Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

4. Tang ni VN tung kinh

 

LỄ TƯỞNG NIỆM NGÀY PHẬT THÀNH ĐẠO

TẠI BỒ-ĐỀ-ĐẠO-TRÀNG, ẤN-ĐỘ

Thích Nữ Giới Hương

Bồ-đề-đạo-tràng, Ấn độ, vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 rất rộn rịp với nhiều sự kiện Phật giáo quan trọng như Đức Đạt Lai Lạt Ma về thuyết giảng ba tuần (từ ngày 29/12/2023-20/01/2024),[1] Lễ Vía Phật Thích Ca Thành Đạo (do Hội Công Đức Phật Giáo Thế Giới, World Buddhist Merit Society, tổ chức tại Bồ-đề-đạo-tràng vào ngày 17/01/2024)[2] và Hội Trùng Tụng Tam Tạng Pali (tại Bồ-đề-đạo-tràng, ngày 2-12/12/2023).[3] Trong bài viết này xin được giới thiệu Đại Lễ Vía Phật Thích Ca Thành Đạo.

Tại Cung Văn Hóa Mahabodhi  (Mahabodhi Cultural Center), Bồ-đề-đạo-tràng, bang Bihar, khoảng hơn 2000 Tăng ni và các quan khách từ các nước Taiwain, Malaysia, Tây-tạng, Ấn-độ, Việt-nam, Bangladesh, Nhật bản, Singapore, Tích Lan, Thái Lan, Lào, Cam-phu-chia, Hoa Kỳ, Canada, vv... về tham dự.  Về phía Việt Nam, có Thượng tọa Thích Tánh Tuệ (Hoa Kỳ), Ni Sư Thích Nữ Giới Hương (Trụ trì Chùa Hương Sen, California, Hoa Kỳ), Ni sư Nhuận Lý (Trụ trì Chùa Taiwan tại Bồ-đề-đạo-tràng), Sư cô Trí Hân (Chùa Linh Sơn, Bồ-đề-đạo-tràng) cùng nhiều chư tôn đức Tăng Ni đến tham dự.

Đại lễ Vía Phật Thành Đạo (World Mahayana Buddhism Congratulates the Buddha’s Holy Day of Enlightenment) vào ngày 17/01/2024 (nhằm mồng 7 tháng 12 âm lịch, Phật lịch 2567) tại Cung Văn Hóa, Bồ-đề-đạo-tràng, Ấn Độ, do Hòa thượng Taiwan Thích Đạo Quả làm trưởng ban tổ chức và Hòa thượng Taiwan Thích Bồ Đề làm phó ban và do Hội Công Đức Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Merit Society, Taiwan), Hội Quang Minh Đại Đạo (Guang Minh Da Dao Association, Malaysia) và hội Cư Sĩ Phật tử Taiwan (Taiwan Buddhist Group) đồng tổ chức.

Chương trình được bắt đầu bằng niệm Bổn Sư Phật ba lần, rồi chiếu phim về lịch sử Đức Phật Thích Ca, lịch sử Phật giáo tại Ấn Độ truyền bá sang các nước khác, cuộc đời các pháp sư Huyền Trang, Pháp Hiền, Nghĩa Tịnh... cống hiến cho Phật giáo và đến nay thế kỷ XXI, Phật giáo ngày càng phát triển. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới về Bồ-đề-đạo-tràng xây dựng đạo tràng, học viện, trường thiền, cơ sở từ thiện... và Bồ-đề-đạo-tràng, nơi Đức Phật giác ngộ, đã trở thành trung tâm Phật giáo cho toàn cầu thế giới.

Photo: Hội trường Lễ Phật Thành Đạo tại Cung Văn Hóa

Ngày hôm nay, tất cả người con Phật từ các nơi tụ hội về Cung Văn Hóa làm lễ cảm niệm ân đức sâu dày của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng đạo quả Vô Thượng Bồ Đề, mang thông điệp hạnh phúc và giải thoát cho nhân loại, mở ra con đường thoát khỏi khổ đau, luân hồi sinh tử là một món quà quý giá đặc biệt hết sức ý nghĩa Đức Phật đã ban cho chúng ta.

