Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Phật tử B. R. Ambedkar

 
Như thường niên, hôm nay, ngày mồng 6 tháng 12, lễ tượng niệm ngày  B. R. Ambedkar qua đời cũng được tổ chức trọng thể trong nhiều ngày tại công viên Shivaji, khu vực Dadar, thành phố Mumbai, Ấn Độ. Phật tử Ấn Độ xem Ambedkar như một vị Bồ-tát. Vì trong cách nghĩ của họ, ông là người đã đem Phật giáo trở về lại quê hương Ấn Độ, là người đã hướng dẫn họ trở về nương tựa ba ngôi Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng. Thật vậy, B. R. Ambedkar là một Phật tử ưu việt, có công rất lớn trong phong trào phục hưng Phật giáo Ấn Độ trong thế kỷ XX. 
Năm nay, người ta ước đoán cũng sẽ có khoảng hơn 500 ngàn Phật tử và những người theo ông B. R. Ambedkar từ nhiều nơi hành hương về Mumbai để tham dự sự kiện này.
Để tưởng nhớ ông, nhân ngày ông qua đời, xin được giới thiệu đôi nét về ông.
Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ra trong một gia đình thuộc giai cấp Cùng đinh (ngày xưa gọi là Thủ-đà-la), tại một ngôi làng nghèo, ở tiểu Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, vào 14 tháng 4 năm 1891. Ông là con út trong gia đình mười bốn người con, bố ông tên là Ramji Maloji Sakpal, mẹ ông tên là Bhimabai. Khi ông được năm tuổi, mẹ ông qua đời. Cha ông phải một mình nuôi dưỡng 14 người con.
Là một cậu bé thuộc giai cấp cùng đinh (Dalit) cũng như những cậu bé thuộc giai cấp cùng đinh khác, B. R. Ambedkar không được phép cắp sách đến trường như những cậu bé trang lứa của những giai cấp khác. Nhưng do vì ham học, cậu bé Ambedkar rón rén đến trường, xin được ngồi ngoài hành lang lớp học, để học dự thính. Một thời gian sau, thấy cậu học trò Ambedkar chăm học, ngoan hiền, Thầy giáo Mahadev, người thuộc giai cấp Bà-la-môn, có lòng quý mến, nhận làm con nuôi, và bảo lãnh cho Ambedkar vào trường học.
Năm ông lên bảy, gia đình ông chuyển đến sinh sống tại thành phố Bombay (nay là Mumbai). Tại đây, ông được ghi danh theo học tại một trường Trung học công lập và là học sinh đầu tiên thuộc giai cấp cùng đinh tại ngôi trường này. Mặc dù học rất xuất sắc, nhưng ông luôn phải đối mặt với những khinh bỉ, và la mắng mà bạn trang lứa trong lớp học đối xứ với ông. 
Học xong Trung học (năm 1907), nhận được học bổng, B. R. Ambedkar thi vào Đại học và theo học ngành Kinh tế và Khoa học chính trị tại vào Đại học Bombay (nay là Đại học Mumbai). Sinh viên Ambedkar trở thành một trong những sinh viên đầu tiên thuộc giai cấp cùng đinh được vào Đại học tại Ấn Độ. Tại Đại học Bombay, ông gặp được người thầy giáo tốt bụng, Shri K.A Keluskar. Thầy giáo Keluskar tặng ông một quyển sách nhỏ, the Life of Gautam Buddha (Cuộc đời của đức Phật Gotama). Nội dung của sách này mở ra cho ông một hướng đi mới và nó bắt đầu thay đổi tín ngưỡng truyền thống của ông.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân (1912), ông cùng vợ và con chuyển về và làm việc cho chính quyền Baroda, một khu tự trị trong thời kỳ thuộc địa Anh, phía Tây Ấn Độ (nay là tiểu bang Gujarat). Nhờ làm việc ở đây, ông nhận được học bổng của chính quyền Baroda. Ông sang Hoa Kỳ, theo học Thạc sĩ ngành kinh tế tại phân khoa Chính trị học tại Đại học Columbia. Sau đó, sang Anh và tiếp tục theo học tiến sĩ ngành luật tại Đại học London.
Về lại Ấn Độ, Ambedkar làm việc tiếp trong chính quyền Baroda, đảm nhiệm chức vụ Thư ký trong bộ quốc phòng Baroda. Nhưng làm được một thời gian ngắn, ông phải thôi việc, lý do, vì ông sinh ra từ giai cấp cùng đinh. Không làm trong chính quyền, Ambedkar chuyển sang kinh doanh để kiếm sống, nhưng không có khách hàng, cũng chỉ vì ông là người xuất thân từ giai cấp cùng đinh. 
Rồi ông được mời giảng dạy trong tư cách là giáo sư cho phân khoa Kinh tế chính trị tại Đại học Kinh tế và Thương mại Sydenham. Tuy được nhiều sinh viên quý trọng, và là giáo sư thực thụ, nhưng ông luôn bị đồng nghiệp khinh rẽ, cũng chỉ vì ông là giáo sư thuộc giai cấp cùng đinh. Các đồng nghiệp của ông không bao giờ nước cùng bình đựng nước mà ông đã uống qua.
Thấu hiểu hệ thống giai cấp của Ấn Độ bất công và vô lý, ông nghĩ phải làm một việc gì đó để giúp những người cùng khốn có thêm quyền lợi trong xã hội. Năm 1922, với số tiền tiết kiệm được và có thêm trợ giúp của một số bạn bè, ông qua lại London, theo học khóa Tiến sĩ kinh tế tại Đại học London. Tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Anh, ông trở về Ấn Độ và làm việc tại Tòa án Bombay. Trong thời gian làm việc tại tòa án này, ông nỗ lực bảo vệ quyền lợi của những người cùng khốn.
Năm 1927, B. R. Ambedkar thành lập phong trào bảo vệ những con người nghèo cùng khốn khổ. Phong trào này ra sức đòi hỏi những quyền lợi căn bản nhất cho cộng đồng những gia đình cùng khốn, cụ thể là đòi hỏi quyền được uống nước sạch. Phong trào này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ những người cùng đinh. Và vì họ là số đông, nên phong trào này trở thành một tiếng nói mạnh mẽ trong những vấn đề chung của xã hội.
Tiến sĩ B. R. Ambedkar cũng như bao lớp người tri thức yêu nước khác tham gia phong trào đấu tranh trong tinh thần bất bạo động do Mahatma Gandhi lãnh đạo, để yêu cầu chính quyền thuộc địa Anh trả lại quyền quản lý đất nước cho người dân Ấn Độ. Tuy nhiên, B. R. Ambedkar lên tiếng chỉ trích cương lĩnh chính trị của đảng Quốc Đại do Mahatma Gandhi lãnh đạo. Theo ông, cương lĩnh chính trị của đảng này không quan tâm nhiều đến quyền lợi của giai cấp cùng đinh.
Năm 1932, B. R. Ambedkar và Mahatma Gandhi đã xảy ra mâu thuẫn lớn trên lập trường tư tưởng giai cấp. B. R. Ambedkar đề nghị xóa bỏ triệt để hệ thống giai cấp của xã hội cổ truyền Ấn Độ (mà chính xác là của Ấn giáo), trao quyền bầu cử và ứng cử cho tất cả cử tri thuộc giai cấp cùng đinh trong một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, Mahatma Gandhi phản đối tư tưởng giai cấp của Ambedkar (theo M. Gandhi, vào lúc đó, chưa thể xóa bỏ triệt để hệ thống giai cấp), trong khi M. Gandhi chấp nhận tất cả các quyền này dành đối với những người theo đạo Hồi và đạo Sikh. 
Chính quyền thuộc địa Anh lên tiếng ủng hộ quan điểm xóa bỏ giai cấp của B. R. Ambedkar. Mahatma Gandhi tuyên bố “tuyệt thực cho đến chết” nếu B. R. Ambedkar không chấp nhận quan điểm của ông. Trước tình hình căng thẳng, các nhà lãnh đạo của đảng Quốc Đại tiến hành nhiều cuộc thương thuyết với B. R. Ambedkar và nhận thấy, nếu vì việc này, mà M. Gandhi qua đời, những người Hindu (theo Ấn giáo) có thể sẽ trả thù và có thể sẽ sát hại nhiều người thuộc giai cấp cùng đinh, nên B. R. Ambedkar buộc lòng chấp nhận lập trường của Mahatma Gandhi.
Năm 15 tháng 8 năm 1947, Ấn Độ tuyến bố độc lập. Tiến sĩ Ambedkar được mời làm Bộ trưởng Tư pháp và đảm nhiệm vai trò chủ tịch Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho nhà nước Cộng hòa Ấn Độ. Với tư cách là chủ tịch Ủy ban soạn thảo hiến pháp và Bộ trưởng Tư pháp, bên cạnh tiếp thu cách thức quản lý nhà nước của các nước phương Tây, ông cũng tiếp nhận những mô hình dân chủ của cộng đồng Tăng sĩ Phật giáo trong lúc đức Thế Tôn còn tại thế và mô hình dân chủ của nhà nước cộng hòa Sakya và Lichchavis. Bản dự thảo Hiến pháp do ông và đồng nghiệp của ông soạn thảo đã được Hội đồng Hiến pháp chấp thuận và thông qua vào ngày 26 tháng 11 năm 1949. Trong đó, hiến pháp quy định lấy hình Sư tử trên trụ đá do Đại đế A-dục khắc tạo để đánh dấu sự kiện đức Thế Tôn vận chuyển bánh xe pháp tại vườn Lộc Uyển làm biểu tượng cho Quốc huy Ấn Độ và chọn bánh xe pháp luân của Phật giáo làm biểu tượng để in trên quốc kỳ của nhà nước cộng hòa Ấn Độ. Tiến sĩ B. R. Ambedkar được xem là cha đẻ của Bản Hiến pháp nước Cộng hòa Ấn Độ. 
Sau ngày đất nước Ấn Độ giành lại độc lập, ông tuyên bố từ bỏ Ấn giáo và sẽ chọn một tôn giáo khác cho đời sống tâm linh của mình. Sau lời tuyên bố này, chức sắc của nhiều tôn giáo đã tiếp xúc với ông, mời gọi ông nương theo tôn giáo của họ. Trong thời gian này, ông tập trung nhiều vào việc nghiên cứu giáo lý của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. 
Tuy chưa chính thức quy y Tam bảo, nhưng tiến sĩ Ambedkar tham dự nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế về Phật giáo. Trong Hội nghị Tình hữu nghị Phật giáo Thế giới tổ chức tại Rangoon, Myamar vào 1954, ông đã phát biểu: “Nếu thế giới cần có tôn giáo, thì tôn giáo đó phải là Phật giáo”. Ông rất buồn khi nhìn thấy Phật giáo, một tôn giáo vĩ đại lại bị diệt vong ngay chính quê hương Ấn Độ của mình gần 700 năm kể từ đầu thế kỷ thứ 13. Ông kêu gọi những tổ chức Phật giáo trên thế giới phải có kế hoạch phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ.
Và rồi, Tiến sĩ B. R. Ambedkar đã chọn Phật giáo làm nơi nương tựa cho đời sống tâm linh của mình. Ông chính thức quy y Tam bảo nhằm ngày 14/10/1956, ngày vua A-dục theo Phật giáo. Sự kiện này đã kéo theo khoảng 500.000 người ủng hộ ông cải đạo và quy y theo Phật giáo. Như lời nhận định của Tiến sĩ Tiến sĩ M.L. Kasare phát biểu trong Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại Mumbai với chủ đề “Phật giáo và thế giới hiện đại: Một viễn cảnh của Ambed¬kar”:  “Thế giới đã chứng kiến một sự kiện cải đạo chưa từng có trước đây. Sự kiện lịch sử này cho thấy Ambed¬kar là một nhà tổ chức vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại. Ông đã làm nổi bật tầm quan trọng lời Phật dạy. Ông là cứu tinh của giai cấp cùng đinh và mở ra nhiều cánh cửa Phật giáo cho giai cấp nghèo khổ này. Bây giờ, họ không còn mặc cảm và tự ti về thân phận bần cùng của họ.” 
B. R. Ambedkar đã qua đời vào ngày 6 tháng 12 năm 1956, chỉ ba ngày sau khi hoàn tất tác phẩm The Buddha and His Dhamma (Đức Phật và Giáo lý của Ngài).
Ông Ambedkar đã dành phần lớn cuộc đời của mình cho sự nghiệp kêu gọi tự do, quyền bình đẳng, tình anh em giữa tất cả mọi giai cấp, mọi thành phần trong xã hội. Và uy tín chính trị và giáo dục của ông đã đóng góp rất nhiều cho công cuộc phục hưng Phật giáo tại Ấn Độ. 
Những người theo ông tự nhận mình là những người theo Phật giáo Ambedkar. Họ hình thành một tổ chức của những người theo Phật tử Ambedkar, gọi là Phong trào Phật giáo Ambedkar hay Phong trào Phật giáo Mới. Từ ngày thành lập đến ngày nay, Phong trào Phật giáo Ambedkar đã tổ chức nhiều buổi lễ quy y cho hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người cải đạo theo Phật, mà phần nhiều trong số họ thuộc giai cấp cùng đinh (Dalit).
Theo con số thống kế năm 2001, Phật tử tại Ấn Độ có khoảng 8 triệu (bây giờ con số này chắc chắn là nhiều hơn), trong số đó, có hơn 6 triệu Phật tử là những người theo phong trào của B. R. Ambedkar. Họ sống tập trung chủ yếu tại tiểu bang Maharashtra; trong tiểu bang này, nhiều nhất tại thành phố Nagpur. Mỗi năm, vào các dịp lễ tưởng niệm ngày sinh và ngày mất của B. R. Ambedkar hàng trăm ngàn Phật tử từ nhiều nơi hành hương về Tu viện Deekshabhoomi, thuộc thành phố Nagpur, nơi đánh dấu sự kiện Tiến sĩ Ambedkar và hàng trăm ngàn người đã quy y Tam bảo; và thành phố Mumbai, nơi ông đã trải qua phần lớn cuộc đời ông cho công cuộc đấu tranh đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn cho những người cùng đinh để cùng tưởng nhớ về ông.
Nguyên Lộc
Ghi chú: Nội dung bài viết này dựa vào những bài liên quan đến B. R. Ambedkar trên trang mạng Bách khoa toàn thư mở/ tiếng Anh.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm