Một cụ già ra đi vào lúc 100 tuổi . Người đời khen là Thượng Thọ, nhưng nhìn lại thân xác gầy gò ốm yếu chỉ còn da bọc xương bỗng dưng mọi người chợt hỏi: “Thật sự có nên sống đến trăm tuổi không, nhất là phải sống trong sự yếu đuối tàn tạ, như một chiếc xe cũ nát không còn có một bộ phận nào dùng được."
Có rất nhiều cụ già nằm trên giường bệnh, khẩn khoản con cháu hãy cầu nguyện cho họ mau về cõi Phật. Có người nói: “Người ta cầu cho sống thêm được ngày nào tốt ngày đó sau lại yêu cầu cho chết đi?"
Thử nghĩ về một trường hợp như sau.
Một ngày vì một lý do gì đó, hoặc khi chúng ta sống một mình, hoặc vì không có ai chăm sóc cho chúng ta được, vì sức khỏe đã suy tàn, bệnh hoạn, không còn tự chủ được nữa, chúng ta phải thu xếp chuẩn bị vào viện dưỡng lão. Lúc bấy giờ chỉ có thể chọn và mang theo những thứ gì thật cần thiết.
Nhưng thật khó lựa chọn vì ngay với cả những cái không cần thiết nó cũng đã đi theo chúng ta, đã phục vụ chúng ta trong một thời gian quá dài. Chúng ta nhớ ơn nó. Những cuốn sách gối đầu giường, những tấm hình chụp khi còn trẻ, những đồ vật kỷ niệm của một thời xa xưa ... Bỏ cái nào và giữ lại cái nào?
Một nỗi cô quạnh vô cùng, càng lúc càng mênh mang vì sắp phải từ giã những gì mình thân yêu.... Nhiều người trộm nghĩ: "Khi có ai cho (hay khi mua sắm) một món đồ, hãy cứ nhận, vì cái vào mới khó chứ bỏ đi thì rất dễ. Nhưng có thể người ta đã lầm, vì bỏ đi cũng không dễ gì cả, có lẽ còn khó hơn.
Krishnamurti có câu: "Voulez-vous savoir comment mourir? - Pensez à une chose que vous considérez comme un trésor...et jetez-la" (Bạn muốn biết chết là thế nào? Hãy nghĩ về một vật mà bạn xem như một vật quý báu ...và bạn vất bỏ nó đi."
Người theo đạo Phật đều biết thân xác con người chỉ là huyễn hóa giả tạm, tất cả đều là do nhân duyên kết hợp và đến một lúc nào đó cũng sẽ theo duyên mà tan đi. Không có gì tồn tại mãi với thời gian và cuối cùng thân xác chỉ là một nắm cát bụi. Cát bụi đó là những gì còn lại của một đời người …Triết gia Hi Lạp Pericles có nói: "What you leave behind is not what is engraved in stone monuments, but what is woven into the lives of others." (Những gì bạn để lại không phải là những ghi khắc trên bia tưởng niệm, mà là những gì hòa quyện trong cuộc đời những người khác). Sự bất tử không tồn tại trong thời gian của một kiếp người mà ở nơi những gì con người để lại cho thế gian.
Nhưng đây không phải là một vấn đề đơn giản, không thể nói thân xác giả tạm thì có thể hủy diệt nó bất cứ lúc nào. Nếu người không có niềm tin vào một tôn giáo nào để có một sở đắc tâm linh thì sẽ giải quyết sự sống chết như thế nào?
Hồi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, khi Ngài đang ngụ tại Tỳ-xá-li, có một Tỳ kheo bị bệnh nặng, lâu ngày rồi mà điều trị không lành. Thầy Tỳ-kheo bệnh nói với người chăm sóc mình: "Thế thì phải làm sao? Tôi cũng chán ngán nỗi đớn đau này, không thể chịu đựng được nữa. Nếu thầy giết tôi thì tốt lắm". Tỳ-kheo nuôi bệnh đáp: "Thầy chỉ cầu được sống không muốn chết, chứ nếu muốn chết thì có thiếu gì cách để chết". Sau đó, Tỳ-kheo bị bệnh đã tự sát. Đức Phật Thích Ca biết được sự việc ấy, Ngài cho gọi thầy Tỳ-kheo chăm sóc người bệnh đến và quở trách: "Ông không từng nghe Như Lai dùng vô số phương tiện khen ngợi những người sống phạm hạnh, có thân từ ái, miệng từ ái, tâm từ ái, và khuyên cúng dường cung cấp cho họ những thứ cần thiết hay sao? Nay vì sao ông lại mở miệng ca ngợi sự chết? Điều đó là phi pháp, phi luật, không đúng lời ta dạy, không thể dùng việc này để nuôi lớn thiện pháp".
Đối với Phật giáo, chết không phải là chấm dứt, và đau khổ sẽ không chấm dứt sau khi chết, mà vẫn tiếp tục cho đến khi nào giải được tất cả Ác nghiệp, người bệnh dù tự sát vẫn phải tiếp tục chịu đau đớn trong kiếp sau chứ không thể nào trốn tránh được. Tự sát cũng là một loại Ác nghiệp, việc tự giết mình - hay giúp người khác tự sát - không thể giúp trả cho hết Ác nghiệp, mà chỉ sinh ra Ác nghiệp mới cho bản thân và xã hội mà thôi. Tự sát tạo Ác nghiệp cho mình, giúp tự sát tạo Ác nghiệp cho xã hội, Ác nghiệp cứ chất chồng thì sẽ đến ngày chính xã hội phải gặt lấy Ác quả: cha mẹ muốn ông bà bệnh tật phải tự sát để đỡ "gánh nặng", rồi đến đời con cháu cũng sẽ học theo mà làm vậy với cha mẹ, tất cả chỉ muốn đưa người thân bệnh tật vào cửa tử để đỡ tốn công chăm sóc. Dần dần qua vài thế hệ thì cả xã hội sẽ quên đi thế nào là đức hiếu sinh, đạo hiếu nghĩa mà Phật đã dạy.
Vì lẽ Nhân-Quả đó, Đức Phật dạy: Nếu một người bệnh đang chờ chết, nếu có một cơ hội nào để cho họ hoặc người thân có những ý nghĩ an lành và đạo đức, thì vẫn phải cố cho họ sống thêm dù chỉ thêm 5 phút, bởi 5 phút đó đủ để vãng sinh một vong linh và gieo thêm mầm Thiện nghiệp cho xã hội.