Cuốn lịch xé từng tờ mỗi ngày , cứ mỏng dần, mỏng dần, nay thì chỉ còn dăm cánh bướm . Bướm chỉ cần vỗ nhẹ đôi cánh, thăm vài nhuỵ hoa nữa là sẽ hết năm. Và dường như ngày cuối năm bao giờ cũng là một trong những ngày vui và " lăng xăng " nhất trong năm. Đâu đâu thiên hạ cũng rộn ràng háo hức đón năm mới. Người giàu thì khỏi nói rồi, mà ngay cả dân lao động cũng chạy xuôi chạy ngược đón Xuân sang.
Năm nay nền kinh tế Mỹ , cũng như hằng loạt các nước khác, đang ở trong giai đoạn suy thoái trầm trọng nhất. Cả trăm triệu người mất việc, mất nhà, khai phá sản, thì liệu người dân có còn tâm hồn nào mà đón năm mới không ?
Thưa có, và cũng thưa rằng không ...
Cô Marilyn Lefebvre , người Pháp, đến gặp tôi vào ngày cuối năm . Cô đưa tôi toa thuốc bác sĩ cho để trị chứng bệnh herpes ở trên môi. Cô than là " Cuối năm mà còn xui xẻo quá đi ".
Cô kể lể " Năm nào thì cái bệnh " nhầy nhụa " này cũng lại xuất hiện ít nhất một lần , làm cả hai môi cô trông lở loét khó coi, nên cô rất ngại khi đi làm và không muốn gặp bất cứ ai ". Cô ca cẩm " Năm nay mất việc, đâu còn đi làm nữa mà ngại, thì lại không còn bảo hiểm để mua thuốc. " Khi được biết một tube thuốc kem xức môi giá 183 mỹ kim, cô khựng lại ngay. Cô hỏi tôi có tube kem nào nhỏ nhất, rẻ nhất không. Tôi bảo nhỏ nhất là tube 2 gram, giá 86 đô la. Mặt cô méo xệch. " Vậy thì còn tiền đâu mà sống cho qua đầu năm ? ". Cô nói với giọng buồn bã " Trợ cấp thất nghiệp đã không bao nhiêu, mà tiểu bang lại cắt luôn phần gia hạn từ đầu tháng 12, nên giờ cô không có tiền để sống, nói chi đến mừng năm mới hay không " . Cô nói gần như khóc " Chắc sang đầu năm tôi phải xin welfare quá, vì không sao tìm được việc làm, dù chỉ với mức lương nào tôi cũng chấp nhận. Cả một đời đi làm, đến chừng mất việc thì chính phủ và tiểu bang lại "cạn túi", không còn ngân quỹ thì không chừng tôi chết đói cho coi . Mà thôi, đành nhịn ăn, để mua thuốc xức, chứ cái môi như vầy thì còn dám gặp ai , nhất là những ngày đầu năm". Cô bảo "Chán lắm rồi, cứ Dân chủ với Cộng hoà, di dân với Mỹ trắng, chỉ có người dân là khổ" Tôi lắng nghe. Cũng không biết nói gì. Sau khi dặn dò cô cách sử dụng, tôi đưa cho cô tube thuốc, và không quên chúc cô "Good luck for next year". Cô chỉ cười và quay đi, sau khi không quên chúc lại tôi một câu " Bonne année ! " ...
Bà B. Abrihami đến mua thuốc vào ngày cuối năm. Bà là người Iran, chồng bà người Israel. Thấy nét mặt bà có vẻ không vui, tôi hỏi thăm. Bà than "Tôi chán ngấy cái bọn khủng bố lắm rồi. Suốt cả năm qua bọn chúng cứ gây hoang mang cả nước Mỹ, và trên toàn thế giới. Gia đình tôi đạo Hồi, nên cứ mỗi lần bọn chúng gây chuyện là tôi lại cảm thấy có lỗi, dù rằng mình chẳng làm gì cả. Gần đây nhất, khi chính phủ Mỹ ra lệnh mới về vấn đề khám xét bằng máy AIT và khám người, ngày nào vô hãng làm việc, không hiểu sao, tôi cứ có cảm tưởng là mọi người không thích nói chuyện với tôi như thường lệ nữa .
Có lần mấy người đồng nghiệp xúm nhau lại bàn bạc về chuyện khám xét, nắn bóp thân thể ở phi trường, ai cũng bàn tán, mà không ai nói gì với tôi một tiếng. Tôi ngồi làm mà có cảm giác là mọi người nhìn tôi từ sau lưng, và tôi biết lý do vì sao tôi lẻ loi trong những lúc ấy. Bữa tiệc tất niên nơi công ty, tôi đã không dự, như mọi năm. Mặc dù không ai nói gì, nhưng tôi biết là đến đó, thế nào mọi người cũng sẽ xoay sang chủ đề suy thoái kinh tế, việc làm, rồi khủng bố, nên tôi ngại lắm, cứ cảm thấy như mình là kẻ có tội. Tôi ghét quân khủng bố, và tôi chỉ còn biết cầu nguyện là sang năm mới, bọn chúng đừng " hành hạ, tra tấn" chúng tôi bằng những trò mới, những ngón đòn mới, để chúng tôi sẽ không còn phải chịu cảm giác bị xa lánh như thế nữa". Tôi mỉm cười và trấn an bà là " Đừng nên mặc cảm về những tội ác không phải do mình gây ra. Hãy nhìn về phía trước và đón mừng năm mới ". Bà ôm nhẹ tôi, và bà nói " Saale No Mobarak ! " (Chúc mừng năm mới).
Ônd David Johnson, dân Mỹ trắng chính hiệu, đến refill thứ thuốc quen thuộc mà ông vẫn uống hằng tháng. Khi được cho biết là thứ thuốc ông vẫn dùng từ lâu nay giờ không còn được bảo hiểm trả tiền nữa, ông nổi quạu " Tại sao ? Hết chính phủ cắt, rồi đến bảo hiểm cắt. Họ cắt tất cả mọi thứ của người dân. Mọi thứ đều lên giá, chỉ có đồng lương thì chẳng bao giờ lên". Tôi nhẹ nhàng trấn an ông, và tôi lại bắc phone gọi bác sĩ lần nữa xin đổi thuốc khác cho ông. Chúng tôi đã gọi bác sĩ nhiều lần, thậm chí cũng đã gửi nhiều fax đến văn phòng, nhưng cô thư ký thì cứ ca mãi cái điệp khúc "We will call you back" (Chúng tôi sẽ gọi lại sau). Và bây giờ, ngày cuối năm thì tìm bác sĩ như thể ... tìm chim (?), mong phone bác sĩ thì cũng vẫn mà ... bặt vô âm tín. Cuối năm rồi, chắc chắn bác sĩ sẽ đóng cửa vài ngày. Ông David lớn giọng " Vậy là tôi phải chờ ba, bốn ngày không có thuốc à? Tôi chết thì ai chịu trách nhiệm ? Cô đưa tôi vài viên uống trước đi, khi nào bác sĩ đổi thuốc thì gọi cho tôi ". Tôi đáp "không thể được" , vì thuốc này rất mắc tiền, không thể nào "cho không biếu không", nếu ông trả tiền thì có thể bán tạm cho ông vài viên uống đỡ đến khi liên lạc được với bác sĩ.
Ông David gân cổ cãi "Tiền đâu mà trả ? Cuối năm rồi mà không còn đồng xu nào để mua sắm, thì còn đâu mà mua thuốc. Tôi đành phải "Sorry! ", mà thiệt tình quả là tôi kẹt vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chủ không cho phép nên nếu "tặng" ông mấy viên thuốc thì thiệt là ngại cái job của mình sẽ "cuốn theo chiều gió", còn không có thuốc hai, ba ngày, ông mà có bề gì thì liệu tôi có an ổn hay chăng?
Ngày cuối năm các pharmacy thường không đông khách lắm. Chỉ những ai quên thì giờ chót mới vội vàng đến lấy thuốc. Tôi thích đứng nhìn thiên hạ lật đật, lăng xăng trong ngày này. Vậy mà tôi vui lắm, khi cứ ngắm thiên hạ hối hả đẩy xe mua sắm. Hình như chiếc xe nào cũng ít đồ hơn năm ngoái. Tôi nghe một bà mẹ cứ liên tục la thằng con "Bỏ xuống. No money! ", chỉ vì cậu bé cứ thích gì là lấy bỏ vô xe, làm mắc công bà lại phải bỏ ra. Nhưng cửa hàng không phải là ế khách. Vẫn có người mua rượu, mua hoa, mua thức ăn chất vô xe. Có người mua cả một ổ bánh to với hàng chữ "Happy new year" nữa. Thôi cũng mừng, đó là dấu hiệu nền kinh tế Mỹ vẫn còn đang.. thoi thóp, chứ chưa đến nỗi ..tắt thở, giờ chỉ chờ liều thuốc tiên thì sẽ bừng dậy hồi sin.
Cô Thủ đến tìm tôi. Cô mang tặng tôi ổ bánh nhỏ nhân ngày cuối năm. Cô lãnh trợ cấp và được hưởng Medicare từ nhiều năm nay. Tuy không khá giả gì nhưng cô bảo "cũng đủ qua ngày". Hôm nay cô không cần lấy thuốc, nhưng chỉ tạt qua "say Hi " với tôi. Cô bảo "Người Việt nam mình ăn chắc mặc bền, nên ai cũng lo thủ, thành ra kinh tế có xuống thì cũng không đến nổi chết ngay như dân Mỹ ". Cô vui tính lắm, lúc nào cô cũng "tự hào" nói về mình " Ngày xưa Má cô định đặt cho cô tên là Thư, nhưng không biết ông bà nào làm giấy tờ khai sinh lại viết nhầm thành ra Thủ, mà cô tuổi Thân, bởi vậy sống ở đời cô biết "thủ thân" lắm, làm được 10 đồng, chỉ dám xài 4, 5, lo để dành thủ thân những lúc bệnh hoạn, tối lửa tắt đèn". Tôi chưa kịp nói gì thì cô tiếp " Thôi kệ, cứ ráng sống ngáp ngáp qua ngày, chờ năm sau kinh tế lên tính tiếp ". Tôi hỏi đùa " Không biết mình còn phải "ngáp" bao lâu nữa hở cô ? " thì cô Thủ cười to " Hỏi ông Trump thì biết", làm tôi cũng phải bật cười.
Nghe tiếng ồn ào, tôi quay ra. Ồ, cả nhà ông bà A. Lopez ghé tiệm chơi. Hai ông bà người Mễ này có ba đứa con, tuổi từ 2 đến 5 . Bà thì chỉ ở nhà giữ con, ông đi làm nhưng mất việc từ hơn ba năm nay. Tuy không khá giả gì nhưng ít khi tôi nghe họ than. Cứ đến tiệm là họ nói chuyện tía lia, làm nhiều lúc tôi tự hỏi không biết rằng cái tính " ít lo lắng " có phải là bản tính của đa số người Mễ hay không ? Cách đây vài tháng, ông bà đến báo tin cho tôi hay là mới vừa được "trúng số". Tôi ngạc nhiên hỏi tới thì hai ông bà cười ngặt nghẽo giải thích rằng "Trúng số đây có nghĩa là gia đình ông mới xin được tiền trợ cấp hàng tháng, bao gồm cả tiền bảo hiểm y tế, tiền trợ cấp cho con nhỏ, nếu chịu khó xài tiện tặn thì cũng ok " . Ông cười hề hề " Tui nói bả hoài hà, xứ Mỹ này không ai chết đói đâu". Cả hai ông bà đều thuộc loại người dễ tính, xuề xoà (easy going), nên hễ rãnh rỗi là họ cứ ghé qua tìm tôi mà ... tán dóc. Hôm nay, tôi vui vui khi thấy mấy đứa nhỏ con ông bà cứ lăng xăng, dành nhau đẩy chiếc xe, tuy hàng hóa mua không đầy nhưng cũng không vơi. Tôi bắt chuyện "Năm nay ông bà đón năm mới ra sao ?". Cũng như mọi năm " - bà đáp. "Chỉ có cái là năm nay thì tụi tôi chỉ dám mua toàn đồ "on sale " mà thôi, không còn tiền mà ăn Tết cô ơi ( Celebrate New year). Tôi gật đầu thông cảm. Ông tiếp theo " Cô thấy có ai như tôi không ? No job ( 0 ), one wife ( 1 ), two parents ( 2 ), three kids ( 3 ) , and now waiting for foreclosure ( 4 ). Tôi bật cười vì cách ông vừa đưa tay ra dấu đếm và lại cố tình nhấn mạnh vào các con số trong câu nói của ông. Thấy tôi vui, bà vợ tiếp luôn " Chúng tôi đang finghting ( 5 ) to survive, và cũng vì lý do đó mà I am really sick ( 6 )". Tới đây thì tôi và cô technician ôm bụng cười ngặt nghẽo. Tôi chọc "Ông bà đúng là những nhà toán học đại tài" thì ông bảo " Việc làm, nhà cửa, bao thứ nhức đầu ... hãy cho chúng vào quá khứ " (Job, house, trouble, headache ... that's the past ). Năm mới, phải có Hy vọng mới (New year - New hope), rồi ông bà chúc mừng tôi " Feliz Anõ Nuevo " (Happy New Year) . Tôi vui vẻ nhìn cả nhà dung dẻ dắt nhau đi, và thầm nghĩ " Đúng là lạc quan ... kiểu Mễ".
Gần 6 giờ chiều. Ngày cuối năm tiệm đóng cửa sớm. Tôi đang lục đục kéo cánh cửa sắt thì một cô gái trẻ đi tới. Cô đưa tôi một cái bóp và nói "Có ai đó làm rơi ở đằng kia. Chị giữ lại trả cho họ". Tôi mở bóp ra thì thấy vài tờ một trăm, ba bốn thẻ tín dụng, một bức ảnh gia đình có ảnh hai vợ chồng cùng cô con gái nhỏ và một tấm bằng lái xe. Tôi bắc speaker lên và nói to " Ai đánh mất chiếc bóp thì đến pharmacy nhận lại ". Khi đó cô gái hỏi " Tôi trả tiền ở đây được không ? Chứ ngoài kia đông quá. Mẹ đang đợi tôi ở nhà ". Tôi gật đầu. Cô đưa tôi một ổ bánh và bó hoa nhỏ để tính tiền. Tôi nói "Sao cô không mua một bó hoa hơn? Cuối năm rồi, giá sale rẻ lắm, tặng cho Mẹ cô vui ". Cô gái cười đáp " Mẹ con tôi từ Philipine mới qua định cư ở Mỹ được một tháng. Anh tôi bảo lãnh cho hai mẹ con, nhưng cuối năm anh phải về Houston đón năm mới với gia đình vợ anh là người Mỹ. Năm đầu tiên ở xứ người, nên hồi chiều tôi đi chợ mua chút thức ăn Philippine, vì chưa quen thức ăn Mỹ, giờ chỉ còn dư bấy nhiêu, tôi mua ổ bánh này và bó hoa nhỏ tặng Mẹ". Tôi hơi ngạc nhiên vì tiếng Anh của cô khá trôi chảy, nên tôi có hỏi. Cô gái cười có vẻ hơi mắc cỡ " Ở bên đó, tôi là cô giáo dạy Anh văn mà "....
Một người đàn ông lịch sự trong bộ đồ veston tiến đến gần. Với giọng lo lắng, ông nói là ông đã làm rơi chiếc bóp. Tôi bảo ông mô tả cái bóp ra sao, trong đó có những gì, và tên trên bằng lái xe. Ông đáp đúng tất cả. Tôi đưa trả cho ông và nói "Ông may mắn lắm đó. Cô gái này lượm được và trả lại đấy. Chứ mất chừng ấy thẻ tín dụng thì "lãnh nợ" như chơi ". Ông quay sang cám ơn cô gái và ông bảo "Khi móc bóp định trả tiền ở phía trước, tôi mới biết là mình mất nó. Tôi hốt hoảng lên. Không chỉ vì số tiền mặt, bao nhiêu thẻ tín dụng, mà vì đó chính là kỹ niệm cuối cùng của vợ tôi. Bà mất vào cuối năm ngoái. Khi biết mình không còn chống chỏi được bao lâu với căn bệnh ung thư tử cung, bà mua tặng tôi chiếc bóp này khi cả nhà cùng nhau đi mua sắm chung lần cuối cùng mùa Giáng sinh năm qua. Hôm đó cả gia đình đã đi chụp chung tấm hình lần cuối. Bà nói sở dĩ bà tặng tôi chiếc bóp với tấm ảnh gia đình kẹp bên trong là để mỗi lúc mở ra, tôi sẽ nhớ đến vợ và vì vậy sẽ thương yêu, chăm sóc bé Dora - con gái tôi. Tôi quý chiếc bóp này lắm, và tôi không muốn đánh mất nó. Dora đang ở nhà với ông bà, và đang đợi tôi về. Cả ngày hôm nay nó cứ khóc vì nhớ Mẹ, bởi năm nào vào ngày này Mẹ nó cũng dẫn nó đi mua đồ. Tôi đi làm xong việc trễ nên vội vã về nhà ngay đây ". Quay sang cô gái trẻ, ông nói " Cám ơn cô đã tặng tôi một niềm vui vô giá ngày cuối năm. Để đền đáp, mong cô nhận một trăm đồng cho tôi vui". Cô gái lắc đầu " Không, không có chi. Ông cứ giữ số tiền này mua quà về cho cháu". Ông tiếp " Thế thì cô thích món gì trong cửa tiệm này, tôi sẽ mua tặng cô". Cô gái trẻ cứ một mực "Không cần đâu. Ông đừng bận tâm. Năm nay là năm đầu tiên Mẹ con tôi đón Giáng sinh ở nước Mỹ, thì với chúng tôi, đã là một món quà quý báu mà Chúa đã ban cho". Quay sang nhìn thấy bó hoa có vẻ " khiêm tốn " (tôi đoán vậy), ông nói ngay " Thôi để tôi mua bó hoa thật to tặng gia đình cô nhé, please mang về cho Mẹ cô vui ". Thế là không đợi cô trả lời, ông xăng xái đi ra phía trước mang vào một bó hoa thật to, được trang hoàng rất thanh nhã và lịch sự, rồi đi ngay đến quầy chưng bày thiệp, lựa ngay một tấm card thật đẹp, quay trở lại và viết dòng chữ " Happy Holidays!".
Cô gái nhận món quà , cám ơn ông và bảo " Vậy cho phép tôi tặng con ông bó hoa nhỏ với 3 nhánh hồng này vậy, xem như quà đầu năm cho cháu Dora. À mà khoan, đợi tôi chút ". Cô gái chạy đến quầy thiệp. Chúng tôi thấy cô đứng lựa chọn, có vẻ vội vàng vì sợ tôi chờ. Chừng lát sau thì cô đi sang nơi bán các tấm card 99 cent / each. Tôi thầm nghĩ có lẽ cô không nhiều tiền nên đành mua tấm nào rẻ hơn chăng. Nhưng kìa, cô trở lại ngay, giơ cao khoe tấm card có hình bé Dora, mà nãy giờ cô không tìm thấy ở khu thiệp mắc tiền. Tôi cảm thấy chút hối hận dâng lên vì mình đã nghĩ không hay về cô gái trẻ. Cô mượn tôi cây bút, rồi sau đó cô vừa trao tấm thiệp cho ông khách, vừa đọc to lời cô viết " Dora - cành hồng nhỏ (little pretty rose) , đừng khóc nữa. Cháu phải ngoan và hãy vui lên bởi vì cháu vẫn còn hạnh phúc có được một người Cha biết yêu thương (caring Dad)". Ông ôm nhẹ cô gái. Tôi tính tiền tấm thiệp và bó hoa to, mà nghe lòng mình dâng lên một niềm vui còn to hơn thế nữa ...
Nhìn những người khách dần xa, tôi thầm cám ơn cuộc sống đã cho tôi có cơ hội tiếp xúc và ráp nối những mảnh đời ...
Năm cũ qua đi. Năm mới sẽ đến. Cuộc sống là một chu kỳ tuần hoàn như một vòng tròn luân chuyển. Có thăng, có trầm. Có lên thì có xuống. Có booming thì phải có "sinking". Thôi thì cứ tin rằng "Hết cơn bĩ cực sẽ đến hồi thái lai" hay "Sau cơn mưa trời lại sáng". Ngày cuối của một năm đầy trắc trở rồi sẽ trôi qua. Chỉ sau một đêm thì bình minh lại xuất hiện, và sẽ bắt đầu một năm mới nhiều hy vọng. Hãy tin là như vậy, thì mọi người chúng ta sẽ cảm thấy bình an ....
Hoàng Thanh
Ngày cuối năm