Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Inline image

Hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn về cô con gái của người thợ dệt. Chuyện này xảy ra vào thời kỳ Đức Phật còn hiện tiền. Từ câu chuyện này chúng ta có thể học được một số bài học. Chúng ta học được rằng: cần phải hành thiền tích cực, tinh tấn, chuyên cần, đồng thời cũng học được bài học chánh niệm về sự chết.

Một ngày nọ, Đức Phật đến thành phố Savāthi. Dân chúng đón chào và mời Ngài dùng cơm trưa. Sau khi dùng cơm xong, Ngài thuyết pháp. Đức Phật đã dạy cho họ "quán tưởng về sự chết" hay "niệm về sự chết". Niệm về sự chết là một trong bốn mươi đề mục của Thiền Định chứ không phải là Thiền Minh Sát. Tuy nhiên, niệm về sự chết giúp ích cho việc hành Thiền Minh Sát. Khi Đức Phật khích lệ người dân ở đó hành thiền niệm về sự chết, Đức Phật dạy:

"Các con phải quán tưởng về sự chết. Đời sống thật bấp bênh. Cái chết là điều chắc chắn. Chúng ta chắc chắn sẽ chết, chết sẽ chấm dứt sự sống của chúng ta. Đó là cách mà chúng ta hành thiền niệm về sự chết".

Chú giải dạy rằng:

"Người hành thiền niệm về sự chết sẽ gặt hái được nhiều lợi ích".

Người không quán tưởng về sự chết thì sẽ sợ hãi khi sắp chết giống như một người gặp rắn mà trên tay không có một cái cây nào thì sẽ rất run sợ. Nhưng người hành thiền niệm về sự chết không run sợ khi sắp chết. Người đó chẳng khác nào một người đang đi trên đường trên tay có cây gậy, khi gặp rắn họ không lo sợ mà họ có thể dùng cây gậy vít con rắn lên và vất ra khỏi đường. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta chánh niệm về sự chết để coi thường cái chết và không sợ chết nữa. Có một điều lạ lùng là càng niệm về sự chết thì càng không sợ chết. Nhiều người nghĩ rằng, càng niệm về sự chết thì sợ chết hơn. Nhưng sau khi thực hành họ thấy rằng niệm về sự chết thì lại không sợ chết, chẳng phải hoàn toàn không sợ sự chết, nhưng ít nhất sự sợ chết cũng giảm đi phần nào. Niệm về sự chết nhiều lần, chúng ta trở thành quen thuộc với sự chết và có thể đối diện với sự chết mà không lo sợ. Như vậy, phương pháp của Đức Phật là đối diện với sự chết hơn là chạy thoát khỏi cái chết. Đức Phật dạy chúng ta đối diện với nghịch cảnh, đương đầu với nghịch cảnh chứ không trốn chạy. Đây là phương cách đối xử với nghịch cảnh, hoàn toàn khác biệt với phương cách đối trị của người đời.

 

Inline image

 

Người đời không muốn nghe về sự chết, họ cũng không muốn nghĩ về sự chết. Mặc dầu họ không muốn nghe hay nghĩ đến cái chết, nhưng cái chết là điều chắc chắn, và một ngày nào đó cái chết sẽ đến, chúng ta không thể nào trốn chạy được. Như vậy cách tốt nhất là phải chuẩn bị cho cái chết hơn là trốn chạy tử thần, bởi vì giờ phút cuối cùng rồi cũng sẽ đến.

Đức Phật đã dạy cho rất đông thính chúng tại Savāthi hành thiền quán niệm về sự chết. Nhưng sau khi nghe những lời dạy của Đức Phật chẳng ai chịu thực hành. Không ai xem lời dạy của Đức Phật về sự chết là quan trọng, và không ai nghiêm túc thực hành. Họ đi theo đường lối của họ và quên hẳn những lời dạy của Đức Phật. Chỉ có một cô gái mười sáu tuổi, con người thợ dệt, nghe theo lời Đức Phật, thực hành quán tưởng về sự chết hàng ngày, và cô đã thực hành được ba năm. Ba năm sau, Đức Phật trở về lại thành phố Savāthi để dạy dỗ tiếp cho cô gái.

Một ngày nọ, khi Đức Phật dùng trí tuệ quán xét tất cả chúng sinh trên thế gian, tìm xem chúng sinh nào duyên lành chín muồi có thể giác ngộ. Cô bé này đi vào tầm nhìn của Ngài. Đức Phật biết cô gái có đủ khả năng để giác ngộ, và vào buổi giảng hôm nay Đức Phật sẽ tán dương cô gái khi cô ta trả lời đúng bốn câu hỏi của Ngài. Khi Ngài đến thành phố Savāthi, dân chúng mời Ngài dùng cơm trưa. Sau khi dùng cơm xong Đức Phật ngồi chờ cô gái. Mặc dầu có hàng ngàn, hàng vạn người đang đợi chờ Đức Phật giảng pháp, nhưng Ngài vẫn không nói một lời nào khi không có mặt cô gái ở đó. Đức Phật nghĩ rằng:

"Như Lai vì lợi ích của cô gái mà đến đây, nhưng cô gái chưa đến".

Ngài vẫn yên lặng đợi cô gái. Khi Đức Phật không nói thì không một ai dám nói một lời nào. Tất cả đều yên lặng.

Cô gái nghe tin Đức Phật đến rất vui mừng. Cô có lòng nhiệt thành với Đức Phật. Cô rất kính thương Ngài và xem Ngài như cha ruột của mình. Cô hân hoan đi đến gặp Ngài để nghe lời dạy của Ngài. Đầy lòng kính mến và tin tưởng, cô gái hân hoan chuẩn bị đến gặp Phật và có cảm tưởng như sắp gặp lại người cha kính yêu của mình.

Nhưng lúc cô sắp sửa đi thì người thợ dệt, cha ruột cô, nói với cô ta:

"Cha đang dệt dở dang tấm vải, và ngày hôm nay cha phải dệt cho xong để giao cho khách. Con hãy mau mau đánh suốt chỉ cho cha".

Nghe người cha nói thế, cô gái nghĩ rằng:

"Ta muốn gặp Đức Phật để nghe những lời dạy dỗ của Ngài, nhưng cha ta bảo ta phải đánh chỉ. Bây giờ ta phải làm thế nào đây?. Ta nên đến nghe Đức Phật thuyết pháp hay nên đánh chỉ".

Cô lại nghĩ tiếp:

"Nếu ta không đánh chỉ cho cha ta, cha ta sẽ không làm xong tấm vải để giao cho đúng hẹn. Vậy trước tiên ta hãy đánh chỉ, sau khi đánh chỉ xong ta sẽ đến nghe Đức Phật thuyết pháp".

Suy nghĩ như thế nên cô đi đánh chỉ, rồi đặt chỉ vào rổ đem đến tiệm dệt cho cha cô. Trên đường đi đến tiệm dệt, cô đi ngang qua chỗ Đức Phật thuyết pháp. Cô dừng chân ở bên ngoài đám đông và nhìn Đức Phật. Đức Phật thấy cô bé từ đàng xa, Ngài nhìn cô ta với cặp mắt thật từ ái. Cô có cảm tưởng như Đức Phật muốn nói với cô là Ngài muốn cô lại gần hơn. Thế là cô gái bỏ rổ chỉ xuống và đi đến gần Ngài. Lúc cô đến gần, Đức Phật hỏi cô gái bốn câu hỏi:

Đức Phật hỏi:
"Con từ đâu đến?"

Cô gái trả lời:
"Bạch Ngài. Con không biết".

Đức Phật hỏi câu thứ hai:
"Con sẽ đi về đâu?”.

Cô gái trả lời:
"Bạch Ngài. Con không biết".

Đức Phật hỏi câu thứ ba:
"Con không biết thật sao?”.

Cô gái trả lời:
"Bạch Ngài. Con biết".

Câu cuối cùng là:
"Con biết thật sao?".

Cô gái trả lời:
"Bạch Ngài. Con không biết".

Nghe cô gái trả lời như vậy, quần chúng rất bất bình. Họ nghĩ:

"Cô bé này muốn nói gì thì nói. Cô nói như đùa chơi. Không tôn trọng Đức Phật".

Trước thái độ trả lời như nhát gừng của cô bé, quần chúng không hài lòng và tỏ vẻ phản đối. Đức Phật bảo quần chúng im lặng, và Ngài hỏi tiếp cô bé:

"Khi Như lai hỏi: "con từ đâu đến". Tại sao con trả lời là "con không biết".

Cô gái nói:

"Bạch đức Thế Tôn, Ngài biết hết mọi chuyện, cho nên Ngài biết con từ đâu đến. Con đến từ nhà con, cha con là người thợ dệt. Con biết Ngài biết điều đó, nên khi Ngài hỏi câu này con nghĩ rằng Ngài muốn hỏi: "Từ kiếp sống nào con đã tái sinh lại đây". Bởi vì con chẳng biết từ đâu con tái sinh đến đây, nên con trả lời là "con không biết".

Nghe cô gái trả lời như vậy, Đức Phật rất hài lòng. Ngài nói:

"Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng câu hỏi của Như lai".

Đức Phật khen ngợi cô đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài, rồi Đức Phật hỏi câu kế tiếp:

"Khi Như lai hỏi: "Con sẽ đi về đâu". Tại sao con trả lời là "con không biết".

Cô gái lại trả lời:

"Bạch Ngài. Ngài biết rằng từ đây con sẽ đi về chỗ dệt vải của cha con. Con biết Ngài biết điều đó, nên khi Ngài hỏi câu này con nghĩ rằng Ngài muốn hỏi: "Con sẽ tái sinh về đâu khi con từ bỏ đời sống này", và điều này con không biết nên con trả lời với Ngài là "con không biết".

Đức Phật lại khen ngợi cô bé:

"Lành thay, lành thay".

Và Ngài nói rằng cô đã trả lời đúng câu hỏi của Ngài.

Đức Phật lại nói tiếp:

"Khi Như Lai hỏi: ‘Con không biết thật sao?’ Tại sao con trả lời là ‘con biết’ ”
Cô gái nói:

"Bạch Đức Thế tôn, khi nghe Ngài hỏi câu "Con không biết thật sao?" Con nghĩ rằng Ngài muốn hỏi con "Có thật là con không biết cái chết chắc chắn sẽ đến với con chăng?" Con biết rằng con sẽ chết nên con trả lời là "Con biết”.

Đức Phật lại nói: "Lành thay, lành thay" để tán dương cô gái. Rồi Ngài lại hỏi tiếp:

"Khi Như lai hỏi ‘Con biết thật sao?’. Tại sao con lại trả lời là ‘Con không biết’”.

Cô gái nói:

"Bạch Đức Thế Tôn, khi nghe Ngài nói câu ‘Con biết thật sao?’ Con nghĩ rằng: mặc dầu con biết cái chết chắc chắn sẽ đến với con, nhưng con không biết lúc nào cái chết sẽ đến. Con không biết buổi sáng, buổi chiều, tháng này hay tháng tới con sẽ chết. Vì con không biết lúc nào cái chết sẽ đến nên con trả lời là con không biết".

Đức Phật lại khen ngợi:

"Lành thay, lành thay, con đã trả lời đúng câu hỏi của Như Lai".

Đức Phật lại khen tặng cô gái.

Sau khi nghe cô gái trả lời bốn câu hỏi. Đức Phật nói với quần chúng:

"Các con không biết ý nghĩa câu hỏi của Như Lai, bởi vậy các con chỉ trích cô gái này, nhưng cô gái lại hiểu ý nghĩa câu hỏi của Như Lai. Cô ấy đã trả lời đúng. Người nào không có huệ nhãn, không có trí tuệ, là kẻ mù. Người nào có được huệ nhãn mới là người hiểu biết".

Tiếp theo Đức Phật lại nói một câu kệ:

"Thế gian như kẻ mù, chỉ một số ít có sự thấy rõ, chẳng khác nào những con chim bị lưới sập, chỉ một số ít thoát khỏi nạn tai".

Inline image

 

Ở đây Đức Phật nói thế gian này mù tối có nghĩa là phần lớn chúng sinh trong thế gian không thông minh, phần lớn chúng sinh không có trí tuệ; vì thế, thế gian mới tăm tối. Điều này có nghĩa rằng: ít ai biết được cách hành Thiền Minh Sát và thấy rõ chân tướng của sự vật. Người biết hành Thiền Minh Sát thấy rõ chân tướng của sự vật rất ít ỏi, người được tái sinh vào cõi trời và những người đạt Niết Bàn rất ít giống như chỉ có một số chim thoát khỏi lưới sập của người thợ săn. Sau khi chấm dứt xong bài kệ này cô gái đắc quả Tu Đà Hoàn.

Trong câu chuyện này, trước tiên cô gái có thể trả lời những câu hỏi của Đức Phật một cách đúng đắn, đúng như những gì Ngài muốn hỏi, đúng theo ý định của Ngài; bởi vì cô gái đã hành thiền quán tưởng về sự chết trong vòng ba năm. Bởi thế khi Đức Phật hỏi:

"Con không biết hay là con biết". Cô gái có thể trả lời câu hỏi của Đức Phật. Nếu cô không hành thiền thì cô không thể nào trả lời câu hỏi của Đức Phật một cách đúng đắn được, và ngay cả việc đi tới gặp Đức Phật cô cũng không đi nữa. Bởi vì cô đã tinh tấn hành thiền trong ba năm, và cô có đức tin nhiệt thành vào Đức Phật, nên khi Ngài đến thành phố mà cô đang cư ngụ, cô quyết định phải gặp Đức Phật ngay.

Chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của việc hành thiền thường xuyên. Không phải chỉ hành thiền một, hai ngày rồi bỏ qua, hai ba tháng sau mới tiếp tục. Hành thiền tùy hứng, không đều đặn thì không tạo được đà tiến bộ. Chúng ta phải thường xuyên giữ chánh niệm có nghĩa là hàng ngày lúc nào cũng chuyên cần tinh tấn chánh niệm. 

Như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải liên tục chánh niệm hàng ngày, chuyên cần chánh niệm chứ không phải lâu lâu mới chánh niệm một lần. Nếu chúng ta có sự ước mong, tha thiết, có tâm cương quyết hành thiền dầu ở bất cứ nơi nào thì chúng ta sẽ thành công. Ở những xứ Tây Phương, người ta than phiền rằng họ quá bận rộn không đủ thì giờ để hành thiền. Thật ra, nếu họ cương quyết phải hành thiền với bất cứ giá nào thì họ sẽ tìm ra thì giờ để hành thiền. Vậy, điều quan trọng là phải quyết tâm và chuyên cần hành thiền mỗi ngày. Tiếp theo là phải niệm về sự chết. Mặc dầu niệm về sự chết là hành thiền định, nhưng đây là loại thiền rất tốt cần phải thực hành. 

 

Inline image

Một điều nữa tôi muốn nói đến là khi bạn đọc những câu chuyện như câu chuyện này, bạn thấy rằng vào phần cuối, sau khi Đức Phật nói xong bài kệ bốn câu, mỗi câu tám chữ hay tám âm, nhiều người nghe đã đắc quả. Dường như họ đắc quả một cách dễ dàng sau khi nghe câu kệ chỉ có ba mươi hai chữ hay ba mươi hai âm. Ba mươi hai chữ khi nghe phải tốn bao nhiêu thời gian? Chắc khoảng mười hay hai mươi giây. Chỉ nghe một câu kệ mười hay hai mươi giây mà đắc quả. Nghe câu chuyện này người ta cảm thấy được khích lệ. Thực ra, không phải chỉ nghe một câu kệ là đắc quả ngay đâu. Những chi tiết trong câu chuyện ít khi được nhắc đến. Những người từng hành thiền sẽ có kinh nghiệm rõ ràng về điều này. Nhờ đã hành thiền trước đây nên khi thiền sinh nghe một câu nói, một câu nhắc nhở đúng thời đúng lúc, một cách như phản xạ, thiền sinh này chú tâm vào thân tâm mình và và thấy rõ tam tướng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã ngay vào lúc ấy. Nghĩa là họ hành ngay vào lúc ấy chứ không phải chỉ nghe suông thôi mà giác ngộ. 

Chú giải nói rằng: Nếu không quán sát thân, thọ, tâm, pháp thì không thể nào đạt sự tiến bộ, có nghĩa là nếu không hành Thiền thì sẽ không đạt những tuệ giác. Bởi vậy, khi đọc những câu chuyện người nghe giác ngộ sau khi nghe một đoạn kệ thì chúng ta hiểu rằng người nghe đã xuyên thấu các tầng mức của Tuệ Minh Sát. Không phải chỉ một cái búng tay, một cái gõ vào đầu là giác ngộ. Người nghe ít nhất cũng phải hành thiền thường xuyên, liên tục trong thời gian dài . Không phải hành thiền ngay trong lúc đó hay vài giây vài phút trong khi nghe lời dạy của Đức Phật. Thêm vào đó, mặc dầu trong các câu chuyện chỉ ghi lại những câu kệ, nhưng tôi nghĩ khi thuyết pháp, dạy đạo Đức Phật phải thuyết dài hơn thế. Tùy theo trình độ của người nghe, Đức Phật thuyết những bài Pháp dài ngắn khác nhau. Bởi vậy, trong kinh điển ghi lại rằng: Đức Phật chỉ dạy trong chốc lát mà cả toàn bộ Kinh Tạng đã được Ngài giảng giải đầy đủ. Từ đó ta có thể suy ra là Đức Phật có thể nói nhiều hơn một câu kệ này, Ngài có thể giải thích, Ngài có thể dạy thiền trong khi thuyết pháp. Những người chỉ nghe một lần Đức Phật thuyết pháp mà đã giác ngộ là những người đã có tích lũy kinh nghiệm ở trong quá khứ, hay nói cách khác họ đã có Ba La Mật, đã thực hành đầy đủ những pháp hay những điều kiện cần thiết để có đủ thuận duyên cho việc giác ngộ. Họ chẳng khác nào những đóa hoa sen đang đợi chờ tia nắng đầu tiên của mặt trời để rộ nở, phô sắc, khoe hương. Như vậy, những người nghe xong một câu kệ mà giác ngộ này là những nguời đã hành thiền trong nhiều kiếp quá khứ, và Ba La Mật hay những pháp cần phải thực hành của họ đã thuần thục chín muồi để giác ngộ. Và khi gặp họ, Đức Phật chỉ giảng giải cho họ một bài pháp ngắn là họ giác ngộ ngay

Khi cô gái đã trở thành một vị Tu Đà Hoàn, cô ôm rổ đựng suốt chỉ đến gặp cha cô đang làm việc trong xưởng dệt. Khi cô đến đó, người cha đang ngủ gần khung cửi. Cô gái không biết cha mình đang ngủ bên khung dệt nên đặt cái rổ xuống cạnh máy dệt và tạo ra tiếng động. Tiếng động làm người cha giật mình tỉnh dậy, tay đụng vào khung cửi khiến thoi dệt vải bung mạnh đâm vào ngực cô gái. Cô gái chết ngay tại chỗ. Sau khi chết cô gái sinh vào cõi trời Tusitā. Cha cô gái nhìn thấy con mình đã chết, lấy làm đau buồn vô cùng và tự nhủ: "Ngoài Đức Phật ra không ai có thể giúp cho nỗi đau khổ của ta tan đi được". Nghĩ như thế, người cha đến gặp Đức Phật và thuật lại mọi chuyện đã xảy ra. Đức Phật an ủi ông ta và cuối cùng nói với ông: "Ngay từ khi bắt đầu luân lưu trong vòng luân hồi sinh tử, ông đã đau khổ như thế này rồi. Nước mắt ông đã chảy ra nhiều hơn nước của bốn đại dương".

Nghe lời nói chân thật, đúng đắn của Đức Phật, người cha cảm thấy an tâm nên xin xuất gia theo Phật. Sau khi trở thành nhà sư, người thợ dệt, cha của cô gái, tinh tấn hành thiền và chẳng bao lâu sau đắc quả A La Hán.

Đức Phật biết rằng cô gái sẽ chết ở khung cửi, và đó là nghiệp của cô ta, không ai có thể can thiệp. Mạng sống của con người thật bấp bênh, không chắc chắn. Vì là một con người nên cô gái không thể nào tránh khỏi sự chết, chỉ là sớm hay muộn thôi. Nhưng nhờ Đức Phật đến thành phố đó giảng dạy nên cô đắc quả Tu Đà Hoàn, vĩnh viễn không còn tái sinh vào bốn đường ác.

.

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Thư viện

Pháp âm