Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Mâm ngũ quả là phong tục không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt trong dịp đón năm mới. “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng… Quả thể hiện sự sung túc, đâm hoa kết trái, tài lộc dồi dào, cuộc sống ấm no, thịnh vượng.

Phong tục chung là thế, nhưng mỗi miền lại có cách chọn quả để làm thành mâm ngũ quả khác nhau, tuỳ quan niệm, phong thổ, địa lý và khát vọng của con người ở mỗi vùng miền.

Mâm ngũ quả của miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, tượng trưng cho mùa xuân, hành MỘC, và có ý nghĩa như bàn tay che chở, bao bọc, hứng trọn lấy may mắn. Quả phật thủ nhiều nhánh là hành THỒ, cầu mong phúc lộc đầy nhà. Các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành HỎA, quả trắng như roi, đào là hành KIM và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành THỦY. Mâm ngũ quả viên mãn, tròn đầy, đủ ngũ hành cho mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn.

Như vậy, với nải chuối già nhiều trái hay quả phật thủ nhiều tay, người miền Bắc có khát vọng mong ước một năm mới tài lộc dồi dào không giới hạn, càng nhiều càng tốt nên thường chọn những nải chuối nhiều trái, quả phật thủ thật nhiều tay. Người Bắc thể hiện khát khao đó qua hình tượng sum xuê, đủ đầy của cây trái. Cũng có điều lạ là quả phật thủ là loại trái không ăn được, nhưng lại đem dâng cúng cho tổ tiên?

Miền Trung nghèo khó, đất đai khô cằn, sỏi đá, mưa lụt triền miên, ít cây trái hơn vùng khác nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên là chính. Do vậy, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon, bày biện đẹp mắt.

Người miền Nam lại đơn giản hơn, thực tế hơn. Họ bày mâm ngũ quả với những cây trái giản đơn và gần gũi với cuộc sống hơn như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc, thêm quả sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc. Ngoài ra, mâm còn có thêm các loại quả đẹp mắt như dưa hấu, táo, đào, nho...Người miền Nam không dùng chuối vì chữ chuối đọc như chúi, chúi nhủi, đem xui rủi. Họ cũng không dùng cam, quýt bởi câu: Quýt làm cam chịu. Không dùng lê vì gợi lê lết, không xài táo(bom) vì gợi sự đổ vỡ.
Vậy thì phong tục mâm ngũ quả ở miền Nam được hình thành từ tiếng nói hàng ngày mà có.

Như vậy, người miền Nam bày mâm ngũ quả với ước vọng của mình thông qua ngôn ngữ của địa phương. Những trái cây họ lựa kết thành một câu chúc chỉ mong vừa đủ xài.
Một miền thì mong tài lộc càng nhiều càng tốt, một miền chỉ ước vừa đủ để xài. Cái vừa đủ ở đây mới nghe tưởng đơn giản, nhưng lại chứa một triết lý sống không giản đơn chút nào. Thế nào là vừa đủ? Người xưa bảo: Tri túc, tiện túc, hà thời túc. Biết đủ là đủ. Cho nên ở đây, vừa đủ xài tưởng là có giới hạn nhưng thực chất là vô hạn. Cái chính ở đây là biết. Biết đủ để dừng lại, không ham nữa. Biết vừa đủ cũng là một cách sống thanh thản, bởi khát khao thì vô cùng, nhất là ở thời nay, cuộc sống không như xưa mà đầy những cám dỗ. Nhà cửa, đất đai, xe cộ, vàng bạc, hột xoàn, đô la, ti vi, tủ lạnh ... hàng tiêu dùng, quần áo, tiện nghi đời sống quá phong phú, tràn ngập ra đấy. Nếu cứ mong muốn mãi những thứ ngoài tầm với, ta sẽ cứ mãi loay hoay, mãi băn khoăn, mãi ước ao, cuộc sống của ta sẽ không còn thoải mái, chẳng còn ung dung. Vừa đủ xài là một cách sống không ham muốn ngoài tầm tay và cũng là một cuộc sống thoả mãn được những tiện nghi. Vừa đủ xài cũng là cách sống không mơ ước viễn vông, không tham lam vô độ, không đứng núi này trông núi nọ. Nó là một cách sống thực tế của người biết cách để sống. Khôn chết, dại chết, biết thì sống. Ở đời, khác nhau ở chữ biết này đây.
Vừa đủ xài cũng cho thấy người miền Nam có đặc tính không tích trữ, chẳng để dành. Ngày xưa, đất miền Nam mênh mông, phong phú cá tôm, người dân không sợ đói, nên ít khi tích cốc phòng cơ như người Trung, người Bắc. Vậy nên họ cầu vừa đủ xài là chỉ cầu cho hiện tại, chẳng cầu dư. 
Vừa đủ xài cũng là một cách biết để cuộc sống an nhiên, chẳng lo âu. Được như thế thì cuộc sống hạnh phúc hơn, an lạc hơn.

Một miền thể hiện ước mong qua hình tượng, miền kia ước vọng thông qua ngôn ngữ. Cả hai đều mong có một năm mới đủ đầy, an khang và hạnh phúc. Được như thế cũng có thể gọi là đủ.
10.2.2018 25 Tết Mậu Tuất

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm