Cuộc sống bao giờ cũng có những đổi thay. Có những đổi thay xoay chậm và từ tốn theo thời gian như bốn mùa, và cũng có những biến đổi nhanh đến bất ngờ.
Life changes fast.
Life changes in the instant.
The ordinary instant.
You sit down to dinner and life as you know it ends.
Cuộc sống đổi thật nhanh.
Cuộc sống thay đổi trong phút chốc
Trong một giây lát bình thường.
Ta ngồi xuống buổi ăn chiều
và cuộc sống mà ta vẫn thường biết, chấm dứt.
Bà Joan Didion viết những dòng ấy trong nhật ký của mình. Vào một chiều mùa đông, sau khi hai vợ chồng bà vừa mới trở về từ nhà thương thăm đứa con gái đang bị hôn mê. Hai người đang sửa soạn cho buổi ăn chiều. Lúc ấy, chồng bà bất ngờ bị một cơn động tim dữ dội, và ông qua đời trên đường chở vào bệnh viện. Trong một giây lát bình thường, cuộc đời của bà đã hoàn toàn thay đổi.
Bà viết, "Cuộc sống đổi thay trong phút chốc, trong một giây lát bình thường. Nhưng tôi nghĩ có lẽ mình không cần thêm vào hai chữ 'bình thường' vì nó không cần thiết. Cuộc sống tự nhiên là như vậy. Khi đối diện trước một tai nạn lớn nào đó bất ngờ xảy ra, chúng ta bao giờ cũng chỉ nhớ đến những sự việc 'bình thường', không có gì là đặc biệt, trước khi biến cố ấy xảy ra: bầu trời trong xanh khi chiếc máy bay rơi, con đường quen thuộc khi chiếc xe bị tai nạn, chiếc xích đu vẫn thường ngày khi đứa bé bị ngã... Ngay cả trong bài tường trình của Uỷ Ban Điều Tra 9/11 cũng diễn tả với những chi tiết bình thường này 'Thứ ba, ngày 11 tháng 9, 2001. Một buổi sáng ôn hoà, gần như không chút mây trên bầu trời miền Đông Hoa kỳ.' Tất cả đều là một ngày rất bình thường..."
Nhưng thật ra, cuộc sống có gì là bình thường chăng.
Bình thường nhưng không tầm thường
Ngày mưa trên mái hiên, nắng trưa qua con phố nhỏ, áng mây trôi trong tách cà phê buổi sáng, những chiếc lá bay rộn rả trên con đường lộng gió buổi chiều này... chúng tuy bình thường, nhưng có bao giờ là tầm thường đâu bạn hả!
Ông William Carlos Williams có viết một bài thơ,
I have had my dream - like others -
and it has come to nothing, so that
I remain now carelessly
with feet planted on the ground
and look up at the sky -
feeling my clothes about me,
the weight of my body in my shoes,
the rim of my hat, air passing in and out
at my nose - and decide to dream no more.
Tôi cũng có những ước mơ - như mọi người -
và chúng không trở thành gì cả, vì thế
Tôi bây giờ chỉ thong dong thôi
với bàn chân vững vàng đặt trên đất
và ngước nhìn bầu trời -
cảm xúc quần áo trên người
sức nặng của thân trong đôi giày
vành nón, không khí ra vào
nơi mũi - và tôi quyết định không mơ tưởng nữa.
Bạn thử đoán xem tựa của bài thơ ấy là gì? Có người đoán là "Một giấc mơ", có người nói là "Chánh niệm", "Sống trong hiện tại", hoặc là "Sẽ không còn mơ mộng nữa"... Bạn nghĩ sao? Tựa của bài thơ ấy là Thursday. Thật đơn giản và bình dị, Thứ Năm. Ông Williams có được tuệ giác trong bài thơ ấy trong lúc đi dạo vào một ngày thứ năm bình thường.
Trong một ngày bình thường, không có gì đặc biệt, tác giả trở về với thực tại, tiếp xúc với mỗi bước chân và những cảm giác đang có mặt, và ông quyết định sẽ buông bỏ hết những muộn phiền, suy tư của mình. Ngày thứ năm hôm ấy của ông có lẽ cũng giống như một ngày bình thường hôm nay của bạn và tôi.
Thiền tập không phải để thay đổi trạng thái
Mà dường như chúng ta ai cũng ưa thích tìm kiếm những gì là “phi thường” bạn hả. Như trên con đường tu học, chúng ta cũng thường mong tìm đạt những gì có thể giúp ta thay đổi được cái trạng thái “bình thường” của mình, như là mang lại cho mình một trạng thái an vui hay siêu việt nào đó chẳng hạn.
Trong những ngày thiền tập tôi thường nghe người ta đặt câu hỏi rằng, trong lúc ngồi thiền chúng ta có thể chọn một hình ảnh đẹp, hay âm thanh êm dịu nào đó, để giúp mang lại cho mình một cảm giác thư giản và an tĩnh không?
Ví dụ như là ta tưởng đến một bờ biển với tiếng sóng vỗ rì rào, hay nhìn một đóa hoa đẹp dưới nắng sớm chẳng hạn... Tôi có một người bạn thường thích ngồi thiền trước một khung cửa sổ lớn để được nhìn ra bên ngoài, một không gian thênh thang.
Những kinh nghiệm ấy chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, an tĩnh, tươi mát trong lúc ngồi, nhưng đó có phải là thiền tập không ?
Thật ra trong khi ngồi thiền ta chỉ cần thật sự ngồi nơi chỗ mình đang ngồi, và có mặt với bất cứ những cảm giác nào đang có trong ta. Trong thiền tập ta không nghĩ tưởng về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào, mà chỉ cần biết cảm nhận và thấy ra được những gì đang có mặt. Đó có thể là những cảm giác an vui, dễ chịu, và cũng có thể là những cái đau hay sự khó chịu trong thân tâm.
Có vị thiền sư dạy chúng ta trong khi tiếp xúc với những gì đang xảy ra, đừng nên theo bài bản phương pháp quá, mà hãy để tất cả có mặt trong điều kiện tự nhiên. Và khi cái thấy của mình đã được tự nhiên rồi, thì lúc đó chỉ có cái tâm trong sáng, định tĩnh mà thôi, còn đối tượng là gì, hay trạng thái nào, cũng không quan trọng.
Mà nếu như ta có khả năng yên được với chính mình ở nơi này, thì khi ngồi bên bờ biển, hoặc bên tách cà phê nóng, hay với ánh trăng bên cửa sổ, ta mới có thể thật sự tiếp xúc được với tất cả. Còn nếu không thì ta cũng sẽ vẫn lại chỉ mơ tưởng về một tách cà phê hay một ánh trăng xa xôi, hoặc một nơi chốn xa vời nào khác mà thôi…
Tôi thấy ngày nay chúng ta cũng thường muốn sáng tạo thêm những phương tiện mới, để giúp cho con đường tu học của mình được dễ dàng và có nhiều hiệu quả hơn. Nhưng đôi khi những sự tạo tác ấy lại có thể vô tình làm mình tách rời xa thực tại tự nhiên.
Ông Trang Tử nói, người ta thường vì chỉ nghĩ tới cái ích lợi mà quên đi cái tâm bình thường trong sáng của mình. Ông gọi cái tâm tính toán, tạo tác ấy là cơ tâm, một lòng máy móc.
Thầy Tử Cống đi qua đất Hán Âm thấy một Ông lão làm vườn đang xuống giếng gánh từng thùng nước, đem lên tưới rau.
Tử Cống nói: Kia có cái máy một ngày tưới được hàng trăm khu đất, sức dùng ít mà công hiệu nhiều. Cái máy ấy đàng sau nặng, đàng trước nhẹ, đem nước lên rất dễ, và tên gọi là "máy lấy nước”.
Ông lão nói: Lão nghe thầy lão nói rằng hễ dùng cơ giới thì tất có cơ tâm (lòng máy móc), có cơ tâm thì không còn sự trong trắng nữa nên tâm thần không yên ổn, tâm thần không yên ổn thì Đạo sẽ lánh xa, không che chở mình nữa. Lão không phải không biết cái lợi, nhưng hể có cơ giới tức có cơ sự, kẻ có cơ sự tức có cơ tâm. Lão đây có phải không biết ích lợi ấy đâu, chỉ nghĩ xấu hổ mà không muốn dùng vậy.
Nhưng không phải ông Trang Tử khuyên chúng ta đừng nên sử dụng đến cơ giới đâu bạn. Tôi nghĩ ông chỉ muốn nhắc nhở chúng ta nên thận trọng, vì những sự khôn khéo và tạo tác của mình dễ làm phát triển một cơ tâm, rồi đánh mất đi sự an ổn tự nhiên sẵn có trong ta.
Có lẽ vì vậy mà các thầy tổ thường khuyên chúng ta hãy nên lấy cái tâm bình thường mà học đạo bạn hả? Chúng ta đâu cần đi tìm cầu những trạng thái phi thường, hoặc một pháp môn cao xa nào, mà đánh mất đi sự sống nhiệm mầu đang có mặt ngay trong mỗi khoảnh khắc bình thường và ngắn ngủi này. Hãy tiếp xúc với tất cả bằng một cái thấy tự nhiên và trong sáng.
Có lần thiền sư Basho đi một mình trên con đường quê nhỏ vào một buổi sáng mờ sương. Có lẽ trời đang mưa phùn, những hạt mưa bụi nhẹ bay như sáng hôm nay. Trên đường đi, ông nhìn thấy có một cái gì đó là lạ nơi hàng giậu cũ kỹ đổ nát bên đường, ông bước lại gần và thấy một cành hoa nazuna trắng đang nở. Và trong giây phút ấy, ông bỗng chợt thấy mình trở thành là một với hiện hữu.
Ta nhìn sâu xa
Bên hàng giậu nở
cành Nazuna
(Nhật Chiêu dịch)
lắm khi trong cuộc sống ta lại chứng nghiệm được sự mầu nhiệm, và thấy ra lẽ đạo, ở những gì mà mình cho là rất tầm thường...
Nguyễn Duy Nhiên