Giác ngộ nó như thế nào?
Rồi có một ngày, thiền sư tuyên cáo rằng một sư trẻ đã đạt được giác ngộ.
Các sư trẻ khác đến gặp sư đó: “Chúng tôi nghe rằng sư đệ đã giác ngộ. Có phải như vậy không?”
Sư trẻ: “Đúng như y chang như rứa!”
“Vậy thì giác ngộ nó sướng như thế nào?” - Họ hỏi.
Sư trẻ trả lời: “Chưa khi mô, khổ răng mà khổ như rứa!”
Các sư trẻ ngạc nhiên: “Tại sao giác ngộ lại khổ quá như vậy?”
Sư trẻ trả lời: “Đệ chỉ mới giác ngộ như bị điện giật tê tê nhưng chưa được giải thoát vì chưa bị điện chân hỏa tam muội giật sướng muốn chết đi được”. (Lê Huy Trứ, phóng tác từ truyện thiền Nhật Bản, 2016)
Hình như, Ngộ không có đích để đến. Vô không gian - không thời gian mà chỉ bỗng nhiên, bất ngờ bùng nổ như big bang rồi thì hình như có một luồng điện (hỏa xà) chạy trong thân thể ta từ đầu tới chân rồi bổng nhiên thiên nhãn thông?
(The physical structure most closely related to the third eye chakra is the pituitary gland—the queen of the endocrine system...)
Lúc đó, một pháp thông vạn pháp điều thông?
Đó cũng là trạng thái thập tử nhất sinh giữa ranh giới của "lư hỏa thuần thanh" và "tẩu hỏa nhập ma."
Vừa sung sướng vừa đau khổ? Nửa an lạc nửa lo âu? Phân vân chọn lựa giữa chính, giác ngộ và tà, quyến rủ của ma vương (Mara)?
Tuy nhiên, không nên sở trụ vào 'nơi lúc' vô thường đó, không nên chấp vào những thần thông tạm bợ đạt được, không thật của trạng thái lúc đó.
Đức Phật đã cảnh giác những đại đệ tử của mình không nên biễu diễn, và lạm dụng vào thần thông mà họ đạt được. Nên nhớ, những đại đệ tử này trước khi tri kiến Như Lai, các Ngài đã đạt những thần thông khác biệt. Họ đã từng là giáo chủ của một tông phái với hàng trăm đệ tử. Sau khi họ được Phật khai ngộ, họ xin quy y Phật và đem theo hàng trăm đệ tử tình nguyện quy y theo Phật.
Vậy thì, cái gì Ngộ? Cái Vô ngã ngộ hay cái Ngộ ngộ vô ngã? Hay là cái Tâm ngộ?
Từ mê tới ngộ rất khó lường nhưng từ ngộ trở lại mê thì chỉ trong sátna.Hãy lắng nghe, Đức Phật giải thích về quá trình giác ngộ của chính Ngài lúc còn là bồ tát,
"Này Mahànàma, thuở xưa, khi ta còn là Bồ Tát, chưa chứng được Bồ đề, chưa thành chánh ðẳng chánh giác, ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn, dù ta có thấy với như thật chánh trí tuệ như vậy, nhưng ta chưa chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sinh hay một pháp nào khác cao thượng hơn.
Và như vậy ta biết rằng, ta chưa khỏi bị các dục chi phối. Và này Mahànàma, khi nào ta khéo thấy với như thật chánh trí tuệ: Các dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn và ta chứng được hỷ lạc do ly dục, ly ác bất thiện pháp sinh hay một pháp nào khác cao thượng hơn, như vậy ta khỏi bị các dục chi phối".
Bồ Tát là Giác hữu tình, Minh Đức viết: “Bồ đề tát đỏa gọi tắt là Bồ Tát có nghĩa là hữu tình giác. Chúng sinh có 2 loài là hữu tình và vô tình. Có tỉnh thức thì gọi là Giác, còn ý thức chập chờn đổi thay thì gọi là chúng sinh hữu tình, còn mê theo tình cảm của chúng sinh thì là phàm phu, tỉnh giác thì gọi là hữu tình giác tức là Bồ Tát”.
Trong “Sự khác biệt giữa A La Hán và Bồ Tát là gì?” Tỳ kheo Thích Phước Thái giảng:
“Bồ Tát có 2 nghĩa: một là hữu tình giác, hai là giác hữu tình. Thế nào là hữu tình giác?
Bồ Tát cũng là một con người như chúng ta, nhưng là một con người giác ngộ và sau khi giác ngộ, các ngài đem sự giác ngộ đó giáo hóa cho mọi người cũng đều được giác ngộ như các ngài, thì gọi các ngài là Bồ Tát. Như vậy, ai cũng có thể làm Bồ Tát được cả. Nếu chúng ta chịu khó tu học và có tấm lòng vị tha nhân ái làm lợi ích cho mọi người, cũng đều gọi là Bồ Tát. Tóm lại, Bồ Tát chỉ là một con người, nhưng là người giác ngộ, làm lợi mình và lợi người, đó là Bồ Tát.”
Hãy kiến sắc và quán âm để tâm mà nghe thấy Đức Thế Tôn trở thành Như Lai,
Kinh Trung A Hàm, La ma thứ 56: “Cuối cùng, vào đêm mùng 8 tháng Chạp (tức đêm mùng 8 tháng Pao sa, tháng 2 theo lịch Ấn), lúc canh hai, Ngài chứng được quả Túc mệnh minh, thấy rõ được tất cả khoảng đời của mình trong tam giới. Nửa đêm canh ba, Ngài chứng được quả Thiên nhãn minh, thấy được rõ tất cả bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó.
Đến canh tư, Ngài chứng được quả Lậu tận minh, thấy rõ nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Khi sao Mai vừa mọc, Ngài hiểu thấu mọi pháp không gì không do duyên khởi, tất cả pháp duyên khởi rốt cuộc là đạo lý vô ngã”.
Kurt Gödel (1906-1978) là nhà toán học người Mỹ gốc Áo, tác giả của Định Lý Bất Toàn đã xác nhận rằng tri thức (knowledge) của con người có hạn, không thể đạt tới cái kiến thức toàn thể bằng trí óc lý luận phân tích.
Con người có thể dùng cái đã biết, suy luận bằng logic ra cái chưa biết nhưng không bao giờ đạt tới cái biết trọn vẹn trừ khi mở mang trí tuệ Phật (wisdom.) Tuy nhiên, tại vì con người với tâm viên ý mã nên không chịu bó tay, luôn đi tìm chân lý. Thực nghiệm từ các nhà tu hành Phật Giáo chứng tỏ rằng chúng ta có thể đạt tới thực tại bằng cách chấm dứt tư duy. Bởi vì suy luận chính là sở tri chướng, và là áng mây vô minh che lấp trí tuệ như hoa đốm giữa hư không.
Ngừng được giòng tâm thức tư duy tức là quét sạch đám mây vô minh đó để ánh quang minh tự hiển hiện soi sáng chân lý tối thượng.
Trên đây là những điều mà ai ai cũng nói được, quá dễ dàng để giảng thuyết, nhưng có mấy ai có thể ngừng được dòng tâm thức quá lâu?
Chúng ta không thể ngừng được dòng chảy của tâm thức, cuồng cuộn như đại dương, nhưng mà chỉ có thể quán tự tại, để tâm tư trôi theo cái dòng chảy đó một cách an nhàn tự nhiên, và đồng thời nhậm vận thịnh suy vô bố uý. Cái Ngã cứ mặc cho nó suy nghĩ, lo ra, nhưng cái ý nên quan sát với cái tâm bồ đề như như bất động. Tất cả chỉ là vô thường. Tâm thức cùng muôn vạn suy tư với bể khổ vì lo âu sẽ trôi qua, như giòng thời gian, không để lại một ấn tích nào trong ký ức.
Tuy nhiên, thuyết tương đối nói rằng sự trôi của thời gian, với một quá khứ đã qua và một tương lai còn chưa tới, chỉ là ảo giác, vì tương lai, quá khứ và hiện tại tất cả phụ thuộc vào chuyển động tương đối của ý thức. Cũng như tâm thức không đến không đi, thời gian không trôi, nó đơn giản chỉ tồn tại, cô đọng, và cuộn lại ở lúc vô định đó mà thôi.
Đa số Phật Tử tìm giác ngộ vì muốn thoát khỏi khổ đau nhưng hầu như đa số nhân sinh đều cầu tái sinh hay luân hồi vì mong sẽ tái sinh/luân hồi trong một kiếp với tương lai tốt đẹp hơn.
Đây là điểm mâu thuẩn, đầy nghịch lý, tham sân si của nhân sinh. Đây cũng chính là lý do nhân sinh khó mà giác ngộ, và giải thoát.
Giác ngộ là thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn, sinh lão bệnh tử. Nói thoát khỏi cũng chỉ là một cách diễn tả tương đối, thật ra luân hồi, nhân quả, nhân duyên, đau khổ, giác ngộ đều không có thật, thế giới vũ trụ cũng chỉ là huyễn, như điện như ảo, không có thật.
Chính vì nhận ra vũ trụ là không có thật nên ngài Hộ Pháp (Dharmapàla,) xuất phát từ ý nghĩa của bộ kinh Duy thức tam thập tụng (zh. 唯識三十頌, sa. triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā) của Bồ Tát Thế Thân (世親 Vasubandhu,) đã viết bộ Thành Duy Thức Luận mà ngài Huyền Trang đã dịch ra Hán Văn trong đó có câu tổng kết, “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (Ba cõi -dục giới, sắc giới, vô sắc giới- đều là tâm, vạn vật đều là do tâm thức biến hiện.”
Chính vì vậy Kinh Kim Cang mới có câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.” Phải như con chim ưng bay lượn trên không, không có sở trụ mới ngộ ra cái tâm ấy, bởi vì nếu có chỗ trụ thì mắc bệnh hình thức, bệnh trước tưởng, không phải chân lý.
Ngài Thái Hư Pháp Sư giảng: Sắc thân của Phật là hư vọng, mà tất cả các hình tướng, như thế giới chúng sanh v.v... cũng đều hư vọng, như hoa trong gương, như trăng duới nước, không có chơn thật. Nếu người rõ thấu được các tướng đều hư vọng như vậy, tức là đã thấy được "pháp thân của Như Lai," tức là rõ thấu được "tướng chân thật của các pháp," cũng tức là "Trí Huệ Vô Thượng," và cũng tức là "Kim Cang Bát Nhã Diệu Tâm." Tuy nhiên, "Không nói Bát Nhã và không nghe Bát Nhã," như thế mới thật là "nói Bát Nhã và nghe Bát Nhã."
Đức Phật dạy: Nếu Như Lai có thành Phật, tất nhiên phải có chúng sanh chưa thành Phật, thế thì bốn tướng: ngã, nhơn v.v....đua nhau sanh khởi. Nếu còn ngã, nhơn v.v...thì không phải là Phật. Nếu Như Lai có nói pháp, tất nhiên phải có chúng sanh nghe pháp. Nếu còn có kẻ nói người nghe, tức nhiên còn nhơn, ngã, bỉ, thứ. Nếu còn ngã, nhơn thì không phải là thuyết Phật Pháp.
Cho nên, sau 49 năm giảng dạy Phật Pháp, trong Kinh Langka, Đức Thế Tôn trã lời, “Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết.”
Sau đây chính là ý của bộ kinh mà Tổ Đạt Ma đã trao truyền cho Huệ Khả làm tâm ấn, “Ta có Lăng già Kinh bốn quyển cũng dùng giao phó Ông.”
Nhập Lăng-già kinh (chữ Hán: rù lèngqié jīng 入楞伽經, Tiếng Nhật: nyū ryōga kyō, tiếng Phạn: laṅkāvatārasūtra) là một bộ kinh của Đại Thừa, đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, hành giả đạt tâm bất nhị, không còn phân biệt. Lúc đó, tâm thức họ đã chứng được Như Lai Tạng (sa. tathāgata-garbha,) vốn hằng có trong chúng sinh, muôn loài.
Kinh này chỉ rõ là văn tự không đóng vai trò quan trọng trong việc trao truyền giáo pháp. Quả đúng như vậy, trong thời gian Phật tại thế, lúc đó nhân loại chưa có văn tự, nói gì tới giấy bút. Tất cả những lời Phật thuyết được khẩu truyền bằng cách học thuộc lòng, lập đi lập lại hàng trăm lần, và được truyền tụng, như thị ngã âm. Những thuyết pháp này từ kệ, rồi thì trở thành kinh điển nhật tụng. Đó là nguyên do của tục tụng kinh sau này, để được quán sắc, tri âm, và khai thị.
Thông điệp chính của kinh Lanka là ngôn ngữ văn tự của 12 bộ khế kinh chỉ có thể giúp cho chúng sinh: Khai (mở ra,) Thị (chỉ cho thấy.)
Tuy nhiên, nếu muốn thật sự Ngộ Nhập vào Chánh Pháp thì phải rời ngôn ngữ, văn tự mà khởi đầu Tu Chứng.
Tôi đã từng tự nghe qua, mới đọc thấy, như thị tri kiến, rồi cũng hy vọng nó thật sự là như vậy.
Trong Tây Du Ký, Tam Tạng cùng ba đồ đệ, Tôn Ngộ Không, Bát Giới, Sa Ngộ Tịnh vì chỉ mới Khai Thị, còn chấp vào văn tự, kinh điển nhật tụng. Cả thầy lẫn trò chưa thật sự Giác Ngộ, nhập Chánh Pháp, nên họ không đọc được vô tự kinh của Ma Ha Ca Diếp, và Ananda giao cho.
Ma Ha Ca Diếp, tủm tỉm cười, nằng nặc đòi cho được cái bình bát, duy nhất còn sót lại trong mình Đường Tăng, bằng vàng quý giá của vua Đường ban cho Tam Tạng trước khi Tây du thỉnh kinh, để trao đổi kinh; không phải các Ngài đã đòi hối lộ nhưng mà muốn Đường Tăng viễn ly, đoạn lìa danh sắc trước khi nhận chánh pháp, chánh pháp không ở trong văn tự kinh.
Con người còn chấp vào sắc không thể thấy chánh pháp tàng ẩn ở trong tự kinh, lẫn không thể đọc thấy được chánh pháp hiển hiện trong vô tự kinh.
Thầy trò Tam Tạng, nhất là Tôn Ngộ Không tượng trưng cho cái trí, mà không đọc được vô tự kinh thì làm sao Vua Đường biết được là Tam Tạng đã thật sự tri kiến Phật, đã tới Tây Phương cực lạc, và đã thỉnh được kinh. Tam Tạng có thể mang tội khi quân vì không có được một cuốn kinh mang về làm bằng chứng?
Hơn nữa nếu không có tự kinh thì làm sao ngày nay chúng ta có được cả rừng sách dịch từ Phật Giáo Trung Hoa để mà trì tụng kinh?
Thiện tai, thiện tai cho cái vô minh của thầy trò Đường Tam Tạng. May thay, phúc thay cho chúng sinh.
Trong Vô Tự Kinh, tôi đã viết: Muốn ngộ nhập vào chánh pháp thì phải tìm nơi không chữ mà đọc.
Thầy trò Tam Tạm nhận kinh không chữ từ Ananda và Ca Diếp, tưởng là vì Tổ Ca Diếp và Tổ Ananda đòi ăn hối lộ không được nên tổ trác, tráo kinh vô tự. Bốn thầy trò vội vã tái kiến Phật, và rồi thì Tôn Ngộ Không mồm năm miệng mười tố cáo hai Tổ đòi ăn hối hộ. Vậy mà Phật Tổ đã không quở phạt họ, Ngài chỉ bảo họ vô lấy tự kinh giao lại cho thầy trò Tam Tạng mà không giảng nghĩa hay tra vấn ai.
Không lẽ Phật Tổ cũng cùng phe tham nhũng với Ananda và Ca Diếp?
Công án này tôi đã trình bày, và luận bàn qua rồi. Nó đã từng là một rừng tranh luận trong những đại học danh tiếng của Mỹ, Anh và thế giới, chừng 20 năm về trước.
Thiền Sư Suzuki viết trong Thiền Luận về kinh này, thường nhân thường hay gán oan cho Tổ Đạt Ma là tác giả, với câu văn bất hủ “Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Kiến tánh thành Phật,” đã diễn giải và khai thị ý kinh Lăng Già.
“Tục diệm truyền đăng,” truyền tâm, phi văn tự, là pháp môn cuối cùng của Đức Phật truyền cho các đệ tử của Ngài trước khi Ngài nhập diệt.
Đức Thế Tôn đã biết đa số các đệ tử của Ngài đã khai thị, đã tu chứng, và đã ngộ nhập vào chính pháp. Họ không cần một tân giáo chủ kế nhiệm, như những tôn giáo khác, dẫn dắt nữa. Tâm thức họ đã chứng được Như Lai Tạng (tathāgata-garbha,) có thể tự mình là bật thầy, bật tổ, với ngọn đuốc trí tuệ trong tâm thức, họ đã dư khả năng để hoành dương phật pháp.
Dĩ nhiên, chúng sinh, tuy ai ai cũng có cùng Phật Tánh nhưng căn trí thì bất đồng cho nên:
Những hành giả Thanh Văn khi đạt đến cảnh giới không thể hình dung, không thể đặt tên đó, tạm gọi là Niết-bàn, vô vi bất sanh bất diệt. Các Ngài liền tưởng là đã đạt đến cứu cánh, việc đáng làm đã xong không còn điều gì để tu tập hơn, để thực hiện thêm nữa.
Còn các hành giả Đại Thừa khi đạt đến Bất Động Địa, tương đương với cảnh giới Niết Bàn, “sở tác dĩ biện,” nên biết đó chỉ là vô sanh pháp nhẫn, chứ nên tưởng là đã đạt được cứu cánh.
Như trong kinh Thập Địa khi nói về Bồ Tát Địa, có ghi: Khi Bồ-tát chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, tưởng đã chứng Niết Bàn.
Ngài Trần Huyền Trang dịch Niết Bàn là viên tịch, danh từ này rất trườu tượng, trong tiếng Phạn bao hàm nghĩa phủ định, diệt tắt, an lạc tự tại.
Niết Bàn bất khả tư nghị, bất khả tư dung, bất khả tư duy, bất khả tư tưởng! Mới tưởng, mới nghĩ, mới tả, mới nói là đã không đúng rồi.
Giác ngộ cũng rất khó tư nghị. Nói ra là đã sai rồi. Cho nên, nói An Tâm Kiến Tánh thành Phật chớ kỳ thật không thành cái gì hết.
Đức Phật đã từng cảnh tỉnh chúng đệ tử: “Tánh của các pháp này, Phật xuất thế hay không xuất thế vẫn thường trụ chẳng khác. Chư Phật chẳng cho rằng đã được pháp này nên gọi là Như Lai, tất cả hàng Nhị Thừa cũng có thể đạt pháp vô phân biệt này.”
“Chư Phật chẳng cho rằng đã được pháp này nên gọi là Như Lai.” Đây chính là cốt lõi của vấn đề.
Cho nên dù “đạt được pháp vô phân biệt," tâm bất nhị (nondualism,) cũng chưa được xem là đã hoàn thành, mà hành giả còn phải tiến xa hơn nữa đó là thực hiện hạnh nguyện đại bi vô tận phổ độ chúng sanh.
Trong Kinh Viên Giác, Đức Phật dạy: Chúng nhân sinh vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp pháp.
Đó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời. Nếu hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau này, chúng ta sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc thực sự, an nhiên tự tại ngay trong cuộc sống hiện tại; không cần tìm kiếm ở đâu xa vời.
偈云
居塵樂道且隨緣,
饑則飧兮困則眠。
家中有宝休尋覓,
對境無心莫問禪。
Kệ vân
Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
(Sơ tổ Trúc Lâm, Trần Nhân Tông)
Họa Kệ,
Tuỳ duyên mà an lạc đạo đời,
Đói ăn khát uống mệt ngủ khì.
Giữa nhà có báu ngưng tìm kiếm,
Đối cảnh tịnh tâm hỏi chi thiền.
(Lê Huy Trứ)
Hoà Thượng và Thiền Sư Thích Thanh Từ, Của Báu Trong Nhà (Sư Ông Trúc Lâm) giảng dạy,
“Bài kệ "Cư trần lạc đạo" của Sơ Tổ Trúc Lâm có hai câu kết như thế này: Gia trung hữu bảo hưu tầm mích. Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền. Hai câu này thật là chí lý. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích là trong nhà có hòn ngọc quí, đừng tìm kiếm ở đâu nữa. Hãy xoay lại tìm hòn ngọc của chính mình. Thường thường quí Phật tử tìm Phật ở trên núi hay ở chỗ nào linh thiêng, chớ không chịu tìm Phật của chính mình. Mình có hòn ngọc quí sẵn một bên mà bỏ quên, lại đi tìm ở đâu xa tít thì làm sao thấy được.
Phật trên núi là Phật ở ngoài, không phải Phật của mình. Phật của mình chính là tự tâm thanh tịnh sáng suốt ngay nơi mình. Đó mới là Phật thật. Vì vậy chúng ta phải xoay lại mình, nhìn lại những tâm niệm lăng xăng là vọng tưởng hư ảo, không theo không dính nó, đó là mình trở về với ông Phật của mình. Những thứ đó lặn hết thì ông Phật mình hiện ra, đó là hòn ngọc sẵn trong chéo áo. Chúng ta trở lại tìm ngay nơi mình thì đúng. Ngược lại là sai.
Muốn thế, chúng ta phải tu bằng cách nào? Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền, là đối với cảnh trần mà tâm không dính mắc, đó là thiền. Không dính mắc với sáu trần, đó là cơ hội để thấy ông Phật của mình. Đối với sáu trần bên ngoài, chúng ta không dính mắc chính là tu thiền. Đâu cần phải ngồi liêm diêm mới gọi là tu thiền.
Phần nhiều chúng ta phải đợi ngồi mới tu. Bởi vì bình thường quen cho tâm phóng chạy ra ngoài, nên khi đi đứng sinh hoạt, chúng ta kềm không nổi. Nghe người ta nói cái gì hay hoặc làm cái gì lạ cũng chăm chú nhìn, thành ra khó tu. Nên bây giờ buộc lòng tối, khuya phải ngồi cho tỉnh lại. Nhờ tỉnh lặng mới thấy từng niệm dấy lên, buông xả không theo nó. Tu như vậy đến khi nào thuần rồi, đi ra ngoài thấy người thấy cảnh không chạy theo nữa thì bấy giờ trong bốn oai nghi đều là thiền. Câu đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền đã định nghĩa thiền hết sức rõ.
Chúng ta tu từ thấp lên cao, ngồi yên một chỗ trong thiền đường là để dẹp pháp trần, không dính với pháp trần. Khi thuần rồi đi ra ngoài đối với sáu trần gỡ lần, không cho dính nữa, lúc đó chúng ta tự tại. Tu hành đến chỗ tự tại mới gọi là giải thoát sanh tử; còn dính còn cột, dù cột với pháp tu vẫn thì còn sanh tử.” Trích Sách Hoa Vô Ưu 2 - Phản Quan Tự Kỷ Bổn Phận Sự Bất Tùng Tha Đắc, H.T. Thiền Sư Thích Thanh Từ
“Khi thuần rồi đi ra ngoài đối với sáu trần gỡ lần, không cho dính nữa.”
Vậy thì Sáu trần là gì?
Hay, Lục căn, Lục trần và Lục thức là gì?
Lục là sáu, căn là giác quan. Căn cũng là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nẩy nở, phát sinh. Lục căn là sáu giác quan của con người, gồm có: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn, tương ứng với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Sáu căn có đối tượng tiếp xúc riêng, nghĩa đen là bụi (trần.) Nghĩa bóng, Trần tức là chỉ cái phần vật chất, cảnh vật chung quanh, trần cảnh. Vậy nên, Lục trần là sáu trần, gồm có: Sắc trần (Cảnh vật), Thanh trần (Âm thanh), Hương trần (Mùi hương), Vị trần (Mùi vị), Xúc trần (Cảm giác ở thân) và Pháp trần (Cảnh ở trong tâm).
Khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần, nghĩa là: Mắt thấy được hình ảnh, mũi ngửi được mùi thơm, lưỡi nếm được chất cay đắng, tai nghe được âm thanh, thân cảm thấy nóng lạnh, và còn ý có suy nghĩ phân biệt.
Chính sự phân biệt, thấy biết và phán đoán đúng sai này được gọi là thức. Thức thuộc về tâm pháp (vô hình tướng). Lục thức gồm có: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Trong Lục căn, Lục trần và Lục thức là gì, Tuệ Tâm viết, “Lục căn, Lục trần và Lục thức còn gọi là mười tám giới phân biệt. Chúng hình thành nên bản ngã của chúng ta. Cái chấp ngã của ta được tạo dựng và huân tập nơi tạng thức từ vô thỉ kiếp đến nay. Cái ngã mà ta tưởng là “Ta” thực ra là giả dối. Nó tồn tại mãnh liệt, tác oai, tác quái và sai sửa khiến ta chìm trong vọng tưởng vô minh. Nó khiến ta vô thỉ kiếp nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.”