A-KHẢO SÁT MỘT
I-TÁNH GIÁC NGỘ
Phật Tánh đó là Tánh Giác Ngộ, Tánh Phật, Bổn Tánh Lành, Mầm Lương Thiện trong mọi loài chúng sinh. Cũng gọi là Như Lai Tánh, đối nghĩa với chúng sanh tánh.
Kinh Phạm võng: Tất cả chúnh sanh đều có sẵn Tánh Giác Ngộ nơi mình (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh). Nhờ có Tánh Giác Ngộ ấy, bổn tánh lành ấy chúng sanh công nhận và thấu đạt lý nhân quả, hiểu cái thể tự nhiên của mình đồng với Phật.
Phật Tánh nơi ta luôn tiến chớ không phải thối, tích lũy chớ không phải tiêu vong, nó tiến tới mãi, nó khiến cho cảnh trần càng tươi đẹp, càng thuần tịnh, nó đưa lần mọi vật đến gần cái tuyệt đẹp, tuyệt cao, tuyệt diệu, tuyệt trong sáng thánh thiện.
Mỗi loài đều có nơi mình Phật Tánh, dầu cho loài nào có thấp hèn tới đâu cũng có khả năng thành Phật. Không trừ loài nào, không một ai mà không có khả năng thành Phật.
Pháp Bảo Đàn Kinh phẩm thứ hai viết: “Dẫu kẻ ngu, Dẫu người trí cũng đều có Phật Tánh như nhau. Chỉ tại sự mê, ngộ chẵng đồng dó thôi. Cho nên mới có kẻ ngu người trí.
Phật Tánh cũng tức là Chân Như, tánh chân thật như thường, như nhiên không biến đổi, chẳng sanh chẳng diệt. Song với kẻ ngu, độn trí, vì bị nhiều dục vọng, nghiệp chướng ngăn che nên khiến cho Phật Tánh, Chân Như bị lu mờ. Còn đối với người trí ít tham, ít dục vọng, thường hành việc tu tập nên Chân Như, Phật Tánh dần dần hiện rõ ra, biết điều sai trái nên tránh, theo lẽ phải, tu tâm dưỡng tánh thì Tánh Giác lần lần hiển hiện.
Đối với chúng sanh trong Thập Giới, Phật Tánh trong ba giới Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh thì u tối, kém cõi. Thiên, Nhơn, A Tu La thì khá hơn. Thinh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát càng tỏ rõ hơn nhiều; cho đến Phật thì Phật Tánh hoàn toàn sáng suốt tỏa chiếu.
Kinh Niết Bàn quyển 25 viết: Bồ Tát biết rằng Phật Tánh có bảy đức tánh, bảy nghĩa lý: (1) Thường; (2) Tịnh; (3) Thật; (4) Thiện; (5) Đương kiến (những gì ta đang thấy và sẽ thấy); (6) Chơn; (7) Khả chứng.
(Tham khảo: Ngũ Phật Tánh, Tam Phật Tánh, Tam Nhơn Phật Tánh; Thập Pháp).
II-PHẬT TÁNH GIỚI
Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh. Phật Tánh ấy vốn không nhiễm trược, nó rời khỏi mọi tội lỗi. Nếu nhà tu hành biết tùy thuận theo nó, tu giữ lấy thân khẩu ý thanh tịnh, như vậy gọi là Phật Tánh Giới.
Bồ Tát Giới cũng gọi là Phật Tánh Giới, vì nhờ giới ấy hành giả có thể hiển Phật hiện Tánh.
III-PHẬT TÂM
Tâm đại từ đại bi, tâm giác ngộ, dứt các mê hoặc, thương tất cả chúng sanh, quyết cứu thoát cho chúng sanh khỏi các khổ não và độ cho họ thành Phật. Ngược lại, Chúng Sanh Tâm thì tâm tánh mê tối, tham dục, đầy phiền não, ích kỷ, chi biết lo cho mình mà thôi.
Kinh Quán Vô Lương Phật viết: quán tưởng thấy chư Phật, gọi là niệm phật tam muội. Quán được thân Phật thì cũng thấy được Phật Tâm. Phật Tâm ấy là lòng đại từ bi, đem đức từ bi mà thâu nhiếp tất cả chúng sanh.
IV-PHẬT TÂM ẤN
Đó là nói đến sự truyền thọ Phật Tâm. Tất cả chúng sanh đều có Phật Tâm, Phật Tánh nhưng không tự biết mình sẳn có Tánh ấy do đó khi thực hành tu tập mà không phát đại nguyện để tu thành Phật. Bậc tôn sư xét rằng trình độ và chí hướng của đệ tử mình có thể thọ lãnh đại đạo bèn khai thị, chỉ hướng cho đệ tử pháp tu khai mở tâm Phật của chính đệ tử đó để họ tiến tu đến khi thành Phật. Đó gọi là dĩ tâm ấn tâm cũng gọi là Phật Tâm Ấn.
Sự truyền pháp như thế là sở trường của Phật Tâm Tông (Thiền Tông). Sự truyền thọ như thế, ở Trung Quốc, bắt nguồn từ tổ Đạt Ma vào thế kỷ thứ 6 Tây Lịch. Ngài in dấu, chỉ thẳng vào Tâm, chỉ bí quyết cho đệ tử khai mở Phật Tâm, Phật Tánh của chính mình để tu đến thành Phật. Một khi Tâm Tánh của đệ tử khế hiệp với tâm tánh của Phật, thì quyết định có thể tu đến khi thành Phật.
V-PHẬT THUYẾT
Đó là lý thuyết chơn chánh của Phật. Khác với lý thuyết tà mỵ của ma. Các kinh điển đạo Phật đều do năm hạng người thuyết diễn như sau:
1-PHẬT THUYẾT
Từ kim khẩu của đức Phật diễn giảng, tùy theo căn cơ mà độ chúng sinh. Các kinh do Phật thuyết thường khởi đầu bằng câu nầy của ngài A Nan: Tôi nghe như vầy (như thị ngã văn). Phật không viết Kinh, ngài chỉ thuyết pháp. Những bài thuyết pháp của Ngài, sau khi Phật nhập Niết Bàn, chư đệ tử của ngài họp nhau lại mà chép thành Kinh.
2-ĐỆ TỬ THUYẾT
Chư Thinh Văn, chư Bồ Tát thuyết pháp được Phật chứng nhận.
3-TIÊN NHƠN THUYẾT
Mấy nhà tu tiên, đắc ngũ thông, theo Phật, nhập đạo, thuyết pháp hóa độ cho người.
4-CHƯ THIÊN THUYẾT
Hàng chư Thiên trên cõi Trời thuyết pháp. Tại thiên cung của trời Đế Thích có tòa Thiện Pháp Tường nơi ấy chư Thiên thường thuyết Bát Nhã.
5-HÓA NHƠN THUYẾT
Phật, Bồ Tát, La Hán biến hóa ra các thân hình thích hợp với căn cơ chúng sinh và quốc độ để thuyết pháp độ sanh.
Theo kinh Hoa Nghiêm có năm loại thuyết Pháp như sau:
(1)-Phật thuyết; (2)-Bồ Tát thuyết; (3)-Thinh Văn thuyết; (4)-Chúng sanh thuyết (như chư Thiên, chư Thần); (5)-Khí Giái thuyết (như cây Bồ Đề ở cõi Tịnh Độ có thể thuyết pháp, tiếng nước chảy, tiếng chuông ngân, tiếng nhạc ở cõi Cực Lạc và cảnh trời Đâu Suất cũng có thể cho nghe những lý diệu pháp).
VI-PHẬT THỪA
Bouddhayana (sanscrit): cổ xe của Phật, tức là giáo pháp đưa người đến quả vị Như Lai. Cũng gọi là Nhất Thừa, Nhất Phật Thừa.
Ví như cổ xe lớn đưa nhiều người từ nước nầy đến nước kia. Cũng như thế giáo pháp của Phật có thể đưa chúng sanh từ cảnh giới luân hồi khổ não đến cảnh Niết Bàn an lạc của Phật. Cho nên giáo pháp ấy được gọi là Phật Thừa. Phật thừa là giáo pháp rốt ráo mà Phật truyền trước khi ngài nhập Niết Bàn. Trong đời dạy đạo của đức Thế Tôn ban đầu ngài còn phân biệt Tam Thừa. Ngài dùng Thinh Văn Thừa dạy cho các nhà tu học đắc quả La Hán. Kế đến Ngài dùng Duyên Giác Thừa độ cho hành giả đến cảnh Niết Bàn của bậc Duyên Giác (Độc Giác). Ngài dùng Bồ tát Thừa dạy cho những bậc dũng mãnh tu trì đắc quả vị Bồ Tát. Sau cùng, khi mọi người thuần thục, Ngài gôm 3 Thừa lại làm Nhất Thừa, Ngài truyền giáo lý cho các đệ tử tu tiến đến quả vị Phật Như Lai.
Thinh Văn Thừa ví như cổ xe dê. Duyên Giác Thừa ví với cổ xe nai. Bồ Tát Thừa ví với cổ xe bò. Phật Thừa ví với cổ xe bò trắng lớn.
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh dạy về Phật Thừa. Người tinh tấn tu hành trì tụng kinh ấy ắt sẽ thành Phật.
Trong Niết Bàn Kinh có xưng Phật Thừa bằng những danh hiệu như Vô Năng Phục Thừa (giáo pháp mà không có giáo pháp nào hàng phục nổi). Vô Luy Pháp Thừa (giáo pháp không yếu ớt và không thiếu sót). Bất Thối Một Thừa (Giáo Pháp chẳng lui, chẳng lặn). Vô Thượng Thừa (Giáo Pháp cao hơn hết). Thập Lực Thừa (Giáo Pháp của bậc có đủ 10 sức lực). Đại Công Đức Thừa, Vị Tằng Hửu Thừa (Giáo Pháp chưa từng có). Hy Hửu Thừa (Giáo Pháp ít có). Nan Đắc Thừa (Giáo Pháp khó được). Vô Biên Thừa (Giáo Pháp không bờ bến). Tri Nhứt Thiết Thừa (Giáo Pháp của Bậc biết tất cả).
MƯỜI SỨC LỰC
Như phần trên có nói về Thập Lực Thừa, sau đây giải rõ về 10 sức lực ấy. Đó là chỉ 10 lực về trí của đức Như Lai.
1-TRI GIÁC XỨ PHI XỨ TRÍ LỰC:
Xứ có nghĩa là đạo lý. Tri lực biết sự vật nào là có đạo lý hay phi đạo lý.
2-TRI TAM THẾ NGHIỆP BÁO TRÍ LỰC:
Trí lực biết rõ nhân quả nghiệp báo ba đời của tất cả chúng sinh.
3-TRI CHƯ THIỀN GIẢI THOÁT TAM MUỘI TRÍ LỰC:
Trí lực biết các thiền định và trí lực biết tám giải thoát, ba Tam Muội.
4-TRI CHÚNG SANH TÂM TÍNH TRÍ LỰC:
Trí lực biết tâm tính của đệ tử, của tín đồ và của tất cả chúng sinh ở độ nào.
5-TRI CHỦNG CHỦNG GIẢI TRÍ LỰC:
Trí lực biết mọi loại tri giải của tất cả chúng sinh.
6-TRI CHỦNG CHỦNG GIỚI TRÍ LỰC:
Trí lực biết khắp và đúng như thực mọi loại cảnh giới khác nhau của tất cả chúng sinh.
7-TƯ NHẤT THIẾT CHÍ SỞ ĐẠO TRÍ LỰC:
Trí lực biết hết các đạo mà người tu hành sẽ đạt tới, như người tu ngũ giới, thập thiện thì được ở cõi người hoặc lên cõi trời, người tu pháp vô lậu Bát Chánh Đạo thì sẽ lên Niết Bàn v.v…
8-TRI THIÊN NHÃN VÔ NGẠI TRÍ LỰC:
Trí lực vận dụng thiên nhãn nhìn thấy sự sinh tử và nghiệp thiện ác của chúng sinh mà không hề bị ngăn ngại.
9-TRI TÚC MẠNG VÔ LẬU TRÍ LỰC:
Trí lực biết túc mạng của chúng sinh, lại còn biết rõ Vô Lậu Niết bàn.
10-TRI VĨNH ĐOẠN TẬP KHÍ TRÍ LỰC:
Trí lực có thể biết rõ được như thực đối với mọi tàn dư tập khí vọng hoặc sẽ vĩnh viễn đoạn diệt chẵng sinh.
(Tham khảo: Đại Trí Độ Luận, quyển 25 và Luận Câu Xá, quyển 29).
VII-MƯỜI ĐỊA VỊ CỦA PHẬT THỪA
1-Thậm thâm nan tri quảng minh trí huệ địa.
2-Thanh tịnh tự phần oai nghiêm bất tư nghì minh đức địa.
3-Thiện minh nhựt tràng thiệt tướng hải tạng địa.
4-Tinh diệu kim quang công chư thần thông trí đức địa.
5-Đại luân oai tạng minh đức địa.
6-Hư không nội thanh tịnh vô cấu viêm quang khai tướng địa.
7-Quảng thắng pháp giới tạng minh giới địa.
8-Phổ thông trí tạng năng tịnh vô cấu biên vô ngại trí thông địa.
9-Vô biên đức trang nghiêm hồi hướng năng chiếu minh địa.
10-Tỳ Lư Xá Na trí hải tạng địa.
VIII-PHẬT TRI KIẾN
Sự biết và sự thấy của Phật. Phật có đủ Tam Trí: (1)-Nhứt Thiết Trí của hai hàng Thinh Văn và Duyên Giác. (2)- Đạo Chủng Trí của hàng Bồ Tát. (3)-Nhứt Thiết Chủng Trí của Như Lai. Cho nên Như Lai biết tất cả.
Như Lai lại có đủ ngũ nhãn: (1)-Nhục Nhãn. (2)-Thiên Nhãn. (3)-Huệ Nhãn. (4)-Pháp Nhãn. (5)-Phật Nhãn. Cho nên ngài thấy tất cả.
Được Phật Tri Kiến, đức Như Lai có thể khai thông Phật Tri Kiến cho chúng sinh. Ngài có thể chỉ bảo Phật tri kiến cho họ. Ngài có thể giác ngộ Phật tri kiến cho họ và ngài có thể khai thị cho họ đắc nhập Phật tri kiến.
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa viết: Vì nhơn duyên lớn khiến Phật ra đời là khai thị cho chúng sinh, chứng ngộ vào Tri Kiến của Phật.
Khai, Thị, Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến là 4 giai đoạn, 4 tiến trình giáo hóa mà Phật áp dụng để dẫn dắt chúng sinh tu tập cho đến khi thành Phật, nghĩa là đắc nhập vào Tri Kiến Phật.
Người mới tu tập, dứt một phần vô minh, được chút ít Phật Tri Kiến như vậy gọi là Khai Phật Tri Kiến. Đến khi dứt hết vô minh, Tri Kiến được tròn đầy sáng suốt thì gọi là Nhập Phật Tri Kiến.
IX-PHẬT TRÍ
Trí tuệ của Phật cũng gọi là Phật Trí Tuệ, Phật Huệ, Như Lai Huệ. Theo chữ Phạn có hai nghĩa là: (1)-A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anouttara Samyassambôdhi). (2)-Tát Bát Nhã hay Bát Nhã (prajnâ).
A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sự sáng suốt mà Phật chứng đắc được khi ngài thành Phật dưới gốc cây Bồ Đề. Trí tuệ nầy cao tột hơn cả các nhà thành đạo khác như : Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn, La Hán, Chư Thiên. Tát Bát Nhã hay Bát Nhã tức là Nhứt Thiết Chủng Trí. Do nơi cái trí tuệ nầy, đức Phật biết tất cả, thông suốt tất cả.
Kinh Vô Lượng Thọ viết: Biển Trí Tuệ của đức Như Lai sâu vô tận, rộng vô cùng. Lại trong kinh ấy viết rằng: Nếu có chúng sinh tu mọi công đức, nguyện sanh về cõi ấy (cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà), nhưng họ đêm lòng nghi hoặc, thì họ chẳng hiểu Phật Trí, Bất Tư Nghì Trí, Bất Khả Xưng Trí, Vô Đẳng Vô Luân Tối Thượng Thắng Trí.
B-KHẢO SÁT HAI
Trong phần tiếng Anh Phật Tánh được viết giảng lược như sau:
Buddhatã. The Buddha-nature, i.e. gnosis, enlightenment; potential Bodhi remains in every gati, i.e. all have the capacity for enlightenment; for the Buddha-nature remains in all as wheat-nature remains in all wheat. This nature takes two forms: noumenal, in the absolute sense, unproduced and immortal, and phenomenal, in action. While every one possesses the Buddha-nature, it requires to be cultivated in order to produce its ripe fruit.
The Buddha-nature does not receive punishment in the hells, because it is void of form, or spiritual and above the formal or material, only things with form can enter the hells.
The eternity of the Buddha-nature, also of Buddha as immortal and immutable. The moral law which arises out of the Buddha-nature in all beings; also which reveals or evolves the Buddha-nature, the absolute, as eternally existent, i.e. the Bhũtatathatã.
C-KHẢO SÁT BA
(Theo Phật Học Từ Điển, của Thiện Phúc trên trang nhà Quảng Đức )
I-PHẬT TÁNH
Phật Tánh: Buddhata or Buddhitattva (skt)—Bản thể toàn hảo, hoàn bị vốn có nơi sự sống hữu tình và vô tình—Buddha-Nature, True Nature, or Wisdom Faculty (the substratum of perfection, of completeness, intrinsic to both sentient and insentient life).
(A) Nghĩa của Phật Tánh—The meanings of Buddhata: Phật tánh trong mỗi chúng sanh đồng đẳng với chư Phật. Chủng tử tĩnh thức và giác ngộ nơi mọi người tiêu biểu cho khả năng tĩnh thức và thành Phật. Bản thể toàn hảo và hoàn bị sẳn có mỗi chúng sanh. Phật tánh ấy sẳn có trong mỗi chúng sanh, tất cả đều có khả năng giác ngộ; tuy nhiên, nó đòi hỏi sự tu tập tinh chuyên để gặt được quả Phật. Lý do của Phật tánh gồm trong sự đoạn trừ hai thứ phiền não (see Nhị Phiền Não)—Buddha nature—The Buddha-nature within (oneself) all beings which is the same as in all Buddhas. Potential bodhi remains in every gati, all have the capacity for enlightenment; however, it requires to be cultivated in order to produce its ripe fruit—The potential for Buddhahood inherent in all beings—The original nature—Self-Nature—True-Nature—True Mark—True Mind—Dharma Nature—All have the capacity for enlightenment—The seed of mindfulness and enlightenment in every person, representing our potential to become fully awakened and eventually a Buddha. The substratum of perfection, of completeness, intrinsic to both sentient and insentient life. The reason of Buddhahood consists in the destruction of the twofold klesa or evil passions.
(B) Tánh đặc thù của Phật Tánh—The characteristics of Buddha-nature:
1) Cát sông Hằng luôn nằm dọc theo dòng nước, Phật tánh cũng như thế, luôn phù hợp theo dòng Niết Bàn—As the sands the Ganges which always arrange themselves along the stream, so does the essence of Buddhahood, always conform itself to the stream of Nirvana.
2) Mọi chúng sanh đều có Phật Tánh, nhưng do bởi tham, sân, si, họ không thể làm cho Phật Tánh nầy hiển lộ được—All living beings have the Buddha-Nature, but they are unable to make this nature appear because of their desires, hatred, and ignorance.
(C) Hai Loại Phật Tánh—This nature takes two forms:
1) Lý Phật Tánh: Mang nghĩa tuyệt đối, bất sanh bất diệt—Noumenal, in the absolute sense, unproduced and immortal.
2) Hành Phật Tánh: Sự hay hiện tượng—Phenomenal, in action.
Phật Tánh Bất Thọ La: Phật tánh không nhận hình phạt của địa ngục vì nó là hư không, nó không có hình tướng, chỉ có những thứ có hình tướng mới chịu thọ hình nơi địa ngục—The Buddha-nature does not receive punishment in the hells because it is void of form, or spiritual or above the formal or material (only things with forms can enter the hells).
Phật Tánh Chơn Như: Phật tánh hằng hữu—The Buddha-nature, the absolute, as eternally existent, i.e. the Bhutatathata.
Phật Tánh Giới: Giới luật khởi lên từ Phật tánh trong chúng sanh mọi loài hay giới luật làm hiển lộ Phật tánh—The moral law which arises out of the Buddha-nature in all beings; the law which reveals or evolves the Buddha-nature.
Phật Tánh Và Pháp Tánh: Phật tánh chỉ cho các loài hữu tình, và Pháp Tánh chỉ chung cho vạn hữu; tuy nhiên, trên thực tế cũng chỉ là một, như là trạng thái của giác ngộ (nói theo quả) hay là khả năng giác ngộ (nói theo nhân)—Buddha-nature, which refers to living beings, and Dharma-nature, which concerns chiefly things in general, are practically one as either the state of enlightenment (as a result) or the potentiality of becoming enlightened (as a cause).
Phật Tánh Thường Trụ: Phật tánh thường trụ, bất sanh bất diệt, bất biến—The eternity of the Buddha-nature—The Buddha-nature is immortal and immutable.
Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân: Varicolored-Jewels-And-Floer-Adornment Buddha.
II-PHẬT TÂM
Phật Tâm: Tâm của Phật—The mind of Buddha:
1) Tâm giác ngộ của Phật: The spiritually enlightened heart.
2) Tâm đại bi: A heart of great mercy.
3) Tâm nhìn sự vật như thật, chứ không như hình tướng bên ngoài: A heart abiding in the real, not the seeming.
4) Tâm không luyến chấp (thiện ác): A heart detaching from good and evil and other such contrasts.
Phật Tâm Ấn:
1) Dấu ấn phổ quát tâm Phật trong mọi chúng sanh—Buddha mind seal—Mind-seal of the Buddha (the full lotus posture)—The stamp of universal Buddha-heart in every one.
2) Chữ “Vạn” trên ngực của Phật: The seal on a Buddha’s heart, or breast; the Svastika.
Phật Tâm Thiên Tử: Tâm Phật nơi vị con trời, một danh hiệu của Lương Võ Đế 502-549 sau Tây Lịch—The son of Heaven of the Buddha-heart, a name given to Wu-Ti of the Liang dynasty, 502-549 A.D.
Phật Tâm Tông: Tông phái Phật Tâm, thí dụ như Thiền Tông của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, cho rằng mỗi cá nhân có thể trực tiếp đi vào cõi Phật qua thiền định—The sect of the Buddha-heart, i.e. the Ch’an (Zen) or Intuitive sect of Bodhidharma, holding that each.
D-KHẢO SÁT BỐN
I-PHẬT TÍNH LUẬN
Theo kinh Niết Bàn quyển 7, Bắc bản, thì tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, phàm phu vì phiền não che khuất nên không hiển lộ ra, nếu dứt hết phiền não thì Phật Tánh sẽ hiển lộ ra.
Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Bộ Phái chủ trương ngoài đức Phật và Bồ Tát ra không ai có khả năng thành Phật, cho nên cũng không nói đến ý chỉ hết thảy chúng sinh đều có Phật Tính. Nhưng theo luận Phật Tính quyển 1 của ngài Thế Thân thì các bộ phái như Hửu Bộ… tuy chủ trương chúng sanh không có Phật Tính bẩm sinh nhưng sau nhờ tu hành mà được Phật Tính. Họ dựa vào đó chia chúng sinh thành 3 loại: (1)-Nhất định không có Phật Tính. (2)-Không nhất định có Phật Tính hay không có. (3)-Nhất Định có Phật Tính.
Đối với vấn đề nầy, Phân Biệt Thuyết Bộ lấy KHÔNG làm gốc, từ KHÔNG mà sinh ra, vì thế Bộ nầy chủ trương bản tính đều có Phật Tính.
Luận Phật Tính quyển 2 lại chia Phật Tính làm 3 ngôi vị: (1)-Trụ Tự Tính Phật Tính: Chúng sinh bẩm sinh có đủ Phật Tính. (2)-Dẫn Xuất Phật Tính: Thông qua lời Phật dạy mà tu hành dẫn đến chỗ Phát hiện Phật Tính. (3)- Chí Đắc Quả Phật Tính: Đến quả vị Phật thì sự hiển phát Phật Tính mới hoàn toàn viên mãn.
Vấn đề nầy, các tông phái ởTrung Quốc và Nhật Bản cũng có các thuyết khác nhau.
II-TÔNG THIÊN THAI
Tông Thiên Thai lập thuyết Tam Nhân Phật Tính: Chính, Liễu, Duyên.
1-CHÍNH
Chính Nhân Phật Tính: Hết thảy chúng sinh vốn có đầy đủ Tam Đế, Tam Thiên.
TAM ĐẾ: Do Thiên Thai đặt ra, gồm có: Không Đế, Giả Đế, Trung Đế. Xưa Thiền sư Tuệ Văn, thời Bắc Tề, trong bài tự ký viết rằng: “Ta một mình bước đi ở Hà Hoài, biết gọi ai làm thầy! Nếu được Kinh thì lấy đức Phật làm thầy. Bèn vào kho cất giữ Đại Kinh, thắp hương tụng hoài, ngoái tay lại mà rút, rút ngay được Trung Quán Luận của Long Thọ Bồ Tát soạn. Mở luận ra đọc tới phẩm Quán Tứ Đế thì có bài kệ là: Pháp do nhân duyên sinh, ta bảo tức là Không; cũng vì giả danh đó, cũng là nghĩa Trung Đạo (Nhân duyên sở sinh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệt vị thị giả danh, diệt thị Trung Đạo nghĩa), ta liền sực tỉnh tỏ ngộ được diệu chỉ Tam Đế đem truyền thọ cho Tuệ Tư ở Nam Nhạc, Tuệ Tư lại truyền thụ cho Trí Khải ở Thiên Thai. Cho nên quán môn của một nhà lấy một bài kệ 20 chữ đó làm khám văn cứu cánh”.
Tam Đế bất khả tư nghì, tuy là vô quyết định tính chẳng thể thuyết minh được, nhưng nếu vì cơ duyên mà thuyết thì cũng không ngoài 3 ý:
(1)-Tùy Tình Thuyết: Đó là phương tiện đại bi, hoặc ước ở Hửu Môn, hoặc ước ở Không Môn mà thuyết minh ba đế nầy ở trước Thập Hành của Viên Giáo. (2)-Tùy Tình Trí Thuyết: tức là Tùy Tự Tha ý Ngữ: theo tình mà thuyết hai đế Hửu Không. Theo trí mà thuyết một đế Trung. Ba đế nầy phải ở Thập Tín Vị của Viên Giáo. (3)-Tùy Trí Thuyết tức Tùy Tự Ý Ngữ: Đó là từ Sơ Trụ trở đi chẳng những trung tuyệt thị thính, Chân giả cũng thế, ba đế huyền vi, chỉ có Trí mới soi tỏ được, chẳng thể khai thị, chẳng thể nghĩ bàn, chỉ có Phật với Phật mới có thể hiểu thấu hết được, đạo ngôn ngữ dứt, tâm hành xứ diệt, chẳng thể lấy phàm tình mà tưởng tượng ra được.
2-LIỄU
Liễu Nhân Phật Tính: Trí tuệ đạt được nhờ quán ngộ Phật Lý.
3-DUYÊN
Duyên Nhân Phật Tính: những hạnh lành thường làm duyên giúp cho sự phát khởi trí tuệ.
Trong 3 loại nhân trên, loại thứ nhất thuôc về TÍNH (tiên thiên – Tính đắc). 2 loại sau thuộc về TU (hậu thiên – Tu đắc). Nhưng xưa nay TÍNH và TU vốn chẵng hai, viên dung vô ngại.
Tam Nhân Phật Tính nếu thêm THƯỢNG QUẢ TÍNH (Trí đức Bồ Đề) và QUẢ QUẢ TÍNH (đoạn đức Niết Bàn) vào nữa thì gọi là Ngũ Phật Tính. Vì Nhân Quả chẵng lìa nên nhân vị và quả vị bổ túc lẫn nhau.
III-TÔNG HOA NGHIÊM
Theo tông Hoa Nghiêm thì Tính Phật của tất cả chúng sinh đầy đủ cả nhân quả, tính tướng, khả năng tính thành Phật sẳn có của tất cả các loài hửu tình là Phật Tính, Giác Tính, khác với loài vô tình chỉ có lý chân như gọi là pháp tính chứ không phải Phật Tính. Cho nên tông Hoa Nghiêm chủ trương chỉ có các loài hửu tình mới thành Phật được.
IV-MẬT TÔNG
Theo Mật Tông thì muôn tượng la liệt đều là Pháp Thân của đức Đại Nhật Như Lai, vì thế tông nầy lập thuyết “Tất cả Phật Tính” (hết thảy đều có Phật Tính).
V-TAM LUẬN TÔNG
Tam Luận Tông bác bỏ mọi luận thuyết có liên quan đến Phật Tính, vì tông nầy chủ trương nói phân biệt về nhân quả tức là mê chấp, cho nên gọi Trung Đạo vô sở đắc phi nhân phi quả là Phật Tính.
VI-PHÁP TƯỚNG TÔNG
Pháp Tướng Tông đưa ra 2 thứ Phật Tính:
1-LÝ PHẬT TÍNH
Chỉ cho lý chân như bản thể của muôn vật.
2-HÀNH PHẬT TÍNH
Chủng tử vô lậu là nhân thành Phật hàm chứa trong Thức A Lại Ya của mọi người. Có Lý Phật Tính mà không có Hành Phật Tính thì cũng không thể thành Phật.
Ngoài ra tông Pháp Tướng còn lập thuyết Ngũ Chủng Tính, tức là 3 loại Định Tính của Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn còn có Bất Định Tính và Vô Tính; chủ trương chỉ có Bồ Tát Định Tính và Bất Định Tính mới có Hành Phật Tính.
VII-THIỀN TÔNG
Tuy nói chứng ngộ mày mặt thật xưa nay của chúng sinh, nhưng lại phủ định các vấn đề mê chấp Phật Tính có, không, cho nên có công án “Cẩu Tử Phật Tính” (Tính Phật của con chó).
VIII-TÔNG TỊNH ĐỘ
Tông Tịnh Độ thừa nhận lý thuyết Lý Phật Tính, tuy nhiên cũng có người phủ định. Tịnh Độ Chân Tông của Phật Giáo Nhật Bản chủ trương thành Phật là nương vào sức bản nguyện của đức Phật A Di Đà, nghĩa là lòng tin mà Phật ban cho chúng sinh là Phật Tính, đây tức là thuyết “Tín Tâm Phật Tính”.
Ngoài ra, trong các kinh điển cũng thấy các từ ngữ như Phật Chủng, Phật Chủng Tính…, ý nói đó là cái nhân để thành Phật. Nhưng nội dung của các từ ấy còn tùy theo các kinh mà có khác, thông thường là chỉ cho Phật Tính sẵn có của chúng sinh; hoặc chỉ cho phiền não, tâm bồ đề, sự tu hành của Bồ Tát, sự xưng danh v.v…
(Tham khảo: Phẩm Phân Biệt Tà Chính trong kinh Đại Bát Nê Hoàn, quyển 4; kinh Niết Bàn quyển 28, Bắc bản; kinh Bồ Tát Thiện Giới, quyển 1; kinh Nhập Lăng Già, quyển 2,7; kinh Giải Thâm Mật, quyển 2; luận Du Già Sư Địa, quyển 67; luận Cứu Cánh Nhất Thừa Bảo Tính, quyển 4; Nhiếp Đại Thừa Luận Thích, quyển 7 (bản dịch đời Lương); Đại Thừa Huyền Luận, quyển 3; Đại Bát Niết Bàn Kinh Sớ, quyển 25; Hoa Nghiêm kinh Sớ Sao, quyển 30; Hoa Nghiêm kinh Thám Huyền Ký, quyển 16; Phật Tính Nghĩa trong Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 1; Pháp Hoa Huyền Tán, quyển 1; Pháp Hoa Huyền Nghĩa, quyển 5, phần cuối; Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa, quyển thượng; Trung Quán Luận Sớ, quyển 1, phần cuối; Ngũ Tính, Phật Chủng).
Lâm Như-TạngT/S Lâm Như-Tạng