Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Khi cúng dường cho một bậc chư tăng, người phật tử kết duyên với người ấy. Nếu người chư tăng tu tập chân chánh, nghiệm trì giữ giới, người phật tử được phước hộ pháp cho người tu. Nếu người chư tăng làm Phật sự, người phật tử được chia phần phước báu. Nếu người chư tăng đắc đạo, giải thoát, phước báu của người phật tử càng tăng thêm bội phần. Và nếu người chư tăng là một vị đi hoằng dương chánh pháp của Đức Phật, độ thế cứu đời, giúp chúng sanh biết được con đường tu tập thoát khổ, thì phước báu của người cúng dường vô lượng vô biên không sao kể xiết.

1. Vì sao phải cúng dường Tam Bảo ?

Người Phật tử nhớ ơn Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Nhờ có Phật tìm ra con đường giải thoát khỏi bể khổ trầm luân trong vòng sinh tử luân hồi. Sau khi Phật đã nhập Niết Bàn rồi, nhờ có giáo lý (pháp) của Ngài còn để lại, đời nọ truyền qua đời kia, người Phật tử nhờ đó mà biết chân lý, theo đó tu hành để giải thoát khổ đau. Còn Tăng là những người tu sĩ đã hy sinh cao cả, tu tập chân chánh, duy trì giới luật giữ cho đạo Phật được trường tồn và ngày càng hưng thịnh. Do đó người Phật tử tôn kính Tam bảo, cúng dường Tam bảo là để đền đáp ân đức mà Tam bảo đã ban cho. Cúng dường Tam bảo cũng là một trong các cách bố thí để tâm người Phật tử được thăng hoa, vun bồi công đức, xả ly của cải.

2. Mục đích của sự cúng dường:

 

Kết quả hình ảnh cho ảnh bố thí

Đức Phật là bậc Lưỡng Túc Tôn tức là Ngài có đủ Phước báo và Trí huệ. Ngài có thể chỉ ngồi một chỗ vẫn được ăn ngon, mặc ấm. Thế mà Ngài cũng tay ôm bình bát hàng ngày đi khất thực, để tập cho những người chưa có lòng từ bi, tạo duyên cho họ có dịp thực hành hạnh từ bi, để cho những người cúng dâng thức ăn cho Phật sẽ được phước báo đời sau. Hồi Phật còn tại thế, có một chú bé kia, chơi trò chơi con nít, lấy nhánh cây làm nhà, lấy cát làm cơm. Một hôm cậu bé đang chơi thấy Phật đi khất thực, cậu ta bưng một chén cát mà nghĩ đó là cơm, với lòng thành tâm, hai tay cậu bé cung kính dâng lên cho Phật. Nhờ chén cơm cát đời đó, một trong những kiếp sau này cậu ta hưởng phước báo được làm vua; đó chính là vua A Dục, một ông vua đứng hàng bậc nhất hộ trì Phật Pháp. Hơn hẳn Lương Võ Đế, vua A Dục đã dựng trụ biểu ghi nơi Phật đản sinh, tổ chức kết tập kinh điển, đem Phật pháp truyền sang Tích Lan, đem sang bên ấy cây Bồ Đề nơi đức Phật thành đạo, ngọc Xá Lợi Phật, nhờ đó Phật giáo Nam tông đã truyền sang Đông Nam Á.

3. Cúng dường Tam bảo như thế nào?

 

1) Cúng dường Phật bảo:

Xây dựng Chùa chiền, thỉnh tượng cúng Chùa, đúc chuông, dâng hoa, trầm, hương, đèn, nến, đóng góp tiền bạc để làm những việc trên hoặc cúng vào quỹ Tam bảo, thùng phước sương, đó là người Phật tử bày tỏ sự biết ân cũng để hoằng dương đạo Phật, làm cho ngôi Phật bảo được huy hoàng và trang nghiêm, nhờ đó tăng thêm lòng thành kính cho những người đi Chùa, lễ Phật.

2) Cúng dường Pháp bảo:

Nhờ giáo lý của đức Phật, người Phật tử biết được đâu là khổ, đường nào tu học để được phước báo, để được giải thoát. Và để đền đáp lại ân đức ấy, người Phật tử phải đem giáo lý của đức Phật đến cho những người khác biết để họ có lòng tin và tu học. Vậy người Phật tử cần nên phát tâm ấn tống kinh sách, băng thuyết pháp (cassette hay video).

3) Cúng dường Tăng bảo:

Thánh Tăng ngày xưa chỉ lo tu học kinh kệ trong Chùa, do vậy người Phật tử phải cúng dường chư Tăng gồm có: Y phục, thức ăn, giường và vật trải giường nằm, thuốc thang. Bốn thứ đó gọi là Tứ Sự Cúng Dường. Ngày nay khoa học đã tiến bộ, Phật tử có thể dâng cúng chư Tăng, Ni những phương tiện để phục vụ cho sự hành đạo được dễ dàng hơn.

Cúng dường Phật, Bồ tát tăng đương nhiên được phước lớn, nhưng thời nay đâu dễ gặp được các vị này để cúng. Cho nên trên đường tu tập, nếu gặp được vị Hiền tăng, thì đó là duyên tốt để chúng ta thực tập Hạnh bố thí cúng dường. Hiền tăng là những chư tăng tu tập đúng theo chánh pháp của Đức Phật, nghiêm trì gìn giữ giới luật. Hiền tăng là những chư tăng không mong cầu nhận phẩm vật cúng dường, vì tâm họ không lệ thuộc vật chất, quyền lợi, họ đang hướng tâm đến giải thoát. Gặp người này, chúng ta cúng dường sẽ được nhiều phước, vì tâm tốt của chúng ta gặp được tâm tốt của người tu. Tâm người cúng dường và người nhận đều thanh tịnh, nên người cúng được phước vì giúp cho người nhận cúng dường nuôi thân mạng mà tu hành đắc đạo độ thế. Tùy theo mức độ tu hành của vị này bao nhiêu, tậm hạnh của vị này càng thiện bao nhiêu, chúng ta có phần phước đức bấy nhiêu. Chúng ta cúng dường, họ làm được Phật sự, chúng ta được chia phần, được hưởng.

 

Inline image

 

Trong cuộc đời của Đức Phật, có hai người cúng dường Phật không nhiều, nhưng được phước đức lớn: đó là cô chăn bò và anh cắt cỏ mướn. Hai người này gặp Phật trước khi Ngài đắc đạo, nên Ngài không đi khất thực. Một hôm, vì tu khổ hạnh quá sức, Ngài bị kiệt sức đến ngã gục. Cô chăn bò liền lấy sữa cho Phật uống. Ngài tu khổ hạnh tuy chưa đắc đạo, nhưng hướng tâm đến Vô thượng Bồ đề, nên cúng dường cho Ngài rất có công đức. Nhờ bát sữa của cô mà Ngài tỉnh lại, nếu không có bát sữa, chắc là Phật đã chết mất. 

 

Và khi băng qua sông Ni Liên Thiền, Ngài gặp anh cắt cỏ mướn cúng cho Ngài 4 bó cỏ. Phật dùng cỏ này để trải tòa ngồi ở cội Bồ đề tu hành và phát nguyện nếu không thành đạo thì không rời khỏi nơi này. Phật ngồi trên cỏ của anh này cúng dường và Ngài đắc đạo. Phật nói hai người này có phước lớn nhất, vì có công đóng góp cho sự thành đạo của Phật và cho sự nghiệp độ sanh của Phật trong suốt 49 năm giáo hóa. Nhờ công đức cúng dường này, anh cắt cỏ được sanh lên cõi trời tên là Kiết Tường thiên đời đời kiếp kiếp anh luôn được sống trong hoàn cảnh tốt lành. Trong khi các chư Thiên khác hết phước thì bị đọa, còn anh này không đọa, vì hưởng phước của Phật. Phật còn tiếp tục độ sanh là còn chia phước cho anh, nên phước của anh hưởng không hết, mà cứ lớn thêm. Vì vậy, cúng dường cho vị Tăng nào tu hành đúng chánh pháp, ta được rất nhiều phước đức. Và nếu vị Tăng này đạt quả vị Bồ tát, quả vị Phật, thì người cúng dường hưởng phước vô biên.

 

Kết quả hình ảnh cho ảnh bố thí

 

Khi cúng dường cho một bậc chư tăng, người phật tử kết duyên với người ấy. Nếu người chư tăng tu tập chân chánh, nghiệm trì giữ giới, người phật tử được phước hộ pháp cho người tu. Nếu người chư tăng làm Phật sự, người phật tử được chia phần phước báu. Nếu người chư tăng đắc đạo, giải thoát, phước báu của người phật tử càng tăng thêm bội phần. Và nếu người chư tăng là một vị đi hoằng dương chánh pháp của Đức Phật, độ thế cứu đời, giúp chúng sanh biết được con đường tu tập thoát khổ, thì phước báu của người cúng dường vô lượng vô biên không sao kể xiết.

 

Những bậc chư tăng kể trên là những Chánh tăng. Thời nay là thời mạt pháp, có rất nhiều những tu sĩ cũng khoác áo cà sa, nhưng không giữ giới luật, sống phóng dật, chạy theo dục lạc thế gian, tham sân si đủ cả. Họ là những tu sĩ giả, hay tà sư. Cúng dường cho những tà sư là góp phần làm cho Phật pháp suy đồi, giúp tà pháp hưng thịnh, làm giảm niềm tin của chúng sanh vào Tam bảo.

 

Vì vậy, người phật tử cần sáng suốt trong việc cúng dường chư tăng, biết phân biệt ai là chánh tăng, ai là tà sư, để không phải gánh chịu một phần hậu quả tội lỗi của các tà sư.

 

4. Thanh tịnh cúng dường:

Người Phật tử khi cúng dường Tam bảo chẳng những tâm mình phải thanh tịnh mà những lễ vật cũng phải thanh tịnh.

1) Về tâm thanh tịnh:

Mỗi khi cúng dường Tam bảo đừng nên tính toán, có nhiều cúng nhiều, có ít cúng ít, lòng luôn hoan hỷ và chí thành, khi đã cúng dường rồi cũng đừng có bận tâm mình đã cúng ít quá hay nhiều quá. Lòng chí thành và kính trọng là quan trọng hơn hết.

2) Về lễ vật thanh tịnh:

Những lễ vật dâng cúng tốt tươi, tinh khiết là quý nhưng tiền của mình bỏ ra mua sắm phải do mình làm ra bằng nghề nghiệp chánh đáng thì mới có nhiều phước đức. Ví dụ một người tay lắm chân bùn làm thuê làm mướn có một ít tiền, mà dùng số tiền ấy mua một bó nhang hay mua một bó hoa đem đến Chùa cúng Phật, công đức lớn hơn một người đem nhiều lễ vật cúng dường Tam bảo, mà lễ vật này do đồng tiền có được từ những việc làm bất chánh.

5. Kết Luận:

 

Kết quả hình ảnh cho ảnh bố thí

 

Một người khi đã biết tu tập thì cần nên phát tâm, hễ có duyên lành thì hãy nên cúng dường Tam bảo vì việc cúng dường đúng pháp luôn luôn mang lại phước báo cho mình. Đây cũng là phương pháp tập cho mình xả ly tiền tài của cải, diệt trừ bớt lòng tham, có như vậy mới mau thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử

Người Phật tử cần phải Phước, Huệ song tu: Phước là phải cúng dường, bố thí. Còn Huệ là phải tu tập giữ cho tâm mình được thanh tịnh, nhờ đó thì trí huệ phát sinh. Nếu thiếu Phước Hay Huệ thì con đường tu sẽ khó thuận duyên và lâu được thành tựu.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm