Một hôm, Đức Phật mở mắt, đứng dậy rời cội bồ đề. Ngài dạo quanh sườn núi. Nắng ấm. Gió nhẹ. Tâm hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài. Cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc.
Trên đường Đức Phật cúi xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp trắng nuột của một khóm hoa rừng. Bất ngờ Ngài nhìn thấy một tấm lưới nhện óng ánh giăng ngang hai nhánh lá. Một con ruồi hốt hoảng, giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi sự trói buộc của những sợi tơ. Đằng sau chiếc lá, một con nhện luôn luôn ngắm nhìn con mồi bằng ánh mắt thỏa mãn và kiêu hãnh.
Lát sau con nhện chậm chạp bò tới. Con ruồi cuống quýt vùng vẫy. Đức Phật nghe nó kêu thảm thiết:
-Lòng từ bi của Ngài để đâu? Trong trái tim hay trong ánh hào quang?
Không suy nghĩ, Đức Phật dùng móng tay cắt một đường ngang tấm lưới, tạo một khoảng cách giữa con nhện và con ruồi. Con nhện giương con mắt đen óng nhìn Đức Phật giận dữ:
-Tại sao Ngài can thiệp vào câu chuyện của tôi?
-Ta không thể đứng nhìn sự chết chóc. Ta thương con vật bé bỏng kia.
-Thế thì ai thương tôi? Mười ngày nay tôi không có một miếng thức ăn. Lòng từ bi của Ngài đã giết tôi. Ngài không biết gì về thế giới sinh tồn cả.
Con nhện kiệt sức, rũ xuống, bất động. Đức Phật khều con ruồi khỏi lưới nhện. Con ruồi bay chấp chới chung quanh Ngài.
-Tạ ơn Ngài đã cứu tôi.
-Nếu không gặp ta thì sao?
-Tôi sẽ là thức ăn của con nhện.
-Ta đã cứu ngươi thì sao?
Con ruồi cười vang:
-Con nhện là thức ăn nuôi sống tôi.
Con ruồi bám ngay vào xác con nhện bắt đầu thối rữa dưới ánh nắng. Đức Phật đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài, thấy con đường còn rất xa. Ngài ngồi dưới gốc bồ đề và tiếp tục nhắm mắt.
Với 402 chữ, chưa đầy một trang giấy, với một ngôn từ bình dị, rõ ràng, một cấu trúc súc tích, một cách hành văn lôi cuốn, tác giả đã khéo dẫn tôi vào thế giới của một Đức Phật sắp-thành.
Trong câu chuyên, có ba nhân vật:
- Đức Phật, Nhện và Ruồi.
Vai chánh: Đức Phật. Cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc." “Có lẽ” tức là còn có một cái gì đó: nhập nhằng, không chắc chắn. "Sắp kết thúc", tức chưa kết thúc; Ngài chưa hoàn toàn giác ngộ. Ngài chưa chứng quả Phật; dù rằng,"Tâm hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài" “36 tướng tốt của Phật không là Phật”; áo tràng, đầu trọc không có nghĩa là chân tu, đắc đạo.- Nhện và Ruồi là duyên cho cái gút của bi kịch thử thách hạnh từ bi của Đức Phật.
Ruồi khích tướng."Không suy nghĩ", Đức Phật bị vào tròng: cứu Ruồi, hại Nhện.- Và Ngài giác ngộ: "con đường còn rất xa". "Ngài đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài".
Con đường của Đức Phật trong chuyện nầy là một vòng kín: Khởi điểm, Đức Phật như vừa xong một thời tọa thiền, tịnh tâm, dưới cây bồ đề: Ngài mở mắt,đứng dậy rời cội bồ đề. Tâm thức thư thái. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu. Nhưng cuối cùng, nhận thấy con đường còn xa, ngài lắc đầu quay về chốn cũ, tiếp tục nhắm mắt, định tâm.
Ngài còn dính mắc:
- ở hai chữ từ bi,
- ở lời khích tướng của con Ruồi,
- ở lời trách cứ của Nhện
- ở cảm giác bất lực trước cảnh cá ăn kiến, kiến ăn cá....
- ở nghi thức hay phương thức sám hối, tịnh tâm, tọa thiền.
Thế nên, câu chuyện rất là người, rất gần chúng ta. Vì tâm lành mà hại người; vì những cái bất ngờ, bất trắc, không lường trước được—bây giờ và ở ngay đây— lúc nào cũng có thể xảy ra, mà tạo nghiệp... Nói chung, một Đức Phật chưa thành, hay đang thành, mà khéo viết, khéo mô tả, như trong bài nầy, dễ đi vào lòng người, và vào thật sâu.
Nhà Chùa thường dạy: “Mỗi người chúng ta đều có Phật tính. Chúng ta là một Đức Phật đang thành.” Có sư còn thêm: “Tu mau kẻo trễ.”
Tóm lại, một Đức Phật, tu không rõ bao nhiêu kiếp và cuộc hành trình chứng ngộ tưởng như sắp kết thúc. Thế mà vừa bước ra khỏi bồ đoàn, đã vấp ngay trọng tội Sát sanh. Vì Từ-Bi-Hạnh khởi, mà làm nhện chết...