Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Trời sanh hai lỗ tai để nghe, hai con mắt để nhìn, hai lỗ mũi để thở, thế mà chỉ sanh có một lỗ miệng, lại bắt kiêm nhiệm đến hai chức vụ là ăn và nói .
Do đó, Xưa kia có một anh chàng thường chê hoá công không công , mà cũng không tuyệt xảo . Một hôm anh chàng mua được một xâu nem chua đem về nhà, rồi xách chai đi mua rượu, định sẽ rủ vài ba ông bạn để đánh chén mua vui. Nhưng khi mua rượu về thì không thấy xâu nem bèn hỏi chị vợ. Vợ Đáp:
- Nem mới chua, ngon quá, nên vui miệng em ăn hết rồi.
Nói đoạn kéo chồng ra chỉ đống lá. Anh chàng tức mình nện vợ một tát. Chị vợ liền nổi tam bành lên .... Mà người đàn bà khi nổi tam bành lên thì, chao ôi, tất cả những giông tố ở trong lòng đều tuôn ra nơi cửa miệng. Anh chàng hãi hùng trốn mất, Sau đó anh ta giác ngộ rằng:
- Đấng tạo hoá thật là chí công chí minh. Chỉ có một lỗ miệng mà ăn đến thế ấy, nói như thế ấy, huống hồ cơ quan ăn, cơ quan nói mà cũng sanh cả cặp như cơ quan thấy, nghe, ngửi thì ai chịu nổi, ai sống nổi với chúng.
Lời nói của anh chàng kia thật chí lý thay !
Cho nên từ xưa đến nay ai cũng sợ lỗ miệng. Nói sợ lỗ miệng thì không đúng lắm. Phải nói là ai cũng sợ "khả năng chuyên môn " của cơ quan ấy, nghĩa là sợ việc ăn và việc nói, tức là sự đưa vô, đưa ra của lỗ miệng.
Hai việc đều đáng sợ, nhưng sự đưa vô, tức là ăn không dễ sợ bằng sự đưa ra, tức là nói. Bởi vì có đói mới ăn được và có thức ăn mới có thể ăn. Không đói, không thức ăn, thì dù có tham ăn cho mấy cũng không ăn được. Đến việc nói, thì không nói có, có nói không, muốn hại ai thì đặt đủ điều để vu cáo, muốn bưng bợ ai thì hòn chì cũng chuốt ngót cho thành bạc trắng đồng đen. Cụ Nguyễn Công Trứ có câu:
Lúc ghét dệt thêu ngay hoá vẹo,
Khi thương tô điểm méo nên tròn.
Thật là dễ sợ !
Vì sợ lời nói làm hại cho bản thân, làm hại cho kẻ khác, nên cố nhân rất thận trọng lời nói. Để giới ngôn, người nước Lỗ đúc một pho tượng bằng đồng cao gần một trượng, lỗ miệng khoá ba ống khóa. Người nước Tề sang thấy, không hiểu ý nghĩa ra sao mới tìm người mà hỏi, nhưng không ai chịu nói rõ . Sau cùng gặp một ông lão bảo cho biết rằng:
- Bức tượng ấy cụ thể hóa câu cách ngôn " tam giam kỳ khẩu " nghĩa là " lỗ miệng khoá ba khóa ".
Người nước Tề lại hỏi :
- Tại sao lại khoá đến ba khóa ?
Ông lão đáp :
- Nếu chỉ khoá một thì khóa ở nơi nào ? Khóa ở nơi mép bên hữu ư ? Thì giữa miệng và mép bên tả hở . Khóa ở mép bên tả ư ? Thì giữa miệng và mép bên hữa hở . Khoá ở giữa miệng ư ? Thì hai bên mép hở . Khóa một thì hở hai nơi . Khóa hai thì còn hở một. Mà miệng đã hở ít hay hở nhiều gì cũng đều có hại. Muốn thật kín thì phải khóa ba khóa vậy .
Giữ mồm giữ mép đến thế thật là triệt để .
Xem những sự tích xưa còn để lại thì chúng ta thấy rằng người đời xưa cũng như đời nay đều thích nói , và thích nói nhiều.
Nói, mục đích để truyền sang người ý muốn của mình. Như vậy cần chi phải nói nhiều cho hao hơi, mà chỉ tìm cách nói làm sao cho lời nói của mình lọt vào tai người nghe là đạt được mục đích. Như cách nói của Trần Tử Ngang sau đây là một
Trần Tử Ngang là một thi nhân đời Đường. Thơ của Trần làm rất nhiều và rất hay, nhưng ít người biết đến.
Năm Vĩnh Thuần (682) đời Vua Đường Cao Tôn, Trần đem thi phẩm của mình ra Kinh Đô, nhưng tìm mãi không được người giới thiệu. Một hôm ra chợ thấy một người bán một cây Hồ Cầm mà giá đòi đến một vạn quan tiền. Ai nấy đều ngơ ngác hỏi nhau ; " Đàn này quý ở chỗ nào mà giá đắt đến thế ? " . Một người giàu nhất kinh đô nghe đồn đến xem, nhưng không dám mua. Trần không mặc cả, dốc túi bỏ ngay vạn quan, mua cây đàn. Thiên hạ xúm lại hỏi duyên cớ. Trần đáp :
- Đó là một vật quý nhất đời . Nhưng nay tôi có việc gấp phải đi. Nếu ai muốn biết thì ngày mai đến nơi tôi trú ngụ ở xóm Tuyên Dương, tôi sẽ giải thích rõ .
Sáng hôm sau, thiên hạ kéo đến nhà trọ của Trần đông như hội. Rượu thịt đãi khách đã bày sẵn. Khi chén đã cạn, Trần nâng cây đàn lên nói rằng:
- Tôi là Trần Tử Ngang, quê ở Tứ Xuyên, có hơn một trăm bài thơ đưa đến Kinh đô mà chẳng ai biết cho. Còn cây đàn Hồ Cầm này là một vật nhỏ mọn thì xúm nhau lại xem ! Than ôi ! Chốn văn vật này, ngờ đâu không một ai biết người biết của !
Nói xong đập cây đàn vỡ tan, rồi lấy thơ mình ra phân phát cho mọi người. Chỉ trong một ngày, những bài thơ của Trần Tử Ngang phát ra đã truyền tụng khắp đây đó . Quan Tư Không Vương Thích nức nở khen rằng văn chương đáng đứng đầu thiên hạ .
Năm ấy, Trần đi thi đỗ tiến sĩ, làm chức Tả Thập di.
Được ít lâu, vua Cao Tôn băng hà, Vũ Hậu chấp chính. Trần được thăng Lân Đài Chính sự. Vũ Hậu giết hại Tôn thất, làm nhiều điều dâm loạn, không ai dám hé môi, chỉ có Trần dâng sớ can gián, lời lẽ chính đáng, được Vũ Hậu nghe theo.
Nói cho nghe theo, chẳng những lời nói phải khéo léo, cách nói phải hoà nhã, mà còn phải nhắm đối tượng. Đức Khổng Tử dạy rằng :
- Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã. Trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã .
Nghĩa là: từ bậc trung trở lên thì có thể dùng lời cao mà nói. Từ bậc trung trở xuống thì không thể dùng lời nói cao mà nói được.
Các nhà du thuyết mà thành công là nhờ biết rõ đối tượng. Lôi cuốn được nhiều người theo, từ xưa đến nay cũng phải chịu Trương Nghi và Tô Tần thời Chiến Quốc. Nhưng đó là hai nhà du thuyết chuyên nghiệp, nói giỏi là lẽ tất nhiên. Có nhiều người, thỉnh thoảng mới nói, mà nói rất ít, mà lời nói có hiệu quả hơn trăm nghìn lời đại hải tràng giang. Như Dĩnh Khảo Thúc.
Dĩnh Khảo Thúc là người nước Trịnh thời Chiến Quốc.
Vua nước Trịnh là Trang Công vì mẹ làm chuyện phạm pháp quá đáng, bắt đày đi xa và ông thề rằng:
- Bất cập hoàng tuyền vô tương kiến dã .
Nghĩa là " Không xuống suối vàng thì không cùng thấy mặt ".
Đình thần nhiều người khuyên can, nhưng nhà vua nhất định không đổi ý, lại ra lệnh rằng hễ ai còn đề cập đến việc ấy nữa thì sẽ bị tử hình. Ai nấy đều sợ .
Dĩnh Khảo Thúc nghe tin, bắt một con chim vào dâng cho Trang Công. Nhà vua hỏi chim gì. Tâu rằng:
- Đó là giống chim bất hiếu. Lúc nhỏ mẹ tha mồi nuôi cho đến lớn. Lớn lên bắt mẹ ăn thịt. Vì vậy người đời rất ghét, hễ bắt được nhất thiết không tha .
Kịp người đầu bếp dâng thịt dê. Nhà vua lấy một miếng ban cho Dĩnh Thúc. Dĩnh Thúc bái lĩnh, nhưng không ăn, lấy lá gói kỹ cất vào tay áo. Nhà vua lấy làm lạ hỏi. Tâu rằng:
- Tôi còn mẹ già, từ bé chưa bao giờ được ăn món ngon, nên tôi nhịn để về dâng cho mẹ .
Nhà vua cảm động nói:
- Ngươi thật có phước còn mẹ để nuôi. Ta đây không có mẹ !
Dĩnh Thúc giả bộ thất kinh:
- Đại Vương nói gì lạ thế ? Thái hậu vẫn còn sức khoẻ kia mà ?
Trang Công ứa nước mắt, thuật lại chuyện mẹ con bất hòa và lời thề đã lỡ thốt. Dĩnh Thúc tâu:
- Nếu Đại Vương còn thương tưỏng đến Thái Hậu thì phá lời thề ấy có khó gì. Đại Vương cho đào một hầm thật sâu ở dưới đất, rước Thái hậu xuống trước, rồi Đại Vương sẽ xuống hội kiến và rước Thái Hậu về.
Nhà vua cả mừng, làm theo lời Dĩnh Thúc. Mẹ con gặp gỡ ôm nhau mà khóc, bao nhiêu buồn giận đều theo nước mắt mà tan.
Rước Thái Hậu về cung, Trang Công nói cùng Dĩnh Khảo Thúc:
- Nếu không có nhà người chỉ bảo thì ta có khác gì giống chim.
Liền phong tước lộc cho Dĩnh Thúc và cho làm quan tại triều.
Dĩnh Thúc thành công là nhờ biết rõ tâm lý của Trang Công: Giận mẹ nhưng vẫn thương mẹ. Cho nên trước lấy sự bất hiếu của loài chim làm cho nhà vua nhột ý, sau mới đem lòng hiếu thảo của chính mình ra để làm cho nhà vua động lòng, rồi mới đi vào sự việc một cách êm nhẹ . Đó là cách dùng mây để tả trăng vậy.
Chắc có bạn hỏi:
- Ở nước ta xưa nay có người biết nói , nghĩa là nói ít mà gây ảnh hưởng nhiều, như Trần Tử Ngang, Dĩnh Khảo Thúc, chăng?
Thưa không hiếm.
Tôi xin chứng minh bằng một câu chuyện xảy ra thời Pháp thuộc, mà nhân vật trong câu chuyện là cụ Phan Sào Nam.
Cụ Phan bị thực dân Pháp bắt về an trí tại Huế. Cụ có một chiếc thuyền thường neo dưới gốc cây sung nơi bến Ngự .
Một hôm người đi đường thấy thuyền của cụ treo ở trên cây, ai nấy đều lấy làm lạ. Có người làm dạn vào hỏi nguyên nhân. Cụ đáp:
- Nước mất thì thuyền phải treo.
Câu chuyện không mấy chốc mà truyền khắp Thần kinh và rồi lan dần vào Nam ra Bắc. Hai tiếng " nước mất " lập đi lập lại trên đầu môi người này sang người khác và gây ảnh hưởng không ít trong lòng người dân còn biết đến cái nhục bị mất nước, phải chịu làm nô lệ cho ngoại bang.
Thật là lời ít mà ý nhiều, có hiệu quả gấp trăm nghìn lời tuyên truyền dài từng xâu chữ.
Nói nhiều, không phải lúc nào cũng đều không tốt. Nói mà lợi dân lợi nước như cụ Sào Nam, nói mà nên nghĩa nên nhân như Dĩnh Khảo Thúc ..., thì nói mấy lại không được. Ngặt lời nói " té vàng té bạc " thì ít, còn những lời nói " sạt xương mông " thì lại nhiều. Cho nên Thánh Hiền luôn luôn khuyên người đời phải cẩn ngôn, tức là thận trọng lời nói. Cổ nhân ít nói là vì hổ rằng mình không kịp người, hoặc sợ nói ra rủi làm không được thì xấu hổ.
Tây phương có câu : " Lời nói là bạc, sự im lặng là vàng ". Lại có câu : " Nếu xét lời nói có ích lợi hơn sự im lặng thì hãy nói ". Thật là những lời quý hơn vàng.
Nhưng im lặng là im lặng nhằm lúc, chớ đừng im lặng như kiểu cậu bé trong Rừng Cười của ta:
Cậu bé thường nghe cha mẹ dạy :
- Không ai hỏi thì không nên nói.
Cậu vâng lời.
Một hôm đứa em bé té xuống giếng, cậu trông thấy nhưng cứ im lặng. Bà mẹ không thấy con chạy kiếm. Kiếm không ra mới hỏi cậu bé. Cậu bé đáp:
- Em rớt xuống giếng rồi .
Bà mẹ giận quá đánh cho mấy tát tai. Cậu bé vừa khóc vừa nói:
- Đã dặn người ta hễ không ai hỏi thì không nên nói. Người ta nghe lời, không nói, lại đánh người ta!
Đó, trong những trường hợp như thế đó, sự im lặng đâu có phải là vàng ?
Cho nên sự im lặng cũng như lời nói, có giá trị hay không là do sự biết nói, biết im lặng. Nên nói hay nên im lặng là tùy theo chuyện, tùy theo lúc, tùy theo nơi. Nhưng dù phải nơi, đúng lúc, nhằm chuyện đi nữa, nói ít vẫn hơn. Mà ít đây là lời nói, chớ ý thì không nên ít vậy.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm