Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Thiên Chú Giáo gọi là thiên đàng, Phật Giáo gọi là cõi trời. Nhân duyên và phước báo của Cõi trời là như sau: do phước báo bố thí và thiền định, nên cõi trời có chánh báo và y báo tốt như cảnh vật tươi đẹp, hưởng thọ vui sướng, căn thân đẹp đẽ, thọ mạng lâu dài, đặng phép thần thông, dạo đi tự tại, y phục sung mãn, du hí đủ bày, thức ăn trăm thứ, tự nhiên thọ dụng, đủ điều khoái lạc, không có những sự khổ như ở nhân gian. Các phước báu trong cõi đó, tuy là mỹ mãn như thế nhưng còn thuộc về hữu lậu, có hư có mất, không có chắc chắn, đó chính là sự vô thường, tướng vô định… Thế nên dẫu có sống đến mấy ngàn năm đi nữa, cũng không khỏi con ma sanh tử lôi kéo để đọa lạc.

Kinh Tăng chi dạy: Nữ nhân mạng chung được sanh lên trời và tự tại trong ba địa hạt (nhan sắc, âm thanh và lạc thọ) là do vị ấy có tám điều như:

  1. Tận tâm thương quý gia đình
  2. Tôn trọng sư trưởng và thân quyến
  3. Hết lòng quán xuyến việc nhà
  4. Đối xử thích hợp với người giúp việc
  5. Kỹ càng bảo quản tài sản
  6. Quy y Tam bảo
  7. Giữ năm giới
  8. Hoan hỉ bố thí.

  Thường ta nghe nói hiện tiền giữ 10 giới thì khi mạng chung được sanh lên cõi trời. Tròn năm giới thì được làm người. Nhưng ở đây kinh Tăng Chi chỉ ra giữ năm giới cũng được sanh lên trời và tự tại trong ba địa hạt (nhan sắc, âm thanh và lạc thọ) là nhờ công đức tròn bổn phận của mình đối với gia đình và xung quanh.

 Như vậy, thật ra ở cương vị nào cũng được, chỉ cần thiện chí, có trí tuệ tháo vác đãm đang, mong đem an vui cho người, không cầu tư lợi. Cử chỉ săn sóc, ánh mắt ưu ái, lời nói ân cần, hoà nhã lịch sự, siêng năng phụng sự xung quanh là nhân thiết yếu để sanh thiên.

Những chúng sanh hưởng thụ cảnh giới tốt hơn người gọi là trời. Có ba cõi trời:

  1. Có những loài trời còn nghĩ ít nhiều đến sự ái ân dục lạc thì gọi là loài trời Dục giới.
  2. Có những loài trời thoát ly ngũ dục nhưng còn sắc thân thì gọi là loài trời Sắc giới.
  3. Còn thoát ly ngũ dục và không còn sắc thân thì gọi là loài trời Vô Sắc giới.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm[1] dạy rằng:

I/ Dục Giới Thiên (có 6 cõi trời Dục giới)

  1. Tứ Thiên Vương: vẫn ái ân với vợ hoặc chồng nhưng không tà hạnh, tâm sáng suốt, mạng chung sống gần mặt trời và mặt trăng.
  2. Đao Lợi Thiên: ít ái ân với vợ hoặc chồng và thường tịnh cư, tâm sáng suốt, mạng chung vượt lên mặt trời và mặt trăng, ở trên chóp nhân gian.
  3. Tu Diêm Ma Thiên: ít nhớ nghĩ việc ái ân, sống động ít, tĩnh nhiều, tâm sáng suốt, sáng rỡ ở cõi hư không mà ánh sáng mặt trời và mặt trăng không soi đến được.
  4. Đâu suất đà thiên: lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc vẫn bị chi phối, mạng chung sanh lên chỗ tinh vi, những hoại kiếp và tam tai của nhân thiên cõi dưới không đến được.
  5. Lạc biến hoá thiên: không còn ân ái dù có phải đáp ứng, nhưng thấy vô vị như ăn sáp. Mệnh chung sanh vào cảnh biến hóa.
  6. Tha hóa tự tại: không có tâm thế gian, chỉ đồng với thế gian mà làm ngũ dục, khởi tâm chán bỏ (chánh nhân khiến lên vô sắc giới). Mạng chung vượt lên những cảnh biến hoá và không biến hoá.

Sáu cõi trời như thế hình thức tuy khỏi động, nhưng tâm tính còn dính dấp ngũ dục. Từ các cõi trời ấy trở xuống gọi là Dục giới.

Trong Nhị khoá hiệp giải và Thắng pháp tập yếu luận nói rằng: tuổi thọ của cõi trời bằng mấy trăm ngàn tỷ năm cõi người.

Cõi Lục Dục thiên này cùng với các loài người, súc sanh, quỷ, địa ngục… là ở trong Dục giới.

II/ Sắc giới: các trời này thoát ly ngũ dục thường ở trong định, không dính dáng với trần cảnh, song chưa hết cái lụy hình hài nên gọi là sắc giới. Có 18 loài trời như

  1. Trời Phạm chúng
  2. Trời Phạm Phụ
  3. Trời Đại Phạm -> Sơ Thiền (ly sinh hỉ lạc địa)
  4. Trời Thiểu Quang
  5. Trời Vô Lượng
  6. Trời Quang Âm ->Nhị Thiền (Định sinh hỉ lạc địa)
  7. Trời Thiểu Tịnh
  8. Trời Vô Lượng
  9. Trời Biến Tịnh -> Tam Thiền (Ly hỉ diệu lạc địa)
  10. Trời Phúc Sinh
  11. Trời Phúc Ái
  12. Trời Quảng Quả
  13. Trời Vô Tưởng
  14. Trời Vô Phiền
  15. Trời Vô Nhiệt
  16. Trời Thiện Kiến
  17. Trời Thiện Hiện
  18. Trời Sắc Cứu cánh -> Tứ thiền (Xả niệm thanh tịnh địa)

Theo dòng vận hành của tâm, nếu xả bỏ tham sân si, mạn, tà kiến (10 triền, 10 sử)[2], thay vào đó cho hiện khởi hỉ, định, lạc xả thì tùy khả năng tâm đạt, tùy sức mạnh điều ngự tâm của mình mà có cảnh giới khác. Như pha ly cafê sữa vậy, tùy sữa nhiều hay ít mà màu cafe thành lạt hay đậm.

III/ Trời Vô Sắc: không có sắc pháp ở trong và ngoài nên gọi vô sắc.

  1. Trời Không Vô Biên Xứ
  2. Trời Thức Vô Biên Xứ
  3. Trời Vô Sở Hữu Xứ
  4. Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ

Thắng Pháp Tập Yếu luận cũng trình bày khá đặc biệt về kiết sanh thức hay kiết sanh tâm liên hệ giữa đời này và đời sau của nhiều cảnh giới từ địa ngục cho đến cõi cao nhất của vô sắc giới. Như kiết sanh thức có bốn loại:

  1. Ác thú (địa ngục, ngạ quỷ và bàng sanh) kiết sanh thức
  2. Dục giới thiên sanh thức
  3. Sắc giới thiên sanh thức
  4. Vô sắc giới thiên sanh thức.

Ở các cõi trời này do phước báo, nên y báo và chánh báo đều tốt hơn cõi người, nhưng phải biết sau một thời gian thọ mạng dài lâu huởng thú vui, nghĩa là sáu căn bị gây mê tham luyến các dục (dục giới), an hưởng trạng thái thiền vị an lạc của thiền (sắc giới và vô sắc giới) trụ vào tư thực[3] kéo dài mạng sống, số đông chết đều đọa ác thú. Nên chư Phật thường thành đạo ở cõi người và khuyên đệ tử coi cõi trời là hiểm nạn, chướng ngại cho sự giải thoát, không nên cầu về.

 (Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)

 

 

[1] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Tâm Minh dịch, Nhà Xuất Bản TP HCM, 1999, tr. 721-49.

[2] 10 triền: Phẩn, phú, hôn trầm, thụy miên, hỷ du, trạo cử, vô tàm, vô quý, khan và tật đố.

10 Sử: 5 Độn sử: Tham, sân, si, mạn và nghi; 5 Lợi sử: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, giới thủ và kiến thủ.

10 sử làm thể. 10 triền làm nghiệp dụng khiến chúng ta mê muội buộc ràng ở sanh tử, không lúc nào buông tha.

Bốn sử tham, sân, si, mạn đều chấp lấy sự vật giữa thế gian và khởi ra những quan niệm vọng hoặc của tham, sân, si và mạn. Tánh phận của nó trì độn nên gọi là độn sử.

Còn nghi sử là đối với chân lý của tứ đế mà sanh ra điều vọng hoặc này, tánh do dự không quyết định, không nhuệ khí nên đồng loại tham, sân, si, mạn là ngũ độn sử.

[3] Bốn cách ăn:

  1. Đoàn thực cũng kêu đọan thực: nghĩa là ăn bằng cách từ miếng, từ phần, từ đoạn và dùng ba trần là hương (hơi hám, mùi hôi), vị (ngọt, lạt) và xúc (chạm vào thức ăn hay hương thơm). Lấy ba cái này làm thể và lấy biến đổi tiêu hoại làm tướng. Đây là cách ăn của trời, người và súc sanh.
  2. Xúc thực: lấy tâm sở tương ưng của sáu thức, tiếp xúc với cảnh vừa thích ý của ý, năm căn thoả thuận, vui sướng làm cách ăn. Đây là cách ăn của quỷ thần.
  3. Tư thực: lấy tư tâm sở hữu lậu của ý thức để chuyên tinh nghĩ nhớ (tư) chuyển thành cảnh thắng diệu thiền, giúp ích thân mạng của trời sắc giới, liên miên tư tưởng mãi chẳng dứt, tức là cõi trời sắc giới lấy thiền duyệt làm thức ăn.

Ví dụ thấy me chua, miệng chảy nước miếng để đỡ khát nước. Treo bánh để thấy mà đỡ đói bụng, cũng là cách ăn bằng cách nghĩ nhớ.

  1. Thức thực: thức thứ tám nối nhau giữ căn thân khiến chẳng rã hoại. Thức này cả bốn thánh sáu phàm đều chung đủ, chỉ có khác với nhau là mê và ngộ. Thánh nhân thì thức tánh đã giác ngộ viên mãn, vốn sẵn trong sáng gọi là Như lai tạng thức, vì nó duy trì tất cả công đức có tánh vô lậu: Phi có, phi không; phi trụ, phi chẳng trụ; đây là cái ăn bằng cách vốn có công đức chẳng thể nghĩ bàn mà làm sanh trụ.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm