Tình yêu vĩ đại đem đến phép nhiệm màu

Ở tuổi 22, Stephen Hawking mắc phải căn bệnh nghiệt ngã ASL, một căn bệnh về thần kinh vận động liên quan tới hội chứng teo cơ bên. Tin dữ đến với ông ngay sau sinh nhật thứ 21 của mình, và căn bệnh tai ác diễn biến nhanh tới mức các bác sĩ cho rằng ông sẽ không thể sống quá 25 tuổi.

Bệnh tật ập tới vào thời điểm khi Hawking còn quá trẻ, còn quá nhiều thứ để làm, khiến ông rơi vào u uất. Nhưng ở thời khắc tăm tối đó, Jane Wilde, cô nữ sinh cùng trường có tình yêu mãnh liệt với văn chương đã ở bên Hawking, giúp ông từng bước có lại động lực để mạnh mẽ sống nốt những thời khắc ít ỏi của mình. Để rồi cùng với phép màu của sự sống và tình yêu, chàng trai được chẩn đoán không quá 25 tuổi sẽ phải ra đi đã sống thêm được hơn 50 năm nữa, đem đến thêm những điều diệu kỳ cho khoa học thế kỷ 21.
Nói sơ qua về Jane Wilde một chút. 

Bà kém Stephen Hawking 2 tuổi, và là bạn của em gái ông. Jane và Stephen học chung với nhau tại trường Đại học Oxford.

Cảm phục trước tài năng và xót thương cho căn bệnh của Hawking, Jane đã hứa hẹn sẽ chăm sóc ông “vào ngày nắng cũng như ngày mưa, lúc mạnh khỏe cũng như khi bệnh tật”. Cuối cùng, hai người đính hôn vào một ngày tháng 10 năm 1964, hình thành bước đầu cuộc hôn nhân đẹp đẽ ở tuổi đôi mươi.

“Jane Wilde và tình yêu thương vô điều kiện của nàng đã thay đổi cuộc đời tôi. Nó đã cho tôi nguồn sức mạnh để tiếp tục sống.” – Stephen từng nói vậy khi nhắc đến Jane Wilde.

Ảnh cưới của Stephen Hawking và cô nữ sinh Jane Wilde vào năm 1965.


Nhờ có Jane Wilde, Hawking đã dần vượt qua sự trầm cảm và tiếp tục các công trình nghiên cứu của mình. Tới năm 1965, với nàng Jane Wilde sát cánh, Hawking đã công bố luận án tiến sĩ của mình và được Cambridge vinh danh. Tác phẩm của ông đã tạo ra một sự ngưỡng mộ thuần khiết với khoa học gia toàn thế giới, nhất là những người làm việc và nghiên cứu trong ngành Vũ trụ học, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp khoa học của Hawking.

Ngay sau khi nhận bằng tiến sĩ, Hawking gần như ngay lập tức đã hoàn thành thêm hai việc trọng đại của cuộc đời một người đàn ông: có một công việc tốt và một người vợ hiền. Hôn lễ giữa Jane Wilde và Stephen Hawking được tổ chức năm 1965, với sự chúc tụng từ bạn bè và người thân, tạm đặt một dấu mốc hạnh phúc trong câu chuyện tình yêu vĩ đại.

Nhưng tình yêu nhiệm màu cũng tồn tại sóng gió

Trong những năm tiếp theo đó, Stephen Hawking và vợ tiếp tục cuộc sống gia đình viên mãn và có với nhau tới 3 mặt con. Bệnh tật dường như đã được đẩy lùi khi Stephen Hawking nhẹ nhàng bước qua sinh nhật lần thứ 25.

Tất nhiên không phải con đường nào cũng bằng phẳng, nhất là con đường tình yêu. Đã có những lúc cuộc hôn nhân của hai người gặp phải những trục trặc tưởng như không thể vãn hồi, bởi dù có là thiên tài Vật lý thì cũng có những vấn đề như người bình thường, và một phụ nữ vĩ đại thì cũng có những lúc yếu lòng.

Gia đình Stephen Hawking và 3 người con.


