Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Có đi mới hay, có đến mới thấy sự quyến rũ của Nhật Bản mà người Việt mình thường gọi là xứ Phù Tang hấp dẫn đến dường nào. Con số du khách viếng thăm Nhật năm 2017 (theo JNTO) đã lên đến cao điểm nóng nhất từ trước đến nay, trên 28 triệu người đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

 

 

Pic 1 Dưới cội hoa đào, tại công viên Shinjuku Gyoen

Chỉ mới đầu tháng Hai, 2018 đã có 2.5 triệu du khách vãng lai trên những hòn đảo nhỏ bé, nằm trên vòng đai lửa Thái Bình Dương nhưng vô cùng xinh đẹp và mầu mỡ này. Mặc kệ động đất hay sóng thần có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làn sóng khách du háo hức đến và đi đông nhất vào cuối tháng ba, đầu tháng Tư để xem hoa đào và khoảng tháng 10 để xem lá thu vàng đã minh chứng cho sức hút của nước Nhật.

Ngoài ra Nhật còn có nhiều cái hay, cái đẹp làm ai cũng muốn xem tận mắt, đến tận nơi để thưởng thức. Trong số lượng du khách lớn lao ấy, du khách Trung Quốc chiếm nhiều nhất đến trên dưới 5 triệu người mỗi năm từ 2015 đến nay.

Đi một vòng nước Nhật từ Nam chí Bắc, đi đâu tôi cũng thấy họ, đi thành từng nhóm tour lớn, ồn ào ăn nói, chen lấn, mua sắm ào ào, nhất là hàng hiệu, khiến người Nhật phải gọi họ là bakugai (explosive buying). Họ thường kéo theo lỉnh kỉnh các hành lý to tướng và mua sắm như điên những mỹ phẩm, quần áo, máy móc để mang về nước.

Tôi nghe nói người Nhật rất ghét họ và gọi họ là đồ mọi rợ, quân ăn cướp hay trâu bò mặc dù họ mang cả khối ngoại tệ vào Nhật qua con đường mua sắm và du lịch. Cơ quan du lịch quốc gia (JNTO) của Nhật còn tuyên đoán con số du khách quốc tế sẽ lên cao hơn nữa trong năm 2019 World Cup và 2020 của Olympic.

Năm nay trở lại thăm Nhật, mục đích chính của tôi là được ngắm hoa Anh Đào, nên hoạch định của tôi là một hành trình chạy theo hướng hoa Đào nở. Tôi từng được xem hoa Đào ở Cali, Đà Lạt, Seattle, Canada nhưng chưa được xem hoa Đào nở ở Nhật, dù trước kia đã ghé xứ này.

Khác với những lần du lịch với tour group, kiểu cỡi ngựa xem hoa, lần này tôi đi tự túc khắp nước Nhật theo kiểu du lịch bụi, tức hành trang tối thiểu và đi đến đâu thuê khách sạn đến đó. Vì hoa Đào ở Nhật nở tuần tự theo lịch trình khí hậu từ ấm đến lạnh nên khách du có một thời gian khá dài khoảng từ giữa tháng Ba đến cuối tháng 4 để ngắm hoa, nếu chạy theo lịch trình hoa nở từ Nam chí Bắc. Anh Đào sau khi nở rộ tàn rất nhanh độ 1, 2 tuần.

Quả đúng như vậy, chạy theo lịch trình hoa nở, đi tới đâu, tôi cũng thấy hoa đào, từ những công viên, chùa, đền, lăng miếu, cơ sở thuơng mại, ven sông, bờ suối, đồi, núi, cho đến vườn tược tư nhân đều có trồng hoa Đào, kể cả mọc dại. Có trên hai trăm loại hoa Đào khác nhau, đủ màu từ Đào trắng, đến phơn phớt hồng, hồng thắm rồi đỏ.

Tôi chọn chuyến bay vào đầu tháng Tư thay vì giữa tháng Ba vì giá vé máy bay rẻ hơn và có người từng qua Nhật quen đường đi nước bước dẫn đi. Vả lại chủ ý của tôi nhắm vào hoa Đào ở núi Phú Sĩ nên đi trễ hơn cho đúng kỳ nở của Đào trên vùng Phú Sĩ Sơn. Khi chân tôi vừa đặt xuống đất thủ đô ToKyo phần lớn hoa Đào đã nở mãn khai trước đó hai ba ngày, giờ đang bắt đầu rơi để đi vào chu kỳ tàn lụi.

Năm nay hoa Đào nở sớm hơn vì khí nóng toàn cầu do đó ý định xuống Kyoto hay Osaka xem hoa đành hoãn lại cho đến cuối lịch trình vì đào ở đó tàn rồi. Tôi theo bản đồ hoa nở mà đi, vòng quanh Tokyo, xong mới lần lên miền Bắc.

Ở Tokyo, tôi ghé hai công viên nổi tiếng có nhiều hoa Đào là Ueno và Shinjuku Gyoen. Ueno tuy còn nhưng Đào đã rơi mất nhiều. Riêng Shinjuku Gyoen là công viên lớn nhất có trồng hơn 1000 cây hoa Đào với hơn 12 chủng loại khác nhau cho hoa nở khác thời gian. Nếu bạn đến Tokyo trễ độ hoa, vẫn có thể đến đây ngắm hoa nở muộn.

Nó đã từng là vườn thượng uyển của Hoàng Gia nước Nhật rất rộng với chu vi 3.5 km. Những ngày hoa nở rộ, ngoài du khách, công viên đen nghịt người Nhật đến để thưởng hoa và picnic dưới gốc hoa Đào, nhưng rượu, bia bị cấm, không được đem vào.  Có ngồi dưới trời hoa Đào, nhâm nhi chén trà xanh, nếm miếng bánh nếp Mochi thơm tuyền vị mật, bạn mới hiểu thấu mấy câu hài cú của thiền sư Saigyo Hoshi thú vị đến dường nào.

Muốn được chết vào mùa xuân
Dưới gốc cây hoa nở
Dưới trăng rằm tháng Kisaragi.

(Saigyo Hoshi)

Thiền sư Basho chịu ảnh hưởng Saigyo rất nhiều và đã thực hiện những chuyến đi dài ngày chỉ để thoả mãn nỗi ước ao được đứng dưới trời Anh Đào, được ngắm trăng rằm mùa xuân vùng cố đô, dù chết cũng cam. Đi hằng bao dặm đường, bay qua biết bao không gian để có thể đứng dưới một trời hoa, bạn sẽ cảm được cái vô cùng trong khoảnh khắc. Khi trời gió lộng, trận mưa hoa Anh Đào bay lả tả, thả confetti lên tóc lên môi bạn, bạn sẽ cảm được cái khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc mà thiền sư Basho đã van vỉ thần gió:

Đang kỳ nở rộ
Chỉ mong hoa
Không bị chạm bởi bàn tay gió.

(Basho)

 

Pic 2. Hoa Đào đủ màu sắc, tại công viên Shinjuku Gyoen

Và sau cùng ông chỉ muốn được chết trong khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời này. Hành động mổ bụng tuẫn tiết của các võ sĩ đạo Nhật cũng vậy. Tại sao họ lại chọn nghi thức Harakiri này? Bởi vì đó là thời khắc đẹp, tràn đầy sinh khí nhất của đời một người võ sĩ, được hy sinh cho lòng trung thành, được chết như Anh Đào thường tàn khi vào độ rực rỡ nhất. Hoa Đào cũng là biểu tượng của Võ Sĩ Đạo từ thời Chiến Quốc(1392-1601) thể hiện sự thanh tao, chính trực và trung thành.

Vườn Shinjuku Gyoen rất rộng được thiết kế mỹ thuật với nhiều loại hoa và cây cảnh xanh tươi như tùng bách và cả hồ nước tạo phong cảnh nên thơ và hữu tình. Tôi thấy khắp nơi hoa nở thành chùm to và mở rộng, cây này nối cây kia, đẹp vô ngần. Tán cây rậm, đặc đầy những hoa và toàn là cổ thụ, màu sắc chen nhau từ trắng, hồng nhạt tới hồng đậm, đỏ. Đây cũng là nơi lý tưởng để chụp hình đám cưới nên tình cờ tôi bắt gặp những tân lang và tân giai nhân bận rộn làm kiểu, làm dáng cho thợ chụp hình.

Nếu bạn yêu cảnh sông nước, núi non, bạn hãy theo chân tôi đi về phía Bắc. Tôi đến thành phố Sendai bằng Bullet Train và xe điện ngầm trong hơn bốn tiếng đồng hồ để thăm Shiroishi Riverside. Nơi đây nổi tiếng với hơn 1200 cây hoa đào được trồng dọc theo hai ven sông dài đến 8km(gần 5 miles).

Phải nói là thật ngạc nhiên khi tôi nhìn dọc theo hai bờ sông, hai hàng đào song song mút mắt cho ta cảm tưởng dài đến tận chân trời. Cạnh đó là cây cầu cổ, nước bên dưới êm ả chứa cả một thế giới bình yên. Xa xa là dãy núi zao lờ mờ tuyết trắng, phản chiếu dọc theo lòng sông, đẹp đến nao lòng.

 

Pic 4. Đào hoa đến tận chân trời, tại Shiroishi Riverside

Đi bộ dọc theo bờ sông ngắm hoa chán, thì vào quán giải khát uống nước, nghe nhạc sống cũng rất thú vị. Cô ca sĩ Nhật duyên dáng, vừa hát vừa đàn Piano, hát song ngữ, tiếng Nhật và tiếng Anh khiến thính giả lòng càng xao xuyến.

 

Pic 5. Vòm cung hoa Đào, tại Shiroishi Riverside

Cảnh sông nước, núi non tươm ánh hồng trong buổi hoàng hôn đầy thi vị khiến kẻ không sính thơ cũng muốn làm thơ, như thi sĩ Busson tả Đỉnh Yushino hay Basho tả Kyoto tràn ngập hoa Đào.

Đỉnh Yushino
Nuốt vào mây trắng
Thở ra hoa đào.

(Busson)

Từ ban công ở Kyoto
Chín mươi chín nghìn người
Ngắm hoa.

(Basho)

Anh đào trắng như mây
Xa xa tiếng chuông vọng
Từ Uenô hay Asakusa?

(Basho)

 

Pic 6. Chùa Chureito và hoa Đào trắng tại khu Phú Sĩ Ngũ Hồ

Giờ phút giao duyên cùng đất trời Phú Sĩ cũng tới. Bằng Bullet Train và xe điện ngầm tôi đến Phú Sĩ Ngũ Hồ(Fuji Five Lakes) vào một buổi mai sau một hành trình dài phải thức dậy từ rất sớm. Trước tiên tôi ghé chùa Chureito là một ngôi chùa 5 tầng trên đỉnh cao nhìn ra thành phố Fujiyoshida và núi Phú Sĩ(Fuji). Chùa là một phần của đền Sengen Arakura và được xây dựng như một đài tưởng niệm hòa bình vào năm 1963.Từ dưới muốn lên tận đỉnh để ngắm hoa đào và núi Phú Sĩ cùng Bảo Tháp phải leo 400 bậc thang. Lên đến đỉnh, phải xếp hàng rất dài dù tôi đã đi từ sớm, mà chỗ đặt chân lại nhỏ bé, khiêm nhường, trong khi ai cũng mải mê selfie, quên cả cái hàng dài thậm thượt đang đợi phía sau.

Qua cánh cổng con
Hoa đào ta gặp
Từ trong ra ngoài.

(Basho)

 

Pic 7. Hoa Đào và cổng chùa Hokanji ở Kyoto

Sau đó tôi ghé hồ Kawaguchiko là một trong 5 hồ của vùng núi Phú Sĩ để chụp hình. Tôi may mắn chụp được cảnh núi Phú Sĩ với một ít mây và không bị che phủ bởi mây mù hay sương mưa.

 

Pic 8 Hồ Kawaguchiko và núi Phú Sĩ

Nhiều người đến thăm núi nhiều lần mà phần lớn lúc nào núi cũng bị mây che và không có nắng. Ngày xưa thiền sư Basho cũng bị như vậy và ông đã làm nhiều thơ về núi Phú Sĩ.

Ngày mưa
Mây mù che lấp Phú Sĩ
Nó càng đẹp hơn

(Basho)

  

Mưa thu, mây mù
Dẫu không thấy Phú Sĩ
Ngọn núi vẫn làm tôi vui.

(Basho)

Tuyết phủ núi Phú Sĩ
Mơ ước của Rosei
Thành sự thật.

(Basho)

Chú thích:

 Trong bài thơ hài cú cuối, Basho so sánh tuyết trắng trên núi Phú Sĩ với tuyết trên ngọn núi bạc trong giấc mộng kê vàng của chàng thanh niên Trung Hoa Rosei (Lư Sinh). Lư Sinh nằm mơ thấy trở nên giàu có và bị hãm hại rồi bệnh hoạn chết, Tỉnh ngủ thì thấy nồi kê chửa chín, và chợt hiểu lẽ vô thường của vạn vật.

Trịnh Thanh Thủy thực hiện

Mời xem bài với hình ảnh đầy đủ:

Theo_dấu_hoa_Đào_xứ_Phù_Tang.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm