Có thể vì vậy mà chúng ta thường thấy kẻ ác thành công, giàu sang, quyền thế, sống lâu và rất hạnh phúc. Người hiền luôn luôn nghèo khổ, bất hạnh chết sớm.
Trong thực tế, trên đời không có kẻ thiện người ác mà chỉ có kẻ khôn người ngu.
Kẻ khôn luôn luôn thành công, giàu sang, quyền thế, sông lâu và rất hạnh phúc, biết dùng tiền bạc, thế lực để rửa hết trọng tội.
Người ngu luôn luôn nghèo khổ, bất hạnh, chết sớm, dù có lỡ lầm phạm một tội nhỏ con cũng đi ủ tờ mọt gông.
Thiên đường đã được những những kẻ khôn hối mại, mua hết đứt rồi chỉ còn đất địa ngục còn thừa, rẽ rề cho những người ngu.
Đời luôn luôn bất công. Phải ráng mà chịu cho quen.
Lê Huy Trứ
TƯƠNG QUAN PHƯỚC VÀ TỘI
Đức vua Mi-lan-đà hỏi tỳ-kheo Na-tiên:
- Trong hàng ngũ sa môn của Đại đức, có người thuyết rằng, có kẻ trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm tử, họ tưởng nghĩ đến Phật, ân đức hoặc tướng hảo quang minh sáng chói của ngài thì có thể sanh lên cõi trời. Điều ấy thật khó tin! Lại nữa, các vị ấy còn thuyết rằng, người nào đã lỡ tạo nghiệp sát sanh, không cần phải nhiều lần, dù chỉ một lần, người ấy phải bị đọa địa ngục chẳng sai. Điều ấy lại càng không thể tin được!
- Tâu Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, nếu có người ném một viên đá nhỏ độ bằng hột bắp hay hạt tiêu xuống mặt nước, viên đá ấy sẽ nổi hay chìm?
- Chắc chắn phải chìm.
- Nếu có một người chất vài trăm viên đá lớn vào một chiếc ghe rất to, có sức chở rất lớn - thì vài trăm viên đá ấy có chìm không, Đại vương?
- Thưa không.
- Cũng vậy là tội và phước cùng sự tương quan giữa phước và tội, tâu Đại vương! Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước. Tương tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một lần, như giết sanh mạng loài hữu tình; thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa chúng sanh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là nhờ có ghe lớn chở. Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ tưởng nghĩ đến ân đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỉ ở trong ân đức ấy; nhờ vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ - như chiếc ghe lớn - người ấy được sanh thiên cũng là điều hiển nhiên thôi.
- Trẫm đã hiểu.
- Lại nữa, ác nghiệp nặng thường đưa chúng sanh đi xuống, thiện nghiệp nhẹ thường đưa chúng sanh đi lên. Tuy nhiên, nếu đã lỡ tạo ác nghiệp rồi thì phải siêng năng, tinh tấn làm việc lành; chính nhờ việc lành, nhờ thiện nghiệp, nó có khả năng nâng đỡ cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên, Đức Thế Tôn còn dạy rằng: " Ghe, thuyền hằng chuyên chở đồ đạc qua sông lớn, qua biển lớn; nhưng nếu ghe, thuyền ấy chở quá mức độ cho phép, ghe thuyền ấy sẽ bị chìm. Cũng vậy, thiện nghiệp nâng đỡ ác nghiệp, nhưng nếu ác nghiệp quá nặng, thiện nghiệp cũng sẽ bị chìm theo! Lại nữa, ghe thuyền ấy phải được vững chắc, kiên cố không bị rò rỉ; nếu bị rò rỉ, thấm nước thì phải tát cạn, phải bịt chặt các lỗ rò rỉ đi. Cũng vậy, đừng để ác nghiệp xen vào, nếu ác nghiệp đã rò rỉ vào tâm thì phải bịt chặt lại, tát cạn lần hồi ác nghiệp ấy đi. Nhờ vậy ghe, thuyền thiện pháp kia sẽ đến được bến bờ an vui nhất định."
- Trẫm không còn nghi ngờ gì điều ấy nữa.
Nguồn: Kinh Mi Tiên vấn đáp, Mi Tiên Vấn Ðáp (Milinda Panha), dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo), Tỳ kheo Giới Ðức hiệu đính, ấn bản 2003.
*** Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật *