu rộng ở toàn châu Á và đã từng gây ảnh hưởng đến cả nền văn minh Hi Lạp ở phương Tây. Tiến vào thế kỷ thứ 20, Phật giáo cũng đã từng bước thu hút sự chú ý của giới học thuật Âu, Mỹ, và Úc. Tuy nhiên, ngay tại Ấn Độ là nơi phát tích, có lúc Phật giáo đã hoàn toàn biến mất. Và khi được truyền bá rộng ra ở khắp nơi, Phật giáo đã có vô vàn biến thái. Điều đó đã xảy ra vì Phật giáo vốn là một tôn giáo uyển chuyển, sẵn sàng chấp nhận mọi hình thái hành đạo khác nhau ở những địa phương khác nhau miễn sao cốt lõi những điều đức Phật dạy vẫn được giữ đúng. Thái độ này của những người truyền bá đạo Phật đã giúp Phật giáo dễ được tiếp nhận ở những vùng đất xa lạ, nhưng cũng để lại những di chứng nếu không tinh tế thì rất khó giải quyết. Thật ra, ngay cả trước khi đạo Phậtđược truyền ra bên ngoài đất Ấn Độ, những đệ tử của đức Phật cũng đã có những tranh cãi về tư tưởngcủa Thầy mình. Việc hình thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ rồi sau đó phân chia thành 18 bộ pháilà điều đã diễn ra không lâu sau khi đức Phật nhập diệt.

   Ngay kinh điển Phật giáo cũng là vấn đề cần được quan tâm. Người ta đều biết rằng khi Phật còn tại thế, ngài cũng như các đệ tử của ngài chưa hề ghi lại bất kỳ lời giảng nào của ngài. Ngay sau khi đức Phật nhập diệt, các vị tỳ kheo đã tổ chức kết tập để đọc tụng tất cả những điều đã được đức Phật thuyết giảng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Dường như có tới hai kỳ đại hội kết tập kế tiếp trước các cuộc kết tập được bảo trợ bởi vua Asoka (khoảng 250 trước Tây lịch) và vua Kaniska (khoảng thế kỷ 1 đến thế kỷ 2 Tây lịch), nhưng thông tin về những kỳ kết tập trung gian ấy vẫn chưa rõ rệt. Dù sao thì cũng mãi đến kỳ kết tập dưới thời vua Asoka, kinh điển Phật giáo mới được ghi lại bằng văn bản. Đó là lý dokhiến sau này người ta có các tạng kinh và luật được viết bằng ngôn ngữ Pali khác với những tạng kinhvà luật được ghi lại bằng ngôn ngữ Sanskrit. Các học giả Phật giáo cũng đã quan tâm đến vấn đề này từ lâu, và việc đối chiếu giữa kinh tạng và luật tạng theo truyền thống Pali với kinh tạng và Luật tạng theo truyền thống Sanskrit vẫn được tiến hành, chẳng hạn, tác phẩm Đối chiếu kinh Trung bộ với kinh Trung A hàm của hòa thượng Thích Minh Châu là một thí dụ cụ thểTuy nhiên, với khối lượng kinh điển đồ sộ của Phật giáo, việc này cần có sự góp sức của rất nhiều người và nhiều tổ chức Phật giáo trên toàn thế giới.

   Về phương diện tổ chức các tự việnPhật giáo mỗi nơi vẫn có những cách tổ chức khác nhau, tuy cùng căn cứ trên giới luật của đức Phật. Không những thế, những nghi thức hành đạo cũng không có sự thống nhất giữa các bộ phái và các địa phương. Nhiều nơi du nhập vào tự viện cả những hình thức mê tín dị đoan lấy cớ khế cơ khế lý.

   Theo thời gian, nhu cầu giải thích lời dạy cô đọng của đức Phật đã góp phần xây dựng thêm nhiều trường phái khác nhau. Theo học giả người Sri Lanka là Ananda W.P. Guruge thì việc tìm hiểu về những học phái Phật giáo khác nhau sẽ giúp hành giả thêm phong phú về hiểu biết và kinh nghiệm đối với các truyền thống văn hóavăn họctriết học, và đạo đức khác nhau của các nền Phật giáo khác nhau và củng cố cho hành giả niềm tin rằng luôn có sự thống nhất về những giáo pháp nền tảng được thuyết giảng bởi những học phái Phật giáo khác nhau.

   Tuy nhiên, khi việc nghiên cứu Phật học trở thành phong trào, người ta cũng thấy xuất hiện ngày càng nhiều những tác phẩm viết về Phật giáo, nhưng nội dung hầu hết không hề được sự thẩm định của các giới chức có thẩm quyền. Nhiều người lợi dụng tình trạng tự do phát biểu và nghiên cứu để đưa ra những luận điểm không phù hợp với giáo lý của đức Phật.

   Nhìn chung, những thách thức của Phật giáo trong thời đại mới không phải ít. Do đặc tính uyển chuyển của Phật giáo, có vẻ như nhiều vấn đề không dễ giải quyết để đi đến thống nhất. Thật ra, nếu căn cứ vào một số lời dạy nền tảng của đức Phật mà cho đến nay những học phái chính có truyền thốnglâu dài vẫn công nhận thì không phải là không phân biệt được đâu là những luận điểm trái với giáo lý. Thật vậy, ít nhất người ta đều biết rằng đức Phật nhiều lần khẳng định ngài không hề giấu giếm điều gì về giáo pháp của ngài. Ngài phủ nhận bất kỳ một sự bí truyền nào. Mặt khác, ngài cũng có lần nói rằng những điều ngài biết giống như lá trong rừng nhưng những gì ngài giảng dạy cho đệ tử thì chỉ như nắm lá nằm trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, ngài nhiều lần nhắc nhở với các vị thánh đệ tử rằng giáo lý của ngài chỉ có môt vị, đó là vị giải thoát. Từ những lời dạy đó, có thể kết luận những gì ngài giảng đều thật sự cần thiết cho việc giải thoát của con người. Tất cả những gì cao xa huyền hoặc thuộc về vũ trụ luậnlà điều không cần phải nói đến. Và như ngài đã khẳng định, ngài là Phật đã thành còn chúng sinh đều là Phật sẽ thành, ngài đã cho loài người một xác tín rằng cứ tuân theo những lời dạy công truyền của ngài để được giải thoát thì cũng sẽ có được những hiểu biết như lá trong rừng của ngài, dù rằng loài ngườichỉ cần những hiểu biết bằng nắm lá trong lòng bàn tay ngài cũng đã đủ để đạt tới giải thoát.

                                                                                                QT

   Nắm được những điều tinh yếu như trên, chỉ cần các tổ chức Phật giáo đứng đắn trên toàn thế giớiliên kết lại với nhau để từng bước duyệt xét mọi tác phẩm viết về Phật giáo, sẽ đưa ra được những gì là phù hợp và cần thiết cho sự phát triển của Phật giáo trong thời đại mới.  

    Với những bước đi căn bản ấy, chắc chắn Phật giáo sẽ có nhiều đóng góp tích cực cho việc xây dựngmột xã hội loài người an lạc và hòa bình.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Thư viện

Pháp âm