Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 



thichminhchau-007

Tôi thật may mắn được biết đến và là học trò của Hòa thượng Thích Minh Châu. Tôi có may mắn lớn này là nhờ bác Vũ Chầm, Chủ tịch Vina Giày, một tấm gương sang về tu tập và phụng sự. Thế rồi mỗi lần từ Hà Nội vào Sài Gòn là tôi thường tìm mọi cách đến thăm Thầy. Mỗi lần được bên Thầy là một cơ hội được học hỏi, được dạy dỗ và chỉ bảo, được nhận năng lượngvà bình an.

Từ ngày tôi được là học trò của Hòa thượng Thích Minh Châu tôi thấy mình bắt đầ có những thay đổi. Thế là tôi được thầy hướng dẫn, chỉ bảo. Sao số mình may mắn đến thế. Tôi dần dần thay đổi mình. Từng chút một. Rất ít. Rất nhỏ. Cái may là do bác Vũ Chầm quý mến và thương tôi đấy.

Ngày Hòa thượng Thích Minh Châu về nước tôi chưa ra đời. Lúc tôi còn ở tận đẩu tận đâu mà Thầy đã dịch kinh Phật, đã mở trường Đại học Vạn Hạnh, đã viết sách, đã là Phó Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, đã hướng dẫn bao học trò, cả xuất gia lẫn tại gia. Không thể tin nổi rằng sau này tôi may mắn được gặp Thầy, học Thầy.

HT Thich Minh Chau 5Trong những việc Hòa thượng Thích Minh Châu đã làm tôi mê mẩn nhất là công phu dịch Nykaya ra tiếng Việt và mở trường rồi giảng dạy Phật giáo. Tôi cũng đã nhiều lần nhắm mắt lại tưởng tượng ra nước Việt Nam sẽ như thế nào, Phật giáo Việt Nam ngày nay sẽ như thế nào nếu không có Thầy.

Bạn có thể hỏi, những kỷ niệm và kỷ vật nào của Hòa thượng Thích Minh Châu đang ở tại nhà tôi. Nhiều lắm. Kỷ niệm thì quá nhiều. Kỷ vật thì cũng không ít. Nhưng có lẽ cái tôi muốn khoe nhất là trọn bộ kinh Nykaya 21 tập. Trọn bộ này tôi có tại bất cứ ngôi nhà nào tôi ở, tại bất cứ văn phòng nào của công ty sách Thái Hà, tại tất cả các nhà sách. Tôi bày ở đó để bất cứ ai muốn ngắm, muốn đọc thì xin mời. Tôi bày ra đó để nhớ về Thầy. Trọn bộ kinh Nykaya tôi cũng đã mang tặng không ít người và lúc nào cũng có sẵn vài bộ để tặng những ai và những nơi thấy cần và muốn tặng. Tôi cũng không thể tưởng tượng ra hiểu biết của mình về Phật giáo bây giờ như thế nào nếu không được đọc bộ kinh Nykaya này do Thầy dịch từ tiếng Pali ra tiếng Việt. Nếu không có bộ kinh Nykya này có khi bây giờ tôi vẫn cứ mải mê đi lễ lễ, lạy lạy, xin xin, cầu cầu, khấn khấn, vãi vái,…. mà thôi. Tôi cũng không thể hiểu sơ đẳng nhất rằng kinh là những lời Phật dạy. Rằng ta phải đọc, phải suy ngẫm và phải THỰC HÀNH! Không thực hành thì mấy có ích!

Tôi hay đến chơi với bác Vũ Chầm. Tôi thích nhất khi nghe bác Vũ Chầm phân tích kinh “Nhất dạ hiền giả”. Bác Vũ Chầm có lẽ là cư sỹ tại gia được ảnh hưởng từ Hòa thượng Thích Minh Châu nhiều nhất. Hình như bác Vũ Chầm mê nhất bản kinh này và chắc hẳn bác được nghe Thầy giảng rất nhiều lần rồi. Tôi nghe lại mà đã thấy ngộ ra nhiều, giật mình không ít lần.

HT Thich Minh Chau 4Lần này vào Sài Gòn, tôi làm một vòng quanh thành phố. Tôi đến chùa Ấn Quang, chùa Xá Lợi, nơi Hòa thượng Thích Minh Châu từng tham gia thuyết giảng. Tôi đi qua 222 Lê Văn Sỹ nơi đang là Đại học Sư phạm TP HCM (ngày xưa là đường Trương Minh Giảng) và nơi đây từng là viện cao đẳng Phật học (sau đổi tên thành viện đại học Vạn Hạnh). Đấy Hòa thượng, Thầy của chúng ta đã có công lập ra ngôi trường Phật giáo quan trọng này đấy. Đấy, Hòa thượng là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh kiêm Khoa trưởng Phân khoa Phật học này đấy.

Trước đó, trong chuyến xuyên Việt từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Bình Dương, Sài Gòn tôi đã ghé thăm chùa Từ Đàm Huế. Tôi đã dừng chân trước tượng bác sỹ Lê Đình Thám. Ở đó tôi nhớ về thời gian Hòa thượng Thích Minh Châu đã cùng em trai là Đinh Văn Vinh đến với phong trào học Phật do bác sĩ Lê Đình Thám giảng. Bởi tôi biết rằng Thầy đã gắn liền với hội An Nam Phật học và là hạt nhân nòng cốt lúc bấy giờ. Tôi cũng khuyên bạn, nếu yêu kính Hòa thượng thì nhất định tìm về thăm chùa tổ Tường Vân cũng ở Cố đô Huế nhé.

Buổi chiều tôi hẹn với thầy Thích Tâm Chánh đến thăm thiền viện Vạn Hạnh trên đường Nguyễn Kiệm. May thay thầy Tâm Chánh đồng ý. Tôi được uống trà cùng thầy trong căn phòng tưởng niệm Hòa thượng Thích Minh Châu. Thầy Tâm Chánh kể cho tôi nghe bao nhiêu chuyện về những kỷ niệm, những bài học từ Hòa thượng làm tôi vừa nghe vừa nhớ Thầy. Bao hiện vật vẫn còn đây mà thầy đã vắng bóng. Mới ấy mà đã 4 năm rồi! Nhanh hơn gió thổi mây bay!

HT Thich Minh Chau 1Rồi tôi chậm rãi bước đến nơi thân xác Hòa thượng Thích Minh Châu đang yên nghỉ. Tôi lặng người trước tháp. Cờ và hoa giản đơn mà trang trọng, mát mẻ mà ấm cúng. Tôi đứng yên và nhớ về Thầy, người Thầy đáng kính mà tôi luôn mang ơn. Chiều nay một cơn mưa chợt đến!

Cổ nhân nói: "Người sống trên đời, như khách qua đường". Những ngày này của 4 năm trước tôi cũng từ Hà Nội vào công tác sài Gòn. Không hiểu sao tôi lại có mặt đúng dịp này. Phải chăng Thầy gọi tôi về!

Trước ngày Thầy tắt hơi thở vài hôm bác Vũ Chầm cùng tôi đến thăm Thầy. Gần gũi và ấm áp lắm. Chúng tôi ngồi bên Thầy rất lâu. Tại căn phòng của Thầy. Trên tầng 2.

Thế rồi sáng ngày 16 tháng 7 của 4 năm về trước, tôi nhận tin từ bác Vũ Chầm rằng Thầy của chúng tôi, Hòa thượng Thích Minh Châu đã tắt hơi thở. Tôi rất nhớ hôm đó bởi mới hôm qua là rằm tháng 7, là lễ Vu lan và là ngày kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ của quý thầy. Nói thật rằng lúc đó tôi có 1 chút bàng hoàng và tiếc nuối không nhỏ. Vẫn biết là vô thường mà sao thấy bâng khuâng và tiếc nhớ. Kỳ lạ thật!

Những việc cần làm Hòa thượng Thích Minh Châu đã làm xong. Tôi vẫn nhớ trong một buổi sinh hoạtcủa CLB doanh nhân Phật tử cùng bác Vũ Chầm, mọi người hay nhắc nhau rằng, cuộc đời của Hòa thượng như chiếc chiếu trải rộng, không phân biệt hệ phái Nam - Bắc, Đại thừa hay Tiểu thừa. Rằng sách và các bài giảng của Thầy không phân biệt. Rằng bất cứ ai muốn hiểu giáo lý của Đức Phật thì cứ đọc. Rằng những gì Thầy để lại là toàn bộ giáo lý giúp bất cứ ai muốn có thể học và thực hành để giác ngộ và giải thoát.

Hòa thượng Thích Minh Châu đã rời bỏ xác thân được 4 năm rồi. Hôm nay tôi ngồi nghe lại  vài bài giảng của Thầy. Thấy như Thầy vẫn đâu đây, quanh đây, cạnh tôi.

Tôi mở và lật từng trang của bộ kinh Nykaya trên kệ sách trong phòng Phật. Tôi xem lại Trung bộ kinh, những bản kinh mà tôi thấy quan trọng nhất đối với tôi. Nếu không có Thầy, làm gì tôi được tiếp xúc với những lời dạy gốc này của Đức Phật. Thầy quả thật là Đường Tăng của Việt Nam. Thầy là người Thầy lớn, là tấm gương sáng về cả trí tuệ lẫn tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, trong đó có đầu tư quá lớn lao cho giáo dục Phật giáo.

 Đời người ngắn quá. Đời người chỉ là 1 chuyến du lịch mà thôi. Mà đã đi du lịch thì không thể ở lâu dài. Đã đi du lịch thì đâu có gì đáng cho ta so đo tính toán. Để trong lòng làm gì cho mệt. Tính toán thiệt hơn, buồn phiền, ganh tỵ, hơn thua làm chi cho phí một chuyến đi. Tôi ngồi và nhớ về Hòa thượng Thích Minh Châu  với tâm thanh thản và bình an. Thầy như đang nhắc tôi rằng, đã là khách qua đường thì phải vui vẻ, ung dung, tự tại để tham quan và du lịch chứ.

Tôi như thấy Hòa thượng Thích Minh Châu đang nhắc tôi sống chánh niệm và tỉnh giác. Rằng nên bớt vọng tưởng đi. Rằng đừng tự làm khổ mình. Rằng nên giảm tối đa tạo nghiệp xấu. Tôi đang nhắc mình học những đức hạnh của Thầy. Người xưa chẳng vẫn nói “Thầy nào trò nấy” còn gì.

Tôi dừng bút đây. Ngồi yên ngắm các bộ kinh: Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng Bộ, Trường Bộ và Tiểu Bộ trước mặt. “Truyền đăng – đem đèn sáng vào trong bóng tối”. Ôi tuyệt vời vô cùng. Ôi quý giá vô cùng. Đối với tôi đây là báu vật vô giá!

Vào lúc 9 giờ 5 phút ngày 16 tháng 7 âm lịch tôi đã ở Hà Nội rồi. Nhưng dù ở đâu, tôi vẫn nhớ và biết rằng tại thời khắc đó, 4 năm về trước, Hòa thượng Thích Minh Châu, Đường Tăng của Việt Nam, Thầy của chúng ta rời xa các học trò.

Hà Nội – Đà Nẵng – Huế - Nha Trang – Bình Dương – Sài Gòn

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Công ty sách Thái Hà

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm