Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Top 36+ Hình Ảnh Hoa Cỏ Mùa Xuân, Tổng Hợp Những Hình Ảnh Mùa Xuân Đẹp Nhất

 

THÍCH MINH CHÂU * THÍCH NỮ TRÍ HẢI

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

THÍCH ĐỨC THẮNG * THÍCH PHƯỚC AN

ĐỖ HỒNG NGỌC * NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI  *VĨNH HẢO

 Ỷ THU AM * TUỆ NGUYÊN * NGUYỄN THẾ ĐĂNG

 

Hương Pháp Mùa Xuân

 

4

 

NGUYỄN HIỀN-ĐỨC

Thực hiện để… học Phật – tháng 01 năm 2022

 

 

 

MỤC LỤC

THÍCH MINH CHÂU: Ý Đẹp Với Mùa Xuân….. 3

THÍCH NỮ TRÍ HẢI: Đức Phật Và Nụ Cười…. 13

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH: Thì Cành Mai Vẫn Nở…..19

THÍCH ĐỨC THẮNG: Ẩn Dụ Một Đóa Hoa….. 26

THÍCH PHƯỚC AN:

Cuối Năm Đọc “Những Ngày Hoang Vu” Của Nguyễn Đức Sơn….. 31

ĐỖ HỒNG NGỌC: Thêm Một Tuổi Mới….. 37

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH: Reo Tuổi….. 42

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI: Trăng Thơm….. 52

VĨNH HẢO: Ước Hẹn Ngày Mới….. 54

VĨNH HẢO: Tâm Xuân….. 56

Ỷ THU AM: Mùa Xuân, Tuổi Trẻ Và Đạo Phật….. 59

TUỆ NGUYÊN: Xuân Tình Vô Ngã….. 64

NGUYỄN THẾ ĐĂNG: Ngày Xuân Của Hiện Tại….. 66

 

 

 

HT THÍCH MINH CHÂU:

 

Ý Đẹp Với Mùa Xuân

16/01/2022

 

 

Mùa xuân đến như báo hiệu với chúng ta một tương lai tốt đẹp đang đến gần, giống như vừng rạng đông báo hiệu một ngày mới, tươi sáng đang đến gần vậy.

Dù chưa đủ xua tan màn đêm còn sót lại, ánh rạng đông là tín hiệu đáng vui mừng và tin tưởng, vì nó báo hiệu bóng tối đang lùi dần, nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời tỏa ấm và soi sáng muôn vật. Chúng ta đang đón tiếp một mùa Xuân dân tộc với một niềm tin tưởng như vậy về quê hương đất nước chúng ta. Mặc dù còn nhiều khó khăn cần khắc phục và vượt qua, xã hội Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực nhằm phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức dân tộc và nhằm hòa nhập vào trào lưu tiến bộ chung của thế giới; và chúng ta tin tưởng một tương lai tốt đẹp đang đến gần với con người và đất nước Việt Nam. Đó là tín hiệu mùa Xuân đối với mọi người Việt Nam chúng ta.

Đối với người Phật tử thì mùa Xuân còn là tín hiệu của điềm lành, của phước nghiệp đang đến gần, đang chào đón chúng ta, những người làm lành, giống như bà con và bạn hữu đang vui mừng chào đón sự trở về của người khách viễn xứ vậy:

“Khách lâu ngày ly huơng,

An toàn từ xa về,

Bà con cùng thân hữu,

Hân hoan đón chào mừng.

Cũng vậy các phước nghiệp,

Đón chào người làm lành,

Đời này và đời sau,

Như thân nhân đón chào”.

(Pháp Cú, 219-220)

Người khách ly hương quay về xứ sở, góp sức mình cùng xây dựng quê hương tốt đẹp. Cũng vậy, các phước nghiệp quay về với người làm lành, gióng tiếng nói cho cuộc sống thêm đẹp, cho đời thêm tươi.

Hòa chung niềm vui của đất nước đang có những chuyển biến tốt đẹp, người Phật tử Việt Nam chúng ta càng tin tưởng và nỗ lực nhiều hơn nữa trong nếp sống thiện, nếp sốngđạo đức và nêu cao nét đẹp đạo đức của mình, vì chúng ta hiểu rằng, chỉ có nếp sống thiện, nếp sống đạo đức mới xây dựng được một xã hội tốt đẹp, một đất nước thật sự phát triển và ổn định. Nhân dịp này, chúng tôi muốn giới thiệu với quý vị bài kinh “Giáo Giới Rahula”, như là phương pháp sống đạo đức của người Phật tử, mở đường cho hạnh phúc và an lạc của tự thân, gia đình và xã hội, một bài kinh đã được vua A-dục cho khắc vào bia ký và yêu cầu cả giới xuất gia và tại gia cần phải tụng đọc và hành trì hằng ngày.

Bài kinh này (Kinh số 61, Trung Bộ) do đức Phật giảng dạy cho Tôn giả Rahula khi Tôn giả còn là Sa-di, đang tập sự làm người xuất gia hành Sa-môn hạnh. Sa-môn hạnh là nếp sống chuyên đào luyện thân tâm dựa trên pháp môn Giới, Định, Tuệ của đức Phật. Bài kinh được tóm tắt như sau:

Hôm ấy, đức Phật đến thăm Tôn giả Rahula đang sống tu tập tại ngôi rừng Ambalatthika. Tôn giả Rahula đón tiếp bậc Đạo sư của mình với một tâm tư hoan hỷ và một vài nghi thức cần thiết như sửa soạn chỗ ngồi, múc nước rửa chân, kính lễ bậc Đạo sư… Rồi đức Phật, trong khi đang rửa chân, đã dùng ảnh dụ “chậu nước rửa chân”, để dạy cho Tôn giả Rahula về hạnh không nói láo, bởi biết mà nói láo là hành vi được xem là phi Sa-môn hạnh, khiến Sa-môn hạnh trở nên bị kém cỏi, bị đổ bỏ, bị lật úp, trở thành trống rỗng, giống như ảnh dụ cái chậu nước rửa chân vậy.

Tiếp theo, đức Phật dùng ví dụ hai con voi lâm trận để minh họa hai nếp sống khác nhau. Thứ nhất là nếp sống biết phòng hộ lời nói (không nói láo), được ví cho con voi thứ nhất, biết giữ gìn và bảo vệ cái vòi khi lâm trận, nên không quăng bỏ mạng sống của nó nơi chiến địa, là nếp sống đáng thực hành, đáng học tập. Thứ hai là nếp sống không phòng hộ lời nói (nói láo), được ví như con voi thứ hai, không biết giữ gìn và bảo vệ cái vòi khi lâm trận, nên cuối cùng con voi ấy đành quăng bỏ mạng sống của mình nơi trận mạc, là nếp sống không nên thực hành; bởi vì, khi người ta không chú ý đến việc phòng hộ lời nói, khi người ta nói láo mà không biết tàm quý xấu hổ thì điều đó sẽ có nghĩa là con người ta có thể làm nhiều việc tệ hại hơn, giống như con voi lâm trận nhưng không khéo gìn giữ, bảo vệ cái vòi của nó, con voi ấy sẽ không từ bỏ bất cứ một hành động độc ác nào.

Sau cùng, đức Phật lại dùng ví dụ “chiếc gương soi” để huấn luyện cho Tôn giả Rahula phương pháp thanh tịnh hóa ba nghiệp–thân, khẩu, ý– bằng cách xem xét và phản tỉnh nhiều lần đối với mỗi hành vi của ba nghiệp, trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm, khiến cho ba nghiệp được thanh tịnh, không rơi vào các hành động phi pháp, phi đạo đức. Đức Phật khuyên Tôn giả Rahula nên thực hành pháp môn này, bởi vì đó là phương pháp tịnh hóa ba nghiệp mà bất kỳ Sa-môn hay Bà-la-môn nào, dù ở quá khứ, hiện tại hay vị lai, muốn trang nghiêm thanh tịnh ba nghiệp của mình đều thực hành theo phương pháp này.

Như vậy, nếp sống đạo đức của người Phật tử, như được mô tả trong bài kinh Giáo Giới Rahula, là nếp sống chuyên phòng hộ và tu tập ba nghiệp, không để cho ba nghiệp rơi vào hành vi ác, bất thiện. Người Phật tử là người phát nguyện đi theo con đường giác ngộ của đức Phật, do đó, bất cứ hành vi nào chống lại sự giác ngộ, chống lại khả năng tự hoàn thiện nhân cách giác ngộ ấy đều được người Phật tử nhận chân và ngay lập tức tìm cách loại bỏ nó. Nếp sống đạo đức của người Phật tử là nếp sống biết làm điều gì và không làm điều gì.

Không làm mọi điều ác,

Thành tựu các hạnh lành,

Giữ tâm ý trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.

(Pháp Cú, 183)

Bài kệ trên đã khái quát rõ một nếp sống mà người Phật tử cần phải chọn lựa. Để tìm thấy hạnh phúc, Phật tử không những từ bỏ các điều ác, mà còn phải làm các điều lành, bởi chỉ có thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành mới có thể xây dựng một đời sống đạo đức, hạnh phúc lành mạnh. Nếp sống đạo đức của người Phật tử bắt đầu từ việc bỏ ác làm lành.

Có mười hành vi thường được nói đến trong giáo lý đạo Phật liên quan đến ba nghiệp thân, khẩu, ý gồm:

– Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, thuộc thân nghiệp.

– Nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm; thuộc khẩu nghiệp.

– Tham dục, sân hận, tà kiến; thuộc ý nghiệp.

Mười hành vi này, nếu làm thì gọi là ác hay bất thiện, không làm hay từ bỏ thì gọi là thiện, và phương pháp tịnh hóa ba nghiệp như được nói trong bài kinh Giáo Giới Rahula chính là nếp sống tử bỏ mười điều ác và làm mười điều thiện này. Dĩ nhiên, người Phật tử sẽ không bao giờ nhầm lẫn giữa hai nếp sống thiện và bất thiện bởi giáo lý của đức Phật luôn luôn phân định rõ ràng biên giới giữa thiện và bất thiện. Một vài định nghĩa sau đây sẽ giúp soi sáng thái độ chọn lựa của người Phật tử.

“Chư Hiền, thế nào là bất thiện? Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưới là bất thiện, nói lời độc ác là bất thiện, nói lời phù phiếm là bất thiện; tham dục là bất thiện, sân hận là bất thiện, tà kiến là bất thiện.

Chư Hiền, thế nào là thiện? Chư Hiền, từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ nói lời độc ác là thiện, từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện; từ bỏ tham dục là thiện, từ bỏ sân hận là thiện, từ bỏ tà kiến là thiện” (Trung Bộ I, Kinh Chánh Tri Kiến, số 9).

GIẢI PHÁP HAY NẾP SỐNG ĐẠO ĐỨC ĐƯỢC ĐỀ BẠT TRONG BÀI KINH

  1. Nếp sống từ bỏ mọi điều ác bằng cách xem xét và phản tỉnh về ba nghiệp thân, khẩu ý.

“Này, Rahula, khi ông muốn làm một thân, khẩu, ý nghiệp gì, hãy phản tỉnh như sau: “Thân, khẩu, ý nghiệp này ta muốn làm; thân, khẩu, ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo khổ đau”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý nghiệp ông muốn làm ấy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa dến khổ đau, đem lại quả báo khổ đau, thời này Rahula, một thân, khẩu, ý nghiệp như vậy ông nhất định chớ có làm.

“Này Rahula, khi ông đang làm một thân, khẩu, ý nghíệp gì, ông cần phải phản tỉnh như sau: “Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đang làm; thân, khẩu, ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo khổ đau”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý nghiệp ông đang làm ấy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo khổ đau, thời này Rahula, ở đây ông hãy từ bỏ thân, khẩu, ý nghiệp như vậy.

“Này Rahula, sau khi làm xong một thân, khẩu, ý nghiệp gì, ông cần phải phản tỉnh như sau: “Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đã làm; thân, khẩu, ý nghiệp này của ta có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp này là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo khổ đau”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý nghiệp ông đã làm ấy có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu ý nghiệp ấy là bất thiện, đưa đến khổ đau, đem lại quả báo khổ đau, thời này “Rahula, một thân, khẩu, ý nghiệp như vậy ông cần phải lo âu, tàm quý, nhàm chán, ông cần phải thưa lên, cần phải tỏ lộ, cần phải trình bày trước vị Đạo sư hay trước các vị đồng Phạm hạnh có trí. Sau khi lo âu, tàm quý, nhàm chán, thưa lên, tỏ lộ trình bày, ông cần phải phòng hộ trong tương lai” (Trung Bộ Kinh I, số 61, kinh giáo giới La-hầu-La ở rừngAmbala).

  1. Nếp sống làm các điều lành qua việc xem xét và phản tỉnh về ba nghiệp.

“Này Rahula, khi ông muốn làm một thân, khẩu, ý nghiệp gì, hãy phản tỉnh như sau: “Thân, khẩu, ý nghiệp này ta muốn làm; thân, khẩu, ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem đến quả báo an lạc”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý nghiệp ông muốn làm ấy không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai; thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến an lạc, đem lại quả báo an lạc, thời này Rahula, một thân, khẩu, ý nghiệp như vậy ông nên làm.

“Này Rahula, khi ông đang làm một thân, khẩu, ý nghiệp gì, ông cần phải phản tỉnh như sau: “Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đang làm; thân, khẩu, ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu? Ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem lại quả báo an lạc”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý nghiệp ông đang làm ấy không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai; thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến an lạc, đem lại quả báo an lạc, thời này Rahula, một thân khẩu, ý nghiệp như vậy ông cần phải tiếp tục làm.

“Này Rahula, sau khi làm xong một thân, khẩu, ý nghiệp gì, ông cần phải phản tỉnh như sau: “Thân, khẩu, ý nghiệp này ta đã làm; thân, khẩu, ý nghiệp này của ta không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai, thời thân, khẩu, ý nghiệp này là thiện, đưa đến an lạc, đem lại quả báo an lạc”. Này Rahula, nếu trong khi phản tỉnh ông biết rằng thân, khẩu, ý nghiệp ông đã làm ấy không có thể đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai; thân, khẩu, ý nghiệp ấy là thiện, đưa đến an lạc, đem lại quả báo an lạc, thời này Rahula, ông cần phải an trú trong niềm hoan hỷ, tự mình tiếp tục tu học ngày đêm trong các thiện pháp” (Trung Bộ Kinh I, số 61, kinh giáo giới La-hầu-La ở rừngAmbala).

Giải pháp hay nếp sống đạo đức như được gợi ý ở các đoạn kinh trên là hết sức căn bản và rõ ràng. Đạo đức ở đây là đồng nghĩa với việc bỏ ác làm lành, là một nếp sống thiết thực có cân nhắc chọn lựa vừa thiện và bất thiện, chớ không có mơ hồ, tưởng tượng. Bởi các nghiệp sẽ đưa đến ác báo, khổ đau và thiện nghiệp đưa đến thiện báo, an lạc; do đó, sống đạo đức, bỏ ác làm lành, cũng có nghĩa là sống hạnh phúc. Có rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh khái niệm hạnh phúc, nhưng đạo Phật nhấn mạnh hạnh phúc của nếp sống bỏ ác làm lành. Quả vậy, với tiêu chuẩn thiện ác rõ ràng, không lẫn lộn, người Phật tử có thể quyết định số phận khổ đau hay hạnh phúc của chính mình qua nếp sống thiện hay bất thiện, như đức Phật đã chỉ rõ:

“Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,

Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo”.

(Pháp Cú 1)

Hay là:

“Nếu với ý thanh tịnh,

Nói lên hay hành động,

An lạc bước theo sau,

Như bóng không rời hình”.

(Pháp Cú, 2)

Một vài nhận xét về bài kinh:

Tiếp theo, chúng tôi xin trình bày với quý vị một vài nhận xét về bài kinh vừa nêu.

Trước hết, Giáo Giới Rahula là bài kinh căn bản giúp xây dựng nếp sống thiện, nếp sống đạo đức, hạnh phúc cho người Phật tử. Nếp sống đạo đức của người Phật tử là nếp sống bỏ ác làm lành. Bài kinh cần được các Phật tử lưu tâm học thuộc lòng nhiều đoạn, nhất là các đoạn nói về cách từ bỏ ba nghiệp ác, thực hành ba nghiệp thiện qua việc xem xét và phản tỉnh nhiều lần, trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm ba nghiệp.

Bài kinh chỉ nêu lên cách thức quán sát và phản tỉnh về ba nghiệp thân, khẩu, ý, mà không đề cập cụ thể các hành vi thường đi liền với ba nghiệp. Do đó, một sự liên kết mười thiện nghiệp hay mười ác nghiệp gắn liền với thân, khẩu, ý là hết sức cần thiết trong khi thực hành phương pháp thanh tịnh hóa ba nghiệp này.

– Sự xem xét và phản tỉnh về ba nghiệp là rất quan trọng trong pháp môn thanh tịnh hóa ba nghiệp, bởi vì, có xem xét và phản tỉnh nhiều lần thì mới đoan chắc điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Có thể nói, cốt lõi của bài kinh là nằm ở chỗ này, tức là sự xem xét và phản tỉnh về những gì muốn làm, đang làm hay đã làm bởi thân, khẩu, ý; vì nếu không có sự xem xét hay phản tỉnh về ba nghiệp thì không thể có sự phòng hộ hay tu tập ba nghiệp. Tương tự, thái độ xem xét thành thật về ba nghiệp, thiện hay ác, là hết sức cần thiết nhằm chặn đứng điều ác, nếu có, và nhằm khích lệ các điều thiện đã làm.

– Thiện hay ác không dễ dàng đến với mình nếu không do sự tích lũy dần dần trong cuộc sống. Một cuộc đời chứa đầy ác, ấy là do thái độ xem thường của con người đối với các điều ác nhỏ nhặt được tích lũy lâu ngày trong cuộc sống. Tương tự, người Phật tử chứa đầy thiện, ấy là do thái độ biết trân trọng các điều thiện, dù rất nhỏ, được nuôi dưỡng lâu năm dần trong nếp sống làm lành:

“Chớ chê khinh điều ác,

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người ngu chứa đầy ác,

Do chất chứa dần dần”.

(Pháp Cú, 121)

và:

“Chớ chê khinh điều thiện,

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn,

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần”.

(Pháp Cú, 122)

– Tính cách thực tiễn của bài kinh khiến chúng ta tin tưởng rằng lời dạy của đức Phật không phải để dành riêng cho ai, mà dành cho tất cả mọi người, cho những ai biết trân trọng và tìm thấy lợi ích, hạnh phúc trong nếp sống thiện, nếp sống có đạo đức. Giải pháp đạo đức được đề bạt trong bài kinh là thiết thực và dễ dàng, liên quan đến đời sống hàng ngày của con người (lời nói, suy tư và hành động), do đó mọi người đều có thể ứng dụng. – Sau cùng và cũng là điều quan trọng hơn cả là việc ứng dụng bài kinh vào cuộc sống hàng ngày của người Phật tử. Bài kinh nói về nếp sống thiện, nếp sống đạo đức; nhưng đạo đức không có ở trong bài kinh, đạo đức chỉ có nơi những người chuyên tâm thực hành những lời kinh dạy. Do đó, giảng nói về đạo đức là cần thiết, nhưng quan trọng hơn vẫn là sống một nếp sống đạo đức thực sự với sự xem xét và phản tỉnh thường xuyên về ba nghiệp, thân, khẩu, ý của mình.

Chúng tôi vừa giới thiệu với quý vị bài kinh Giáo Giới Rahula với giải pháp đạo đức thực tiễn có thể giúp ứng dụng dễ dàng vào đời sống hàng ngày của mỗi người Phật tử chúng ta. Chúng tôi cũng đã có vài nhận xét gợi ý nhằm giúp cho quý vị thấy rõ tầm quan trọng của pháp môn thanh tịnh hóa ba nghiệp đối với cuộc sống là như thế nào. Vấn đề còn lại chỉ là mỗi cá nhân chúng ta có cương quyết thực hiện hay không mà thôi. Tất nhiên, chúng tôi rất tin tưởng mỗi người Phật tử chúng ta đều đang nỗ lực thực hành lời Phật dạy, nhất là vấn đề tu dướng đạo đức là hết sức cần thiết cho cuộc sống con người và xã hội ngày nay. Quả thật, chúng ta cần bình tâm mà nhận ra rằng, dù đã có những bước chuyển mình khá tốt đẹp, xã hội Việt Nam đang tồn đọng nhiều vấn đề đòi hỏi mỗi người Việt Nam chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn mới mong giải quyết được. Nhưng điều chúng ta lo ngại nhất là nếp sống văn hóa và đạo đức truyền thống đang có nguy cơ bị đẩy lùi khiến ảnh hưởng đến các thế hệ con em của chúng ta, vì nó làm cho con người Việt Nam vốn mất dần đi tính chất của con người Việt Nam vốn có cội nguồn văn hoá vàđạo đức rất đặc biệt. Nguyên nhân của vấn nạn trên là gì nếu không nói là sự thờ ơ và xem thường của con người Việt Nam trước vấn đề đạo đức của cá nhân dẫn đến sự thờ ơ đối với đạo đức gia đình và xã hội? Tại sao trẻ em Việt Nam chưa ngoan? Tại sao trẻ em Việt Nam thiếu hoặc không tôn trọng bố mẹ, thầy cô giáo? Tại sao trẻ em Việt Nam trở thành kẻ phạm pháp? Câu trả lời thì đã có nhiều, nhưng chắc chắn con em của chúng ta sẽ không có những sai phạm nói trên nếu như những người lớn chúng ta đã không tỏ ra quá buông thả trong đời sống cá nhân khiến ảnh hường đến tâm lý hay học đòi, bắt chước của chúng? Vấn đề đang đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa về nếp sống đạo đức và nêu cao đạo đức của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Chúng ta đã từng có, trong lịch sử dân tộc, những mùa Xuân thật sự hạnh phúc và thái bình mà tấm thảm dệt nên mùa Xuân đó không gì khác là nếp sống thiện, nếp sống đạo đức của một dân tộc được phát huy cao độ. Một thoáng nhìn về quá khứ để thấy rằng dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng tu dưỡng đạo đức qua nếp sống từ bỏ mười điều ác, thực hành mười điều thiện của thân, miệng, ý và đã từng hưởng trọn những mùa Xuân an lành, thịnh vượng nhờ nếp sống ấy. Đó là những mùa Xuân thời Lý, Trần. Chúng ta từng có những ông vua bỏ ngai vàng xuất gia, kiên quyết sống đời sống đạo đức và khuyên dạy người dân tu dưỡng đạo đức qua nếp sống làm mười điều thiện khiến ảnh hưởng đến đời sống đạo đức của toàn dân và thái bình của xứ sở.

Lịch sử đã sang trang. Thời Lý, Trần đã lùi về quá khứ. Nhưng phải chăng tấm gương của thời Lý, Trần đã cần thiết cho cuộc sống hiện tại của chúng ta để suy gẫm lại nếp sống của chính mình, giống như “chiếc gương soi” của đức Phật trong bài kinh Giáo Giới Rahula là hết sức cần thiết để soi lại ba nghiệp thân, khẩu, ý của mỗi người chúng ta? Chúng tôi hy vọng mỗi người Phật tử chúng ta sẽ mang sắc bên mình “chiếc gương soi” mà hơn 25 thế kỷ trước đức Phật đã ưu ái trao cho Tôn giả Rahula. Và đó là tín hiệu đầu Xuân mà chúng tôi thân ái muốn gởi đến.

(Bài giảng đầu Xuân Giáp Tuất năm 1994 tại Thiền viện Vạn Hạnh. Trích từ sách “Chánh Pháp và Hạnh Phúc”)

Thích Minh Châu

Đọc tiếp

 

 

 

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

 

Đức Phật Và Nụ Cười

18/01/2022

 30

Qua những kinh điển Đại Tiểu thừa ghi lại cuộc đời đức Phật trong 49 năm du hóa, chúng ta có được một hình ảnh linh động về đấng Đạo sư. Nét độc đáo nhất trong nhân cách Ngài là Ngài không bao giờ mất bình tĩnh. Ngài luôn luôn giữ được phong độ, dù gặp những gian nguy sỉ nhục.

Nhưng, một nét độc đáo khác của Phật là Ngài rất ít khi cười lớn, mà chỉ mỉm nụ nhiệm mầu. Cho nên mỗi khi Ngài cười lớn, là cả một “đại sự nhân duyên”. Cái cười ấy phóng ra muôn vàn ánh quang minh vốn là một thứ ngôn ngữ, một cách truyền thông chân lý Ngài đã chứng cho các vị Bồ tát cao cấp. Đối với kẻ phàm tục chúng ta, nụ cười của Phật bởi thế trở thành một cái gì hết sức huyền bí, vô cùng quyến rũ.

Nhìn những tượng tranh trình bày tôn dung Ngài (cố nhiên không phải những bức tượng đủ 32 tướng xấu 80 vẻ tệ do thợ tồi đúc nên) chúng ta luôn luôn muốn chiêm ngưỡng mãi nụ cười bí ẩn kia: nụ cười không hẳn là cười. Một nụ cười như ẩn như hiện, như xa như gần, như sắc như không. Một nụ cười vừa rất hồn nhiên, vừa sáng ngời trí giác. Một nụ cười ra chiều giễu cợt, ra chiều xót thương. Chiêm ngưỡng nụ cười Ngài, chúng ta có cảm tưởng Ngài giấu ta một điều gì, mà nếu ta đứng lặng nhìn lâu hơn một chút, ta sẽ biết được. Nhưng phải hết sức là lặng, vì

Không gian như có giây tơ

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu (XD)

Cái gì chúng ta biết được trong nụ cười thoáng qua ấy cũng thật vô cùng mong manh, nó vụt tan biến ngay khi một niệm vừa móng khởi. Chiêm ngưỡng nụ cười Ngài, chúng ta bất giác muốn cười theo, nhưng khi nhìn lại bản thân, chúng ta muốn khóc hơn cười, và khi ngẩng nhìn trở lại, thì ô kìa, Đức Từ Tôn hình như bỗng trở nên nghiêm trang, không còn mỉm cười với ta nữa. Nhưng dù có mỉm cười hay không, Phật vẫn có một sắc diện tươi tỉnh hài hòa, đem lại cho chúng ta một niềm bình an vô hạn.

Nét mặt Ngài tràn trề hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không liên hệ gì đến thế tục, và chính vì vậy mới thật là hạnh phúc. Quả vậy, làm sao tìm được hạnh phúc nơi một nét mặt in hằn những lo âu vì tính mạng, tài sản, lợi danh? Làm sao tìm thấy bóng hạnh phúc nơi một nét mặt in hằn những vết nhăn của những tháng ngày đau thương chồng chất? Nét mặt trên một tượng Phật khéo tạc là một nét mặt không có thời gian, không bao giờ ta đoán được Ngài bao nhiêu tuổi.

Vua Ba Tư Nặc theo Phật là do quan sát những vị Tỷ kheo đệ tử Ngài ăn ngày một bữa, ngủ gốc cây, ở giữa trời, không có một vật tùy thân đáng giá, vậy mà gương mặt vị nào cũng tràn đầy hạnh phúc hiếm thấy nơi người thường. Các Tỷ kheo này cũng vậy, không bao giờ hở răng cười vì cười để lộ hai hàm răng là điều giới luật cấm kỵ. Vậy mà tất cả con người của họ chính là hiện thân của niềm hỷ lạc vô biên.

Tại sao trong chương nói về uy nghi của tu sĩ, có việc cấm ngoác miệng ra mà cười? Có lẽ tại vì cười là hành tướng của vô minh bất giác. Tâm động mới phát ra cười và khóc. Nếu tâm an trú trong chân tánh bồ đề, thì không gì có thể khiến cho ta khóc hay cười được. Cho nên, mỗi khi rất hiếm hoi, mà Phật phát ra tràng cười lớn (như khi Ngài lên đỉnh Lăng Già thuyết pháp cho vua Rồng biển) thì đại chúng phải ngạc nhiên tự hỏi: “Như Lai là đấng tự tại đối với các pháp, nay bỗng vì nguyên nhân gì lại nổi lên cười lớn”.

Cái cười còn là đầu mối của lòng dâm. Phụ nữ bất chánh ưa cười cợt để gợi sự chú ý của người khác. Cái cười cái khóc của họ đều là những khí giới rất lợi hại để lừa dối người ta về tình hoặc tiền. Chính vì cười không đúng lúc mà hai ái phi của vua Ngô Phù Sai phải bị Tôn võ tử chém đầu một cách oan uổng (các nàng cười trong một buổi tập dượt nghĩa vụ quân sự cho phụ nữ trong cung).

Những triết gia bi quan cho rằng cái cười là một phát minh đặc biệt của loài người, vì con người quá đau khổ. Trong các loài thú, không có con nào cười như con người cả. Cái cười của con người có thể là để che giấu sự đau khổ, uất hận, mỉa mai, chua chát.

Có tới ba mươi sáu kiểu cười theo sự phân tích, cũng như một cái quạt giấy ngày xưa có vô vàn cách sử dụng chứ không phải chỉ để quạt cho mát mà thôi. Có người dùng cái quạt để che mặt, hoặc để giấu một nụ cười, hoặc để liếc mắt đưa tình. Có người quạt cho kẻ khác để tán tỉnh, như các nịnh thần quạt cho vua. Có người tự quạt cho mình để nuốt hận. Lại cũng có kẻ xử dụng cái quạt để trở cán đánh vào người khác. Nụ cười cũng vậy, không phải đơn thuần diễn tả nỗi vui sướng mà trái lại, có khi chỉ là trá hình của đau khổ:

 Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười  (Nguyễn Công Trứ)

Một thi sĩ nói “Cười là tiếng khóc khô không lệ”. Thành thử cái cười đôi lúc còn bi thảm hơn cả cái khóc. Molière, Voltaire, kịch gia, văn hào nổi tiếng của Pháp về hài hước đều là những người có nhân sinh quan vô cùng đen tối. Vào những thời kỳ đau khổ trong lịch sử quốc gia, văn chường trào lộng rất thịnh hành. Thi hào Keats nói “nụ cười chân thật nhất thường đậm nét thương đau” (Our sincerest laughter, with some pain is fraught).

Có khi con người cười để che sự giận uất:

 Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười

 (Nguyễn Công Trứ)

Có những nụ cười rất nham hiểm, như nụ cười của Hoạn thư trước nỗi khổ của Thúc sinh thương Kiều đang bị hành hạ mà không dám khóc:

Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

Nụ cười của Hoạn Thư đã làm cho Kiều phải than:

Giận dầu ra dạ thế thường

Cười này mới thật khôn lường hiểm sâu!

Có nụ cười để bày tỏ sự trách móc, như nụ cười của Từ Hải:

Cười rằng: tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình

Cái cười để che giấu sự ác độc là một đặc tính làm cho con người gần với loài thú nhất. Triết gia Thomas Hobbes phân tích rằng con người giống con thú nhất là ở cái sự nhe nanh ra mà cười, vì cái cười nơi con người cũng như sự nhe nanh của thú vật mỗi khi gặp nhau. Con thú ăn tươi nuốt sống ngay đối phương, còn con người thì cười trước, rồi mới liệu bề nuốt nhau từ từ:

Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Đó là nụ cười đại diện cho sự nham hiểm của con người.

Như vậy, cái cười không phải là biểu hiện duy nhất, chân thật và đơn thuần của hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà Phật ít khi cười lớn, và giới luật cũng cấm những vị xuất gia nhe răng cười, mặc dù Phật giáo đề cao hạnh phúc, chống đau khổ. Toàn bộ chân lý Phật giáo là chỉ nhằm mục đích diệt khổ, đem lại Niết bàn, hạnh phúc tối cao. Nhưng hạnh phúc ấy không phải biểu lộ bằng cách nhe răng cười. Hạnh phúc ấy không cần biểu lộ, không tương quan gì đến cảnh ngoài, mà tuôn phát từ nguồn tâm, nên mới trường cửu, bất tận, to lớn đến không còn mang nhãn hiệu hạnh phúc, vì vượt ngoài danh ngôn đối đãi, hoàn toàn vô điều kiện.

Con người ưa sống ghét chết, ưa hợp ghét ly, ưa vui ghét khổ, mà không biết sống chết, hợp tan, vui khổ chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Vì ưa sống ghét chết nên sống thì cười, chết thì khóc, bởi thế mà cứ phải quanh quẩn mãi trong vòng sống chết khóc cười, không biết bao giờ ra khỏi.

Nét mặt bình an của Phật biểu thị sự siêu thoát khỏi vòng sống chết khóc cười của thế nhân. Trong cảnh sống say chết ngủ, con người mới thấy có sống có chết, có vui có buồn, có phúc có họa. Nhưng đối với đấng Giác ngộ, sống chết buồn vui họa phúc chỉ như bào ảnh, như điện chớp, như sương khói, như chiêm bao. Tất cả đều duy tâm biến hiện, như những hình ảnh do họa sĩ vẽ nên, như những nhân vật trong tiểu thuyết do nhà văn tạo.

Có nhà văn tạo ra một nhân vật, cho nó nếm trải đủ mùi vị ngọt bùi cay đắng, lặn hụp qua ba mươi sáu nẻo luân hồi, nhân vật ấy trở thành một hình ảnh linh động tới nỗi nhà văn coi nó như thật, khóc cười theo với nó, rồi hóa điên. Nghe một chuyện như thế, chúng ta sẽ cho là hy hữu lạ kỳ, nhưng nhà văn ấy chính là chúng ta đây. Trong cảnh giả thì vui khổ đều giả, không có gì đáng khóc mà cũng không có gì đáng cười. Vậy mà chúng ta vẫn khóc, vẫn cười, cho nên dưới mắt Phật, chúng ta đều là đồ điên: bởi thế mà có danh từ điên đảo. Thật cho là giả, giả cho là thật, đó là căn bệnh trầm kha của chúng sinh vậy.

Tái Bút: Đọc bài tùy bút trên, nhiều độc giả hiểu lầm tác giả lên án nụ cười và chủ trương không nên cười, do đó cần đính chính rằng, vẫn có những nụ cười rất đẹp đã tô điểm cho cuộc đời ảm đạm, đó là những nụ cười chay.

Gọi là nụ cười chay, bởi vì nó thật hoàn toàn… chay, không một ẩn ý chua xót, mỉa mai, hiểm độc, mà chỉ đơn thuần là nụ cười. Lại nữa, nó không phải trả giá bằng nỗi đau khổ của mình (cười chua chát) hay của kẻ khác (cười đắc thắng). Chỉ có nụ cười như vậy mới xứng đáng được xem là “ánh mặt trời xua đuổi mùa đông ra khỏi nét mặt con người” như V. Hugo diễn tả (le rire, c’est le soleil qui chasse l’hiver du visage humain).

Đầu tiên là nụ cười của trẻ thơ chưa biết nói, chưa có cái răng nào, (nên khỏi phải sợ để lộ răng), điển hình là nụ cười của em bé trên tấm hình quảng cáo sữa Guigoz: thật là một nụ cười hoàn toàn hạnh phúc.