Trước khi thành đạo, ngài vốn là một vị bồ tát trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp hành Bồ Tát đạo, tu tập mười ba-la-mật, hy sinh thân mạng, thời gian, sức khỏe tận lòng hướng dẫn chúng sanh, rời xa đường khổ, quay về chánh pháp.

Công đầy quả mãn, kiếp cuối cùng là một thái tử Sĩ-Đạt-Đa, ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, để tìm con đường thoát khỏi sanh già bịnh chết cho mọi chúng sanh. Sáu năm khổ hạnh rừng già, cuối cùng bồ tát Cồ-Đàm nhận ra, khổ hạnh chỉ làm thân xác đau đớn, chứ không đưa đến giác ngộ. Cuối cùng, ngài nhận ra chỉ có con đường trung đạo, không quá cực đoan thọ hưởng vật chất hay không quá khổ hạnh hủy hoại cơ thể, rồi ngài nhận bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata để thân khỏe có sức sống tìm chánh đạo. Sau đó, ngài thả bình bát nổi trên dòng sông Ni-liên-thiền và lập đại nguyện rằng, nếu chưa giác ngộ thì ngài kiên quyết thà chết, chứ không đứng lên, nếu đúng như vậy, xin cho bình bát trôi ngược dòng sông. Và tâm thành của ngài đã ứng nghiệm khiến bình bát trôi ngược dòng sông. Thật là một sự kiện hy hữu.

Như một ấn chứng vững mạnh về lòng tin, bồ-tát Cồ Đàm từ từ bước vào các trạng thái thiền định, liên tục trong 49 ngày. Dưới cội cây Bồ Đề, ngài đã chiến thắng các ma vương, ma nữ, biểu tượng của lòng tham ái (tanha), sân hận (arati) và si mê (raga). Ngài chứng ngộ lý Duyên Khởi, 12 khoen nhân duyên (Pratītyasamutpāda)[4] đã trói buộc chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi từ vô thủy kiếp đến nay. Chặt một khoen thì các khoen kia dừng lại. Chân lý Duyên Khởi này đã có sẵn và ngài đã chứng nghiệm được chân lý ấy, và trở thành Đức Phật, bậc giác ngộ, với đầy đủ mười đức hiệu như sau Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn. Quá an lạc và vui mừng, ngài thốt lên đầy cảm xúc rằng:

“Xuyên qua nhiều kiếp sống.

Như Lai thênh thang đi trong vòng luân hồi để tìm,

nhưng không gặp, người thợ cất nhà này.

 Phiền muộn thay, đời sống triền miên tái diễn.

Này hỡi người thợ làm nhà! Người đã bị bắt gặp.

 Ngươi không còn cất nhà nữa. Tất cả rui mè của ngươi đã gãy.

 Cây đòn dông của ngươi cũng bị phá tan.

Tâm của Như Lai đã thành đạt trạng thái vô lậu.

Mọi ái dục đã hoàn toàn chấm dứt.

(Kinh Pháp Cú)[5]

Photo: Toàn cảnh Tăng Ni Việt Nam tụng kinh

CHÍ TÂM ĐẢNH LỄ

  1. A tăng kỳ kiếp, thương xót chúng sinh, phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo, cầu thành Phật quả.
  2. Hiện hưởng dục lạc, chán cảnh Vô thường, dạo chơi bốn phương, thương đời đau khổ, nửa đêm vượt thành, xuất gia tìm đạo, tóc xanh cắt bỏ, núi tuyết tu hành.
  3. Trí tuệ siêu việt, cùng sự chuyên cần, năm năm tầm sư học đạo, chuyên cần y giáo, chứng đạt tầng thiền, phi phi tưởng xứ.
  4. Khổ hạnh thắng lâm, âm thầm chuyên tu, hành thân cực khổ, ngày ăn một hạt, chỉ đậu hoặc mè, nước uống cũng thế, chỉ vài giọt sương, mùa đông tuyết rơi, ở ngoài trời lạnh, mùa hè nắng cháy, ở bãi tha ma, dùng gậy hoặc roi, quất vào thân thể, khổ hạnh tột cùng, không ai sánh kịp.
  5. Bồ Tát thọ bát cháo sữa, của nàng Su-gia-ta, từ bỏ khổ hạnh cực đoan, trở về con đường trung đạo, thiền định tư duy, quyết thành Chánh Giác.
  6. Bó cỏ Ku-sa, kết thành tòa báu, phát lời thề nguyện, dù máu khô cạn, chỉ còn gân xương, quyết không rời bỏ, tòa cỏ Ku-sa, nếu chưa đắc thành, quả Phật tối thượng.
  7. Dưới cội Bồ Đề, ở đêm bốn chín, vừa qua canh một, hàng phục ma quân, chứng Túc Mạng Minh, thấy rõ chúng sinh, trầm luân đau khổ.
  8. Dưới cội Bồ Đề, ở đêm bốn chín, đến canh thứ hai, chứng Thiên Nhãn Minh, thấy khắp thế giới và các chúng sinh, ở khắp mười phương, không hề ngăn ngại.
  9. Dưới cội Bồ Đề, ở đêm bốn chín, đến canh thứ ba, thấy rõ sự khổ, nguyên nhân khổ đau và sự chấm dứt, cũng như con đường, đưa đến diệt khổ, thành tựu giác ngộ, diệt hết phiền não, ô nhiễm khổ đau, chứng Lậu Tận Minh.
  10. Dưới cội Bồ Đề, cuối đêm bốn chín, chân tính rạng ngời, thấy ánh Sao Mai, thành Bồ Đề đạo.
  11. Giáo Pháp bất tử, là tứ thánh đế, thánh đạo tám ngành, cứu vớt chúng sinh, vượt qua biển khổ.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Photo: Tăng Ni Việt Nam tụng Đại Bi và Bát Nhã cúng dường

Cả hội trường hơn 2000 tăng ni đều im lặng thành kính khi tưởng niệm về đấng Từ phụ chung của nhân loại và rất đảnh lễ tri ân bậc giác ngộ đã cứu khổ chúng sanh.

Chương trình điều hợp trang nghiêm, long trọng, uyển chuyển xen kẽ giữa tụng kinh của các nước là lễ dâng lục cúng hay đọc diễn văn, chiếu phim hoạt động của hội, vv... Ngôn ngữ chính là tiếng Anh và Hoa. Có hai MC tiếng Anh (người Mã Lai) và cô MC tiếng Hoa (người Taiwan) dẫn chương trình rất hài hòa. Dù tiếng Anh và Hoa là hai ngôn ngữ chính cho đại lễ, tuy nhiên khi chư tăng của mỗi nước lên tụng kinh thì tụng theo ngôn ngữ và nghi lễ của nước mình.

Nước chủ nhà Ấn Độ được mời lên sân khấu tụng đầu tiên, sau đó là lễ dâng ngũ quả (hoa, hương, trà, bánh, đèn) rất trang nghiêm do khoảng 30 vị cư sĩ của nước Taiwan và Mã-lai thực hiện. Rồi đến Chư tôn thiền đức Tăng Ni Taiwan lên tụng kinh Đại thừa, Tăng Ni Việt Nam tụng Đại Bi, Bát Nhã và cuối cùng là Chư Tăng Tây Tạng tụng kinh tiếng Tạng.

Một cư sĩ nam đại điện cho Hội Từ Tế do Sư bà Chứng Nghiêm thành lập lên khán đài, xin chuyển lời chào của sư bà đến hội chúng và cho biết buổi cơm trưa hôm nay cúng dường 2000 chư tôn đức tăng ni là do Sư bà và Hội Từ Tế cúng dường (mọi người vỗ tay tri ân). Nhân dịp này, cư sĩ cũng cho chiếu trên màn hình các hoạt động thiện nguyện của hội Từ Tế và cuối cùng sư bà khuyến khích mọi người ăn chay vì mỗi ngày có hàng triệu súc vật bị giết không thương xót để làm món ăn nô lệ khẩu vị cho con người. Tiếp theo là Hòa thượng Giáo sư M. Sheevali (quốc tịch Canada, gốc Tích Lan) lên ban đạo từ và mục kế tiếp là màn hình chiếu phim giới thiệu ba hội tổ chức đã có đóng góp lớn cho Phật giáo ở Taiwain, Malaysia, Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới như Hội Công Đức Phật Giáo Thế Giới (World Buddhist Merit Society, Taiwan) đã làm thiện nguyện, cứu trợ, phát chẩn, cứu đói (food aids, relief aids, charity...) rất nhiều nơi, nhất là khi bị thiên tai, lũ lụt, động đất. Hội đã hoạt động từ thiện từ những năm 2018 cho đến nay ở các nước như Tích Lan, Thái Lan, Bangladesh, Pakistan, Syria, Turkey... Hội Quang Minh Đại Đạo (Guang Minh Da Dao Association, Malaysia) và hội Cư Sĩ Phật tử Taiwan (Taiwan Buddhist Group) cũng vậy, đã góp tay vào giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Ban tổ chức cũng không quên chiếu màn hình cho thấy cư sĩ nam nữ Phật tử phát tâm cúng dường tịnh tài cho từng chư tôn đức tăng ni tham dự lễ Tưởng niệm Phật Thành Đạo này. Hòa thượng Thích Đạo Quả lên khán đài tụng kinh Phật Thành Đạo bằng tiếng Phạn trong lúc đó ban tổ chức thành kính cúng dường tịnh tài lên đại tăng và mời tất cả dùng cơm trưa (thực phẩm chay Ấn Độ) tại nhà hàng khách sạn Anand International Hotel (đối diện cung Văn Hóa).

Photo: Hòa thượng Thích Đạo Quả đang tụng kinh tiếng Phạn

và Ns TN Giới Hương chấp tay lắng nghe

Cuối cùng, Hòa thượng Thích Đạo Quả thay mặt ban tổ chức cảm ơn Đại tăng các nước quang lâm đến tham dự và thông báo năm tới 2025 Lễ Vía Phật Thành Đạo, Phật lịch 2568, sẽ được tổ chức vào mồng 8 tháng 12 âm lịch như mọi năm, kính mời chư tôn đức Tăng ni từ các nơi về tham dự, kính chúc sức khỏe và hẹn sẽ gặp lại tất cả. Hội trường vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Ni sư Nhuận Lý cho biết Đại lễ Vía Phật Thành Đạo được tổ chức mỗi năm và năm 2024 này là lần thứ 18 cũng do Chư tôn trưởng lão Hòa thượng ở Taiwain tiếp nối tổ chức.

Từ khi Đức Phật Thích Ca giác ngộ dưới gốc cây bồ đề thiêng, thì Bồ-đề-đạo-tràng, tiểu bang Bihar, Ấn Độ, trở thành thánh địa thiêng liêng nhất thế giới. Vì vậy, việc tổ chức ngày lễ Phật thành đạo tại đất thiêng Bồ-đề-đạo-tràng là một việc rất có ý nghĩa và Hội Công Đức Phật Giáo Thế Giới đã đại lao đại chúng đứng ra tổ chức hàng năm rất quy mô trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Thật là công đức vô lượng khó thể nghĩa bàn.

Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Công Đức Lâm Bồ Tát Ma-ha-tát.

Nam mô Hiện tọa Đạo tràng, Sa bà giáo chủ, đạo sư ba cõi, từ Phụ muôn loài,

Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

Bồ-đề-đạo-tràng, Ấn Độ, ngày 18/01/2024

Kính tường,

Thích Nữ Giới Hương

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Photo: Ni sư TN Nhuận Lý (áo nâu) và Ni sư TN Giới Hương

(cạnh bên phải) và quý Sư cô ở mặt trước Cung Văn Hóa

 

[1] https://dalailama.com/live

[2] https://huongsentemple.com/index.php/vn/phat-phap/nghi-le/8414-phat-thanh-dao

[3] Hội Trùng Tụng Tam Tạng Pali (tại Bồ-đề-đạo-tràng, miền Bắc Ấn Độ, ngày 2-12/12/2023) – Thích Nữ Giới Hương: có bài viết riêng. Xin mời xem ở website:

https://huongsentemple.com/index.php/vn/ung-dung/ng-a-i-hay-via-c-hay/8365-tam-tang-pali

[4] Lý Duyên Khởi (Mười hai nhân duyên, Pratītyasamutpāda): Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh và Lão tử.

[5] Kinh Pháp Cú: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-phapcu-ev/pkk-11.htm

MỜI XEM TOÀN BÀI LỄ TƯỞNG NIỆM NGÀY PHẬT THÀNH ĐẠO VỚI HÌNH MÀU: Le_Tuong_Niem_Ngay_Phat_Thanh_Dao_tai_An_Do_Jan_17_20241.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm