nhưng vì mãi bôn ba bận rộn lo cho cuộc sống của chính gia đình mình và cho người thân còn
lại bên quê nhà, hơn nữa lúc đó còn trẻ và chưa từng làm quen với nghi lễ tụng kinh, nên tôi
hằng ngày chỉ biết thắp nhang lễ Phật.
Đến thập niên 80, đã có vài ngôi chùa Việt tại Melbourne, nhưng vì ngại đến chỗ
đông người, nên tôi không thường đến chùa, chỉ biết cúng Phật ở nhà. Những ngày lễ lớn,
nếu muốn đi thì cũng đợi đến chiều khi chùa vắng người tôi mới đến lễ Phật. Riêng chồng tôi,
anh thích ở nhà cùng vài người bạn, vừa nhâm nhi ly cà phê, uống tách trà nóng vừa bàn luận
về Phật pháp, anh thích nghiên cứu kinh điển và nói chuyện về Phật Pháp rất hay, nên nhà tôi
thường xuyên có bạn bè đến nghe anh nói chuyện. Anh vẫn hằng mong ước khi con cái đã
trưởng thành, vợ chồng tôi sẽ tu tại gia, anh muốn có thời gian để học Phật và viết sách. Một
mong ước thật đơn giản nhưng vẫn không thành vì anh đã ra đi khi mới 45 tuổi.
Sự ra đi đột ngột của anh khiến tôi hụt hẫng. Vì thương anh, ngày đêm tôi miệt mài
tụng kinh để hồi hướng cầu nguyện cho anh được siêu sanh Cực Lạc, như anh hằng mong
muốn, và nhờ vậy mà chính oai lực nhiệm mầu của lời kinh, câu kệ đã xoa dịu nỗi đau trong
tôi, giúp cho tôi có được sự bình thản trong lòng. Và cứ thế tôi đã quen với hai thời kinh sáng
tối trong suốt 6 năm, là thời gian tôi cố thủ không giao tiếp với ai, chỉ biết làm việc và lo cho
con. Khi hai con đã khôn lớn và ổn định, tôi mới có ý định đi chùa làm công quả để thực hiện
lời hứa của mình. Và cơ duyên đã đưa tôi đến TV Quảng Đức, khi chùa làm lễ đặt viên đá
đầu tiên để xây cất Chánh điện.
Những thôi thúc, những nhân duyên đưa tôi gần với đạo, cho đến ngày tôi về TV Quảng Đức,
tôi có cảm giác như về chính ngôi nhà của mình.
Từ đó đến nay ròng rã đã 20 năm, trong suốt thời gian đó, chùa luôn bận rộn với các
công trình xây dựng, với những lễ lạc liên tục xảy ra. Và chính nhờ sự bận rộn đó mà tôi học
biết được nhiều điều. Có những việc tôi chưa từng làm, nhưng khi cần cũng phải cố gắng tìm
cách để làm cho xong, rốt cuộc tôi biết được nhiều thứ, tuy không chuyên môn, nhưng cũng
có thể tạm dùng khi cần thiết. Đó là điều khiến cho tôi vui, quên đi sự nhọc nhằn. Và điều
này không chỉ với cá nhân tôi mà dường như tất cả những ai có tâm thành về chùa làm công
quả, cũng đều như vậy cả.
Trong suốt 20 năm làm công quả tôi nhận thấy một điều: Có lẽ vì chùa ở hải ngoại
thường chỉ có một hai vị Tăng, hay Ni, nên chuyện quán xuyến trong chùa, những khâu
chuẩn bị trong những ngày lễ thường do Phật tử đảm nhận, nhất là khâu nhà bếp mà đa phần
là Phật tử nữ. Từ các Cụ, các chị đến các em, hầu như ai cũng phải vất vả, dành nhiều thời
gian để chung tay lo Phật sự, vun bồi ngôi Tam bảo. Đức tính chịu thương chịu khó của
người phụ nữ Việt Nam đã được thể hiện triệt để vào những lúc đó. Nếu ai đã chứng kiến sự
vất vả của các vị Phật tử công quả, mới thấy thương mà cảm thông bỏ qua cho những sai
phạm xuất phát từ lòng tị hiềm, tranh đua, vốn dĩ là tập khí nhiều đời mà hầu như người phụ
nữ nào cũng có, không nhiều thì ít. Nếu không biết cảm thông bỏ qua cho nhau để phải tạo
nên sự bất hòa, thì tuy có công lo phụ giúp cho chùa nhưng đồng thời cũng đem đến nhiều
phiền não cho chư vị Trụ Trì. Đó là điều đáng tiếc, nếu khắc phục được thì quả là tuyệt vời.
Và hầu như khắp nơi, bất cứ chốn già lam nào cũng mong muốn được như vậy. Bởi thế mà có
nhiều vị Thầy từng nói: “Thầy muốn lập chùa nhưng Thầy sợ lập nhà bếp”.
Một lúc nào đó chợt quan sát, thì dường như bất cứ ai dù hung dữ, đối xử xấu với bạn
đạo như thế nào, nhưng khi quỳ trước đấng Thế Tôn, hoặc khi đối diện với chư Tôn Đức, thì
nơi họ cũng lộ vẻ cung kính với nét thiện lành. Trong họ cũng đã có chủng tử Phật. Ta hãy
thương và tha thứ cho họ. Hy vọng với những tháng ngày làm công quả, mọi người có đủ
phước tiêu trừ bớt nghiệp chướng, để một ngày nào đó, huệ được phát sanh, nhận thấy cái sai
của mình mà tu sửa, tinh cần tu học, hầu vẹn toàn câu “Phước huệ song tu” để không bỏ công
những tháng ngày lui tới chốn già lam, không phụ ân quý Thầy giáo huấn và chính là không
cô phụ bản thân mình trên con đường tìm giải thoát.
Vạn pháp vốn không, không tự tánh
Cớ gì ta cứ mãi đua tranh
Sắc tài danh lợi đều duyên hợp
Chấp chặt làm chi cái giả danh...
Melbourne, 26/4/2020
Thanh Phi