Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Image result for hinh anh ht nhu dien

Sở dĩ kỳ nầy tôi lấy đề tài hơi dài như vậy, vì sau khi Thầy Trò chúng tôi đã ở tại Tu Viện Vô
Lượng Thọ, nơi Thầy Hạnh Tấn Trụ Trì gần một tuần lễ để dịch quyển “Giới Đàn Tăng” của Cố
Hòa Thượng Thích Thiện Hòa sang tiếng Đức, nhằm giúp cho các thế hệ đi sau ở ngoại quốc nầy
dễ hành trì khi trao truyền các giới như: Ngũ giới, Sa Di, Sa Di Ni, Bát Quan Trai giới, giới Bồ
Tát Xuất Gia và tại gia, giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni cho người Đức cũng như người Việt dễ hiểu
hơn, đồng thời cũng để tán dương công hạnh của chư Tổ Sư Việt Nam đã truyền thừa qua các
thời đại, không giống hệt những Tổ Sư khác của Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn hay Tây Tạng,
mà chúng ta có một văn hóa riêng, một ngôn ngữ riêng, khi đã xay nhuyễn từ chữ Hán như Phật
giáo Nhật Bản đã làm lâu nay. Kế đó chúng tôi lái xe sang thủ đô Phraha của Tiệp Khắc vào cuối
tuần từ ngày 21 cho đến ngày 24 tháng 2 năm 2020 vừa qua. Trước đó phái đoàn chúng tôi cũng
đã có ghé thăm Chùa Giác Ý của Thầy Hạnh Tâm tại Zwickau, Tịnh Thất nơi Thầy Hạnh Nhơn
ở tại Muda và trên đường đi Finsterwalde ở Pechhutte cũng như địa phương điện ảnh nổi tiếng
Karlovy Vary(Karlsbad) cả hai nơi đều có Tu Viện Pháp Quang và Pháp Quang Chơn Pháp do
Thầy Thích Pháp Nhật Trụ Trì. Nơi rừng rậm và những cánh đồng hoang, ở tận chỗ rừng tối
tăm(Finsterwalde)như thế, mà có ánh sáng Phật Pháp để cho những người Việt và Đức theo học
Thiền thì quả thật là quá tuyệt vời rồi. Hôm đó là ngày 22 tháng 2 năm 2020. Ngày nầy, tháng
nầy, năm nầy có đến 5 con số 2 và cũng là ngày tôi đã ở ngoại quốc đúng 48 năm, và khi quý vị
đọc bài nầy của tôi viết thì đã sang năm thứ 49 mà tôi đã ở ngoại quốc rồi. Đó cũng là vô thường
vậy. Vì ngày 22/2/1972 khi tôi rời nước Việt sang Nhật Bản du học, thì tôi cũng đã chẳng nghĩ
rằng mình phải ở lại ngoại quốc cho đến ngày hôm nay. Chỉ còn gần 2 năm nữa là tôi sẽ ở ngoại
quốc được nửa thế kỷ rồi còn gì nữa. Ở đây cũng có sự trùng hợp lạ thường là trưa đó Thầy Pháp
Nhật dẫn phái đoàn Thầy trò chúng tôi đến nhà hàng Mr. Tokyo chưa khai trương, để dùng trưa
theo truyền thống cơm chay của Nhật Bản gồm Sushi, cơm bì và tráng miệng theo phong thái
Nhật. Người ta sẽ dễ bị gợi nhớ lại khi một sự kiện gì đó trong quá khứ hiện trở về, nên hôm đó

tôi đã phóng bút viết tặng bằng chữ Hán Nhật như: Đa Phúc, Đa Lộc, Đa Thọ, Đa Tài để tặng
cho chủ nhà hàng và thầm cầu nguyện cho cửa hàng nầy luôn buôn may bán đắc.

Chiều tối hôm ngày 22/2/2020, phái đoàn chúng tôi đã đến thành phố điện ảnh Karlovy
Vary(Karlsbad) vốn khá nổi tiếng tại xứ cách mạng mùa Xuân nầy. Khi nói đến thành phố nầy
bằng tiếng Tiệp hay cả tiếng Đức, mọi người không ai là không biết. Trước biên giới giữa Đức
và Tiệp có một địa phương được gọi là Schwarzenberg(Núi Đen) và khi đến biên giới thì thấy vô
số hàng hóa áo quần do người Việt Namđiều hành phân phối. Chỉ cách có một biên giới thôi,
nhưng cách sống của người Việt ở hai nước khác nhau vô cùng. Ở Đức đa phần người tỵ nạn hay
những du học sinh trước đó đều được vào làm trong các hãng xưởng hay các cơ quan chính
quyền. Ngược lại ở Tiệp Khắc đa phần người Việt Nam đến đây bằng lao động chân tay, nên sau
cách mạng nhung của Tiệp Khắc vào năm 1989, họ đã ra kinh doanh tự túc và lập nên những cửa
hàng dã chiến tạm bợ để sống qua ngày. Chỉ có thế hệ thứ hai, con cái của họ được sinh ra tại nơi
đây, chúng khá thành công trong vấn đề học vấn, nên hầu như không có thanh niên nam nữ nào ở
thế hệ thứ hai nầy muốn tiếp tục công việc buôn bán của cha mẹ chúng nữa. Chỉ mới một thế hệ
thôi, mà đã có nhiều thay đổi như vậy.

Sáng sớm ngày 23/2/2020, Thầy Trò chúng tôi sau thời Lăng Nghiêm lại lên đường hướng về
Phraha để đến chùa Quan Âm, nơi Thầy Quảng Chánh Trụ Trì. Phraha tôi đã một lần đến, cách
đây chừng 25 năm về trước và hôm nay là lần thứ hai. Vẫn những cánh đồng bát ngát trải dài
như xưa cũ, nhưng đường sá bây giờ có phát triển hơn. Tuy xa lộ chưa được trải nhựa hết từ
Karlsbad, nhưng nay mai chắc chắn xa lộ sẽ được nối liền thẳng tắp từ đó cho đến thủ đô quan
trọng nầy. Nước Tiệp chỉ có độ trên dưới 10.000.000 dân, trong khi đó có đến 60.000 người Việt
Nam sang đây lao động, buôn bán làm ăn và tất cả hầu như đều tập trung tại Phraha. Nơi đây có
trung tâm thương mại SAPA và các chùa Vĩnh Nghiêm, Quan Âm v.v… tuy nói là chùa, nhưng
trên thực tế chỉ là những căn nhà thuê tạm để chờ cơ hội phát triển lớn mạnh hơn, khi những Phật
tử ở đây đã có đầy đủ điều kiện vật chất. Tại chùa Quan Âm chúng tôi đã chia sẻ pháp thoại về
những ngày lễ vía Phật và Bồ Tát trong tháng hai âm lịch mỗi năm, cũng giống như tại Karlsbad
chúng tôi đã nói về Thiền Phái Trúc Lâm, hay ở Finsterwalde chúng tôi trao đổi về Tiểu Tam Tai
và Đại Tam Tai theo “Phật nói Luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới”. Cả ba nơi nầy Thầy
Hạnh Giới, Thầy Hạnh Bổn, Thầy Thông Triển cũng đã chia sẻ những câu trả lời đến với Quý
Phật tử hiện diện.

Buổi chiều ngày 23/2/2020, Phái đoàn chúng tôi được Thầy Quảng Chánh và các Phật tử địa
phương dẫn thăm phố cổ Phraha, cầu Vua, xem đồng hồ cổ và chochim trời ăn v.v… đây là
những kỷ niệm thật khó quên khi nhớ lại những ngày ở Tiệp Khắc lần nầy. Đồng hồ mỗi giờ có
con gà trống ở bên trên lầu thò đầu ra gáy và 12 Thánh Tông Đồ chạy quanh đủ 12 lần quay của
kim giờ trong vòng một phút và cứ như thế ngày đêm 24 lần và mỗi lần như vậy có cả hằng trăm,
hàng ngàn người đến từ khắp nơi trên thế giới tập trung tại quảng trường nhỏ hẹp nầy chỉ để xem
con gà gáy mà thôi. Không biết về đêm thì như thế nào, nhưng chắc rằng dầu cho con người thức

hay ngủ thì con gà trống kia vẫn ra chào khách đúng 24 lần như vậy trong một ngày, một đêm.
Chắc rằng đồng hồ nầy cũng bị sự vô thường chi phối trong nhiều thế kỷ qua; nhưng người ngồi
giật giây chuông đồng hồ vẫn kiên nhẫn kéo lên nhấn xuống nhiều lần như thế trong ngày, trong
tháng, trong năm cho đến khi chỉ còn những đốt xương hiện nguyên hình như thế, mà ông ta vẫn
không dám lơ là về nhiệm vụ kéo giây thiều của mình. Tiếp đến phái đoàn chúng tôi đi xem cây
cầu Vua, mà đa phần người Việt Nam sinh sống tại đây đều gọi là cây cầu Tình, vì ở bên cạnh
cây cầu nầy, những đôi nam nữ yêu thương nhau thường hay đến đây tự khóa chiếc khóa bằng
sắt vào thành cầu để chứng minh cho sự chung thủy của họ. Nó cũng giống như chiếc cầu Tình
trên sông Seine tại Paris vậy. Cả hằng ngàn, hằng vạn ổ khóa đã được khóa chặt trên thành cầu
nầy, nhưng không biết đã có được bao nhiêu cặp giữ lại được ổ khóa tình duyên ấy cho đến khi
đầu bạc răng long và cũng không biết có bao nhiêu người đã ngựa sang đường mới? Việc nầy chỉ
có người trong cuộc mới biết được, còn chúng ta là khách bàng quan, chỉ đến đây một lần rồi từ
giã thành phố thơ mộng nầy, thì làm sao chứng thực được rõ ràng những lời thề non hẹn biển ấy.
Gió lộng làm chúng tôi xuýt xoa thân phận của những kẻ đang qua cầu và năm nay ở Âu Châu
hầu như không có nơi nào tuyết rơi, chỉ trừ trên núi cao nên những chuyến thám hiểm như vậy,
quả thật còn thiếu độ lạnh của tuyết nữa, nếu có tuyết thì lúc ấy mới thật là ý vị vô cùng. Cuối
cùng thì đoàn đã đến dưới mé sông để cho những con Thiên Nga, Hải Âu, Bồ Câu, Rái Cá và Vịt
ăn bánh mì… chúng hôm ấy được một bữa no nê như chưa bao giờ trong mùa Đông lạnh giá mà
được con người quan tâm chia sẻ với chúng về cái ăn như vậy. Những con Hải Âu đớp mồi thật
giỏi, dầu cho ai đó cóliệng khúc bánh mì to hay nhỏ lên giữa không trung, chúng cũng có thể đớp
một cách chính xác trước khi miếng bánh mì ấy rơi xuống dưới mặt nước.Saukhi về lại chùa
Quan Âm, phái đoàn chúng tôi định sáng mai sớm lái xe trở về lại Hannover, nhưng qua sự
thuyết phục của một số các Phật tử địa phương, chúng tôi không thể không đi xem nhà thờ làm
bằng xương và sọ người tại Sedlec, cách Phraha chừng 60 cây số và độ chừng một tiếng đồng hồ
lái xe thì đến. Thầy trò chúng tôi bàn nhau là phải nên đi, vì cơ hội đến lần nữa, chưa biết là khi
nào.

Từ Phraha đi đường ngoằn ngoèo đến địa phương nầy cũng tốn ít nhất là 90 phút, nhưng nếu đi
bằng quốc lộ thì chỉ tốn chừng 60 phút mà thôi. Trên đường đi, dọc theo các làng mạc, nơi đây
cũng không khác gì xứ Đức là mấy. Nghĩa là những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những rừng
thông xanh mướt, mặc cho gió bấc hay lúc Đông sang…thỉnh thoảng mới thấy một vài ngôi nhà
nhỏ thấp hiện ra, nhưng chỉ cần một thoáng mở mắt ra là thấy một thành phố cổ mang tên
Sedlec. Nơi đây có vương cung Thánh Đường Maria và tòa giải tội St. Johannes. Nhà thờ nầy
nằm ngay trên nghĩa địa, trong đó chứa rất nhiều bộ xương người cùng đầu lâu và những xương
khác. Vương Cung Thánh Đường nầy được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào
năm 1995. Đọc qua lịch sử nơi đây thì được biết rằng nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ thứ 12,
năm 1142 (lúc ấy Việt Nam chúng ta đang là Triều Lý) và bên cạnh nhà thờ là nghĩa địa. Đến
năm 1318 có nạn đói dữ dội đã có đến 30.000 người chết và được đem chôn tập thể tại nghĩa địa
nầy. Đến đầu thế kỷ thứ 15 qua cuộc chiến canh cải của Johann Hus về xã hội, Tôn Giáo và
chính trị đã có 10.000 người chết cũng được chôn tại nghĩa địa nầy. Đến cuối thế kỷ thứ 15 thì
được ký thác vào đây tất cả là 60.000 hài cốt. Tất cả đều nằm dưới đất của nhà thờ và nghĩa địa.
Đến thế kỷ thứ 18 khi người ta sửa chữa lại ngôi Thánh Đường thì phát hiện thấy một số hài cốt

lộ diện lên, vào thời gian nầy gia đình Ông Schwarzenberg là sở hữu chủ và năm 1870 Ông J. B.
Santini-Aichl đã cho tu bổ lại bằng cách là cho nối kết tất cả những mảnh xương sọ, xương bả
vai, xương chậu của những người đã chết v.v… trở thành một nhà thờ nhỏ nằm dưới từng trệt
của Vương Cung Thánh Đường nầy.

Nếu ai đó sợ ma thì không nên đến chỗ nầy. Nếu đến đây vào ban đêm thì chắc còn rùng rợn hơn
nữa. Bởi lẽ người chết có thể hiện về bất cứ lúc nào, nếu có sự tưởng tượng. Vì lẽ những người
chết ấy chắc rằng hồn của họ sẽ không siêu thoát, dầu cho tín ngưỡng nào đi chăng nữa thì
chúng ta cũng nghĩ tương tự như vậy. Bởi họ là những người không và chưa muốn chết, nhưng
vì dịch bệnh hay chiến tranh nên thân thể họ mới ra như vậy. Đến đây để chúng ta nhớ lại những
nhà tù của Đức Quốc Xã giết mấy triệu dân Do Thái ở Dachaus, Berlin, Ba Lan, Tiệp Khắc
v.v… cũng như Pol Pot của Cao Miên hay Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế do cộng sản Việt
Nam thủ tiêu những người vô tội. Chúng ta chỉ biết cúi đầu để tưởng niệm và nhớ ơn họ cũng
như tiếc thương cho họ có một cuộc đời ngắn ngủi trên trần thế nầy. Do vậy chư Phật và chư Tổ
Sư mới gọi là Vô Thường. Sự Vô thường về sống chết, già bịnh nó không đợi chờ người nào cả.
Chỉ có những người còn phước báu thì còn có thể chống cự lại những nỗi khổ đau nầy để tiếp tục
sống và trả nghiệp của mình; còn những người được gọi là xấu số đó, biết đâu trong đống xương
cốt kia cũng là của chính mình đã qua thời gian năm tháng đi đầu thai rồi trở lại mà mình không
nghe, không biết đấy thôi. Nếu ai đó muốn rõ, hãy đọc kinh Báo Ân Phụ Mẫu thì sẽ thấy tại sao
Đức Phật lại đi lạy một đống xương khô. Vì Ngài cho rằng trong đó có cả Ông Bà Cha Mẹ của
mình và đôi khi cũng chính là xương của mình trong bao đời xa xưa còn sót lại đó nữa. Cho nên
sự vô thường nầy nó không luận là ai cả, trên từ các bậc Quân vương, Hoàng hậu, dưới cho đến
những người khố rách áo ôm v.v… tất cả đều phải chết khi chúng ta đã có sự sinh ra.

Sự mất mát qua hình hài thể xác đó, Tổ Quy Sơn nhắm vào bốn chữ “sớm còn, tối mất” là như
thế. Chỉ trong một sát na, một hơi thở mà thôi. Khi hít vào mà không thở ra thì đó gọi là chết.
Cuộc sống của chúng ta sẽ sang trang. Hỏi là bao giờ? Thì nào ai có thể trả lời được. Bởi vì mới
sáng đó thì còn, nhưng tối đến lại mất. Đúng là một sát na chứ còn gì nữa. Đoạn sau của câu văn
Cảnh Sách còn hay hơn nữa. Ngài đã ví dụ rằng: “Nó giống như sương của mùa Xuân, móc ban
mai; chốc lát liền không, như cây bên bờ vực, như những giây leo mọc trên vách giếng, làm sao
có thể lâu bền được?” Nếu ai đó sống lạc quan mà nghe đến đoạn văn nầy thì bảo rằng tại sao
chư Tổ Sư lại bi quan như vậy? Đây đúng là mặt thật của pháp vô thường mà mấy ai có thể thẩm
thấu được. Nếu có, đó chỉ là của người khác chứ không phải của mình. Cho hay sanh tử là đại sự
nhân duyên. Nhân duyên ấy tùy thời gian và không gian mà xuất hiện. Nó có thể xảy ra trước ta
như ở tại địa phương Sedlec nầy, tại Huế, tại Cam Bốt, tại Dachaus ở Đức hay tại nhiều nơi trên
thế giới trong tương lai. Bởi vì ai sinh ra rồi cũng phải chết, dầu cho có sống đến hơn 100 năm ở
cõi người hay nhiều ngàn năm ở cõi chư Thiên, khi phước hết, nghiệp hiện ra thì con người, chư
Thiên, A Tu La v.v… cũng phải chịu chung sự Vô Thường ấy chi phối mà thôi.

Nhìn gương người xưa để lại trên thế gian nầy để chúng ta học những bài học luân lý đạo đức
như trong quyển Mục Vụ số 383 tháng 3 năm 2020 xuất bản tại Thụy Sĩ trang 48 có viết một câu
chuyện ngắn rất hay như sau: Đề tài là“Suy ngẫm về giá trị con người. “ Nhà toán học Ả Rập vĩ
đại Al Khawarizmi khi được hỏi về giá trị của con người, đã trả lời:
. Nền tảng con người là đạo đức, nếu có Đạo Đức, thì giá trị của bạn là 1.
. Nếu cũng thông minh, thêm một số 0 và giá trị của bạn sẽ là 10.
. Nếu cũng giàu có, thêm một số 0 nữa và giá trị của bạn sẽ là 100.
. Nếu trên tất cả, bạn lại còn xinh đẹp, lại thêm một số 0 và giá trị tổng thể sẽ là 1000.
. Nhưng nếu bạn bị mất số 1, tương ứng với mất đạo đức, bạn sẽ mất tất cả giá trịvà giá trị của
bạn chỉ còn là số 0.

Đọc qua đoạn nầy tôi thấy rất hay dầu cho sự sưu tầm ấy được đăng trên báo Mục Vụ của
Katholische Vietnamesischen-Mission ở Thụy Sĩ mà lâu nay Linh Mục Giuse Phạm Minh Văn
đã gửi biếu tôi hằng tháng và tôi đã đọc từ đầu chí cuối, ngoại trừ phần giáo lý và chắc rằng đây
là câu chuyện của người Hồi Giáo chứ không phải của những người theo tôn giáo khác, nhưng
dẫu cho tôn giáo nào đi chăng nữa thì ngày hôm nay ở thế kỷ thứ 20, 21 nầy, chúng ta đã có
những buổi gặp mặt, thảo luận về đa tôn giáo tại quê hương nơi chúng ta đang sống thì tôi hay ví
dụ rằng: “Nó cũng giống như trong một vườn hoa, nếu chúng ta chỉ có một loài hoa nở thì chắc
rằng sẽ không đẹp bằng trong đó có nhiều bông hoa khác tươi thắm như Thược Dược, Cẩm
Chướng, hoa Sen v.v… khoethêm sắc thắm khi nở hoa, thì vườn hoa ấy sẽ được nhiều người
quan tâm và đến để thưởng ngoạn giá trị tâm linh cho mỗi người. Trong đó có giá trị đạo đức mà
con người không thể nào bỏ ra ngoài tai được.

Viết xong vào lúc 12 giờ trưa ngày 28 tháng 2 năm 2020 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover
Đức Quốc để kỷ niệm chuyến đi Đông Đức và Tiệp Khắc trong thời gian vừa qua.
Sửa lỗi đánh máy: Phật Tử Thanh Phi

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm