Kinh là lời dạy của đức Phật, đó là chân lý sự thật, là những gì mà đức Phật chứng ngộ, khám phá và tuyên thuyết ra, mang lại sự an lạc giải thoát cho người hành trì. Kinh, theo tiếng Phạn ‘sutra’, Pāli ‘sutta’, Hán dịch là ‘Tu-đa-la,’ có nghĩa là ‘khế kinh’, tức: “Thượng khế chư Phật chi lý, Hạ khế chúng sanh chi cơ.”(Trên thì khế hợp với đạo lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ của chúng sanh). Chữ “kinh” gồm có bốn nghĩa là: Quán, Nhiếp, Thường và Pháp. Quán (kết nối): Kinh nối kết những nghĩa lý do đức Phật thuyết giảng lại với nhau-từng chữ từng chữ một nối kết với nhau giống như một tràng hoa. Cho nên, “kinh” cũng có nghĩa là “kết thành tràng chuỗi.” Nhiếp (thâu về): “kinh” cũng giống như nam châm, có thể nhiếp trì, thâu nhiếp những chúng sanhcần được giáo hóa. Thường: những đạo lý trong kinh điển thì vĩnh hằng và không bao giờ biến đổi. Pháp: trong quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, mọi người đều tu hành theo những đạo lý trong kinh điển.[1]
Kinh có đủ Lục chủng thành tựu, đó là: Tín thành tựu, Văn thành tựu, Thời thành tựu, Chủ thành tựu, Xứ thành tựu, và Chúng thành tựu. Theo các nhà sớ giải, kinh gồm có năm nghĩa: pháp bổn, vi phát hay xuất sanh, tuyền dũng, thằng mặc, kết man, và hiển thị. Pháp bổn nghĩa là cội nguồn, và cũng là nền tảng của Pháp. Xuất sanh tức tất cả mọi đạo lý đều phát xuất từ kinh điển. Hiển thị nghĩa là trình bày và giải thích các chân lý để mọi người có thể hiểu rõ. Dũng tuyền nghĩa đen là suối phun, ý nói những dòng suối đạo lý từ trong kinh không ngừng tuôn trào. Thằng mặc là sợi dây mực, nghĩa là kinh điển có thể giúp chúng ta phân biệt chánh với tà, cũng như sợi dây có chấm mực giúp người thợ mộc vẽ đường thẳng được ngay ngắn vậy. Kinh cũng có nghĩa là ‘kinh lộ’ (con đường), con đường dẫn đến giác ngộthành Phật. Kinh lại cũng giống như một pho tự điển lớn, bất cứ đạo lý nào cũng có thể được tìm thấy ở trong đó.
Nói tóm lại, Kinh là Pháp bảo, là cội nguồn của trí tuệ. Kinh tạng (Sutta pitaka), bao gồm các bài kinh (sutta), là những bài giảng của Đức Phật và các vị Đại đệ tử của Ngài. Lời dạy đó, gồm đủ: khế lý, khế cơ và khế thời.
Luật là quy tắc, quy định, kỷ luật - là những gì mà Đức Phật đã thiết lập, chế định, là các tiêu chuẩn đạo đức căn bản trong các hành vi ứng xử đúng để áp dụng thực hành đối với người xuất gia cũng như tại gia. Luật Tạng được tạo thành từ các nguyên tắc kỷ luật đặt ra cho việc điều chỉnh các hành vi của các đệ tử của Đức Phật. Nó chứa các quy tắc và quy định về việc quản lý của Giáo hội Tăng già, các quy tắc áp dụng cho các hành vi trong cuộc sống hằng ngày của Tăng. Những quy định về việc tiếp nhận đệ tử gia nhập vào Tăng đoàn; những nghi thức sám hối, giải tội; những quy định về pháp an cư, nhà ở, quần áo, thuốc chữa bệnh, và các thủ tục pháp lý trong trường hợp ly giáo, cũng được bao gồm trong đó. Tất cả những quy định này đều do Đức Phật ban hành trong những dịp khác nhau và kết thành bộ luật tạng đầy đủ.[2]
Kinh và Luật là Pháp bảo vô giá ở thế gian, có công năng dẫn dắt chúng sanh vượt thoát khổ đau, đạt đến an lạc, giải thoát.
Thực tế, trong giai đoạn ban đầu, đức Phật chưa chế giới luật, do đó những quy định hướng dẫn trong đời sống tu tập theo con đường của ngài thường được dạy ở trong kinh. Do đó, lúc này Giáo pháp và Giới luật có chức năng tương ứng với nhau. Theo lý thuyết thì kinh và luật có sự riêng biệt rõ ràng, nhưng ở người thực hành chúng tạo nên sự hợp nhất trong vấn đề nuôi dưỡng phát triển và đào luyện tâm trí, tính cách như nhau: “Giáo pháp và giới luật của Đức Phật Gotami có những phẩm chất mà bạn có thể biết. Những phẩm chất này dẫn đến sự an tịnh, không có niềm đam mê, tham đắm; để được giải thoát và không bị trói buộc; để buông bỏ, xả ly mà không chấp thủ; để khiêm tốn và không tự cao tự đại; để thỏa mãn và không để bất mãn; đưa đến sự ẩn dật và không vướng víu; để kích thích năng lượngtinh tấn và không lười biếng; để được trút bỏ gánh nặng và không nặng nề chất chứa. Bạn chắc chắn có thể thực hành. Đây là Giáo Pháp, đây là Giới luật, đó là những hướng dẫn của Đức Phật”.[3]
Khi tiến hành khảo sát về lời dạy của Đức Phật trong Kinh tạng Nikāya và Luật tạng, chúng ta thấy một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là sự thống nhất trong lời dạy của đức Phật giữa kinh và luật. Trong lời dạy của kinh có chứa yếu tố giới luật và ngược lại. Thậm chí một vài bài kinh Đức Phật chỉ trình bày về các giới điều, nên gọi đó là Giới kinh (sīlasutta). Chúng ta có thể thấy toàn bộ các bài kệ trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu của Luật tiểu đều được trích từ kinh Hoa Nghiêm, hay những bài kinh đầu trong Trường Bộ đề cập chủ yếu về tiểu giới, trung giới và đại giới. Tuy nhiên, những lời dạy về giới trong Kinh tạng không cụ thể như ở Luật tạng, nhưng sự hình thành của giới cho hàng cư sĩ tại gia và xuất giacũng đã được đề cập đầy đủ. Một số bài kinh hàm chứa nội dung của giới luật, được tìm thấy dưới đây.
Trong kinh Ví Dụ Cái Cưa (Kakacūpama), Trung Bộ 1, kinh số 21, Đức Phật nhớ lại những ngày đầu của Tăng đoàn khi Ngài bắt đầu thiết lập giới luật để ngăn chặn những hành vi bất thiện từ các môn đệ. Tại một gợi ý của các đệ tử, Ngài đã đưa ra một vài lời khuyên như sau: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ bất thiện, hãy nỗ lực đối với các thiện pháp, như vậy các Ngươi mới thành tựu sự trưởng thành, hưng thịnh, lớn mạnh trong Pháp và Luật này”.[4] Vụ việc được nói đến trong kinh Ví Dụ Cái Cưa rõ ràng chỉ ra cách thức mà đức Phật trong giai đoạn ban đầu hướng dẫn chư vị Tỷ kheo thực hành theo lời Phật dạy để hoàn thiện đời sống phạm hạnh. Đức Phật dường như lúc đầu đã dựa trên sự chân thành và nghiêm túc của chư vị đệ tử, những lời dạy ấy họ luôn áp dụng thành công trong đời sống tu tập. Do đó, những quy định, điều răn như đã được ghi lại trong kinh là vô cùng đơn giản. Nhưng dần dần số người gia nhập Tăng đoàn ngày càng lên nhanh chóng, đời sống sinh hoạt của Tăng trở nên phức tạp hơn, do đó từ những lời dạy đơn giản như nêu ở trên không còn phù hợp nữa, mà giờ cần phải có những quy định ràng buộc pháp lý được thiết lập, nhằm tránh những vấn đề xảy ra trong tương lai.
Trong giai đoạn ban đầu thành lập Tăng đoàn, việc thọ giới Tỷ kheo chỉ là sự hợp thức hoá bởi chính Đức Phật. Khi Ngài thấy được người đệ tử ấy đã lãnh hội giáo pháp và phát nguyện xuất gia. Chưa có một giới điều nào, chưa có ý niệm gì về sự ràng buộc của quy chế, những lời dạy trên nhằm hướng dẫn các Tỷ kheo thực hạnh đời sống Phạm hạnh nên gọi là “Giới kinh”. Bởi lẽ Giáo pháp chính là giới. Tính chân lý của Giáo pháp cùng với năng lực vĩ đại của Đức Phật ảnh hưởng trực tiếp lên tâm trí của một người đã tạo nên tác dụng của giới là đình chỉ các điều ác, thực hành các việc thiện. Nhưng ở những bản kinh khác, chúng ta thấy bắt đầu có sự khuyến tấn của Đức Phật đến chư vị Tỷ kheo phải tuân thủGiới luật.
Kinh Ước Nguyện (Ᾱkankheyya sutta), Trung Bộ 1, bản kinh số 6, bắt đầu với lời khuyên của đức Phậtđối chư vị Tỷ kheo là phải ghi nhớ và tuân thủ giới luật quy định một cách nghiêm túc: “Các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh lãnh thọ và học tập các học giới”.[5] Như vậy, lúc này chắc chắn hệ thống giới pháp đã được đức Phật thiết lập. Trong khi thuyết giảng giáo pháp, Ngài cũng nhắc và khuyên chư vị Tỷ kheo tuân thủ theo tinh thần giới luật để thành tựuPhạm hạnh.
Trong kinh Ganakamoggllāna và Kinh Điều Ngự Địa (Dantabhumi sutta), Trung Bộ kinh, bản kinh 108 và 125, để đối phó với sự phát triển của đời sống tu viện dưới sự hướng dẫn của đấng Đạo sư, nhấn mạnhđến sự phát triển đời sống tâm linh của các Tỷ kheo là một quá trình đào tạo dần dần và đang thực hiệntrong từng giai đoạn kế tiếp. Những lời đầu tiên mà đức Phật đề cập đến với các môn đệ của mình, rằng chư vị hãy nỗ lực hướng đến sự hoàn hảo trong các học giới, sự nghiêm trì tịnh giới và kết quả từ pháphành ấy. “Này Bà-la-môn, Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã thi thiết học pháp, đã tuyên bố giới bổn Patimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa) cho các Tỷ-kheo. Trong những ngày Bố-tát (Uposatha) chúng tôi cận trú ở chung một thôn điền, tất cả chúng tôi hội họp với nhau tại một chỗ; sau khi tụ họp, chúng tôi hỏi những gì đã xảy ra cho mỗi một người. Nếu trong khi hỏi nhau như vậy, có Tỷ-kheo phạm tội, phạm giới, chúng tôi bảo vị ấy làm đúng Pháp, đúng lời dạy. Thật vậy, không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính pháp xử sự chúng tôi”. [6]
Một điều đáng lưu ý ở đây rằng, giới được tìm thấy trong kinh không mang nặng sắc màu như quy địnhtrong luật tạng. Nó chỉ đơn giản là những khuyến khích, khích lệ động viên chư đệ tử nỗ lực từ bỏ pháp bất thiện, thực hành thiện hạnh, kiểm soát hành động, lời nói và ý nghĩa theo đúng lời Phật dạy, nhằm phát triển những đức tính thiện lành của vị Tỷ kheo chân chính.
Kinh Bhaddāli Sutta, Trung Bộ 2, bản kinh số 65, chỉ ra sức mạnh về số lượng và sự phổ biến của các thành viên, hoặc các nhóm Tỷ kheo và sự trưởng thành của các thành viên Tăng đoàn trong một thời gian lâu dài về sau sẽ xảy ra một số những nguyên nhân phát sinh lậu hoặc. Đoạn kinh trích dẫn dưới đây cho thấy càng nhiều giới điều được thiết lập ra khi càng nhiều lậu hoặc nảy sinh trong đời sống Tăng đoàn. Chứ không phải có nhiều giới luật được chế định thì lậu hoặc càng được thuyên giảm, như lời thưa bạch của Bhaddāli: “Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, lúc xưa các học giới tuy ít hơn, nhưng các Tỷ-kheo đã ngộ nhập chánh trí nhiều hơn. Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, do duyên gì, ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn?”[7]
Đức Phật trả lời sự việc này là do, trên thực tế Tăng đoàn ngày càng phát triển nhanh về số lượng, dẫn đến các pháp hữu lậu cũng bắt đầu phát sinh. Thứ nữa là đời sống đạo đức càng ngày càng suy giảm. “Này Bhaddali, khi các loài hữu tình bị thối thất, khi diệu pháp bị diệt mất, thời các học giới có nhiều hơn và các vị Tỷ-kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn. Này Bhaddali, khi nào một số hữu lậu pháp(Asavatthaniya dhamma) chưa hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư vẫn không chế định một học giới cho các đệ tử. Và này Bhaddali, ở đây, chỉ khi nào một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, chỉ khi ấy bậc Đạo Sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy. Này Bhaddali, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa lớn mạnh, khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddali, chỉ khi nào Tăng chúng đã được lớn mạnh, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy. Này Bhaddali, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa đạt được quyền lợi tối thượng... chưa đạt được danh xưng tối thượng... chưa đạt được đa văn... chưa đạt được địa vị kỳ cựu, khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddali, ở đây, chỉ khi nào Tăng chúng đã đạt được địa vị kỳ cựu, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo Sưmới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy.”[8]
Kinh này cũng cho thấy vai trò và vị trí của Giới luật trong đời sống truyền thống quy củ thiền môn. Trong đó tìm thấy được một hệ thống cơ chế Giới luật mang tính pháp lý cao, nhằm tạo điều kiện áp dụng cho đời sống tu sĩ. Tất cả đều dựa trên tinh thần Giới luật để xử lý các vấn đề trong nội bộ Tăng. Các tội danh khinh trọng được quy định rõ ràng, và cách xử lý cũng được đặt ra. Khi hệ thốngGiới luật chưa được đức Phật chính thức chế định, nếu có một ai vi phạm lỗi lầm gì, thì khó mà thẩm định tội danh để truy tố và trừng phạt theo thẩm quyền. Do đó, bản kinh giới thiệu và đánh dấu sự ra đời của hệ thống giới pháp (sikkhāpada) áp dụng vào trong đời sống của Tăng. Khi giới và luật được hoàn thiện, nó trở thành một công cụ hữu hiệu cho việc thực hiện kỷ luật nghiêm túc trong cộng đồng tu sĩ. Đây là việc áp dụng giới luật trong tu viện Phật giáo nhằm mục đích duy trì kỷ cương và thúc đẩy sự tiến bộ trong đời sống tâm linh của chúng xuất gia đệ tử Phật.
Trong khoảng 13 năm đầu, đức Phật chưa chế định giới pháp nhưng tăng đoàn sống rất thanh tịnh, hòa hợp và có sự tiến bộ trong đời sống tâm linh rõ rệt. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn vô sự tăng. Tại thời điểm đó, Đức Thế Tôn đã đề cập Giới dưới hình thức đơn giản, các hình thức chung nhất, với mục đích để kiểm soát sáu căn, và ba nghiệp tinh khiết với hình thức của một bài kệ, đó là: “Thiện hộ ư khẩu ngôn, tự tịnh kỳ ý chí, thân mạc tác chư ác, thử tam nghiệp đạo tịnh, năng đắc như thị hành, thị đại thiênnhân đạo”.[9] Hoặc trong các hình thức của chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng của Bát Chánh Đạo. Về sau, khi hệ thống giới luật đã được kiện toàn đầy đủ như được ghi lại trong Luật tạng. Lúc này, giới luật có một chức năng đặc thù riêng biệt trong việc hướng dẫn chi tiết và cụ thể với mọi hành động của người xuất gia cũng như tại gia. Tuy nhiên, kinh và luật vẫn luôn soi sáng, yểm trợ nhau không thể tách rời.
Cũng giống như Kinh khi đức Phật thuyết ra đều có đủ Lục chủng chứng tín, thì Luật tạng cũng vậy, khi thiết lập đức Phật cũng dựa trên tinh thần tùy phạm tùy chế, chứ không tùy tiện, áp đặt, nhằm tạo niềm tin tuyệt đối của chúng đệ tử đối với Thánh giới uẩn, không chỉ trong hiện tại mà còn trong tương lai. Luật tạng quy định khi luận tội một ai đó thì phải có đầy đủ bằng chứng đó là kiến, văn và nghi, tức là đầy đủ ba yếu tố, thấy, nghe và nghi ngờ. Điều này nói lên tính pháp lý rất cao của Luật tạng Phật giáo, không thể luận tội bừa bãi để rồi dẫn đến những sai lầm và gây bất hòa trong Tăng chúng.
Do đó, giữa kinh và luật luôn có một sự thống nhất tương ứng không thể tách rời nhau. Sự thống nhất giữa kinh và luật được Đức Phật nói rõ trong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường Bộ kinh. Lời Phật dạybao giờ cũng phải phù hợp với kinh, và tương ứng với luật. “Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: ‘Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Đạo Sư’. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: ‘Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm’. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: ‘Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh’. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Đại giáo pháp thứ nhất, các Ngươi hãy thọ trì”.[10]
Tóm lại, một người đi theo sự hướng dẫn từ kinh, hoàn hảo trong việc tuân thủ giới luật sẽ giúp vị ấy đạt được các mục tiêu cao thượng của đời sống phạm hạnh, xứng đáng là đệ tử của Như Lai, trên tinh thầnthượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Ghi chú:
[1] Xem, Danh từ Phật học, http://www.dharmasite.net/bdh30/DanhTuPhatHoc-Kinh.html.
[2] Bimala Churn Law, A History of the Pāli Literature, Delhi: Idica Book, 2000, pp.68-69.
[3] The Buddhist Monastic Code I, The Patimokkha Rules, Translated & Explained by Thanissaro Bhikkhu (Geoffrey DeGraff), The Abbot Metta Forest Monastery P.O. Box 1409, Valley Center, CA 92082 U.S.A, 1994, p. 11.
[4] Majhima Nikāya,The Middle Length Discourses of the Buddha, Boston: Wisdom publication, 2009 (fourth ed), p. 219.
[5] Ibid, p. 115.
[6] Ibid, p. 882.
[7] Ibid, p. 548.
[8] Ibid, p. 548.
[9] N. V. Banerjee (trans), The Dhammapāda, verse 183, p.103
[10] Dīgha Nikaya, The Long Discourses of the Buddha, Boston: Wisdom Publications, 2012, p. 255.
Thích Trung Định