Đọc Tuyển Tập Giải Văn Học Hương Pháp:
Hiệu Quả Thực Nghiệm Phật Pháp Trong Đời Sống
Huỳnh Kim Quang
Tôi may mắn có được duyên lành tham dự buổi lễ trao Giải Viết Văn Ứng
Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương, Trú Trì
Chùa Hương Sen, Nam California, tổ chức vào chiều tối Chủ Nhật, 11 tháng 12
năm 2022, để mắt thấy và tai nghe những thành tựu có tính bước ngoặt trong sinh
hoạt văn học Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Không những thế, tôi còn có được
tuyển tập Hương Pháp để phát hiện một cách lý thú những tác phẩm văn học Phật
Giáo mang nội hàm ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hằng ngày qua ngòi bút
của những Tăng, Ni và Phật tử từ khắp các nơi trên thế giới.
Tuyển tập Hương Pháp gồm 11 bài đã trúng tuyển trong Giải Viết Văn Ứng
Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống. Trong đó gồm có các bài: (1) “The Mustard
Seeds,” Giải Xuất Sắc I, của tác giả Anh Hinh, mà đã được Cư Sĩ Nguyên Giác
dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Những Hạt Cải”; (2) “Con Dịt,” Giải Xuất Sắc II,
của tác giả Hà Thị Hòa Pháp danh Diệu Thuận; (3) “Có Những Niềm Vui,” Giải
Xuất Sắc III, của tác giả Như Chiếu; (4) “Đạo Hữu Song Hành,” Giải Khuyến
Khích I, của tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu; (5) “Nghịch Duyên và Trợ Duyên,”
Giải Khuyến Khích II, của tác giả Hoa Lan; (6) “Am Xưa Con Đã Trở Về,” Giải
Hương Pháp 1, của tác giả Thích Nhật Minh; (7) “Vài Trải Nghiệm Trong Tu
Tập,” Giải Hương Pháp 2, của tác giả Thích Nữ Như Như; (8) “Sắc Màu Cuộc
Sống,” Giải Hương Pháp 3, của tác giả Trần Thị Nhật Hưng; (9) “Thơ Vui Đạo,
Vui Đời,” Giải Hương Pháp 4, của tác giả Mộc Đạc; (10) “Nắng Chiều Đẹp Vô
Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn,” Giải Hương Pháp 5, của tác giả Nguyễn Phương
Lan; và (11) “Dạ Quỳnh,” Giải Hương Pháp 6, của tác giả Tâm Nhuận Phúc.
Ngoài ra, Ban Tổ Chức cũng đã trao 50 giải Hoằng Pháp để khích lệ các tác
giả đã tham dự giải kỳ này. Tất cả những bài trúng giải Hoằng Pháp đều được in
trong tuyển tập Hương Đạo cùng phát hành một lần vào đêm phát giải. Tuy nhiên,
bài viết này chỉ tập trung vào tuyển tập Hương Pháp.
Một cách tổng thể, tất cả các bài trong tuyển tập Hương Pháp đều có chung
một mẫu số: viết về những kinh nghiệm cá nhân trong việc ứng dụng Phật Pháp
vào đời sống hằng ngày. Điều này dẫn đến ba cảm nhận lý thú mà tuyển tập mang
lại cho người đọc. Thứ nhất, mỗi bài viết mang sắc thái khác nhau tạo thành một
tổng hợp đa dạng và phong phú cho tuyển tập. Thứ hai, chính sắc thái đặc dị của
mỗi bài viết đã phản ảnh được tinh thần sáng tạo hoàn toàn mang tính cá biệt trong
văn học. Hay nói cách khác, sắc thái đặc dị của mỗi bài viết chính là phẩm chất
độc sáng và mới lạ trong văn học để lôi cuốn người đọc. Và, thứ ba, chính sắc thái
2
đặc dị của mỗi bài viết chuyên chở những kinh nghiệm riêng tư, không ai giống ai,
của từng tác giả diễn tả quá trình thực nghiệm Chánh Pháp trong đời sống hằng
ngày. Điều này giúp cho người đọc có cơ hội chiêm nghiệm con đường tu tập đa
dạng và phong phú của nhiều người sống trong nhiều môi trường khác nhau, từ
môi trường cá nhân, gia đình đến xã hội.
Một cách tương đối riêng biệt, bài viết này sẽ trình bày cảm nghĩ của tôi một
cách khái quát khi đọc từng bài viết trong 11 bài đăng trong tuyển tập Hương Pháp.
Nhưng thay vì bắt đầu từ bài của Giải Xuất Sắc I và tiếp theo thứ tự, tôi sẽ đi
ngược dòng để bắt đầu từ bài Hương Pháp 6.
Tác giả Tâm Nhuận Phúc, trong bài dự thi trúng Giải Hương Pháp 6 “Dạ
Quỳnh,” đã rất sáng tạo để lồng từ câu chuyện hoa quỳnh nở vào câu chuyện học
Phật và thực hành Phật Pháp của các thành viên trong gia đình anh, từ Bố Mẹ cho
đến 6 anh chị em. Qua câu chuyện, người đọc cũng biết thêm về hoàn cảnh khó
khăn nói chung của xã hội Việt Nam sau năm 1975 và những gian lao mà người
dân phải chịu đựng để sinh tồn. Cái đặc sắc của câu chuyện Dạ Quỳnh còn ở chỗ
tác giả Tâm Nhuận Phúc đã làm sống dậy sinh hoạt văn chương trong các anh chị
em của gia đình làm cho câu chuyện thêm sinh động qua phần ứng đối thơ rất thú
vị. Đó là chưa nói đến nội dung của những bài thơ đó mang đậm chất liệu Phật
Pháp và đặc biệt tinh thần Thiền của nhà Phật. Tâm Nhuận Phúc đã có cái nhìn rất
chính xác về con đường thực hành Phật Pháp khi anh viết rằng:
“Tu có khi đơn giản chỉ là thay đổi cách nhìn về đời sống cho đúng với thực
chất. Nhận ra và chấp nhận vô thường trong cuộc sống đã là một bước tiến dài
trên đường tu.”
“Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn” là bài dự thi của
tác giả Nguyễn Phương Lan đã trúng Giải Hương Pháp 5. Tựa đề bài viết rất hay,
rất văn chương, nhưng nghe ra dường như vẫn còn vương vấn một điều gì đó trong
tâm tư của tác giả. Chính nỗi vương vấn này đã dệt thành một câu chuyện dài về
cuộc đời của tác giả. Đó cũng là cuộc hành trình đầy bất ngờ trong một cơ duyên
kỳ diệu đến với Phật Pháp của chị. Và sau cùng đó chính là con đường dò dẫm
từng bước vững chắc để tu tập pháp môn Tịnh Độ của tác giả. Tôi thích nhất là
đoạn tác giả kể về việc từ nhân duyên mổ cột sống mà chị đã gặp được một bà già
kỳ bí khuyên chị đừng mổ. Rồi đến sự khuyến khích và thúc giục của chồng một
người bạn khuyên chị nên lên Đại Ninh để gặp Hòa Thượng Thích Thiền Tâm để
được cứu. Mà quả nhiên như thế, không những tác giả Nguyễn Phương Lan được
cứu mà còn được dạy cho pháp môn niệm Phật và trì chú như một chuyển biến lớn
trong cuộc đời của chị.
Tác giả Nguyễn Phương Lan, trong bài viết, cũng đã kể lại những gian truân
của chị và gia đình từ Việt Nam sang Mỹ, trong đó có những trải nghiệm bằng bao
đau thương và mất mát, với sự ra đi đột ngột của người chồng yêu thương, để tự
3
thân chứng nghiệm được lẽ vô thường của cuộc đời và đạo lý nhân quả báo ứng
của kiếp người. Bằng sự trải nghiệm lẽ sống hơn nửa đời người và bằng sự tu tập
Phật Pháp mà cụ thể là pháp môn niệm Phật, tác giả Nguyễn Phương Lan cuối
cùng đã có cái nhìn lạc quan và thẩm thấu hơn về nhân quả của nhà Phật. Chị viết
như sau:
“Tôi biết NHÂN QUẢ sẽ là như vậy là với người không biết sửa đổi, còn với
người Phật tử hằng ngày biết trì chú, tụng Kinh, niệm Phật và sám hối thì cái quả
xấu của mình đã làm sẽ được cải thiện rất nhiều.”
Đúng vậy, từ nhân đến quả được nối kết bởi yếu tố duyên hay điều kiện.
Luật nhân quả của nhà Phật cho rằng không đơn giản là hễ trồng dưa thì nhất định
phải được dưa. Hạt giống gieo xuống đất mà nếu không có các duyên hỗ trợ như
nước, phân bón, sự chăm sóc đúng mức, thời tiết, v.v… thì chưa chắc hạt giống đó
sẽ nẩy mầm và phát triển để cho ra kết quả. Hơn nữa, kết quả thường là khác với
cái nhân ban đầu (hạt dưa khác với trái dưa) cho nên trong Duy Thức gọi là “dị
thục quả,” tức là khác khi chín muồi thành quả. Có như vậy, người tu tập theo
Chánh Pháp của Đức Phật mới có thể chuyển nghiệp để được giác ngộ và giải
thoát.
Bài trúng tuyển Giải Hương Pháp 4 là “Thơ Vui Đạo, Vui Đời” của tác giả
Mộc Đạc, gồm hơn 70 bài thơ. Thơ của tác giả Mộc Đạc bình dị, dễ hiểu và rất gần
với đời thường của một người Phật tử. Cái bút danh Mộc Đạc của ông đã nói lên
hết ý nghĩa này, vì “mộc đạc” là cái mõ, là pháp khí phổ thông trong tất cả mọi
ngôi chùa Việt Nam. Một trong những bài thơ của tác giả Mộc Đạc là bài “Ru Hồn
Tục,” mà trong tuyển tập Hương Pháp có lẽ do lỗi đánh máy nên viết là “Du hồn
tục,” trong khi trong bài thơ đã ghi là “ru hồn tục,” đã viết như sau:
“Lữ khách bâng khuâng trước cổng chùa
Lá vàng hiu hắt – lạnh trong mưa
Âm ba kinh mõ – ru hồn tục
Danh vọng – giàu sang – chuyện hóa thừa.”
Trong bài thơ trên, và nhiều bài thơ khác, tác giả Mộc Đạc đã dùng những
dấu gạch ngang (-) để ngắt đoạn và nối kết câu. Đây là cách làm thơ của nữ thi sĩ
người Mỹ nổi tiếng vào giữa thế kỷ 19: Emily Dickinson (1830-1886). Bà là người
đầu tiên sử dụng dấu ngang trong câu thơ của nền văn chương Mỹ.
Tác giả Trần Thị Nhật Hưng đã trúng giải Hương Pháp 3, với bài viết “Sắc
Màu Cuộc Sống.” “Sắc Màu Cuộc Sống” là những câu chuyện về ba người con
của bà Hạnh, gồm cậu Hải, cậu Huy và cô Hoàng. Cả ba người con này của bà
Hạnh, “Từ tính tình, sở thích, cách sống, nếp suy nghĩ không ai giống nhau cả,”
như tác giả đã kể. Theo Trần Thị Nhật Hưng, cậu Hải thì “đam mê quyền lực và
tiền tài,” giống như người cha; còn cậu Huy thì giống mẹ, “thích yên tĩnh, trầm
lặng hơn là nơi xô bồ.” Cô gái út của bà Hạnh là cô Hoàng là một kết hợp hài hòa
4
giữa cha và mẹ, nên đã chọn lối sống “trung dung, hay trung đạo.” Điểm khá đặc
biệt của tác giả Trần Thị Nhật Hưng trong “Sắc Màu Cuộc Sống,” là ở chỗ miêu tả
về nhân vật bà Hạnh như một người mẹ thấu hiểu hết tâm ý và khát vọng của ba
người con, nhưng lại để cho các con tự quyết định lấy vận mệnh cuộc đời của họ.
Đây là một tiến bộ trong thái độ và cách sống của một người phụ nữ Á Đông, mà
cụ thể là bà mẹ Việt Nam: không can thiệp vào cuộc đời của các con mà để chúng
tự do phát triển. Chỉ ở điểm này không thôi bài viết đã thể hiện phẩm chất của
người con Phật đúng nghĩa: giáo dục con cái bằng tinh thần tự giác. Bậc làm cha
mẹ chỉ quan tâm và hỗ trợ đời sống của con cái, và khi nào họ cần thì cho lời
khuyên, nhưng không quyết định dùm vận mệnh của họ.
Trong số những lời khuyên của bà Hạnh dành cho các con của bà, qua ngòi
bút của tác giả Trần Thị Nhật Hưng, lời bà khuyên cậu Huy lúc cậu đã đi tu và làm
trú trì một ngôi chùa phản ảnh tâm thức được huân tập Phật Pháp rất thâm sâu.
Chẳng hạn đoạn bà Hạnh khuyên người con đang làm Thầy trú trì như sau:
“- Thầy nên biết, lá sâu là... nạn nhân, không phải... phạm nhân. Phạm nhân
là con sâu. Hãy tìm bắt con sâu nằm đâu đó trong bọng cây, trên cành lá mới trị
được gốc. Con sâu có tên là vô minh khởi từ tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu thầy bắt
được nó, chắc chắn cây bồ đề sẽ vững vàng trổ cành xanh ngọn.”
“Vài Trải Nghiệm Trong Tu Tập” là bài dự thi trúng Giải Hương Pháp 2
của tác giả Thích Nữ Như Như. Trong bài, Ni Sư Thích Nữ Như Như đã thuật lại
vài câu chuyện về sự trải nghiệm trong tu tập của Ni Sư, mà trong đó đề cập đến
pháp môn tịnh khẩu để dẫn đến kinh nghiệm “tắt ý” tự chữa lành bệnh khủng
hoảng thần kinh, nói đến kinh nghiệm tu tập thiền định, và chứng kiến sự kiện cận
tử nghiệp xảy ra nơi chính thân mẫu của Ni Sư. Ni Sư đã kể về sự kỳ diệu của việc
tự chữa lành khủng hoảng thần kinh bằng pháp môn tịnh khẩu như sau:
“3. Diễn tiến của năng lượng tự chữa lành. Qua đến ngày thứ ba thực hành
tịnh khẩu, tôi nhận ra là tuy đang tịnh khẩu, giữ mồm giữ miệng không nói sàm
nữa, nhưng trong đầu vẫn còn có những ý nghĩ lăng xăng này nọ! Khi trực nhận ra
điều đó là lúc tôi đang đứng trong phòng, thơ thẩn nhìn lên bức tường trắng trước
mặt. Liền khi đó tôi thấy trên tường cao xuất hiện một “linh ảnh” lạ lùng: một bàn
tay đang cầm chiếc khăn, cứ lau đi lau lại một chỗ trên tường! Đứng trước linh
ảnh kỳ lạ đó, trong đầu tôi chỉ còn có sự im lặng đầy sững sốt, kinh ngạc. Đột
nhiên, ngay lúc đó, âm thanh hai tiếng “tắt ý” xẹt lên trong đầu! Lập tức, với phản
xạ tự nhiên, tôi ngồi xuống cái phản gỗ ngay sau lưng, trong tư thế chuẩn bị ngồi
thiền với “pháp tắt ý” đó. Nhưng thân chưa chạm vào cái phản, tôi đã có cảm giác
từ hai bàn tay và hai bàn chân như có các luồng khí thi nhau chạy ra ngoài... Lập
tức tôi nhận ra đầu óc mình đã trở lại trạng thái bình thường, y như chưa hề có
bệnh. Thật kỳ diệu!”
5
Đó là những bài học quý giá cho thấy Phật Pháp vi diệu và hiệu quả như thế
nào trong việc trị lành bệnh khổ cho chúng sinh, nếu được thực hành một cách
nghiêm túc trong đời sống hàng ngày.
Thầy Thích Nhật Minh, từ Hà Nội, đã dự thi và được trúng Giải Hương
Pháp 1, với bài viết “Am Xưa Con Đã Trở Về.” Bài viết kể câu chuyện một
người đệ tử xuất gia sau bao năm xuống núi để “mải lang thang làm kẻ du tăng
qua bao miền đất lạ,” nay đã trở về “am xưa,” nơi vị Thầy Bổn Sư đang sống, với
bao nhiêu là cảm xúc tuôn trào theo từng bước chân và nhịp thở của người học trò.
Xin mời độc giả đọc một đoạn trong bài “Am Xưa Con Đã Trở Về” để thưởng thức
nét nghệ thuật trong văn chương của Thích Nhật Minh:
“Đêm nay!
“Vầng trăng thượng huyền đã treo lơ lửng trên hai hàng cây thông già trước
cửa và tan ra trong màn đêm tĩnh lặng, chừng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây với
một làn hương thanh khiết nhẹ nhàng mộng mị, tiêu dao tự tại giữa núi rừng. Gió
từ lòng suối thổi lên mang theo cả hơi sương lạnh ùa vào trong am khiến tôi khẽ
rùng mình. Ngoài hiên, sư phụ đang lặng lẽ khơi bếp hồng để nấu một nồi nước
pha trà, tiếng nổ tí tách từ đám củi khô đang cháy phả ra hơi ấm vấn vít với làn
khói trắng đục mờ, lan tỏa khắp không gian, quyện vào những trang kinh cổ kính
vẫn còn thơm mùi lá bối chờ người hữu duyên về khai thị.”
Đọc đoạn văn trên, tôi cứ ngỡ là mình vừa đi lạc vào một cõi tịch lặng xa
xăm nào đó như thật như ảo vượt khỏi chốn trần gian xôn xao, náo động và não
phiền. Nơi đó thật đúng là chốn già lam nhàn tịnh. Đọc đến đây tôi nhớ đến câu
chuyện được kể trong kinh về một thời xa xưa khi Đức Phật còn tại thế. Có lần
Vua A-xà-thế phải rùng mình kinh ngạc vì không khí quá mức yên lặng, không
một tiếng động tại một tinh xá nơi có tới một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo
và Đức Phật đang an trú.
Đoạt Giải Khuyến Khích II là tác giả Hoa Lan, Pháp Danh Thiện Giới, với
bài viết “Nghịch Duyên và Trợ Duyên.” Ngay nơi đoạn đầu của bài viết, tác giả
Hoa Lan đã đi thẳng vào vấn đề một cách không úp mở, khi viết:
“Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối,
con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải
dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến
ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới
dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những
giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng
Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.”
Độc giả chỉ cần để ý đến một số dòng trong đoạn văn trên thì cũng có thể
đoán ra câu chuyện mà tác giả Hoa Lan sắp kể tiếp theo là gì và chứa đựng một nội
dung sôi sục và hào hứng ra sao. Đó là những dòng: “Chồng tôi có hai mặt đối
6
nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh để quán chiếu,” “để sống còn,” “đến
thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của tôi,” “để chuyển hóa một
ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng,” “thành một ông chồng Trợ Duyên hữu
dụng.”
Với tôi, đây là một câu chuyện thú vị, mà trong đó nó cho người đọc thấy
được tác giả Hoa Lan có một tín tâm bất hoại đối với Tam Bảo, và sự nhẫn nại phi
thường của bà để có thể “chuyển hóa” được ông chồng “nghịch duyên” thành “trợ
duyên.” Dường như bên sau thế giới ngôn ngữ văn chương của bài viết, vẫn còn
phảng phất đâu đó cái dư âm “ấm ức” trong tâm thức của một người vợ hiền hết
mực thương yêu chồng, vì ông có một cá tính hơi ngang tàng và phạm một lỗi lầm
lớn trong tình cảm vợ chồng. Và đây cũng chính là điều đáng yêu nhất tiềm ẩn
trong bài viết. Chính cái đáng yêu đó nói lên tính chân thật của câu chuyện, chứ
không phải là một câu chuyện hư cấu.
“Đạo Hữu Song Hành” là bài dự thi trúng tuyển Giải Khuyến Khích I của
tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu. Bài viết kể về cuộc tình duyên thấm đẫm đạo tình
(đạo hữu) của đôi trai gái tại các công trường thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa vào những
năm cuối thập niên 1980s lồng trong bối cảnh nhọc nhằn của xã hội Việt Nam thời
thời đó. Đọc “Đạo Hữu Song Hành” người đọc sẽ khám phá ra một mối tình phát
sinh ngẫu hợp và ngày càng sâu đậm qua chất keo bền chặt của Phật Pháp, bất chấp
hoàn cảnh sống khắc nghiệt chung quanh để cuối cùng họ nên duyên vợ chồng
thương yêu và trợ duyên nhau trên con đường tu và học Phật Pháp. Ngoài chuyện
tình yêu nam nữ, “Đạo Hữu Song Hành” còn kể về tình anh em ruột thịt gắn bó
giữa tác giả và người em tên Huy trên cuộc hành trình mưu sinh và phát triển cuộc
sống tâm linh trong những chốn Thiền môn cũng như ngoài xã hội. Thêm vào đó là
một số sinh hoạt phản kháng chế độ Cộng sản tại ngôi Chùa Long Quang ở Long
Thành vào những năm đầu thập niên 1980s mà hiếm khi được nhắc đến. Cách lồng
những câu chuyện vào trong các tình tiết của cốt truyện chính với thủ pháp nhuần
nhuyễn và mạch lạc cho thấy tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu là một nhà văn vững
vàng trong bút pháp.
Có thể nói rằng bài “Đạo Hữu Song Hành” là một bức tranh thu gọn của xã
hội Việt Nam trong thời kỳ một thập niên đánh dấu giai đoạn đen tối nhất của lịch
sử đất nước. Nhưng bức tranh ấy không hoàn toàn tăm tối mà có những điểm sáng
rực rỡ nhờ Phật Pháp được ứng dụng linh động nơi những người con Phật. Hãy đọc
lại một đoạn trong bài “Đạo Hữu Song Hành” để nghe tác giả Tâm Không Vĩnh
Hữu nói về hiệu quả của Phật Pháp được ứng dụng trong cuộc sống phu thê:
“Giáo lý nhà Phật, là chánh pháp, không cần phải mang ra thực hành ứng
dụng những điều cao siêu trên mây tầng huyền ảo, mà chỉ cần nhớ đến, nhắc đến
những pháp căn bản thực dụng gần gũi với đời sống thực tế trích ra từ kinh sách,
như thiểu dục tri túc, độ lượng khoan dung, nhẫn nhục, vị tha, kiểm soát thân khẩu
7
ý… Nhờ vậy mà bao nhiêu lần sai phạm, bao nhiêu lần lỗi lầm, bao nhiêu lần nghĩ
sai làm lệch của cả vợ lẫn chồng đều được đem ra giải phẫu, phân tích, bàn bạc để
rồi cùng dìu dắt nhau sám hối, từ bỏ, chỉnh sửa, tưới tẩm bón chăm những thiện
lành, buông bỏ thói hư tật xấu, tiết chế kềm hãm sân hận, nhún nhường để tiêu trừ
kiêu căng ngã mạn…”
Tác giả Võ Ngọc Thanh, Pháp danh Như Chiếu, đã đoạt Giải Xuất Sắc III,
với bài viết “Có Những Niềm Vui.” Tác giả Võ Ngọc Thanh đã dẫn người đọc
dạo qua những khu vườn của niềm vui, từ niềm vui thế tục của người cả đời phục
vụ cho tha nhân, đến những niềm vui của người về hưu và cuối cùng là những
niềm vui của người tỉnh ngộ cuộc đời biết rõ đâu là niềm vui tạm bợ thế gian và
đâu là niềm hỷ lạc vượt thoát của đạo giải thoát.
Đọc bài “Có Những Niềm Vui,” tôi không thể không thừa nhận rằng tác giả
Võ Ngọc Thanh có kiến thức và kinh nghiệm già dặn về xã hội học và tâm lý học,
cũng như về Phật học. Bà đã phân tích rành rọt một hiện tượng xã hội hay một căn
bệnh thời đại là bệnh “nghiện công việc.” Dù theo bà, nó “thường được xem là một
đặc điểm tích cực hơn là một vấn đề” như các chứng bệnh khác như “nghiện
rượu,” “nghiện cờ bạc,” nhưng nó làm cho người ta “quan tâm quá mức đến công
việc,” và “dành quá nhiều thời gian, năng lượng cũng như nỗ lực trong công việc.”
Bằng cái nhìn và kinh nghiệm của một Phật tử biết áp dụng Phật Pháp trong
đời sống và thu hoạch được nhiều lợi lạc, tác giả Võ Ngọc Thanh đã có nhận định
sâu sắc như sau trong phần kết của bài viết:
“Người biết sống tùy duyên là người an lạc nhất. Người biết sống tùy duyên
thấy rõ rằng được mất vui buồn chỉ là hai mặt của một vấn đề. Người biết sống tùy
duyên hiểu rõ rằng đời sống của chúng ta đầy biến động và đổi thay, thấy rõ bản
chất vô thường, vô ngã của vạn pháp rồi thì được cũng không quá vui, mất cũng
không quá buồn. Nhờ thấy đúng (chánh kiến) mà vượt thoát được buồn vui. Chỉ khi
nào sống tùy duyên thì ta mới sống an nhiên, tự tại.”
“Con Dịt” là bài dự thi đã trúng Giải Xuất Sắc II của tác giả Hà Thị Hòa,
Pháp danh Diệu Thuận. Cách đặt tựa đề bài viết cho thấy tác giả là một người sử
dụng bút pháp hài hước để tạo tâm lý dễ chịu và lôi cuốn người đọc, cũng như để
làm nhẹ bớt tình trạng căng thẳng trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, mà ở đây
là cơn đại dịch Covid-19. Đây là một ưu điểm của người cầm bút nếu biết sử dụng
đúng chỗ và đúng lúc.
Trong bài “Con Dịt,” tác giả Hà Thị Hòa đã kể chuyện cuộc khủng hoảng
của thời đại dịch Covid-19 vừa qua, mà gia đình bà đã bị ảnh hưởng như thế nào.
Câu chuyện được tác giả thuật lại một cách trung thực chứ không phải hư cấu, vì
chính bà là nhân chứng tai nghe mắt thấy những người thân trong gia đình bà bị
dính Covid-19, từ cha con người con trai tới cái chết đau lòng của người mẹ ruột
yêu thương, dù người mẹ ra đi không phải bị dính Covid-19 nhưng đã xảy ra ngay
8
giữa trung tâm của thời kỳ khủng hoảng đại dịch. Lòng hiếu kính của tác giả Hà
Thị Hòa đã đã được thể hiện qua đoạn bà viết về người mẹ như sau:
“Đối với tôi, mẹ là tất cả, mẹ là người tôi luôn yêu quí, kính trọng, thương
yêu dù tôi ở xa mẹ, từ khi lấy chồng đến giờ, trong tâm luôn có mẹ, luôn nhớ về
những lời dạy, lời yêu thương của mẹ, của cha. Bố mẹ là Phật trong con, là sức
sống, là mọi thứ trên đời, con được như ngày nay là do công ơn dưỡng dục của
cha mẹ chúng con rất biết ơn trời biển này, không bao giờ quên. Phật ơi! Mẹ ơi!
Bố ơi! Hãy giúp chúng con có nghị lực, can đảm để con sáng suốt, và con mắc
dịch không làm nỗi sợ hãi nữa. Tôi quyết tâm sẽ về Cali lo đám tang cho mẹ của
tôi.”
Giải Xuất Sắc I, hay Giải Nhất là bài “The Mustard Seeds,” của tác giả
Anh Hinh và được Cư sĩ Nguyên Giác dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Những
Hạt Cải.”
Câu chuyện xoay quanh cách mà nhân vật Kim-Ly, có người mẹ tên là Sang,
trải nghiệm và ứng dụng Phật Pháp để vượt qua những biến cố lớn đầy đau thương
và mất mát trong một quãng đời của cô. Kim-Ly từ nhỏ đã được cha mẹ huân tập
cho kiến thức và niềm tin đối với Đức Phật và giáo pháp của Ngài.
“Mỗi đêm mẹ đều đọc cho cô bé nghe những lời dạy của Đức Phật và Kim-
Ly tò mò lắng nghe trong khi cô cảm thấy bình yên như thể những lời Phật dạy đã
tạo thành một tấm chăn ấm áp bao phủ và che chở cho cô. Khi còn thơ ấu, cô bé
đã nương tựa trong lời dạy của Đức Phật, một nơi nương tựa rất cần thiết từ một
thế giới đôi khi tàn khốc.” (Nguyên Giác dịch Việt)
Sự tàn khốc của cuộc đời lần đầu tiên đến với cô bé 8 tuổi Kim-Ly qua cái
chết bất ngờ vì tai nạn xe hơi của người cha. Từ đó, Kim-Ly bị suy sụp tinh thần
trầm trọng khiến cho cô bé biếng ăn, bỏ học và buồn bã nhớ thương cha. Trong nỗi
đau và tuyệt vọng không biết làm sao để cứu con gái, người mẹ bỗng nhớ tới câu
chuyện “Những Hạt Cải” trong Kinh Phật và bà đã kể câu chuyện này cho Kim-Ly
nghe với hy vọng đứa con gái sẽ tỉnh ngộ và hết khổ. Quả nhiên như thế, tác giả
Anh Hinh đã kể lại phản ứng của cô bé khi nghe chuyện “Những Hạt Cải” như sau:
“Thật kinh ngạc, khi Sang kể câu chuyện Hạt Cải cho Kim-Ly nghe, Sang từ
từ nhìn thấy ánh sáng lan rộng, xua những mảng tối trên khuôn mặt Kim-Ly vì
Kim-Ly như dường đã từ từ tự thấy sức mạnh trong mình để thoát khỏi bùa phép
đã bao trùm cô bé quá lâu. Kim-Ly ngồi dậy và gật đầu với mẹ rằng cô bé hiểu ý
nghĩa của câu chuyện hạt cải và cô bé ôm mẹ thật chặt trong khi họ khóc cùng
nhau và hứa sẽ giúp nhau thoát khỏi nỗi đau này và tìm thấy bình yên.” (Nguyên
Giác dịch Việt)
Nhưng rồi một sự tàn khốc khác lại đến với Kim-Ly khi con chó Ni-Ni yêu
quý của cô bị một người đàn ông tên Minh vô tình đạp chết trong một cuộc xô xác
hỗn loạn tại một ngôi chợ trời gần nhà khi Kim-Ly và Ni-Ni đi ngang qua đây.
9
Chứng kiến cái chết quá tàn nhẫn của Ni-Ni như một cú đánh trí mạng đối với
Kim-Ly và lần này cô đã gục ngã thật sự. Tác giả Anh Hinh đã mô tả tình cảnh và
tâm trạng suy sụp của Kim-Ly như sau:
“Nỗi đau và buồn của Kim-Ly luôn bám theo cô và xuyên suốt cuộc sống
hàng ngày của cô, kể cả sau một năm để tang Ni-Ni. Sang từ từ nhận thấy những
thay đổi nhỏ trong phong thái và cá tính của Kim-Ly. Sang không bao giờ thấy
Kim-Ly nhanh nhẹn phóng tới lui nữa, mà thay vào đó cô bé thường đi bộ chậm rãi
với đầu cúi xuống. Kim-Ly đã không còn chơi với búp bê, thay vào đó là chơi điện
tử và ngồi hàng giờ một mình trong bóng tối với chiếc máy tính được bật. Cô nói
với mẹ rằng cô muốn trông già hơn và để tóc dài và để nó che đi khuôn mặt ngây
thơ một thời của cô. Ẩn sau mái tóc, cô mang một khuôn mặt thờ ơ, với đôi mắt
nâu ủ rũ buồn tẻ tránh ánh nhìn từ người khác, và đôi lông mày nhíu lại thành một
cái nhìn gần như cau có.” (Nguyên Giác dịch Việt)
Kim-Ly đã thật sự thay đổi cái nhìn và tình cảm của mình đối với con người,
đối với cuộc đời. Cô hận thù thế gian. Cô đánh mất tín tâm đối với Phật Pháp. Cô
muốn từ bỏ tất cả những gì mình có và chỉ muốn làm lại cuộc đời bằng nỗ lực tự
thân. Cô rời xa người mẹ và đi tìm việc làm ở phương xa.
Trong một dịp rất tình cờ, Kim-Ly đã thấy tên ông Minh, người đàn ông đạp
chết con chó Ni-Ni của cô năm nào, trong danh sách bệnh nhân tại bệnh viện mà
cô đang phục vụ. Với nỗi ám ảnh về cái chết của Ni-Ni làm tăng thêm lòng thù hận
của cô đối với ông Minh. Cho nên vừa thấy tên ông ấy trong bệnh viện thì Kim-Ly
liền nghĩ tới việc trả thù. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi một cách bất ngờ khi
Kim-Ly tới gặp ông Minh trong phòng bệnh. Biết người đàn ông này sắp chết và
nghe ông hối hận về việc vô tình đạp chết Ni-Ni, Kim-Ly sau một giây lát trầm tư
đã hốt nhiên mở tung cánh cửa nội tâm u ám từ bấy lâu và cô buông xả mọi ý niệm
hận thù để dễ dàng tha thứ cho ông Minh.
Xua được bóng tối trong lòng, Kim-Ly cảm thấy thật giải thoát. Cô nhớ tới
người mẹ, nhớ tới Đức Phật và “con đường của Đức Phật.” Cô đã vội vã lái xe về
nhà mẹ. Tác giả Anh Hinh đã viết đoạn kết câu chuyện như sau:
“Mặt trời rực rỡ đang lặn khi cô lái xe đi, và cô đã quên bầu trời đẹp như
thế nào, và cuộc sống có thể tươi đẹp như thế nào. Cô không còn cảm thấy bóng
tối trong trái tim mình nữa và cùng với đó, cô thậm chí còn nhìn thấy vẻ đẹp trong
cơn giận dữ và đau buồn của chính mình và những con quỷ đó đã trở thành bạn
của cô, không còn nắm chặt và kiểm soát cuộc sống của cô.” (Nguyên Giác dịch
Việt)
Đọc “Những Hạt Cải” của Anh Hinh, tôi thấy rất thích thú bởi vì đây là một
chuyện ngắn bằng tiếng Anh được viết bởi một người Mỹ gốc Việt có bố cục chặt
chẽ, có nội dung chuyên chở thông điệp mang ý nghĩa về giá trị của giáo pháp Đức
Phật khi được ứng dụng vào cuộc sống thường nhật. Tác giả Anh Hinh đã có một
10
bút pháp rất vững vàng từ ngữ pháp, chuyển mạch các tình tiết của câu chuyện đến
việc mô tả tâm lý nhân vật trong truyện một cách tinh tế và sâu sắc. Chẳng hạn, khi
mô tả trạng thái tâm lý bồn chồn và bất an của Kim-Ly, tác giả Anh Hinh đã viết
như một chuyên gia tâm lý như sau:
“Khi Sang đọc Pháp của Đức Phật cho con gái nghe, Kim-Ly ngáp dài, bồn
chồn tới lui, thở dài lớn tiếng và thậm chí ngủ gật nữa. Kim-Ly cố gắng chống lại ý
muốn rời đi và muốn ngồi yên, nhưng tâm trí cô ấy bồn chồn đến mức bắt đầu cảm
thấy dao động và vô cùng khó chịu.” (Nguyên Giác dịch Việt)
Tóm lại, có thể nói, tuyển tập Hương Pháp không những là một tuyển tập
văn học Phật Giáo giá trị về mặt văn chương và sự hữu hiệu trong việc áp dụng
Phật Pháp vào đời sống hàng ngày, mà còn là bước ngoặt mới cổ súy việc sáng tác
văn học Phật Giáo, với tuyển tập của một giải văn học Phật Giáo lần đầu tiên được
ấn hành khắp nơi. Vì vậy, nó thật xứng đáng để có mặt trong mọi tủ sách của các
ngôi chùa và gia đình của người Phật tử Việt Nam.
Với niềm hoan hỷ ấy, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tuyển tập
Hương Pháp. Chân thành cảm ơn các tác giả trong tuyển tập và Ni Trưởng Thích
Nữ Giới Hương đã tổ chức cuộc thi viết văn ứng dụng Phật Pháp trong cuộc sống
năm 2022.
California, ngày đầu đông năm 2022.
Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang