Tôi không nhớ đã đọc ở đâu câu nói này: Nếu không có gì quý giá để lại cho đời, thì ít nhất cũng đừng để lại một điều gì tệ hại. Khoảng trống đó cũng có thể gọi là một thứ di sản không tệ. Tôi nhớ đến câu nói đó, chỉ vì chiều nay đọc thấy trên Internet một tin nhỏ mà thú vị: Các nhà khoa học Anh quốc vừa phát minh một kiểu lò hỏa táng, được đặt tên Resomator, không khói, không tạo ra bất cứ khí độc nào có hại cho môi trường thiên nhiên và sức khỏe con người. Vậy là kể từ bây giờ, với kiểu lò hỏa táng đó, ít nhất thiên hạ sau khi nhắm mắt cũng không bắt bầu khí quyển này gánh Tôi thêm một chút của nợ nào như xưa giờ nữa.
Nhưng đó chỉ là cho phần xác. Còn cái khoản phần hồn nữa chứ. Giá người ta có thể chế tạo thêm một kiểu lò tương tự cho những lầm lỗi của chúng sinh thì hay biết mấy. Một chính khách điên rồ sau khi xuôi tay sẽ vĩnh viễn biến mất cùng với cái học thuyết chính trị bậy bạ của mình. Một giáo chủ tà phái sẽ đem theo vào lòng đất những rao giảng lầm lỗi của mình. Và bất cứ một ý tưởng độc hại nào trên đời này cũng đều đi theo kẻ đã khai sinh nó mà chìm vào hư vô. Với kiểu lò hỏa táng đó, lịch sử thế giới sẽ không nhuốm máu lệ như bây giờ. Chúng ta đang rất cần đến một kiểu lò hỏa táng không khói cho những lỗi lầm của nhân loại.
Ai dám bảo mình bé mọn không đủ sức để lại một ảnh hưởng nào cho nhân thế, rồi thì muốn làm gì cũng được? Trong Giáo Lý Duyên Khởi của Phật giáo, không một thứ gì trên đời này là bé nhỏ đến mức không thể tạo ra những tác động. Anh vô danh, nhưng chuyện anh làm, điều anh nói, đề tài anh suy tư… hoàn toàn có thể để lại một hậu quả khôn lường cho thế giới. Có biết bao trẻ vị thành niên sa đoạ, bạo lực và tự tử chỉ vì nghe thấy ai đó nhắc đến những chuyện ấy. Và kẻ khơi mào cho những thảm cảnh ấy thường khi chỉ là một người chẳng tiếng tăm.
Một tuổi trẻ vô tâm tung tăng cõi tình trường và để lại một cuộc tình buồn cho ai đó. Một tay gian thương chỉ nghĩ đến túi tiền của mình rồi thương vụ tội lỗi nào cũng làm. Một nguyên thủ quốc gia coi trọng chuyện nhà hơn chuyện nước. Một cá nhân ích kỷ chỉ nghĩ đến tự ái bản thân mà quên mất đại cuộc thiên hạ… Toàn bộ bọn họ đều để lại cho nhân gian những di sản buồn, những dấu vết không nên có sau ngày mình đi. Ta có thể không tin chuyện tái sinh luân hồi, nhưng ít gì cũng có thể hiểu được cái lẽ đời cụ thể này: Nếu tiền nhân ngày xưa đã sống bạt mạng chẳng kể gì đám hậu tấn thì thế giới hôm nay, có ta trong đó, đã ra sao rồi?
Tôi là một tu sĩ Phật giáo, nhưng ngoài Tam Bảo và những thiện hữu tri thức đồng đạo, tôi còn mang ơn biết bao người thiên hạ vô thần hay ngoại giáo, cho dù họ chưa bao giờ biết đến tôi. Tôi học họ những câu nói, những cách sống, cách nghĩ. Tôi mắc nợ họ, vì đó là những di sản mà tôi ngẫu nhiên thừa kế ngon lành.
Người ta nói một chiếc lá lìa cành không hẳn là đã chấm hết. Nó có thể mục nát và thành đất để nuôi dưỡng những mầm sống khác. Cả cái gọi là mây nước mù sương trên hành tinh này cũng đều là từng cuộc tuần hoàn của những di sản, những kỷ vật, những thứ đời trước để lại và những thừa tiếp của đời sau.
Cũng như chuyện tụi mình vậy đó. Em đi rồi, nhưng kỷ niệm về chuyện mình ngày đó sẽ mãi hoài theo tôi suốt kiếp. Đó cũng là thứ gia tài em để lại cho tôi. Ngày mai rồi cũng đến lượt tôi lên đường, và phía sau cuộc đời mình, tôi có biết mình đã để lại gì cho người khác: Một câu nói làm ai đó tổn thương, một ý tưởng xây dựng tình người, một nụ cười cho kẻ nhớ lại hay giọt nước mắt cho người nhắc tới? Tất thảy đều là những di sản, những gì ta gửi lại trần gian này, nơi mình đã một lần đi qua…
Ta có nhiều cách nói về những kiểu sống đời. Một trong số đó là khả năng truyền thừa xứng đáng những giá trị: Nhận cái xứng đáng và để lại những cái xứng đáng. Nếu chẳng làm nổi chuyện đó, thì thôi, xin cứ ra đi như một cơn gió lành. Đời sẽ chẳng phải phiền lòng thu dọn bất cứ rác rưởi nào sau lưng ta. Kẻ sống được vậy ít gì cũng đáng được gọi là đệ nhị hiền giả.
Mong thay!
(Sư Toại Khanh/Giác Nguyên)