Nói đến chết không phải là một vấn đề dễ dàng. Nếu tôi nói rằng chết rồi sẽ đau khổ, thì sẽ làm bạn sợ hãi bị đau khổ với cái chết. Nghĩ như vậy bạn sẽ không thể hiểu được thế nào là bản chất thực sự của cái chết. Nếu tôi nói rằng chết là sự êm ái an bình, bạn sẽ cho cái chết là điều gì đáng mừng và giải thoát. Cho nên tốt nhất là nói rằng, sống không hẳn là hoàn toàn vui sướng, mà chết cũng không hẳn là hoàn toàn khốn khổ.
Chuyện xưa kể rằng, có một phú gia đã già rồi mới sinh được một con trai. Khi đứa bé ra đời, khách khứa tấp nập đến chúc mừng. Trong những người khách đến thăm, có một thiền sư hoàn toàn không lay động gì trước cảnh tượng vui vẻ náo nhiệt chung quanh. Rồi bỗng dưng, ông ta khóc ròng.
Vị phú gia bối rối quá, hỏi rằng: "Đại sư, có chuyện gì vậy? Tại sao ngài buồn thế?"
Thiền sư rầu rĩ nói: "Tôi khóc vì ông mới thêm một người vào danh sách những người sẽ chết ở trong nhà đó."
Người giác ngộ thấy sự sinh ra như là nối tiếp của một kiếp sống trước, và sự chết như là khởi đầu cho một kiếp sống khác. Sinh ra không phải chỉ là sống, và chết đi không phải chỉ là chết. Khi chúng ta thấy sinh tử là một với nhau, có gì để vui mừng hay buồn khổ với chúng?
Người Trung Hoa khi thấy có ai được trăm tuổi cũng đều chúc mừng rằng, "Chúc ông/bà được trường thọ tới 120 tuổi!" Hãy thử nghĩ lại một chút: sống tới 120 tuổi có gì đáng để ăn mừng không? Nếu có người nào sống tới 120 tuổi, con trai 100 tuổi của họ có thể bị bệnh và qua đời bất cứ lúc nào. Rồi lần lượt đến người cháu 80 tuồi, và người chắt 60 tuổi cũng có thể chết đi. Ông lão này không còn có hạnh phúc được thấy con cháu ở bên cạnh nữa. Ông ta sống lâu để thấy con cháu mình lần lượt qua đời, cho đến khi hoàn toàn cô đơn một mình. Trong đời người, không có gì khó khăn bằng phải chịu cảnh thấy con chết trưóc mình. Tuổi thọ không nhất thiết là đồng nghĩa với hạnh phúc. Thường thì, tuổi thọ đi liền với cô đơn, bất lực, và sự tàn hoại của thân thể.
Cũng như chúng ta không cần bị ám ảnh với tuổi thọ, ta cũng không cần phải sợ hãi cái chết. Thuờng chỉ đề cập đến cái chết thôi cũng đủ gợi lên những hình ảnh đáng sợ trong tâm trí mọi người. Trong văn hóa Trung Hoa, nhiều người lo sợ sẽ bị trừng phạt sau khi chết - tin rằng họ sẽ phải leo lên những ngọn núi đao hay bị nhận chìm trong những vạc dầu nóng bỏng. Nếu thực sự hiểu được cái chết, ta sẽ thấy rằng chết cũng không khác gì có một tấm thông hành quá cảnh qua một xứ khác. Thật giải thoát biết bao! Chết là một con đường mà tất cả chúng ta đều phải đi qua. Làm sao chúng ta có thể đối diện cái chết một cách nào đó để cảm thấy mình đã có chuẩn bị và không bị choáng ngợp? Muốn được như vậy, ta phải hiểu biết về sự chết, và bản chất của nó như thế nào sẽ được bàn đến như sau.
I- Tiến trình của sự chết
Mặc dù tất cả chúng ta đều đã chết đi sống lại qua vô lượng số kiếp, không ai có thể nhớ rõ được kinh nghiệm cái chết như thế nào cả. Chúng ta không biết cái chết thực sự là ra sao. Theo kinh Phật, khi ta chết, ta vẫn còn cảm nhận được hoàn toàn những gì đang xẩy ra chung quanh. Ta có thể nghe giọng nói bình tĩnh của vị bác sĩ tuyên bố cái chết của ta, hay tiếng kêu khóc của gia đình. Ta vẫn còn có thể thấy được những người đang quây quần quanh xác ta, cố gắng lay động cái thân bất động không còn dấu hiệu của sự sống. Ta vẫn có thể còn lo lắng đến nhiều điều chưa hoàn tất xong. Ta có thể cảm thấy mình đang di chuyển giữa các người thân trong gia đình bạn bè, muốn nói với họ phải làm gì. Tuy nhiên, mọi người đều chìm đắm trong đau buồn, và không ai có thể thấy hay nghe ta được.
Tập san Reader's Digest có lần đăng một bài nói về kinh nghiệm cận tử của một người. Có một ngày khi đang lái xe, ông ta bị một tai nạn trầm trọng, chiếc xe hoàn toàn bị hủy hoại, và ông ở trên bờ vực của cái chết. Khi xe cứu thương, đội cấp cứu, cảnh sát, và gia đình ông đến hiện trường, thần thức của ông đã rời khỏi thân xác, và ông thấy mình đang trôi bềnh bồng trên không. Ông có thể nghe tiếng ồn ào của một nhóm người đang tranh cãi về tai nạn xẩy ra như thế nào, vì vậy ông tiến đến viên cảnh sát và cố nói cho ông ta nghe chuyện gì thực sự đã xẩy ra. Nhưng viên cảnh sát không thấy được, cũng như không nghe được ông. Chẳng ai để ý đến sự hiện diện của ông, ông chỉ có thần thức và không còn có được thân xác nữa. Cuối cùng ông nhận ra rằng ông đang trôi bềnh bồng ở ngoài thân xác của mình, và đang nhìn xuống nó như một người bàng quan vậy. Rồi lúc ấy, ông thấy mình bị cuốn hút thật nhanh qua một con đường hầm thật dài, hẹp và tăm tối.
Trong một trường hợp khác, một người đã kể lại về kinh nghiệm cận tử khi ông bị một tai nạn nặng nề nơi đầu, và sau đó được mang trở về từ bờ vực của cửa tử. Ông nói, "Tôi nhớ đã có một chấn động mạnh và rồi không còn biết gì nữa. Sau đó, tôi chỉ có một cảm giác ấm áp, thoải mái, và an bình." Một khi thần thức đã rời khỏi thân xác, nó không còn bị giới hạn và vì thế cảm nhận được sự thoải mái, an bình một cách lạ thường. Những trường hợp như thế có rất nhiều. Một người khác gợi lại kinh nghiệm cận tử như sau,"Khi tôi đang chết, tôi cảm thấy thoải mái, an bình kỳ diệu". Một người khác nữa tả kinh nghiệm của ông như thế này: "Tôi thấy mình nhẹ như chiếc lông chim vậy. Tôi bay bổng tự do đến một thế giới đầy ánh sáng!" Như thế, chúng ta thấy chết không hẳn là lạnh lẽo và ghê rợn như chúng ta thường hay tưởng tượng.
