Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biết tài sản cũng như thân mạng mình đều là giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái ngã không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại.
Nếu đánh từ khóa “Chương trình “60 phút mở”” trên google sẽ cho ra kết quả 490,000 trong 0,34 giây đủ để thấy độ “hot” của cộng đồng mạng những ngày qua, khi mà các chương trình được phát sóng không lâu.
Khi có quá nhiều luồng dư luận chiếu vào nội dung Chương trình, mà mới đây nhất là “Người ta làm từ thiện vì ai?.
Ngày nay, trong cuộc sống, chúng ta thường dùng từ “làm từ thiện” hơn là từ bố thí, dù nghĩa có thể có lúc là gần nhau hoặc giống nhau.
Đối với bài viết này, chúng tôi không đi sâu phân tích về chương trình “60 phút mở”, mà ở đây, chúng tôi đưa ra quan đểm của nhà Phật về Bố thí, cũng như cách thực hành hạnh bố thí để sao cho đúng Pháp và được lợi lạc cả người cho lẫn người nhận.
Bố thí là cùng khắp: thí là cho, là trao tặng. Bố thí là cho cùng khắp, cho tất cả mọi người, mọi vật, mọi nơi.
Bố thí gồm các loại sau đây: Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Dưới đây chúng ta lần lượt tìm hiểu ý nghĩa của các loại bố thí ấy:
1. Tài thí. Tài thí tức là đem tiền bạc, của cải, vật thực của mình ra cho. Tài thí có hai loại:
Nội tài. Là những vật chí thân quí báu nhất của mình như thân mạng, đời sống của mình. Thí nội tài ở đây tức là hy sinh thân mạng để cứu vớt kẻ khác ra khỏi nguy nan. Trong các chuyện tiền thân của đức Phật Thích Ca, chúng ta đã thấy nhiều gương thí nội tài, như câu chuyện Ngài lái buôn kia, trong khi đi biển bị thuyền chìm đã tự hy sinh thân mạng bằng cách buông tay khỏi cột buồm mà mình đang bám vào, để nhường chỗ cho những hành khách xấu số khác khỏi chết đuối.
Thí nội tài là một cử chỉ hy sinh cao đẹp nhất mà chỉ những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Nếu còn xem thân mạng mình là quý, là trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được loại bố thí này.
Ngoại tài. Ngoại tài là những vật thường dùng của mình như thức ăn đồ mặc, tiền bạc, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa v.v...Ðem những vật ấy ra cho những người túng thiếu, nghèo khổ thì gọi là thí ngoại tài.
2. Pháp thí. Ðem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quí báu của đức Phật để chỉ bày, khuyên bảo người khác; hoặc y theo giới luật của Phật tu hành thành thật để làm khuôn mẫu cho người bắt chước, bỏ dữ theo lành, cải tà quy chính đều là pháp thí. Pháp thí có một giá trị rất lớn lao hơn cả tài thí, và tài thí chỉ giúp người khác được túng thiếu về phương diện vật chất trong một thời gian, hay nhiều nhất là cứu giúp một đời người. Nhưng pháp thí giúp đỡ người rất nhiều về phương diện tinh thần, không riêng gì đối với người nghèo khó, mà cả người giàu sang, chức tước; không phải chỉ có ảnh hưởng tốt trong một giai đoạn, mà gieo nhân lành cho nhiều đời kiếp về sau. Vì những lẽ đó, nên người Phật tử chân chính, không bao giờ bỏ mất một dịp nào mà không làm pháp thí, cả về phương diện khẩu giáo (dùng lời lẽ đúng Phật pháp để chỉ dạy lẫn phương diện thân giáo (dùng đời sống chân chính hợp đạo để chỉ dạy).
3. Vô úy thí. Vô úy nghĩa là không sợ. Vô úy thí là làm cho người khác không sợ, hết sợ. Phép thí này mới nghe thì tưởng như là không quan trọng gì cả. Nhưng nếu suy nghĩ một cách chín chắn, chúng ta sẽ thấy đức Phật thật vô cùng thâm thúy khi chế ra pháp thí này.
Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem, có phải trong một đời người, cái sợ đã chiếm nửa cuộc đời rồi không? Khi nhỏ chúng ta sợ la rầy, sợ đánh đập, sợ ma quỉ...khi tráng niên sợ thiếu ăn, thiếu mặc, sợ giặc, sợ thiếu công danh, sự nghiệp; khi già sợ đau, sợ ốm, sợ già, sợ chết...Chỉ toàn sợ và sợ. Ðó là chưa nói đến gặp thời buổi loạn lạc, còn phải sợ sưu cao, thuế nặng, sợ quan tham, lại nhũng, sợ trộm cướp, lưu manh, sợ tù, sợ tội, sợ chém, sợ giết...Bao nhiêu thứ sợ chồng chất lên đầu người, làm cho họ không dám ngửng lên, lưng họ còm xuống, đầu gối họ sắp quỵ. Muốn có một hình ảnh tượng trưng cho sự sợ hãi, thì hãy lấy hình ảnh của người dân quê Việt Nam trong thời Pháp thuộc thì rõ: Hai tay họ sẵn sàng chắp lạy, mắt không dám nhìn lên, lưng còng xuống và hai đầu gối sẵn sàng để quỳ xuống mỗi khi nghe tiếng nạt của ông quan hay ông thực dân hống hách.
Ðời sống đã khổ, lại càng khổ thêm vì sợ. Cho nên làm cho người hết sợ, chính là đã cứu cho họ bớt đi quá nửa khổ đau trong kiếp sống. Lòng từ bi của đức Phật nở thấy chúng sinh khổ sở vì sợ, nên đã chế ra phép thí vô úy.
Muốn thực hành pháp môn này, hành giả trước tiên phải luyện cho mình một đức tính đừng sợ gì cả. Mà kẻ tu hành chân chính, hiểu rõ giáo lý của Phật, thì còn sợ nỗi gì? Tiền của, họ không tham lam cho nên không sợ mất; danh lợi, họ không màn, nên không sợ thiếu, sinh mạng, họ xem như giả tạm, nên không sợ chết. Do cái tâm lý đó mà cõi lòng họ luôn luôn không xao động, nét mặt họ luôn luôn bình tĩnh trước mọi sự đổi thay, gian nan nguy hiểm. Người tu hạnh thí vô úy sẵn sàng để nhảy xuống nước vớt người sắp chết chìm, nhảy vào lửa để cứu người sắp chết thiêu, xông vào đám cướp để cứu người lương thiện, đến gõ cửa công, để minh oan cho người vô tội...
Tóm lại, người tu hạnh thí vô úy, hễ đi đến đâu thì đem đến đó một nỗi bình tĩnh, an vui cho mọi người và mọi vật.
Phải bố thí như thế nào mới đúng Chính pháp
Chúng ta đã biết qua các lối Bố thí Ba la mật. Ðến đây, chúng ta cũng cần biết rõ thái độ của người tu hành bố thí phải như thế nào.
Sự bố thí như đã nói trên, thật ra không khó và không hiếm. Rất nhiều người có thể làm được. Trong đời, chúng ta thường thấy có nhiều kẻ giàu có đem bạc ngàn bạc vạn ra bố thí, có nhiều người bỏ cả tài sản ra lập nhà thương, cô nhi viện, trường học, có nhiều người dám liều mạng xông vào lửa để cứu kẻ sắp chết thiêu, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối; có những kẻ anh hùng đem tài năng ra bảo vệ kẻ yếu hèn, hay dám đương đầu với bọn xâm lăng để giữ gìn đất nước.
Về phương diện thí pháp, có nhiều người đi đâu cũng đem đạo lý ra giảng nói, đi đâu cũng tỏ ra ta đây hiểu đạo, chứng quả.
Nếu nhìn bề ngoài, thì những hành động ấy đều là bố thí cả. Nhưng nếu xét về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong, thì có thể có hai trường hợp khác xa nhau.
Bố thí chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng tâm không trong sạch. Chúng ta đã biết bố thí do từ tâm mà ra. Bố thí là một pháp môn để tự độ và độ tha. Nhưng nếu bố thí với một dụng tâm khác như cầu danh, cầu tài lợi (cho ít mà cầu được trả nhiều), hoặc vì ganh đua, hoặc vì muốn làm nhục người chịu ơn, hoặc vì bị ép buộc, hoặc cho với một tâm lý khinh rẻ, hối tiếc hoặc cho với một tâm lý lừa lọc, bất công, thiên vị; nếu bố thí với một tâm lý, một thái độ như thế, thì tất là bố thí chấp tướng.
Chẳng hạn đem tiền của ra lập nhà thương, trường học để được nêu trên báo, để được nhắc nhở đến luôn; hoặc nhảy xuống sông cứu người chết đuối để được "người đẹp" tán thưởng; hoặc giết giặc để mong được tấm huy chương, hoặc giảng đạo lý để tỏ ra mình học rộng biết nhiều. Những hành vi bên ngoài đẹp đẽ ấy, bên trong thật không có giá trị gì.
Bố thí với tâm lý, với động lực như thế, không phải là Bố thí Ba la mật; và phước đức của những hành động ấy thuộc về hữu lậu rất mỏng manh, như mây nổi giữa hư không, gặp gió thổi liền tiêu tan.
Bố thí không chấp tướng. Nghĩa là bố thí với một dụng ý trong sạch, đúng với ý nghĩa của nó.
Trong khi bố thí, hành giả vì tâm từ bi bình đẳng, xem chúng sinh như con, nên không sinh tâm vị kỷ, không phân biệt bỉ thử, thân sơ. Hành giả vì biét tài sản cũng như thân mạng mình đều là giả tạm, vô thường, nên không tham lam, tiếc nuối. Hành giả vì biết cái ngã không có thật, nên khi cho không thấy có kẻ cho và người nhận, không tự cao, tự đại.
Bố thí với một tâm địa trong sạch như trên sẽ được phước vô lậu thanh tịnh, mới đúng là Bố thí Ba la mật.
Công đức Bố thí Ba la mật
Pháp bố thí là cái nhân lành của quả phúc ở thế gian và xuất thế gian. Trong lục độ vạn hạnh, pháp bố thí đứng đầu, vì nó tương đối dễ làm hơn tất cả các Pháp, mà công đức lại lợi lạc được cả đôi bên người nhận và kẻ cho:
Ðối với người nhận. Người đời không ai là đầy đủ. Kẻ được phần này thì thiếu phần khác: kẻ được vật chất thì mất tinh thần, kể đầy đủ tinh thần thì thiếu thốn vật chất.
Kẻ đang thiếu thức ăn mà được ăn, kẻ đang thiếu mặc mà được mặc, kẻ đang đau xót mà được vỗ về, an ủi, kẻ đang lo sợ mà được đùm bọc che chở thì thật là may mắn sung sướng vô cùng. Trong một xã hội có được nhiều người giàu lòng từ bi bác ái, luôn luôn tìm cách giúp người, thì xã hội ấy chắc chắn sẽ được an vui thịnh đạt.
Ðối với người cho. Sự bố thí đã đành là lợi lạc cho người nhận, nhưng đối với người cho cũng không kém phần quý báu. Ngoài sự sung sướng được thấy mình làm việc phải, được thấy quần sinh sung sướng, vui mừng, hành giả còn nhờ bố thí mà tiến mau, tiến xa trên đường đạo. Mỗi khi đem của cải ra cho, là hành giả có một dịp để chiến thắng lòng tham lam, bỏn sẻn, ích kỷ và nới rộng lòng từ bi; mỗi khi hy sinh tính mạng để cứu giúp người, là hành giả có dịp để thử thách lòng tham sống, sợ chết, và trau dồi đức tính lợi tha, bình tĩnh. Mỗi khi cho mà không kể kẻ thân người thù, là hành giả có dịp để chiến đấu với ngã chấp ngã ái, bãg mạn. Nếu hành giả thí pháp, thì đó là những cơ hội để mình tự nhắc nhở, ghi nhớ những lời đức Phật dạy, nhữ công đức mà Ngài đã làm để noi theo.
Lược ghi trong Phật học Phổ thông, Hòa thượng Thích Thiện Hoa