Hôm qua tôi đến nhà một người bạn mới quen, bỗng chú ý thấy tấm bảng trước cửa ghi “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” làm nhớ đến điển tích xưa.
....
Thượng thư Đàm Thận Huy (1462–1527) về già mở trường dạy học.
Một hôm tan học thì trời mưa to không ai về được, thầy ra một vế đối bảo mọi người cùng đối cho vui:
“ Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách”,
Nghĩa là: Mưa không then khóa nhưng giữ được người.
Học trò Nguyễn Giản Thanh đối ngay là:
– Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Nghĩa là: Sắc đẹp không phải là sóng nhưng dìm chết người.
Đỗ Chiêu Huấn đối là:
– Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân.
Nghĩa là: Mặt trăng giống cái cung nhưng không bắn ai.
Một người học trò khác thì đối:
– Phẩn bất uy quyền dị xử nhân.
Nghĩa là: Phân (đồ bẩn) không có uy quyền nhưng dễ sai khiến người.
Nghe xong thầy phê:
- Câu của Giản Thanh rất hay, sau này đỗ đạt cao nhưng dễ vướng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp.
- Câu của Chiêu Huấn không sắc sảo nhưng khí chất hiền hòa, cuộc sống thanh thản.
- Còn câu của trò kia nói lên sau này sẽ giàu sang nhưng bỉ lậu.
Văn là người.
Sự việc về sau xảy ra đúng như tiên đoán của thầy.