Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 phat thuyet phap 2

Hư vỡ là đặc tính bất biến của cuộc đời, của tất cả những gì có mặt trong vũ trụ này. Nghĩa là
những gì hợp lại, thì sẽ tan; những gì sinh ra, rồi sẽ biến mất. Không có gì kiên cố, bất biến trên
đời. Đức Phật đã chỉ ra sự thật đó, và biến những thái độ sống không vui thành sự kham nhẫn mỹ
học: cái đẹp chính là vô thường. Bởi vì vô thường, nên có hoa mùa xuân nở, có những dòng suối
chảy từ tuyết tan mùa hè, có những trận lá mùa thu lìa cành, và có những trận mưa tuyết mùa
đông vương vào gót giày. Bởi vì sống hoan hỷ với hư vỡ là tự hoàn thiện chính mình, hòa hài
làm bạn với hư vỡ là sống với sự thật, và cảm nhận toàn thân tâm trong hư vỡ từng khoảnh khắc
là hòa lẫn vào cái đẹp của vũ trụ. Và sống với chân, thiện, mỹ như thế tất nhiên sẽ đón nhận được
cái chết bình an.
Thân người chính là một bình gốm mong manh, dễ hư vỡ, và rồi sẽ một ngày tất nhiên phải hư
vỡ. Đức Phật nói trong Kinh Pháp Cú, bài Kệ 40, qua bản dịch của Thầy Minh Châu là:
40. "Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí;
Giữ chiến thắng không tham."
Bài kệ trên nói rằng, thường trực biết thân mình, biết cơ thể mình mong manh như đồ gốm, là
tâm sẽ khởi lên cái thấy của trí huệ, là tất nhiên lìa tham. Hiểu biết như thế, khi thấy đồ gốm quý
tan vỡ, cũng sẽ tất nhiên không sân hận. Câu chuyện sau là dịch từ Thiền sử Nhật Bản.
Thiền sư Ikkyu, khi còn là thiếu niên đã lộ ra trí thông minh, nhanh nhẹn, và là một chú tiểu biết
ứng biến. Thầy của Ikkyu có một tách trà quý giá, đó cũng là một cổ vật quý hiếm. Chú tiểu
Ikkyu vô ý làm vỡ chiếc tách trà này và rất mực bối rối. Nghe tiếng bước chân của thầy, Ikkyu
ôm những mảnh tách vỡ ra sau lưng. Khi thầy xuất hiện, Ikkyu hỏi: “Tại sao người ta phải chết?”
Vị thiền sư già giải thích, ““Đó là tự nhiên, vì mọi thứ có sinh thì phải có tử. Đó là luật vô
thường, mọi thứ đều phải hư vỡ.”
Bấy giờ, chú tiểu Ikkyu lấy chiếc tách vỡ ra và nói với thầy: “Bạch thầy, đã đến lúc cái tách của
thầy phải chết rồi.” Dĩ nhiên, vị thầy không giận.
Tất cả chúng ta trong đời đều phần nào chấp nhận mỹ học của sự hư vỡ. Nhiều người trong
chúng ta, tại Việt Nam và cả tại Hoa Kỳ, đã từng đi lang thang trong các tiệm bán đồ cũ, vào các
chợ trời, nhìn những thứ hư vỡ, và đôi khi mua những thứ còn có thể sử dụng được. Đôi khi, có
những thứ không còn sử dụng được, nhưng mua về chỉ vì nó là đồ cũ, nó có giá trị của hư vỡ,
cho dù hoàn toàn không có giá trị hiệu năng so với đời sống của thế kỷ 21 nữa, thí dụ, chiếc đèn
dầu hột vịt, đồng hồ quả lắc…
Đức Phật đã lấy nhận thức về hư vỡ và thái độ sống hoan hỷ với hư vỡ thành một lộ trình giải
thoát. Riêng chúng ta đã sống với hư vỡ theo một cách đơn giản đời thường, nhiều khi chỉ vì
không có lựa chọn để được sống sang trọng, xa hoa. Trong khi đó, dân tộc Nhật Bản đã nâng tầm

sống với hư vỡ, với sứt mẻ, với gãy đổ… thành một nghệ thuật. Đó là nghệ thuật Kintsugi, còn
gọi là kintsukuroi, chữ này tiếng Anh dịch là "golden repair" – nghĩa là, sửa chữa bằng vàng.
Theo Wikipedia, Kintsugi là nghệ thuật sửa chữa đồ gốm bị nứt, bị vỡ của Nhật Bản bằng cách
vá những chỗ bị vỡ bằng sơn mài urushi phủ bụi, hoặc trộn với bột vàng, bột bạc hoặc bột bạch
kim. Về mặt triết lý, nghệ thuật này coi sự hư vỡ và việc sửa chữa như một phần lịch sử của một
đồ vật, chứ không phải là thứ gì đó để ngụy trang, để che giấu. Phần lớn tập trung vào đồ gốm, vì
dân Nhật Bản xem uống trà như một nghệ thuật.
Khi uống trà, tất nhiên là phải dùng tới những cái tách làm bằng đồ gốm. Thử hình dung, nếu
uống trà bằng ly thủy tinh trong suốt, hay bình nhựa học trò… thì chẳng còn gì là nghệ thuật, và
cũng không ai bận tâm sửa chữa những hư vỡ bằng bột vàng. Do vậy, uống trà phải là dùng tách
làm bằng đồ gốm, hoặc với các vương triều, là tách làm bằng gốm tráng sơn mài. Kỹ thuật sơn
mài, Nhật Bản gọi là maki-e, cũng là một nghệ thuật lâu đời tại Trung Hoa, Việt Nam, Đại
Hàn…
Nhưng các thiền sư Nhật Bản chỉ uống trà trên các tách làm bằng đồ gốm trông có vẻ như thô,
nhám. Và khi nâng tách trà lên, bên cạnh hương trà, là hai bàn tay cảm nhận chất thô, nhám của
đồ gốm, của đất sét nung, của đất nước gió lửa… Trà đạo đối với Thiền Tông Nhật Bản không
chỉ là lá trà, bột trà, chất trà, vị trà, mà là toàn bộ thân tâm hành giả trong từng cử chỉ nâng tách
trà lên, nếm chút trà, tay xúc chạm vào đồ gốm, cảm nhận thế giới và thân tâm tan trong từng cử
chỉ và cảm thọ.
Theo truyền thuyết Nhật Bản ghi lại, vào thế kỷ 15, Tướng quân Ashikaga Yoshimasa từng làm
vỡ một bát trà Trung Quốc. Bát trà này là của hiếm, do từ nghệ nhân thủ công Trung Quốc gửi
tặng, nghĩa là không có bát trà nghệ thuật thứ nhì giống như thế. Sau đó, Tướng quân gửi bát trà
về Trung Quốc để sửa chữa, nhưng nó lại bị gửi lại bằng cách vá gốm, nhìn không vừa ý Tướng
quân này. Yoshimasa sau đó đã yêu cầu các nghệ nhân của mình tìm cách vá gốm cho đẹp hơn,
từ đó phát minh ra nghệ thuật vá đồ gốm bằng vàng của Nhật Bản.
Lịch sử ghi rằng, hồi thế kỷ 15, Nhật Bản vẫn còn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng sự
tinh tế của văn hóa Nhật Bản vẫn tiếp tục phát triển… Dưới ảnh hưởng của Tướng quân
Ashikaga Yoshimasa và những người kế vị ông, Nhật Bản đã phát minh ra một lối sống mới: văn
hóa Higashiyama. Bắt nguồn từ dòng tư tưởng Thiền Tông, bầu không khí văn hóa này đã thúc
đẩy sự phát triển của trà đạo, nghệ thuật cắm hoa (ikebana), kịch Nô và tranh thủy mặc vẽ bằng
mực Tàu.
Trong nền văn hóa đầy Thiền vị này, nghệ thuật vá đồ gốm bằng vàng đã phát triển nhanh
chóng… Đến mức một số nhà sưu tập bị thu hút bởi vẻ đẹp và triết lý của Kintsugi, đã cố tình
đập vỡ một số đồ gốm cổ của nghệ thuật Nhật Bản để sửa chữa bằng vàng. Nghĩa là, làm thành
một hóa thân mới, một kiếp sau của sản phẩm nghệ thuật. Thực tế, không phải ai cũng có điều
kiện để sống huy hoàng như thế. Nhiều Thiền sư không cần vá gì, chỉ đơn giản sử dụng các chén,
tách, tô… đã bị sứt mẻ. Và trong sứt mẻ đó, trong hư vỡ đó cũng là một thế giới mới được hình
thành: sống hoan hỷ với hư vỡ. Đó cũng là ý nghĩa của Phật giáo.
Phong thái sống của các Thiền sư Nhật Bản là sống với hồn nhiên, đơn giản, khổ hạnh, tinh tế,
lìa thói quen, tĩnh lặng, từ bi... Trong khi đó, giới nghệ nhân, từ nghệ thuật Kintsugi lấy vàng nấu
chảy để vá gốm đã hòa lẫn với phong thái Thiền để hình thành một cách nhìn gọi là Wabi-sabi.

Chữ này thịnh hành từ thể kỷ thứ 16, một chữ không còn mang ý nghĩa “lấy vàng vá gốm” nữa,
mà là một nhận thức nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những sinh vật nhất thời trên
hành tinh này – rằng cơ thể chúng ta cũng như thế giới vật chất xung quanh chúng ta đang trong
quá trình trở về cát bụi. Chu kỳ sinh trưởng, mục nát và xói mòn của tự nhiên được thể hiện ở
các cạnh bị sờn, rỉ sét, đốm gan. Thông qua wabi-sabi, chúng ta học cách đón nhận cả niềm vui
và nỗi buồn được tìm thấy trong những dấu vết của thời gian trôi qua.
Theo truyền thuyết Nhật Bản, một chàng trai trẻ tên là Sen no Rikyu đã tìm cách học hỏi những
phong tục phức tạp được gọi là Trà Đạo. Anh ta đến gặp trà sư Takeeno Joo, người đã thử thách
chàng trai trẻ bằng cách yêu cầu anh ta chăm sóc khu vườn. Rikyu dọn dẹp những rác vụn và cào
đất cho đến khi nó thật hoàn hảo, sau đó xem xét kỹ lưỡng khu vườn sạch sẽ. Trước khi trình bày
tác phẩm của mình với vị trà chủ, anh đã rung chuyển một cây anh đào khiến một vài bông hoa
rơi ngẫu nhiên xuống đất. Chính cái bất toàn đó, những nụ hoa rơi trên nền cát trắng cho thấy cái
đẹp của vô thường, của hư vỡ. Sách ghi rằng, cho đến ngày nay, người Nhật tôn kính Rikyu như
một người hiểu rõ cốt lõi của sợi dây văn hóa sâu sắc được gọi là wabi-sabi.
Theo tự điển, Wabi là những thứ tươi mới, đơn giản và mang vẻ đẹp mộc mạc. Và Sabi là những
rung động, cảm xúc trước vẻ đẹp của lớp gỉ đã cũ theo thời gian.
Chỉ có những người thấm đượm văn hóa Wabi-sabi mới hiểu được vẻ đẹp dịu dàng, nguyên sơ
của những ngày tháng 12 xám xịt bao trùm lên một tòa nhà hoặc nhà kho bị bỏ hoang. Nó tôn
vinh những vết nứt, kẽ hở, chỗ mục nát và tất cả những dấu vết khác mà thời gian, thời tiết và
quá trình sử dụng để lại. Khám phá wabi-sabi là nhìn thấy vẻ đẹp đặc biệt ở một thứ mà thoạt
nhìn có thể trông như là bất toàn và hư vỡ.
Theo dòng thời gian, tới thế kỷ 17, xuất hiện một Thiền sư được xem là sống trọn vẹn theo
phong cách wabi-sabi.
Đó là Thiền sư Baisaō (1675-1763). Ông thuộc dòng thiền Ōbaku (Hoàng Bá). Thiền sử ghi rằng
Hoàng Bá học từ Bách Trượng Hoài Hải. Hoàng Bá để lại một tác phẩm nổi tiếng là Hoàng Bá
truyền tâm pháp yếu. Trong môn đồ của Hoàng Bá, nổi tiếng nhất là Lâm Tế. Baisaō nổi tiếng
như một Thiền sư học giả, một nhà thơ, một nhà thư pháp… nhưng đã từ chối tất cả các lời mời
trụ trì khi các tướng quân dâng cúng chùa, rồi cuối đời lang thang, ra đời làm một ông già lang
thang Kyoto để bán trả. Một đời sống cực kỳ hồn nhiên, khổ hạnh, tĩnh lặng, từ bi… Tâm không
vướng một niệm, nhưng toàn bộ thân tâm sống với cõi vô thường, lặng lẽ nghe hư vỡ từng ngày.
Để có thể hiểu về cách sống của Baisaō, chúng ta có thể dẫn ra tông yếu Thiền qua lời Hoàng Bá,
trích theo bản dịch của Thầy Thanh Từ:
“... Người học Đạo hễ có một niệm vọng tâm là xa Đạo, ấy là điều tối kị. Hết thảy mọi niệm đều
vô tướng, đều vô vi, tức là Phật. Người học Đạo nếu muốn thành Phật thì hết thảy Phật pháp đều
không cần phải học, chỉ cần học cái không mong cầu, không chấp trước là đủ. Không mong cầu
thì tâm không sinh, không chấp trước thì tâm không diệt.” (ngưng trích)
Thiền sử ghi rằng Baisaō là một Thiền sư nổi tiếng khi đi du lịch khắp Kyoto để bán trà. Quán
trà của ông có ảnh hưởng rất lớn ở Kyoto, đặc biệt là với các nghệ sĩ và triết gia. Baisaō có nghĩa
là, ông cụ bán trà. Nhưng tên trong nhà thiền của ông là Gekkai Genshō (月海元昭, Nguyệt Hải
Nguyên Chiêu). Sau này, ông về đời, sử dụng tên cư sĩ là Kō Yūgai (高遊外, Cao Du Ngoại).

Baisaō là một nhà thơ và là một tu sĩ Phật giáo, nhưng đã bỏ lại đằng sau những ràng buộc của
cuộc sống chùa chiền và ở tuổi 49 du hành đến Kyoto, nơi ông bắt đầu kiếm sống bằng cách bán
trà trên đường phố và tại các địa điểm có danh lam thắng cảnh xung quanh thành phố. Tuy nhiên,
Baisaō còn pha chế nhiều thứ hơn là trà - khách hàng của ông, bao gồm các nghệ sĩ, nhà thơ và
nhà tư tưởng có ảnh hưởng vào thời đó: họ xem việc tới gánh trà của ông có tầm quan trọng về
mặt tôn giáo. Những chiếc giỏ đan bằng tre lớn chứa đầy dụng cụ pha trà của ông đã mang đến
cho Baisaō và các khách hàng của ông cơ hội trò chuyện và làm thơ cũng như những loại trà đặc
biệt.
Baisaō sinh năm 1675 tại đảo Kyushu phía nam Nhật Bản. Là con trai của một trong những tầng
lớp trí thức ưu tú trong vùng, ông nhận được một nền giáo dục sâu rộng và khi lên 11 tuổi, trở
thành tu sĩ trong thiền phái Ōbaku, lấy tên là Gekkai Genshō. Năm 1687, ông cùng sư phụ Kerin
Dōryū du hành đến Mampuku-ji, trụ sở của Ōbaku Zen. Một trong những nơi hai thiền sư đến
thăm là Kōzan-ji, ở ngoại ô Kyoto, nơi trồng những vườn trà đầu tiên ở Nhật Bản.
Giống như nhiều thiền tăng khác, Baisaō trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau tại ngôi chùa riêng
của mình, Ryūshin-ji. Sự nghiệp tôn giáo Baisaō có thể chia thành ba thời kỳ: thời kỳ rèn luyện
trong trường thiền hơn hai thập niên, thời kỳ thứ hai, ông quản trị tăng chúng trong chùa và sau
đó trên thực tế giữ chức quyền trụ trì tại Ryushin-ji ở Hasuike; và giai đoạn thứ ba, lang thang
bụi đời ở Kyoto với tư cách là Ông già bán trà. Khi sư phụ qua đời, chức vụ trụ trì được chuyển
giao cho một nhà sư trẻ hơn. Khi Baisaō được hỏi tại sao không nhận được chức trụ trì này, ông
khiêm tốn trả lời “vì tôi không có trí tuệ hay đức hạnh.” Mặc dù nhiều lần được đề nghị tiếp quản
ngôi chùa nhưng ông đều từ chối và ông lên đường về kinh đô Kyoto, nơi ông sẽ sống phần đời
còn lại của mình.
Kyoto lúc đó là nơi tự do, phóng khoáng nhất Nhật Bản, nơi cho phép sự sáng tạo và nghệ thuật
phát triển. Các nhà văn, nghệ sĩ và học giả rủ nhau đến thành phố, phá vỡ chủ nghĩa bảo thủ còn
bao vây nhiều nơi ở Nhật Bản. Được bao quanh ba mặt bởi những ngọn đồi phủ đầy cây xanh rất
đẹp và với dân số khoảng nửa triệu người, Kyoto là một trong những thành phố đẹp nhất trên trái
đất (lúc đó, và cả bây giờ, khi trở thành cố đô Nhật Bản).
Vào thời điểm xã hội Nhật Bản chuyển đổi, Baisaō nổi bật nhờ kỹ năng của mình với tư cách là
một nhà thơ và nhà thư pháp với kiến thức sâu rộng về văn học Trung Quốc, những kỹ năng
được đánh giá cao ở Kyoto. Baisaō được tất cả những người tiếp xúc với ông đánh giá cao vì tâm
hồn rộng rãi, từ bi, dịu dàng và cuộc sống dường như vô tư của ông, như dường từ chối hệ thống
cấp bậc Phật giáo đã được thiết lập. Theo thời gian, ông trở thành một trong những nhân vật nổi
tiếng nhất trong một thành phố đầy những nghệ sĩ và lập dị. Có rất nhiều nhân vật độc đáo ở
Kyoto vào thời điểm này đến nỗi vào năm 1788, một cuốn sách đã được xuất bản, “Eccentric
Figures of Recent Times” (Những dị nhân của thời đại gần đây), trong đó Baisaō đóng một vai
trò nổi bật.
Ở tuổi sáu mươi, Baisaō mở một cửa hàng nhỏ hoặc có lẽ chỉ là một quầy hàng (ông gọi nó là
“ngôi nhà ốc sên”) trên một cây cầu đông đúc bắc qua sông Kamo của Kyoto. Vào thời điểm đó,
những người bán trà lưu động thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội và bán loại trà bột kém chất
lượng. Tuy nhiên, Baisaō đã giới thiệu sencha, một loại trà lá rời được đun trong nồi và được coi
là loại trà cao cấp hơn nhiều; một loại trà mà chỉ cần “một ngụm, bạn sẽ vĩnh viễn thức dậy khỏi
giấc ngủ trần tục.” Ngày nay chúng ta gọi loại trà này là trà xanh Nhật Bản. Trên thực tế, Baisaō
không thực sự bán trà của mình mà chỉ nhận tiền quyên góp, nguyên tắc là miễn phí, nói rằng

“Giá của loại trà này là từ một trăm đồng vàng đến nửa xu. Nếu bạn muốn uống miễn phí cũng
không sao. Tôi chỉ tiếc là tôi không thể để bạn có nó với giá rẻ hơn.” Sau đó, Baisaō từ bỏ ‘cửa
hàng’ nhỏ của mình và đi lang thang ở Kyoto và những ngọn đồi xung quanh, mang theo dụng
cụ pha trà trên một chiếc sào tre và lập nghiệp ở bất cứ nơi nào có phong cảnh thu hút ông.
Những năm cuối đời của Baisaō đầy khó khăn khi tuổi già và bệnh tật ập đến. Mùa đông lạnh giá
ở Kyoto tỏ ra đặc biệt khó khăn đối với một ông già ít tiền. Đói và lạnh là bạn đồng hành. Mặc
dù ông được công nhận là một thiền sư nổi tiếng, nhưng chỉ trong những năm cuối đời ông mới
nhận một số ít đệ tử. Trong suốt cuộc đời dài của mình, ông vẫn tiếp tục làm thơ và sáng tạo ra
những tác phẩm thư pháp được đánh giá cao. Ngay trước khi ông qua đời ở tuổi tám mươi tám,
bạn bè ông đã tặng ông một tuyển tập các tác phẩm in của ông, Baisaō Gego (“Những câu thơ và
văn xuôi của người bán trà già”), khẳng định tầm quan trọng của ông trong đời sống văn hóa của
Kyoto thế kỷ 17-18.
Ông đã sống lang thang trên những hư vỡ của đời. Gánh trà, vừa bán, vừa tặng. Viết thư pháp để
tặng người hữu duyên. Làm thơ khi vào giữa cuộc đời xôn xao để hoằng pháp. Trong cái hư vỡ
của vô thường, không thấy gì để mong cầu, không thấy gì để chấp trước. Thiền sư đã lấy vàng
của chánh pháp để vá những mảnh gốm hư vỡ của thân tâm chúng sinh.
Nơi đây. xin trích từ mấy dòng thơ của Baisaō:
…Đừng nghĩ tôi là một ông già
với tình yêu say đắm dành cho trà.
Mục đích của tôi là đánh thức bạn
ra khỏi giấc ngủ trần gian của bạn.
Và cũng từ mấy dòng thơ khác, cũng của ông già bán trà, người đã lấy vàng của chánh pháp để
vá những mảnh đời hư vỡ ở Kyoto:
… tuyệt đối không còn gì
chỉ còn lại duy nhất
một vầng trăng sáng và lạnh
nơi cửa sổ, lúc nửa đêm
chiếu sáng rực tâm Thiền
trên đường trăng về nhà.
Thiền sư Baisaō qua một đời sống dị thường đã trở thành một hóa thân của nghệ thuật Kintsugi,
tự biến cuộc đời Thiền sư của mình trở thành chất vàng để nối kết những mảnh đời người hư vỡ
vào với đường trăng giải thoát.
Nguyên Giác
---- California, cuối tháng 4/2024.

PHOTO 1:
Đức Phật ngồi trong hư vỡ, vô thường. Hình: Pexels.com.
PHOTO 2:
Đồ gốm hư vỡ, đó là quy luật có sinh, có diệt.
PHOTO 3:
Dùng vàng để vá đồ gốm hư vỡ là truyền thống Nhật Bản.
PHOTO 4:
Thiền sư Baisaō. Hình trái do Ito Jakuchu vẽ. Hình phải do Tanomura Chikuden vẽ.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm