SOKA hay A DỤC VƯƠNG (273-233 trước Tây Lịch) là một vị vua, nhân vật lịch sử vĩ đại không những đối với lịch sử Ấn Ðộ mà cả lịch sử thế giới. Ngài còn là một cư sĩ Phật tử “Hộ Pháp” có công đức nhiều với nhân loại trong việc phát huy, bảo vệ chánh pháp của đức Phật.
Sử chép rằng sau khi nghe tin vua cha băng hà, A Dục bấy giờ đang cai trị tiểu quốc Avanti (miền bắc Ấn Ðộ), cấp tốc kéo quân về vây hảm kinh đô Pataliputra, giết hết 99 người anh của mình, trong đó có thái tử Sumana là người mà vua cha Bindusara định truyền ngôi cho. Từ đó, A Dục Vương nổi danh như một hung thần bạo chúa, cai trị muôn dân bằng sắt máu. Ông dùng vũ lực xua quân đi xâm lăng các tiểu quốc lân bang để mở mang bờ cõi. Quân nhà vua đi tới đâu, cảnh lương dân bị chém giết, đẩy ải, nhà cửa bị đốt phá xảy ra đến đó. Khắp nơi dân tình khốn khổ vì nạn nghèo đói, bệnh tật, tù đầy, gây nên bởi những cuộc viễn chinh tàn bạo của A DụcVương. Do đó, nhà vua được người đời bấy giờ tặng cho cái tên Candasoka (A Dục Vương hung ác).
Rồi một hôm, đang ngồi một mình trên lầu trong cung điện, vua A Dục chợt nhìn qua khung cửa sổ, bắt gặp hình dáng một chú tiểu Sa Di tên Nigrodha trong chiếc áo cà sa vàng, với dáng điệu khoan thai đang đi khất thực dưới đường. Nhà vua bèn cho mời chú tiểu vào để thăm hỏi và vấn đạo. Sa Di Nigrodha sau đó đã thuyết giảng cho A Dục Vương nghe một đoạn kinh Pháp cú (Dhammapada) như sau: “Không phóng dật đưa tới bất tử; Phóng dật đưa tới đường tử sanh. Người không phóng dật thì không chết; Kẻ phóng dật thì sống như thây ma”. Nghe xong nhà vua liền thức tỉnh, phát tâm hồi đầu theo Phật. Từ đó, A Dục Vương bắt đầu thay đổi cuộc sống và quan niệm nhân sinh của mình. Nhà vua nghĩ đến sự chiến thắng, chinh phục nhân tâm bằng chánh pháp của đức Phật chứ không phải bằng những cuộc chiến tranh tàn bạo. Mặc dù vua A Dục đã theo Phật Giáo sau những ngày gặp Sa Di Nigrodha, nhà vua vẫn chưa diệt hẳn tham vọng bành trướng đất đai mãi đến sau trận chiến Kalinga (nay thuộc tiểu bang Orissa, miền đông Ấn Ðộ), với 100.000 người chết, và 150.000 người bị đày ải, vua A Dục mới thực sự ăn năn sám hối tội ác, gây nên bao thống khổ điêu linh cho muôn dân và từ bỏ hẳn con đường chinh phục thiên hạ bằng chiến tranh.
Từ ngày đó, vua A Dục nhất tâm quy y, phụng trì Tam Bảo, ngày đêm sám hối những tội lỗi mình đã gây ra và phát nguyện đem hết năng lực còn lại của đời mình để phụng sự Phật Giáo và nhân loại. Về xã hội, nhằm gây hạnh phúc cho nhân dân, nhà vua ra lệnh sửa sang đường sá, cầu cống; dọc đường trồng cây có bóng mát, xây dựng quán nghỉ ngơi, giếng nước, trạm phát thuốc cho người bệnh, người già, kẻ lỡ đường v..v….Về y tế, nhà vua cho thiết lập khắp nơi trong nước nhiều bệnh viện, không những để chăm sóc, chữa bệnh cho con người, mà cả đến loài vật.
Về tôn giáo, A Dục Vương chủ trương bao dung và tôn kính tất cả mọi tôn giáo cùng giúp đỡ cho các đạo giáo phát triển. Riêng với Phật Giáo, nhà vua tích cực bảo vệ, truyền bá chánh pháp của đức Phật, không những trong nước Ấn Ðộ và các quốc gia khác ở Á Châu, mà lan rộng cả đến Âu và Phi Châu. Vua A Dục muốn biến cải Phật Giáo bấy giờ thành tôn giáo chung của toàn thế giới.
Nhà vua đích thân đi chiêm bái các Thánh Tích Phật Giáo như vườn Lâm Tì Ni (Lumbini), nơi đức Phật đản sinh hơn 2.500 năm trước; Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh Gaya), nơi đức Phật tọa thiền chứng đạo dưới cội Bồ Ðề, vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên “Tứ Diệu Ðế” v..v….và tới đâu ngài cũng ra lệnh cho dựng các trụ đá để ghi dấu tích và kỷ niệm. Chính nhờ những trụ đá này mà về sau các sử gia nghiên cứu mới biết rõ được những di tích lịch sử liên quan đến đời sống và hoạt động của đức Phật thời xưa ở Ấn Ðộ.
Nhà vua cho xây cất rất nhiều chùa tháp, tu viện Phật Giáo trong nước, và giúp đỡ chư Tăng trong nhiệm vụ đưa giáo lý an lạc của đức Phật vào cuộc đời. Vua A Dục cũng khuyến khích cho hai người con của mình là hoàng tử Mahinda (Ma Hưng Đạt) và công chúa Sanghamitta xuất gia đi tu. Ðại đức Mahinda, người có công lớn trong việc mang Phật Giáo từ Ấn Ðộ sang truyền bá tại Tích Lan vào năm 247 trước Tây Lịch. Còn Ni Cô Sanghamitta, không lâu sau đó, theo lời khuyên của đại đức Mahinda, cũng vượt biển bằng thuyền qua Tích Lan để góp sức với anh mình trong việc phát huy truyền bá Phật Pháp tại đây.
Cùng đi với Sanghamitta, còn có 11 Ni Cô khác nữa. Sử chép rằng trong chuyến đi lịch sử này, sư cô Sanghamitta có mang theo một nhánh Bồ Ðề con chiết lấy từ cây Bồ Ðề chính ở Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh Gaya), nơi đức Phật Thành Ðạo xưa kia, đem trồng ở Anuradhapura, cựu kinh đô của Tích Lan (Sri Lanka). Cây Bồ Ðề hiện nay vẫn còn sống và theo học giả Phật tử người Anh, ông Christmas Humphreys, đây là cây Bồ Ðề lịch sử cổ nhất thế giới.
Nhưng sự đóng góp vĩ đại nhất của vua A Dục cho nhân loại là những pháp lệnh ngài chỉ thị cho khắc trên đá hoặc trụ đá dựng lên khắp toàn xứ Ấn Ðộ bấy giờ mà qua đó, giáo lý đức Phật được truyền thừa và lưu lại muôn đời cho các hậu thế chúng ta. Chẳng hạn pháp lệnh thứ VI khắc trên trụ đá ở thị trấn Banaras -Ba La Nại (thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn Ðộ) vào niên đại A Dục thứ 26, nói về cai trị theo chánh pháp: “Ðiều ta muốn nói là ta luôn nghĩ đến quyền lợi và hạnh phúc của thế giới. Ðối với cha mẹ, bà con quyến thuộc xa gần, ta muốn mang lại hạnh phúc cho họ”, và pháp lệnh thứ IV khắc trên núi đá vùng Girnar (thuộc tiểu bang Gujarat, miền tây Ấn Ðộ) ghi:“Nhờ sự thực hành chánh pháp của quốc vương, bạn của những thần linh, với cái nhìn bằng hữu, tiếng trống trận đã trở thành tiếng báo hiệu cho chánh pháp”, hoặc pháp lệnh thứ II khắc trên trụ đá ở thành Ba La Nại (Banaras) ghi: “…….Ta thành tâm sám hối về mọi lỗi lầm đã qua, và nhận thấy rằng chiến tranh xâm lăng lúc nào cũng gây nên chết chóc và tội ác. Dù số người đã bị giết, bị thương, bị bắt có trăm lần ít hơn số người bị tàn sát trong trận chiến Kalinga đi nữa, thì cũng là điều khiến cho ta ân hận lắm. Dù các tiểu quốc có phạm lỗi lầm gì thì bây giờ ta cũng phải nhẫn nhục đến cùng. Vì ta muốn tất cả mọi người đều có sự an lạc, yên tĩnh trong tâm hồn, và thương yêu với đồng loại”…
Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi rất tiếc không thể trình bày hết những đóng góp lớn lao của vua A Dục cho con người trên nhiều lãnh vực: chính trị, văn hóa, tôn giáo và xã hội v..v…..Dù nhà vua đã mất gần 2.238 năm về trước, nhưng gương sáng của ngài sử sách cổ kim vẫn còn truyền tụng và tên của A Dục Vương vẫn được ghi nhớ mãi trong lòng mọi thế hệ nhân loại và nhất là trong hàng Phật tử hậu sinh chúng ta. Chính không phải do những chiến thắng bằng vũ lực tàn bạo của A Dục đại đế mà là nhờ bởi những việc làm phước thiện của nhà vua đã thực hiện cho muôn dân xã hội Ấn Ðộ bấy giờ, sau khi ngài biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình đã gây ra và quay đầu về với chánh pháp của đức Phật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Asoka, The Buddhist Emperor of India, by Vincent A. Smith, Low Price Publications, Delhi ( India), 1930.
2. 2500 Years of Buddhism, Editor: Prof. P.V. Bapat, Publications Division, Government of India, Delhi, 1964.
3. Encyclopaedia of Buddhism, Vol. II, Edited by Dr. G.P. Malalasekera, Government of Ceylon ( Sri Lanka), Colombo, 1967.
4. Royal Patronage of Buddhism in Ancient India, by Kanai Lal Hazra, D.K.Publications, New Delhi ( India), 1984.