Lắng nghe tiếng nói trong tâm
Lắng nghe tiếng nói cõi lòng tha nhân.
Lắng nghe cũng được xem là một hành vi, tất cả mọi vật trong cuộc sống đều luôn biến chuyển. Ngay cả tâm chúng ta cũng vậy, cũng thay đổi theo từng sát na sanh diệt, có khi thay đổi theo tư tưởng và cảm xúc, vận hành theo tâm và theo hoàn cảnh. Chính vì vậy chúng ta không nhận ra sự thay đổi tâm đang muốn gì và cần gì. Nhưng đôi khi thử lắng lòng thật sâu, dừng tâm lại một chỗ thì ta sẽ thấy sự di chuyển của mỗi thứ trong sự sống xung quanh vẫn tồn tại.
Với cái nhìn thấu đáo, sự quan sát tinh tế và cảm nhận sâu sắc. Ta sẽ thấy cuộc sống là một bức tranh đầy màu sắc, là một trang giấy thú vị nếu ta biết lắng nghe. Mặc dù vẫn biết nghiệp lực mang cho ta xác thân tứ đại này. Nhưng vẫn cảm ơn nghiệp lực đã ban cho mỗi người, một đôi tai để nghe hết những âm thanh của cuôc sống. Nhưng nghe không cũng chưa đủ mà phải lắng lòng lại để hiểu và thương thì lúc đó chúng ta mới nhận diện được những âm thanh lọt vào tai. Dưới cái nắng oi bức của trưa hè, tiếng mẹ ru cùng với tiếng võng kẽo kẹt trong mái tranh quê, ngoài kia gió đu đưa bên cửa sổ. Tiếng thở dài của Mẹ những đêm suy tư lo lắng. Lời Mẹ kể chuyện trong những đêm mưa, giọng Cha la rầy khi con lầm lỗi, tiếng la hét inh ỏi của đám trẻ con trong xóm buổi xế chiều. Thèm được sống lại những ký ức trẻ thơ của ngày ấy. Tất cả những gì đã qua thì không bao giờ quay trở lại. Nhưng cũng đừng hối tiếc vì trong cuộc sống hiện tại vẫn có những âm thanh cảm xúc và thú vị. Tiếng xe cứu thương, cứu hoả làm lắng dịu bầu không khí ồn ào, náo nhiệt của thành phố tất cả đều cảm nhận một sinh linh đang thuận theo thế vô thường. Không phải ban ngày mới có âm thanh mà đêm xuống, khi tất cả mỗi thứ đã ngủ yên thì đâu đó có tiếng con trùng rộn rãi. Thương cho những sinh linh bé nhỏ sống trong đêm dài tăm tối. Hãy lắng lòng nghe tiếng kinh cầu nguyện của đại chúng, tiếng chuông chùa ngân nga trong đêm, để nghe thấy những tiếng pháp vi diệu và biết rằng ta đang rất hạnh phúc.
Trong cuộc sống của mỗi chúng ta có rất nhiều mối quan hệ, vì thế mỗi người phải biết lắng nghe. Cuộc sống, thành công hay thất bại là nhờ vào phẩm chất lắng nghe của mình, có chánh niệm hay không. Lắng nghe có thể để giúp người khác vơi bớt khổ đau, nhưng thực ra mình đang làm vơi bớt khổ đau của chính mình. Chúng ta có khổ đau mới hiểu được khổ đau của người khác. Lắng nghe là một nghệ thuật sống để mỗi người gần nhau hơn, và trở thành một nơi đáng tin cậy cho người khác. Tuy vậy không phải lắng nghe là đồng tình với im lặng, không đem nỗi buồn của người thành nỗi buồn của mình, lắng nghe để hiểu thông cảm, chia sẻ giúp người có thêm nghị lực, bớt sợ hãi, tin thần mạnh mẽ hơn tiến lên trong cuộc sống. Như vậy lắng nghe cũng gắn liền với hạnh bố thí thứ ba trong ba hạnh bố thí. Đó là vô uý thí (thí cho sợ bớt sợ hãi và trở nên mạnh mẽ).
Lắng nghe để thấy những cơn giận ồ ạt trong ta lắng xuống, như mặt trời lên cao rồi lặn. An bình sẽ trở lại! Lắng nghe cũng là cách để học hỏi, tăng trưởng thêm kiến thức. Nghe được những âm thanh là bình thường, hơn thế nữa ta phải nghe được những thứ không có âm thanh. Nhưng phải thực tập quán chiếu cho thật sâu sắc. Như đang lắng nghe hoa nở để thấy được nụ cười và nghe được lời chào của nó. Ta thấy nhựa sống tràn đầy và đời sẽ thêm tươi. Lắng nghe tiếng thở vào, thở ra của chính mình, đang nghĩ và nhớ gì, cảm nhận dòng máu chảy đều đều vào tim dường như đang mách bảo. Ta nên làm theo nó bảo không, hay dạy bảo nó những gì lý trí mình nói. Thực hành hạnh lắng nghe sẽ thành tựu được thân nghiệp, ý nghiệp và khẩu nghiệp. Lời nói của người khác không làm ta sợ hãi, cả bên trong lẫn bên ngoài thì thành tựu được hạnh vô uý. Tâm không bị xao động bởi tiếng khen lời chê, thì thành tựu được thiền định ba la mật. Nhìn thấy, thấu rõ chơn vọng của cuộc sống, tác nhân, tác duyên của vấn đề và nhân quả, nghiệp báo của vấn đề thì thành tựu được trí tuệ ba la mật . Từ đây con xin học hạnh lắng nghe và thực hành hạnh lắng nghe. Con xin nguyện được nghe những âm thanh của vi diệu pháp, để bồ đề tâm thêm tăng trưởng, trí tuệ thêm sâu.
Con xin nguyện được nghe những âm thanh đau khổ của người khác, của chính mình và những âm thanh làm cho mình đau khổ để dần chuyển hoá tự độ và độ tha. Con xin nguyện được nghe những âm thanh vui vẻ hạnh phúc của người khác, của chính mình để biết rằng ta và người đang hạnh phúc và sống trong hạnh phúc. Con xin nguyện được nghe những âm thanh của sự cực khổ nhọc nhằn của buồn đau, để biết rằng mình còn hạnh phúc, an vui hơn người, và mong cầu cho người bớt khổ an vui như mình. Con xin nguyện được nghe những tiếng cười hạnh phúc, tiếng thở bình yên của cuộc sống. Để biết rằng ta đang hạnh phúc và sống bình yên với tất cả mỗi người. Thực tập hãy quán chiếu thật sâu sắc, thì sẽ linh hoạt trong mỗi tình huấn của cuộc sống như bồ tát Quan thế Âm linh hoạt độ đời. Những hoá thân của Ngài đã để lại những tấm gương cho đời noi theo. Bồ tát Quan Âm Diệu Thiện chữa bệnh cứu cha, bồ tát Quan âm thị Kính nhẫn nhục cho đến hết cuộc đời vẫn không có lời nào oán trách. Ngài Địa Tạng cứu đời không biết bao nhiêu mà kể, nhưng các Ngài có bao giờ kể rằng, tôi là người cứu giúp chúng sanh. Cứu đời không phải là một sự ban phước mà do nhân duyên đầy đủ, mình có nhiệm vụ và xem đây là một trách nhiệm phải làm. Ngài Tiêu Diện Nhiên Vương cũng do Ngài Quan thế Âm bồ tát thị hiện, để nhiếp phục hàng đầu trâu mặt ngựa, binh ma hướng chúng hành thiện vv… Con xin nguyện được noi gương các Ngài để sống vững bước trên bước đường tìm cầu chân lý giác ngộ và giải thoát đến Niết Bàn.