Ai cũng biết rằng, có thực mới vực được đạo. Dĩ nhiên, nếu thiếu thốn và khốn khó quá thì tu tập cũng bị trở ngại nhưng ngược lại đầy đủ và sung mãn quá đôi khi lại không phải là điều hay.
Nhất là hành trình chứng đạt giải thoát thì luôn đi ngược với sự chấp thủ, cần phải xả ly và buông bỏ đến tận cùng. Nếu một hành giả chưa thành tựu A-la-hán, thiết nghĩ cũng rất cần tỉnh giác đối với cung kính và lợi dưỡng, vì đó thực sự là một chướng ngại.
“Lợi dưỡng quá nặng” không chỉ đơn thuần là chướng ngại đạo, khó có thể đạt được mục tiêu giải thoát của người xuất gia mà nó còn là một trong những tác nhân quan trọng khiến đạo pháp đi đến chỗ suy đồi, diệt vong. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy vong của Phật giáo Ấn Độ (trước khi bị đạo Hồi xóa sổ) là do chùa chiền và Tăng sĩ thời bấy giờ trở nên quá giàu có, “lợi dưỡng quá nặng” khiến các tệ đoan xuất hiện, làm suy yếu nghiêm trọng nội lực thanh tịnh của Tăng-già và làm xói mòn niềm tin của Phật tử.
Và điều này, Thế Tôn đã cảnh báo cho tứ chúng từ thuở xa xưa, khi Ngài còn tại thế:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Lợi dưỡng quá nặng khiến người không đến được đạo Vô thượng Chánh chân. Vì sao như thế? Này các Tỳ-kheo, Đề-bà-đạt-đa ngu si kia nhận năm trăm nồi cơm của vương tử Ba-la-lưu-chi (A-xà-thế) cúng dường. Nếu ông ta không cho, Đề-bà-đạt-đa ngu si trọn không tạo việc ác này. Vì vương tử Ba-la-lưu-chi hàng ngày đem năm trăm nồi cơm đến cúng dường nên Đề-bà-đạt-đa mới khởi năm điều nghịch ác, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục A-tỳ. Do phương tiện này mà biết lợi dưỡng quá nặng khiến người chẳng đến được đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng, chớ nên sanh, đã sanh thì nên diệt đi. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.147)
Chính Đức Phật đã xác định, “lợi dưỡng quá nặng khiến người không đến được đạo Vô thượng Chánh chân”. Nghĩa là, sự thụ hưởng vật chất càng đầy đủ và sung túc bao nhiêu thì có nguy cơ xa rời đạo quả giải thoát bấy nhiêu. Vẫn biết, vật chất và lợi dưỡng tự thân nó vốn không có lỗi, chính tâm tham lợi dưỡng của con người mới là vấn đề.
Khi đời sống xã hội được nâng cao thì sự cúng dường của bá tánh ngày càng nồng hậu. Dĩ nhiên cúng dường thanh tịnh là một trong những việc công đức, là sự hộ trì Tam bảo. Nhưng không phải ai hay lúc nào cũng hội đủ duyên lành để cúng dường thanh tịnh, như pháp. Còn có không ít trường hợp cúng dường không thanh tịnh, ở người cúng, người nhận, hoặc cả hai, và kết quả của những việc ấy không phải đều là công đức hay hộ trì mà đôi khi còn mang đến sự tổn hại cho đạo pháp.
Ở pháp thoại này, Thế Tôn đã chỉ ra rằng, chính sự cúng dường hậu hĩ mà bất tịnh của A-xà-thế đã làm biến chất tu hành của Đề-bà-đạt-đa, khiến ông trở thành phản đồ, hại đạo. Vậy có nên chăng, cần thận trọng và giác tỉnh (thậm chí có thể khước từ) trước những sự cúng dường dễ dãi, ẩn giấu những dụng ý riêng. Cho nên, nhìn thấy chùa chiền phát triển nguy nga to lớn, người tu đông nhiều mà cho rằng Phật giáo hưng thịnh thì thật chủ quan, vì điều đó chỉ mới phản ánh được cái hình thức bên ngoài.
Phật giáo là một thiết chế ổn định và phát triển nhờ vào sự thanh tịnh cúng dường. Nhưng ngược lại, chính sự cúng dường và thọ dụng không thanh tịnh lại tiềm ẩn nguy cơ hại đạo, tạo ra những hiểm họa khó lường. Vấn đề là, người tu thay mặt Tam bảo thọ nhận của cúng dường thì cần giác tỉnh, luôn quán niệm “Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng, chớ nên sanh, đã sanh thì nên diệt đi”, xem lợi dưỡng chỉ là phương tiện thì mới không bị lợi dưỡng nhấn chìm, và có thể thảnh thơi làm lợi đạo, ích đời.