Đó là khi Jane trót có những phút ngã lòng trước Jonathan Hellyer Jones, một nhạc công nhà thờ, đồng thời cũng là một người bạn của gia đình Hawking. Sự quan tâm gần gũi của người đàn ông này đã khiến Jane có những giây phút trái tim đi sai đường.

Tuy nhiên thay vì tức giận, Stephen Hawking hiểu và tôn trọng những gánh nặng mà người vợ của mình gặp khi phải gồng gánh trên vai những gì mà ông không thể san sẻ dưới vai trò một người cha, người chồng. May mắn thay, ở những phút cuối cùng, Jane vẫn là một người phụ nữ chung thủy, bà đã quyết định chọn người chồng 20 năm gắn bó và tiếp tục duy trì một tình bạn trong sáng với người bạn nhạc công. Không hơn, không kém.

Và cũng đã có những lúc bệnh tình của Stephen Hawking chuyển biến xấu tới mức các bác sĩ từng đề nghị Jane ngưng các thiết bị trợ sinh để ông có thể ra đi bớt đau đớn. Thế nhưng, với tình yêu mãnh liệt của một người vợ, Jane Wilde đã kiên quyết yêu cầu các bác sĩ tiếp tục cứu chữa chồng mình dù chỉ còn vài phần trăm hy vọng ít ỏi. Kết quả như ai cũng đã thấy, tình yêu vĩ đại đã đem đến phép màu kì diệu. Sức khoẻ của Stephen Hawking bắt đầu có cải thiện, và dần bình ổn trở lại.

Vậy mà thử thách tình yêu lại một lần nữa xảy ra khi chính bản thân Stephen Hawking cũng nảy sinh tình cảm với một y tá thân cận tên Elaine Mason. Hai người gặp nhau lần đầu vào năm 1985 khi Elaine được thuê để làm một trong ba y tá chăm sóc Stephen suốt 24 tiếng đồng hồ.

Sự gần gũi, cách chăm sóc tận tình của Elaine Mason làm cho khoa học gia lỗi lạc bỗng chốc xao xuyến. Mọi chuyện tiến triển quá nhanh, khiến ông rời bỏ gia đình và vợ con dọn tới sống cùng Manson. Năm 1995, hai người tổ chức đám cưới chỉ sau 1 năm Stephen quyết định rời khỏi câu chuyện tình yêu vĩ đại với Jane Wilde.

Sau 26 năm kết hôn, Stephen bỏ lại Jane và chuyển đến căn hộ của Elaine. 

Ông kết hôn lần hai, và lần này người đứng bên cạnh ông chính là cô y tá Elaine.

 

Tuy vậy nhưng cuộc hôn nhân thứ hai của ông không hề êm đẹp. Sau thời gian chung sống, chính Giáo sư cũng mệt mỏi và phải tìm đến sự trợ giúp của cảnh sát khi ông bị Elaine bạo hành thể xác và tâm lý.

Cụ thể như bỏ mặc trong vườn trong những ngày mùa hè nóng nhất trong năm khiến ông lên cơn đau tim và bị bỏng nhiệt. Gây thương tích khi cạo râu cho ông, từ chối đưa chai nước tiểu khi được yêu cầu.

Dù Elaine một mực phủ nhận và cuộc điều tra cũng không đi tới cùng, nhưng sau đó cặp đôi đã ly dị.

Người ta nói rằng, những ai yêu nhau thật lòng rồi sẽ lại về với nhau. Sau 11 năm chung sống với Elaine Mason, Stephen Hawking đã nhận ra mình chẳng thể yêu ai nhiều hơn Jane Wilde.

Vào năm 2006, ông lại về với Jane Wilde và các con, chấm dứt cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc với Elaine Manson. Từ đó, Stephen Hawking và Jane Wilde lại càng yêu thương nhau nhiều hơn, để rồi ông được sống 12 năm cuối đời trong vòng tay của người vợ yêu thương hết mực cùng ba người con nay đều đã khôn lớn, trưởng thành.

“Cuộc sống với Stephen nhiều lúc khiến tôi muốn tự sát, nhưng sau cùng, tôi vẫn yêu ông”, Jane từng chia sẻ như vậy trong một buổi phỏng vấn.

Viết ra nhiều phương trình phi thường, nhưng Stephen không ngờ phương trình kỳ diệu nhất trong đời ông chỉ được viết nên khi có sự xuất hiện của tình yêu.

Suốt hành trình của mình, Stephen Hawking là để lại một dấu ấn phi thường. Thuyết vạn vật và thuyết yêu thương, 76 năm cuộc đời giáo sư đã lĩnh hội được cả hai.

Lời từ biệt được đăng từ cơ quan NASA thay cho lời kết và lời chào gửi tới Stephen Hawking: Mong giáo sư hãy tiếp tục “bay như siêu nhân” trong môi trường vi trọng lực như giáo sư đã từng nói với các phi hành gia trên Trạm vũ trụ năm 2014.

 

***

Cuộc đời Stephen Hawking được chuyển thể thành bộ phim “The theory of everything”

Vào năm 2014, bộ phim The Theory of Everything (Thuyết Vạn Vật) ra đời. Với sự tham gia của hai gương mặt sáng giá là Eddie Redmayne và Felicity Jones, bộ phim nhanh chóng giành cảm tình của những người vốn đã yêu quý nhà vật lý học tài ba cũng như công chúng và nhà phê bình trên khắp thế giới.

Sự đầu tư và hóa thân thuyết phục vào vai thiên tài vật lý 

đã mang về cho tài tử Eddie Redmayne tượng vàng Oscar đầu tiên trong sự nghiệp.


Bộ phim được ra mắt, và nhanh chóng trở thành hình tượng khiến nhiều người thêm tin tưởng vào tình yêu đích thực sẽ vượt qua nghịch cảnh và chiến thắng tất cả.

The Theory of Everything được chuyển thể từ cuốn hồi ký Travelling to Infinity: My Life With Stephen của người vợ đầu đã đồng hành cùng nhà vật lý trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Bộ phim vượt qua ranh giới của những phim tiểu sử thông thường để mang câu chuyện tình phi thường, nỗ lực phi thường của tiến sĩ Hawking và Jane Wilde lên màn ảnh.


Hình ảnh vợ chồng Stephen Hawking được tái hiện trên phim.


Stephen Hawking: Xin chào.

Jane Wilde: Chào anh.

Stephen Hawking: Khoa học.

Jane Wilde: Nghệ thuật.

Chỉ với một đoạn đối thoại bắt đầu đơn giản như vậy, tình yêu giữa hai con người trái ngược như hai mảng màu đối lập đã hóa thành một bản tình ca ngọt ngào sâu lắng, không thể thiếu những nốt trầm bổng đã kéo dài suốt 50 năm.

Và rồi sau những ngọt ngào trong điệu nhảy ngập tràn ánh sáng tại vũ hội trường đại học cho đến phút bộc bạch chân thành thì tình hình sức khỏe của Stephen Hawking ngày càng xấu đi.

Nhưng bà Jane Wilde vẫn chọn cách ở lại bên ông thay vì ra đi.

Bộ phim cũng giải đáp câu hỏi: khi chung sống với người chồng tật nguyền suốt từng ấy năm, Janes có xiêu lòng trước người đàn ông khác hay không? Ông đã đối diện với câu chuyện không sớm thì muộn cũng phải đến này thế nào?

Trong phim, khi biết Jane có cảm tình với Jonathan Hellyer Jones, một nhạc công nhà thờ điển trai, đồng thời cũng là một người bạn của gia đình. Một tình tiết vô cùng cảm động: Stephen chủ động mời Jonathan tham gia cùng gia đình trong những hoạt động thường ngày dù biết vợ đang xao động.

Vào thời điểm đó, ông rất muốn có người chăm sóc vợ và các con nhỡ chẳng may ông qua đời.

Nhưng điều không ai ngờ, Jane và Jonathan vẫn tiếp tục duy trì tình bạn trong sáng và bà vẫn lựa chọn tiếp tục bên cạnh người chồng của mình.

Stephen Hawking qua đời vào ngày 14/3/2018, kết thúc một cuộc đời dài đầy biến động, và tất cả những gì người ta sẽ mãi nhớ về Hawking có lẽ sẽ là câu chuyện tình yêu với Jane Wilde, bên cạnh những công trình nghiên cứu khoa học của ông.

 

Chúc Di (t/h)
15/03/2018
Tinh Hoa online