Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder


Nguyên An

Billy_Ray_Harris_homeless_man_gives_engagement_ring_back_to_lady

Billy Ray Harris, 55 tuổi, là một người lang thang không nhà cửa.

Mấy ngày nay, dư luận chú ý phiên tòa xét xử vụ án MobiFone mua AVG. 14 bị cáo trong đó có hai vị cựu bộ trưởng phải ra tòa là ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Ngày 20-12-2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đã đề nghị tử hình bị cáo Nguyễn Bắc Son, 14-16 năm tù cho bị cáo Trương Minh Tuấn… Còn lại 12 bị cáo đều bị đề nghị mức án theo các tội danh. Kết luận cuối cùng còn chờ tòa tuyên án, nhưng đối với các bị cáo đưa tay vào còng, đi vào trại giam đã là dấu chấm hết cho cuộc đời của họ, mất chức, mất quyền, mất tự do, người đời khinh bỉ… Khi nói lời cuối cùng trước tòa, ai cũng hối hận, đã nhận sai lầm, xin được khoan hồng. Điều gì đã khiến họ vào tù. Đó chính là lòng tham lam đã dẫn dắt họ đi vào hậu quả đáng buồn đó.

Một câu chuyện thần thoại

Related image

“Không lấy của người” là giới cấm thứ hai trong Ngũ giới Phật giáo, mới đây trên mạng xã hội có lưu truyền câu chuyện được nhiều người chia sẻ liên quan đến giới cấm trên. Một người Mỹ ăn xin đã biết giữ hạnh “không lấy của người” và đã nhận được một kết quả “ngọt ngào”.

Billy Ray Harris, 55 tuổi, là một người lang thang không nhà cửa. Ông xin ăn tại đầu đường Kansas, thuộc tiểu bang Missouri miền Trung nước Mỹ. Cô gái Sarah Darling đi ngang qua, động lòng trắc ần cho vào trong ly của ông một ít tiền, nhưng cô không biết là chiếc nhẫn trên tay cũng vô tình rơi vào ly.

Đến lúc Billy thấy chiếc nhẫn thì cô gái đã đi rồi. Ông đã tính đem bán vì đối với một người vô gia cư, đó là cả một gia tài. Tuy nhiên, Billy lại do dự… Sau mấy ngày suy nghĩ, ông quyết định sẽ đem chiếc nhẫn trả lại cho người đã mất. Hằng ngày, ông kiên trì ngồi chỗ cũ đợi cô gái, người chủ chiếc nhẫn quay lại.

Cuối cùng, ông cũng gặp được cô Sarah và trả lại chiếc nhẫn trên. Cô Sarah vô cùng cảm kích, vì đó là chiếc nhẫn đính hôn của cô. Tỏ lòng biết ơn, Sarah và người chồng tương lai kể lại câu chuyện chiếc nhẫn trên mạng với mục đích quyên tiền cho Billy, giúp ông có được một cuộc sống bình thường như mọi người. Hai người hy vọng có thể quyên được vài ngàn đô-la. Không ngờ, nhiều người sau khi nghe câu chuyện đó đã rất xúc động vì lòng trung thực của người ăn xin. Ba tháng sau Sarah đã quyên được gần 190 ngàn đô-la. Billy dùng số tiền đó mua nhà, mua xe… nhưng vận may vẫn chưa dừng ở đó.

Sau khi câu chuyện của Billy được truyền thông đưa tin, người chị đã thất lạc 16 năm thấy ảnh ông trên tivi và cuối cùng đã tìm được ông. Phần Billy cứ nghĩ rằng người chị này đã qua đời.

Billy không chỉ có tiền và tìm lại được người thân mà còn có người bạn tốt là Sarah và gia đình cô. Billy nói, khi nhớ lại chuỗi ngày khó khăn, ông vô cùng cảm ơn đời đã đem đến cho ông một cơ hội, cho ông quay lại cuộc sống của một người bình thường. Ông tự hứa với mình sẽ sống thật tốt để không phụ lòng những ân nhân của ông.

Quả là một câu chuyện thần thoại trong mơ đối với Billy. Đức tính “không lấy của người” đã giúp Billy nhận được quả ngọt.

Chum vàng bắt được

Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có câu chuyện “Chum vàng bắt được”. Câu chuyện này được đưa vào sách giáo khoa ở miền Nam trước năm 1975. Câu chuyện như sau:

Một anh nông dân về nhà nói với vợ: Sáng ta ra ngoài đồng đào được một cái chum đầy vàng ở góc ruộng.

Vợ bảo: Sao không mang về?

Chồng bảo: Đâu phải của ta. Chắc của ai chôn ở đấy, lấy làm chi!

Vợ bảo: Không ai điên như anh. Thế nào cũng có kẻ khác lấy.

Chồng bảo: Ừ, thì phước ai người đấy hưởng. Nếu là của ta thì là của ta, chạy đằng trời cũng không thoát, còn của người thì ta có giành giật đi mấy cũng là của người.

Có thằng trộm núp bên hè, nghe chuyện liền chạy ra bờ ruộng. Quả thật có cái chum bị lấp đất sơ sài. Hắn liền è ạch mang về nhà. Về tới nhà, mở ra thấy toàn rắn độc, hắn vội đóng nắp lại.

Tối sau, hắn lại đến rình nhà anh nông dân.

Anh nông dân lúc này nói với: Sáng ta ra ruộng đã thấy mất chum vàng.

Vợ bảo: Đã bảo, gặp phải rinh về nhà ngay, ở đó mà còn phân bua của ai, của mình.

Chồng vẫn khăng khăng: Của người thì người lấy. Còn của ta là của ta, nếu chum vàng ấy là của ta, tất nó sẽ đến.

Vợ bảo: Đồ gàn, chum vàng có chân à?

Tên trộm nấp nghe, bực mình, liền về nhà khiêng chum đến đặt ngay cửa nhà người nông dân. Hắn nghĩ, cho rắn cắn vợ chồng mày chết, ở đó mà của ta, của người.

Sáng hôm sau, mở cửa ra, anh nông dân bảo ngay vợ: Thấy chưa, ta bảo của ta sẽ là của ta không ai giành được.

Vợ ra xem thì mở ra toàn vàng. Từ đó hai vợ chồng nông dân hiền lương, trở nên khá giả.

Lúc tôi học đệ thất (tương đương lớp 6 bây giờ) nhớ cô giáo giảng bài: Câu chuyện này ý nói con người không nên tham lam, phước ai người nấy hưởng, không nên giành giật, cướp của người thành của mình. Ngẫm ra câu chuyện còn hàm ý nhiều điều, tầm học sinh lớp 6, cô giáo chỉ giảng như vậy, giờ còn thấy nhiều điều thâm sâu trong câu chuyện tưởng chừng chỉ để làm vui.

Ta là chủ nhân của bao điều họa phước

Một tên ra chợ xông ngay vào tiệm vàng vơ vét. Giữa thanh thiên bạch nhật nên hắn bị bắt ngay. Hỏi hắn vì sao táo tợn như vậy? Hắn trả lời, lúc ấy do lòng tham làm tối mắt, hắn chỉ thấy vàng chứ không thấy gì cả!

Nhiều người vào tù cũng vì lòng tham mà tối mắt. Hai bị cáo Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn cũng ở vào trường hợp trên và cái kết xấu xa nhục nhã mà họ phải nhận cũng chính do họ gây ra.

Đức Phật đã dạy: Nếu con người cứ gần gũi, luôn luôn chạy theo bởi lòng tham muốn này mà không biết tránh xa nó thì rất có thể bị nguy hại cho bản thân. Ngài thường dùng hình ảnh vàng bạc, của báu, tài sản giống như con rắn độc nó sẽ cắn chúng ta chết.

Nếu con người cứ chạy theo lòng tham muốn này để phục vụ cho đời sống thì cứ phải chịu quả khổ đau mãi và con đường trôi lăn luân hồi sanh tử cũng từ đây. Đức Phật dạy người nào từ bỏ lòng tham lam thì sẽ được giải thoát. Không còn phải chịu quả khổ nữa, vì nhân không tham nên quả không khổ. Khi mọi người biết được do chính lòng tham muốn mà bị khổ, thì hãy đoạn tận, trừ bỏ lòng tham này thì quả vị an lạc, hạnh phúc sẽ hiện diện.

Mọi người nên học đức hạnh ít muốn biết đủ, đừng có tham cầu nhiều. Cho dù có bị nghèo khổ túng thiếu thì mình cũng cảm thấy đủ, không than phiền oán trách, nên không cần cầu Phật trời ủng hộ cho được giàu sang. Còn người giàu có thì cũng nên học hạnh ít muốn biết đủ, đừng ăn chơi xa xỉ, tiêu xài một cách phung phí, tốn hao của cải… Sự bất hạnh đau khổ hay hạnh phúc an vui, giàu hay gièo, sang hay hèn, túng thiếu đói khát hay đầy đủ dư dả, đẹp hay xấu… Tất cả đều do hành nghiệp nhân quả mà mọi người đã tạo ra. Không phải do một thần linh hay một đấng tối cao nào ban phước hay giáng họa cho ai cả, mà chính ta là chủ nhân của bao điều họa phước.

Nguyên An | Văn Hóa Phật Giáo số 336

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm