ĐẦU NĂM BÀN LUẬN PHẬT PHÁP
VỚI MỘT NGƯỜI PHƯƠNG TÂY
Thiền Viện Thường Chiếu | Cư sĩ Chánh Tấn Tuệ lược ghi
VỚI MỘT NGƯỜI PHƯƠNG TÂY
Thiền Viện Thường Chiếu | Cư sĩ Chánh Tấn Tuệ lược ghi
HỎI : Tôi là một giáo sư người Đức đã nhiều năm tìm hiểu Phật pháp. Hiện nay tôi đã về hưu và dành nhiều thời gian sống tại Việt Nam để tìm hiểu thêm về Phật pháp. Tôi thường đi chùa, tham gia xây chùa, trợ giúp một số Tăng Ni, làm từ thiện, thực hành các nghi lễ trong Phật giáo, niệm Phật. Khi niệm Phật, nhiều lúc tôi có được sự tập trung cao độ. Mặc dù vậy, tôi vẫn còn một số thắc mắc chưa giải quyết được. Thắc mắc lớn nhất của tôi là vì sao trong Phật giáo xuất hiện hai cách tu học trái ngược nhau mà có giá trị tương đương và cùng dẫn đến một cứu cánh ?
1. Chỉ thực hành một phương pháp nào đó mà không cần học hỏi thêm điều gì nữa. Như chỉ niệm một danh hiệu Phật và chỉ thế mà thôi.
2. Học hỏi Phật pháp với một tri thức rất cao. Như các bài viết và các đối đáp mang tính biện chứng cao trong Thiền tông.
Với người phương tây chúng tôi, chỉ cần học hiểu là đủ, vì sao lại phải thực hành, điều mà trong Phật giáo luôn đòi hỏi phải có ?
ĐÁP : Câu hỏi trên sẽ dễ dàng được giải quyết, nếu ta nhìn về nó từ một cấp độ căn bản hơn. Đó là sự phân biệt giữa triết học và đạo học.
Phật học là đạo học, không phải là triết học. Đạo học không phải là triết học nhưng chúng có cùng một điểm chung là cả hai đều tìm hiểu về chân lý.
Với Phật giáo, chân lý không nằm trong ngôn từ. Nói cách khác, ngôn từ không thể diễn tả được chân lý. Tuy vậy, chân lý là cái sẵn đủ trong mỗi người. Vì thế chúng ta có thể nhận ra nó bằng sự chứng ngộ, không qua ngôn từ. Muốn chứng ngộ, cần phải tu tập. Tức phải thực hành.
Triết học, quan niệm của đa số người phương tây cho rằng ngôn từ có thể diễn tả được chân lý, nên chỉ cần học hiểu đúng chân lý là đủ.
Ta có thể phân biệt như sau: Triết học là cái học về chân lý thông qua ngôn từ. Đạo học là cái học trực tiếp về chân lý không qua ngôn từ, suy tưởng.
Với Phật giáo, cái học qua ngôn từ suy tưởng chỉ cho những hiểu biết phù hợp với chân lý, chứ không thể nhận ra chân lý y như chính nó. Bởi chân lý không nằm trong ngôn từ suy tưởng. Chính vì thế, sự hiểu biết về chân lý chỉ có tác dụng hướng dẫn chúng ta cách sống phù hợp với chân lý, nhờ đó mà có sự chứng ngộ. Đây là lý do vì sao Phật giáo luôn đòi hỏi phải có sự thực hành. Trên tinh thần ấy, trong Phật giáo xuất hiện hai hình thức tu học chính :
1. Nếu đủ niềm tin, người ta chỉ cần thực hành một phương pháp nào đó được chỉ dạy trong kinh luậnmột cách đúng đắn, cho đến khi đạt được sự chứng ngộ. Vì chứng ngộ là nhận ra chân lý vốn sẵn nơi chính mình, nên không cần phải học hỏi thêm một điều gì khác. Sau khi chứng ngộ, ta sẽ thực sự nhận ra chân lý.
2. Học hỏi kinh luận một cách đúng đắn và đầy đủ, ta sẽ có sự hiểu biết phù hợp với bản chất chân lý. Do hiểu mà có niềm tin. Do tin mà có sự thực hành theo chỗ hiểu của mình. Do thực hành mà có sự chứng ngộ. Do chứng ngộ mà nhận ra chân lý. Đó mới thật là chân lý.
Đến đây, ta hiểu vì sao với hai phương cách khác nhau, ta lại có cùng một cứu cánh.
HỎI : Có phương cách nào ngoài hai phương cách nói trên ?
ĐÁP : Thông thường người ta sử dụng phương cách thứ ba. Đó là kết quả của việc phối hợp hai phương cách nói trên.
HỎI : Vì sao ?
ĐÁP : Cách thứ nhất đòi hỏi hành giả phải có niềm tin vững chắc. Vì trở ngại lớn nhất trong việc tu họclà NGHI. Sau một thời gian thực hành, khi gặp khó khăn, người ta dễ nghi ngờ phương pháp thực hànhmà mình đang theo đuổi, không hiểu nó có dẫn đến cứu cánh hay không. Nếu niềm tin không vững, sẽ không phá được cái nghi này, và không thể đạt được mục tiêu đã định.
Với cách thứ hai, đòi hỏi người tu phải có một trình độ tri thức thật đầy đủ mới có thể tiến đến cứu cánh. Nếu tri thức chưa đầy đủ thì sau một thời gian thực hành, ta dễ rơi vào tình trạng mịt mờ, không biết tiến thoái thế nào, không biết tiếp tục đi theo đường hướng nào cho đúng, dễ đi lạc hướng và không đến được cứu cánh.
HỎI : Tôi không hề nghi ngờ Phật pháp. Tôi có niềm tin với Phật pháp.
ĐÁP : Nhưng niềm tin đó chưa đủ để ta buông bỏ tất cả, chỉ sống chết với câu niệm Phật cho đến khi chứng ngộ. Nói chung đa số chúng ta, tuy có được niềm tin và một tri thức tương đối, nhưng chưa đầy đủ. Chính vì vậy, đa số chúng ta phải vừa học, vừa thực hành. Sự kết hợp này giúp ta có được sự chứng ngộ. Nói một cách rõ ràng hơn, song song với việc học hỏi kinh luận chúng ta phải thực hành một phương pháp tu tập nào đó. Việc thực hành sẽ giúp chúng ta có những cảm nghiệm về những điều được nói trong kinh. Sự cảm nghiệm sẽ làm tăng trưởng niềm tin và giúp chúng ta có được cái hiểu đúng đắn và sâu sắc hơn đối với kinh luận. Với cái hiểu này, chúng ta sẽ tinh tấn và thực hành một cách đúng đắn hơn. Nhờ đó có được những chứng thực sâu sắc hơn ... Cứ như thế mà tiến dần đến cứu cánh.
HỎI : Người phương tây chúng tôi đề cao tư duy luận lý, nên không coi trọng trực giác. Trong khi đó, chứng ngộ là kết quả của cái học trực tiếp về chân lý, không qua ngôn từ suy tưởng. Thật khó để chúng tôi tin hiểu chỗ này.
ĐÁP : Chứng ngộ không phải là trực giác theo cái hiểu của người phương tây. Trực giác, theo người phương tây, là một ý tưởng đột nhiên xuất hiện không thông qua sự suy tưởng. Nó có thể đúng cũng có thể sai, nên không thể tin tưởng, xem đây là cơ sở cho các nhận định đúng. Chứng ngộ không phải là một ý tưởng, nên lại càng không phải là một ý tưởng đi kèm với một giá trị đúng sai tình cờ.
HỎI : Nhưng làm sao biết đâu là sự chứng ngộ đúng đắn? Trên thực tế, có nhiều người tự xem là đã chứng ngộ. Nhưng xét kỹ chỉ là sự tưởng tượng về chân lý. Chỉ là ảo tưởng về sự giác ngộ.
Nếu cho rằng sự giác ngộ ấy là đúng đắn vì đã được một vị thầy ấn chứng, thì làm sao biết được đây là một vị thầy có đầy đủ tư cách để ấn chứng ?
ĐÁP : Thông thường, người ta vẫn cần đến một vị Thầy để ấn chứng. Nhưng chính yếu vẫn là sự tự kiểm nghiệm của chính mình. Nếu thật sự chứng ngộ, ta sẽ thông hiểu một phần kinh luận. Tiếp tụchành trì dần dần ta sẽ thông hiểu tất cả kinh luận. Thấy được cội nguồn của ngôn từ. Thấy được nguồn gốc, vai trò và vị trị của tất cả mọi học thuyết có trên thế gian. Khi đó, nếu cần ta có thể lập ra một lý thuyết dung hội tất cả mọi lý thuyết.
Vì chân lý là chân lý của tất cả, là chân lý của pháp xuất thế, nghĩa là của những điều đề cập trong kinh luận, cũng là chân lý của các pháp thế gian, nghĩa là của mọi sự vật xuất hiện trong thế giới mà ta đang sống v.v... Chân lý không chỉ là chân lý của lãnh vực tu chứng mà còn là chân lý của lãnh vực thường nghiệm.
HỎI : Vì sao trong Phật giáo có quá nhiều nghi lễ ?
ĐÁP : Theo Phật giáo, sự giáo hóa chỉ có tác dụng khi nó vừa phù hợp với chân lý, vừa tùy thuận theo tánh dục của chúng sanh, tạm hiểu là chỗ ưa thích của chúng sanh. Do chỗ ưa thích của chúng sanh có nhiều sai khác nên cần lập ra nhiều hình thức khác nhau để thích ứng. Là một trong những hình thứcgiáo hóa của Phật giáo, nghi lễ cũng không ra ngoài qui tắc trên. Vì vậy, mà có nhiều nghi lễ khác nhau. Mặt khác, nghi lễ với các hình thức trang nghiêm dễ tạo ra sự thành kính. Với sự thành kính, người ta dễ có sự thành tâm thậm chí là nhất tâm. Đây là điều kiện cần thiết để học đạo.
HỎI : Xin cho một phương cách tu học thật hữu hiệu.
ĐÁP : Hiện tại xin cho biết, ông có thực hành pháp gì không ?
HỎI : Niệm Phật.
ĐÁP : Xin cứ tiếp tục niệm Phật. Song song đó cần tìm hiểu thêm về giáo lý. Là một người phương tây, với sự đề cao tư duy luận lý, ông sẽ không thể hành trì đến cùng một pháp nào đó mà chưa có sự hiểu biết rõ ràng. Việc tìm hiểu về giáo lý, giúp ta có được sự hiểu biết phù hợp với chân lý. Từ đó ta sẽ hiểu tại sao mình lại phải thực hành thế này hay thế kia. Sự thực hành giúp ta có được những cảm nghiệm về các điều đã nói trong kinh luận. Nhờ đó làm tăng trưởng niềm tin nơi ta. Giúp ta vượt qua các nghi ngờ và trở ngại để đạt đến chân lý.