Ngài Thiên Thai Trí Giả có nói về bốn tiêu chuẩn trong đạo Bụt sử dụng để hướng dẫn người nghe đến sự giải thoát.
Thứ nhất là tùy hỷ, Bụt dựa trên những nhận thức phù hợp với cuộc đời này mà chỉ dạy.
Thứ hai là tùy nghi, là tùy theo những khó khăn và thao thức của người nghe, để nói làm sao cho người ta có thể cảm thông được.
Thứ ba là tùy trị, mỗi người chúng ta có một căn bệnh riêng, có những lo sợ và buồn khổ riêng, cho nên tùy theo cái tâm bệnh của người nghe mà chữa trị.Và ba yếu tố này thuộc về lãnh vực của sự thật tương đối, conventional truth.
Tiêu chuẩn thứ tư là tùy nghĩa, những gì trong đạo Bụt đều là chân thật và cao thượng, nó không chỉ là phương tiện tạm thời mà lại khiến người nghe dính mắc thêm, nhưng giúp ta thấy rõ được con đường giải thoát. Tiêu chuẩn sự thật tuyệt đối, absolute truth, thuộc về chân đế.
Riêng tôi khi nghĩ bất cứ một phương tiện nào, dù là tùy hỷ, tùy nghi hay tùy trị đi chăng nữa, cũng phải có được tiêu chuẩn chung: đó phải là một sự thật giải thoát.
Trong một buổi thuyết giảng trước thính chúng, đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ như vầy, "Nếu ta có một tôn giáo thì rất tốt. Nhưng thật ra nếu như không có tôn giáo chúng ta cũng vẫn có thể tồn tại và tự xoay xở được. Còn nếu như không có tình người thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại. Bản chất của mọi tôn giáo chính là từ tâm (good heart). Đôi khi tôi cũng gọi tình thương và lòng tử tế là tôn giáo của tôi."
Tôi thì đơn giản nghĩ rằng, có lẽ một tâm trong sáng với với quả tim thấm đậm tình người cũng chính là cái tiêu chuẩn chân thật và giải thoát trên con đường tu học. Vì chúng ta có thể có hết những phương tiện rất thực tiễn, nhưng nếu như thiếu điều kiện ấy thì như đức Đạt Lai Lạt Ma nói, "chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được"!
Lẽ dĩ nhiên tình thương phải cần có tuệ giác. Nhưng tuệ giác không thể đạt được bằng sự khôn khéo, suy tính mà là trở về với sự trong sáng ở nơi tâm mình. Vì trong thời đại nào, hoàn cảnh nào đi chăng nữa, sự chân thật ấy bao giờ cũng vẫn có mặt.
Mà trên con đường tu học chúng ta có thật sự cần phải khôn khéo tạo tác gì thêm nữa đâu, hay chỉ cần để cho nó được trong sáng tự nhiên thôi, và rồi những gì cần thiết sẽ tự nhiên hiển lộ… như bài thơ sau:
Ở Yamankta
không cần ngắt hoa cúc bỏ vào
mà nước suối vẫn thơm
Basho –
Hoàng Xuân Vinh dịch