Kinh Phật mô tả kiếp sống thế gian này là nặng nề, không khác gì một con rùa phải kéo lê chiếc mai nặng trên lưng. Cái chết cho ta cởi bỏ được gánh nặng này, và vượt qua được những giới hạn vật lý của thân xác. Tuy nhiên, khi chúng ta phải đối diện với sự chết, hầu hết mọi người đều cố bám víu vào những cảm xúc và ham muốn của trần thế. Ta không thể nào buông bỏ được con trai, con gái, cháu chắt chúng ta, hay những của cải và tài sản. Ta không muốn chết và không biết tùy duyên chấp nhận cái chết. Chúng ta nghĩ đến cái chết như một kinh nghiệm đau đớn, giống như bóc cái mai ra khỏi con rùa sống vậy. Nhưng đây không phải là quan điểm của đạo Phật về sự chết. Đức Phật dạy rằng khi ta chết, chúng ta được giải thoát khỏi thân xác này, có thể được thong dong tự tại, giống như vừa trút được một gánh hành lý nặng chĩu vậy. Thật nhẹ nhàng và dễ chịu biết bao!
Dù khôn lanh hay chậm chạp, tốt hay xấu, chúng ta đều phải đối diện với cái chết. Nói đến chết không phải là đặt câu hỏi nếu, mà là thế nào và khi nào. Tần Thuỷ Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần, đã tìm đủ mọi cách để có phương thuốc trường sinh bất tử, nhưng cũng không thể nào kéo dài được mạng sống. Tất cả những gì có sanh tất yếu là phải có tử. Chỉ có hoàn cảnh chết là khác nhau thôi. Trong kinh Phật có nói đến bốn lý do chung để đưa đến cái chết:
a- Chết khi mãn tuổi thọ:
"Chết khi mãn tuổi thọ" còn gọi là "chết già". Kiếp sống của ta như ngọn đèn dầu: khi dầu hết, đèn sẽ tự nhiên tắt. Chúng ta đều muốn có một cuộc đời êm ấm dài lâu, nhưng mạng sống của con người có giới hạn của nó. Đời sống chỉ tiếp tục trong mỗi hơi thở, và khi vừa dứt hơi thở là chúng ta chết và trở về với cát bụi.
Có một câu ngạn ngữ nói rằng: "Có người chỉ sống từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn. Có những người khác sinh ra vào mùa xuân hay mùa hè, và chết đi trong mùa thu hay mùa đông. Có người sống 10 năm, 100 năm, hay cả đến 1000 năm. Dù chúng ta có sống một thời gian ngắn hay dài, thật ra cũng khác biệt gì mấy?" Câu này có ý nói là mạng sống của chúng ta chỉ là giới hạn, và không ai có thể tránh khỏi sự thực này.
b- Chết khi hết nghiệp:
Trong kinh nói rằng,"Người thế gian không hiểu về sự sống và sự chết. Con mắt trần không thấy được nghiệp thiện và nghiệp ác". Đời sống của chúng ta như bọt nước lênh đênh, khi không khí trong bọt không còn, bọt cũng sẽ tan đi. Chúng ta đều sinh ra từ nghiệp do nhân trong quá khứ tạo thành.Khi nghiệp hết, mạng sống cũng chấm dứt. Một thí dụ là có một người thật giầu đem tiền bạc phung phí hết rồi trở nên thiếu thốn - khi cái nhân giầu có không còn nữa, ông cũng chết đi theo sự tan rã của nhân duyên kết thành.
c- Hoạnh tử
Hoạnh tử còn được gọi là "đột tử", diễn tả những cái chết bất ngờ, như chết vì tai nạn xe hơi, bị phục kích trong chiến tranh, bị kẻ địch ám sát, hay bị một dã thú tấn công. Những kiểu chết như thế đều không thể đoán trước được. Có một câu ngạn ngữ diễn tả cái chết đột tử thật thích hợp như sau: "Khi người ta còn hơi thở, mọi sự vẫn có thể tạo thành . Nhưng khi đã chết rồi, tất cả mọi sự đều ngừng lại."
d- Chết theo ý nguyện:
Ba trường hợp chết ở trên là không đoán trước được và không thể điều khiển được. Trái lại, chết theo ý nguyện có thể đoán trước và dự tính được từ trước. Trong đạo Phật, điều này được đề cập đến như là "sống chết theo nguyện" và có nhiều vị cao tăng, trí giả đạt đạo đã có được khả năng này. Họ không còn bị điều khiển bởi vòng luân hồi sinh tử, vì họ đã hoàn toàn sống thuận theo nhân duyên.
Đại sư Daoan trong thời Đông Tấn là một tấm gương toàn hảo về điều này. Ngài hoàn toàn kiểm soát được sự sống chết của mình. Ngày mùng 8, tháng 2 năm 385, ngài triệu tập các đệ tử tới sảnh đường lớn trong chùa Wuzhong ở Tràng An. Sau khi tụng kinh niệm Phật, ngài bình thản nói với các đệ tử, "Đã đến lúc ta đi đây! Tất cả các ngươi hãy tiếp tục tu học để hoằng dương chánh pháp và cứu độ chúng sinh khỏi vô minh lầm lạc."
Chúng đệ tử hoảng hốt quá, van xin thầy, "Sư phụ, thầy đang mạnh khỏe như vậy, cần phải ở lại tiếp tục công việc Phật sự chứ. Sao thầy nỡ dừng hết mọi sự ở đây mà bỏ chúng con đi được? Bây giờ sắp tới giờ ăn trưa, xin thầy hãy ăn trưa đã."
Đại sư Daoan trả lời, "Được, ta sẽ ăn chút gì vậy." Ngài bèn đi ăn cơm như thường lệ. Sau bữa trưa, ngài vào phòng nghỉ rồi thị tịch trong lúc đang nghỉ ngơi. Đại sư Daoan chết tự tại theo ý nguyện, hoàn toàn không chịu đau đớn hay khổ não gì cả. Nếu chúng ta tiếp tục tinh tấn tu học và tự giải thoát mình khỏi vòng luân hồi sinh tử, ta cũng sẽ đạt giác ngộ và nhập niết bàn được.
Ở trên đã nói về những tình huống chết như thế nào, bây giờ ta hãy hướng đến một phương diện khác của sự chết. Chết thực sự là như thế nào? Trong kinh đã diễn tả một số cảm giác trong tiến trình cái chết qua sự tan rã của tứ đại như sau:
1- Yếu tố Đất bị mất quân bình
Người nào chết vì bệnh ở thân thể hay ở xương, trong lúc chết, toàn thân sẽ cảm thấy như một mảng đất lớn đang chìm xuống đại dương. Trong khi từ từ chìm xuống như vậy, người ấy cảm thấy áp lực đè lên đến nghẹt thở. Kinh gọi cảm giác này là "yếu tố đất bị chìm vào yếu tố nước."
2- Yếu tố Nước bị mất quân bình
Người nào chết vì bệnh tim hay hệ thống tuần hoàn, người ấy đầu tiên sẽ cảm thấy như đang bị chìm trong nước, vừa ướt vừa lạnh. Sau đó biến thành cảm giác rát nóng, rồi cực kỳ nóng bỏng. Kinh gọi đó là "yếu tố nước bị chìm vào yếu tố lửa."
3- Yếu tố Lửa mất quân bình
Người nào chết vì bệnh phổi, người ấy sẽ cảm thấy nóng rát, như một ngọn lửa rừng đang cháy bừng trong hoàng hôn. Sau đó thân sẽ cảm thấy đau dữ dội, như đang bị những cơn gió lốc mạnh xé tan thành từng mảnh và rải rác khắp nơi như những bụi tro. Kinh gọi đó là "yếu tố lửa bị chìm vào trong yếu tố gió".
Rồi sau đó điều gì sẽ xẩy ra? Ta sẽ thế nào ngay sau khi chết và trước khi tái sinh vào kiếp khác? Kinh nói rằng bởi vì thân chúng ta được biến từ trạng thái có hình thể với nhiều giới hạn để thành một trạng thái không hình thể và vô giới hạn, cảm giác ngay sau lúc chết không hoàn toàn là xấu. Điều đó có vẻ như đáng ngạc nhiên, nhưng có nhiều lý do chính đáng để giải thích điều này.
1) Sự giới hạn của thời gian và không gian
Khi còn sống, ta bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Ta không thể đi du ngoạn đến bất cứ nơi nào ta muốn, và không thể chọn cho mình không già hơn được. Khi chết rồi, và trước khi tái sinh qua kiếp khác, ta được giải thoát khỏi những giới hạn của thân xác, và linh thể của ta có thể tự do di chuyển khắp nơi.
2) Gánh nặng của thân xác
Trong kinh Pháp Cú nói rằng, "Xác thân vật chất là nguyên nhân của mọi đau khổ trên thế giới này. Cái khổ của đói khát nóng lạnh, của giận dữ và sợ hãi, dục vọng, ham muốn, thù ghét và những thảm cảnh - tất cả đều do có thân mà ra." Khi chúng ta sống, ta bỏ ra rất nhiều thì giờ để lo chăm sóc cho xác thân vật chất của ta. Khi đói, ta phải kiếm gì ăn; khi lạnh, ta phải mặc thêm áo; và khi đau ốm, ta phải chịu đựng sự đau đớn. Thân này đem lại cho chúng ta rất nhiều điều phiền não hơn là hạnh phúc. Nếu ngừng lại một chút để suy xét, ta sẽ thấy rằng một số lớn điều quan tâm của chúng ta đều là cho cái thân. Tuy nhiên, sau khi chết, ý thức của ta không còn bị giam hãm trong khuôn khổ của thân. Tất cả mọi vấn đề liên hệ đến xác thân vật chất đều tan biến theo với nó. Không còn phải chịu đói khát hay bệnh tật, có nghĩa là một gánh nặng lớn đã được trút bỏ trên vai chúng ta.
3) Yếu tố siêu nhiên
Khi chúng ta sống, những chức năng của ta bị giới hạn bởi khuôn khổ của thân xác. Sau khi chết, ta không còn bị ràng buộc bởi những định luật vật lý. Ta có thể thấy những điều mà mắt người thường không thấy được và nghe những âm thanh mà tai người thường không nghe được. Ta có thể trôi bồng bềnh trong không khí vì lực hút của trái đất không còn áp dụng được đối với ta. Trong trạng thái này, tường không thể ngăn cản được ta, và ta có thể đi đây đi đó chỉ bằng ý muốn.
Cái chết không có nghĩa là sự chấm dứt, không phải là sự cáo chung. Trái lại, đó lại là khởi đầu cho một trạng thái hiện hữu mới. Khi ta chết, xác thân vật chất ngừng hoạt động, nhưng thần thức vẫn còn tiếp tục. Trong thời gian sau khi chết và trước khi tái sinh, thần thức ở trong một tình trạng được đạo Phật gọi là "thân trung ấm" hay "thân trung hữu". Tùy theo nghiệp tích trữ từ kiếp trước, một chúng sinh trong trạng thái thân trung ấm sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi luân hồi. Một khi tái sinh lại, ta quên hết những ký ức về những kiếp sống trước. Bởi vì thế, trong hiện kiếp, ta không thể nhớ lại bất cứ những đau khổ đã phải chịu trong kiếp trước. Cũng vậy, khi tái sinh vào kiếp sau, ta cũng sẽ quên đi những ưu tư của kiếp sống hiện tại. Một bài thơ của Hoàng đế Shunzhi đã nói rõ điều này:
Trước khi sinh ra, ta là ai?
Sau khi sinh ra, ta là ai?
Khi trưởng thành, ta là ta
Khi ta nhắm mắt, ta sẽ là ai?
Trên thực tế, hiểu biết về kiếp trước hay kiếp sau đều rất quan trọng cho chúng ta. Pháp Phật dạy rằng người ta không bao giờ thực sự chết cả. Cái chết chỉ đến với xác thân vật chất, một tổng thể do tứ đại hợp thành. Tuy rằng thân xác có chết đi, nhưng thần thức của ta vẫn tiếp tục không hề bị gián đoạn. Một khi nhận ra rằng xác thân này là vô thường như bọt nước và thế giới này chỉ là hư ảo, ta sẽ có thể chấp nhận cái chết không còn ngăn ngại.
II- Sự phán xét sau khi chết và sự tái sinh
Chúng ta thường nghĩ đến người quá cố, tự hỏi không biết bây giờ họ ở tình trạng như thế nào. Trong văn hóa Phật giáo Trung Hoa, người ta có tục cầu nguyện cho người quá cố khi ăn mừng Tết đến hay trong những ngày lễ khác. Những điều đó đều rất tốt, nếu làm trong sự quan tâm ưu ái và kính trọng cha mẹ hay những người thân đã mất. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều tưởng lầm khi nghĩ rằng cha mẹ họ đang trở thành những ngạ quỷ trong địa ngục khi qua đời. Mong cho cha mẹ sẽ được về nơi an lành, con cái thường hay làm những nghi lễ cầu nguyện cho bậc cha mẹ quá cố được siêu thoát. Cách suy nghĩ ấy thật là hoàn toàn bất kính đối với cha mẹ, bởi chỉ có những người phạm những trọng tội mới phải đầu thai làm ngạ quỷ hay xuống dưới địa ngục. Làm những nghi thức cầu siêu như thế, chẳng phải là nói rằng cha mẹ chúng ta lúc còn sống không có đạo đức hay sao? Thay vào đó, tại sao chúng ta không nghĩ là cha mẹ đã được sinh vào cõi trời, hay cõi Tây Phương Tịnh Độ Cực Lạc Quốc?
Trên khắp thế giới, nhiều tôn giáo tin rằng sau khi chết, đầu tiên ta sẽ bị phán xét về những gì đã làm trong kiếp trước. Niềm tin dân gian của Trung Hoa cho rằng sau khi chết, người ta bị đưa đến Diêm Vương để chịu xét xử. Tín đồ Thiên Chúa Giáo tin rằng sau khi chết, họ sẽ đến trước mặt Thượng Đế, và ngài sẽ quyết định xem họ sẽ được lên thiên đường hay phải xuống địa ngục. Tín đồ đạo Phật cũng tin vào sự xét xử sau khi chết. Điều khác biệt là chúng ta bị "xét xử", không phải do Phật, Bồ tát hay Diêm Vương, mà do chính nghiệp riêng của chúng ta. Những thiện nghiệp và ác nghiệp tích trữ từ những hành động trong quá khứ sẽ quyết định cõi giới tái sinh và những nhân duyên tái sinh như thế nào. Trong đạo Phật, hạnh phúc hay đau khổ của ta không do những bậc thần tiên quyết định, mà ở trong tay của chính chúng ta.
Chết rồi người ta đi về đâu? Một số người tin rằng cái chết là chương cuối cùng của một đời người và không còn có gì ở đàng sau nữa, đừng nói là có tái sinh. Đối với những người này, cuộc đời là ngắn ngủi và mong manh. Bởi vì có quan niệm về cái chết như vậy, họ nhìn đời trong sự nghi hoặc và sợ hãi, một số chỉ biết buông thả trong những thú vui khi họ còn sống. Một số sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả phạm tội giết người cướp của, để thỏa mãn những mục tiêu cá nhân của họ. Quan niệm như thế về cuộc đời là bác bỏ luật nhân quả, thật hời hợt và đáng sợ, chính là tà kiến vậy.
Tuy rằng tín đồ Thiên Chúa Giáo khác tín đồ Phật giáo trên quan điểm về sự xét xử như thế nào, họ cũng tin nơi sự hiện hữu của thiên đường và địa ngục, và có đời sống sau khi chết. Theo đạo Phật, sau khi chết ta sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi luân hồi. Cổ đức có nói rằng người ta có thể đoán biết cõi nào một người sẽ tái sinh bằng cách xem xét xác thân của người ấy. Khi một người chết, nếu hai chân là nơi đầu tiên lạnh và đỉnh đầu là nơi cuối cùng còn ấm, người quá cố đã đạt được quả giác ngộ. Nếu đôi mắt là phần cuối cùng còn ấm, có nghĩa là thần thức đã đi qua qua đôi mắt để tái sinh lên cõi trời. Nếu tim là nơi cuối cùng còn ấm, người quá cố sẽ được tái sinh lại trong cõi người. Nếu bụng là nơi cuối cùng còn ấm, người quá cố phải rơi vào cõi ngạ quỷ. Nếu hai đầu gối là nơi cuối cùng còn ấm, người chết sẽ bị đầu thai vào kiếp thú vật. Nếu hai chân là phần cuối cùng còn ấm, người chết sẽ bị đọa vào địa ngục.
Đâu là cõi giới chúng ta sẽ tái sinh vào? Điều này được quyết định như thế nào? Sự tái sinh của chúng ta tuỳ thuộc vào trữ nghiệp thiện hay ác của những hành động trong quá khứ. Kinh Phật có nhắc nhở chúng ta rằng: "Nếu muốn biết kiếp sống tương lai, chỉ cần nhìn lại kiếp sống hiện tại của mình." Có ba loại nghiệp lực quyết định cõi giới và nhân duyên cho sự tái sinh trong kiếp sau của ta. Ba nghiệp lực ấy được hình thành bởi:
1- Trọng lượng của nghiệp
Nghiệp ảnh hưởng đến kiếp sau của chúng ta như thế nào có thể ví như cách làm việc của một người kiểm toán ngân hàng xem xét các tài khoản của khách hàng; người nào nợ nhiều tiền nhất sẽ bị đòi trước hết. Khi một người chết đi, trọng lượng trung bình tương đối giữa thiện và ác nghiệp sẽ quyết định người ấy tái sinh vào nơi nào. Một người đã làm nhiều điều lành sẽ được tái sinh vào ba cõi luân hồi trên, trong khi người nào có nhiều ác nghiệp sẽ bị đầu thai vào một trong ba cõi luân hồi dưới. Nguyên tắc căn bản đàng sau điều này là: "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác."
2- Thói quen
Thói quen của một người có thể ảnh hưởng đến sự tái sinh của họ. Ví dụ, người nào có thói quen niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà, nếu người ấy bị tai nạn chết đi, và nếu hồng danh Đức Phật A Di Đà được gợi lên rõ ràng trong tâm trí người ấy lúc chết, thì sự nhất quán tập trung này sẽ đưa người ấy được sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ Cực Lạc Quốc.
3- Tư tưởng
Sự tái sinh của một người có liên hệ mật thiết đến những tư tưởng hàng ngày của người ấy. Nếu người ấy nhất mực tu hành theo đạo Phật, họ sẽ được tái sinh vào cõi Tịnh Độ. Nếu người ấy thực lòng ước nguyện sanh vào cõi trời và tu tập theo đó, họ sẽ được tái sinh vào cõi trời. Như thế, trong sự tu tập hàng ngày của ta, giữ tâm tỉnh giác là điều chính yếu.
Dù cho đó là trọng lượng của nghiệp, sức mạnh của thói quen, hay năng lực của tư tưởng dẫn dắt chúng ta đến kiếp sau như thế nào, ta phải luôn luôn nghĩ những điều lành, thực hành những điều tốt, và không làm những điều tổn hại. Như thế, ta sẽ không cần phải sợ hãi sự phán xét cuối cùng hay cái chết đến.
Đại sư Tinh Vân
(Diệu Huyền dịch)