Thứ đến là cái cười trừ, cười xí xóa một lầm lỗi của người khác, như cái cười của chú thị giả trong Tân ngữ lục khi một đứa nhỏ làm việc không được vừa ý chú. Thay vì quở mắng, chú chỉ cười lớn bảo đùa nó:

 “Bộ mày muốn đi tu hay sao mà làm ăn kỳ ‘dzậy’?”

Lại có cái cười để chữa thẹn cho kẻ khác. Cố TT Thiện Minh, một hôm bảo điệu đem bánh trái cho một em bé đến chùa. Em lúng túng làm rơi rớt khá nhiều xuống đất. Ngài cười lớn bảo:

“Quà của Phật nhiều lắm, chỉ tiếc rằng hai bàn tay con quá nhỏ!”

Có cái cười đầy Từ bi thông cảm, như cái cười của vị Sư trưởng trong một buổi “quá đường” (bữa ăn theo nghi thức nhà chùa vào trước ngọ) khi một thị giả bưng canh nóng, lỡ sẩy tay đổ cả bát canh ra giữa bàn. Mặt tái như gà cắt tiết, chú tiểu run rẩy chờ đợi một hình phạt nặng. Nhưng bỗng Sư trưởng cười hỏi:

“Con có bỏng tay không?”

Lại có cái cười đầy hương vị giải thoát như cái cười của thíền sư Huệ Viễn trong giai thoại thiền “Hổ khê tam tiếu”.

Nhưng trong sáng hơn cả có lẽ là cái cười “vỡ tinh cầu” của thiền giả khi hoát nhiên đại ngộ.

Và cuối cùng là cái cười bất diệt của Bồ tát Di Lặc (Hòa thượng Bố Đại, truyền thuyết là hóa thân của Bồ tát Di Lặc – HP) mà ta thường thấy trong các tượng tranh về Ngài: mặt đầy, bụng phệ, miệng cười toe trong khi lục tặc vây quanh quấy phá, tượng trưng bằng sáu trẻ nhỏ, đứa xoi lỗ tai, đứa xoi lỗ mũi, đứa sờ lỗ rốn… phải chăng đây là hình ảnh “Lục trần bất ố hoàn đồng chánh giác” của Đại thừa?

Nụ cười của Di Lặc Bồ tát là nụ cười của sự bao dung cởi mở, xóa hết ranh giới thân sơ yêu ghét.

Thích Nữ Trí Hải

Nguồn: hoangphap.org 20/01/2022

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

 

Thì Cành Mai Vẫn Nở

13/01/2022

4

Facebook Twitter In

春 去百 花 洛

春到 百 花 開

事 眼 眼 前 過

老 從 頭 上 來

莫渭春殘 花 洛 盡

庭前 昨夜一枝 梅。

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Nghĩa:

Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân đến trăm hoa nở

Việc đời qua trước mắt

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.

Dịch thơ:

Xuân đi, đóa đóa hoa rơi

Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu

Việc đời, trước mắt qua mau

Tuổi già chợt đến trên đầu thế a?

Xuân tàn chớ bảo không hoa

Một cành mai nở, đêm qua, trước thềm.

Confession de sa maladieà tous

Printemps s’en va, toutes fleurs s’éparpillent,

Printemps s’en vient, elles s’épanouissent glorieusement.

La vie s’écoule, s’écoule éterrnellement,

Jaunâtre, sur nos cheveux, l’ombre de la vieillesse arrive.

Pensez pas que toutes fleurs se fanent quand printemps s’en aille,

Hier soir, dans la cour, une branche d’abricot apparaît.

(Traduction du poème de Vénérable Mãn Giác)

(1052-1096)

Telling all the illness

Spring goes by, falling down all flowers

Spring comes, they show off their blooming.

Before our eyes, worldly events fly, naturally fly,

On our head, sadness of old age appears.

But think not that flowers fade when spring’s past

In the courtyard, last night, an apricot branch blossomed.

Mỗi lần xuân đến, những tạp chí Phật giáo đây đó thường nô nức nhắc đến bài kệ thơ của Thiền sư Mãn Giác với những bài bình giảng thật vô cùng trân trọng. Thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp đâu đó trong các bài bình luận văn học, cành mai kia cũng lọt vào cặp mắt xanh của các vị giáo sư, tiến sĩ với thẩm quyền chuyên môn về kiến thức và nhãn quan của mình. Ai cũng nói đây là bài thơ thấm đẫm hương vị thiền. Và, giá trị mỹ học tuyệt vời của nó, dẫu đã một ngàn năm qua đi, vẫn còn mới mẻ, tinh khôi như hạt sương, như ánh nắng long lanh giữa ngàn cây, nội cỏ…

Bài thơ ngắn quá, rất ngắn, lại còn phá cách, phá thể, ngôn từ dị giản – được làm vào lúc “cáo bệnh, dạy học trò” – mà sao ông đã để lại cho văn học sử một tác phẩm bất hủ, vượt thời gian? Bài thơ dường như còn để lại một khoảng trống, một khoảng lặng, một khoảng “ở ngoài lời”; khơi gợi một thế giới tâm linh – mà ở đó – thấp thoáng ẩn hiện mảnh trăng thiền lung linh giữa từng con chữ! Thế gian trí năng đa biện, lý trí kiêu ngạo nầy chắc phải còn tốn nhiều giấy mực về bài thơ của ông. Những cái gọi là nghệ thuật hình tượng, thi pháp, tu từ… với những kiến thức hàn lâm, kinh viện, phạm trù… lại còn kính hiển vi ngữ học thời đại nữa… không biết “thiền ý của cổ đức xưa” được giải mã qua mấy ngàn “trùng quan ý niệm”? Chỉ có điều, đối với “thiền” thì “hay” chưa chắc đã “đúng” và “dở” chưa chắc đã “sai”! Và rồi, cái “hay-dở-đúng-sai” kia-đều không quan trọng, cái cốt tử của nó là trao truyền “thiền ý” cho chúng đồ, tiếp sức cho mạng mạch Phật giáo, thêm năng lượng sự sống và niềm tin cho hàng hậu học sa- môn.

Vậy, chúng ta hãy thử mạo muội đi tìm cái “thiền ý” ấy là gì?

春 去百 花 洛

春到 百 花 開

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

(Xuân đi, đóa đóa hoa rơi

Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu)

Hai câu thơ đầu tiên này, mới nghe qua ta tưởng như bình thường, cái bình thường tự nhiên trong sự dịch hóa của vạn hữu. Ngàn xưa vẫn vậy, ngàn sau vẫn vậy, vẫn là định luật tuần hoàn chuyển đổi của đất trời. Nó không xấu hơn, cũng chẳng tốt hơn.

Nhưng, tại sao, từ cảm quan nào, cảm thức nào mà Thiền sư thi sĩ lại phá vỡ trật tự thói quen của lập ngôn, lập ngữ? Ai cũng nói “đến rồi đi”“nở rồi tàn”, nhưng ở đây thì ngược lại? Cái động từ “khứ” với nghĩa động từ là “đi tới”, nghĩa tĩnh là “qua”“đã qua”, có “mật ngữ”“thiền ý” gì không? Rồi “đáo” đi sau, nghĩa động từ của nó là “đến”; nhưng nghĩa tĩnh của nó là “chu toàn, đầy đủ, viên mãn” – có cho ta một “chớp lóe tâm linh” nào chăng?

Giải mã những điều ấy nếu dùng những hiểu biết thông thường thì e không tới. Mà cho dù kiến thức bác lãm, trí năng thông tuệ thì cũng ở bên này mép rìa của thực tại mà thôi!

Đây là bài thơ thiền. Thiền sư là một hành giả. Nếu muốn nắm bắt ý nghĩa uyên áo giấu kín sau từng con chữ thì người đọc có thể lãnh hội trọn vẹn cũng phải là một hành giả. Nói cách khác, nó là bài thơ thiền thì ta phải có tâm thiền để nhìn ngắm. Ở đây, “nhìn ngắm”, là “quán chiếu thực tại”. Đừng bắt tôi định nghĩa thực tại là gì? Khi ta thấy thực tại là gì nó đã chảy trôi rồi. Chỉ có những hành giả tu tập tuệ quán mới ý thức được hơi thở và từng tế bào sự sống trong tương quan ngoại giới – chúng đang chảy trôi, đang đi qua, đi qua. Tất cả đều đang chảy trôi, đang đi qua trong từng sát-na tâm niệm cũng như những sát-na dịch hóa của đất trời. Vậy, trong cái tâm nhãn, thiền nhãn ấy, “xuân khứ” là đúng với “hiện quán”, đúng với cái nhìn của thiền gia! Và, biết đâu, từ trong sâu thẳm tâm linh, Mãn Giác Thiền sư còn gởi gắm tiếng gọi thống thiết muôn đời của Pháp Bát-nhã Tâm kinh: “Gate, gate… đi qua, đi qua…?! ” Tuy nhiên, đấy là sản phẩm của lý trí đa sự, chất chồng thêm ý niệm mà thôi. Vậy còn “đáo”? Khi “khứ” là đi qua như thế thì “đáo” cũng đâu hẳn là thường ngữ?

Dĩ nhiên rồi. Ngoài định luật tự nhiên – xuân về thì trăm hoa nở – chữ “đáo” đi sau chữ “khứ” chỉ là tạo lập trật tự cho mệnh đề. “xuân đến” hay “xuân về” đều có thể diễn nghĩa cho động từ “đáo” có nghĩa tĩnh là “chu toàn, đầy đủ, viên mãn” thì quả là ta sẽ có một trời ý niệm và liên tưởng thú vị. Có lẽ Thiền sư Mãn Giác không “đa sự” như chúng ta.

事 眼 眼 前 過

老 從 頭 上 來

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

(Việc đời trước mắt qua mau

Tuổi già chợt đến trên đầu thế a?)

Hai câu thơ dịch may lắm thì nói được cái nghĩa, không dễ gì “tín, đạt, nhã” như cổ nhân yêu cầu. “Sự” nôm na là việc đời, chuyện đời. Động từ “trục”, nghĩa động là “đuổi, đuổi theo”; nghĩa tĩnh là “trước sau nối tiếp nhau”. Vậy, việc đời nó “đuổi”, nó “nối tiếp nhau” chạy qua trước mắt.

Câu sau, vế đối cũng được hiểu như vậy. “Già, cái già, tuổi già” nó theo trên đầu nó đến.

Cả hai câu thơ đều vắng bặt bản ngã, và ngay “pháp” cũng trôi chảy “vô ngã tính”.

Phải có cái tuệ quán tỉnh táo mới mình nắm mình, ngoại giới một cách chân xác, rỗng rang và giải thoát như vậy. Ngoài ra, chúng ta còn để ý động từ “quá” và “lai” rõ ràng nó nhất quán với hai động từ “khứ” và “đáo” đi trước nó.

Đến đây, cái kiến giải “thiền ý” ấy ta đã có cơ sở hợp lý, logic – do từ cái nhìn thiền quán của tác giả.

Và cũng từ cái “quán chiếu thực tại” ấy, như dồn tụ năng lực, để đẩy hai câu cuối đến một chân trời thâm viễn hơn.

莫渭春 殘 花 洛 盡

庭前 昨夜一 枝 梅

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai)

Chữ “xuân” trong hai câu đầu là thường ngữ, ngôn ngữ tục đế, tục thể, ai cũng biết, ai cũng hiểu. Hiểu và biết theo phạm trù trí năng. Nhưng chữ “xuân” trong câu áp cuối, không như vậy. Nó vừa mang sứ mạng thường ngữ, vừa lung linh vầng trăng thiền ngữ-biểu tượng cái đẹp xuất thế. Cái vầng trăng thiền ngữ ấy, cái đẹp ấy không thể dùng trí năng để “hiểu và biết” mà là phải “thấy”, cái thấy của tuệ giác, của trực kiến tâm linh.

Mùa xuân thế gian thì đến rồi đi, nở rồi tàn, còn mùa xuân tâm linh không dễ dàng trôi chảy theo định luật tự nhiên của vạn hữu. Người có được mùa xuân tâm linh này không còn bị chi phối bởi vô thường tính, vô ngã tính của cuộc đời. Họ không còn than thở như cụ Tiên Điền: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”! Bậc đạt ngộ nhìn ngắm sự chảy trôi, tụ tán, sinh diệt của vạn hữu với cái nhìn “tỉnh táo, trạm nhiên và an định”. Họ đã trở về tao ngộ với quê hương, với miền đất an bình muôn thuở. Ở đấy, tại mùa xuân vĩnh cửu ấy, cái “tâm hoa” của họ không còn bị sự vô thường chi phối nữa. Cái “thiền ý” ấy bây giờ đã hiện ra bằng cách phá bỏ ý niệm thông tục: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”. Rồi kế đó là dẫn dắt chúng ta đến cánh cửa “huyền mật”, mở ra một không gian khác, thời gian khác – khác với không-thời-gian mà mọi người đang sống.

庭前昨夜一枝梅

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Đêm qua, sân trước, một cành mai)

Thiền ý bây giờ đã lộ rõ: Cành mai này không còn là cành mai của thế gian, cành mai của nở-tàn thông tục nữa. Nó không còn bị chi phối của định luật sinh diệt, hữu hạn cũng như sự vận hành âm dương của trời đất.

Vậy thì cành mai ấy ở đâu? Nó ở “trước sân” và mới nở “đêm qua”. Đến đây, ta đã thấy rõ không gian (trước sân) và thời gian (đêm qua) rất đỗi lạ lùng, mà chỉ có tâm thiền mới thấy được.

Không-thời-gian ấy mới nở được cành mai ấy. Và không có gì rõ ràng hơn thế nữa.

Tuy nhiên, vẫn còn “bí hiểm”, bí hiểm cho những ai chưa trực kiến giây khắc “đốn ngộ”, chưa thực sự bước qua hố thẳm của lý trí nhị nguyên. Nói rõ hơn, là chưa kinh nghiệm tuệ giác bên kia bờ. Chỉ khi nào hội diện, “cước căn điểm địa” miền đất ấy, không-thời-gian ấy, ta mới hiểu được “tiếng cười dài lạnh buốt thái hư” của Thiền sư Không Lộ.

“Đêm qua” – là thời gian, là quá khứ. Nói về sự nhất quán của “ý tứ”, thì quá khứ ở đây sẽ logic, chặt chẽ với những cặp thơ đi trước “khứ,  đáo”“quá, lai”. Ngoài ra, nếu ai có kiến thức tuệ giác kinh viện sẽ hiểu rằng, giây khắc ngộ đạo chỉ xảy ra trong một sát-na, rồi nó diệt mất, nhường sát-na kế cho đạo tâm. Ngộ đạo chỉ là giây khắc chớp lóe của tâm linh, sau đó nó trôi về quá khứ. Một sát-na đã là quá khứ. Tuy nhiên, người đạt ngộ tuy có ý niệm về quá khứ, về thời gian-nhưng họ luôn trực thức, luôn “hiện kiến” để sống trong từng hơi thở “không có thời gian”“ở ngoài thời gian”. Chính cái thời gian “ở ngoài thời gian” ấy – không gian tâm linh mới được thiết lập. Không gian tâm linh thiết lập là khá ước lệ: “Trước sân”. Tại sao là “trước sân”, là “đình tiền” mà không là “bên sân, sau sân” (đình biên, đình hậu)?

Rõ ràng “sân” ấy là mảnh đất tâm. Cái tâm ấy là mảnh đất để cho cành mai nở. Sát na tâm “trực ngộ”“hiện kiến” là nó luôn chảy trôi, nó luôn mở ra, ngạc nhiên, đón nhận dung thông các pháp đến từ ngoại giới. Cái tâm ấy phải “không” mới đón nhận được. Do vậy, cái tâm ấy không thể là “bên tâm, sau tâm” – mà phải là cái tâm luôn trực kiến cái hiện tiền; phải là “đình tiền, tâm tiền” mới chính xác.

Rồi cành mai nở. Cành mai nở là tuệ giác bừng nở. Tuệ giác bừng nở, nở nơi mảnh đất tâm, không còn bị quy định bởi không-thời-gian tại thế, ước lệ nữa.

Cuối cùng, để thêm tính thuyết phục cho sự giải mã này, ta phải trở lại một ngàn năm trước, để biết rằng Mãn Giác Thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông truyền pháp cho Cảm Thành-thì ông đã ngộ được yếu chỉ: “Tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu” từ Bách Trượng Hoài Hải. Vậy Mãn Giác Thiền sư là hậu duệ của truyền thừa, sáng tạo câu thơ “Đêm qua, sân trước, một cành mai” để thi vị hóa, tăng giá trị văn học, mỹ học cho câu thiền ngữ xưa bằng những hình tượng nghệ thuật không là điều kỳ diệu sao? Tuệ nhật tự chiếu – cành mai nở – đấy là mùa xuân vĩnh cửu, là miền đất hứa cho những người con Phật và cả cho những chúng sanh đang lăng xăng xuôi ngược giữa miền cát lấm bụi đỏ này!

Ôi! Một bức thông điệp về mùa xuân đã một ngàn năm qua đi mà dường như vẫn còn cháy sáng ý tưởng, bập bùng giữa tâm thức trần gian. Có ai nghe, ai thấy? Hay vẫn tịch lặng muôn đời trong hố thẳm vô ngôn?

Thì cành mai vẫn nở! Bodhisvaha!

[Tập san Hoằng Pháp, số 16]

 

HT THÍCH ĐỨC THẮNG

 

Ẩn Dụ Một Đóa Mai

20/01/2022

 

 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Ngoài sân đêm trước một đóa mai.

Sự hiện hữu đột biến phản diện của một đóa mai đã đánh lay tâm thức của người đọc một cách bất ngờ, tạo ra một mối nghi tình cho hành giả, trong hai câu song thất kết thúc của bài kệ, mà thiền sư Mãn Giác đã trao cho những người đi sau, nhân lúc cáo bệnh thị chúng của ngài, chúng vẫn còn tiếp tục chảy không biết bao nhiêu bút mực để nói về sự hiện hữu của chúng. Vì ở đây, chúng ta mỗi người phàm tình, đang sống với cảm giác cảm tính chứ không phải trí giác của trực giác lý tính, do đó mỗi người có mỗi cái nhìn lệ thuộc vào cảm tính tình cảm thiên kiến của mỗi cá nhân. Vì vậy mọi cái nhìn đều lệ thuộc vào chủ quan tính, để nói lên cái ngã tính của mình thể hiện. Ở đây, mọi người đều có quyền thể hiện, nhưng sự thể hiện đó, chúng được đánh giá như thế nào còn tuỳ thuộc vào tính phổ quát được mọi người chấp nhận và đồng tình hay không, đó là điều đáng nói; còn chuyện muốn vượt qua khỏi mức độ cho phép, thì đó là một chuyện khác, hãy để dành cho đức Phật Di Lặc (hay những vị đạt Đạo) sau này ra đời giải quyết nghi!

Ẩn dụ của một đóa mai theo ngôn ngữ luận lý tương đối, chúng ta có thể có khả năng tháo gỡ bóc vỏ để chúng hiện hữu như chính chúng, trong việc phân tích bằng vào ngôn ngữ mà mọi người có thể chấp nhận được thì trước hết, chúng ta phải biết qua xuất xứ của bài kệ này, để từ đó đánh giá đúng hơn về tư tưởng ẩn dụ này qua bài kệ, sau nữa là người viết và người đọc phải tham dự vào, tiến trình động não phân tích qua pháp phủ định những nguyên tắc, tưởng chừng như là một chân lý khó phá vỡ vượt qua, do kinh nghiệm thói quen tập quán mang lại trên mặt hiện tượng. Trước khi thị tịch ngài có để lại cho chúng ta một bài kệ nhân khi ngài cáo bệnh dạy chúng:

“Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười.

Việc đời qua trước mắt,

Già đến trên đầu rồí!

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Ngoài sân đêm trước một đóa mai.”

(Thiền Uyển tập anh).

Qua xuất xứ bài kệ dạy chúng trước khi người thị tịch và nội dung của chúng, đã kết hợp đủ để chúng ta có một cái nhìn tổng quát về mặt hiện tượng (tướng-dụng) và ẩn dụ (thể).

Đứng về mặt hiện tướng là một vị thiền sư, ngài nói lên cái chức năng của một người dẫn đường trước khi mình qua đời, để cảnh tỉnh những người còn lại sau này qua việc sống-chết. Cho dù bằng vào những kinh nghiệm sống, những thói quen tập quán, mà con người đã rút ra được những chân lý mang tính phổ quát được mọi người chấp nhận đi nữa, thì đó cũng chỉ là một thứ chân lý của tương đối thôi. Vì sao? Vì việc đến đi của mùa xuân chúng tùy thuộc vào vô thường, nếu không có vô thường thì sẽ không có đến-đi, và không có đến-đi thì sẽ không có mùa xuân. Do đó, việc: ” Xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa cười.” chỉ là hiện tượng biến dịch (vô thường) THƯỜNG chứ không gì khác. Ở đây, chúng biểu trưng cho việc sống chết của con người mà lý vô thường luôn được hiện hữu một cách thường xuyên, để thể hiện luật tắc Duyên khởi trong hiện tướng (trongThành-trụ-hoại-không) của các pháp. Chỉ vì chúng ta không nhìn ra được cái lý ẩn của: “Việc đời qua trước mắt, Già đến trên đầu rồi,” nên từ sự vô thường bất toàn của các pháp, con người đâm ra ham sống sợ chết, sống vui chết buồn, và cũng từ đó mọi sự sợ hãi được hình thành, ám ảnh con người, để rồi các thứ bệnh tà kiến phân biệt chấp trước đua nhau xuất hiện trong cái lòng tin mù quán của mọi người. Đây cũng là điều mà chính đức Phật đã dạy trong kinh Kalama:

Đừng vội tin tưởng vào bất cứ điều gì mà chúng ta thường nghe nhắc đi nhắc lại luôn luôn. Đừng vội tin tưởng vào điều gì mà điều đó được coi như là một tập tục từ ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng vào những sáo ngữ mà người ta thường đề cập đến luôn. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì dù đó là bút tích của thánh nhơn. Đừng tin tưởng vào điều gì dù là thói quen từ lâu, khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra mà lại nghĩ rằng do một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng vào bất cứ điều gì mà điều đó chỉ dựa vào uy tín của các thầy dạy cho các người. Nhưng chỉ tin tưởng vào cái gì mà chính các người đã từng trải, kinh nghiệm và nhận cho là đúng, có lợi cho mình và người khác. Chỉ có cái đó mới là đích tối hậu thăng hoa cho con người và cuộc đời. Các người hãy lấy đó làm chỉ nam cho mình.

Chính vì sự sợ hãi trước cuộc sống-chết của chính mình, qua những biến động đổi thay của vô thường luôn luôn hiện hữu bên cạnh, nên lòng mê tín dị đoan của chúng ta nổi dậy tin chấp tà kiến vào những thế lực bên ngoài, để rồi bị chúng cuốn hút luôn, không làm chủ được mình. Do đó, Thiền sư Mãn Giác mới cảnh giác chúng của ông và những người đi sau như chúng ta, qua pháp phủ định những xác định mà người đời đã coi chúng như là một thứ chân lý, qua hai câu song thất của bài kệ:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Ngoài sân đêm trước một đóa mai.

Qua pháp phủ định này, trước hết đứng về mặt biểu hiện thì sự hiện hữu của một đóa mai, không bị lệ thuộc vào việc xuân đến hay là xuân đi như chúng thường được chấp nhận một cách tự nhiên, được coi như là một thứ chân lý xưa nay theo kinh nghiệm: “Xuân đi trăm hoa rụng, xuân đến trăm hoa cười.” theo tiến trình thời gian, phân bố điều trong một năm qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Như vậy có nghĩa là chúng sẽ hiện hữu vào bất cứ lúc nào, khi những điều kiện duyên cùng hoàn cảnh môi trường chung quanh, đủ cho phép để hiện khởi thì chúng hiện hữu. Đó là chỉ nói đến một sự hiện hữu chưa được xác định qua phủ định, nhưng ở đây chúng ta được thiền sư tự xác định thời gian và nơi chốn hiện hữu của chúng qua câu hai: “Ngoài sân đêm trước một đóa mai.”

Vậy ở đây, đêm trước là đêm nào? và chúng thuộc vào mùa nào trong năm? điều này cũng dễ thôi nếu chúng ta biết liên hệ đến thời gian cáo bệnh để dạy chúng của người. Theo tiểu sử thì ngài nói ra bài kệ này cùng ngày trước khi ngài thị tịch, như vậy ngày ngài qua đời là ngày 30 tháng 11 năm Hội phong thứ 5 (1096). Qua đây chúng ta đã xác định được ngày tháng năm và nơi chốn đóa mai hiện hữu. Chính sự hiện hữu của đóa mai này đã nói lên được: thứ nhất sự phủ định của ngài đã đánh đổ đi được những lệ thuộc ước lệ thời gian từ ngàn xưa để lại, mà mọi người trong chúng ta đã từng chấp nhận như là một chân lý. thứ hai sự hiện hữu của đóa mai có thể là bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào miễn có đầy đủ mọi duyên cùng hoàn cảnh môi trường chung quanh cho phép thì chúng sẽ hiện hữu. Mai nở vào mùa đông có gì không phải? Hiện tại khoa học dư sức để tạo môi trưòng về việc này, ngay đến việc tác tạo ra thai nhi trong ống nghiệm họ còn làm được, qua việc trích ly tinh trùng và noãn sào của người đàn ông và đàn bà phối hợp với nhau, cùng tạo môi trường dinh dưỡng đầy đủ v. v… thì thai nhi hiện hữu và lớn lên. Cũng vì việc tác tạo thai nhi trong ống nghiệm của các nhà khoa học, mà họ đã từng bị một số tôn giáo phản đói . Nhưng đó là việc của tôn giáo, còn khao học vẫn là khao học, khoa học không phải vì thế mà chúng mất đi giá trị chân lý của chúng. Chân lý vẫn là chân lý khi khao học là biểu tượng cho những thành tựu chân lý của chính nó, trong khi tư tưởng phản khoa học chúng là vật cản đường để đi đến chân lý, những thứ nọc độc cặn bã này rồi cũng sẽ bị thời gian đào thải mà thôi. Qua đây đủ nói lên tính ưu việt của thuyết nhân duyên sanh khởi của đạo Phật, mà qua đó khoa học càng ngày càng nhận thấy, những kết quả thực nghiệm của họ khám phá ra trong hiện tại, luôn luôn tương ứng và khế hợp với những lời dạy của đức Phật cách đây hơn hai ngàn năm.

Đứng về mặt ẩn dụ một đóa mai, thiền sư Mãn Giác nhằm trao cho những người đi sau đức vô úy trước việc sống-chết của đời người, và nói lên sự hiện hữu của cái “Bản lai diện mục” của các loài hữu tình nói riêng, và vạn vật vô tình nói chung. Chúng luôn luôn tồn tại và biến dịch trong từng sát na một, chúng luôn tùy thuộc vào các duyên đủ để hiện khởi, và biến khác đi nhờ lý vô thường tác động để hình thành luật tắc “vô thường tức thị thường.” Ở đây, trong tất cả những duyên đủ để hình thành sự hiện hữu của một vật, thì các loài hữu tình chỉ khác với loài vô tình về nghiệp lực qua năm uẩn (Về vật chất (sắc): đất, nước, gió, lửa, không. Về tinh thần (tâm): thọ, tưởng, hành, thức) mà thôi.

Như chúng ta biết tiến trình sinh hóa của vũ trụ vạn vật chúng luôn tùy thuộc vào các duyên đủ để hiện khởi, do đó việc đóng khung vào những hiện tượng bên ngoài theo kinh nghiệm, để phân chia cắt xén thời gian và, áp đặt lên nó một nhãn hiệu nào đó theo đạo Phật điều đó là một việc làm sai lầm. Cũng đứng trên quan điểm này thiền sư Mãn Giác dùng “đóa mai” làm ẩn dụ cho “Bản lai diện mục” của mỗi chúng ta. Bản lai diện mục này không những chỉ hiện hữu trong kiếp này để rồi biến mất sau khi chết đâu, mà chúng hiện hữu bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu trong ba cõi sáu đường luân hồi này nếu đủ duyên, việc đủ duyên ở đây chúng tôi muốn nói đến y báo và chánh báo của nghiệp. Như vậy vấn đề sống-chết hay sinh-diệt của các pháp ở đây chúng tôi chỉ mới nói đến Phân đoạn sanh-tử chứ chưa đề cập đến vấn đề Biến dịch sanh-tử. Cũng như đóa mai chúng sẽ nở ra bất cứ mùa nào trong năm cho dù là mùa đông nếu hội đủ các điều kiện của mùa xuân thì chúng hiện hữu.

Qua pháp ẩn dụ này tuy chúng ta đã được thiền sư Mãn Giác hướng dẫn cho chúng ta một cách nhìn đúng về sự hiện hữu và biến dịch của của cái Bản lai diện mục chính mỗi người qua pháp phủ định, và chúng sẽ hiện hữu – biến dịch vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu trong ba cõi sáu đường. Nhưng ở đây có một điều quan trọng là chúng ta chưa thấy được bộ mặt thật của cái Bản lai diện mục của chúng ta như thế nào? Điều này là một vấn đề cần thiết cấp bách dành cho việc nổ lực thực hành. của mỗi chúng ta, mà thiền sư Mãn Giác cần nơi chúng ta tự giải quyết nghi.

HT THÍCH PHƯỚC AN

Cuối Năm Đọc “Những Ngày Hoang Vu”

Của Nguyễn Đức Sơn

16/01/2022

 0

 

Đối với tôi, cái hấp dẫn nhất trong thế giới thơ văn của Nguyễn Đức Sơn, có lẽ là cái hình ảnh bất lực của chính ông một mình lầm lũi bước đi tìm kiếm một cái gì chưa có tên gọi trên cuộc đời này.

Trong bài thơ có tên là Một mình đi luồn vô luồn ra trong núi chơi, Nguyễn Đức Sơn đã tự mô tả lại cuộc đi tìm kiếm của ông như thế này:

 

Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ

Bước lũi thủi tôi đi luồn vô núi

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi

Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

Theo tôi, đây là bài thơ lạ lùng và độc đáo nhất mà Nguyễn Đức Sơn đã cống hiến cho thi ca Việt Nam ở hậu bán thế kỷ XX.

Nhưng Nguyễn Đức Sơn đi tìm kiếm cái gì trên cuộc đời này?

Trong truyện ngắn Những ngày xuân hoang vu ông đã tự thú về chính mình: “Tôi chỉ là một người với cái bản chất sâu xa của nó là bất lực: bất lực trong cái giới hạn quá ngắn của kiếp người và hoàn toàn bất lực trước cái vô cùng”.

Vậy là Nguyễn Đức Sơn cũng như bao nhiêu nghệ sĩ tài hoa khác cũng đều khát khao đi tìm kiếm cái vô cùng (infinite) trên cuộc đời hữu hạn này.

Nhưng cái vô cùng ấy nó ở đâu mà ông đi tìm?

Cũng trong truyện ngắn Những ngày xuân hoang vu Nguyễn Đức Sơn đã kể lại, khi còn là cậu học trò ở quê nhà Ninh Chữ (Phan Rang) ông đã trốn gia đình, trốn học đi theo một người thuyền chài ra tận những hòn đảo xa. Khi đêm buông xuống, ngồi một mình trên mõm đá giữa đại dương mênh mông, ông kể lại trong truyện: “Trong hồn tôi lúc ấy, tôi như nghe thấy một tiếng nói rất nhỏ vọng lên xa xôi. Tôi lạnh toát mồ hôi và khi cố gắng để nghe lại thì tiếng nói kia đã trở về cái im lặng muôn năm của biển ngàn”. Và cái giây phút ngắn ngủi ấy chắc chắn đã làm thay đổi cuộc đời của ông: “Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được cái mênh mông của vũ trụ và những bóng dạ hành lẽ loi ngàn đời nối tiếp nhau đi về vô định”.

Giây phút ấy phải chăng là giây phút mà ông đã bước đến cánh cửa vô cùng?

Từ thuở nghe được tiếng gọi thì thầm giữa đại dương mênh mông ấy thì tiếng thơ của Nguyễn Đức Sơn có cái gì đó như luyến tiếc, như muốn níu kéo lại cái gì vừa mất đi:

Thôi nhé ngàn năm em đi qua

Hồn tôi cô tịch bóng trăng tà

Trời sinh ra để chiều hôm đó

Tôi thấy mây rừng bay rất xa

Dường như những người từ thế giới vắng lặng trở về họ đều cảm thấy bất lực trước đời sống quá nhàm chán quá vô nghĩa của kiếp người. Trong truyện ngắn có tên là Người tù chung thân Nguyễn Đức Sơn đã phải kêu lên một cách thống thiết: “Vậy mà chán ơi, nhân loại vẫn tồn tại. Giữa hai khoảng thời gian nhỏ mở mắt và nhắm mắt của một ngày, rồi giữa hai khoảng thời gian lớn mở mắt lần đầu tiên và nhắm mắt vĩnh viễn, con người cũng phải làm việc đó. Mặt đất ơi sao mà chán mênh mông vậy?”.

Nhưng cuối cùng, Nguyễn Đức Sơn có đầu hàng trước cái bất lực quá lớn ấy không? Đây là câu trả lời của chính ông:

“Đừng hòng, vì hãy nhận lấy điều này: tất cả những thiên tài, những triết gia tăm tiếng đã đi qua trên mặt địa cầu này đều bất lực cả. Một nhà văn càng thiên tài bao nhiêu thì càng biểu hiện cái bất lực khủng khiếp của con người bấy nhiêu. Vậy thì cái gì đã níu kéo tôi ở lại trên cuộc đời này?. Đó là những giờ phút dù ngắn ngủi nhưng đã tinh ranh khôn khéo đem gieo rắt giữa cuộc đời, những giờ phút làm cho người ta yêu đời tha thiết. Vậy thì tại sao không tìm cách duy trì chúng, đào xới, vun bón cho chúng sinh sôi nảy nở”.

Và đây có phải là những giây phút đã làm cho Nguyễn Đức Sơn “yêu đời tha thiết” và ông muốn làm cho nó sinh sôi nảy nở giữa một thế giới ồn ào và huyên náo này chăng?

Mang mang trời đất tôi đi

Rừng im suối lạnh thiếu gì tịch liêu

Tôi về lắng cả buổi chiều

Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh.

II

Nguyễn Đức Sơn vốn hoài nghi về nền văn minh hiện đại của nhân loại, vì nền văn minh ấy không giải quyết được chuyện trọng đại là cái chết của con người trên mặt đất này. Đó là chưa nói nền văn minh hiện đại theo cách nhìn của một thi nhân như ông thì nó đã tàn phá mọi sự thơ mộng của vũ trụ mênh mông này:

Chúng ta giờ ước mong gì

Văn minh gửi cát bụi về mai sau

Cho nên chúng ta thấy trong toàn bộ sáng tác thơ văn của Nguyễn Đức Sơn, ông chỉ lui tới những nơi mà ở đó rất ít dấu vết của nền văn minh hiện đại. Trong truyện ngắn Những ngày xuân hoang vu ông đã lấy thị trấn Đương Dương (Dran). Một thị trấn mà vào thời trai trẻ ông đã tả lại trong truyện: “loanh quanh chỉ có đôi hiệu tạp hóa kèm theo một ít sách báo rẻ tiền và một trường tiểu học buồn thiu”. Nhưng cái đặc biệt của thị trấn Đương Dương là “vây quanh bởi rừng thông trùng điệp” và nhất là “rừng cao và đầy gió hú”.

Trước năm 1975, mỗi lần từ Nha Trang đi Đà Lạt thì phải đi vào Phan Rang. Khi xe bắt đầu lên đèo Ngoạn Mục thì lúc nào tôi cũng nhìn lên đám mây mù bao phủ dày đặc cái thị trấn heo hút này, và rồi nhớ đến bài thơ của Nguyễn Đức Sơn có tên là Dran:

Xe qua khỏi dốc ưu phiền

Tóc em bay heó cả miền khói sương

Tương lai mối đụn bên đường

Anh nghe nắng rụng vô thường dưới khe

Nguyễn Đức Sơn say mê rừng thông ngút ngàn và mây mù thị trấn này đến độ: “Tôi thường mơ ước đứa con gái bạc phước nào bằng lòng đi theo tôi trong cái băng giá mênh mông này phải có khung cảnh sống như My. Lớn lên nơi khu rừng cao có nhiều thác, nhiều suối xa hẳn cái phồn tạp lao xao vô nghĩa. Thân thể và tâm hồn đã được sương mù, gió hú, âm khí ngàn năm thấm nhuần”

Và Nguyễn Đức Sơn đã lựa chọn một chiều có thể nói là thơ mộng nhất, âm u nhât, lê thê nhất để đến thị trấn Đương Dương heo hút, buồn thiu này: “Tôi đáp chuyến tàu hai mươi tháng chạp lên cao nguyên. Tôi muốn mang cái hoang vắng trùng trùng của đời tôi nhập vào cái trống trơn mênh mông của đời My”. Và rồi họ đã rời ga nhỏ ở miền rừng núi vào “một chiều sẫm tối, sương mù và khói đá bay bít trời”

Những mùa xuân vốn đã hoang vu đối với những tâm hồn dị thường như tâm hồn của Nguyễn Đức Sơn. Nhưng dường như ông càng muốn đẩy cái hoang vu đó đến cùng khi ông kết thúc câu truyện Những ngày xuân hoang vu khi mùa xuân vừa mới bắt đầu: “chuyến tàu mù sương sáng mùng một Tết mang tôi về lại miền biển dưới kia. Sau khi tôi viết bức thư ngắn ngủi bỏ vào trạm thư gần đó “My ơi, My ơi! Phải chăng trước mặt chúng ta cũng chỉ là mây trắng và hoang vu trùng trùng điệp điệp, My ơi, My ơi!”

Đọc bài thơ sau đây tôi cứ tưởng tượng rằng, chắc là mười hay hai mười năm sau đó thế nào ông cũng tìm về thăm lại cái thị trấn buồn hiu hắt này, nên ông mới viết được bốn câu thơ vừa thơ mộng, vừa buồn mênh mông:

Ngàn năm thông vẫn rạt rào

Chiều nay trở lại lủng sầu xa xưa.

Tóc em xuống nhẹ vai đời

Ghé thăm hạnh phúc rồi tôi độc hành.

III

Vào khoảng năm 1972 hay 1973 gì đó, nghĩa là cách đây gần nửa thế kỷ. Tôi tìm đến thăm Nguyễn Đức Sơn tại một ngôi chùa ở quân Gò Vấp Sài Gòn. Tôi nhớ ông đã say sưa thuyết giảng cho tôi nghe về cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, và các chủ nghĩa này học thuyết nọ mà ông hy vọng sẽ đem đến điều tốt lành cho dân tộc đã quá đau khổ này.

Nhưng sau năm 1975, tôi lại được tin ông đã từ bỏ Bình Dương, từ bỏ Sài Gòn để về ẩn cư trên rừng núi Đại Ngàn ở Bảo Lộc, và cũng trong khoảng thời gian đó tôi cũng đọc được bài thơ của ông khi ông trở về núi:

Sướng quá đời ta sắp tuổi già

Bao nhiêu học thuyết bước đều qua.

Nay về dắt bóng chơi am vắng

Thơ ấu vườn trăng một tiếng gà

Vậy là Nguyễn Đức Sơn đã bỏ lại sau lưng những học thuyết mà một thời tuổi trẻ ông đã say mê. Đối với ông, cái duy nhất còn đọng lại trong hồn ông bấy giờ là tiếng gà gáy trong những đêm trăng của thời thơ ấu đã xa xôi mà ông đã lắng nghe được trong những đêm khuya tĩnh mịch ngồi nhìn chiếc bóng của mình in trên vách Phương Bối Am nơi núi rừng đại ngàn Bảo Lộc.

Nha Trang, Cuối năm Kỷ Hợi

(2019)

Thích Phước An.

Nguồn: hoangphap.org

16/01/2022

 

 

 

 

 

 

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

Thêm Một Tuổi Mới

 

30/01/2021 By Bac Si Do Hong Ngoc 

Save

Chia sẻ16

Thêm một tuổi mới

Đỗ Hồng Ngọc

Có người hỏi vì sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà lại dám viết về… người già, nào Gió Heo May Đã Về, nào Già Ơi Chào Bạn, nào Già Sao Cho Sướng…? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ của trẻ con, nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì  trước sau gì mấy nhóc nhỏ mà tôi đã và đang khám chữa bệnh cũng sẽ trở thành một người già, một ngày nào đó! Hơn năm mươi năm trước khi tôi thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các nhóc đó  tuổi cũng đã “gió heo may” rồi còn gì! Còn mấy bệnh nhi tôi có dịp chữa trị ở Bệnh viện Nhi đồng Saigon và tại phòng mạch hằng mấy chục năm qua thì bây giờ cũng đã lại thấy mang con và cả cháu nữa đến khám bệnh. Cho nên làm gì có chuyện cách ngăn tuổi này tuổi nọ tuổi kia. Cuộc sống như một dòng sông đó thôi.

Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách nói! Có người chưa hai mươi mà đã già…khú đế, có người tám mươi còn phơi phới tuổi xuân. Một thầy thuốc đàn anh của tôi thường nói : “Hãy chăm sóc các cụ từ trong bụng mẹ”! Đúng vậy, đợi các cụ ngáp ngáp rồi mới “tận tình chăm sóc” thì e rằng quá trễ, chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống của họ, chẳng giúp các cụ  thêm vui, thêm khoẻ, thêm hạnh phúc…

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới  (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi, (1999) cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho Mẹ…các cụ được dinh dưỡng tốt trong lúc mang thai, trong lúc cho các cụ… bú mớm;  phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm ngay từ nhỏ để các cụ không phải chịu cảnh tật nguyền bệnh hoạn sau này; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi thiếu niên như không uống rượu, không hút thuốc lá… để các cụ sau này khỏi bị ung thư phổi, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính,  xơ gan cổ trướng; giúp các cụ có thói quen tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để sau này khỏi bị xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tiểu đường v.v…Rồi khi lớn lên thì  tránh các nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh béo phì, loãng xương, thấp khớp…Và dĩ nhiên đảm bảo cho các cụ có một thu nhập hợp lý để không bị lệ thuộc, để sống có phẩm giá, tiếp tục hoạt động theo năng lực, đóng góp kinh nghiệm của mình cho con cháu,  được sự tôn trọng của xã hội, được thấy con thuận cháu hoà, gia đình hạnh phúc. Dĩ nhiên là bản thân các cụ  phải hiểu rõ những chuyển biến tâm sinh lý của mình qua từng lứa tuổi, nhờ đó mà thích nghi, mà điều chỉnh thái độ và hành vi của mình sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới, với môi trường mới. Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa. Hoặc cũng có thể nói nhi khoa chính là lão khoa, và lão khoa cũng chính là nhi khoa đó vậy! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng được nâng cao, không chỉ ở các nước giàu có mà ngay ở cả các nước nghčo cũng vậy là nhờ những tiến bộ của khoa học, của y học, của kiến thức vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cũng như hiệu quả của sự cải thiện môi trường sống, của chế độ dinh dưỡng hợp lý…Thế nhưng, khi nói đến lão khoa, hình như người ta quá nặng về bệnh hoạn, về tàn phế hơn là đến sự sảng khoái toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội  phù hợp với tình trạng tuổi tác, giới tính, chất lượng cuộc sống của họ. Các thầy thuốc lão khoa  cũng thường lại là những thấy thuốc  trẻ, họ tuy có chuyên môn sâu trong chữa trị bệnh tật cho người cao tuổi nhưng chưa từng được trải nghiệm tuổi già, chưa được thưởng thức…cái già, chưa được hưởng thụ …cảnh già! Khi tôi viết cuốn “Gió heo may đã về” thì đó là lúc tôi đang thực sự nghe gió heo may, tôi đang sống với nó, sửng sốt và sảng khoái vì nó, âu lo và hồi hộp vì nó. Tôi  hiểu được nỗi khắc khoải “tôi ơi đừng tuyệt vọng”, nỗi bâng khuâng “tôi đang lắng nghe, tôi đang lắng nghe im lặng của tôi…” của Trịnh Công Sơn, và những bạn bč trang lứa. Nhưng phải đợi đến tuổi 60,  tôi mới dám viết  “Già ơi…chào bạn” – “Bonjour Vieillesse!”- như một tiếng reo vui, chào mừng nó, cái sự già đó! Đâu dễ mà già phải không?  Đến tuổi 75, tôi mới dám viết “Già sao cho sướng?”…

Cho mãi đến cuối thế kỷ 20, năm 1999, Liên Hợp Quốc mới có một “Năm” dành cho người cao tuổi, người già  trên toàn thế giới, gọi là “Năm quốc tế người cao tuổi” với khẩu hiệu là “Hãy sống một tuổi già tích cực” , bởi vì trước đó  người ta chỉ nghĩ tuổi già là tuổi của tàn phai, héo úa,  ăn hại, là gánh nặng xã hội…cho đến khi giật mình thấy không phải vậy! Con người ở tuổi nào cũng sẽ là gánh nặng cho xã hội, cũng ăn hại, cũng tàn phai… nếu sống không ra sống, sống mà như đã chết, sống mà không hạnh phúc, không có chất lượng cuộc sống, sống mà lệ thuộc, mà khổ đau triền miên…

Ngàn năm trước, ở nước ta, vào thời nhà Lý, Mãn Giác thiền sư đã có những câu thơ còn lưu truyền mãi đến nay với một cái nhìn tích cực về tuổi già:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai…

(Mãn Giác, 1052-1096)

Xuân ruỗi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già tới rồi

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai…

(Ngô Tất Tố dịch)

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết! Thật vậy. Vẫn còn đó, nơi sân trước kia, đêm qua, một cành mai vàng rực rỡ đã nở, báo hiệu một sức sống mãnh liệt vẫn dâng tràn… Vậy đó, můa xuân dů đã phai, cành mai sân trước vẫn nở tươi thắm. Nụ cười vẫn lạc quan, cuộc sống vẫn tích cực, chủ động và sáng tạo không ngừng nếu những  người có tuổi được chuẩn bị trước để hiểu rõ sự đổi thay , để chấp nhận, để điều chỉnh, tưới tẩm những niềm vui cho chính bản thân mình, cùng với sự ý thức giúp đỡ của gia đình và xã hội thì sẽ giúp họ có một cuộc sống đầy chất lượng, nhiều hạnh phúc.

Theo WHO : “Sức khỏe của người già là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), xã hội (social) và thể chất (physical)”.

Phát triển và duy trì được sự sảng khoái (well-being) và hoạt động chức năng (function) , bởi đa số các hoạt động chức năng xài lâu quá đều rệu rả, phần lớn đã “quá date”, dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu, trầm cảm… nói khác đi là khó mà… hạnh phúc. Thể chất thì “ba cao một thấp” (ba cao là cao máu (HA); cao đường (Tiểu đường); cao mỡ (Cholesterol xấu); còn một thấp là… Thấp khớp) đã đành mà tâm thần thì tám vạn bốn ngàn phiền não! Cho nên đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu là hoàn toàn hợp lý so với định nghĩa về sức khỏe ở người trẻ.

“Khổ” thì dĩ nhiên không thể có hạnh phúc. Con đường của Phật là con đường “Diệt Khổ”, con đường dẫn đến giải thoát.

Ở góc độ y sinh học, tâm lý xã hội học, thì những điều kiện để có một tuổi già hạnh phúc gồm:

Có sức khỏe tương đối ;

Tài chánh tự chủ;

Nhà ở an toàn; an ninh, môi trường thuận lợi;

Tự tại: chủ động sắp xếp cuộc sống riêng của mình,

Duy trì các mối quan hệ gia đình/ bè bạn;

Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên,

Hoạt động phù hợp để thấy luôn sống hữu ích;

Gần gũi với thiên nhiên;

Hiểu luật vô thường và biết “Từ bi hỷ xả” với chính mình!

Cũng có thể nhìn theo Tháp MASLOW:

  1. a) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của tồn tại như : Ăn, Ngủ, Thở, Tình dục… (physical well-being).
  2. b) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn, môi trường xã hội tốt đẹp, an ninh, bảo đảm về kinh tế, đời sống quân bình…
  3. c) Nhu cầu xã hội (social well-being): các mối quan hệ xã hội trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng tốt đẹp…
  4. d) Nhu cầu tự khẳng định: để luôn có được tôn trọng, đóng góp theo công sức cho xã hội, thấy mình sống có ích…
  5. e) Nhu cầu tâm thần, tâm linh (mental well-being): hướng thượng, có một tôn giáo lành mạnh, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, nghiệp báo…

Có thể nhìn ở góc độ “Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức” ta cũng có thể hình dung gần giống với Tháp Nhu cầu của Maslow, và nếu có Chánh kiến để thấy Vô Thường/ Khổ/ Vô ngã/ Không/ Duyên sinh… thì đã có thể “độ nhất thiết khổ ách” rồi vậy!

(ĐHN)

Từ Quang, tập 35, Xuân Tân Sửu 2021

 

 

 

 

 

 

NGUYỄN THỊ  KHÁNH MINH

 

Reo Tuổi

Thư gi Nguyt Mai

Nguyệt Mai gửi e-mail bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Ở là cư ngụ hả Mai, Ở là lúc, thời gian, phải không Mai. Em nói hay thật đấy, tôi đang hình dung những bước chân tuổi 80 hôn trên đất (sư Nhất Hạnh bảo thiền hành với những bước chân như là hôn mặt đất vậy) tôi đang tưởng thời gian đang bắt tay tuổi 80. Mà ai bắt tay ai trước, với bản chất như thế thì chắc là anh Ngọc nhà mình rồi, Mai đồng ý không? Bỗng nhiên tôi mở lại những hình của anh Đỗ Hồng Ngọc, hầu hết là anh cười, mà cười tủm tỉm, mỉm cười. Khi tôi đọc văn thơ của anh lần nào cũng thầm nói, anh Ngọc là vậy, cứ thế mà tủm tỉm đi tủm tỉm về tủm tỉm tới. Hình anh đúng như bao người nhận xét, hòa nhã, thong dong, từ từ, nghĩa là tất cả những hình ảnh nào mang tính dừng lại. thì là anh đấy! Anh là mỉm cười, là tủm tỉm, là dừng lại, Tóm lại, là tự tại. Khiến tôi nghĩ đến câu hỏi của Vô Tận Ý bồ tát: “Thế Tôn, Quán Thế Âm dạo đi trong cõi ta bà như thế nào?” Tôi thích nghĩa dạo chơi này lắm, anh Đỗ Hồng Ngọc qua mấy chục pho sách tung tăng cõi bụi độ thoát bao tâm tư thì quả là dạo chơi như thế đúng không hả Nguyệt Mai?

Trong sách Biết Ơn Minh, anh viết:

Xây dựng hình ảnh về chính mình (self-image) rất quan trọng, nếu đó là một hình ảnh tích cực nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh hưởng đến “môi trường” xung quanh; còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì sẽ rất không hay.

Tôi nhớ đã nghe trong một pháp thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói, người đang mỉm cười là tỉnh thức, là chánh niệm, là lúc vững chãi thảnh thơi. Phải chăng anh Đỗ Hồng Ngọc luôn tự tại mỉm cười nên chi ba-con-nợ tham sân si kia chẳng có cửa mà vào? Thế có phải là Niết Bàn Lạc Trú như Phật giảng? Hình ảnh ấy đã để lại những tình cảm tích cực nơi người có dịp tiếp xúc anh hay tiếp xúc anh qua chữ nghĩa. Hình ảnh đó đối với riêng tôi như một nhắc nhở khi tôi lâm vào những thứ buồn bã linh tinh về cuộc sống, về bệnh tật.

*

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Thì bây giờ chỉ nói cái gì liên quan đến cái tuổi thôi nhé Mai, mà nói về phạm trù này thì hầu như chiếm hết trong danh mục mấy chục cuốn sách của anh Đỗ Hồng Ngọc đấy, dám không! Tám mươi tuổi, nhìn dáng vẻ mặt anh thì thấy, ừ 80 thật (dạ thưa quả-táo-nhăn-nheo, can chi một chút eo sèo thời gian!), nhưng nghe anh nói chuyện, đọc văn anh thì ai cũng thốt lên, sao trẻ trung thế! Tôi nghĩ anh được phong thái như thế vì anh chấp nhận tuổi tác vui vẻ quá, đến tuổi nào thì reo tuổi ấy, đây là cách mà chị em mình nên bắt chước đó, Kim Quy, Ngọc Vân, Duyên, Mai, Thu Vàng, Thanh Lương ơi, cái màu tóc bạc, cái da có nhăn nheo sẽ làm người ta quên ngó tới khi tiếp xúc với một ánh mắt ấm áp, một nụ cười thân thiện – nếu không tủm tỉm được thì cứ mở hết diện tích của cái miệng xinh, cũng tốt lắm, khi nào đủ nội lực thì tức khắc tủm tỉm được thôi.

Mà anh đã vào mùa sinh nhật 80 ư anh Ngọc? Nhưng dường như ngày nào cũng là sinh nhật anh mà, nhớ câu thơ này không, Nguyệt Mai, khi em tổ chức sinh nhật anh Ngọc trên không gian ảo nên thơ của Những Tình Thân Ái?

Anh không có ngày sinh nhật/ Nên mỗi ngày/ Là sinh nhật của anh… (Sinh Nhật)

… Mỗi ngày ta rơi rụng/ Mỗi ngày ta phục sinh (Vô Thường)

Ngày nào mở mắt ra cũng nhủ cười: - hôm nay sinh nhật mình – nên chi anh Đỗ Hồng Ngọc viết cả một loạt sách về cái nhân sinh quan reo tuổi – một võ công thâm hậu đủ sức mạnh để xoay sở với thời gian. Đôi khi tôi nhìn những vết nhăn, vướng một bệnh nào đó của tuổi tác tôi cứ bị lôi về những kỷ niệm, làm sao tu để có được cái tuệ giác vô thường hầu ứng xử với những thay đổi ấy…

*

Ở đâu đó anh nói, đời người có ba hồi: Hồi trẻ, Hồi trung niên và Hồi đó. Cái Hồi Đó này bao trùm cả ba hồi. Như giờ ai hỏi tôi đang ở hồi nào, chắc tôi trả lời, hồi đó, đúng lắm, vì ngay phút trả lời thì đã thành hồi đó rồi, nhưng không phải là hồi xưa đâu, là cái đã, vừa qua mà cứ lung linh rung rinh hiện tại. Thế thì em có hiểu thêm cái nghĩa của tủm tỉm không vậy, Nguyệt Mai? Anh lại bảo… với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ (Thư Gửi Người Bạn Nhật Chưa Quen Biết). Bởi vậy mà tới tuổi nào anh cũng có vô số chuyện để đối thoại với chúng, và lúc nào cũng như đứng trước tấm gương tuổi mà hỏi, tôi bây giờ khác gì tôi xưa (Về Thu Xếp Lại), rồi tủm tỉm tay bắt mặt mừng với nó. Hẳn là thời gian cũng vui mừng khi có người bạn đồng điệu ngang cơ như thế. Luôn nhìn mình hỏi mình để thấy được từng lúc rơi rụng, phục sinh thì sao mà không vui vẻ với cái không ta để thảnh thơi mỉm cười?

Mai ơi, em có như tôi, vô cùng “gato” cái dũng ấy của anh không? Hùng lực ấy đến từ đâu? Thưa ở nơi cái nhìn rất nên thơ về các giai đoạn đời người. Nên thơ nên chuyển hóa được sợ hãi lo buồn.

Trong Thư Cho Bé Sơ Sinh, anh viết:

Khi em cất tiếng khóc chào đời

Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười

…  Khi người ta cắt rún cho bé thì từ đó cái lỗ rún trở nên một nơi chốn để nhớ về.

Khi vừa lìa khỏi êm ấm cõi lòng mẹ, thì có ngay sau đó hình ảnh lỗ rún như một quê hương để nhớ về. Anh đã nhìn nỗi chia lìa kia trữ tình làm sao!

*

Và khi đến tuổi hoang mang vô kể thì anh cho đó là một phép lạ:

Rồi khi người ta đến tuổi dậy thì, cũng là một đợt “biến thái” đầy phép lạ nữa!... không chỉ thể xác mà cả tâm hồn! Người ta xa lạ cả với chính mình. Cao vọt lên, dài ngoằng ra, chỗ phình chỗ xẹp, chỗ lõm chỗ lồi, chỗ dư chỗ thiếu, làm người ta hoang mang vô kể!

… Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn (Huy Cận). Họ ở đây là… mình chớ không phải ai khác. Bỡ ngỡ xa lạ với mình ngày hôm qua, hôm kia… (Đỗ Hồng Ngọc).

Nếu Hồi đó có ai nói với tôi rằng, có một chiếc đũa thần gõ vào thân thể khiến nó thay đổi lạ lùng đến thế thì hẳn đã không phải “théc méc” lo sợ! Các cháu bây giờ thì đã có bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc giải thích rồi, mà nói kiểu của bác thì hẳn đa số các cháu nghe xong sẽ làm văn làm thơ… Bởi có cái nghe như thế này:

“Tới một tuổi nào đó, ta quan tâm rất nhiều đến thân thể mình. Ta lắng nghe thân thể mình phát triển như chú dế mèn lắng nghe tiếng cỏ mọc trong đêm khuya…” (Những Tật Bệnh Thông Thường Trong Lứa Tuổi Học Trò)

Nghe như thế thì hẳn chả lo sợ gì mà thay vào là nỗi hồi hộp thơ mộng, nghe má mình đang hồng lên, chờ một điều âm thầm nào đó đang khiến mình đẹp hơn lên… Nguyệt Mai ơi, phải mà mình được trở lại tuổi đó để được nghe như thế thì thú quá phải không Mai?

*

Rồi tới cái tuổi mà Đỗ Hồng Ngọc bảo: Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình… (Một Chút Lan Man) …

Nhưng khi em biết thẹn thùng

Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm

Khi tình yêu tìm đến…

Khi tình yêu tìm đến… vậy tất có cái hồi rất dài đó, anh Ngọc ơi, không chỉ tuổi hai mươi đâu, đó là Hồi yêu, nhìn lại những Reo Tuổi của anh xem, bất kể tuổi nào cũng có tình yêu hiện diện, sắc màu biến hóa như chiếc kính vạn hoa. Lúc nào Đỗ Hồng Ngọc cũng nhận diện được Thương Yêu chung quanh mình. Nhận về rồi trao đi, rồi thủ thỉ với nhau, Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa! (Một Chút Lan Man)

Nguyệt Mai ơi, em bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Nhưng với ý nghĩ lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già, và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ, thì tôi có kết luận rằng lúc nào ông anh nhà thơ lãng mạn của chúng ta cũng ở vào Hồi yêu. Yêu em, yêu người, yêu đời. yêu đạo.

*

Lúc tôi đọc Thơ Ngắn Đỗ Nghê, tôi có ghi chú dưới mấy bài thơ tình mấy chữ: trời ơi tình! Đã định bụng viết về mảng trời ơi này của anh, nhưng rồi lại xớ rớ đâu đó, giờ tôi xin chép lại đoạn viết ngắn ấy.

Thời gian chỉ còn là một đường tơ mong manh cho nỗi nhớ lay động. Hãy xem chàng làm gì để nguôi? Phải hét lên cho cây già hốt trẻ, phải gióng vang chuông trần cho ta bà biết nhớ…

Anh thương nhớ quá làm sao nói

Gọi tên em vang động gốc cây già…

… Nhớ ơi rung tiếng chuông trần

Em xa xôi biết có bần thần không?

(Quê Nhà)

Phải là tiếng chuông nhớ rất duyên nợ với rung động bần thần yểu điệu kia, nên Lá chín vàng/ Lá rụng/ Về cội/ Em chín vàng/ Chắc rụng/ Về anh (Lá 1994) Thế thì Thôi hết cồn cào/ Thôi không quặn thắt/ Chỉ còn âm ỉ/ Chỉ còn triền miên (Nỗi Nhớ) Và bình yên. Có phải đã ước nguyện với nhau như thế?

Có thể nói tuổi cho tình yêu này? Say mơ của tuổi hai mươi. Nồng nàn của tuổi ba mươi. Lắng thương sâu của tuổi bốn mươi. Và biến hóa nhiệm mầu của tuổi không tuổi…

Đưa em đi lễ

Vầng trăng treo nghiêng

Em làm dấu thánh

Anh làm dấu em,

(Đi Lễ 1997)

*

Anh hôn đằng sau

Anh hôn đằng trước

Anh hôn phía dưới

Anh hôn phía trên

Chiếc áo của em

Món quà em tặng

Chiếc áo lạ lùng

Có mùi biển mặn

Có mùi dừa xiêm

Có mùi cát trắng

Có mùi quê hương…

Paris 1997

(Món Quà)

Tinh nghịch, mộc mạc, giản dị, đằm thắm, cảm động. Em và quê hương giờ đây hòa vào nhau. Nhớ em là nhớ quê hương. Nhớ quê hương là nhớ em. Trời ơi là tình!

Cái tuổi nào mà có thể thủ thỉ những câu có thể đưa nhau tới nơi không sinh không diệt như vậy:

Cảm ơn em sợi bạc

Cảm ơn em sợi hung

Cảm ơn em năm tháng

Đã theo già cùng anh

(Theo Già)

Nguyệt Mai ơi, hẳn em cũng như tôi, đã rưng rưng khi đọc những câu thơ này, tôi cảm thấu được thời gian gắn bó đi theo màu tóc thủy chung của tình vợ chồng, của đạo vợ chồng. Chúng ta còn khóc huống chi là nhân vật Em kia. Mai nhỉ. Ai nói tuổi được của cái Đẹp?

*

Nguyệt Mai bảo, anh Ngọc đang ở sinh nhật 80. Tưởng tượng, một buổi sáng nắng rất đẹp hứa hẹn một dạo chơi Đường Sách, bỗng thấy mình ngồi trầm tư loay hoay giữa bộn bề sách vở thư từ tranh ảnh, ở mắt dường như có hạt thủy tinh, ngạc nhiên hỏi cớ vì sao, cái tủm tỉm cố hữu bỗng nghiêm trang, “Vào tuổi tám mươi, anh nghĩ đã đến lúc “về thu xếp lại”, đã đến lúc: nhìn lại mình…” Hơ, tôi thấy mắc cười quá, đồng ý việc thu xếp lại kia, nhưng “nhìn lại mình” thì anh lúc nào mà chẳng, mà thường trực nhìn lại mình cơ chứ, phải không Nguyệt Mai. Đọc xem:… tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa! Hiện tại với tôi thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai… (Một Chút Lan Man) Nhìn ra vậy chẳng phải là pháp tu của Người Biết Sống Một Mình? Thảnh thơi với ở đây và bây giờ, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

… Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bây giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bây giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. (Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi)

*

Và trong buổi ngồi thu lại những ký ức thời gian và xếp lại những vướng víu đa đoan ấy, anh đã tâm sự:

… Càng có tuổi, hình như tôi càng nhận ra có cái gì đó ngoài ý chí mình, can thiệp vào mình tùy hứng khiến mình đôi lúc không khỏi chưng hững, ngỡ ngàng, thầm nghĩ “duyên” chăng? Nhưng duyên là gì không biết. “Nghiệp” chăng? Nhưng nghiệp là gì cũng không biết. Thôi thì, cứ để nó trôi chảy, tự nhiên, bởi nó có vẻ chẳng cần đến ta, chẳng phải là ta, chẳng phải của ta…

Nguyệt Mai có nhận thấy không từ cái thay đổi của tuổi mới lớn đến tuổi hơi già, già chút nữa, già thêm nữa đến…, anh Ngọc đều cảm nhận đó là những biến thái đầy phép lạ, diễn biến tuyệt vời, tôi gọi reo tuổi là vậy:

… Nó diễn biến tuyệt vời đến vậy, liên tục đổi thay đến vậy thì có gì đáng phàn nàn đâu, có gì mà không thể tủm tỉm cười một mình đâu. Cho nên nếu tôi có gì khác tôi xưa thì chính là ở chỗ tôi có phần… khoái cái sự già nua tăng tốc đó của mình, tôi hồi hộp dõi theo nó, tôi cảm thấy nó… hợp lý, nói chung là… cũng dễ thương quá đó chớ! (Tôi Chợt Nhận Ra Tôi)

*

Và “người không già không trẻ” này kể kinh nghiệm hưởng thụ cái dễ thương đó:

Một là thiếu bạn. Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Hai là thiếu… ăn. Không phải vì không có điều kiện ăn mà người già thường thích những món ăn kỳ cục, và phải lắng nghe mệnh lệnh của bao tử… Ba là thiếu vận động! (Những Cái Thiếu Của Người Già)

Nghe thì thấy anh Đỗ Hồng Ngọc chả thiếu cái nào, các bạn trong Gánh Hát Rong mở email từ hồi nào hồi nao đến giờ có phải là anh thường xuyên ngao du sơn thủy cùng bạn hữu không? Lúc thì với hồng nhan tri kỷ của cuộc đời, lúc thì bạn cố cựu cỡ nửa thế kỷ như Lữ Kiều rồi thì Khuất Đẩu Lê Ký Thương Nguyễn Lệ Uyên Nguyên Minh Lữ Quỳnh… chưa kể một hàng dài người ái mộ xếp hàng chờ một chữ ký trên trang sách thơm, chưa kể ở khắp nơi có biết bao người đang cầm trên tay sách của anh, chưa kể Gánh Hát Rong còn có: Huyền Chiêu, Ngọc Vân, Kim Quy, Duyên, Thu Vàng, Nguyệt Mai, Thanh Lương, và Khánh Minh đây. Nói chung thì Người Trẻ Lạ Lùng Đỗ Hồng Ngọc kia lúc nào cũng có cái Bên Cạnh. Có khi thì em bé mò trai lượm ốc, có khi là người chủ quan cà phê, có khi thì cây bàng, tảng đá, có lúc là những thuyền thúng. Còn không thì có nụ cười tủm tỉm trên môi. Đâu có thiếu bạn. Còn ăn ư, cũng không thiếu nốt, vì ngồi với bạn là có cái gì đó để cùng nhau nhâm nhi, thậm chí chỉ ngồi ở quán ăn xong thì có ai đó bí mật trả tiền rồi. Mà đã đi lang thang hết núi tới rừng tới biển tới quê nhà thế thì sao thiếu vận động được, ôi chả trách người viết Biết Ơn Mình. Và chắc giờ đây sau khi Về Thu Xếp Lại và hỏi Để Làm Gì thì “Khi bạn hoàn tất việc sắp xếp lại căn nhà của mình, bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi một cách diệu kỳ”. Tôi cảm thấy cái diệu kỳ nhất, là nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình”. (Tìm Tết) Chậm lại, nghe tiếng trái tim, cho ta năng lực để thấm thía được hết những đau khổ và hạnh phúc, mới tu học được bốn tâm vô lượng mà Phật dạy để đối xử với người với mình trong hiểu và thương, phải vậy chăng?

*

Ở Hồi yêu ấy, người-ta lại nói thêm, nghiên cứu cho thấy có vẻ như càng già người ta càng yêu nhiều hơn, yêu vội hơn và càng yêu thì càng sống khỏe sống vui hơn! Khi “chút nắng vàng giờ đây cũng vội” thì mới thấy còn có bao nhiêu thời gian để yêu thương và được yêu thương? Ngọc Mai bảo anh Ngọc đang ở sinh nhật 80 đấy. Nhớ anh có bài thơ rất tình:

thì viết cho anh một lá thư tình

trên tờ pelure xanh

như thuở em mười lăm…

… thời gian qua nhanh

em nay lên bảy tám

cũng vừa mười lăm

anh vẫn đợi hoài lá thư màu xanh

đọc run thuở đó…

(Biết Làm Gì Đây, 2020)

Khi đọc bài thơ trên của anh, tôi có trả lời, em nghĩ ừ hay mình viết một lá thư tình cho ai (cho cố nhân hay cho thời gian) trong lúc đang shelter in place này bằng giấy pelure xanh chăng? Có vậy mới quên được bầy quỷ Covid-19 đang hoành hành, và tuyệt thay tôi nhận được câu trả lời của anh, mà em chưa tới bảy mươi viết thư tình hơi quá sớm chăng? Ừ, thì cứ như Đỗ Hồng Ngọc, như Quang Dũng, em mãi là hai mươi tuổi, ta mãi là mùa xanh xưa

*

Và, Nguyệt Mai ơi hãy nghe cùng tôi những tế bào sinh sôi khi đọc: Cái tuổi đẹp nhất của đời người theo tôi có lẽ ở vào lứa 65-75. Đó là lứa tuổi tuyệt vời nhất, sôi nổi nhất, hào hứng nhất… Tuổi vừa đủ chín tới…(Lời Ngỏ – Về Thu Xếp Lại). Như vậy thì tất cả trong Gánh Hát Rong mình đang là tuổi chín tới đấy, nghe cực kỳ lãng mạn phải không các bạn trẻ lạ lùng của tôi? Ơi Huyền Chiêu Ngọc Vân Kim Quy, ơi Duyên Thanh Lương Thu Vàng ơi…

Santa Ana , Jul 24, 2020

ntkm

Nguồn: “Còn Chút Để Dành”

Nguyễn Thị Khánh Minh: Đọc Đỗ Hồng Ngọc (Đỗ Nghê)

Bản do Đỗ Hồng Ngọc in ở Việt Nam 15/8/ 2021, trang 7-21.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TRẦN THỊ NGUYỆT MAI

 

Trăng Thơm

 

 

 

 

Gửi chị Khánh Minh

 

 

 

Ai nói gì qua lá

Mà khuya đầy trăng thơm

(trăng gần trăng xa – thơ nt khánh minh)

Lá thở từ muôn kiếp

Đếm sao trời ngàn năm

Cho đêm hoài trăng thơm

Trăng thơm trong giấc ngủ

Cứ như như gần như xa

Em bồng bềnh mộng ảo

Đẹp tuyệt vời là đêm

Trăng óng ả ướp mật

Như câu chuyện thần tiên

Và ước mơ bình yên

Người thương người vô biên

Thôi chiến tranh, muộn phiền

Đêm thơm cùng với trăng

Nguyện cầu cho thế giới

Vằng vặc một tâm rằm….

Từ: Nguyễn Thị Khánh Minh – tập thơ ĐÊM

NXB Văn Học Press, 10/2021, trang 196

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VĨNH HẢO

 

 

Ước Hẹn Ngày Mới

 

Bắt đầu một năm mới tinh khôi, nghĩa là phải có một tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút, một giây hoàn toàn mới, từ tương lai bước vào hiện tại. Nhưng một cái gì hoàn toàn mới, xuất hiện một cách mơ hồ trên lịch, chỉ là một ý niệm, một quan điểm. Do người ta đặt để, đo lường, tạo một qui ước về thời gian - căn bản dựa trên sự chuyển dịch của địa cầu qua hai vầng nhật nguyệt (1) - để ổn định sinh hoạt xã hội, mà từ hàng ngàn năm trước đến nay, ngày-tháng-năm được xuất hiện trên những tấm lịch, những cái đồng hồ (mặt trời, cát, nước, đeo tay, treo tường), máy vi tính và điện thoại.

Ý niệm về thời gian, qui định về thời hạn, thời khắc, bao trùm toàn bộ đời sống nhân loại. Ngày nay, bỏ đi lịch và đồng hồ, xã hội sẽ loạn. Không ai sống trên đời mà không cần đến thời hạn, thời khắc. Ngay cả những kẻ ẩn dật trên núi cao, không tiếp xúc với người, vẫn để ý mặt trời mọc và lặn, trăng tròn hay trăng khuyết. Phải có một mốc thời gian nào đó trong ngày-tháng-năm, và trong đời. Con người khi sinh ra là sinh ở một kỳ hạn, và từ đó, sống theo vô số kỳ hạn khác cho đến hạn kỳ cuối cùng là giã từ cuộc chơi trong cõi mộng hư phù. Mỗi sớm mai thức dậy là bắt đầu với những cuộc hẹn tiếp nối không ngừng trong ngày. Càng đa sự càng nhiều cuộc hẹn. Giữ cho đúng những cuộc hẹn thì được xem là người uy tín, đáng tin cậy. Dù muốn dù không, người ta không thể nào rời bỏ được những cuộc hẹn trong đời.

Nói theo ngôn ngữ thơ, đời là cuộc ước hẹn. “Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc” (2). Ước hẹn với người. Ước hẹn với tự thân. Ước hẹn với số đông, như một lời nguyền, một ước nguyện, một chí nguyện. Chúng ta sống ở đây, bây giờ, nhưng bước tới với những ước hẹn trước mắt, ở tương lai.

Có những ước hẹn có thể giữ được, đạt được. Có những ước hẹn đạt được, nhưng sau đó không giữ được. Trễ hẹn, thất hứa, vẫn thường xảy ra trong cuộc sống, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn. Không phải có hẹn là có thành; không phải đã thành là sẽ tồn tại mãi. Bởi vì hẹn ước thời gian là hẹn ước với tương lai, là cái chưa xảy ra, và chỉ có thể thực sự xảy ra ngay nơi chính ngày-tháng-năm hay giờ phút nó vừa đến. Không có gì chắc chắn ở tương lai. Cho nên không thực sự có một ngày mới hay năm mới. Cái mới không thể hiện hữu nếu không liên kết nó với cũ. Vì có cái cũ nên mới có cái mới, mà cái cũ đã qua rồi, cái mới lấy gì mà liên kết? Nếu nói cái cũ làm nhân để sinh cái quả mới tương lai thì tương lai đã có sẵn trong quá khứ; có sẵn trong quá khứ rồi thì đâu cần được sinh ra nữa (3). Ngay cả cái hiện tại, cũng không thể là cái mới nhất, hay là cái trung gian giữa quá khứ và tương lai được, vì vừa khi nó chạm đến cái tương lai kề cận, chính nó đã trở thành quá khứ. Thời gian quá khứ không có thật; thời gian hiện tại không thật; nên thời gian tương lai cũng không thật (4). Ba thời gian này tương tác đối đãi nhau mà huyễn hiện như là có thật; mà kỳ thực, chúng chỉ được nhận thức từ sự chuyển động, biến dịch của vật thể trong không gian. Căn cứ nơi vật thể sinh-diệt vô thường mà có cái ý niệm về thời gian. Vật thể vô thường không thật thì thời gian cũng không thật. Ngày mới, năm mới không có thật. 

Quán sát bản chất của thời gian là để giải thoát tri kiến, vượt khỏi những buộc ràng của vọng chấp si mê, đạt được niềm an vui tĩnh tại nội tâm giữa một thế giới biến động, bất an, bất toàn. Quán sát như thế không phải để lìa xa cuộc đời, mà chính là để có thể sống thật và an nhiên với cuộc đời không thật. Và như vậy, vẫn như hàng tỷ người trên hành tinh, lật đến tờ lịch cuối cùng của năm để thấy một ngày mới, năm mới, với tình thương và những nguyện ước thâm sâu, hướng về nhân loại và sinh chúng, mong tất cả đều được an lành, phúc lạc. 

California, trước thềm năm mới dương lịch 2022

 1)   Địa cầu tự xoay một vòng là một ngày một đêm; quay quanh mặt trời một vòng là một năm; quay quanh mặt trăng một vòng là một tháng.

2)   Thơ Tuệ Sỹ, bài Cánh Chim Trời, mở đầu với câu: “Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc / Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu…”

3)   Xem Trung Luận, phẩm Quán Thời thứ 19.

4)   Nghiệm từ câu “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” (Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba-la-mật).

VĨNH HO

 

 

 

Tâm Xuân

Cuối năm, đọc thơ xuân của người xưa, chợt bắt gặp mấy câu tâm đắc.

Đuổi trâu bùn chạy dài, lôi cọp đá về xích lại (1). Hình ảnh này có vẻ ứng hợp với năm Sửu năm Dần nào đó hơn bảy trăm năm trước, thời của Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291). Chẳng phải xua đuổi hay xiềng xích gì loài thú, mà chỉ muốn nói cái tâm đã được thuần hóa, và mê vọng đã được giải trừ. Trong văn học Thiền, trâu bùn là tâm, cọp đá là vọng thức, không thật. Kiểm soát được tâm, giải trừ vọng hoặc, là bước đầu để hiển lộ chân tâm, từ đó mới có thể tự tại thong dong nơi hồng trần.

Trầm luân bao đời kiếp trong dòng sinh-tử. Có khi làm kẻ nghèo cùng lang thang, có khi làm người giàu có trong dinh thự nguy nga; có khi làm trâu làm ngựa kéo cày kéo xe, có khi làm chúa của muông thú trong rừng núi bạt ngàn; có khi là con chim hót trong lồng son, có khi là đại bàng soải cánh trên vòm trời vô tận; có khi là nghệ sĩ hát rong, có khi là con tằm nhả tơ vào hư không lộng gió… Lênh đênh triền miên trong biển đời thăng-trầm, vinh-nhục, khổ đau và hạnh phúc, tự hỏi, “nay mùa đông, mai mùa hạ, buồn chăng” (2). Và tự biết, một sớm mai khi gió về thổi tan băng tuyết, trăm hoa vẫn vậy, nở rộ dưới nắng xuân (3). Đó là tâm của người đã chạm đến chỗ không thể nghĩ bàn.

Tất cả chỉ từ một tâm. Tâm vẽ nên nỗi thống khổ và niềm hoan lạc của trần gian. Khi tâm định, mọi thứ sẽ định. Tâm an, thế giới sẽ an. Tâm xuân, sông núi biển trời sẽ ngập tràn hương sắc xuân. Và muôn người muôn vật chỉ có thể an bình hạnh phúc thực sự khi có được cái tâm định tĩnh, sáng rỡ như mặt trời, xua tan mọi ảo vọng mê chấp của nhân sinh.

California, trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

______________

(1) “Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu/Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi” (trong bài Nhập trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ), Huệ Chi dịch thơ là “Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi/Cọp đá lôi về, giây sắt giong.” Cọp đá ở đây được Huệ Chi chú thích theo “Thế Thần Ký” là người nước Sở, tên Hùng Cừ, đi đêm thấy tảng đá tưởng là cọp, giương cung bắn, rơi mất mũi tên vàng, sau trông lại mới biết chỉ là đá – cho rằng tác giả (Tuệ Trung) mượn ý này để chỉ những ai bám víu lấy ý niệm mê vọng. (Nguồn: Thơ Văn Lý Trần, tập II, trang 247 – 248, NXB Khoa Học Xã Hội, 1988).

(2) Khung Trời Cũ, thơ Tuệ Sỹ.

(3) “Tự đắc nhất triêu phong giải đống/Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài” (hai câu cuối của bài Nhập trần - Tuệ Trung Thượng Sĩ). Huệ Chi dịch thơ là “Rồi một ngày mai băng giá hết/Trăm hoa như cũ, gió xuân nồng.” Các chữ “lệ xuân đài” ở đây, Huệ Chi không dùng, hoặc đã dịch thoát là “gió xuân nồng” (chữ “gió” từ câu trước, chữ “nồng” có lẽ là dịch từ chữ “lệ”). Chữ “lệ” nghĩa đen là nước mắt, nghĩa bóng là ướt át, lưu luyến, lụy. Chữ “xuân đài” là đài xuân, ý tôn vinh mùa xuân, hay chúa xuân, ngự trị trên đài cao. “Xuân đài” ở đây thật khó dịch, chi bằng cứ để nguyên vậy. Cho nên Chúc Hiền đã dịch là “Trăm hoa vẫn cũ luyến xuân đài” (https://quangduc.com/p158a69437/83/nhap-tran). Chữ “lệ” dịch thoát là luyến (quyến luyến), cũng hay.

Xin chép lại bài Nhập Trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ làm quà xuân năm nay:

Nhập trần

Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai,

Hoàng sắc my đầu đỉnh đỉnh khai.

Bắc lý ưu du đầu mã phúc,

Đông gia tán đản nhập lư thai.

Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu,

Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi.

Tự đắc nhất triêu phong giải đống,

Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài.

(Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Vào dòng cát bụi

Xăm xăm cát bụi bước vào vòng,

Vàng óng đầu mi, rướn rướn trông.

Bụng ngựa rong chơi, này xóm Bắc,

Thai lừa lạc bước, nọ nhà Đông.

Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi,

Cọp đá lôi về, giây sắt giong.

Rồi một ngày mai băng giá hết,

Trăm hoa như cũ, gió xuân nồng.

(Huệ Chi dịch)

 

 

 

 

 

Ỷ THU AM

 

Mùa Xuân, Tuổi Trẻ Và Đạo Phật

 

Từ lâu lắm, chừng như trong tâm khảm và ước vọng của con người, mùa xuân bao giờ cũng hiện ra với dáng vẻ tươi vui, rực rỡ và sinh động, bởi vì nó là giai kỳ khởi đầu cho một vận hành dịch biến mới của vạn vật.

Trong vận hành tử sinh của đời người cũng vậy, tuổi trẻ là mùa xuân của cuộc đời, là giai đoạn khởi đầu của một đời sống mới. Cái khác biệt chính là trong vận đồ biến dịch tử sinh của con người, có nhân duyên thức tâm đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng chánh báo và y báo cho mỗi cá nhân. Từ đó, mùa xuân tuổi trẻ không hẳn đã thường trực biểu lộ ra trong sắc thái tươi vui, rực rỡ và sinh động mà lắm khi nhốm màu tan thương! Đây không phải là nhận định phát xuất từ cảm quan tiêu cực hay bi quan yếm thế như một số người thường nghĩ. Đây là nhận thức đúng bắt nguồn từ thực tại của đời sống. Có can đảm và như thật nhìn nhận thực tại, dù đó là thực tại bi thương hay thống khổ đến đâu, con người, trong đó có tuổi trẻ, mới có thể làm hiển sinh được cái dũng lực của trí tuệ siêu việt để hướng cuộc đời lên chiều thăng hoa và giải thoát. Đó chính là ý nghĩa vi diệu mà Thiền sư Mãn Giác đời Lý đã trao gởi trong hình ảnh sống động tuyệt vời của đóa mai nở muộn trước sân trong một đêm trường nào đó vào cuối xuân:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Đừng nghĩ: Xuân tàn hoa rụng hết

Bên thềm, mai nở trắng… đêm qua.

(Thích Đức Nhuận dịch)

Một cành mai nở trọn vào những ngày cuối xuân là biểu tượng hy hữu nhưng không phải là điều bất khả. Nó là hình ảnh của khả tính nằm sâu trong mỗi hiện hữu mà nếu có đầy đủ thời tiết nhân duyên thì sẽ khai biểu ra như một thực thể khẳng định. Hiện tượng kỳ diệu đó cũng là thông điệp nhắc nhở cho chúng ta rằng, trong chốn khổ đau triền phược này vẫn tiềm ẩn khả tính ưu việt của sự an lạc, giải thoát và giác ngộ, giống như trong chốn ao tù bùn lầy kia vẫn có những đóa sen hương thơm và thanh khiết vươn lên. Hơn nữa, nó không còn là một thứ hiện tượng hãn hữu chỉ xảy ra vài lần hiếm quý mà nó là yếu tố ắt có để những thành tựu như vậy có mặt. Sen là phải được trồng, nuôi dưỡng và nở hoa từ trong chốn bùn lầy. Cũng vậy, sự giác ngộ và giải thoát không thể tìm kiếm đâu xa ngoài chốn khổ đau phiền lụy.

Tuổi trẻ là mùa xuân, cho nên tuổi trẻ đang nắm trong tay cái cơ hội quý giá nhất của đời người để làm hiển sinh những niềm vui chân thật, làm nở hoa những hy vọng vừa nẩy mầm, làm chói sáng giá trị đích thật của đời sống vừa mới nhô lên.

Giáo pháp của đức Phật là những tia sáng triêu dương chiếu rọi vào vùng tâm thức bị che lấp bởi đêm dày vô minh để nhờ đó chúng ta có thể thấy rõ được lộ trình chân thật hướng đến sự thăng hoa của đời sống và sự thành tựu mục đích cao cả của đời người.

Trên bình diện nhận thức, giáo pháp của đức Phật khai thị cho chúng ta thấy rằng, do tập khí vô minh huân tập từ vô lượng kiếp, cho nên chúng ta lúc nào, ngay dù là trong khoảnh khắc của sát na, cũng thấy các pháp là thật có, có tự tánh, có tự ngã, trong đó có cái ngã của tập hợp ngũ uẩn mà chúng ta đang mang. Từ căn bản của nhận thức hữu ngã này, chúng ta tạo lập cái nhìn nhị biên phân biệt và chia cắt thực tại ra làm hai mảnh: chủ và khách, bỉ và thử, nhân và ngã, v.v… Dưới quan kiến hữu ngã, chúng ta không thể nào bước sâu vào, nhập thể vào được trong cội nguồn uyên nguyên của vạn pháp, mà chỉ có thể đứng ở bên ngoài để ngắm xem, để phê phán. Thí dụ, khi chúng ta đang nghe một người bạn trình bày về một điều gì đó, với tập khí vô minh hữu ngã, chúng ta rất hiếm khi có thể bình tâm, thanh thản để nghe trọn vẹn câu chuyện mà không khởi lên bất cứ một ý niệm mang theo nó nội dung của định kiến, thiên kiến, chủ kiến, lập trường, thái độ, cảm quan, hay cả những hậu cảnh tâm thức đã được dựng lập từ trước. Đó chính là tình trạng góp phần làm cho chúng ta khó có thể nhận thức đúng như thật những sự kiện mà mình tiếp xử trong cuộc sống thường ngày. Nó cũng chính là nhân duyên dẫn đến sự thiếu hiểu biết, sự ngộ nhận, sự thiên vị, sự cố chấp, sự bất hòa, sự đấu tranh mà chúng ta đang chứng kiến mỗi ngày, mỗi giờ trong đời sống. Thêm một thí dụ khác, như đóa mai nở trước sân trong một đêm nào đó vào cuối xuân của Thiền sư Mãn Giác đã nói ở trên, có bao giờ trong đời sống bận rộn, tất bật, bôn ba chạy theo cái ăn cái mặc, chạy theo giờ giấc sinh hoạt học đường: bài bở, thi cử, bằng cấp học vị, chúng ta biết dừng lại vào một buổi sớm tinh sương trong khí trời lành lạnh của mùa xuân để ngắm nhìn trong trạng thái đơn sơ, mộc mạc và thuần khiết của tâm thức, của nhãn quan mình, vào nụ hoa mai, để cảm nhận bằng trực giác sự vi diệu và nhiệm mầu của nó?

Nhận thức hữu ngã như vậy chỉ là cái nhìn bề ngoài, cái thấy ở hình thức tổng thể chứ chưa phải là sự quán chiếu vào chiều sâu bên trong, vào chính nội thể của pháp. Thực ra nội thể bên trong của pháp không là gì cả ngoại trừ là một tập hợp của các duyên, các điều kiện. Quả thực như thế, giáo pháp duyên khởi mà đức Phật đã khai thị cho chúng ta biết rằng không một pháp nào hiện hữu độc lập bởi chính nó như là nguyên nhân đơn độc, mà tất cả đều có mặt trong mối tương quan, tương duyên với nhau. Một ý niệm cũng không thể chỉ là một tự hữu đơn nhất mà phải có các duyên như là sự có mặt của tâm, của dòng ý thức khởi động, của căn, của cảnh, của xúc, v.v… Rộng hơn nữa là bình diện vũ trụ, giáo pháp của đức Phật mở ra cho chúng ta hiện tượng giới tồn tại trong mối tương quan, tương duyên bao la vô tận không có ngằn mé. Thế giới mà chúng ta đang sống chỉ là một điểm nhỏ trong dải thiên hà chứa hàng triệu triệu tinh tú, và trong vũ trụ mênh mông còn có vô lượng vô số những dải thiên hà như vậy. Nhiều vì tinh tú mà tia sáng rọi đến thế giới chúng ta phải mất hàng tỷ năm ánh sáng, có khi chúng ta nhìn thấy ánh sánh thì vì tinh tú ấy đã hoại diệt từ bao giờ rồi. Dù là rộng lớn bao la như thế, sự tồn tại của vũ trụ vẫn không ra ngoài mối tương quan duyên khởi. Sự sinh khởi và hoại diệt của một hạt bụi, một vi trần, dù mắt phàm không thể nhận biết, vẫn có mối liên quan chặt chẽ với toàn thể vũ trụ. Nhờ những phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành vật lý không gian, đã giúp cho con người ngày càng nhận thức ra được mối quan hệ duyên khởi gắn bó của vũ trụ. Cũng qua đó, con người ý thức được những tác động hỗ tương trong vũ trụ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các sinh vật trong đó. Mối quan tâm đối với vấn đề an toàn môi sinh, bảo vệ môi trường sinh thái của thế giới đang càng lúc càng trở nên cần thiết, là bằng chứng rõ nhất mà chúng ta có thể nhận biết được.

Từ quan kiến về vũ trụ duyên khởi như vậy, con người đã bắt đầu ý thức sâu sắc và thực tiễn hơn về mối tương quan tương duyên trong sinh hoạt của thế giới mà mình đang sống. Những nỗ lực mà con người đã và đang thực hiện trong các lãnh vực: văn hóa, giáo dục, kinh tế thương mại, giao tế, định chế chính trị, tôn giáo, v.v… cho chúng ta  thấy rằng,  thế  giới đang ngày càng xích lại gần nhau hơn, có quan hệ thường trực và gắn bó hơn, thể hiện trách nhiệm và hiểu biết qua cảm thông, đối thoại, hỗ tương nhau nhiều hơn. Ngày nay, nhân loại đã nhận thức được một cách cụ thể rằng không một quốc gia nào, không một hình thái sinh hoạt nào trên thế giới này có thể tồn tại và phát triển được nếu tách rời ra khỏi mối tương quan tương duyên với cộng đồng thế giới. Trong ý nghĩa này, con người cũng hiểu biết chân xác hơn rằng muốn cải thiện và phát triển một quốc gia, người ta không thể không quan tâm đến việc cải thiện và phát triển toàn thể thế giới, bởi vì nếu phần còn lại của thế giới không được cải thiện và phát triển thì không một quốc gia nào có thể thực hiện thành công sự cải thiện và phát triển mang tính khu biệt và độc lập của mình. Chính nhận định đó đã dẫn đến sự hình thành những chương trình và kế hoạch được gọi là toàn cầu hóa mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay.

Nhìn vào sinh hoạt của xã hội nhân sinh, giáo pháp duyên sinh của đạo Phật chỉ bày cho chúng ta điều gì? Giáo pháp duyên khởi mà đức Phật dạy đã vén mở ý nghĩa thâm sâu của thân phận người. Theo đó, sự có mặt của chúng ta là sự hội tụ của những nhân duyên mà do chính chúng ta đã tác tạo. Tương tự như vậy, sự tác tạo hành nghiệp trong đời sống hiện tại của chúng ta sẽ là những nhân tố tựu thành cho cuộc sống tương lai. Có điều lý thú mà chúng ta không thể bỏ qua hoặc xem thường, đó là yếu tố quyết định của sự hình thành và hoại diệt của nhân duyên không phải do bất cứ một ai khác mà là do chính chúng ta định đoạt. Điều này có nghĩa rằng, chúng ta chính là người nắm quyền quyết định lấy vận mệnh khổ đau và an lạc của mình. Gầy dựng nhân duyên hành nghiệp thiện, chúng ta sẽ chiêu cảm kết quả của đời sống an lạc. Ngược lại, tác tạo nhân duyên hành nghiệp ác, chúng ta sẽ nhận chịu hậu quả của đời sống khổ đau. Cũng qua giáo pháp duyên khởi của đức Phật, cho chúng ta hiểu rằng, sự khổ đau và an lạc của người này có mối tương quan tương duyên bất khả phân với sự khổ đau và an lạc của những người khác và ngược lại. Vì vậy, tâm thức chỉ mưu cầu an lạc cho cá nhân mà không quan tâm đến sự khổ đau và an lạc của tha nhân là điều không những không thể thực hiện được mà còn tiềm ẩn trong nó động lực phản tác dụng.

Giáo pháp duyên khởi ấy còn mở ra tầm nhìn đối với thân phận thực tế của chúng ta. Sự có mặt của chúng ta trong cuộc đời này là do nhiều tác duyên mà trong đó chúng ta không thể không nói đến một cách trân trọng vai trò quan yếu của cha mẹ. Cha mẹ là duyên để tựu thành sự có mặt của chúng ta và cũng là duyên trưởng dưỡng cho chúng ta nên người. Môi trường sinh hoạt của gia đình là một trong những điều kiện then chốt giúp cho chúng ta trở thành người thành đạt và hữu dụng. Những tác duyên trong đời sống gia đình về cách cư xử lẫn nhau, về lòng thương yêu quý trọng nhau, về đức hiếu thảo đối với các bậc sinh thành và thuận hòa đối với anh em thân thuộc, về nề nếp luân thường đạo đức, tính ngay thật, nhẫn nại, tính hy sinh và phụng sự tha nhân, về sự khuyến khích và gương mẫu trong việc chăm chỉ học hành, về nếp sống chứa đựng tinh thần văn hóa cao, phẩm hạnh trong sáng, về sự thực nghiệm đời sống tâm linh thuần khiết, v.v…, tất cả những tác duyên ấy đều góp phần trọng đại cho một con người trưởng thành hoàn bị và hướng đời mình đến mục đích cao cả hơn.

Đặc biệt đối với tuổi trẻ, một nền giáo dục thành tựu là yếu tố duyên sinh cơ bản để tạo dựng tất cả những gì tốt đẹp mà con người mong muốn. Ngày nay, khi nói đến một nền giáo dục thành tựu người ta không đổ hết trách nhiệm lên cơ cấu điều hành giác dục học đường mà thường đề cập đến nhiều tác duyên khác như là: bản thân của người học sinh, đời sống gia đình, môi trường xã hội, nền tảng của truyền thống văn hóa giáo dục của đất nước, các chính sách của nhà nước liên quan đến giáo dục, mức phát triển kinh tế và thị trường lao động, hệ thống điều hành giáo dục học đường trong đó bao gồm: phẩm chất chuyên nghiệp của giáo sư, đường hướng giáo dục, nội dung chương trình giảng dạy, sách vở tài liệu giảng dạy, cách thức điều hành học đường, mối liên hệ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Vì thế, một nền giáo dục thành tựu là biết cách vận dụng tính tương quan duyên khởi của nhiều điều kiện khả thi đến mức toàn vẹn. Nền giáo dục thành tựu không phải chỉ biết áp đặt những quy luật học đường và những công thức của kiến thức chuyên môn một cách khô cứng, giáo điều và cục bộ lên học sinh. Nền giáo dục ấy phải biết khôn khéo khai mở tâm trí của học sinh mà trong đó tinh thần khai phóng, sáng tạo và vượt thoát là những động lực chủ yếu giúp cho tuổi trẻ vươn lên. Chính vì vậy, giáo dục tức là nuôi lớn tuổi trẻ bằng phương thức dạy dỗ, chuyển hóa và nâng cao cả về thể dục, đức dục và trí dục. Thiếu giáo dục, tuổi trẻ sẽ không thể trưởng thành, giống như thiếu điều kiện thời tiết nhân duyên thì đóa mai không thể nở trọn.

Xuân mà thiếu vắng những cành mai vàng rực rỡ thì dường như xuân không có hương sắc. Cũng vậy, tuổi trẻ lớn lên cho dù có thành đạt bao nhiêu danh vọng, địa vị và tiền tài mà không thể làm nở được những đóa mai hương sắc thanh khiết trong tâm hồn và trí tuệ, không thể vén bày được khung trời xuân quang đãng cho đời mình thì chừng như sự hiện hữu ấy thiếu đi ý nghĩa và mục đích cao cả. Nguồn: Phật Việt.com 16/01/2022

TUỆ NGUYÊN

Xuân Tình Vô Ngã

17/01/2022

 

Xuân về
muôn vật xôn xao,
rừng mai hé nụ
ngạt ngào thiền hương.
Mấy mùa xuân
phủ tuyết sương,
Xuân bây giờ đã
dọn đường đi lên. 

Cửa Không,
trăng dọi bên thềm,
chuông xa vẳng gọi
ai bên bến này.
Xuân về
xin hãy về đây,
cho em ấm lại
những ngày tháng qua.

Cho anh
hát bản xuân ca,
tình thơm quê mẹ,
vườn cà nương khoai.

Ngày xuân
cánh bướm bay hoài,
tung tăng hoa bưởi,
miệt mài hoa cau.
Xuân từ đâu,
bướm từ đâu;
do đâu mà có
nhịp cầu với nhau?
Xuân từ đâu,
bướm từ đâu;
do đâu hoa nở
xuân cười bướm bay? 

Xuân đi
ai đẩy tháng ngày,
xuân về ai gọi,
ai thay đổi màu?
Sương mờ
trong cõi bể dâu,
biết bao giờ
giải được câu hỏi này? 

Thôi!
xuân về bướm cứ bay,
xuân về
vạn vật cứ thay đổi màu.
Còn ta,
ta đến với nhau,
xuân tình vô ngã
nhiệm mầu biết bao

Tuệ Nguyên

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

 

 

Mùa Xuân Của Hiện Tại

Hiện tại có tính bình đẳng cho tất cả mọi người. Dầu ở bất cứ nơi nào trên trái đất, dầu tôi và anh ở múi giờ khác nhau, người ta vẫn chung nhau một hiện tại, ai cũng nói lúc này là bây giờ. Giây phút này là hiện tại bình đẳng cho tất cả. 

Nhưng hiện tại là gì? Về mặt vi mô, hiện tại là một sát na, một khoảnh khắc, một niệm. Trong khoảnh khắc đó không có tư tưởng, không có nhớ về, không có đã, sẽ và đang. Vì một tư tưởng kéo dài qua nhiều khoảnh khắc nên trong một khoảnh khắc thì không có chỗ cho một tư tưởng, một hình ảnh nào cả. Khoảnh khắc là vô niệm, không có tư tưởng, không phân biệt đây kia, không có hôm qua ngày mai. Thế nên cái đánh, hét của Thiền tông, một tiếng hét “Phat” của Đại Toàn Thiện chính là để đưa người ta vào khoảnh khắc hiện tại ấy. Nơi đó không hề có một chút ý thức phân biệt nào. Khoảnh khắc hiện tại ấy là vốn tịch diệt, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, nói theo Bát nhã tâm kinh hay Không, Vô tướng, Vô tác chung cho cả Nguyên thủy và Đại thừa. 

Về mặt vĩ mô, hiện tại là cái bây giờ bao trùm khắp cả không gian và thời gian hữu hạn và quy ước. Hiện tại mở khắp vũ trụ này là đồng nhất, cùng một thời hiện tại, như đại dương trên là nước, dưới là nước, bốn hướng mười phương đều là nước, không gian nhỏ nhất như hạt bụi cũng là nước. Hiện tại vĩ mô chỉ là hiện tại vi mô được mở rộng ra tầm mức vũ trụ mà thôi. 

Hiện tại như thế được gọi là đương niệm hay nhất niệm. Cái hiện tại nhất niệm hay vô niệm này là nguồn, là nền tảng cho mọi thời gian quy ước nên đó là sự giải thoát tại đây và bây giờ cho mọi thời gian quy ước. Sống đạo Phật là sống trong đương niệm hay hiện tại toàn khắp này. 

“Thiền sư Thiền Lão (thế kỷ 11), khi vua Lý Thái Tông có lần đến chùa và hỏi sư rằng: Hòa thượng ở núi này đến nay thời gian đã bao lâu? 

Sư đáp: Chỉ biết nhật nguyệt nay 

Ai hay xuân thu cũ”. 

Cần chú ý câu hỏi của vua gồm cả không gian (ở núi này) và thời gian (đã bao lâu), và sư cũng trả lời đầy đủ cả không gian và thời gian. Như vậy cái hiện tại này (nhật nguyệt nay) bao gồm cả không gian và thời gian, hay nói cách khác hiện tại này có trong tất cả mọi không gian và thời gian. Hiện tại ấy bao trùm ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Hiện tại ấy chính là giải thoát vì không lệ thuộc một thời gian nào, một không gian nào cả. 

Cái hiện tại của Sư Thiền Lão cũng là một với cái hiện tại của chúng ta và là một với hiện tại của những thời xa xăm về sau này. Bởi vì nếu khác thì trước và sau Sư chẳng có ai giải thoát như Sư. Trong lịch sử đã và sẽ có nhiều người giải thoát vì cùng chung một hiện tại này. 

Hiện tại ấy là sự giải thoát cho quá khứ vì chẳng dính dáng gì với quá khứ (ai hay xuân thu cũ). Hiện tại mở khắp ấy là sự giải thoát, sự tịnh hóa, sự ‘rửa tội’ cho quá khứ đầy rẫy những lỗi lầm, những vết thương trong tâm thức của mỗi con người và những xã hội. Trong hiện tại ấy, quá khứ được tiêu dung, được tịnh hóa. Tịnh hóa bằng cách nào? Khi quá khứ không còn ám ảnh, dính dáng vào hiện tại, nó sẽ như bài kệ kết thúc Kinh Kim Cương: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương như ánh chớp; hãy quán thấy như vậy.” Quá khứ được tịnh hóa khi người thấy ra bản chất của nó là như huyễn, như mộng. Ở trong hiện tại mở khắp và không dính dáng với cái gì, quá khứ được tịnh hóa vì, “tâm quá khứ chẳng thể đắc, tâm hiện tại chẳng thể đắc, tâm vị lai chẳng thể đắc”. 

Hiện tại ấy bao trùm chúng ta trong mỗi khoảnh khắc, bao trùm cả những người đã chết trong chiến tranh, bao trùm lịch sử buồn vui của mỗi cá nhân và mỗi dân tộc. Hiện tại ấy bình đẳng cho tất cả, vì chúng ta có giàu nghèo, khôn dại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, khổ vui khác nhau…, nhưng chúng ta luôn luôn ở trong cái hiện tại đồng nhất ấy, không có ai có nhiều hơn hay ít hơn. 

Chính cái hiện tại này mở khắp này tịnh hóa thời gian trong mỗi phút giây, tịnh hóa cho mỗi phút giây lập tức đã trở thành quá khứ. Hiện tại ấy là cái chết trong mỗi phút giây, để mỗi phút giây được tịnh hóa, được tái sinh trong thực tại luôn luôn mới mẻ. 

Nói rằng mọi sự chết đi và tái sinh trong từng phút giây chỉ là một cách nói. Thực ra cái hiện tại ấy, thực tại ấy không hề ô nhiễm bởi không gian và thời gian của chúng ta nên không có sự sống chết. Thế nên Kinh nói, “Tất cả các pháp tánh tướng xưa nay vốn thanh tịnh”, hoặc các Thiền sư nói, “tánh tướng như như”. 

Thấy và sống trong hiện tại ấy, người ta thấy biết thực tại luôn luôn mới mẻ trong từng khoảnh khắc. Mới mẻ vì chẳng dính dáng đến quá khứ nhiều hối tiếc và tương lai như giấc mộng ban ngày. Thực tại này kinh điển gọi là “thật tướng của tất cả các pháp”. Thiền sư Thiền Lão vẫn sống hằng ngày với thực tại ấy, với “tâm bình thường là Đạo” ấy. Đại Ấn (Mahamudra) của Tây Tạng cũng nói thực tại ấy là tâm bình thường. Đại sư Gampopa nói: “từ ngữ tâm bình thường ám chỉ tánh giác bổn nguyên. Không sửa sang là để cho nó đúng như nó là, không tác động vào nó” (Mahamudra, the quintessence of mind and meditation, Takpo Tashi Namgyal, trang 246). 

“Khi vua hỏi: Hàng ngày Hòa Thượng làm gì? 

Sư đáp: 

Trúc biếc, hoa vàng đâu cảnh ngoại 

Trăng trong, mây trắng lộ toàn chân”. 

Hiện tại mở khắp, không dính dáng gì đến những “xuân thu cũ” này là cái “toàn chân” đang hiển lộ, chẳng nhiễm ô bởi thời gian và không gian. 

Cái thấy hiện tại của Thiền sư Thiền Lão luôn luôn là cùng một cái thấy hiện tại của chúng ta bây giờ. 

Các truyền thống đạo Phật dạy rằng chánh niệm tỉnh giác cái hiện tại toàn chân này, chúng ta sẽ thấy nó và sống được trong nó như Thiền sư Thiền Lão.

Nguyễn Thế Đăng


Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm