Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Tập di cảo của Bùi Giáng nhan đề “Thơ vô tận vui”, trang đầu tập thơ có mấy câu : 

“Trước khi tôi chết

Cho gởi chút đá vàng

Của trăm năm buồn tủi …”

Lạ nhỉ? Lòng buồn đến trăm năm mà thơ thì vui vô tận!? Thật ra cũng không khó hiểu. Đó chính là do mâu thuẫn nội tại của con người, có điều chưa diễn đạt được thành thơ. Nói lẩy Kiều: "Bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm" để mô tả tất cả mọi trường hợp trong cõi nhân sinh ở đời này .

Comme la médaille a son revers, thực thể tương phản của thi sĩ Bùi cũng chỉ là một dạng trong phạm trù triết lý: "To be or not to be" mà thôi. Phân tích cặn kẽ cũng không bao giờ rốt nghĩa, chỉ tổ thêm nhức đầu, chi bằng nói như Nguyễn Tuân "Đời vui quá không sao buồn được" cho mấy thằng già theo đó mà cười khà khà để tiêu khiển cho qua năm cùng tháng tận của đời mình .

Ở xứ Mỹ này hiếm thấy người ta mở miệng cười . ( Nhân thế hãn phùng khai khẩu tiếu ...) . Người Mỹ sau những trận đánh ác liệt với người da đỏ , rồi lập quốc chọn con chim ó mỏ quặm làm quốc uy thì làm sao dân Mỹ có thế cười được . Cái nước Mỹ nầy được xem nhiều tiền lắm của , nhưng cũng là nơi mà phải làm việc tất bật , mãi mê đi tìm hạnh phúc mà suốt đời chỉ thấy ở cuối đường hầm mơ ước (Ở Việt Nam hiện nay cũng thế - mức độ bon chen càng ngày càng thêm ác liệt). Thế nên có nhiều người muốn lên núi để tìm một cuộc sống thanh thản như thuở xưa - sáng sớm say sưa nhìn một tia nắng đẹp như nhấp một chén trà thơm , ban trưa nghỉ một chút an lành như tới miền lạc thú , buổi tối sống hoà với đêm đen như nghe lời hát ngọt ngào của tạo vật ...

Alain Watts trong Become What You Are thì hình ảnh một người có tiền nhưng vẫn nghèo là vì không cảm thấy thoải mái với người chung quanh . Xã hội Mỹ càng ngày càng giàu có , nhưng niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày một nghèo thêm .. Mình là người xa lạ với chính mình ( Albert Camus ) và tha nhân là địa ngục ( J.P. Sartre ) . Ðúng y như vậy , không triết lý chút nào hết. 

Kinh Cựu Ước có viết :" Cho mọi sinh hoạt dưới vòm trời nầy , mọi thứ đều có cái mùa , cái thời của nó : Thời để sinh ra và Thời để chết . Thời để trồng và Thời để nhổ , Thời để giết và Thời để chữa lành .Thời để khóc và Thời để cười . Thời quẳng đá đi và Thời nhặt đá về ..." Cái gì cũng có chu kỳ của nó , thuận mệnh trời và thuận lòng người thì mới an bình được . Kinh Dịch là cái chìa khóa của bí mật thời mệnh . Ai biết đuợc nó thì sẽ hiểu được mệnh trời . Bậc hiền triết như Khổng Phu Tử trước khi qua đời cũng phải than rằng, không còn sống được lâu hơn để học hỏi bí ẩn trong Kinh Dịch . 

Thời gian thì trôi quá nhanh , mới ngày nào đây còn khoẻ như voi , nhưng nay thì không còn sức để than vãn nữa .Sức khoẻ sụp xuống nhanh chóng y hệt như chiếc xe hơi cũ , tưởng rằng xe tuy cũ nhưng vẫn chạy rất tốt , nhưng khi nó bắt đầu trở chứng thì chỉ còn có cách là bán cho lạt son . Từ Aristote đến Einstein đều cho thời gian chỉ là ảo giác. Nhưng ảo giác sao được khi nhìn lại thằng con, mới hôm nào còn bế trên tay , lúc bước lên phi cơ qua Mỹ nó khóc nhuề nhuệ mà nay thì nó nói tiếng Mỹ như gió , cao lớn gấp đôi tía nó, trông nó cứ tưởng là Mỹ chánh hiệu con nai . Ôi thời gian , ta không đuổi theo kịp ngươi , hãy chậm lại chờ ta . O! temps suspends ton vol !

Và đời sống cũng thế , không có một giây phút tĩnh lặng để thư giản , để cho tâm hồn và thân xác được nghỉ ngơi . Trong ta chỉ còn lại những bận rộn mưu sinh quần quật suốt ngày tháng . Cuộc sống nầy giống như Sisyphe bị Zeus trừng phạt lăn hòn đá từ dưới biển lên núi và khi lên tới đỉnh hòn đá lại lăn xuống và hắn phải chạy xuống đẩy lên .Và cứ thế không ngừng nghỉ , vĩnh viễn và mãi mãi ... Nếu không có một suy nghĩ nào về giá trị của cuộc đời nầy , về hạnh phúc của hiện tại thì chắc không ai chịu nổi cái bản án chung thân nầy .

Trở về xứ Mỹ .Trong cái xã hội với nền văn minh kỹ thuật tân tiến nầy càng làm cho người ta bận rộn, bất an . Nổi lo sợ bệnh tật do mấy lời khuyến cáo của bác sỉ , đi thử nghiệm hết gan đến phổi , hết tim đến phèo ... Rồi các hãng bảo hiểm gửi cho mình không biết bao nhiêu là cái bill càng đọc như đi vào một khu rừng chưa khai phá ... Trong thời đại công nghiệp hiện nay , người nào cũng ngỗn ngang công việc , việc mình , việc nhà , việc công sở, việc ngoài đường , việc thật , việc chơi , việc của lão trượng tiên bữu ...Nhiều việc ngỗn ngang quá nên người ta sinh ra trù trừ , nhiều khi phải để nó ra ngoài trí nhớ . Trong cuộc sống hàng ngày số lượng công việc mới nhiều hơn số việc mà ta thanh toán được .Ðến mức có người còn phải nói :"Hồi ở VN sao mà khoẻ thế ?" Cuối cùng người ta phải lo nhiều quá và trở thành stressfull , depressed... nên trở thành lười và có một trùng hợp lạ kỳ vô cùng giống nhau giữa VN và Mỹ đó là căn bệnh thư thả, tà tà. Có việc mà không làm ngay , làm việc mà không có năng suất thì trong thời buổi cạnh tranh ngày nay từ làng cho đến xã rồi lên đến thành phố ,cạnh tranh ngay từ trong lớp học cho đến kiếm việc làm , việc lập gia đình ( không tranh thủ chiếm người đẹp trước là thằng khác nhảy vô cuỗm ngay )... cứ tà tà nằm dài trước TV xem phim bộ Ðại Hàn hay dán mình trước internet xem chuyện sex thì còn làm nên cơm cháo gì được nữa .

Chuyện ở Mỹ là thế ...Càng ngày người ta càng lo nhiều hơn nên càng lười nhiều hơn rồi càng mập nhiều hơn và càng bị stress nhiều hơn và chết vì bị stroke nhiều hơn . Có nhiều ông bạn già của tôi tuy già nhưng trái tim vẫn còn rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên, da thịt còn cảm giác được hơi ấm của đôi vòng tay người khác phái dù người đó nhỏ hơn mình rất nhiều ... Dans la grâce , le corps apparait comme un psychique en situation ...L'acte gracieux , en tant qu ' il révèle le corps...lui fournit à chaque instant sa justification d'exister . ( J. P. Sartre ).

Ðấy là sách lược của các lão .

"Thưa em tóc đã hai màu 

Cái răng cũng rụng làm đau nụ cười

Nhìn quanh tuổi quá bảy mươi

Se se râu bạc cọng đời lung lay 

Ðưa bàn tay nắm bàn tay 

Thấy đâu chỉ số còn dài cuộc chơi ."

Sống trăm năm ? Chuyện nhỏ .

Sách kỷ lục Guinness đã hài tên một lố tên những cụ sống trên trăm Nhưng Guinness lơ đảng chưa chịu tìm tới VN để gặp nhiều cụ sống trên trăm tuổi .Cụ Giản Chi thọ 102 tuổi .

Thuở nhỏ đã làm thơ :

Gió đông mơ dáng hoa đào

Trà Phương Bối đậm nhớ Sao Trên Rừng 

Buổi tứ tuần làm thơ:

Dòng đời khôn đổi làm sông rượu

Bừng giấc quan hà lại muốn say .

Buổi cửu tuần làm thơ:

Cuộc sống đã đành khinh gió bụi

Lòng người ai chẳng có quê hương .

Nhưng già mà còn chung thủy với vợ con thì cũng hiếm . Trong một dịp nào đó tôi có nghe lóm được câu chuyện của hai người vợ chồng già :

Lão Ông nói :

Nếu Ông chết trước thì bà sẽ làm gì ?

Bà đáp không suy nghĩ :

-Thì em sẽ tìm thuê chung một ngôi nhà với vài quả phụ hoặc phụ nữ độc thân khác cho khuây khỏa nỗi buồn .

Rồi bà hỏi lại Ông :

- Lỡ Em chết trước Anh thì sao ?

- Anh cũng sẽ làm như thế .

Ðâu đã hết gân !

Già rồi mới thấy thấm thía mấy chữ " vạn pháp giai không " . Ðược thua gì nơi cỏi tạm này .Sợ chết ư ? Vâng ai cũng tham sống sợ chết . Ðó là truyện Thần Quy trong sách Nam Hoa Kinh . Trang Tử câu trên sông Bộc . Sở Vương sai hai quan đại phu đem lễ vật mời Ông ta ra làm quan . Trang Tử cầm cần câu không nhúc nhích cũng không thèm nhìn lại, nói : " Tôi nghe vua Sở có con thần quy chết đã 3000 năm . Vua Sở quý nó và cất trên miếu đường . Con quy ấy , chịu chết để lưu lại cái xương của mình cho người ta quý trọng , hay lại chịu thà sống mà kéo lê cái đuôi mình trong bùn ?" Hai vị đại phu nói : " Thà sống mà kéo lê cái đuôi trong bùn còn hơn ." Trang Tử nói: "Thôi , về đi . Ta đây cũng chịu kéo lê cái đuôi của mình trong bùn..."

Cái chết chỉ tồn tại trong ký ức của con người , dầu là được thờ phụng trong miếu đường cũng không còn là sống . Nhưng phải sống như thế nào cho phải lẻ . Như Saddam Hussein trước khi chết dỏng dạc tuyên bố : " Ta là một chiến sỉ và ta không sợ gì cho ta cả . Ta là một bạo chúa, vâng! Nhưng ta là một kẻ ác cần thiết . Cứ nhìn những gì đang xảy ra sau khi ra đi ! Sau ta là Hồng Thủy . Các ngươi hãy nhớ kỹ điều nầy cho lần tới : Hãy cần cho bạo chúa sống lâu " .

Vâng The King is dead ! Long live the King ! Có điều Saddam Hussein cũng dở, sao không bắt chước Hạng Võ giữa dòng Ô giang, tự cắt lấy đầu, hai tay dâng cho tên đình trưởng chèo thuyền?

Sự tiến bộ kỹ thuật đem lại nhiều tiện nghi cho đời sống , nhưng ngược lại hạnh phúc của con người không vì thế mà tăng thêm , mà trái lại càng đem nhiều khó khăn và đau khổ cho con người . Theo cách suy nghĩ thông thường thì có cơ sở vật chất ( tiền bạc , nhà cửa , danh vọng ...) và tình cảm của những người xung quanh ( cha mẹ, con cái, bạn bè ...) là sự hạnh phúc . Nhưng nếu nhìn kỹ hơn thì người và vật mà mình mong muốn cũng chính là nguyên nhân của sự đau khổ . Những người giàu có và nổi tiếng như : Mike Tyson , O. J. Simpson rồi cũng vào tù . Quyền thế tột đỉnh như Saddam Hussein thì rồi cũng lên giá treo cổ . 

Cuối con đường hạnh phúc là sự đau khổ . Phải chăng chúng ta đi tìm hạnh phúc mà không hiểu hạnh phúc là gì . Hạnh phúc không phải là điểm đến mà chính là cuộc hành trình đi đến đó . Ngay lúc hạnh phúc nằm trong tay mà vẫn đi tìm . Ðối với Tây Phương , khi đi tìm hạnh phúc là tạo ra thật nhiều hoàn cảnh để vui và thoải mái ( của cải vật chất , xe hơi , ti vi ,tủ lạnh ...du lịch , rong chơi , ca hát ...) Người Á Ðông tạo cái vui bằng cách gói ghém , che phủ nỗi buồn , tiếng khóc ...

Ngày bà cụ tôi mất ( mà mình biết trước sẽ đến ngày nầy ) , một Ông sư nói với tôi là bà cụ đi về Ði về cõi xa nơi đó không có đau khổ và buồn . Ôi , chuyện này tôi biết từ lâu rồi... Mình phải nhìn sự chết như là đưa một người ra ga xe lửa . Ðầu ga nầy mất một người thì ở đầu ga kia đón nhận thêm một người . Không biết có đúng vậy không? Nhưng cứ tin như vậy đi để có cái nhìn tích cực về cái chết , có mất mát gì đâu mà không tin .

Hành trình của chúng ta là hành trình trong một giai đoạn . Trong một vở kịch vai trò phải đóng theo câu chuyện chứ không có câu chuyện phải theo người đóng kịch . Vở kịch dài đóng dài , vở kịch ngắn đóng ngắn . Người đóng kịch phải cố gắng đóng trọn vai trò của mình . Những gì có trong tầm tay của mình thì cứ hưởng lấy chứ đừng kiêu hảnh coi là quan trọng .

Không hiểu sao tôi lại bổng thích triết lý cuộc đời . Thôi thì dầu có triết lý ba xu đi nữa cũng xin đừng chúc nhau theo kiểu formula nữa ( An khang - Thịnh vượng - Hạnh Phúc ...) mà chỉ mong chúng ta mùa nào cũng vui . Mùa xuân thì vui tươi mát mẻ , mùa hạ thì nồng ấm chói chan , mùa thu mây bay heo hút , mùa đông tuyết trắng mơn man ...Mùa nào cũng thú . Không cần tiền , không cần danh vọng , không can dự vào những chuyện nằm ngoài tầm tay thì chúng ta đã có hạnh phúc rồi đó !

 

Lê Tấn Tài

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm