TÔI HỌC TỨ DIỆU ĐẾ
1.
Chỗ này là công viên nhỏ trong khu dân cư. Có nhiều bãi cỏ xanh trải
dài hơn trăm mét dọc bờ sông. Sáng nay ăn sáng xong chúng tôi ghé qua
dạo nắng như thường lệ.
Có một dãy tấm tole chạy từ sát bờ sông ra phía gần trước đường, ngăn
cách tạm thời giữa hai khu dân cư. Chỗ góc sông này có đám dừa nước
ken dày, lại thêm mấy cây bần cao lớn nên vô tình tạo một góc mát trời
kín đáo đầy ô xy thu hút mấy cái võng di động. Mấy bữa nay tôi thấy có
anh chàng thanh niên mặt mày sáng sủa giăng võng nằm, tay cầm xấp
giấy A 4, chắc là tài liệu học hành gì đây. Có bữa anh ta đi cùng với một
cô gái. Tức là có thêm một cái võng bạn nhưng thường thì tôi thấy cô gái
không nằm võng, mà ngồi trên ghế đá gần bên chăm chăm nhìn điện
thoại. Sáng nay thì chỉ có mình anh chàng, mà trên ghế đá lại có một
người đàn ông ngồi nhâm nhi bên cái chai rượu trắng. Mới đầu tôi tưởng
ông này đi cùng chàng thanh niên. Nhưng không phải vậy. Một hồi sau
tôi vừa đi gần tới thì nghe tiếng chàng trai nói: ‘Nó phá hư cái gan hết.
Em nói thiệt đó, em ở ngành Y mà’. Một khoảng im lặng, lại nghe:
- Nhìn mắt nhìn mặt thì biết, nó vàng vàng hết trơn.
- Mà người ta đi tập thể dục cho nó khỏe, cho nó ra mồ hôi. Ngồi uống
rượu đâu có hay, rượu nó làm xơ cái gan, rồi ung thư gan.
Tôi đi qua đi lại, bước tới rồi bước ngược cho tốt tĩnh mạch chân nên
không nhìn gì, lâu lâu lại nghe cái giọng rổn rảng của anh chàng. Còn
phía người đàn ông thì nhỏ giọng nên tôi không nghe ông ấy trả lời sao.
Chàng ngành Y tiếp tục:
- Phải hông, mình nghèo gì nghèo nhưng phải giàu sức khỏe hen. Hai
thứ quý nhứt là tiền bạc với sức khỏe. Mình không có tiền nhưng mình
phải có sức khỏe, đúng hông? Tập thể dục cho nó ra mồ hôi chớ sáng
sáng ngồi uống rượu vầy không có khỏe đâu. Anh mà bịnh thì có phải
khổ vợ con hông?
Lần này thì tôi nghe giọng người đàn ông rõ hơn:
- Đâu có, làm có bao nhiêu tui đưa bả hết. (Một chút im lặng).
Nghĩ chán quá, đời gì, hồi mình làm có tiền thì một Cường đô la hai
Cường đô la. Chừng giờ hết tiền thì cái mặt mình nó không dòm nữa.
Không thấy ai hết!
Tôi giựt mình. Thì ra mấy bữa nay qua đây tập chúng tôi hay thấy ông
này ngồi nhậu một mình trên ghế đá. Tôi đâu để ý gì, cứ tưởng ổng thích
vậy, tưởng ổng đang hưởng thụ cuộc sống kiểu của ổng. Mình quên, đâu
nhớ đời là bể khổ. Đâu phải chỉ có thấy người bịnh, già, chết mới gọi là
có cảnh khổ thế gian. Người đàn ông này sáng sáng ngồi một mình uống
rượu bên góc công viên tĩnh lặng, tưởng ổng hưởng thụ ai dè ổng đang
đeo mang cảnh khổ da diết thậm thâm. Hãy nghĩ coi, cái khổ của ổng là
ổng đang bất đắc chí, đang mất phương hướng đang chán với hết thảy.
Đối với ổng mọi sự đã hết rồi, ngày nào ‘Còn tiền còn rượu còn đệ tử.
Hết cơm hết rượu hết ông tôi’. Sự tráo trở của con người, sự thay đổi
chóng vánh của hoàn cảnh đó là một khía cạnh của cái khổ mà giáo lý
Phật pháp chỉ ra. Đó là tình trạng khổ của sự chấm dứt, sự thay đổi biến
hoại từ dễ chịu thành khó chịu, từ được thành mất, từ có thành không.
Khổ Đế, sự thật thứ nhứt trong giáo lý Tứ Diệu Đế có ba ý nghĩa. Khía
cạnh khổ thứ nhứt là chỉ tất cả những sự khó chịu của thân và tâm (Khổ
khổ). Khía cạnh thứ hai là sự biến mất các điều kiện làm thân tâm dễ
chịu (Hoại khổ). Loại khổ thứ ba mới là thâm sâu vi tế khó nhận thấy
nhứt gọi là Hành khổ. Để hiểu cái khổ thứ ba này ta cần phải hiểu một
chút ít nhứt về lý vô thường. Vô thường là không có gì, không có bất cứ
sự vật hiện tượng nào tồn tại quá một sát na. Tức là mọi thứ luôn luôn
trôi chảy, chảy trôi không ngừng. Suốt ngày đêm, tâm ta không ngừng
thay đổi quanh các cảm xúc cảm thọ. Thân ta cũng thay đổi không
ngừng để nó đi từ sanh tới tử (em bé, rồi lớn thành thiếu niên, thanh
niên, trung niên, già, chết). Mọi sự mọi vật đều sanh sanh diệt diệt mãi
theo một dòng chảy, một sự thúc đẩy mà không ai và không thể nào có
thể dừng lại được, trừ phi đó là bậc giác ngộ. Tình trạng bị thúc đẩy diễn
biến theo dòng sanh diệt mãi đó chính là cái khổ sâu đậm nhứt của
chúng sanh. Nghĩa là con người mình dù cho gọi là có phước, dù có
đang thấy sung sướng đầy đủ thế nào thì rồi cũng phải đến lúc tình trạng
đó hết hoặc thay đổi đi, không sớm thì muộn, vì trên đời này không có
bất cứ thứ gì nó tồn tại mãi. Vô thường là hễ nó có thì nó mất. Có và mất
giống như hai mặt của một bàn tay. Nó luôn vận động từ cái có đến cái
mất rồi lại từ cái mất đến cái có khác, một dòng chuyển biến không
ngừng, mà điểm nhấn là tình trạng đó bị thúc đẩy phải chảy trôi, chuyển
tiến tiếp diễn liên tục. Nhưng sống trong đời thường chúng ta đâu có ai
chấp nhận sự thật đó. Ta chỉ muốn cái vui, cái khỏe, cái được có còn
hoài. Nhưng khổ thay, không có cái gì còn hoài còn mãi cho nên ta khổ.
Ta đã khổ, đang khổ, và sẽ luôn khổ vì dù ta có muốn bao nhiêu, có làm
bao nhiêu cách thì bản chất cuộc đời nó vẫn vô thường. Nó vẫn không
thèm vận động theo sự mong muốn của ta. Đó là khía cạnh Hành khổ,
cái khổ thâm sâu nhứt trong ba kiểu khổ ở thế gian.
Cả ba tính chất Khổ khổ, Hoại khổ và Hành khổ gọi chung là Khổ Đế –
là sự thật thứ nhứt của Tứ Diệu Đế (Tứ Thánh Đế, Bốn Đế). Tứ Thánh
Đế là bài Pháp đầu tiên Đức Phật đã giảng cho anh em ông Kiều Trần
Như. Suốt 45 năm hoằng Pháp Ngài giảng nói tám vạn bốn ngàn pháp
môn nhưng cốt lõi vẫn là nội dung sự thật Tứ Thánh Đế. Ta học Phật mà
học đúng thì trước tiên phải hiểu được sự thật này, đó là mọi sự ở đời
đều là khổ. Và cái tính chất khổ thì nó bao trùm, vi tế và thâm sâu như
vậy.
2.
Cháu nội tôi sinh ngày 3 tháng 7, rất dễ nhớ vì đã từng có cái phim nổi
tiếng ‘Sinh ngày bốn tháng bảy’, ngày quốc khánh Mỹ. Bây giờ nó được
hơn ba tuổi sống ở Úc mà nói tiếng Việt rất sõi. Hứng chí nó còn biết
nói lái hai ba từ rồi khoái chí cười hì hì.
Hồi tháng 3 năm nay khi vừa được nhập cảnh sau 2 năm liền phong tỏa
vì Covid chúng tôi trở qua Úc. Ở chơi Sydney với cháu một thời gian thì
chúng tôi bay tới Brisbane ở với chú út nó vài tuần trước khi bay trở về
Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, ông bà ngoại cháu cũng từ VN
bay qua Sydney chơi, rồi tất cả chúng tôi gặp nhau ở Sunshine Coast du
lịch một chuyến. Trong có mấy tuần liền nó cứ thấy người lớn xếp soạn
vali, lấy ra cất vào rồi bay tới bay lui đưa đưa đón đón hoài ở sân bay thì
chắc nó cũng lạ lắm. Nên lúc nghe ba nó nói chuyện mua vé để cuối năm
về Việt Nam ăn Tết nó càng lạ nữa. Đã nghe hoài mấy câu N. à vài bữa
nữa ông bà bay đi Brisbane nghe. N. à mấy bữa nữa ông bà ngoại từ Đà
Nẵng bay qua nhà mình nghe. N. à vài bữa nữa cả nhà mình bay lên
Brisbane thăm chú Út nghen. N. ơi vài bữa nữa ông bà nội bay về Sài
Gòn, rồi sau đó ba tháng nữa mình bay về Việt Nam chơi nghe. Nó nhăn
miệng cười cái nụ cười đúng là tươi như hoa hàm tiếu nói: gì kỳ, sao
bay hoài!
Lời trẻ thơ làm tôi giật mình nghĩ ngợi. Mà đúng bây giờ là thời đại toàn
cầu di chuyển. Ngay trong từng phút, trên toàn thế giới có biết bao nhiêu
chuyến đi bằng xe, thuyền, tàu lửa, máy bay, cả luôn đi bộ, xe đạp.
Những chuyến đi xa đi gần. Những chuyến đi trong hăm hở chủ ý sắp
đặt vì vui thích, tiện nghi tiện lợi cũng có, những chuyến đi vì bị bắt
buộc hoặc trốn tránh khổ ải cũng có. Người ta cứ đi, người ta không
ngừng di chuyển và xê dịch. Một dòng chảy vận động, di chuyển khổng
lồ tới lui, lui tới loanh quanh hoài không dứt! So với thời xưa không
gian rộng lớn giờ đã bị thu hẹp. Tầm nhìn và kiến thức đời sống con
người cũng được mở rộng hơn, nếu không nói là vượt bậc. Nhưng mà
rốt cuộc thế giới di động nhiều như vậy thì nhân loại có tốt hơn, con
người được hạnh phúc hơn? Đi nhiều vậy bản thân mình có thỏa mãn,
mình có tỉnh thức và an vui?
Đi nhiều, di chuyển xê dịch nhiều chúng ta được thấy nhiều hơn, nghe
nhiều hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn nhưng dường như đi đâu rồi cũng vậy
thôi, trừ khi chúng ta đừng quên làm giàu đời sống nội tâm mình. Mà để
làm giàu đời sống nội tâm thì kiểu sống di chuyển nay đây mai đó khó
mà làm được. Tâm ta sẽ luôn lăng xăng, lao xao, thất niệm. Bởi bản chất
đời sống ta không gì khác hơn là sự tiếp xúc và phản ứng của các giác
quan với ngoại cảnh. Hàng ngày hàng giờ chúng ta không ngừng nhìn,
nghe, ngửi, nếm, đụng và suy tư. Mà hễ sáu giác quan mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân, ý hoạt động là sinh ra phản ứng liền tiếp theo. Các phản ứng
đó không gì khác hơn là những chuỗi tham thích hay ghét sợ, mà danh từ
Phật học gọi chung là tham sân si. Hễ giác quan có tiếp xúc là ta có ngay
sự ghét sự thích với đối tượng đó. Mà nếu là thích thì có ngay ý muốn
nắm níu, kiếm tìm, rồi bảo vệ, giữ gìn. Còn nếu ghét, không thích thì
liền có ý trốn chạy, chối bỏ, đuổi xô. Quá trình phản ứng đó nói gọn lại
cũng gốc là từ tham ái. Là cách nói khác của tiến trình tạo nghiệp thân,
khẩu, ý. Chinh tam nghiệp dẫn dắt chúng sanh luân hồi sanh tử truyền
đời truyền kiếp.
Cho nên nói cái thích cái ghét phát sinh hàng ngày hàng giờ đó chính là
nội dung Tập Đế – sự thật thứ hai trong Tứ Thánh Đế. Do có Tập Đế
mới có Khổ Đế. Tập Đế là nhân và Khổ Đế là quả. Nói gọn, Tập Đế
chính là dục ái, tham ái. Tập Đế là lòng mong muốn và cả tâm lý ghét
bỏ, chối từ. Sư thầy giảng hễ ở đâu có cái thích thì ở đó có ngay cái ghét.
Có thích mới có ghét, vì ghét là ghét ngược lại cái mình thích. Thí dụ
mình thích lạnh thì tất nhiên sẽ không thích nóng. Thích và ghét như hai
mặt trắng đen của cùng một bàn tay. Đối với tôi đây là cách giảng Tập
Đế dễ hiểu nhứt. Hồi còn nhỏ học lớp 7 – 8 gì đó tôi đi sinh hoạt Gia
Đình Phật Tử ở Cà Mau, tuần nào cũng học Phật Pháp. Mà nghe các
huynh trưởng giảng về Tứ Diệu Đế tôi không hiểu bao nhiêu. Sau này
đọc thêm các sách Thiền cũng không thấm được sao gọi đời là bể khổ.
Có nhiều lúc tôi cũng thấy khổ nhưng đó là cái khổ của cuộc đời, của tha
nhân, còn mình nói chung là ổn mà. Bởi đa phần ai cũng nghĩ có bị đói
lạnh, bị mất tài sản, bị tình phụ hay nghèo khổ, bịnh tật, tai nạn gì đó
mới gọi là khổ, thì cái đó là do nghiệp riêng mỗi người, chớ bản thân
mình nhỏ lớn cuộc sống đều đều phẳng lặng thì có gì đáng gọi là khổ
như người ta đâu. Thực ra nghĩ vậy là do mình chưa hiểu biết Tập Đế là
gì.
Tập Đế phân tích một cách sâu xa thì nó là nguyên nhân tạo nghiệp luân
hồi sanh tử. Nguyên nhân đó là do từ cái thích và cái ghét phát sinh mỗi
mỗi phút giây trong đời sống hàng ngày của mình. Bị thúc đẩy từ tham
ái, từ cái ý muốn, cái chủ ý (tư, tư tác, tâm sở tư) mà ta luôn có phản ứng
tạo nghiệp qua thân, khẩu, ý. Sư thầy giảng, như mình có ý muốn đi con
đường này mình mới bước tới nó. Mình không thích gặp một khuôn mặt
nào đó nên mình tránh đường đó mà đi đường khác. Cũng như không
phải tự dưng mà mình làm cái chuyện này thay vì cái chuyện kia. Có
nghĩa mình luôn luôn hướng tới cái chỗ cái vật cái việc cái người mình
thích và tránh cái chỗ, vật, việc, người mình không thích. Mình luôn
nghĩ, nói và làm theo cái nghiệp định sẵn, tức từ cái quả nghiệp đã có từ
trước. Trên nền những quả nghiệp đó giờ mình tạo tác ra nhân mới và
dẫn tới những quả nghiệp mới. Chính những cái thích cái mong muốn đó
là nguồn dẫn tới mọi điều khổ. Nên sư thầy giảng thích gì cũng là thích
trong cái khổ. Bất cứ sự thích nào cũng là Tập Đế, sự thật thứ hai mà
chư Phật muốn chỉ bày cho chúng sanh thấy hiểu.
3.
Nắng đã lên qua hàng cây anh đào đang mùa xanh lá. Nắng lỗ chỗ lấp
lánh và loáng thoáng rọi xuống mặt đường lát đá gồ ghề men theo sườn
dốc. Một bên là rừng cây cao to tăm tắp. Một bên đường nhấn nhá với
bãi đá rêu xanh và những lùm bụi. Thỉnh thoảng chen thêm vài cây cổ
thụ với lớp vỏ sần sùi đôi chỗ lốm đốm những mảng rêu. Hai nhà sư
dáng chừng còn trẻ đang bước thong thả trên đường. Đâu đây xa vẳng
tiếng chim véo von. Có tiếng suối rì rào. Một làn gió vừa ghé qua làm
cây lá lào xào. Tất cả như một khúc nhạc rừng thú vị. Hai nhà sư vẫn
chậm rãi bước. Họ không nói năng gì với nhau. Dường như thanh âm
rừng vắng đã quá quen thuộc với họ. Bước tới khúc quanh thì một dòng
suối hiện ra. Nước chảy xiết tung bụi trắng xóa giữa dòng chảy nhiều đá
sỏi ngập sâu trơn trợt. Hai nhà sư nhìn thấy một cô gái trẻ đang loay
hoay bên bờ suối tìm cách vượt qua. Bỗng một trong hai vị cất tiếng
thản nhiên “Để tôi giúp cô nào” rồi bế thốc cô gái qua đặt bên kia suối.
Hai nhà sư lẳng lặng tiếp tục con đường của mình, không để ý chi tới cô
gái vẫn còn đang luống cuống chưa kịp nói lời cảm ơn. Rừng thưa vắng,
con đường vẫn yên tĩnh với những thanh âm riêng biệt của rừng. Hai nhà
sư vẫn chầm chậm bước đi trong thinh lặng. Một hồi lâu, chừng như
không thể nhịn được nữa, một người cất tiếng:
- Sao huynh lại làm vậy?
- Là làm gì?
- Mình là người tu hành đâu có được tiếp xúc với phụ nữ. Sao huynh lại
bế cô ta?
Nhà sư kia bình thản nói:
- Không sao, tôi đã để cô ta lại bên bờ suối rồi!
Đó là mẫu chuyện về thiền sư Tanzan, Nhật Bản sống ở cuối thế kỷ 19.
Lần đầu tiên đọc truyện này trong quyển “Góp nhặt cát đá” hồi mấy
chục năm về trước thì tôi đã rất thích. Nó giúp cho tôi thấy phàm tình
như mình cũng có thể hiểu một chút thiền vị. Nó cho mình cảm nhận
chữ ‘buông’ thật là nhẹ như không. Nhà sư làm một hành động bề ngoài
thì thấy có thể phạm giới. Nhưng nếu làm mà lòng không xao động thì
đó thực ra lại chính là giữ giới. Thiền là không chấp chặt vào hình
tướng. Nhà sư kia tuy thân không làm nhưng lòng lại dính mắc, lại áy
náy lo lắng khi thấy sư bạn bế cô gái qua suối. Vị ấy lại đeo mang cô gái
trong tâm tưởng. Vị ấy thất niệm nên bị phiền não suốt một đoạn đường.
Nên tôi đã có thể hiểu, một sát na tâm không dính mắc là sát na giải
thoát. Nhưng một sát na tâm dính mắc thì phiền não lại vây bủa dài lâu.
Nên nói Niết bàn hay giải thoát là ngay ở chính trong tâm mình là
trường hợp này đây.
Sự thật thứ ba trong Tứ Thánh Đế là Diệt Đế. Là tình trạng chấm dứt
khổ. Hết khổ nghĩa là không còn tạo nghiệp sanh tử nữa. Là đối cảnh vô
tâm, trước ngoại trần không phản ứng, không thái độ nắm níu hay chối
từ. Đó cũng chính là Niết bàn.
Nhưng ta vẫn thường nghĩ nếu sống mà không thích không ghét gì hết
thì sống để làm gì? Tuy nhiên có một sự thực mà không phải ai cũng
hiểu. Đó là một phút giây an lạc thực sự có thể làm mát lành thay thế
cho cả một đời lăng xăng với bao hỷ, nộ, ái, ố. Sự thật đó là có thiệt ở
trên đời, gọi là Diệt Đế. Và Đạo Đế là con đường dẫn tới Diệt Đế, chấm
dứt sanh tử, dẫn tới Niết bàn.
4.
Nói nôm na dễ hiểu, Đạo Đế là con đường nhận thức, là hành trình chấm
dứt tam nghiệp.
Tôi được nghe trong một bài Pháp thoại sư thầy Viên Minh giảng:
“Nghiệp là gì? – Nghiệp là diễn biến thể hiện qua nhận thức và hành vi
trong quá trình nhân quả của đời sống mỗi người. Nhiều người đã hiểu
sai về nghiệp thành rắc rối. Thực ra mỗi người đang đi theo, đang vận
hành theo cái nghiệp của mình. Suy nghĩ và hành động như thế nào,
đúng hay sai, thì bản thân người đó lãnh lấy hậu quả đúng sai đó, hay
còn gọi là tự học bài học đó. Cái đó gọi là nhân quả nghiệp báo”.
Tôi hiểu ý đoạn này có nghĩa là mình nghĩ thiện hành động thiện thì dẫn
tới thiện. Nghĩ bất thiện hành động bất thiện thì dẫn tới điều bất thiện
khác. Luật nhân quả tự nhiên là vậy. Và sự vận hành của pháp tự nhiên
là không bao giờ sai. Vì vậy, cái mình cần là điều chỉnh phản ứng và thái
độ của mình thôi. Thí dụ mắt mình nhìn điều gì thấy nổi sân thì mình
biết. Nhìn cái gì thấy ham thấy muốn thì mình biết. Tu là nhận biết, là
thấy rõ cái tâm đang sân đang tham đó của mình. Pháp Phật chỉ rõ cái
tâm mà có khả năng nhận biết đó là chánh niệm. Chánh niệm cũng chính
là tâm thiện. Tâm thiện là phù hợp với quy luật vận hành tự nhiên vũ trụ.
Mà hễ tâm thiện có mặt thì tâm bất thiện biến mất. Vấn đề chính của
người tu Phật là nhận biết ngoại trần, quan sát cái phản ứng tâm mình
trước ngoại trần, quan sát thái độ thương thích hay ghét bỏ của mình đối
với vật với cảnh. Đó cũng là nội dung bước đầu tu tập Tứ Niệm Xứ, là
thực hiện con đường Bát Chánh Đạo, là Đạo Đế. Đạo Đế là nhân dẫn tới
Diệt Đế là quả, là Niết bàn, chấm dứt sanh tử. Hết sanh tử là đồng nghĩa
với hết Khổ Đế.
Với tôi, Tứ Diệu Đế là một giáo trình tâm lý vô cùng khoa học. Khoa
học vì Đức Phật đã chỉ rõ cái khổ nó nằm ở chỗ nào. Nguyên nhân cái
khổ đó là do đâu. Cái khổ đó có thể chấm dứt được không, và làm thế
nào để chấm dứt nó. Do như là một giáo trình tâm lý nên mình phải học
thuộc lòng như thuộc một bài học tâm lý. Trên nền tảng thuộc bài thì
mình mới có thể suy tư, suy gẫm thường xuyên, mới có thể nhận biết mà
thực hành. Bởi chúng ta đã sống trong cái khổ, thích mọi thứ – mà vốn
dĩ cái ‘mọi thứ’ đó bản thân nó luôn là cái khổ, là sẽ dẫn tới cái khổ.
Chúng ta bằng lòng sống trong cái nghiệp khổ sâu dầy cố hữu của mình
lâu đến nỗi khó mà thấy ra được cái sự thật khổ đó. Các sư thầy ví von
như con sâu trên lá, mình có bắt nó bỏ ra ngoài nó vẫn tìm cách bò trở
lại chiếc lá. Như con giòi trong đống phân mình có vít nó ra ngoài chỗ
khô ráo sạch sẽ nó cũng cố tìm đường trở lại đống phân. Cái khổ con
người nó nằm sẵn trong cái nghiệp, trong nhân quả nhiều đời, trong màn
vô minh sâu dầy tận trong tâm khảm. Cho nên học Tứ Diệu Đế cũng
phải như học các bài học khác. Ta phải nắm vững lý thuyết rồi siêng
năng thực hành. Pháp học pháp hành cần phải tiến hành đồng thời mới
có thể mong thoát ra được cái tập khí sanh tử bao đời bao kiếp.
Tứ Thánh Đế là sự thật tuyệt đối, là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Cho dù
Đức Phật có ra đời hay không ra đời, cho dù ở thời Chánh Pháp hay Mạt
Pháp thì sự thật đó nó vẫn vậy. Đức Phật là người chỉ ra chân lý đó cho
chúng ta thấy và hiểu. Còn học theo, có thấy có hiểu rồi có thực hành
hay không là vấn đề của riêng mỗi người chúng ta. Riêng tôi, tôi hiểu
rằng để học và hiểu Tứ Thánh Đế mình cần phải tự nhắc nhở mình
thường xuyên hơn nữa. Vì Pháp Phật thậm thâm vi diệu vậy nhưng cũng
vô cùng tự nhiên. Và Pháp Phật tuy rõ ràng tự nhiên mà cũng vô cùng
thậm thâm vi diệu vậy.
25/11/22
Phan Bê Ca