Tiên là một loài chúng sanh nửa trời và nửa người mà phim chưởng kiếm hiệp hay minh họa. Phật giáo hay nói đến sáu cõi: trời, a-tu-la, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục và cộng thêm cõi tiên là bảy cõi.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm[1] dạy có những chúng sanh từ loài người, không tu theo giới định tuệ mà tu theo vọng niệm. Do họ vọng tưởng luân hồi lưu chuyển để củng cố hình hài vào trong rừng núi, ăn trái cây sống, hoặc trên đảo giữa bể, tâm tĩnh lặng luyện thân, không vướng vào những vinh nhục thế gian, nên thành mười thứ tiên sống lâu ngàn vạn tuổi. Nhưng cuối cùng rồi tiên cũng chết, vì không tránh được quy luật sống chết.
Ở đây cho thấy tư tưởng, có thể thay đổi lối sống bình thường của con người, kéo dài sự sống đến một thời gian rất lâu. Những phim chưởng kiếm hiệp của Trung Hoa, Đại hàn, vv… xuất phát từ nguồn gốc đạo tiên này rất nhiều.
Có 10 loại tiên:
- Có loại chúng sanh dùng đồ bổ không dừng nghỉ, kiên cố và đạo ăn thành tựu thành Địa hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng cỏ cây không dừng nghỉ, kiên cố và đạo thuốc thành tựu thành Phi hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng kim thạch không dừng nghỉ, kiên cố và hóa chất thành tựu thành Du hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng luyện những động tác không dừng nghỉ, kiên cố và đạo khí tinh thành tựu thành Không hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng nước bọt không dừng nghỉ, kiên cố và đạo nhuận đức thành tựu thành Thiên hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng tinh hoa không dừng nghỉ, kiên cố và đạo hấp thụ thành tựu thành Thông hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng phù chú không dừng nghỉ, kiên cố và đạo thuật pháp thành tựu thành Đạo hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng chú tâm chuyên niệm không dừng nghỉ, kiên cố và đạo chuyên niệm thành tựu thành Chiếu hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng quán về thủy hoả giao cấu không dừng nghỉ, kiên cố và đạo cảm ứng thành tựu thành Tinh hành tiên.
- Có loại chúng sanh dùng tập luyện biến hoá không dừng nghỉ, kiên cố và đạo biến hoá thành tựu thành Tuyệt hành tiên.
(Vòng Luân Hồi, Thích Nữ Giới Hương, NXB Hồng Đức, Tái bản lần thứ 5: 2018)
[1] Nt, tr. 715-19.