Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

57 Kinh Angulimàla

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú tại Savatthi, Jetavana, ở tinh xá ông Anathapindika (Cấp cô độc).

Lúc bấy giờ, trong lãnh thổ của quốc vương Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala, có tên cướp Angulimala một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người.

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực ở Savatthi, ăn xong, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, Ngài quay trở về và đi trên con đường dẫn đến tên cướp Angulimala. Các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người bộ hành thấy Thế Tôn đang đi trên con đường dẫn đến tên cướp Angulimala, thấy vậy liền bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi trên con đường này. Thưa Sa-môn, trên con đường này có tên cướp Angulimala, là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người. Thưa Sa-môn, trên đường này, có mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi. Tuy vậy, họ vẫn rơi vào tay của tên cướp Angulimala". Được nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.

Lần thứ hai, các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người đi đường bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi con đường ấy... rơi vào tay của tên cướp Angulimala". Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.

Lần thứ ba, các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người đi đường bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi con đường ấy... rơi vào tay của tên cướp Angulimala". Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.

Tên cướp Angulimala thấy Thế Tôn từ xa đi lại, sau khi thấy liền nghĩ: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Con đường này, cho đến mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi; tuy vậy, chúng vẫn rơi vào tay của ta. Nay người Sa-môn này, chỉ có một mình, không có người thứ hai, lại đi đến, hình như do một sức mạnh gì? Vậy ta giết hại mạng sống của người Sa-môn này! " Rồi tên cướp Angulimala lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào, và đi theo sau lưng Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn hiện thần thông lực một cách làm cho tên cướp Angulimala, dầu cho đi với tất cả tốc lực của nó cũng không có thể bắt kịp Thế Tôn đang đi với tốc lực bình thường. Rồi tên cướp Angulimala suy nghĩ: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta trước đây đuổi theo con voi đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo con ngựa đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo chiếc xe đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo con nai đang chạy và bắt kịp nó. Nay dẫu ta đi với tất cả tốc lực của ta cũng không thể bắt kịp Sa-môn này đang đi với tốc lực bình thường". Nó thưa với Thế Tôn:

-- Hãy đứng lại, Sa-môn! Hãy đứng lại, Sa-môn!

-- Ta đã đứng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy đứng lại!

Rồi tên cướp Angulimala suy nghĩ: "Những Sa-môn Thích Tử này là những người nói sự thật và chấp nhận sự thật. Và Sa-môn này dẫu cho đang đi lại nói: "Ta đã đứng rồi, này Angulimala! Và ngươi hãy đứng lại". Vậy ta hãy hỏi vị Sa-môn này". Rồi tên cướp Angulimala với bài kệ nói với Thế Tôn:

-- Người đi lại nói: "Ta đã đứng rồi",

Ta đứng, Ngươi nói: "Sao ta không đứng?"

Sa-môn, ta hỏi về ý nghĩa này,

Sao Ngươi đứng lại, còn ta không đứng?

-- Angulimala, Ta đã đứng rồi.

Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm,

Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế,

Do vậy, Ta đứng, còn Ngươi chưa đứng.

-- Đã lâu tôi kính, bậc Đại Tiên Nhân,

Nay Sa-môn này bước vào Đại Lâm.

Không lâu, tôi sẽ đoạn trừ ác pháp,

Sau khi được nghe pháp kệ của Ngài.

Nói xong tên cướp liền quăng bỏ kiếm,

Quăng bỏ khí giới xuống vực thâm sâu,

Tên cướp đảnh lễ dưới chân Thiện Thệ,

Ngay tại chỗ ấy, xin được xuất gia.

Đức Phật từ bi, bậc Đại Tiên Nhân,

Đạo Sư Nhân giới, cùng với Thiên giới,

Ngài đã trả lời: "Thiện lai Tỷ-kheo".

Uy đức Tỷ-kheo được Ngài xác chứng.

Rồi Thế Tôn cùng Tôn giả Angulimala là Sa-môn tùy tùng, bắt đầu du hành đi đến Savatthi, và tuần tự du hành, Thế Tôn đến Savatthi. Ở đây, Thế Tôn trú tại Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika.

(Bài kinh này còn dài, nếu các em muốn tham khảo tiếp, cô sẽ đính kèm theo sau)

Đọc truyện ông Angulimala. Có một câu quan trọng: “Ta đã đứng rồi! Còn ngươi hãy đứng lại!”

Con đường từ một kẻ giết người đến một bậc giác ngộ, chỉ khác có một điểm thôi: người chưa đứng lại, và người đã đứng lại rồi.

Bài kệ tiếp theo giải thích chỗ đứng lại:

Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm,

Và chỗ chưa đứng lại:

Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế.

Lời kệ thiệt là đơn giản, nhưng thiệt là sắc bén, đã đánh mạnh vào tâm tư của Angulimala. Ông đã tỉnh ngộ tức khắc và tự nguyện xin làm đệ tử của Đức Phật.

Chúng ta tạm tìm hiểu thêm “bỏ trượng kiếm” là gì? Ý đơn giản đầu tiên là không còn làm tổn hại người khác bằng vũ khí- như Angulimala đang làm. Cái khéo của Đức Phật không nói dư thừa. Nói ngay vào hành động của Angulimala, đang dùng đao kiếm, cung tên để giết hại chúng sanh.

Mình cũng hiểu rộng hơn, đó là Đức Phật không còn tranh đua, xung đột, tranh chấp với bất cứ ai. Điều này cũng có nghĩa người tu phải kham nhẫn, chấp nhận tất cả, nhận phần thua thiệt về mình, cho đến chịu oan ức vẫn không nên biện minh. Mức cao hơn, là lòng không đòi hỏi, không ước mong điều gì trên đời, không chấp trước một việc gì trên đời. Tới đây là khế hợp với không tham, không ái, không dục, thì không sân, không si. Thì tám gió thổi không động. Cũng là Vô Nguyện định, Vô Tướng định, Không định. Như vậy là giải thoát.

Ngược lại, “không tự kiềm chế” là sao? Nguyên câu là: “Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế”. Ông là một hữu tình, Ý này cũng quan trọng. Nhắc Angulimala, ông là một con người, có tình cảm, có lý trí, biết suy xét đúng sai, ông không phải là một khối đá vô tri giác, sao ông hành động như loài vô tri giác? Giết người không lý do, không có tội lỗi gì với ông, mà lòng ông không cảm xúc? Sao ông không biết tự kiềm chế cái thú tánh của ông?

Khi tâm không tự kiềm chế, thì nó tự do phóng ra ngoài, xung đột với người khác, tha hồ quấy phá.

Trong bài kinh “ Tâm không tu tập”, Đức Phật có nói: “Ta không thấy có một pháp nào đưa đến bất lợi lớn như tâm chưa biết tu tập”...

Và trong một bài kinh khác, Đức  Phật nói “Trên đời có bốn hạng người: hạng người chuyên tâm tự hành khổ mình, hạng người chuyên tâm hành khổ người, hạng người chuyên tâm hành khổ mình và hành khổ người, và hạng người không chuyên tâm hành khổ mình cũng không chuyên tâm hành khổ người khác”.

Angulimala nghe những lời khiển trách này, mà âm vang êm dịu xoáy thẳng vào thâm tâm của mình. Khiến cho ông quăng bỏ đao kiếm cung tên xuống đất, quỳ xuống xin làm đệ tử ngài. Tuy nhiên chúng ta cũng biết Đức Phật với tha tâm thông, hiểu thời cơ chín muồi của Angulimala, ngài mới tới tận nơi để độ kẻ có căn cơ với mình. Về sau Ông Angulimala đắc quả A la hán.

Mình học được bài học nào, qua truyện ngài Angulimala? Mỗi em tự suy gẫm. Mình đã đứng lại chưa?

Nếu mình còn đi, tức là mình chưa đứng lại.

Nhưng nếu mình chưa đi, mà mình đứng lại, thì sao?

 

Thích Nữ Triệt Như

3- 8- 2020

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm