Nó buồn tình cứ đi lang thang vô định, nhiều khi xong ca không muốn về nhà cứ để mặc cho tư tưởng và đôi chân muốn đi đâu thì đi. Nó đi không biết đi về đâu, tìm một cái gì đó mà nó cũng không biết đó là cái gì; ngày tháng vẫn trôi qua như thế. Cho đến một hôm nọ, trong lần lang thang như thế nó laị ghé vào một ngôi chùa trông có vẻ đơn sơ vắng vẻ. Nó ngắm nhìn kiểng chùa ngoài sân và cũng không có ý định vào trong, nhưng rồi có một lực vô hình nào đó đưa bước chân nó bước vào chánh điện. Trông thấy tượng Phật nhưng nó cũng không có ý định lễ lạy nhưng không hiểu sao nó tự động sụp lạy!
Ngày xưa khi còn nhỏ, ba nó vẫn thường dạy nó đọc kinh, lễ Phật. Nó rất chăm, rất thích thú nhưng khi lên đến cấp ba thì tự nhiên xao lãng hết. Thậm chí nó còn sanh ra chống báng:
- Tượng Phật bằng gỗ, đá mà mắc gì phải lạy?
Ba nó giải thích, khuyên lơn nó rất nhiều nhưng nó vẫn không nghe, ngựa non háu đá mà. Nó tiêm nhiễm nhiều cái quan niệm sai lầm ở ngoài đời nên sanh ra vậy. Mặc dù nó sanh ra trong gia đình Phật giáo thuần thành. Ngày tháng thoi đưa, thời gian như nước chảy mây bay, như phi hoa lạc dịp… Nó lên thành học rồi lấy vợ ở luôn trên thành. Nhiều người bảo:
- Thằng chả may mắn “ chuột sa hũ nếp”
Nhưng người đời cũng bảo:” nằm trong chăn mới biết chăn có rận” thật cũng chẳng sai tí nào. Ban đầu vợ chồng cũng đầm ấm hạnh phúc nhưng mật ngọt chẳng nhiều, thời gian hạnh phúc chẳng bao nhiêu; chẳng mấy chốc là tới thời vỡ mật. Vợ nó vốn làm ra nhiều tiền, nắm giữ tay hòm chìa khoá, nhà cữa tài sản. Nó thì lương công chức ba cọc ba đồng… dần dà vợ nó sanh ra cống cao, tự kiêu. Vợ nó ỷ tiền coi thường nó laị còn khi dễ cả bên chồng. Nó giận lắm nhưng yếu thế thất cơ không làm gì được lặng lẽ lẩy Kiều:
“ Thấp cơ thua trí đàn bà
Trông vào đau ruột noí ra ngaị lời”
Có lần hai vợ chồng cãi vã nhau nó noí:
- Khi yêu nhau đàn bà dễ thương như con mèo, khi cưới về rồi thì biến thành sư tử hết ráo!
Vợ nó the thé:
- Lương ông không đủ cho tôi ăn sáng
Cuộc sống ngày càng ngột ngạt, nặng nề. Vợ nó chẳng những giữ tiền, trùm sò có hạng mà laị còn ghen kinh khủng! Nếu vợ của Phòng Huyền Linh đời Đường sống dậy chắc cũng bái vợ nó làm sư phụ”. Nhiều lúc nó muốn ly dị hay bỏ đi quách nhưng thương con nên ráng nhịn nhục.
Nhịn nhục đủ điều, buồn tình vô hạn, cô đơn tận cùng nên nó mới để bước chân lãng tử lang thang đó đây. Nhiều lúc buồn khổ và cô đơn quá. Nó ước ao có phép thần thông nào đó giúp nó chuyển đổi số mệnh hay hoán cải phận người thì dù có trả giá thế nào nó cũng sẽ đánh đổi. Nó mơ phép lạ nào đó xảy ra phù hộ cho gia đình nhỏ của nó trở laị hạnh phúc như ban đầu. Nhưng đời làm gì có thần thông hay phép lạ. Những cái ấy chỉ là chuyện cổ tích, thần thoaị mà thôi! Nó mơ hồ ở sách nào đó có noí:” Vô duyên bất thành phu phụ” nhưng duyên thế nào để rồi thành phu phụ như thế này thì khổ quá! Nhưng nếu mình dứt cái duyên này đi tìm cái duyên khác liệu có tốt đẹp hơn hay không? Hay là “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dưà”. Đầu óc nó miên man không biết bao nhiêu ý nghĩ lẫn lộn. Đời sống bây giờ với nó sao mà tẻ nhạt quá. Bởi vậy nó cứ mãi lang thang như con thuyền vô định.
Rồi một hôm nọ cơ duyên thế nào mà nó đến ngôi chùa đơn sơ vắng vẻ này. Sau lần lễ Phật hôm ấy nó cảm thấy trong người có một sự xao động lạ lùng, tâm can nó có gì như thôi thúc, nó lờ mờ cảm nhận có một sự thay đổi trong lòng nó nhưng nó cũng không biết là cái gì. Thế rồi nó tự nhiên tìm hiểu về Phật Pháp. Nó đọc ngấu nghiến những sách vở tài liệu có được. Nó lên mạng tìm đọc với sự say mê hấp dẫn mà xưa nay nó chưa từng có. Nó như con thuyền buồm gặp gió, cánh trương phồng lên lướt song một cách mãnh liệt. Nó như người đói gặp thức ăn, như người ngủ mê bắt đầu vươn vai thức tỉnh. Nó đến chùa thường xuyên. Nó bắt đầu học tụng kinh, lạy Phật. Nó làm với tất cả tâm thành và toàn ý. Vợ nó thấy có sự khác lạ, có lần còn chế giễu:
- Tu hú chứ tu gì ông!
Nó giận lắm nhưng làm thinh. Nó tự nghĩ chắc là khảo nghiệm đây! Có một hôm nó tụng kinh xong và cảm thấy khoan khoái và an lạc lạ lùng, bèn gọi phone về cho ba nó:
- Con mới tụng xong thời kinh và cảm thấy hỷ lạc lắm, cầm lòng không đặng nên gọi noí cho ba biết đây!
Ba nó cảm động lắm, không ngờ thằng nhỏ ngày nào chống báng vậy mà giờ trở nên thuần thành như vậy. Ba nó còn noí:
- Đây là cái tin vui nhất mà ba nhận được! đây là cái may mắn lớn nhất cho dù có trúng số độc đắc cũng không bằng!
Ba nó vui quá, hứng khởi cao độ kể cho nó nghe chuyện ngày xưa. Ba nó bảo rằng lúc nhỏ nó là đứa bé hậu đậu học đâu quên đó, học trước quên sau… ba nó mới căn cứ vào kinh Địa tạng bày chén nước trong trước tôn tượng ngài rồi ăn chay , trì kinh hai mươi mốt ngày . Sau đó cho nó uống chén nước này… Không biết linh nghiệm thế nào hay đến thời phát triển mà lực học những năm sau của nó dần dần khá lên. Cho đến cao điểm là kỳ thi tốt nghiệp năm ấy nó đạt điểm tối đa làm cho thầy cô bạn, bạn bè trường quận năm ấy xôn xao và dĩ nhiên ba nó tự hào lắm.
Nhưng sau này nó bị nhồi sọ những điều bậy bạ tỷ như: Tôn giáo là thuốc phiện, Ông Bụt có đức mà không có tài nên vô dụng, người tu là trốn đời, ăn bám xã hội… Nên nó sanh ra những tư tưởng, hành vi chống báng. Nào ngờ hôm nay nó đã hồi đầu! Ba nó nói một hơi như sợ rằng khi cảm hứng hạ thì không nóí được. Nó nghe mà lòng thấy thương ba nó vô cùng, những gịot lệ nóng hổi rơi tự lúc nào mà nó cũng chẳng biết! Nó muốn thì thầm con thương ba lắm nhưng sao cứ nghẹn không nóí được! Trong lòng nó thầm tạ ơn Phật, tạ ơn trời đất. Nó vội lấy bút viết một tứ thơ vừa nảy sinh:
- Tạ ơn trời đất thái bình
Khổ đau đã tận nên mình hỷ hoan
Dẫu quên nhưng vẫn mãi còn
Vượt qua bể khổ là con đường này
Ngày tháng như bóng câu qua cữa sổ, như dòng sông cuốn trôi tất cả, như lá rụng mây bay… Nó cứ giữ nguyên hiện trạng như thế, ráng nhẫn nhục và học Phật. Nó nghe lời sư phụ ráng buông bỏ những gì không cần thiết cho nhẹ người, ráng xả những gì mang nặng trong lòng cho tâm thảnh thơi. Nó đọc sách thiền rất hâm mộ những chuyện: Đả, hét, bổng… của Lâm Tế; chuyện chẻ tượng của Đơn Hà; Chuyện chuyển ngữ của Bách Trượng… Nhưng xem ra thì cũng khó. Nó đọc sách thấy kể từ sau đời Trần thì Thiền Tông hoàn toàn suy vi ở nước Việt. Mấy trăm năm về sau chủ yếu là Tịnh Độ tông. Tịnh tông phù hợp với căn cơ, với tầng lớp bình dân hơn. Nó tự thấy Tịnh Độ tương đối thích hợp hơn, nhưng nó vẫn thường ngồi thiền tịnh tâm sau thời kinh hoặc ngồi thiền nhưng giữ câu Phật hiệu trong tâm, trụ tâm ở câu Phật hiệu…Ngày ngày vào hãng làm nó cũng cô giữ tâm chánh niệm hoặc thầm niệm Phật. Nó dần dà nhận thấy đây là con đường thích hợp và đầy lý thú. Nó đọc đâu đó lời của giáo sư Đông Phương Mỹ viết: “ Học Phật là sự hưởng thụ tối cao của đời người” vậy cớ gì ta không hưởng thụ đi? Mà để ngày tháng trôi qua trong hoang phí. Có lúc nó hứng chí viết mấy chữ lên tường như thế này: Học Phật là sự hưởng thụ Chí chánh, chơn thiện, cực mỹ ! ý nó bắt chước viết danh ngôn vậy mà, nhưng đây nó chỉ viết riêng cho nó, viết ở trong phòng của nó, một góc “ giang sơn” của nó mà thôi!
Một hôm vợ nó đưa nó một ít tiền và nóí:
- Nghe má bệnh, gởi ít tiền về quê cho má uống thuốc.
Nó vô cùng ngạc nhiên, trong lòng thấy quái lạ nhưng vẫn không noí gì. Rồi hôm nọ vợ nó cũng lên chùa lễ Phật nó thấy có lạ lẫm quá nhưng cũng im lặng. Bạn bè gọi hùn phước giúp người nghèo khổ, nó bảo vợ đưa ít tiền. Vợ nó liền đưa. Nó vốn ngaị hỏi tiền vợ vì xưa nay luôn bị chửi hay nóí nặng nhẹ; thế mà bây giờ đưa tiền mà không có gì bực bội cả. Nó cảm nhận được có một sự thay đổi nào đó từ vợ nó. Nó lên chùa kể chuyện với sư phụ. Sư phụ bảo:
- Có lẽ sự gia hộ của Bồ Tát! Khi tâm con chuyển thì cảnh chuyển. Vợ con có lẽ cũng bắt đầu chuyển. Kinh sách có câu: ”Chánh báo chuyển thì y báo chuyển theo” Con hãy cứ kiên trì như vậy nhé!
Nó vui trong lòng không kể xiết, liền lên chánh điện lạy Phật tạ ơn. Nó nghĩ những ngày lang thang mà không biết mục đích, không biết đi đâu về đâu… Ấy vậy mà bước đến ngôi chùa này, có lẽ có sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ Tát, thiện thần! Phật pháp đã làm sống laị nó. Phật Pháp đã cứu cuộc hôn nhân trên bờ vực sụp đổ. Nó thấy lòng vui đến rơi nước mắt. Nó nhớ lời một vị sư nào đó nóí rằng:
-Trong đạo Phật không có thần thông, biến hóa… Sự chuyển đổi tâm niệm của lòng người mới chính là thần thông!
Phải rồi! ngày xưa còn nhỏ đọc “Tây Du Ký” cứ nghĩ thần thông phải là biến hoá, phun mây nhả khóí, dời non lấp biển… hay những chuyện ghê gớm lắm! nào ngờ chuyển đổi tâm của con người mới chính là thần thông vi diệu nhất! thật nhất trên cõi đời này!
Ngày tháng qua mau, mùa đến rồi mùa đi. Nó cũng dần qua tuổi thanh niên, thế gian vô thường vẫn ngày ngày xảy ra bao biến đổi, nhưng niềm tin vào Phật Pháp của nó không có gì có thể làm lung lay. Nó nghĩ cái cơ duyên này có thể từ tiền kiếp xa xưa, cáí cơ duyên nào được vun bồi lúc còn nhỏ ba nó chỉ dạy… Đã có lúc những tưởng nó mai một rồi, nào ngờ nó vẫn âm ỉ và đến một ngày nó lạị bùng lên ngọn lửa hồng. Nó nhớ có lần thầy nó cười cười bảo:
- Con người ta khi mà khổ quá thì tự nhiên họ laị giác ngộ, họ laị tỉnh ra!
Ý thầy muốn noí "cùng tắc biến, biến sanh thông". Không ngờ nó laị soi thấy mình ở trong cái ngữ cảnh này.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Georgia, 6/ 2017
* Vợ Phòng Huyền Linh đời Đường nổi tiếng ghen. Vua thử lòng đưa ra ba chén dấm, trong đó sẽ có một chén thuốc độc. Nếu để Phòng Huyền Linh nạp thiếp thì thôi, bằng không thì phải chọn một chén để uống. Bà ta bèn uống cả ba chén. Từ đó mới có tích chỉ cơn ghen của đàn bà là dấm chua