Vào chiều Thứ Tư 24/10, trong buổi huấn luyện nâng cao kỹ năng cho giáo viên thuộc học khu San Juan – Sacramento, tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ đã hướng dẫn các tham dự viên những phương pháp thực tập sự tỉnh thức một cách đơn giản, dễ áp dụng cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Đa số những giáo viên tham dự khóa huấn luyện nâng cao này đã được làm quen với khái niệm về sự tỉnh thức, ích lợi của nó đem lại cho các học sinh trong đời sống cũng như trong học tập, vốn đầy dẫy những lo âu, căng thẳng. Trong phần mở đầu khóa huấn luyện, một số giáo viên đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng sự tỉnh thức trong lớp học của mình. Một số người cho biết chính họ cũng thực tập sự tỉnh thức cho cá nhân, và thấy vô cùng lợi lạc. Thí dụ như khi bị căng thẳng, họ tự động ra công viên, đi bộ chậm rãi, hít thở nhẹ nhàng trong khoảng 5 phút. Một giáo viên dạy preschool cho biết các em rất ồn ào trước giờ học. Vị này đã cho các em ổn định để bắt đầu vào giờ học bằng cách tắt đèn, cho các em ngồi im, và tưởng tượng mình đang ở trong một khu rừng im lặng. Kết quả là các em trở lại sự im lặng để bắt đầu học rất nhanh. Một giáo viên trung học cho biết họ đã cho các em trong lớp học thực tập ngồi im lặng trong 7 phút, chỉ để thư giãn và theo dõi hơi thở, giúp các em tập trung hơn trong giờ học.
Theo tiến sĩ Phẻ, cốt lõi của sự tỉnh thức là trở về với sự nhận biết rõ ràng giây phút hiện tại. Và “cái neo” của sự nhận biết hiện tiền này chính là hơi thở, là biểu hiện của sự sống ngay trong giây phút hiện tại, là cầu nối giữa thân và tâm. Bắt đầu thực hành sự tỉnh thức dễ dàng nhất chính là thực tập theo dõi hơi thở. Đơn giản nhất là ngồi, nhận biết và đếm hơi thở. Ngồi với lưng thẳng, theo tư thế nào thật thoải mái để buông lỏng toàn thân. Sau đó bắt đầu chú tâm theo dõi hơi thở một cách tự nhiên. Khi hít vào, chỉ cần nhận biết là mình đang hít vào. Khi thở ra, nhận biết là mình đang thở ra. Sẽ có khi tâm trí của mình chạy mông lung theo những nỗi lo toan trong đời sống. Không sao cả! Khi nhận ra là mình mất tập trung, chỉ cần quay lại với hơi thở, không cần phải bực mình, lo lắng. Thực tập một thời gian, sẽ thấy tự nhiên khả năng tập trung vào hơi thở, tập trung vào giây phút hiện tại lâu hơn, và tâm mình trở nên an bình với hơi thở dễ dàng hơn. Để dễ nhớ cho việc thực tập thở trong tư thế ngồi (sit), hãy nhớ 5 chữ S: Straight (ngồi thẳng lưng); Still (ngồi vững vàng); Smile (nở một nụ cười); Shut Eye (khép mắt); Soft Breath (thở nhẹ).
Nếu ngồi lâu cảm thấy chán, có thể đổi thành tư thế đi, vừa đi vừa theo dõi hơi thở. Như kinh nghiệm của vị giáo viên đi bộ trong công viên là một phương pháp dễ thực hành. Chọn công viên, hay một con đường yên tĩnh ít xe cộ, hay vườn sau của nhà đều được. Chậm rãi khoan thai chú ý đến từng bước chân. Hãy để ý bước một bước đi rõ ràng qua ba giai đoạn: nhấc bàn chân- đưa bàn chân về phía trước- đặt gót bàn chân xuống trước rồi đến cả bàn chân, là hoàn thành một bước tới. Sau khi đã quen với bước chân, bắt đầu kết hợp nhịp nhàng với hơi thở. Một bước là hít vào. Một bước là thở ra. Bước và thở một cách tự nhiên theo nhịp thở của chính mình. Thực tập quen sẽ thấy sự tĩnh lặng đến với tâm thức ngay trong từng bước chân mỗi lúc một dài hơn.
Tiến sĩ Phẻ nhắc lại nhiều lần rằng thực tập tỉnh thức cũng giống như việc tập thể dục, hay đánh răng mỗi sáng, nên thực hiện đều đặn mỗi ngày, dù với thời gian không cần dài. Thí dụ khi đi làm, trong giờ nghỉ trưa, có thể dành vài phút để ngồi, hoặc đi bộ để trở về với hơi thở. Cơ hội thức hành sự tỉnh thức là rất nhiều trong một ngày. Mỗi sáng thức dậy, nhiều người có thói quen chụp lấy chiếc điện thoại cầm tay để xem thông tin. Thay vì làm vậy, hãy bắt đầu một ngày mới với bằng cách theo dõi vài hơi thở, để đem tâm mình trở về với giây phút hiện tại. Cũng có thể thực tập mỗi khi nghe chuông điện thoại. Thói quen của chúng ta là mỗi khi nghe điện thoại reo đều vội vàng chụp lấy để trả lời. Hầu hết các cuộc gọi không có tính khẩn cấp như vậy. Hãy thử mỗi khi nghe chuông điện thoại, tập nhận diện hơi thở, và hít thở một hơi trong tỉnh thức trước khi trả lời. Cứ mỗi cơ hội thực tập như vậy đều khiến cho chúng ta làm quen hơn với sự sống trong giây phút hiện tại.
Khi đã quen với sự nhận biết hơi thở trong giây phút hiện tại, ta có thể áp dụng nó để làm chủ được mọi hành động, cảm xúc của chính ta. Nhà khoa học Áo Viktor Frankl chuyên ngành thần kinh học và tâm lý học là người đã sống sót từ các trại tập trung Do Thái. Ông có một câu nói rất hay về sự tỉnh thức trong giây phút hiện tại như là một giây phút giúp chúng ta làm chủ cuộc đời của mình: “Chính giữa tác nhân kích thích và hành động có một khoảng cách. Trong khoảng cách này hiện hữu một sự tự do và quyền lực của chính chung ta trong việc lựa chọn hành động của mình. Trong hành động lại hiện hữu sự trưởng thành và sự tự do của chính chúng ta”. Tiến sĩ Phẻ đã giải thích khái niệm này thật dễ hiểu: cảm xúc chỉ là những người khách trong tâm trí của chúng ta. Nó xuất hiện rồi sẽ biến mất. Nó đến rồi đi như một người khách đến chơi nhà, chứ nó không hề là chủ nhân của ngôi nhà. Chính chúng ta mới là chủ nhân của “ngôi nhà tâm” của chính mình, và hoàn toàn có thể kiểm soát được mọi ngôn ngữ hành động. Thực hành sự tỉnh thức là chìa khóa để thực hành công việc “làm chủ” này. Tiến sĩ Phẻ cho những cụm chữ viết tắt từ những từ tiếng Anh dễ nhớ cho việc thực hành này. Thí dụ như PBS, đại diện cho những từ Pause = ngừng lại; Breath = thở; Smile: Cười. Mỗi khi có điều gì xảy ra từ bên ngoài làm cho ta trở nên nổi nóng, dự định có phản ứng (reaction) ngay lập tức. Ngay lúc này, hãy nhớ và thực tập sự tỉnh thức. Hãy ngừng mọi suy nghĩ và hành động trong lúc nóng giận lại. Thay vào đó, hãy hít thở vài ba hơi để cho tâm trí tĩnh lặng trở lại. Sau đó, hãy nở nụ cười, rồi bắt đầu suy nghĩ để có hành động đáp ứng thích hợp (response). Chỉ cần vài giây thực tập như vậy thôi, có khi cứu được cả một mối quan hệ thân tình lâu năm, hay cứu cả một mạng người! Tương tự như vậy, đối với giới trẻ, tiến sĩ Phẻ đề nghị họ thực tập BCOOL. B đại diện cho Breath; C đại diện cho Calm (bình tĩnh trở lại); O đại diện cho Observe (quan sát cảm xúc); O đại diện O.K (mọi chuyện sẽ ổn) và L đại diện cho LOVE (tình thương). Hoặc là thực tập với cụm chữ PEACE: P = Pause (ngừng lại); E = Exhale (thở); A = Accept (chấp nhận); C = Choose (lựa chọn hành động); E = engage (kiểm soát, đặt tâm trí vào). Có bao nhiêu người trong chúng ta đã từng ân hận vì đã hành động những điều đáng tiếc khi nóng giận trong quá khứ, mà hậu quả là không thể cứu vãn được? Hãy thực tập công việc đơn giản như trên, để thấy được sự mầu nhiệm khi làm chủ được thân tâm.
Rồi còn nhiều cách thực tập sự tỉnh thức hằng ngày lắm. Gặp kẹt xe khi lái xe trên đường đi làm về, thay vì nổi nóng, chạy xe vượt ẩu cho nhanh, ta hãy thong thả đi theo đoàn xe. Trở về với hơi thở cho tâm tĩnh lại. Nghe một bài nhạc mà ta ưa thích, có khi về đến nhà ta không có cơ hội để nghe vì bận việc nhà. Hãy tự nhủ rằng nếu chạy nhanh vượt ẩu, gây tai nạn thì có khi sẽ không bao giờ về đến nhà. Người Việt mình hay nói “thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn”. Hay là thay vì uống một ly nước vội vàng để làm việc khác, hãy thử dành trọn sự tỉnh thức của mình trong vài giây khi uống nước. Uống chậm rãi, sẽ nhận thấy rằng những ngụm nước của mình uống mới trong lành, tươi mát ra sao. Hãy tưởng tượng, có hàng trăm triệu người trên hành tinh này không có được những ngụm nước trong sạch như vậy để uống. Uống nước như vậy không chỉ làm dịu cơn khát, mà còn làm mát cả tâm hồn, nuôi dưỡng lòng từ bi bác ái.
Tiến sĩ Phẻ khuyến khích các giáo viên hãy thực tập sự tỉnh thức đều đặn, và chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Chúng ta không thể cho ai điều gì mà mình không có. Tương tự như vậy, người giáo viên không thể hướng dẫn các em học sinh thực hành sự tỉnh thức, nếu bản thân mình chưa có được sự an bình do sự tỉnh thức mang lại.
Mỗi giáo viên tham dự buổi huấn luyện được tặng một cuốn mang tựa đề “Happy Teachers Change The World”. Những người giáo viên có niềm vui, có sự hạnh phúc trong giảng dạy có thể thay đổi cả thế giới. Thực tập sự tỉnh thức cũng có thể làm thay đổi cả thế giới…
Đoàn Hưng / SBTN
TAGS: BẠCH XUÂN PHẺ