Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Bai 64 VIET CHO EM


Sáng sớm nay, đọc mấy dòng nhắn tin của em:.... “thứ bảy này cô sẽ gặp thiền sinh trên zoom, nhưng con sẽ không chào cô được, lúc này sức khỏe con rất kém...”, cô bất chợt ngẩn ngơ, thấy lòng chùng xuống. Cô text trả lời em. Nhưng rồi, không làm việc gì được, cô muốn nói vài điều với em thêm. Mà nói gì nữa đây? Mình đã thân thuộc với nhau lâu quá rồi, chắc trên 10 năm ! hay 15 năm, cô không nhớ. Bao nhiêu lần cô qua hướng dẫn đạo tràng, mỗi mùa xuân mình gặp nhau một lần, có khi một tuần, có khi hai tuần. Có năm các em lại tổ chức một chuyến du ngoạn xa thăm viếng các di tích lịch sử nổi tiếng. Năm nào em cũng có mặt, từ ngày đầu cho tới ngày cuối. Rồi một ngày phát hiện sức khỏe có vấn đề, cô cũng được biết. Thầy Thiền chủ cũng biết. Rồi thời gian qua, em cũng gặp cô mỗi lần cô tới. Năm nay, hoàn cảnh chung của thế giới, chương trình của cô hủy bỏ hết. Thỉnh thoảng em nhắn tin cho cô biết sức khỏe của em. Chúng mình còn làm gì hơn nữa được.

Em đã biết Phật pháp, đã thực hành Thiền từ lâu, nên em mới bình tĩnh như vậy. Mình biết rõ và mình đã chấp nhận qui luật vô thường, đời sống của mình thay đổi từng giây phút. Mình có đến, thì mình sẽ có đi. Nhưng học tới Bát Nhã rồi, thì mình cũng biết đến và đi là nói theo thế gian. Khi mình trở về nguồn cội tâm của mình, thì cái Tâm này lúc nào cũng như vậy, không có thay đổi, không có đến và đi. Khi cái Tâm này cần phải học thêm nhiều bài học cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh, thì nó phải xuất hiện vào đời. Rồi khi cái thân vật chất nặng nề này không tồn tại giúp ích nữa thì nó sẽ thay đổi, mượn một cái thân khác khỏe mạnh hơn để tiếp tục con đường tiến hóa của nó. Cho tới khi cái Tâm trong sạch này trở lại bản thể của nó và phát huy năng lực sáng chói của nó, mới là xong. Điều này em đã biết rõ, cô không cần giải thích chi thêm.

 

Inline image

Vậy, điều cần thiết bây giờ là mình vẫn tiếp tục sống, bình thường, bình thản, như từ trước tới giờ. Bỏ qua cái bệnh đi. Không thèm quan tâm tới nó nữa. Xem như cái thân nó bệnh. ( Nói vậy, không phải là mình phủ nhận cách trị liệu của y học). Cái tâm của mình, là cái tâm trong sáng- cái Biết Không Lời- nó lúc nào cũng trong sáng, trống rỗng. Thực sự, cái Biết, không có bệnh. Mà cái thân chỉ là khối thịt, khối xương, nó là vô tri giác. Nó đâu có biết gì. Nó đâu có bệnh.

Mình hiểu như vậy, cố gắng hiểu như vậy. Rồi an tâm sống, thấy biết “cái đang là” của cảnh, của tâm. Đời này, mình tiến tới một bước, mình sẽ giữ được cái bước tiến đó đến đời sau.

Dòng sống của mỗi người tương tục, tiếp nối hoài từ xưa vô số kiếp rồi. Đâu phải bây giờ mình mới kinh nghiệm chu kỳ: sinh, lão, bệnh, tử. Bây giờ mình được tâm an lạc, sẽ là nhân tốt cho hiện tại và cho mai sau.

Công phu tu tập thiệt ra không có quá khó đối với mình.

Nó chỉ đòi hỏi 2 việc thôi. Là Tuệ và Định.

Tuệ, bước đầu là tuệ trí (insight) có lời cũng tốt rồi. Mình hiểu những chân lý của cuộc đời: vô thường, duyên sinh, nhân quả, nghiệp báo, bản thể cuộc đời là Trống Không, là Như Huyễn. Cái lo, cái buồn của mình sẽ nhẹ đi nhiều.

Định: chỉ cần có cái Biết không lời trong một phút cũng đủ. Mình cứ bước vào cái trạng thái Biết không lời, khi mình nhớ là làm. Ngồi trong nhà, nhìn ra vườn, thấy, biết không lời, thấy cái đang là của cảnh. Thấy tâm mình đang bình an, trống rỗng. Chỉ vậy thôi, cô biết nó trong tầm tay của em.

Khi nằm nghỉ ngơi, nhắm mắt, quan sát hơi thở, tâm cũnh yên lặng, thanh thản.

Mình cũng có thể nghe audio đọc kinh Nikàya. Chắc em có cái máy đọc này. Mình hiểu được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu, không cần suy nghĩ nhiều về nó. Điều cần là khi đó mình biết rõ tâm mình đang nghe, bình an, thanh thản. Nghe hằng giờ cũng được. Tâm mình đươc an lạc trong khi nghe kinh. Quên đi cái bệnh của thân.

Nếu em khó ngủ, mà ngay cả dễ ngủ nữa, trước khi ngủ, cũng nên nghe máy đọc kinh Nikàya rồi ngủ. Giấc ngủ sẽ yên lành, không mộng mị. Đây là kinh nghiệm của cô. Riêng cô, vì ngày xưa, có một lúc, cô “xin được ngủ một giấc an lành, sáng mai không muốn thức dậy...” nên cô xem kinh cho tới khi buồn ngủ mới xếp quyển kinh lại, từ đó không còn có ác mộng nữa, tâm bình an đi vào giấc ngủ. Sáng mai lại thức dậy, lại hoàn thành công việc cần thiết cho một ngày, cái gì phải làm thì làm cho xong trước khi đi ngủ, lời gì cần nói thì nói, không chờ ngày mai. Lúc đó, mỗi đêm, cô nghĩ là mình sẽ không thức dậy. Cho nên mỗi ngày sống trọn vẹn cho ngày đó. Bây giờ, cô không còn ý muốn đó nữa, nhưng cái thói quen vẫn là giải quyết công việc cho xong trước khi đi ngủ. Không hoãn lại ngày mai. Công việc tới tấp hoài. Nếu không giải quyết ngay, nó sẽ trở thành sức ép, đè nặng tâm mình. Làm sao thanh thản được.

Xem tới đây, có thể có em hỏi “Vậy sao có khi cô trả lời thư chậm quá, có khi phải hỏi lần thứ hai cô mới trả lời?” Có nhiều lý do lắm. Có khi không biết tại sao email đó lại rơi vào “trash”, hay vào “archive”, lâu lâu khi rảnh cô xem lại “trash” hay “archive”, trước khi xóa, mới đoc được. Có khi không biết trả lời như thế nào cho người đọc không buồn, cho nên cô do dự, có khi yên lặng luôn.

Bài này cô viết cho em, nhưng thực ra cũng có thể áp dụng cho nhiều em khác, học và thực hành mỗi ngày. Đây là những kinh nghiệm cô đã trải qua trong đời. Mục tiêu của mình không phải muốn đạt được cái gì, ngay cả đạt tầng định này, tầng định kia, hay giấy chứng chỉ hoàn tất một khóa tu nào, với hạng ưu hay tối ưu v.v... Mình đã biết khi đạt được mức độ nào đó, trên con đường tu học, mà vui mừng, mà nói ra cho người khác biết, thì là chưa đạt được gì. Phải không các em? Vậy thì mình cứ sống bình thường, biết rõ tâm mình đang bình an, không có khởi ra ý gì ác, sai lầm, muốn làm hại người khác, mình không đau khổ, phiền muộn. Vậy là đủ rồi. Cái thân nó đau, nó yếu, mình cũng biết. Nhưng mình không khổ nữa. Mình cũng chăm sóc nó. Nhưng không khổ.

 

Inline image

Cái thân, là cái phương tiện của cái tâm, để cho tâm làm việc, để cho tâm biểu hiện chức năng của nó. Giống như mình là người có một cái nhà, nơi che mưa che nắng cho mình. Mình ở thì mình cũng phải chăm sóc cái nhà, gọn gàng sạch sẽ, chỗ nào hư hỏng thì phải sửa sang lại. Cho tới khi nhà mình cũ quá rồi, mình phải kiếm một cái nhà mới rộng hơn, đẹp hơn. Nhà ở thì mình có thể thay đổi hoài. Còn mình là ông chủ nhà, dù ở nhà cũ hay có nhà mới, mình vẫn là ông chủ. Cho nên, trong nhà Thiền, chư vị Thiền Đức ở hay đi theo ý muốn. “Sinh như đắp chăn đông. Tử như cởi áo hạ”. Mùa đông lạnh lẽo mà được đắp chăn, mùa hạ nóng nực mà được cởi áo.

Thiệt ra cô viết mấy dòng nầy cũng như là cô đang nhắc nhở chính cô thôi. Cô cũng đã nhìn thấy dòng thời gian trôi qua, như gió thổi mây phải bay. Mây có bao giờ cưỡng chống lại. Ngày nào đó, nếu như Đức Phật hỏi Thầy mình:- Nó xong chưa ? Thầy kêu mình:- Con ơi, tới giờ rồi! Thì cô sẽ thưa:- Dạ, con sẵn sàng rồi!

Thì mình đi thôi.

Inline image

Vậy đó. Cô đã dự tính cho cô: sống đơn giản, tu đơn giản, và đi cũng đơn giản, nếu cô được cái phần thưởng cuối cùng này.

 

Thích Nữ Triệt Như

2- 9- 2020

 

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm