Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi  đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền:

" Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: 'Thế nào là đạo?'

Image result for mind

Nam Tuyền đáp : ‘Tâm bình thường là đạo’ (Bình Thường Tâm thị Đạo).

_’Lại có thể nhằm tiến đến chăng?’

_ ‘Nghĩ nhằm tiến đến là trái’.

_ ‘Khi chẳng nghĩ  làm sao biết là đạo?’

_ ‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là  vô ký.  Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy’.

Ngay nơi lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới...."

Vậy, thế nào là “Tâm Bình Thường”?

Trong đạo Phật, chữ 'Tâm' có ý nghĩa rất rộng, rất phong phú và phức tạp vì tâm được biểu hiện, bao hàm trên tất cả sự sống của con người và sinh vật. Sự sống này nôm na là những sinh hoạt hít vô-thở ra, nheo mắt-nhướng mày, đi- đứng- nằm-ngồi  (nơi thân), nói năng, khóc-cười,  ca hát.. (nơi  miệng),  thấy- nghe- hay- biết (kiến- văn- giác- tri), cảm thọ, tưởng tượng, suy nghiệm ..(nơi tâm). Nếu còn có các sinh hoạt trên, xem như còn sống; nếu không còn,  xem như đã chết. Từ những sinh  hoạt này, lại khiến nảy sinh  thêm  những tình cảm, những ham muốn, những tri thức, những ràng buộc kết nối tâm thức con người vào đời  sống.  Những tình cảm này  thường được gọi là thất tình (7 tình cảm:  mừng, giận, thương , ghét, buồn, vui, muốn); các ham muốn thường được gọi  là  lục dục (6 tham muốn về 6 cảnh trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Thất tình và  lục dục lại kết nối  thêm với những  tri thức, kiến thức, nhận định, đánh giá, so sánh,..về sự vật trần cảnh. Các tâm thế gian thường ngày nêu trên không phải là chữ 'Tâm' được tổ Nam Tuyền sử dụng trong thiền truyện  khi Ngài có thêm hai chữ 'Bình Thường' để minh định chuyên biệt  về cái tâm Ngài muốn nói.

Tuy vậy lại có rất nhiều lầm nhận “Tâm Bình Thường”  này với  tâm thế gian thường ngày, tâm không có chi đặc biệt,  với đầy đủ thất tình lục dục : phàm phu khi đối duyên xúc cảnh,  gặp cảnh thuận ý, bằng lòng thì vui mừng, thích thú, thương yêu, trân quí, giử gìn..., gặp cảnh trái ý, không bằng lòng thì buồn khổ, oán ghét, sân hận, hất hủi, vứt bỏ...Các tâm thức thường ngày  này dù có thể xảy ra thường xuyên nơi đời sống chúng ta nhưng chúng đều không phải là “Bình Thường”, nói đơn giản là chúng không "Bình", cũng không "Thường". Lý do là chúng luôn xao đông, chao đảo, khiến tâm thúc ta luôn xáo động, không được bình an, thanh tĩnh ('Bình"  là Bình An, Bình Hòa, Thanh Bình, An Tĩnh..); v à  mặt khác,  do chúng luôn biến động, thay đổi thường xuyên, hết vui lại buồn, hết cười lại khóc… nên chúng cũng không  “Thường” (“Thường”  là thường hằng, không biến đổi, không có sanh trụ dị diệt..).

Theo Duy Thức Học, tâm thức thường ngày của con người chỉ quanh quẩn trong 51 món tâm sở xấu tốt lẫn lộn.  Tâm sở  chính là  tướng  trạng biểu  hiện của tâm thức  khi tâm thức  bị  động bởi cảnh trần bên ngoài.  51 món tâm sở  này bao gồm:

  • 26 tâm sở Phiền Não (xấu ác) gồm: 6 Căn Bản Phiền Não (tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiến) và 20 Tùy Phiền Não. 20 Tùy Phiền Não lại chia ra: 8 Đại Tùy (trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri), 2 Trung Tùy (vô tàm, vô quí), và 10 Tiểu Tùy (phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, xiễm, hại, kiêu).
  • 11 tâm sở Thiện (tốt lành) gồm: tín, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, cần (tinh tấn), khinh an, bất phóng dật, hành xả (bố thí), bất hại.

Ngoài 37 tâm sở phân định rõ về thiện-ác nêu trên, còn có thêm 14 tâm sở khác bao gồm:   4 tâm sở Bất Định (hối, miên, tầm, tư) và 5 tâm sở Biệt Cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, tuệ), 9 tâm sở  này chưa có phân biệt, xác định rõ về thiện hay ác; và sau cùng là 5 tâm sở Biến Hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư) có tính cách phổ biến, nguyên sơ ,rất bao quát  nên phi thiện phi ác.

Tất cả hay chỉ một phần  51 món tâm sở này được sinh xuất  và xoay vần lẫn nhau một cách liên tục không dừng nghỉ  tạo nên các tướng trạng biểu hiện nơi tâm thức thường ngày của chúng ta. Chuyên sâu và rõ ràng hơn, Duy Thức Học minh định các tâm sở thường ngày này  được sinh xuất không chỉ từ một nguồn tâm thức đơn thuần mà có đến 3 nguồn được gọi là  3 Thức Năng Biến hoặc gọi là Bát Thức Tâm Vương .  Liên hệ giữa 3 Thức Năng Biến và 51 món Tâm Sở thường được ví như nước và sóng, đó là mối  liên hệ có  tính cách bất tức - bất ly: nước không là sóng, sóng không là nước (bất tức); dù  vậy, nước lại không rời sóng, sóng lại không rời nước (bất ly). Trớ trêu thay,  tình chấp thường ngày của con người lại chỉ biết và để ý đến sóng (hiện tượng của nước)) mà nhiều khi ít biết hoặc không biết, không nhớ gì về nước (bản thể của sóng). Ví như khi uống nước chanh đường, ta thường chỉ để ý quan tâm đến r ồi vui-khổ theo vị chua của chanh, vị ngọt của đường mà quên mất tánh chất không mùi không vị của nước trong sạch dù tánh chất của nước trong sạch này vẫn thể hiện đầy đủ, không hề bị thiếu thốn hao tổn trong bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào…

Sự phân biệt 3 Thức Năng Biến (Bát Thức Tâm Vương) được dựa trên tánh thể, tướng trạng, và dụng năng (thể, tướng, dụng) của mỗi thức, đại cương như sau:

  1. Thức Năng Biến Thứ Nhất thường được gọi là Thức A Lại Da (Đệ Bát Thức)

Thức này có thể tánh vô phú (không nương trụ), vô ký (không phân biệt thiện ác). Nó vời vợi khôn cùng, không bờ mé, như vực sâu (vô phú), và có dụng năng là để dung chứa , duy trì tất cả các loại chủng tử-tập khí  thiện ác  (v ô ký)  từ  vô lượng kiếp. Do đây, có  thể  gọi  Thức Năng Biến Thứ Nhất  là Thức Năng Biến Chứa Nhóm. Thức này  luôn chuyển động do dụng năng tuôn chuyển dữ dội của các chủng tử - tập khí, gọi là "Hằng chuyển như bộc lưu" (luôn chuyển động như dòng thác) . Do đó, nó chỉ có tánh "Thường" mà không có tánh "Bình". Vậy, Thức Năng Biến Thứ Nhất ( A Lại Da thức) không là "Tâm Bình Thường".

Kệ về A Lại Da thức trong Duy Thức Tam Thập Tụng và tạm dịch:

"Thị vô phú vô ký                   "Là vô phú vô ký

 Xúc đẳng diệc như thị            Các Biến Hành cũng thế     

 Hằng chuyển như bộc lưu     Hằng chuyển như dòng thác

 A la hán vị xả"                           Bậc A La Hán mới xả"

Thức A Lại Da chỉ có 5 tâm sở Biến Hành  (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư) . Nó rất sâu xa vi tế nên chỉ có thể hay biết được về nó trong những cảnh giới thiền định rất cao mà người phàm phu không thể nhận biết và thông hiểu đến được.

  1. Thức Năng Biến Thứ Nhì thường được gọi là Thức Mạt Na (Đệ Thất Thức):

Thức này có thể tánh hữu phú (có nơi nương trụ)  vô ký (không có phân biệt thiện ác). Nó luôn hằng thẩm tư lương, suy xét , lo nghĩ để duy trì chấp trước về bản ngã (cái tôi). Do đây, có  thể  gọi  Thức Năng Biến Thứ  Nhì  là Thức Năng Biến Chấp Ngã.  Bản ngã được phát sinh từ thức Mạt Na khi nó nương gá vào thức A Lại Da (‘hữu  phú’) rồi chấp lấy kiến phần của thức A Lại Da ("Y bỉ chuyển duyên bỉ") làm bản ngã mà không phân biệt thiện ác (vô ký).

Kệ về Mạt Na thức trong Duy Thức Tam Thập Tụng và tạm dịch:

"Thứ đệ nhị năng biến       "Thức năng biến thứ nhì

 Thị thức danh Mạt Na         Thức này tên Mạt Na

 Y bỉ chuyển duyên bỉ          Nương kia chuyển duyên kia

 Tư lương vi tánh tướng"    Tư lương làm tánh tướng”

 Do Mạt Na Thức luôn nương gá theo A Lại Da thức, nên nó cũng có tánh "Thường" như A Lại Da thức. Nhưng cũng như A Lại Da,  Mạt Na Thức cũng không có tánh "Bình". Đặc biệt, ở Mạt Na Thức do có thêm tánh chấp ngã nên sự xao động bất an lại càng nhiều hơn, mãnh liệt hơn so với ở A Lại Da thức. Điều này được thể  hiện rõ là  so với A Lại Da thức, Mạt Na Thức có thêm 13 tâm sở, tổng cọng nó có 18 tâm sở bao gồm:  5 Biến Hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư ; giống như ở A Lại Da), thêm 1 Biệt Cảnh (Tuệ), thêm 4 Căn Bản Phiền Não (Tham, Si, Mạn, Ác Kiến) và thêm đủ 8 Đại Tùy Phiền Não (trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri),.

Thức Mạt Na còn được gọi tên là Ý, hay Ý Căn vì nó là căn nguồn của Ý Thức.

  1. Thức Năng Biến Thứ Ba thường được gọi là Tiền Lục Thức (6 thức trước):

 Tiền Lục Thức có tánh năng liễu cảnh (tiếp nhận và  phân biệt cảnh trần), phân biệt ra có 6 thức sai biệt ở  6 căn (mắt, tai, mũI, lưỡi, thân, ý ) khi 6 căn tiếp xúc với  6 trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị,  xúc,  pháp),  với phân biệt rõ về 3 t ánh (thiện, ác, và vô ký). Do đây, có  thể  gọi  Thức Năng Biến Thứ  Ba  là Thức Năng Biến Liễu Cảnh.

Bài kệ về Liễu Cảnh Đệ Tam Năng Biến thức trong Duy Thức Tam Thập Tụng và tạm dịch:

"Thứ đệ tam năng biến       "Thức năng biến thứ ba

 Sai biệt hữu lục chủng         Có sáu loại sai biệt

 Liễu cảnh vi tánh tướng       Rõ cảnh làm tánh tướng

 Thiện, bất thiện câu phi"     Thiện, Ác cùng Vô Ký”

Tiền Lục Thức thường được phân định ra 2 thành phần chính:

  1. 1 Tiền Ngũ Thức (5 Thức Trước) là sự nhận biết phân biệt ở 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) bao gồm: Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỹ Thức, Thiệt Thức, và Thân Thức. Mỗi thức này chỉ nhận biết các đối tượng tương ưng với nó mà thôi, như mắt chỉ tương ưng với hình sắc, tai chỉ  tương ưng với âm thanh…rồi nhờ vào  Đệ Lục Ý Thức mà có ra sự phân biệt chi tiết, chính xác hơn.

Tiền Ngũ Thức có 34 tâm sở bao gồm: 5 Biến Hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư), 5 Biệt Cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, tuệ), 11 Thiện (tín, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, cần, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại), 3 Căn Bản Phiền Não (Tham, Sân, Si), 8 Đại Tùy Phiền Não (trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri),  và 2 Trung Tùy Phiền Não (vô tàm, vô quí).

5 thức giác quan chỉ  được phát sinh khi 5 căn (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân) tiếp xúc qua lại với 5 cảnh trần (sắc, thanh, hương, vị , xúc)  (như là khi mắt tiếp xúc với hình sắc, khi tai tiếp xúc với âm thanh..). Do vậy, chỉ  khi có  căn trần hòa hợp mới có , còn khi  căn trần không hòa hợp thì  không có nên  Tiền Ngũ Thức không có tánh "Thường". Ngoài ra, nó cũng không có tánh "Bình" vì do nó có 34 tâm sở nêu trên.

Bài kệ về Tiền Ngũ Thức trong Duy Thức Tam Thập Tụng và tạm dịch:

"Y chỉ căn bản thức              "Nương nơi thức căn bản

 Ngũ thức tùy duyên hiện      Năm thức hiện theo duyên

 Hoặc câu hoặc bất câu          Hoặc cùng hoặc chẳng cùng

 Như đào ba y thủy "             Như sóng nương theo nước"

3.2 Ý Thức (Đệ Lục Thức) có tánh và tướng là tư duy, suy nghĩ phân biệt cảnh trần một cách sắc bén, thâm tế, chính xác. Ý Thức có đầy đủ tất cả 51 món tâm sở của Duy Thức Học. Trong Bát Thức Tâm Vương, chỉ có Ý Thức là có đủ 51 tâm sở, trong đó đặc biệt hơn cả là chỉ có Ý Thức có 10 Tiểu Tùy Phiền Não (phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, xiễm, hại, kiêu). Gọi là "Tiểu Tùy" để chỉ những phiền não với cảnh trần được xác định rõ ràng, cụ thể với giới hạn, khuôn khổ nhất định (như một người, một sự vật, một cảnh,..nào đó) Điều này  phân biệt giữa “Tiểu Tùy” và "Đại Tùy" (“Đại Tùy” là những phiền não ở cảnh giới mông muội, không có bờ mé, không xác định rõ ràng đối tượng cụ thể). Vì thế Tiểu Tùy Phiền Não gây tạo  nghiệp ác rất nhanh chóng, nhạy bén và dữ dội. Mặt khác,  do có đầy đủ 11 món tâm sở thiện , ý  thức cũng đóng vai trò then chốt, chủ yếu trong việc  gây dựng  thiện nghiệp, phước đức, tu tập...  Do đó, vai trò  của Ý Thức thường được xem vừa  là  đệ nhất công thần, vừa  là  tội đồ thủ lãnh  (công vi thủ, tội vi khôi ) trong  tất cả chu trình nhân quả nghiệp báo thiện ác  luân hồi.

Bài kệ về Đệ Lục Ý Thức  trong Duy Thức Tam Thập Tụng và tạm dịch:

" Ý thức thường hiện khởi      "Ý Thức thường khởi hiện

 Trừ sanh vô tưởng thiên        Trừ sanh nơi trời Vô Tưởng

 Cập vô tâm nhị định                Cùng hai định vô tâm

 Thùy miên dữ muộn tuyệt"     Ngủ say với chết giấc"

Theo bài kệ trên, Ý Thức không có tánh “Thường” vì nó không có hiện hữu trong 5 trường hợp: 1. Ở cõi trời Vô Tưởng, 2. và 3. Hai Định Vô Tâm (Vô Tưởng Định, và Diệt Tận Định), 4. Ngủ say không mộng  (thụy miên), và 5. Chết giấc  (muộn tuyệt). Và do Ý Thức có tất cả 51 tâm sở nên nó dao động  mạnh mẽ  nhất , nhi ều  đổi thay nhất tùy theo cảnh trần bên ngoài. Vì thế, Ý Thức hoàn toàn không có tánh “Bình”, và nếu so sánh với các thức khác, Ý Thức  là bất an nhất.

Có thể xem Đệ Nhất Năng Biến (A Lại Da thức) như nước biển ở dưới đáy biển  nơi nước biển  có sức chao động rất yếu ớt và tương đối đơn giản, tương ưng chỉ với 5 món tâm sở Biến Hành.  Đê Nhị Năng Biến (Mạt Na thức) có  thể  xem như nước biển ở lưng chừng giữa đáy biển  và mặt nước biển nên thường có sức chao động mạnh hơn, phức tạp hơn tương ưng với 18 tâm sở, nhiều tâm sở hơn so với ở A Lại Da Thức.  Đệ Tam Năng Biến được xem như các đợt sóng ở  trên  mặt nước biển, nơi  có sức chao động dữ dội nhất và đa dạng, phong phú nhất. Trong đó Tiền Ngũ Thức, nơi tiếp nhận cảnh trần,  là chân sóng (tương ưng 34 món tâm sở), Ý Thức (Đệ Lục Thức) tư duy liễu cảnh chính là thân sóng và ngọn sóng (tương ưng với  toàn bộ  51  tâm sở). Sâu rõ hơn,  sóng biển Đệ Tam Năng Biến này lại được hình thành từ nước biển tư lương chấp ngã Mạt Na Thức:  tự  thân Mạt Na Thức đã là  sóng ngầm v ới 18  tâm sở, nên khi Tiền Ngũ Thức  tiếp xúc với gió biển lục trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nước biển Mạt Na Thức  tức thời đáp ứng  khiến  sau đó thân sóng và ngọn sóng Ý Thức được sinh khở, hình thành  và phát triển sau.

Y cứ theo nhận định trên, có thể diễn suy ra hai điều:

  1. Sóng biển được phát sinh không chỉ do nơi gió biển mà còn có sức hợp tác của chính tự thân nước biển: chính nước biển tự nó đã "mở cửa" để đón nhận gió biển rồi cùng gió biển tạo ra sóng biển. Các cánh cửa rộng mở đón nhận gió biển này chính là các tâm sở phiền não nơi Mạt Na Thức (12 tâm sở Câu Sanh Phiền Não gồm Tứ Hoặc và Bát Đại đ ã có từ vô lượng kiếp trước). Như do nơi tâm sở "Tham" của Mạt Na Thức đã mở cửa đón nhận 6 trần cảnh và khiến phát sinh ra các tâm sở ái luyến, chấp trước dằn vặt bất an nơi Ý Thức, rồi sinh tạo chủng tử , tập khí, làm mầm mống cho nghiệp  báo ở  các đời sau.
  2. Nếu muốn không còn có sóng biển chao động nhấp nhô luân hồi, không phải chỉ cần ngăn chận, làm dừng lại, hoặc diệt tận đi gió biển mà nơi tự thân nước biển nên bình lặng trước tiên để không còn mở cửa đón nhận gió biển nữa. Thực hiện được như thế , sẽ thấy gió biển không là tác nhân chính yếu để tạo ra sóng biển nữa. Khi đó, gió thì cứ gió mà biển lặng thì cứ lặng. Đây cũng tương ưng với tinh thần Diệu Hạnh Vô Trụ nơi kinh Kim Cang : "Không nên ưng trụ nơi sắc mà sanh tâm, không nên ưng trụ nơi thanh hương vị xúc pháp mà sanh tâm. Nên tương ưng nơi không có nương chấp mà sanh tâm" (" Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm") hoặc nơi kinh Nhất Dạ Hiền Giả: "Tuệ quán chính là đây, không động không rung chuyển, biết vậy nên tu tập".

Tuy vậy, đời sống của người phàm phu (bao gồm luôn cả những người trí thức bác học, khoa học, triết học...) đều thường chỉ tập trung nơi Liễu Cảnh Tiền Lục Thức (Thức Đệ Tam Năng Biến): kẻ dốt nát thì quanh quẩn hết vui  lại  khổ với Tiền Ngũ Thức, người trí thức thì có thêm  Ý Thức với kiến thức phân biệt chi  ly, chính xác để c ó danh  vị trong  xã hội nhân gian. Chỉ có các bậc chơn tu Đạo Học mới có đủ thành ý, chuyên tâm, ngưng bặt  tất cả  chấp trước nơi  hoạt động của  ý thức  tư duy  liễu cảnh , v à nơi  hành chuyển u  ẩn chấp ngã tư lương Mạt Na Thức   mà phá vỡ hầm tối Vô Minh … Chỉ có các bậc A La Hán (tương đương với Bát Địa Bồ Tát) mới thực sự siêu xuất , vượt qua được Mạt Na Thức , không còn phần đoạn sinh tử luân hồi nữa.. Nhưng các ngài còn có biến dịch sinh tử  vì thức A Lại Da vẫn còn chủng tử tập khí nơi thức A Lại Da. Cổ đức có bài kệ  và tạm dịch:

“Đốn ngộ tuy đồng Phật              (Đốn ngộ tuy đồng như Phật

Đa sanh tập khí thâm                         Nhiều đời tập khí sâu

Phong đình ba thượng dũng       Gió dừng sóng còn dâng

Lý hiện niệm du xâm”                        Lý hiện niệm chưa  lặng)

Chỉ khi vượt qua cả 8 thức, không còn tất cả thức tướng, thức niệm, thức t ác,  thức tưởng, thức tình, thức kiến, thức văn, thức gíác  thức tri …mới thực là chơn giải thoát.  Khi đó bát  thức được chuyển hóa thành tứ  trí: Tiền Ngũ Thức  trở  thành Thành Sở Tác Trí, Đệ Lục Ý Thức trở  thành Diệu Quan Sát Trí, Mạt Na Thức trở  thành Bình Đẳng Tánh Trí, A Lại Da Thức trở  thành Đại Viên Cảnh Trí. Lúc này, sẽ  không còn có các suy  nghĩ, hay biết của Ý Thức phân biệt, nên:  “Nghĩ nhằm tiến đến là trái’, và cũng  sẽ  không còn các cảnh giới không suy nghĩ có  nương trụ (Hữu Phú Vô Ký) của Mạt Na Thức và cũng sẽ  không còn cảnh giới  không suy nghĩ  không nương trụ  (Vô Phú Vô Ký) của  A Lại Da Thức nên: “‘Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký.  Nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, ví như hư không rỗng rang đâu thể gắng nói phải quấy” vậy.

                        Plano _ December 28, 2019

                                Quảng Minh LKH

                        Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm