Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

  

Inline image


Lão Hòa thượng truyền giới – sư phụ của Hòa thượng Hải Hiền – sau khi thế độ cho Ngài xong, nói với Ngài một câu: “‘Nam Mô A Di Đà Phật’, phải luôn niệm như vậy.” Sau đó lại bổ sung một câu: “Hiểu rõ rồi thì không được nói lung tung, không được khua tay múa chân.” Câu “hiểu rõ rồi” này của lão Hòa thượng Truyền Giới là có ý gì? Là chỉ khai ngộ. Khai ngộ rồi thì cái gì cũng biết, nhưng mà không được nói. Hòa thượng Hải hiền nghe lời, Ngài thật làm, thật sự có trí tuệ, thật sự 

có thần thông, mà lại không để lộ chút gì, vết tích  cũng không có.

Nếu như một người tâm địa thanh tịnh, một vọng niệm cũng không sanh, thì đối mặt với cảnh giới bên ngoài cái gì cũng hiểu rõ, không những hiểu rõ cảnh giới trước mắt, đối với cảnh giới của quá khứ và vị lai thảy đều hiểu rõ, đây chính là cái gọi là thần thông hiện tiền. Thần thông là dựa vào phương pháp tu thiền định mà được tác dụng là vô ngại tự tại, siêu vượt nhân gian.

Lão Hòa thượng có trí tuệ, có người nói Ngài có thần thông, nhưng lão Hòa thượng một chút cũng không tiết lộ. Pháp sư Ấn Chí nói, lão Hòa thượng không cho rằng mình có thần thông.

Rốt cuộc lão Hòa thượng có thần thông hay không? Cho dù thần thông của Ngài hiện ra, mọi người cũng không biết. Nếu có người hỏi Ngài, Ngài không thừa nhận! Đây là gọi lão thật, hà tất phải cho người khác biết? Đến khi mọi người đều biết, Ngài đã vãng sanh Thế giới Cực Lạc rồi.

Sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, Pháp sư Ấn Chí đã nghĩ lại những việc của sư phụ khiến cho bản thân không thấu suốt.

Pháp sư Ấn Chí xuất gia không lâu, lúc đó phía trước tự viện vẫn là một vườn cải, bây giờ vườn cải đó đã trồng một hàng hoa tươi. Cải trong vườn trồng được rất tốt, nhưng mà bởi vì nhiều ngày không có mưa, cộng thêm nhiệt độ cao trong nhiều ngày liền, lá cải bị nắng chiếu đến khô héo. Những người trong thôn phơi lúa mì ở trước cửa tự viện nói là trên tivi dự báo, vài ngày gần đây sẽ không có mưa. Buổi chiều ngày hôm đó, đột nhiên lão Hòa thượng kêu pháp sư Ấn Chí, Ấn Vinh cùng nhau đào cái cống thoát nước ở vườn rau.

Pháp sư Ấn Chí nói: “Sư phụ, trời còn hạn lâu, sắp hạn chết rồi, đào cái gì thoát nước vậy?”

Lão Hòa thượng chỉ trả lời nhẹ nhàng, đơn giản: “Con đào đi.”

Pháp sư Ấn Vinh cũng không hiểu, trong lòng nghĩ: Trời nóng như vậy, lại hạn không có mưa, còn đào cống thoát nước gì chứ?

Pháp sư Ấn Chí không biết làm sao mà nói: “Sư phụ kêu đào, vậy thì đào đi.” Tuy rằng pháp sư Ấn Chí cảm thấy rất miễn cưỡng, nhưng mà không muốn làm cho lão Hòa thượng giận, nên cũng làm theo. Vậy là mọi người đều cầm lấy cái xẻng bắt đầu đào. Những người nông dân bên cạnh nhìn thấy còn cười pháp sư Ấn Vinh quá ngốc, lại đi nghe lời nói nhảm của lão Hòa thượng.

Không ngờ chiều ngày thứ nhất đào xong cái cống thoát nước, chiều ngày thứ hai thì mưa như trút nước, liên tục mưa mấy tiếng đồng hồ. May mà đã làm việc phòng bị xong, vườn rau và tự viện mới không bị tích nước.

Trời đang hạn hán, nhất định để mọi người đào cống thoát nước, kết quả ngày thứ hai thật sự đã mưa xuống. Pháp sư Ấn Chí bội phục lão Hòa thượng tận đáy lòng! Ngài cảm thấy lão Hòa thượng thật sự rất tài ba, kinh nghiệm phong phú, bất kể làm việc gì cũng rất là tinh thông. Lần này pháp sư Ấn Chí là thực lòng tin phục, không còn giống như những lần trước nữa. Pháp sư Ấn Vinh đối việc này vẫn còn chút không thấu, nhưng trong lòng cũng đã tăng thêm bội phục đối với lão Hòa thượng.

Mùa hè năm 2012, có vài người lạ đến chùa Viên Minh, họ hy vọng có thể ở đây trọ lại tự viện (tức là ngủ qua đêm). Lúc đó lão Hòa thượng Hải Hiền cũng ở chùa Viên Minh. Những vị đó nghe nói trong tự viện có vị cao Tăng hơn trăm tuổi, đều muốn đi bái kiến. Lúc này lão Hòa thượng đang nằm trên giường nghỉ ngơi, nhìn thấy có khách đến Ngài cũng không ngồi dậy.

Nếu như thường ngày, lão Hòa thượng nhất định rất hoan hỷ mà ngồi dậy chào hỏi khách, không ngờ lần này thái độ của Ngài rất lạnh nhạt. Ngài nằm ở đó không động đậy, miệng nói chuyện từ tốn: “Tuổi tác tôi đã lớn rồi, tự viện này chỉ có một người là Ấn Vinh, mà còn là nữ chúng, cho nên chỗ này của chúng tôi không hiếu khách, không thể qua đêm.”

Việc làm của lão Hòa thượng làm cho Pháp sư Ấn Vinh vô cùng kinh ngạc, Ngài thật sự không hiểu vì sao hôm nay lão Hòa thượng lại có thái độ khác thường như vậy. Sau đó vị cư sĩ biết rõ tình hình nói với pháp sư Ấn Vinh, những người đó là người truyền bá tà giáo.

Ngoài chùa Viên Minh có miếng đất trống, ở đó trồng một ít rau cải và hoa màu, có khi có người đi đường không cẩn thận giẫm lên mầm cải. Pháp sư Ấn Vinh muốn lấp lại con đường đó, đúng lúc bên cạnh đó có hai trục lăn lúa để không, nên Ngài qua đó đẩy nó. Nhưng trục lăn lúa quá nặng, làm chân Ngài cũng trượt mấy lần, trục lăn lúa vẫn bất động. Sau khi lão Hòa thượng Hải Hiền nhìn thấy, đi qua đó, chỉ thấy Ngài khom lưng xuống, vừa ra sức thì đã dịch chuyển được trục lăn lúa đến bên đường. Sư phụ làm sao có được sức lực lớn như vậy?

Tất cả những cử động của lão Hòa thượng đều làm Ngài thấy khó hiểu, pháp sư Ấn Vinh thật sự không biết phải làm sao cho đúng. Ngài và Pháp sư Ấn Chí như nhau, thật sự không cho rằng lão Hòa thượng có thần thông, Ngài chỉ cảm thấy lão Hòa thượng có kinh nghiệm phong phú, trong lòng vô cùng bội phục.

Còn có một lần, lão Hòa thượng lại có thể giúp đỡ cư sĩ Hoàng tránh khỏi tai họa lao tù. Cư sĩ Hoàng hộ trì pháp sư Ấn Sanh nhiều năm. Một ngày của 20 năm trước, cư sĩ Hoàng đến chùa Lai Phật thăm lão Hòa thượng Hải Hiền, lão Hòa thượng giữ cư sĩ Hoàng ở tự viện một đêm, nhưng cư sĩ Hoàng từ chối, nói không thể ở, cư sĩ Hoàng phải về nhà gấp để đưa cháu đi lính. Lão Hòa thượng nói: “Nó cũng đâu phải là con nít trong nhà, lại không mất được, cậu cứ đòi đưa nó đi làm gì?” Lão Hòa thượng bất luận thế nào cũng ngăn cản không để cư sĩ Hoàng đi, đây là lần duy nhất trong đời người lão Hòa thượng ngăn cản người khác.

Thì ra huyện Đồng Bách xuất hiện một án giết người, hung thủ có quen biết với cư sĩ Hoàng, hôm đó chạy đến nhà của cư sĩ Hoàng trốn, thấy không có cư sĩ Hoàng ở nhà, thì đi qua nhà của Chi Thư. Ngày thứ hai, cục công an bắt được hung thủ, Chi Thư là người chứa chấp tội phạm cũng bị bắt, phạt hết tám ngàn, còn phải ngồi tù một năm. Nếu như cư sĩ Hoàng ở nhà, hậu quả không cần nói cũng biết.

Còn có mấy lần là bản thân lão Hòa thượng gần với nguy hiểm, cuối cùng cũng là chuyển nguy thành an. Sau khi lão Hòa thượng vãng sanh, có lần pháp sư Diễn Cường nói với pháp sư Ấn Vinh: “Cô không biết những cửa ải mà Ngài đã trải qua! Phàm phu chúng ta đây cũng không nhìn ra áo diệu của chân Phật đâu!”

Những điểm mà lão Hòa thượng Hải Hiền hơn người khác chính là lão thật, nghe lời, thật làm, vì vậy Ngài thành tựu rất nhanh. Dựa vào một câu Phật hiệu được lý nhất tâm bất loạn, cho nên điều gì Ngài cũng biết, nhưng mà Ngài không nói. Tại sao không nói? Không có ai nghe hiểu được, không có ai làm được giống Ngài. Vì vậy, Ngài hoàn toàn biểu diễn trong sinh hoạt thường ngày, người biết nhìn có thể nhìn thấy được, người không biết nhìn nói với Ngài cũng vô dụng, chỉ rước phiền phức cho chính mình.

Vì vậy lão Hòa thượng cả đời này biểu diễn rất thanh tao, nhưng mà trong thanh tao có thần kỳ, trong thanh tao có vi diệu.

Trích Cuộc Đời Hòa Thượng Hải Hiền 

Chuyển ngữ: Diệu Âm Diệu Hiệp

 

-----------------

 

Cụ Bà 87 Tuổi Vãng Sanh Biết Trước Ngày Giờ Không Đau Bệnh Tự Hành Hóa Tha


Năm 1956, mẹ của Hòa thượng Hải Hiền 86 tuổi. Sau khi bà sống 27 năm trên núi, một ngày, bỗng nhiên đề cập muốn trở về quê nhà cư trú. Bà nói với Hòa thượng Hải Hiền: “Thầy có thể để già chết trên đỉnh núi này à?” Nghe mẹ nói như vậy, Hòa thượng Hải Hiền đành phải theo ý muốn của mẹ, đưa mẹ cùng xuống núi về đến quê nhà ở thôn Thảo Tự, huyện Đường Hà. Nhà đã không còn nữa. Về đến trong thôn, Hòa thượng Hải Hiền bố trí ổn thỏa cho mẹ sống nhà một cụ hàng xóm trước, tự mình thì đi tìm thôn trưởng giúp đỡ.

Được sự đồng ý của thôn chi bộ, Hòa thượng Hải Hiền thu dọn lại nhà tranh ba gian trong vườn rau đội sản xuất, dọn vào cùng với mẹ. Một năm trước khi lão Hòa Thượng vãng sanh, mấy vị cư sĩ của Nam Dương đã làm một chuyến thăm hỏi lão Hòa Thượng, lão Hòa Thượng bình tĩnh tường thuật câu chuyện vãng sanh này cho mọi người.

“Trong vườn rau có ba gian nhà…chúng tôi làm gì có nhà? Là của đội sản xuất. Tôi dọn qua, dọn xong ba gian, tôi sống ở đó, phải trồng rau đấy.”

Các cư sĩ chưa nghe hiểu, rất ngạc nhiên hỏi: “Cụ bà vẫn có thể trồng rau sao?”

Lão Hòa thượng trả lời to tiếng hơn một chút: “Việc đó chúng tôi vẫn làm tốt mà! Có thể làm đó! Chúng tôi trồng rau.”

Mẹ của Ngài ăn chay từ nhỏ, cho nên lúc hai người xuống núi, Hòa thượng Hải Hiền vẫn xách theo cái nồi riêng. Ngài nói: “Chúng tôi có thể ăn cơm của người ta à? Không được ngã mặn phá giới.”

Lão Hòa Thượng nhớ rất rõ ràng, Ngài và mẹ là ngày 20 tháng 8 âm lịch từ trên núi xuống, qua năm, cũng chính là mùng 5 tháng 7 năm 1957, mẹ vãng sanh rồi. Một ngày trước khi bà vãng sanh, tự mình gói sủi cảo ăn, và bảo Hòa thượng Hải Hiền báo tin cho chị gái và một em gái họ, bảo họ ngày hôm sau nhất định trở về. Bà còn giao phó Hòa thượng Hải Hiền giúp bà dời giường ra ngoài phòng, bà muốn ngủ ở ngoài. Bà nói với lão Hòa thượng: “Thầy à, già ra bên ngoài ngủ nhé.”

Lão Hòa thượng hỏi: “Mẹ ngủ bên ngoài làm chi? Bên ngoài nhiều muỗi.”

Bà nghiêng mặt, nói rằng: “Thầy có thể ngày mai để già chết trong phòng này không?”

Lão Hòa thượng nhanh chóng đồng ý: “Được! Được!” Ngài đem giường đệm khiêng ra phòng, đặt ở ngay cửa lớn.

Ngày hôm sau, chị của lão Hòa thượng Hải Hiền và em gái họ đều đến, bà còn nấu cơm cho mọi người. Bà chỉ đường trắng và đồ hộp mà hai chị em họ mang đến, nói: “Đã đem về rồi, có thể không cho già ăn sao?”

Bà ăn hết đồ hộp, ngay cả nước súp trong đồ hộp cũng uống hết, sau đó báo cho mọi người biết, nói: “Già uống hết nước rồi, buổi trưa hôm nay thì không ăn cơm nữa.”

Sau cơm trưa, bà vào nhà vệ sinh đại tiểu tiện. Sau khi trở lại, lại nằm một chút, sau đó bà nói với Hòa thượng Hải Hiền: “Thầy à, già thức dậy ngồi một chút, được không?”

Hòa thượng Hải Hiền nói: “Cũng không bằng mẹ nằm ở đó đấy.”

“Đúng ha! Nằm ở đó một chút, đúng ha!” Nói xong bèn lại nằm xuống. Bà quay mặt qua, nằm nghiêng người. Bà bèn an tường mà nằm đó, sau đó thở một hơi dài, vãng sanh rồi. Lão Hòa thượng nói đến đây, khua tay trái lên trên một cái: “Không có bị hành hạ gì!”

Mẹ của lão Hòa thượng Hải Hiền, một vị cư sĩ tại gia, giống như lão Hòa thượng, không có đi học, không biết chữ, chỉ là một câu “A Di Đà Phật”, niệm cả một đời. Bà 87 tuổi vãng sanh, biết trước ngày giờ, không có đau bệnh, tự hành hóa tha.

Sau nhiều năm bà rời khỏi quê nhà, đột nhiên đề xuất muốn về quê, trên thực tế là muốn về quê vãng sanh, ở quê còn có con gái và cháu gái, bà đi về là để cho con gái, cháu gái xem, để họ xem xem, một câu “A Di Đà Phật” có thể giúp người ta ra đi thanh thản tự tại đến như vậy. Cho nên trước khi bà vãng sanh, chiêu tập con gái, cháu gái cùng đến, cả nhà đoàn tụ rất là vui vẻ. Con gái của bà, cũng chính là chị gái của lão Hòa thượng Hải Hiền tận mắt thấy mẹ mình vãng sanh bất khả tư nghì, cho nên không lâu sau khi mẹ vãng sanh liền mang con trai cùng lên núi Đồng Bách xuất gia rồi.

Người niệm Phật, sống biết từ đâu đến, chết biết đi về đâu, hạnh phúc lắm, không có chút lo âu nào, không có chút sợ hãi nào. Nhiệm vụ hóa độ chúng sanh ở thế giới này đã xong một giai đoạn, tự mình công đức viên mãn, biết trước ngày giờ, không cần người khác trợ niệm, nói đi liền đi ngay, tự tại vãng sanh.

Thích Ca Mâu Ni Phật nói người trong nhân gian có khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Bốn loại khổ này người thông thường thật không dễ tránh khỏi, của báu trong thế gian đều không thể giải trừ nổi khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Nếu muốn giải trừ bốn loại khổ này, một câu “A Di Đà Phật” này có tác dụng. Một câu “A Di Đà Phật” này là Pháp Bảo. Lão Hòa thượng Hải Hiền, Hoàng lão phu nhân mẹ của ngài, còn có pháp sư Hải Khánh sư đệ của ngài, ba người đều chỉ có khổ của sanh, không có khổ của lão, bệnh, tử. Đây là biểu hiện cho chúng ta xem.

Điều kiện thời bấy giờ của Hòa thượng Hải Hiền cực kỳ gian khổ, chùa chiền là miếu nhỏ ở nông thôn, hương hỏa rất ít, toàn bộ dựa vào chính mình vất vả cần cù trồng trọt duy trì no ấm, cho nên sau ba ngày Ngài niệm Phật cho mẹ, đành phải dùng một áo quan tài mỏng mai táng mẹ đơn giản. Ngài là con hiếu, tuy là sự bức bách của hoàn cảnh, nhưng trong tâm ngài vẫn thường xuyên bất an như ngày nào, ngài vì việc này cảm thấy hổ thẹn, cho rằng có lỗi với mẹ. Tám năm sau, tình hình chuyển biến tốt hòa thượng Hải Hiền bèn muốn dựng bia cải táng cho mẹ. Không ngờ rằng, đào mộ huyệt lên, mở quan tài ra không thấy người! Bên trong chỉ có mấy cây đinh lớn dùng đóng quan tài.

Trong lịch sử Trung Quốc đã từng có một trường hợp như thế này. Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc Tổ sư Đạt Ma từ nước Nam Thiên Trúc (cách gọi nước Ấn Độ thời xưa) đến Trung Quốc truyền Pháp, sau khi viên tịch chôn ở Trung Quốc. Sau mấy tháng, một người đến từ Tây Vực nói ông ta gặp được Tổ sư Đạt Ma ở Tây Vực. Còn nói Tổ sư Đạt Ma lúc đó một chân mang chiếc giầy cỏ, một chân kia đi chân trần. Thời gian này vừa đúng mấy ngày sau khi chôn cất Tổ sư Đạt Ma. Mọi người không tin, ngài ấy đã qua đời rồi làm sao có thể chạy đi Tây Vực được? Sau đó đào quan tài lên, vừa mở ra xem, quả nhiên không thấy người đâu, trong quan tài chỉ có một chiếc giầy cỏ! Sau hơn một ngàn năm chúng ta lại gặp được câu chuyện tương tự. Do đó có người nói mẹ của Hòa thượng Hải Hiền có phải là Bồ Tát tái lai hay không? Trên lý nói như thế thì thông, nhưng trên sự không có chứng cứ. Chúng ta phàm phu tục tử, không có thần thông không dám đoán liều.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm