Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Thích Nữ Giới Hương

 (Tài Liệu Khóa Tu hc cho Gia Đình Pht T Vit Nam ti Hoa K)

 

        Pháp Cú (Dhammapada): Pháp (Dhamma) là Phật pháp. Cú (pada) là câu. Pháp Cú  là lời pháp, lời Phật dạy. Pháp Cú là một cuốn kinh căn bản then chốt trong đạo Phật, có 423 bài kệ trong 26 phẩm. Mỗi một bài kệ mang một ý nghĩa rất xuất thế thánh thiện. Ở Ấn Độ, Rigveda được xem là một bộ kinh cổ đại của đạo Hindu thì kinh Pháp Cú cũng được xem là thánh điển cổ đại của Phật giáo để nuôi chí xuất trần thượng sĩ. Cách phân bố và nội dung của Pháp Cú dựa trên bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu như sau:

  1. Phẩm Song yếu (Yamakavagga) có 20 bài kệ. Song yếu nghĩa là nói về từng cặp đôi quan trọng thiết yếu. Chúng đối nghĩa với nhau như thiện đối với ác, tinh tấn đối với buông lung, vv. Đức Phật dùng biện pháp ví dụ so sánh đầy hình tượng màu sắc như: cành yếu trước cơn gió lốc so sánh như người sống buông lung (kệ số 7), núi đá trước gió thổi như người kiên trì tu tập thì không bị ma phá (8), căn nhà vụng hay khéo lợp như người có hộ trì hay không hộ trì hay không các căn (13, 14), người chăm chỉ đếm bò cho chủ như người nói hay mà thiếu thực hành thì chỉ lợi ích cho người khác (19) và ví dụ bánh xe bò luôn luôn theo dấu chân con bò là chỉ cho nhân quả lành hay ác mình đã tạo đều theo mình không sai khác (1,2).

 

 "Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo".

 "Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo,

Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình".

(Bài kệ 1 & 2)

Đức Phật đã dùng biện pháp song hành rất cụ thể, dễ hiểu, giúp chúng ta giữ gìn thân, khẩu, ý của mình, đừng buông lung để tránh rơi vào quả ác. Đây là ví dụ tiêu biểu nổi bật trong phẩm Song yếu hay đại diện cho cả cuốn kinh Pháp Cú.

  1. Phẩm Không Phóng Dật (Appamadavagga) có 12 bài kệ. Không phóng dật là chánh niệm, không có buông lung. Đức Phật so sánh bậc trí sống khép mình trong giới luật tịnh hạnh giống như người giữ được vật quý báu (26), giống như người ở trên núi cao nhìn xuống mặt đất nơi nhiều kẻ ngu si đang sống trong lo âu buồn phiền (28), giống như tuấn mã bỏ sau lưng con ngựa hèn (29) và giống như người khéo xây hòn đảo cao ráo thì sóng gió khó ngập tràn lên được (25).

"Nỗ lực, không phóng dật,

Tự điều, khéo chế ngự.

Bậc trí xây hòn đảo,

Nước lụt khó ngập tràn."

 (Bài kệ 25)

    3.   Phẩm Tâm (Cittavagga) có 11 bài kệ. Tâm là tâm tánh, tu tâm để thoát khỏi ngũ dục. Đức Phật khuyên các thánh đệ tử phải quán sát thân tứ đại này sẽ nằm dưới ba thước đất như cây khô vô dụng bị quăng bỏ (41), cho nên bậc trí phải phòng hộ và điều ngự, giữ tâm ý chánh trực thì vị ấy sẽ giống như người thợ điêu luyện khéo uốn nắn mũi tên (33), như cá tung tăng dưới nước (34), như thoát khỏi hang ma (37), như có gươm tuệ bén (40) và từng oan nghi đi đứng nằm ngồi của vị thánh đệ tử ấy sẽ cao thượng và thánh thiện hơn (43).

Tâm hoảng hốt giao động,

Khó hộ trì, khó nhiếp,

Người trí làm tâm thẳng,

Như thợ tên, làm tên.

(Bài kệ 33)

 

  1. Phẩm Hoa (Pupphavagga) có 16 bài kệ khuyên chúng ta hãy vun trồng Phật pháp bởi lẽ lời pháp như hoa đẹp trang nghiêm thân tâm. Đức Phật đã dùng hình ảnh tươi đẹp của tràng hoa thơm để ví cho ai khéo giảng nói kinh Pháp Cú (44). Vị nào vừa giảng nói và vừa thực hành những pháp thoại mình giảng nói thì vị ấy sẽ giống như hoa tươi đẹp thêm hương và sắc (52). Vị ấy sẽ thoát khỏi nạn cám dỗ của ma quân (46), nạn nước lũ cuốn đi (47). Vị ấy vào làng khất thực chỉ như ong kiếm hoa, lấy mật rồi đi, không tổn hại hương sắc, không làm phiền lòng thí chủ (49). Một trong những pháp ngữ nổi bật trong Pháp cú hay kinh tạng Phật giáo nữa là Đức Phật đã so sánh hương thơm của các loài hoa với hương đức hạnh của bậc xuất trần tu tập giải thoát thì giới hương, hương đức hạnh của người tu tập là hơn hết (54, 55, 56).

 

"Hoa chiên đàn, già la,

Hoa sen, hoa vũ quý,

Giữa những hương hoa ấy,

Giới hương là vô thượng."

(Bài kệ 55)

 

  1. Phẩm Ngu (Balavagga) có 16 bài kệ. Đức Phật từ bi tận tình chỉ cặn kẽ những hành động, suy nghĩ và lời nói dại dột nào sẽ đưa đến sự ngu tối đọa lạc. Người nào khư khư chấp vào chỗ hiểu biết sai lầm của mình (sở tri chướng) mà không chịu mở lòng học Phật pháp thì vị ấy như cái muỗng, sẽ chẳng bao giờ nếm được vị ngon của muỗng canh (64). Thà sống một mình, chứ không làm bạn với người ngu (61). Người ngu chắc chắn sẽ ăn năn hối hận vì bị quả báo ác nghiệp do mình gây ra (66, 67), sẽ bị thiêu đốt như lửa ngún cao lên từ đống tro than (71). Đối với người ngu, không biết chánh pháp thì đường đi và luân hồi sẽ rất dài:

"Đêm dài cho kẻ thức,

Đường dài cho kẻ mệt,

Luân hồi dài, kẻ ngu,

Không biết chơn diệu pháp."

(Bài kệ 60)

 

  1. Phẩm Hiền Trí (Panditavagga) có 14 bài kệ, nói về người trí sẽ chỉ cho chúng ta những điều hay lẽ phải để mình hoàn thiện hơn. Những lời chỉ bảo đó là kho tàng báu vật (76). Ca dao Việt Nam có câu: “Thuốc đắng giả tật”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, cho nên cần phải kết thân với người có chí khí cao thượng. Người trí biết tự điều phục mình, như người tưới nước lo dẫn nước, thợ làm cung lo uốn cung tên và người thợ mộc lo nảy mực đo cây (80). Người trí vững vàng, không dao động như ngọn núi kiên cố (81), như hồ nước sâu yên tịnh (82), như đạt đến bờ kia (85).

Chớ thân với bạn ác,

Chớ thân kẻ tiểu nhân.

Hãy thân người bạn lành,

Hãy thân bậc thượng nhân."

(Bài kệ 78)

        7.  Phẩm A La Hán (Arahantavagga) có 10 bài kệ nói về bậc A La Hán là vị thánh đã vượt thoát các phiền não, tự tại như chim thiên nga bay giữa hư không (91), như người kỵ mã đã điều ngự được ngựa lành (94). Vị ấy thân khẩu ý nghiệp thường vắng lặng, an ổn (96), hay xa lìa ái dục (97) và thường ẩn cư nơi núi rừng:

Khả ái thay núi rừng,

Chỗ người phàm không ưa,

Vị ly tham ưa thích,

Vì không tìm dục lạc.

(Bài kệ 99)

  1. Phẩm Ngàn (Sahassavagga) có 16 bài kệ so sánh giữa số lượng và chất lượng. Như nói ngàn câu vô nghĩa không bằng một câu Phật pháp (100), hay trăm năm tế tự không bằng một ngày chuyên tu (106), trăm năm thờ lửa không bằng một ngày cúng dường bậc thánh (107), trăm năm phá giới không bằng một ngày trì giới (110), trăm năm giải đãi, không bằng một ngày tinh tấn (112). Đức Phật nhấn mạnh rằng đạo Phật là đạo tu tâm, cho nên tự thắng những tâm tiêu cực của mình, để sống với tâm thánh thiện là chiến thắng vẽ vang nhất:

"Dầu tại bãi chiến trường

Thắng ngàn ngàn quân địch,

Tự thắng mình tốt hơn,

Thật chiến thắng tối thượng."

 (Bài kệ 103)

 

  1. Phẩm Ác (Papavagga) có 13 bài kệ nói về cặp phạm trù thiện ác, sáng tối, vv. Ví dụ như nếu lỡ làm ác thì đừng làm thêm, bởi lẽ chứa ác nhiều thì nhất định sẽ khổ (117). Nếu đã làm được thiện thì nên làm tiếp vì do nhân lành này mà được an lạc (118). Chớ nghĩ điều ác nhỏ không sao, thật ra lâu ngày thành đầy và tai hại khó lường (121). Chúng ta tránh xa điều ác như người có nhiều vàng ngọc mà thiếu bạn đồng hành thì nên tránh xa đường nguy hiểm hay như người tránh xa thuốc độc hại thân (123). Người ác sẽ bị quả báo ngược lại hại mình như ngược gió tung bụi thì bụi sẽ bay vào mặt mình lại (125), như “gậy ông đập lưng ông” sẽ bị hại mình mà không mình không ngờ đến:

Hại người không ác tâm,

Người thanh tịnh, không uế,

Tội ác đến kẻ ngu,

Như ngược gió tung bụi.

(Bài kệ 125)

  1. Phẩm Hình phạt (Dandavagga) có 17 bài kệ nói về tâm lý con người ai cũng sợ hình phạt, gông cùm, và xiềng xích. Biết sợ quả báo đau đớn này thì chúng ta phải tránh nhân sát đạo dâm vọng, ỷ ngữ, nói dối, hại người (133).

"Mọi người sợ hình phạt,

Mọi người sợ tử vong.

Lấy mình làm ví dụ

Không giết, không bảo giết."

(Bài kệ 129)

Vị thánh đệ tử giữ yên lặng giữa các thị phi như chuông bị bể không kêu vang tiếng (134), như ngựa hiền tránh roi vọt (143). Vị ấy sống kiên trì, phạm hạnh, không hại mọi sinh linh (142).

  1. Phẩm Tuổi già (Jaravagga) có 11 bài kệ nói về sự vô thường biến đổi của tuổi tác. Thân này bất tịnh, mỏng manh, tật bịnh và già chết như trái bầu mùa thu bị bỏ đi (149). Thân này làm xương và được quét tô bằng máu thịt (150). Không có hân hoan khi thân mãi bị thiêu đốt mà trí tuệ chưa mở mang (146) và cứ tiếp tục bị chi phối bởi luật sanh, trụ, dị. diệt:

 "Lang thang bao kiếp sống

Ta tìm nhưng chẳng gặp,

Người xây dựng nhà này,

Khổ thay, phải tái sanh."

(Bài kệ 153)

 

  1. Phẩm Tự ngã (Attavagga) có 10 bài kệ khuyên chúng ta hãy làm cho mình như mình đã chỉ dạy người khác (159). Việc ác dễ sanh, nên phải tự phòng hộ tự ngã kiêu căng tham ái (161), đừng dễ duôi buông lung như dây leo bám cây không rời (162). Người trí suốt ngày đêm luôn cảnh giác:

"Nếu biết yêu tự ngã,

Phải khéo bảo vệ mình,

Người trí trong ba canh,

Phải luôn luôn tỉnh thức."

(Bài kệ 157)

 

  1. Phẩm Thế gian (Lokavagga) có 12 bài kệ nói về đừng theo lối sống thọ hưởng, buông lung sáu căn rông rỡ, theo tà kiến, tà hạnh, khiến ảnh hưởng xấu cả đời này và đời sau (167, 168, 169). Ai sống trước buông lung, sau hiểu đạo nên sống tinh tấn, không phóng dật, đời này chói sáng rực như trăng thoát mây che (170), như chim thoát khỏi lưới (174), bay liệng tự do giữa trời:

Như chim thiên nga bay,

Thần thông liệng giữa trời;

Chiến thắng ma, ma quân,

Kẻ trí thoát đời này.

(Bài kệ 175)

 

  1. Phẩm Phật Đà (Buddhavagga) có 18 bài kệ tán thán về sự chuyên trì giới định tuệ và sự thích an tịnh viễn ly của Đức Phật Thích Ca (179, 181). Lời dạy căn bản của Đức Phật là không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch (183). Ngài là bậc tuệ tri biết các dục rất khó thỏa mãn lại hại thân tâm chúng ta (168), cho nên bậc thánh đệ tử không tìm cầu dục lạc, chỉ ưa thích ái diệt, khổ diệt (186, 191). Phật pháp tăng là ba bậc quý báu trên thế gian, đáng cho chúng ta kính lễ cúng dường quy y:

Vui thay, Phật ra đời

Vui thay, Pháp được giảng!

Vui thay, Tăng hòa hợp!

Hòa hợp tu, vui thay!

(Bài kệ 194)

 

 

  1. Phẩm An Lạc (Sukhavagga) có 12 bài kệ nói về sự giải thoát tự tại của các bậc thánh đệ tử. Các ngài sống không hận thù giữa những người hận thù (197), sống không rộn ràng giữa những người rộn ràng (199), sống an tịnh giải thoát giữa những người trói buộc đầy phiền trược. Do vậy, để được an lạc, chúng ta hãy thân cận bậc thiện nhân hiền sĩ:

Bậc hiền sĩ, trí tuệ

Bậc nghe nhiều, trì giới,

Bậc tự chế, Thánh nhân;

Hãy gần gũi, thân cận

Thiện nhân, trí giả ấy,

Như trăng theo đường sao."

(Bài kệ 208)

 

  1. Phẩm Hỷ Ái (Piyavagga) có 12 bài kệ nói về hỷ ái, dục ái, sinh sầu bi, khổ ưu não (215). Bậc thánh đệ tử giới đức, chánh kiến, thoát khỏi dây ràng buộc của hỷ ái, dục ái:

Ái luyến sinh sầu ưu,

Ái luyến sinh sợ hải.

Ai giải thoát ái luyến

Không sầu, đâu sợ hải?

(Bài kệ 213)

Do thoát khỏi lưới dục trần gian này nên các ngài được số đông quần chúng kính quý và phước lành sẽ đến các ngài từ đời này đến đời kia (220).

  1. Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga) có 14 bài kệ nói vị nào làm chủ được phẫn nộ, sân giận thì giống như dừng được bánh xe đang lăn xuống hố sâu (222), sẽ tránh được nhiều chuyện ăn năn hối tiếc xảy ra. Giữ thân, miệng, ý đừng phẫn nộ là từ bỏ thân, miệng, ý làm ác hạnh (231, 232, 233), là ba nghiệp khéo bảo vệ (234). Đức Phật cũng chỉ ra cách đối trị lòng phẫn nộ, xan tham và hư ngụy bằng cách rất đơn giản và hiệu quả thâm sâu vô cùng:

Lấy không giận thắng giận,

Lấy thiện thắng không thiện,

Lấy thí thắng xan tham,

Lấy chơn thắng hư ngụy.

(Bài kệ 223)

 

  1. Phẩm Ô nhiễm (Malavagga) có 21 bài kệ nói về do tâm tán loạn ô nhiễm, không trong sáng, mất phẩm hạnh, nên vị này thường bị người chê cười, không kính trọng. Bậc thánh đệ tử nên siêng năng, tinh tấn, lọc tâm mình cho trong sáng như hòn đảo vững chắc, như vàng đã được lọc.

 

 

Hãy tự làm hòn đảo

Tinh cần và sáng suốt

Trừ cấu uế, thanh tịnh

Chẳng trở lại sanh già.

(Bài kệ 238)

 

 

Người trí theo tuần tự

Từng sát na trừ dần

Những cấu uế nơi mình

Như thợ vàng lọc quặng.

(Bài kệ 239)

 

 

  1. Phẩm Công bằng (Dhammatthavagga) có 17 bài kệ nói về cách giao tế với người xung quanh, chúng ta đừng để những tâm tham, sân, si che mờ những ý tưởng, quyết định của mình. Bậc thánh đệ tử luôn lấy lòng từ hoà, bình đẳng, đúng pháp và công bằng như người cầm cán cân công lý để đối đãi với người.

Không chuyên chế, đúng pháp

Công bằng, dắt dẫn người

Bậc trí sống đúng pháp

Thật xứng danh pháp trụ.

(Bài kệ 257)

 

Im lặng nhưng ngu đần

Đâu được gọi ẩn sĩ?

Như người cầm cán cân

Kẻ trí chọn điều lành.

(Bài kệ 268)

 

Từ bỏ các ác pháp

Mới thật là ẩn sĩ

Ai thật hiểu hai đời

Mới xứng danh ẩn sĩ.

(Bài kệ 269)

Đức Phật còn từ bi chỉ ra phong cách của bậc thánh hiền là không cần nói nhiều, biện minh, cải lý mà chỉ giữ trong lòng bình an, ổn định, không oán thù, ganh ghét và luôn ủng hộ lẽ phải:

Không phải vì nói nhiều

Mới xứng danh bậc trí

An ổn không oán sợ

Thật đáng gọi bậc trí.

                                                    (Bài kệ 258)

 

  1. Phẩm Con Đường (Maggavagga) có 17 bài kệ. Đạo là con đường. Con đường của đạo Phật là dùng Lý Tứ đế và Bát Chánh đạo để giác tỉnh lý vô thường tạm bợ và đau khổ ở thế gian và để sống đúng với chân lý lẽ thật. Những của cải vật chất, bà con thân thuộc, sẽ tan theo không gian và thời gian, không ai có thể cứu hộ được nghiệp quả của mình:

 

Một khi tử thần đến

Không có con che chở

Không cha không bà con

Không thân thích che chở.

(Bài kệ 288)

 

Bởi thế, bậc có trí biết buông bỏ những giả tạm trần thế và tìm lẽ thật của Tứ diệu đế và Bát Chánh Đạo để ra khỏi những khổ đau.

Biết rõ lý lẽ trên

Kẻ trí siêng trì giới

Thấu triệt đường Niết bàn

Sớm chứng thanh tịnh đạo.

(Bài kệ 289)

 

Do dứt các nghiệp ái dục nặng nề, siêng tu đạo tịch tịnh Niết bàn nên Đức Thế Tôn đã chứng ngộ được tâm thanh tịnh giải thoát. Từ đây, thân tâm ngài như sen thu tinh khiết giữa cõi trần loạn động:

Tự cắt giây tình ái

Như tay bẻ sen thu

Hãy tu đạo tịch tịnh

Niết bàn Thiện Thệ dạy.

(Bài kệ 285)

 

  1. Phẩm Tạp lục (Pakinnakavagga) có 16 bài kệ, nói về suốt đời chúng ta chỉ chạy theo những lợi ích hay niềm vui nho nhỏ mà quên đi sự an lạc vô cùng to lớn trong tâm thức.

Nhờ từ bỏ vui nhỏ

Hưởng được vui lớn hơn

Kẻ trí bỏ vui nhỏ

Khi nhìn đến vui lớn.

(Bài kệ 290)

Để dứt khổ luân hồi, chúng ta nên trở lại niềm vui an lạc vô tận bên trong tâm lúc nào cũng có sẵn. Dù đang ở trong hang sâu heo hút hay rừng sâu núi vắng không người vãng lai, vị thánh đệ tử luôn an lạc tự tại.  

Người ngồi nằm một mình

Độc hành không buồn chán

Tự điều phục một mình

Sống thoải mái rừng sâu.

(Bài kệ 305)

 

 

  1. Phẩm Cảnh khổ (Nirayavagga) có 14 bài kệ nói về nhân quả báo ứng của cảnh khổ địa ngục. Chúng ta đôi khi dễ ngươi khinh thường những việc làm không đúng pháp của mình mà không biết rằng chính sự phi pháp, thân khẩu ý buông lung và phạm giới đó là lối đi vào địa ngục hay vào cảnh khổ nhiều đời.

Sống phóng đãng buông lung

Theo giới cấm ô nhiễm

Sống phạm hạnh đáng nghi

Sao chứng được quả lớn.

(Bài kệ 312)

 

 

  1. Phẩm Voi (Nagavagga) có 14 bài kệ nói về con voi, ngựa khéo được điêu luyện nên đã thắng trận giữa làn tên bắn của kẻ thù. Do voi ngựa đã được thuần thục, nên vua có thể cưỡi đi diễn hành xung quanh thành phố. Cũng vậy, vị thánh đệ tử khéo điều ngự và nhẫn chịu mọi khó khăn và nghịch chướng thì có thể đạt đến Niết bàn, trở thành bậc thầy của cõi trời và người.

Voi luyện đi dự hội

Voi luyện được vua cưỡi

Kẻ luyện, người tối thượng

Nhận chịu mọi phỉ báng.

(Bài kệ 321)

Chẳng phải nhờ xe nầy

Đưa người đến Niết bàn

Chỉ có người tự điều

Đến đích, nhờ điều phục.

(Bài kệ 323)

 

  1. Phẩm Ái dục (Tanhavagga) có 26 bài kệ nói về ái dục là nguyên nhân chính yếu sanh ra vòng đau khổ của kiếp sống luân hồi, cho nên thánh đệ tử trú trong sự tịch tịch của vô dục, giữ thân tâm trong sạch, không lấy ô nhiễm khát ái làm niềm vui:

Dòng ái dục chảy khắp

Như giây leo mọc tràn

Thấy giây leo vừa sanh

Dùng kiếm tuệ đoạn gốc.

(Bài kệ 340)

 

Ai sống trong đời này

Ái dục được hàng phục

Sầu khổ tự tiêu dần

Như nước giọt lá sen.

(Bài kệ 336)

Pháp thí, thí tối thắng

Pháp vị, vị tối thắng

Pháp hỷ, hỷ tối thắng

Ái diệt, thắng khổ đau.

(Bài kệ 354)

 

  1. Phẩm Tỳ khưu (Bhikkhuvagga) có 23 bài kệ nói về chư tôn đức Tỳ kheo đệ tử xuất gia của Đức Phật sống luôn tỉnh thức hộ trì sáu căn, không buông lung thọ hưởng ngũ dục, giữ tâm tịch lặng an trú trong chánh pháp của Đức Từ phụ.

Vị Tỳ kheo trú pháp

Mến pháp suy tư pháp

Tâm tư niệm chánh pháp

Sẽ không rời chánh pháp.

(Bài kệ 364)

Tỳ kheo tát thuyền nầy

Thuyền không, nhẹ đi mau

Trừ tham, diệt sân hận

Tất mau chứng Niết bàn.

 

(Bài kệ 369)

Như hoa Vassika

Quăng bỏ cánh úa tàn

Cũng vậy vị Tỳ kheo

Giải thoát tham và sân.

(Bài kệ 377)

 

 

  1. Phẩm Bà La Môn (Brahmanavagga) có 41 bài kệ nói về ý nghĩa của Bà-la-môn theo quan điểm của Đức Phật. Bà la môn là những vị tu sĩ của đạo Hindu, thuộc giai cấp tu sĩ (xã hội Ấn Độ có bốn giai cấp: 1) Sát đế lợi/vua chúa, 2) Bà la môn/tu sĩ, 3) thương xá/ buôn bán và 4) Chiên đà la/giai cấp thấp). Họ chuyên trì tụng kinh Hindu, có vị thờ lửa, có vị khổ hạnh, có vị sống đời sống có gia đình và cho là sau này sẽ sanh về cõi trời Phạm thiên. Đức Phật giải thích Bà-la-môn là phạm hạnh, cho dù có dán nhãn hiệu giai cấp cao hay thấp nào của xã hội, nhưng nếu vị đó thân khẩu ý trong sạch thì vị đó được xứng danh là Bà-la-môn. Nếu vị nào sanh trong dòng họ Bà-la-môn mà không đức hạnh, tu tập không nghiêm chỉnh, thì không thể gọi là phạm hạnh Bà-la-môn được:

Hãy tinh tấn đoạn dòng

Bà la môn bỏ dục

Thấu hiểu uẩn diệt tận

Người thật chứng vô tác.

(Bài kệ 383)

Ban ngày trời chiếu sáng

Ban đêm trăng chiếu sáng

Khí giới sáng chúa vua

Thiền định sáng Bà la môn

Nhưng hào quang Đức Phật

Chói sáng cả ngày đêm.

(Bài kệ 387)

 

 

 

Tóm lại, qua 26 phẩm của kinh Pháp Cú, Đức Phật nói về nét đẹp xuất thế tại thế gian này, khuyên các Gia đình Phật tử tại Hoa Kỳ vì tương lai Phật giáo cho các con em Phật tử mà ngồi lại với nhau, giữ gìn đức hạnh cao thượng của mình, lấy đó làm nhân tố chính yếu để xây dựng nghiệp đồ Phật giáo. Phật giáo có nhiều tông phái, nhiều chùa và nhiều GDPT. Mỗi tông phái, mỗi chùa, mỗi GDPT cúng dường Phật pháp mỗi cách, theo khả năng sáng tạo của mình và cùng hoà hợp dâng lên Tam bảo. Quan trọng làm sao chính từng tông phái, từng đơn vị cố gắng lấy lời dạy xuất thế của Đức Phật trong kinh Pháp Cú để hoàn thiện lấy mình và làm gương mẫu cho các con em nối bước theo sau. Cố gắng đừng để tự ngã, hám danh, hám quyền, sân giận, ganh ghét,  những tư tưởng dị biệt cá nhân, giận hờn, trách móc, nghi kỵ lẫn nhau làm chướng ngại; đừng để những thô tục, tranh giành, tiêu cực của tham sân si hiện nơi thân khẩu ý. Chư tôn đức tăng ni lãnh đạo và các huynh trưởng GDPT là những tấm gương mẫu mực tại thế gian, thay Phật để truyền đạt những đức hạnh an lạc của kinh Pháp Cú cho chính mình và đàn em như  giữ giới, ngồi thiền, tu tuệ, đạo đức, oai nghi, chánh niệm, định tâm, thương người, tha thứ, hỷ xả, không phóng dật, công bằng, hy sinh, xả ngã vì người và khéo chế ngự thân khẩu ý của mình, vv. Kinh Pháp Cú dạy chúng ta làm thế nào để những đức tánh thánh thiện này thể hiện nơi thân khẩu ý chúng ta trong vai trò hay sứ mạng tu tập và lãnh đạo GDPT của chúng ta.

Như vậy, Phật pháp and GDPT sẽ tồn tại rất đẹp và lý tưởng.

Kính mong lắm thay!

  Chùa Hương Sen mùa hoa tiêu đỏ nở,

Ngày 21 tháng 5 năm 2017

 

Thích Nữ Giới Hương

 

 

 

Tài Liệu Tham Khảo

Most Venerable Thích Minh Châu. Kinh Pháp Cú. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam.

          <http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/pali/phapcu1.htm>

Ven. Narada Maha Thera. Dhammapada. Maha Bodhi Information and Publications Division. Sarnath, India. 1971.

 

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm